Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thầy Phú sai rồi

Phạm Hồng Sơn

Dù chưa một lần gặp mặt, cũng chưa bao giờ được tiếp xúc, nhưng từ lâu tôi đã âm thầm coi nhà báo Nguyễn Vạn Phú – hiện đang giữ một vị trí quan trọng tại một trong vài tờ báo của chính quyền còn đáng đọc, đáng trọng – là thầy tôi. 

Trước tiên là thầy về Anh ngữ. Tôi vẫn giữ nguyên một tập những trang photo đã ngả vàng các bài trong chuyên mục “Câu lạc bộ tiếng Anh” hay “Tiếng Anh trong kinh doanh” của nhiều số Đầu tư cách đây trên 15 năm, do thầy Phú đảm trách. Tôi vẫn thường theo rõi để học nhiều kiến thức bổ ích, tăng cường thêm lối tư duy logic, khách quan và công bằng từ thầy Phú, trên blog của thầy hay bất kỳ đâu tôi gặp.



Nhưng hôm nay tôi không đồng ý với ý kiến phản ứng cực nhanh (1) của thầy Phú trước sự kiện có 99,59% số đại biểu có mặt, tức 97,59% tổng số các đại biểu “quốc hội”, bấm nút tán thành dự thảo sửa đổi hiến pháp. Trong đó thầy Phú tỉ mỉ đưa ra nhiều cứ liệu xác đáng để thầy xoáy vào sự kiện có nhiều đại biểu “Quốc hội Việt Nam” đã thay đổi ý kiến rất nhanh từ “chống” sang “ủng hộ” dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi năm 2001). Ai đọc cũng cảm thấy sự sấp ngửa quan điểm như thế là một khó hiểu – đáng ngạc nhiên, đáng trách.

Theo tôi, nếu thầy Phú ngạc nhiên thật hoặc thầy muốn làm cho người khác phải ngạc nhiên về sự sấp ngửa đó thì hoàn toàn phi logic.

Không logic là vì, đa phần các đảng viên (cộng sản) trí thức đã về hưu, đã “hạ cánh an toàn”, đã “thất thập cổ lai hi”, đã “yên bề gia thất”, đã lên tiếng phản đối công khai dự thảo hiến pháp, vẫn còn giữ nguyên tấm thẻ đảng đỏ chói thì làm sao những đại biểu quốc hội – những đảng viên cộng sản còn rất sung sức, còn dang dở với bao quyền lợi, bổng lộc, công việc, trách nhiệm với Đảng Cộng sản Việt Nam lại dám bấm một nút đồng nghĩa với... chống Đảng.

Người ở dưới gốc còn run thì sao nỡ trách kẻ vẫn đang trên ngọn?○

(1)   Ý kiến này đăng trên trang Facebook của nhà báo Nguyễn Vạn Phú và đăng lại trên nhiều trang mạng, trong đó có Dân Luận:

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú: Ủa, sao lạ vậy. Theo báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới đây (ghi ngày 17-10-2013) tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì:
- Có 88/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 nêu rõ các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần kinh tế như đã ghi trong Cương lĩnh;
- Có 145/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 2 quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước;
- Có 158/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 3 quy định khái quát mà không quy định cụ thể vai trò của thành phần kinh tế để vừa thể hiện được nội dung Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất và cách thể hiện của Hiến pháp.
Nói cách khác, khi được hỏi ý kiến (ghi phiếu đàng hoàng à nghe) thì đa số đại biểu nói là không nên quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Nhưng nay khi bỏ phiếu thông qua Hiến pháp thì gần như tất cả đều đồng ý với nội dung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Cái này chưa hiểu vì sao 158 vị này thay đổi ý kiến nhanh thế?
Cuối năm tôi thường đọc lướt qua chồng báo của cả năm để cảm nhận được những vấn đề chính của năm đó. Thật bất ngờ khi đọc lại thấy tin lớn nhất của tuần lễ đầu tiên của năm 2013 là gì, các bạn biết không? Đó là dự thảo Hiến pháp mới nhất (lúc đó) không còn quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nữa.
Vì sao đến cuối năm lúc Hiến pháp sắp sửa được thông qua người ta lại quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Đó là câu chuyện hấp dẫn của năm nay mà có lẽ vài ba năm nữa mới được tiết lộ đầy đủ.
Vấn đề là bây giờ dường như mọi người không còn quan tâm nữa. Ai ưa nói gì thì nói. Chẳng hạn một ông “chuyên gia kinh tế” nói như thế này mà cũng chẳng có ai thèm phản ứng mảy may: “Về nội hàm thống kê nhà nước, Kinh tế nhà nước bao gồm:…. các đơn vị tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội như Đảng Cộng sản VN, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc; Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như: Liên minh HTX, Hội nhà văn, Hội điện ảnh, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội nhà báo, Hội sân khấu, Hội luật gia...”
Hì hì. Đúng là ai ưa nói gì thì nói. Và có lẽ cũng không ai quan tâm ông “chuyên gia kinh tế” này là ai nữa.
Thêm nữa: Trong số 25 thành viên Chính phủ được lấy ý kiến về một số vấn đề của Hiến pháp (các thành viên này đồng thời là đại biểu Quốc hội, có tên tuổi đầy đủ) thì:
-24/25 vị không đồng ý quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Nay cả 24 vị này đều đổi ý.
-12/25 vị không nhất trí với quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế và đề nghị chỉ thu hồi đất “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Nay 12 vị này cũng đổi ý luôn.
Đây là tài liệu công khai trên trang duthaoonline.quochoi.vn chứ không có gì gọi là nhạy cảm cả nhé. (hết trích)


Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Mai Thị Dung là ai? – Quiet sacrifice

(Bilingual)

Phạm Hồng Sơn

Bà Mai Thị Dung, người An Giang, 44 tuổi, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, chưa bao giờ là một người có tiếng. Bà Dung đang ở tù bước sang năm thứ chín (09) trong bản án tù 11 năm chỉ vì bà không muốn hành đạo Phật và làm việc thiện theo sự bày đặt của chính quyền. Hơn tám năm ở tù cùng chứng bệnh ở gan mật và tim, bà Dung vẫn nhất nhất không chịu nghe lời cán bộ trại “nhận tội, thành khẩn hối cải” để được Nhà nước “khoan hồng” cho về sớm hay ưu ái hơn trong việc chữa bệnh. Tháng trước, bà Dung còn bị chuyển trại, từ Xuân Lộc ra tận Hà Nội, nơi có lăng “Bác”, có cái nóng lạnh khắc nghiệt hơn hẳn miền Nam và xa nhà thêm hơn nghìn cây số.

