Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

'Tư tưởng Hồ Chí Minh' và Dân chủ Việt Nam



Nhân dịp lễ Độc lập và kỷ niệm ngày mất của Hồ Chí Minh mới đây, những người theo dõi tình hình Việt Nam đã đọc được nhiều bài viết cổ xúy cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Một trong những bài viết được chú ý nhiều nhất là bài của ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động, có nhan đề “Làm sao thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh: nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Các nhà quan sát cho rằng điều “lý thú” là những bài viết, được đăng tải trên các cơ quan truyền thông do chính phủ điều hành lẫn các trang mạng ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, đều viện dẫn những phát biểu trước đây của ông Hồ Chí Minh để đòi chính quyền hiện nay thay đổi đường lối cai trị độc tài. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một trí thức trẻ ở Hà Nội từng bị cầm tù nhiều năm vì những hoạt động cổ xúy cho dân chủ, và được ông cho biết một số ý kiến như sau về vấn đề này. 

VOA: Lý do nào khiến cho một số người cổ xúy cho dân chủ hóa VN phải viện dẫn "tư tưởng Hồ Chí Minh" trong khi Hồ Chí Minh là người đã thiết lập thể chế Cộng Sản ở Việt Nam và lãnh đạo một chính quyền có thể nói là một trong những chính quyền phi dân chủ nhất thế giới?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi có ba lý do để một số người phải viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thứ nhất, có thể vì do chỉ tiếp nhận những thông tin một chiều, thiếu xác thực hay tạo tác của nhà nước nên những vị đó vẫn nghĩ cụ Hồ là một tấm gương mẫu mực về nhân cách và là vị lãnh tụ ủng hộ dân chủ, thương dân, thương nước. Thứ hai, vì cụ Hồ đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam biến thành một giá trị tinh thần, đạo đức cho tính chính danh của hệ thống chính trị độc đảng hiện nay. Hiến pháp và điều lệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam đều lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với Chủ nghĩa Marx-Lenin, làm nền tảng định hướng cho sự phát triển của đất nước và của Đảng. Nên đối với suy nghĩ của một số người, thì việc viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” sẽ giúp cho những đòi hỏi về dân chủ có tính chính danh hơn, hợp pháp hơn và hệ quả có thể là những người cầm quyền độc đoán khó bắt bẻ hay khó trấn áp hơn. Và có thể có một lý do thứ ba là những người cổ xúy dân chủ phải viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” vì còn e ngại sự phân ly đối với những người thực lòng yêu nước nhưng vẫn còn tôn sùng cụ Hồ. 

Về vế thứ hai của câu hỏi, theo tôi, nhìn một cách công bằng hơn và nếu chưa xét đến cách thức giành quyền lực thì cái chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa (VNDC CH) do cụ Hồ góp phần lớn dựng lên đã có giai đoạn đầu đi theo xu thế dân chủ. Trong giai đoạn đó cụ Hồ đã đồng ý hợp tác với các đảng phái quốc gia khác như Việt Quốc, Việt Cách để thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDC CH, đã tổ chức bầu cử thành lập cơ quan lập pháp theo thể thức phổ thông đầu phiếu, tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái khác nhau, đã thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp và đặc biệt là nội dung của Hiến pháp 1946, dù còn thiếu sót, đã xác lập được một số nguyên tắc dân chủ cơ bản cho thể chế chính trị và xác định trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ một số quyền cơ bản của con người của thể chế chính trị. Cho dù giai đoạn đó là rất ngắn chưa đầy 1 năm, nếu kể từ ngày thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDC CH (1/1/1946) cho đến ngày Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua (9/11/1946), và nếu tạm chưa xét đến các cách thức cạnh tranh của Việt Minh với các đảng phái quốc gia khác, nhưng khó có thể phủ nhận chính thể VNDC CH lúc đó đã tạo dựng được một số định chế cơ bản của dân chủ. Chỉ sau giai đoạn đó chính thể VNDC CH (vẫn do cụ Hồ đứng đầu) mới ngày càng mất đi tính dân chủ và sau đó hoàn toàn trở thành một chính thể độc tài kiểu toàn trị cộng sản. 