Chồng bà Dung, ông Võ Hoàng Bửu, một tù nhân lương tâm, mới mãn 07 năm tù vào năm ngoái, đã nói riêng với người bạn nỗi lo của ông sau khi thấy bà Dung suy sụp hẳn trong lần thăm gặp hôm 19/11, bà Dung không tự đi lại được, da xạm đi, nói không ra tiếng. Ông lo: “Chắc Dung không kịp trở về.”

Ông Bửu lo là đúng vì “sinh có hạn tử bất kỳ” mà lần thăm gặp vừa rồi bà Dung vẫn nói với chồng: “Thà chết thôi, chứ không nhận tội đâu.”

 “Sĩ khả sát bất khả nhục”.

Nhưng bà Dung không phải “Sĩ”. Bà chỉ là nông dân thường đi cắt lúa thuê, có hai con và một chồng.○

Quiet sacrifice

Pham Hong Son

Mai Thi Dzung, 44, a Vietnamese southern peasant woman, who has been serving an 11-year-prison term since 2005 for her independent faith in Buddhism and social work, is facing a fatal risk. Over the past 8 years Dzung and her family repeatedly requested the authorities to provide her with adequate treatment and care for 8-year-long bile duct disease and heart trouble. However, not only was their request ignored she was also moved more than one thousand kilometers further to Hanoi where the weather is much harder. Dzung’s health has seriously deteriorated in Hanoi’s prison.

Recently Dzung’s husband, a newly released prisoner of conscience, got deeply worried about Dzung’s well-being after seeing her in prison a few days ago, he said to a friend of his: “Dzung could no longer walk on her own, speaking with difficulties and her skin looks darkened.” Buu went on plaintively: “She may not survive 3 more years to be released.”

Dzung’s husband is right. A chronic bile-duct disease combined with a heart problem without proper care may kill the patient anytime soon, not to mention Vietnam’s harsh prison conditions and commonly unfavorable treatment to invincible prisoners of conscience like Dzung, who has always denied guilt in spite of repeated pressure or temptations.

We would not have heard about Dzung had she died of poorly-cared sickness. But Dzung’s quietly probable death must be sacrifice to uphold human dignity. Human beings like Dzung must have believed this kind of death.○

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Tại sao và tại sao? - Something good in everything

(Bilingual)

Chính quyền Việt Nam đang hả hê vì vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc cho nhiệm kỳ 03 năm. Một chính quyền nổi tiếng về đàn áp nhân quyền lại được 184/192 quốc gia tán thành cho trở thành thành viên của một cơ quan quốc tế có sứ mệnh cổ xúy và bảo vệ nhân quyền. Tại sao?

Nhưng xét lại, bản thân chúng ta, những người đang bị tước mất nhân quyền, nhiều khi lại để quá nhiều sức lực và thời gian vào những thứ như tán chuyện tầm phào, đưa tin giật gân, buông thả xúc cảm, post ảnh người đẹp (cả nữ lẫn nam), câu view… Tất cả những điều này đều là nhân bản, không hoàn toàn xấu, không phải lúc nào cũng xấu hoặc hoàn toàn không xấu. Nhưng những thứ đó thật không nhiều ý nghĩa cho những nhân quyền cơ bản. Nhưng tại sao chúng ta không từ khước, hay không kiềm chế được tốt hơn, những thứ như thế, tại sao? ○

Something good in everything

The fact that Vietnam, dubbed by RSF an “internet enemy”, was just elected a 3-year-term member in the United Nations’ Human Rights Council may frustrate or depress many people. However, this fact also reminds us of the naked truth that everything, including the UNHRC, always changes or needs change. And human rights must rely on interested people’s effort first and human rights in Vietnam require much more effort from very Vietnamese people. So why do we sometimes spend much effort and time on trivial things like bickering, celebrities, cheap-instinct jokes, etc.?

If Vietnam’s membership in UNHRC helps us give up such temptations there would be a good thing in that bad thing.○



Nguồn/Source: Facebook Pham Hong Son

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Luật Hiến pháp và Chính trị học (20)

Xem các phần: (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19)

Nguyễn Văn Bông

CHƯƠNG IIINỀN ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA

Mục IV: QUYỀN TƯ PHÁP
Theo điều 76 Hiến pháp, quyền Tư pháp, độc lập được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và hành xử bởi các Thẩm phán xử án.
Đoạn 1: VẤN ĐỀ BẢO VỆ SỰ ĐỘC LẬP CỦA THẨM PHÁN XỬ ÁN
Một trong những đặc điểm của nhà lập hiến khi bàn về ngành Tư pháp là nâng Tư pháp ngang hàng hai công quyền Lập pháp và Hành pháp. Hiến pháp 1967 đã ghi Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp vào chung một điều khoản khi chấp thuận nguyên tắc phân nhiệm, phân quyền và điều hòa hoạt động, đồng thời minh thị xác nhận nguyên tắc thiết lập hai quy chế riêng cho hai ngành thẩm phán xử án và thẩm phán công tố.
Sự phân biệt hai ngạch này từ nay khoát hiến tính. Thẩm phán xử án quyết định theo lương tâm và pháp luật, dưới sự kiểm soát của Tối cao Pháp viện. Như thế Hành pháp không còn chi phối được ngành Tư pháp bằng cách hoán chuyển như giao chức vụ cho thẩm phán công tố sẵn sàng theo mệnh lệnh của chính phủ và đưa vào công tố viện những thẩm phán cương trực.
Hơn nữa, một Hội đồng Thẩm phán sẽ được thiết lập gồm các thẩm phán xử án do các thẩm phán bầu, có nhiệm vụ:

·         Đề nghị bổ nhiệm, thăng thưởng, thuyên chuyển và chế tài kỉ luật các thẩm phán xử án;
·         Cố vấn Tối cao Pháp viện về các vấn đề liên quan đến ngành Tư pháp.
Như vậy, với sự hiện diện của Hội đồng Thẩm phán, Hành pháp không còn có thể dùng sự thuyên chuyển hoặc thăng thưởng để uy hiếp hay mua chuộc thẩm phán.

Đoạn 2: TỐI CAO PHÁP VIỆN
Tối cao Pháp viện, cơ quan tài phán cao nhất, được ủy nhiệm quyền Tư pháp độc lập. Điều 80 Hiến pháp và Luật số 007/68 ngày 3-9-68 quy định sự tổ chức và điều hành Tối cao Pháp viện.
I. Thành phần
Tối cao Pháp viện gồm 15 Thẩm phán do Quốc hội tuyển chọn và Tổng thống bổ nhiệm căn cứ trên danh sách 30 người do cử tri đoàn gồm Thẩm phán xử án, công tố và Luật sư bầu ra.
Nhiệm kì của Thẩm phán Tối cao Pháp viện là 6 năm và cứ 3 năm sẽ bầu lại 6 hay 9 Thẩm phán mãn nhiệm kì. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, Tối cao Pháp viện chỉ gồm có 9 Thẩm phán, 6 người nữa sẽ được bầu 3 năm sau.
A. Các điều kiện ứng cử, bầu cử và tuyển chọn Thẩm phán Tối cao Pháp viện

1. Ứng cử
Các Thẩm phán xử án, công tố và các Luật sư hội đủ những điều kiện quy định trong điều 5 được quyền ứng tuyển Thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Có 6 điều kiện về quốc tịch, về thời gian hành nghề (10 năm), về tư cách (không bị án phạt về đại hình, tiểu hình, kỉ luật), về chính kiến và về tình trạng quân dịch.
Hồ sơ ứng tuyển phải nạp tại Hội đồng tổ chức bầu cử chậm nhất là 1 tháng trước ngày bầu cử. Hội đồng tổ chức bầu cử này do Chủ tịch Thượng Viện làm Chủ tịch gồm Chủ tịch Hạ Viện, 1 dân biểu, 1 nghị sĩ, 1 Thẩm phán xử án, 1 công tố và 1 Luật sư có nhiệm vụ tổ chức và giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử như cứu xét các đơn khiếu nại v.v… Hội đồng còn có thể quyết định với đa số 5/7 tổng số hội viên, hủy bỏ cuộc bầu cử nếu thấy có sự bất hợp lệ quan trọng làm sai lạc tính cách thành thật và kết quả bầu cử.
2. Bầu cử
Cử tri đoàn gồm 50 Thẩm phán xử án, 50 Thẩm phán công tố và 50 Luật sư được các đoàn thể của họ bầu ra theo thể thức liên danh đa số.
Các Thẩm phán Tối cao Pháp viện được bầu theo thể thức đơn danh, hợp tuyển, trực tiếp và kín.
Mỗi cử tri có quyền bầu tối đa 30 người (mỗi thành phần 10 ứng tuyển viên).
Ba mươi ứng tuyển viên theo tỉ lệ mỗi thành phần 1/3 – được nhiều phiếu nhất sẽ trúng cử ứng tuyển viên Thẩm phán Tối cao Pháp viện.
3. Tuyển chọn
Trong thời hạn 24 giờ sau khi công bố kết quả, Hội đồng tổ chức bầu cử phải gửi danh sách cùng hồ sơ 30 ứng tuyển viên đắc cử đến Văn phòng Thượng viện và Hạ viện.
Một phiên họp khoáng đại lưỡng viện sẽ được triệu tập và sẽ họp kín để tuyển chọn trong số 30 ứng tuyển viên đắc cử 9 hay 6 Thẩm phán Tối cao Pháp viện bằng 1 cuộc bỏ phiếu kín.
4. Bổ nhiệm
Tổng thống sẽ bổ nhiệm các Thẩm phán Tối cao Pháp viện này theo danh sách do Chủ tịch Thượng Nghị viện chuyển đến.
Trong pháp nhiệm đầu tiên, 9 vị có tên sau đây được bổ nhiệm Thẩm phán Tối cao Pháp viện: Trần Văn Linh, Nguyễn Văn Biện, Trần Minh Triết, Mai Văn An, Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Sĩ, Trịnh Xuân Ngạn, Nguyễn Mộng Bích, Nguyễn An Thông.
Vấn đề bầu cử phức tạp thẩm phán Tối cao Pháp viện là hậu quả của một thái độ của nhà lập hiến không những luôn luôn chống đối nguyên tắc bất khả bãi nhiệm mà còn quan niệm rằng uy thế cũng như sự độc lập của thẩm phán phải được sự ủy quyền gián tiếp của quốc dân qua sự tuyển chọn bởi Quốc hội.
Mặc dù kết quả cuộc tuyển chọn thành phần Tối cao Pháp viện nhiệm kì đầu tiên được xem là khả quan, chúng ta vẫn e ngại rằng trong tương lai, với những cuộc bầu cử tới, chính trị sẽ xen mạnh vào pháp đình và làm mất hẳn tính cách độc lập của ngành Tư pháp.

B. Quy chế Thẩm phán Tối cao Pháp viện
Các Thẩm phán TCPV phải tuyên thệ trước Lập pháp và Hành pháp trước khi nhậm chức.
Các vị Thẩm phán này không được kiêm nhiệm một chức vụ công cử hay dân cử ngoại trừ việc giảng huấn tại Đại Học, nhưng sẽ được quy hồi ngạch cũ nếu là Thẩm phán khi hết nhiệm kì.
Thẩm phán TCPV cũng như người phối ngẫu không được dự vào những cuộc đấu thầu hay kí hợp đồng với cơ quan công quyền.
Ngoài ra, nếu hành nghề luật sư, người phối ngẫu này sẽ không được biện hộ trước TCPV.
Các Thẩm phán TCPV có thể bị chấm dứt nhiệm vụ vì 4 lí do ngoài lí do mãn nhiệm kì:
·         Chết;
·         Từ chức;
·         Bất lực về tinh thần hay thể chất;
·         Bị truất quyền vì can trọng tội (điều 60).
Nếu có trường hợp khiếm khuyết một hay nhiều Thẩm phán TCPV, vị Chủ tịch sẽ thông báo cho Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện, Quốc hội có 30 ngày để tuyển chọn người thay thế theo thủ tục ấn định ở Tiết 6 Chương II (điều 58).
Như vậy điều 58 Luật số 7/68 quy định một điểm đặc biệt là Lập pháp có toàn quyền tuyển chọn người thay thế các vị Thẩm phán TCPV đã bị chấm dứt nhiệm vụ vì 4 lí do trên mà khỏi qua giai đoạn bầu cử đầu tiên.
Trong suốt thời gian hành nhiệm, Thẩm phán TCPV được hưởng các đặc miễn như không thể bị truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử vì những ý kiến và biểu quyết của họ.
Các vị Thẩm phán TCPV chỉ có thể bị truy tố, bắt giam trong 2 trường hợp:

1.     Nếu có sự chấp thuận của 2/3 tổng số Thẩm phán TCPV;
2.     Nếu phạm tội quả tang. Trong trường hợp này, sự truy tố hay bắt giam cũng được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của 2/3 Thẩm phán TCPV.