Theo tôi cột mốc rõ nhất cho sự phi dân chủ hóa để trở thành độc tài toàn trị cộng sản của chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một cái tên rất dân chủ, là việc Đảng Lao Động Việt Nam phát động Cải cách ruộng đất, được cụ Hồ gọi là cuộc “cách mạng long trời lở đất”, vào năm 1953. Bao trùm toàn bộ cuộc “cách mạng” này là sự tùy tiện của chính phủ cụ Hồ trong việc bắt giữ, hành hạ, bắn giết, tịch thu gia sản đối với hàng trăm nghìn người Việt Nam. Các thủ tục tư pháp thông thường đã có từ thời thực dân Pháp hay các qui định phải tôn trọng pháp luật và quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp 1946 đều không được đếm xỉa trong Cải cách ruộng đất. 

VOA: Ông đánh giá thế nào về Hồ Chí Minh?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi việc đánh giá cụ Hồ một cách toàn diện còn là một việc không dễ dàng và rất dễ gây tranh cãi, bất hòa bởi các thông tin về cụ Hồ chưa được bạch hóa một cách rộng rãi và nhiều người vẫn giữ nếp nghĩ theo lối duy cảm, tôn sùng thần tượng. Nhiều thông tin về cụ Hồ còn mơ hồ và ngay bản thân cụ Hồ khi sinh thời lại rất kín đáo về quá trình hoạt động và về đời tư của cụ. Chẳng hạn như ngay ngày sinh, nơi chôn nhau cắt rốn hay ông nội của cụ là ai vẫn là một vấn đề tranh cãi. Ở đây tôi chỉ muốn xét riêng dưới góc độ dân chủ và chỉ căn cứ vào những sự kiện đã rõ ràng thì tôi cho rằng cụ Hồ không phải là một chính trị gia có lý tưởng dân chủ. Chỉ cần căn cứ vào một số sự kiện và chính sách của chính phủ VNDC CH khi cụ Hồ cầm quyền từ 1946 đến 1969 ta có thể thấy rõ. 

Thứ nhất, nói đến dân chủ là phải nói đến tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng phe đối lập, phải coi những gì đối lập với mình là sự tồn tại tự nhiên và cần thiết. Tự nhiên là vì không có một xã hội nào mà tất cả mọi người đều có cùng một ý kiến trên cùng một vấn đề. Cần thiết là vì đối lập giúp cho mỗi người ít nhất cũng giảm được khả năng sai lầm, ngộ nhận hay tự phụ. Nhưng chính phủ của cụ Hồ cuối cùng đã không để cho một thành phần đối lập hay một đảng đối lập nào có thể tồn tại. Riêng Đảng Dân chủ hay Đảng Xã hội, những đảng vẫn tồn tại sau năm 1954 trên miền Bắc, thực chất chỉ là những tổ chức của Đảng Lao Động Việt Nam (chính là Đảng Cộng sản) của cụ Hồ mà thôi. 

Thứ hai, cụ Hồ là một trong những người đóng vai trò chính trong việc lập ra Hiến pháp năm 1959. Bản Hiến pháp 1959 không chỉ được thiết lập một cách vi hiến (theo qui định của bản Hiến pháp 1946) mà còn xóa đi hết tinh thần tiến bộ và dân chủ đã có trong bản Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1959 đã mở đầu cho tính Đảng, tính lãnh tụ và tính độc tài toàn trị trở thành nền tảng cơ bản trong các bản hiến pháp tiếp theo. Chính Hiến pháp 1959 đã biến Quốc hội, kể từ đó, trở thành một cơ quan bù nhìn, một cơ quan cấp dưới của Đảng Cộng sản Việt nam. Và cũng chính từ năm 1959, Bộ Tư pháp (một nhánh quyền lực độc lập quan trọng của chế độ dân chủ) bị xóa hẳn cho đến tận năm 1981 mới được lập lại nhưng cũng chỉ là một cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam thôi. 

Thứ ba, sau khi quyền lực chính trị (ở miền Bắc) đã hoàn toàn do đảng của cụ Hồ nắm giữ thì những quyền tự do cơ bản của dân như quyền ra báo tư nhân, quyền xuất bản tư nhân, quyền hội họp và lập hội mà cụ Hồ đã đòi hỏi thực dân Pháp phải trao đầy đủ hơn cho người dân An-nam trước đây cũng dần biến mất hẳn trên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Hồ làm chủ tịch. Ngay cả một vấn đề mà chính cụ Hồ là người chắc phải rất thấm thía về ích lợi của nó là tính độc lập và tuân thủ pháp luật của tòa án khi cụ Hồ bị bắt và đưa ra tòa tại Hồng Công vào năm 1932, chúng ta cũng không thấy cụ Hồ đả động gì đến khi diễn ra hàng loạt những vụ tống giam không cần xét xử hoặc xét xử hết sức chiếu lệ các trí thức, nhân sỹ trong các vụ án Nhân văn-Giai phẩm hay vụ án Xét lại chống Đảng. 