II. Tổ chức Tối cao Pháp viện
Cơ cấu Tối cao Pháp viện gồm:
·         Đại Hội đồng;
·         Văn phòng;
·         Ban Bảo hiến;
·         Ban Phá án.
Ngoài ra Tối cao Pháp viện còn có 1 khối chuyên viên, Nha Tổng Thư kí và các cơ quan trực thuộc.
a. Đại Hội đồng gồm toàn thể Thẩm phán Tối cao Pháp viện có nhiệm vụ:
·         Quản trị ngành Thẩm phán xử án, các Tòa án và nhân viên trực thuộc;
·         Giải thích Hiến pháp và kiểm soát tính cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật cùng tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và các quyết định Hành chính;
·         Kiểm soát chủ trương và hành động các chính đảng;
·         Soạn thảo nội quy và quản trị Tối cao Pháp viện cùng giải quyết các vấn đề nội như bầu cử văn phòng v.v…
Ngoài ra Đại Hội đồng Tối cao Pháp viện còn có nhiệm vụ quyết định đình chỉ truy tố hay bắt giam một Thẩm phán Tối cao Pháp viện trong trường hợp quả tang phạm pháp hay giải nhiệm vì lí do bất lực
Cũng như Quốc hội và Tổng thống, Đại Hội đồng Tối cao Pháp viện cũng có quyền chỉ định 1/3 tổng số Giám sát Viện.
Sau hết, việc kiểm kê tài sản của Chủ tịch Giám sát Viện và các Giám sát Viện cùng phụ trách việc lập danh sách ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống, kiểm soát cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả.
b. Ban Bảo hiến: có nhiệm vụ thuyết trình trước Đại Hội đồng về việc giải thích Hiến pháp, tính cách hợp hiến hay không của các đạo luật, sắc luật, sắc lệnh. Nghị định, quyết định hành chính và việc giải tán một chính đảng.
c. Ban Phá án: gồm 3 phòng:
·         Phòng Hộ vụ;
·         Phòng Hình vụ và
·         Phòng Hành chính.
Cả 3 phòng này tùy theo tính chất nội vụ mà phân chia thẩm quyền giữa các phòng, xét những vụ xin tiêu phá và phân định thẩm quyền giữa các cơ quan tài phán.
Và một viện chưởng lí trực thuộc Bộ Tư pháp hành xử công tố quyền.
III. Thẩm quyền
Điều 2 Luật số 07/68 quy định thẩm quyền Tối cao Pháp viện, chúng ta có thể phân biệt:
·         Thẩm quyền Bảo hiến: Giải thích Hiến pháp cùng với hiến tính các đạo luật, sắc luật tính cách hợp hiến và hợp pháp sắc luật, nghị định và quyết định hành chính: giải tán một chính đảng có chủ trương và hành động chống lại chính thể Cộng hòa;
·         Thẩm quyền về Tư pháp: xét các vụ xin tiêu phá, các bản án chung thẩm của mọi Tòa án, xét các đơn xin tái thẩm và phân định thẩm quyền giữa các cơ quan tài phán;
·         Thẩm quyền về Hành chính: Quản trị ngành Tư pháp, kiểm kê tài sản Chủ tịch Giám sát Viện và các Giám sát Viện, lập danh sách ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống, kiểm soát tính cách hợp thức của cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả, chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử và chỉ định 1/3 tổng số Giám sát Viện.
A. Về thủ tục tố tụng ấn định ở chương V gồm 18 điều khoản có 3 loại:
1. Thủ tục Bảo hiến

Phương cách chính tố: Điều 63 quy định mọi thể nhân hay pháp nhân Tư pháp hay công pháp đều có quyền, bằng phương cách chính tố xin Tối cao Pháp viện phán quyết về tính cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật hoặc tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chính nếu chứng minh được lợi ích để khởi tố trừ các pháp nhân công pháp.
Đơn khởi tố phải viện dẫn lí do và nạp tại Nha Tổng Thư kí Tối cao Pháp viện, kèm theo biên lai đóng tiền dự phạt 5000đ. Tiền dự phạt sẽ được hoàn lại nếu đơn được chấp thuận.
Phương cách khước biện: Ngoài ra, trong mọi vụ kiện, bất kỳ ở giai đoạn nào, kể cả giai đoạn phá án, đương tụng có thể bằng phương cách khước biện, xin Tối cao Pháp viện phán quyết về hiến tính của các đạo luật, sắc luật hoặc tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyền quyết định hành chính.
Đơn khước biện có nêu rõ lí do, kèm theo biên lai đóng tiền dự phạt 5000đ, phải do đương sự đích thân hoặc do luật sư thay mặt nạp trong phiên xử của Tòa án đang thụ lí vụ kiện. Tòa án phải quyết định ngay trong phiên xử này, sau khi nghe công tố viện kết luận, hoặc chấp nhận nạp trình khước biện lên Tối cao Pháp viện hoặc từ khước, nếu xét những lí do nại dẫn hiển nhiên không xác đáng.
Quyết định từ khước sẽ phải thông báo ngay trong phiên Tòa cho đương sự hay cho Luật sư thay mặt đương sự. Đương sự có quyền khiếu nại trong hạn 7 ngày. Chánh Lục sự Tòa thụ lí phải đánh dấu trên đơn khiếu nại ngày tháng tiếp nhận và kí tên chứng thật cùng lập biên bản về sự tiếp nhận này.
Trong hạn 7 ngày sau khi có quyết định chấp nhận nạp trình khước biện hoặc sau khi nhận đơn khiếu nại, Tòa án thụ lí phải chuyển hồ sơ và biên lai tiền dự phạt lên Tối cao Pháp viện và hoãn xử chánh vụ cho tới khi có phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Chủ tịch Tối cao Pháp viện phải giao hồ sơ cho Ban Bảo hiến đồng thời thông tư đơn khởi tố hay khước biện trạng cho Viện Chưởng lí và cho bị đơn.
Thời hạn đệ trình biện minh và kháng biện luận cho 2 bên nguyên và bị đơn do Chủ tịch ấn định tùy trường hợp.
Viện Chưởng lí có thời hạn 2 tháng để nạp kết luận trạng.
Tất cả các kết luận trạng, biện minh trạng và kháng biện phải được thông tư cho các đương sự trong vụ án.
Chủ tịch Tối cao Pháp viện sẽ ấn định ngày giờ trong một phiên xử công khai của Đại Hội đồng và thông báo cho các nguyên và bị đơn cùng Viện Chưởng lí.
Trong phiên xử công khai này Chủ tịch, trong khi kiểm điểm thành phần hợp lệ, trao lời cho thuyết trình viên, mở cuộc thẩm vấn và lần lượt trao lời cho nguyên đơn, Viện Chưởng lí và bị đơn.
Sau đó Đại Hội đồng sẽ nghị án trong phòng thẩm nghị và phán quyết có viện dẫn lí do sẽ được tuyên đọc trong phiên tòa công khai.
2. Thủ tục giải thích Hiến pháp
Tổng thống, Chủ tịch Thượng Nghị viện, Chủ tịch Hạ Nghị viện, một phần ba (1/3) tổng số Nghị sĩ, hoặc 1/3 tổng số Dân Biểu có quyền xin Tối cao Pháp viện giải thích Hiến pháp hay phán quyết về việc giải tán một chính đảng có chủ trương và hành động chống lại chính thể Cộng hòa.
Đại Hội đồng Tối cao Pháp viện phải phán quyết trong thời hạn tối đa 2 tháng kể từ ngày văn thư yêu cầu nạp tại Nha Tổng Thư kí Tối cao Pháp viện.
Trường hợp văn thư yêu cầu giải tán một chính đảng, Chủ tịch Tối cao Pháp viện phải thông báo cho chính bị đơn biết, để tham khảo hồ sơ, đệ nạp biện minh trạng và cử đại diện tới trình bày lí do trong phiên xử công khai. Đại diện của Lập pháp và Hành pháp có quyền tham dự để trình bày quan điểm của mình tại phiên xử này.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện phải hội đủ đa số ¾ tổng số Thẩm phán tại chức. Các Thẩm phán phe thiểu số trong lúc biểu quyết có quyền yêu cầu ghi lập trường của mình ngay dưới bản án.
3. Thủ tục phá án
Các thủ tục thượng tố hiện áp dụng trước Tòa Phá án và Tham chánh Viện vẫn tạm thời được áp dụng trước các Phòng Hộ vụ, Hình vụ và Hành chính.
Điều 87 Luật 07/68 minh thị quy định rằng Tòa Phá án đình chỉ hoạt động ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của các Thẩm phán Tối cao Pháp viện mà không nói gì đến việc bãi bỏ Tham chánh Viện.
Thật ra phần thẩm quyền của Tối cao Pháp viện bao gồm thẩm quyền của Viện Bảo hiến thời Đệ nhất Cộng Hòa, của Tòa Phá án và một phần thẩm quyền của Tham chánh Viện.
Thật vậy, phần thẩm quyền của Tham chánh Viện đi giao cho Tối cao Pháp viện được phân chia cho Ban Bảo Hiến về việc xét tính cách hợp pháp hay bất hợp pháp của các sắc lệnh nghị định và các quyết định Hành chính – và cho phòng Hành chính của Ban Phá Án, việc xin tiêu phá các bản án hành chính.
Ngoài ra thẩm quyền của Tham chánh Viện còn bao gồm việc phúc thẩm các bản án do Tòa Hành chính xử sơ thẩm.
·         Việc xử sơ thẩm và chung thẩm mọi vụ tranh tụng liên quan đến tình trạng Hành chính của các công chức ngạch A;
·         Việc xét xử một vài loại tranh tụng đặc biệt về những vụ liên quan đến việc bầu cử vào các hội đồng y sĩ, nha sĩ, dược sĩ, hộ sinh, hoặc xét các đơn kháng cáo các quyết nghị của các hội đồng trên, hay của Hội đồng kỉ luật v.v…
Luật số 07/68 không nói gì đến các thẩm quyền trên cũng như thẩm quyền cố vấn, thẩm quyền dự pháp của Tham chánh Viện.
Có lẽ Tòa Hành chính sẽ được cải tổ theo 2 chiều hướng.
Thứ nhất: Tòa Hành chính sẽ được giao thêm cho các thẩm quyền nói trên của Tham chánh Viện và sẽ xét xử sơ và chung thẩm tất các vụ.
Thứ hai: Tòa Hành chính cũng có thể được sáp nhập vào hệ thống Tư pháp và trở thành 1 ban Hành chính bên cạnh ban hộ vụ và ban hình sự của các Tòa án Tư pháp.
B. Các phán quyết giải thích Hiến pháp, tuyên phán bất hợp hiến các đạo luật, sắc luật, nghị định hay quyết định hành chính và các phán quyết giải tán một chính đảng có hiệu lực tuyệt đối và phải đăng vào công báo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các phán quyết này có hiệu lực đình chỉ thi hành các điều khoản bất hợp hiến hay bất hợp pháp của các văn kiện Lập pháp lập quy và các quyết định hành chính kể từ ngày đăng trên công báo.
Phán quyết giải tán một chính đảng có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Các phán quyết bác đơn khởi tố và khước biện chỉ có hiệu lực tương đối mà thôi.

Mục V: CÁC ĐỊNH CHẾ ĐẶC BIỆT
Dưới tiêu đề “Các định chế đặc biệt”, trọn chương 6 Hiến pháp đề cập đến Đặc biệt Pháp viện, Giám sát Viện và một số Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn như Hội đồng Quân lực, Hội đồng Văn hóa Giáo dục, Hội đồng Kinh tế Xã hội và Hội đồng các Sắc tộc
Đoạn 1: ĐẶC BIỆT PHÁP VIỆN
Đặc biệt Pháp viện là cơ quan tài phán có thẩm quyền truất quyền Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, các Tổng Bộ trưởng, các Thẩm phán Tối cao Pháp viện và các Giám sát Viện trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội khác.
A. Tổ chức
Đặc biệt Pháp viện gồm 5 Dân biểu và 5 Nghị sĩ và do Chủ tịch Tối cao Pháp viện giữ chức Chánh thẩm.
Trong trường hợp chính Chủ tịch Tối cao Pháp viện là bị can, chức Chánh thẩm sẽ do Chủ tịch Thượng Nghị viện đảm nhiệm.
B. Điều hành
Quyền truy tố trước Đặc biệt Pháp viện thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Đề nghị khởi tố đối với Tổng thống và Phó Tổng thống, có viện dẫn lí do, phải được 2/3 tổng số dân biểu và nghị sĩ kí tên. Quyết nghị khởi tố phải được đa số ¾ tổng số dân biểu và nghị sĩ chấp thuận. Đối với các nhân vật khác, đề nghị khởi tố chỉ cần được quá bán tổng số dân biểu và nghị sĩ kí tên và quyết nghị khởi tố được 2/3 tổng số dân biểu và nghị sĩ chấp thuận.
Quyết nghị khởi tố được Quốc hội chấp thuận có hiệu lực đình chỉ nhiệm vụ của đương sự cho đến khi Đặc biệt Pháp viện phán quyết.
Đặc biệt Pháp viện phán quyết truất quyền theo đa số ¾ tổng số nhân viên. Riêng đối với Tổng thống và Phó Tổng thống, phán quyết truất quyền theo đa số 4/5 tổng số nhân viên.
Đoạn 2: GIÁM SÁT VIỆN
Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa ngày 1-4-1967 trong 4 điều 88, 89, 90, 91 quy định việc thành lập một Giám sát Viện có thẩm quyền rộng rãi và gần như biệt lập đối với các cơ quan Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Đạo luật số 9/68 ban hành ngày 23-10-1968 ấn định chi tiết về việc tổ chức và điều hành Giám sát Viện.
I. Thành phần Giám sát Viện
Giám sát Viện gồm 18 vị Giám sát một phần ba (1/3) do Quốc hội, 1/3 do Tổng thống và 1/3 do Tối cao Pháp viện chỉ định.
Có 5 điều kiện để có thể chỉ định vào Giám sát Viện gồm các điều kiện về tuổi (30) về quốc tịch, về thời gian cư ngụ trong nước, về tư cách, về tình trạng quân dịch.
Nhiệm kì các Giám sát Viện là 4 năm và có thể được tái chỉ định.
Nhiệm kì này có thể chấm dứt vì 5 lí do như mệnh chung, từ chức, bị truất quyền vì can trọng tội, bất lực về tinh thần hay vật chất và các vị Giám sát còn có thể bị Quốc hội, Tổng thống, hay Tối cao Pháp viện, giải nhiệm vì lí do bất lực trong công vụ hoặc liên can đến hành vi tham nhũng.
Các Giám sát được bổ nhiệm bằng sắc lệnh Tổng thống và phải tuyên thệ trong một phiên họp khoáng đại Lưỡng viện Quốc hội có sự hiện diện của Tổng thống và Chủ tịch Tối cao Pháp viện.
Sự tuyên thệ này ban cho các Giám sát tư cách Tư pháp cảnh lại trong phạm vi hành xử quyền giám sát.
Trong suốt thời gian hành nhiệm các vị Giám sát được hưởng các đặc miễn như không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử vì những biểu quyết của họ tại Hội đồng Giám sát Viện, nếu không có sự chấp thuận của 2/3 tổng số Dân biểu và Nghị sĩ.
Trong trường hợp quả tang phạm pháp việc truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử cũng được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của quá bán tổng số Dân biểu và Nghị sĩ. Các vị Giám sát có quyền và có nhiệm vụ bảo mật về xuất xứ các tài liệu trình bày trước Hội đồng Giám sát Viện và chỉ có Hội đồng này mới có quyền hệ cấp đối với họ.
Các vị Giám sát cũng không thể kiêm nhiệm một chức vụ công cử hay dân cử nào ngoại trừ việc giảng huấn tại đại học.
II. Tổ chức Giám sát Viện
Giám sát Viện có ngân sách tự trị và có quyền lập quy để tổ chức nội bộ và quản trị ngành Giám sát.
Giám sát Viện gồm 3 cơ quan chính:
1. Quyền chỉ đạo Giám sát Viện thuộc một Hội đồng gồm toàn thể các Giám sát  có nhiệm vụ quản trị ngành Giám sát, soạn thảo nội quy, lập chương trình hoạt động, biểu quyết Ngân sách của Viện cùng quyết định về trường hợp bất lực tinh thần hay thể chất của các Giám sát. Ngoài ra Hội đồng căn cứ xét và quyết định các biện pháp chế tài đối với chức phạm lỗi, và quyết định việc công bố kết quả các cuộc điều tra trừ trường hợp chính người bị điều tra xin công bố kết quả.
Hội đồng Giám sát Viện họp mỗi tháng 1 kỳ hoặc khi có 1/3 Giám sát yêu cầu.
2. Văn phòng Giám sát Viện do Hội đồng bầu ra gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hai trưởng ban chuyên biệt là Chủ tịch Ủy ban Thẩm tra, Kiểm kê tài sản và một Tổng Thư kí. Văn phòng này chấp hành các quyết nghị của Hội đồng và tổ chức các phòng dân ý tại Trung ương và Địa phương.