Và khi có nhân sỹ, như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, góp ý rất chân thành với cụ Hồ về tầm quan trọng đối với đất nước trong việc cần phải xây dựng một nhà nước tôn trọng dân chủ, tôn trọng pháp luật thì cụ Hồ không những không áp dụng mà người góp ý còn bị hắt hủi, trù dập hết sức nghiệt ngã. Cụ Hồ cũng đã thể hiện sự tránh né trách nhiệm của người đứng đầu hệ thống chính trị trong vụ Cải cách ruộng đất khi để Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra xin lỗi nhân dân và chỉ để một số nhân vật cấp dưới chịu kỷ luật. Vì vậy để suy đoán liệu cụ Hồ có hiểu về dân chủ không thì có thể còn phải nghiên cứu và tranh luận thêm, nhưng căn cứ vào thực tế có thể khẳng định trong thời gian cầm quyền cụ Hồ không muốn xây dựng một chế độ dân chủ tại Việt nam, cụ Hồ không muốn người dân, kể cả giới trí thức, được hưởng những quyền tự do như cụ đã yêu sách thực dân Pháp. 

Khi cầm quyền, cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu, có thể nói, lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời. 

VOA: Nhưng có người cho rằng Hồ Chí Minh đã có lúc bị khống chế hay chịu sức ép của lãnh đạo nước ngoài hay của các đồng sự khác trong Đảng Cộng sản Việt nam. Ông nghĩ sao về điều này?


Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Nếu giả thuyết đó là đúng thì theo tôi cụ Hồ vẫn còn nguyên quyền và lương tâm để phản đối hay ly khai với những khống chế hay sức ép phi dân chủ đó. Chưa nói đến trách nhiệm của một nguyên thủ quốc gia là phải đặt mục tiêu phụng sự lợi ích dân tộc, đất nước lên hàng đầu. Các lãnh đạo quốc gia có lý tưởng dân chủ và bản lĩnh bao giờ cũng xử sự như thế. Nhưng chúng ta hầu như chưa bao giờ thấy cụ Hồ phàn nàn gì về quan hệ của cụ với các đồng sự khác trong Đảng Cộng sản Việt nam hay với lãnh đạo các nước “anh em’ như Stalin hay Mao Trạch Đông. Do đó giả thuyết trên khó biện hộ hay làm giảm đi trách nhiệm của cụ Hồ trong những hành động tàn nhẫn, phi dân chủ của chính thể VNDC CH. 

VOA: Ông không thấy có điều nào học được từ Hồ Chí Minh sao?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Có chứ, con người nào chả có những điều cho ta học. Ngay những cái dở của người cũng đã là bài học cho ta biết để tránh rồi. Huống chi một nhân vật lịch sử như cụ Hồ. Nhưng về dân chủ tôi thực sự chưa thấy điều gì tích cực đáng học ở cụ. Về những điều đáng học ở cụ Hồ tôi xin được đề cập trong một dịp khác. 

VOA: Vậy theo ông thì không nên viện dẫn “tư tưởng HCM” khi cổ xúy dân chủ?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Tôi không quan niệm máy móc hay cứng nhắc như thế. Theo tôi phải phân biệt rõ giữa hai lĩnh vực nhận thức (lý luận) và vận động xã hội. Đã là vấn đề nhận thức thì cần phải triệt để, cần phải cố tìm hiểu đến cùng cái bản chất của sự vật, hiện tượng, phải phân biệt rõ ràng giữa cái đúng- sai. Còn về vận động xã hội thì cần uyển chuyển hơn với thực tế xã hội. Có nhiều cách khác nhau để vận động xã hội, tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mỗi người để cùng đi đến một mục tiêu và mỗi cách đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Ví dụ những người viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” để kêu gọi dân chủ thì dễ nhận được ủng hộ hay thiện cảm của thế hệ cán bộ, công chức còn gắn bó với chế độ độc đảng hoặc của những người vẫn còn tôn sùng cụ Hồ, nhưng điểm yếu là hiện nay người cầm quyền cũng lấy cụ Hồ ra làm cái cớ để duy trì chế độ độc đảng vì một điều rõ ràng là chính cụ Hồ là người đã khẳng định nhiều lần rằng ĐCS VN là “đảng cầm quyền” và chính cụ gọi ĐCS VN là “Đảng ta”. 