3. Các Ban Chuyên biệt Trung ương và các khu Giám sát địa phương
a. Ban Điều tra, kiểm tra gồm một Chủ tịch và 5 ủy viên do Hội đồng Giám sát Viện chỉ định.
b. Ban Thẩm kê kế toán và Kiểm kê tài sản gồm một Chủ tịch và 4 ủy viên do Hội đồng Giám sát chỉ định.
Hai Ban chuyên biệt Trung ương này đảm nhiệm trọng trách thi hành 5 nhiệm vụ chính của Giám sát Viện ấn định trong điều 1 luật số 9/68.
c. Các khu Giám sát địa phương:
Nội quy Giám sát chia nhân viên làm 4 khu Giám sát địa phương.
Khu Giám sát I gồm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Trị và Thừa Thiên.
Khu Giám sát II: Đà Lạt, Cam Ranh, Bình Định, Bình Thuận, Darlac, Khánh Hòa, Kontum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Phu Bổn, Phi Ru, Quảng Đức, Tuyên Đức.
Khu Giám sát III: Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Bình Tuy, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Phước Long, Phước Tuy, Tây Ninh và Gia Định.
Khu Giám sát 4: An Giang, An Xuyên, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Châu Đốc, Chương Thiện, Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tương, Phong Dinh, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc.
Mỗi khu Giám sát đặt dưới quyền một Đặc ủy Giám sát do Hội đồng bầu ra.
d. Nhiệm vụ của vị Đặc ủy Giám sát là:
Kiểm soát nhân viên các cơ quan công quyền, đề nghị mở các cuộc điều tra, tổ chức phòng dân ý, đề nghị và phối hợp với các vị Giám sát khác để mở cuộc thanh tra, điều tra và kiểm soát kế toán.
e. Thanh tra đoàn đặt dưới quyền điều động của Giám sát Viện, có nhiệm vụ phụ tá các vị Giám sát trong việc hành xử nhiệm vụ Giám sát.
III. Thẩm quyền và nhiệm vụ của Giám sát Viện
Điều 1 luật số 9/68 lập lại điều 88, 69, Hiến pháp, ấn định 5 thẩm quyền và nhiệm vụ của Giám sát Viện như sau:
·         Thanh tra, Kiểm soát và điều tra mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi quốc gia của các nhân viên cơ quan công quyền và các tư nhân đồng phạm hay tòng phạm;
·         Thẩm tra kế toán đối với các cơ quan công quyền và các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh;
·         Kiểm kê tài sản các công chức kể cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Nghị sĩ, Dân biểu và Chủ tịch Tối cao Pháp viện;
·         Đề nghị biện pháp chế tài về kỉ luật đối với nhân viên công quyền phạm lỗi, hoặc yêu cầu truy tố đương sự trước Tòa án;
·         Đề nghị các biện pháp cải thiện lề lối làm việc để ngăn ngừa tham nhũng đầu cơ, hối mại quyền thế.

IV. Thủ tục Giám sát
Để đảm bảo quyền tự do cá nhân của các người bị điều tra cùng giúp các vị Giám sát hoàn tất nhiệm vụ khó khăn của mình, Luật số 9/68 đã ấn định thủ tục Giám sát Viện sau đây:
Giám sát Viện có quyền tự động và bất thần mở những cuộc thanh tra điều tra hay kiểm soát kế toán nhưng phải giao cho ít nhất hai vị giám sát thuộc thành phần khác nhau thực hiện.
Quyền hạn các vị giám sát khi thi hành nhiệm vụ rất rộng rãi. Thật vậy các Giám sát ngoài tư cách Tư pháp cảnh lại cao cấp còn có quyền thanh sát mọi cơ quan công quyền, xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh, kiểm soát ngân khoản, trương mục hoặc đòi xuất trình sổ sách, hồ sơ thường và mật liên quan đến cuộc điều tra.
Hơn nữa, các Giám sát còn được sự trợ giúp của các Giám định viện, chuyên viên, nhân viên công lực, vị chỉ huy cơ quan bị điều tra và Biện lí cuộc sở tại để ra lệnh dẫn giải các đương can, tòng phạm, đồng phạm hay nhân chứng từ chối không đến trình diện để lấy lời khai.
Tuy nhiên các Giám sát không có quyền đình chỉ hoạt động các cơ quan hay xí nghiệp bị điều tra mà chỉ có thể tạm ngưng chức các nhân viên bị điều tra nhưng quyết định tạm ngưng chức này phải có sự đồng ý của đa số quá bán các giám sát điều tra.
Trong trường hợp phạm pháp quả tang hay có bằng chứng hiển nhiên các người phạm pháp có thể bị Biện lí tạm câu lưu nếu có sự chấp thuận của tất cả các Giám sát điều tra.
Lệnh tạm ngưng chức hay tạm câu lưu phải thông báo cho vị chỉ huy cơ quan liên hệ và trong 24 giờ phải phúc trình lên văn phòng Giám sát Viện. Hội đồng Giám sát Viện có thời hạn 7 ngày để phúc quyết kể từ ngày các lệnh trên được thi hành.
Các Giám sát có hạn 3 (ba) ngày tròn để phúc trình tổng kết nội vụ chậm nhất là 7 ngày sau sẽ thuyết trình trước Hội đồng để Hội đồng thảo luận cùng biểu quyết các biện pháp áp dụng.
Trong trường hợp chế tài về kỉ luật, cơ quan liên hệ không phải triệu tập Hội đồng Kỉ luật nhưng có thể đề nghị biện pháp chế tài khác. Hội đồng Viện sẽ họp và thảo luận về đề nghị này trong thời hạn 7 ngày tròn, quyết định này của Hội đồng có hiệu lực cưỡng hành đối với các quyết định chế tài về hình sự, Chủ tịch sẽ chuyển hồ sơ cho công tố viện có thẩm quyền.
Công tố Viện bắt buộc phải truy tố người phạm pháp trong hạn 15 ngày tròn.
Trong bất cứ giai đoạn nào, người bị điều tra có thể nhờ Luật sư biện hộ kể cả trước Hội đồng Giám sát Viện.
Các quyết định trên của Hội đồng Giám sát Viện phải được thông tư cho Tổng thống, Thượng Nghị viện, Hạ Nghị viện và Tối cao Pháp viện.
Với sự thiết lập một Giám sát Viện biệt lập với Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp và với thẩm quyền rộng rãi, vấn đề Giám sát để diệt trừ hay ngăn ngừa những hành vi tham nhũng đã được chú trọng đặc biệt và đưa lên hàng quốc sách.

Đoạn III: CÁC CƠ QUAN TƯ VẤN

A. Hội đồng Quân lực cố vấn Tổng thống về các vấn đề liên quan đến quân lực, đặc biệt là việc thăng thưởng, thuyên chuyển và trừng phạt quân nhân cao cấp.

B. Hội đồng Văn hóa Giáo dục, gồm một phần ba hội viên do Tổng thống chỉ định, hai phần ba hội viên do các tổ chức văn hóa giáo dục công và tư, các Hiệp hội Phụ huynh học sinh đề cử. Nhiệm kì của Hội đồng Văn hóa Giáo dục là 4 năm. Hội đồng Văn hóa Giáo dục có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ soạn thảo và thực thi chánh sách văn hóa giáo dục. Các dự án luật liên quan đến văn hóa giáo dục có thể được Hội đồng tham gia ý kiến trước khi Quốc hội thảo luận.

C. Hội đồng Kinh tế Xã hội, gồm một phần ba hội viên do Tổng thống chỉ định, hai phần ba hội viên do các tổ chức công kĩ nghệ, thương mại, nghiệp đoàn, các Hiệp hội có tính cách kinh tế và xã hội đề cử. Nhiệm kì của Hội đồng Kinh tế Xã hội là 4 năm. Hội đồng Kinh tế Xã hội có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ về những vấn đề kinh tế và xã hội. Các dự luật kinh tế và xã hội có thể được Hội đồng Kinh tế Xã hội tham gia ý kiến trước khi Quốc hội thảo luận.

D. Hội đồng các Sắc tộc, gồm có một phần ba hội viên do Tổng thống chỉ định, hai phần ba Hội viên do các sắc tộc thiểu số đề cử. Nhiệm kì của Hội đồng các Sắc tộc là 4 năm. Hội đồng các Sắc tộc đại diện các Sắc tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam, có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ về các vấn đề liên quan đến đồng bào thiểu số. Các dự luật liên quan đến đồng bào thiểu số có thể được Hội đồng các Sắc tộc tham gia ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận.
Đối với các cơ quan tư vấn vừa kể – trừ Hội đồng Quân lực – Phó Tổng thống đương nhiên là Chủ tịch (điều 66 Hiến pháp).

Mục VI: TU CHÍNH HIẾN PHÁP

Đoạn 1: AI CÓ QUYỀN ĐỀ NGHỊ TU CHÍNH?
Chiếu theo điều 103 Hiến pháp, Tổng thống hoặc quá bán tổng số Dân biểu hay quá bán tổng số Nghị sĩ có quyền đề nghị tu chính Hiến pháp. Không thể tu chính điều 1 của Hiến pháp theo đó:

1.     Việt Nam là một nước Cộng hòa, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân ;
2.     Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân.

Đoạn 2: THỦ TỤC TU CHÍNH
Đề nghị tu chính có viện dẫn lí do phải đệ nạp tại Văn phòng Thượng Nghị viện.
Một Ủy ban Lưỡng viện sẽ được thành lập để nghiên cứu đề nghị tu chính và thuyết trình trong những phiên họp khoáng đại Lưỡng viện.
Quyết nghị tu chính Hiến pháp phải hội đủ 2/3 tổng số dân biểu và nghị sĩ và đạo luật tu chính sẽ được Tổng thống ban hành như một đạo luật thường.
________________
TÀI LIỆU CẦN THAM KHẢO

Tài liệu Việt ngữ hiện nay gồm có 
LÊ ĐÌNH CHÂN, Luật Hiến pháp 1966
LƯU VĂN BÌNH, Luật Hiến pháp 1961
NGUYỄN QUANG QUÝNH, Hiến pháp lược khảo 1961
AFRED DE GRAZIA, Chính trị học yếu lược 1963
NGUYỄN NGỌC HUY, Chính trị học 1966
BÙI QUANG KHÁNH, Vấn đề chỉ huy: Lí thuyết và thực hành 1964
Ngoài các sách kể trên, chúng tôi ghi lại dưới đây – sắp theo từng chương – những bài khảo cứu liên hệ đã đăng trong các tạp chí Việt Nam.
Phần 1
Thiên 1: Những khái niệm và nguyên tắc căn bản
CHƯƠNG I – CHÍNH QUYỀN VÀ QUỐC GIA
Phan Văn Thiết: Từ quyền cai trị người đến sự quản trị tài vật. Đại học số 1 tháng 2-1962
Chân bản ngã và Quyền hành chính trị. Quê hương số 22 tháng 4-1961
Nguyễn Quang Quýnh: Khái niệm quốc gia. Nghiên cứu hành chính số 6 tháng 11-1958
CHƯƠNG II – NGUYÊN TẮC DÂN CHỦ
Nguyễn Văn Tương: Dân chủ và độc tài. Nghiên cứu hành chính tháng 3, 4-1964
Vương Văn Bắc: Những khuynh hướng mới của chủ nghĩa tự do. Nghiên cứu hành chính tháng 5,6-1962
Phân biệt chính thể mạnh và chính thể độc tài. Quê hương tháng 4-1960
Việt Anh: Vấn đề phân loại các chế độ chính trị trên thế giới ngày nay.Bách khoa tháng 6, 7.1963

Thiên II: Tổ chức chánh quyền
CHƯƠNG I – NHỮNG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN
Nguyễn Quốc Hưng: Quốc hội và Chính phủ. Quê hương tháng 8.1959
Vũ Văn Mẫu: Nhà Lập pháp và nhiệm vụ tu luật. Luật học kinh tế số 2-1959
CHƯƠNG II – NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN
Lưu Văn Bình: Sự liên quan giữa Hành pháp và Lập pháp – Luật học kinh tế số 2, 1958
Tân PhongNhững thể thức liên hệ giữa Lập pháp và Hành pháp trong chế độ dân chủ, Quê hương tháng 8-1951
Nguyễn Phương Thiệp: Tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp, Quê hương tháng 8, 1959
Trần Thúc Linh: Tình trạng khẩn cấp và vai trò của Quốc hội, Quê hươngtháng 12, 1961
Trần Văn Minh: Vai trò của Quốc hội tại các nước nhược tiểu Á Châu, Quê hương tháng 12, 1961
Cung Đình Thanh: Tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp trong Hiến pháp 1958 của nước Pháp, Nghiên cứu hành chính tháng 6, 7.1964
CHƯƠNG III – NHỮNG ĐỊNH LUẬT CĂN BẢN CỦA NỀN DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI
Phạm Đức Nhuận: Chế độ chính trị và nhà lãnh đạo quốc gia, Quê hươngtháng 9, 1961
Trần Thúc Linh: Chế độ thủ lãnh có trái với nguyên tắc dân chủ không? Quê hương tháng 11.1961
…Duy (mất chữ): Chính phủ mạnh, Bách khoa tháng 10, 1966

Thiên III: Sự tham gia chính trị của công dân trong chế độ dân chủ
CHƯƠNG I: TUYỂN CỬ
Nguyễn Quốc Hưng: Lá phiếu ủy quyền, Quê hương tháng 7.1959
Lí Kim Huỳnh: Vấn đề bầu cử và việc lập danh sách cử tri, Hành chính khảo luận số 9, 1961 (nguyên văn: “1761”)
Lê Công Truyền: Lược khảo về mối tương quan giữa các thể thức đầu phiếu và sự thành lập các chính đảng, Nghiên cứu hành chính, tháng 1, 2-1962
CHƯƠNG II: NHỮNG HÌNH THỨC THAM GIA CHÍNH TRỊ
Nguyễn Văn Bông: Vấn đề chính đảng, Quê hương tháng 11.1960
Đoàn Thêm: Lược khảo về chính đảng, Nghiên cứu hành chính tháng 3-4-5.1964
Vương Văn Bắc: Đại cương về chính đảng, Nghiên cứu hành chính tháng 9, 1960
CHƯƠNG IV: ĐỐI LẬP CHÍNH TRỊ
Cao Hữu Thuần: Đối lập trong các chế dộ dân chủ Tây phương, Đại học tháng 9, 1960
Nguyễn Cao Hách: Chính sách đối ngoại của Anh và chế độ đảng phái, Quê hương tháng 1-1961

Phần II
Thiên I: Những chế độ dân chủ cổ điển

Hoàng Minh TuynhHiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, Bách khoa tháng 11, 12-1957 và tháng 1-3-1958
Nguyễn Huy Lịch: Người trước dư luận, Bách khoa tháng 6-1957
J.L.FINKLE: Tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề đối ngoại, Quê hương tháng 6-1960
Trần Khải: Tìm hiểu những khuynh hướng chính trị tại các quốc gia thuộc Mỹ La Tinh, Quê hương tháng 4-1962.
Trần Văn Kiện: Quân đội và chính trị tại Ba Tây, Quê hương tháng 9-1961
CHƯƠNG II: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ TẠI ANH QUỐC
Hoàng Minh TuynhAnh Quốc, Bách khoa tháng 8-10-11.1957
Nguyễn Cao HáchChính sách đối ngoại của Anh và chế độ đảng phái, Quê hương tháng 1-1961

Thiên II: Những chế độ chuyên chế
CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ NGA SÔ
Vương Văn Bắc: Chủ nghĩa cộng sản, Nghiên cứu hành chính tháng 1-2-1962
Trần Văn Toán: Ý thức Cộng sản, Đại học tháng 2-1962
Huỳnh Minh Tuynh: Chế độ dân chủ Mác-xít, Bách khoa tháng 5-6-7-8-9-10-11-12-1958
Bùi Thế Hải: Nội tình Liên bang chủ nghĩa Xô-viết sau 42 năm xây dựng Cách mạng 10, Quê hương tháng 2-1960.

Thiên III: Những chế độ Vùng Đông Nam Á
CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ ĐẠI HÀN
Đoàn Thêm: Hiến pháp Đại Hàn, Nghiên cứu hành chính tháng 9-1959
Hoàng Minh Tuynh: Đại Hàn trong khủng hoảng quốc tế, Bách khoa tháng 9-1962
Việt Anh: Sóng gió chính trị ở Nam Hàn, Bách khoa tháng 8-1963
CHƯƠNG II: VIỆT NAM
Vũ Quốc Thông: Công cuộc thành lập chế độ Cộng hòa Nhân vị tại Việt Nam tự do, Nghiên cứu hành chính tháng 10-1960
Lưu Văn Bình: Sự liên quan giữa Hành pháp và Lập pháp trong Hiến pháp Việt Nam, Luật học kinh tế 1958
Nguyễn Đức: Quyền phúc nghị của Tổng thống theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, Nghiên cứu hành chính tháng 10.1962
Bùi Phan Quế: Phân tích và phê bình quyền hành của Tổng thống theo Hiến pháp 26-10-1956. Luận án Tiến sĩ luật 1965
Tiểu Dân: Cảm nghĩ về sự cáo chung của chế độ độc tài, Bách khoa tháng 11-1963
Trương Thiên Hương: Bàn về một vài nét của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Cộng, Quê hương tháng 8-1963
(Hết phần chính của tác phẩm. Đón xem các phần phụ bản)

Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.