Như vậy nếu không khéo, khi viện dẫn “tư tưởng HCM” thì lại có lợi cho người cầm quyền độc đoán hiện nay. Chưa kể khi các vấn đề của cụ Hồ được bạch hóa cho toàn dân biết thì những người dựa vào “tư tưởng HCM” để vận động dân chủ sẽ khó tránh được tình trạng bị hụt hẫng, bối rối, tính tin cậy bị sút giảm. Còn đối với những người cổ xúy dân chủ không dựa vào “tư tưởng HCM” thì hiện tại có thể khó khăn hơn trong việc có được sự ủng hộ, đồng cảm trong xã hội và dễ bị chính quyền qui chụp hơn nhưng lại có thể thể hiện được đầy đủ, chính xác và triệt để về tư tưởng dân chủ mà không sợ tự mâu thuẫn và cũng tránh được các điểm yếu của người vận động dân chủ dựa vào “tư tưởng HCM”. 

Cũng cần phải nói thêm là những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy bản thân những người cầm quyền độc đoán hiện tại vừa chả tin gì vào cái gọi là “tư tưởng HCM” mà họ cũng chả nhân nhượng gì với người dựa vào “tư tưởng HCM” nhưng động đến những vấn đề cốt tử của hệ thống độc đảng. 

Theo tôi, nếu đã ủng hộ dân chủ hóa đến cùng thì không sớm thì muộn chúng ta cũng phải đối mặt với hai vấn đề. Một là phải thừa nhận những sự thật trong quá khứ. Một vấn đề nữa là phải nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Thừa nhận sự thật là để dứt khoát tránh vấp lại những sai lầm của lịch sử và đó cũng chính là nền tảng cho sự hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc đích thực. Còn việc nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của dân chủ là để phát hiện và tránh được các hình thức dân chủ giả hiệu hoặc dân chủ khiếm khuyết kéo dài. 

VOA: Ông Tống Văn Công, một đảng viên cộng sản lão thành, cựu tổng biên tập báo Lao Động, người đã có nhiều bài viết ủng hộ cho việc cải cách chính trị, trong một bài viết gần đây có trích dẫn câu nói của HCM "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” và cho rằng đây là nội dung cốt lõi về dân chủ mà HCM đã nhấn mạnh. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Trước tiên tôi cảm thấy rất cảm kích và kính trọng những bài viết gần đây của một đảng viên cộng sản như ông Tống Văn Công. Nhưng, theo tôi, câu trích dẫn trên của cụ Hồ không phải là vấn đề cốt lõi của dân chủ. Câu nói đó chỉ thể hiện một khát khao từ bao đời của người bị trị muốn kẻ cai trị phải có tư cách và bổn phận đúng đắn. Cách đây hơn hai ngàn năm, Khổng Tử và Mạnh Tử đã thể hiện khát khao này rồi. Khổng Tử thì nói “Quân quân, thần thần” nghĩa là nếu kẻ làm vua không có tư cách của người lãnh đạo đất nước, không giúp ích được cho dân thì kẻ làm vua đó không còn là vua nữa. Còn Mạnh Tử thì bạo liệt hơn, khi được hỏi: “Bề tôi giết vua, có được không?”, ông đã trả lời với ý là: “Giết một kẻ làm vua mà tàn ác thì chả có tội gì cả” (nguyên văn: Tặc nhân giả vị chi tặc, tặc nghĩa giả, vị chi tàn. Tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hỹ, vị văn thí quân giã). Nhưng việc giết được một ông vua tàn ác hay thậm chí đánh đổ một chính phủ hại dân vẫn không phải là biện pháp để đảm bảo có được một ông vua hay một chính phủ tốt hơn. 

Theo tôi cốt lõi của dân chủ nằm ở chỗ phải xây dựng được các định chế dân chủ (democratic institutions) và đảm bảo cho sự vận hành (practice) các định chế đó được đúng đắn, đầy đủ, không bị cắt xén hay bóp méo nhằm đảm bảo để những người nắm quyền là những người được lựa chọn từ những người có khả năng nhất trong xã hội và họ phải có trách nhiệm trước xã hội. Nói một cách giản dị là phải tạo ra các công cụ để người dân – người bị trị có thể “đuổi được chính phủ” bất kỳ lúc nào họ muốn. 

Xem lại thời cụ Hồ cầm quyền thì tất cả bốn thứ quyền lực cơ bản của xã hội (quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và đệ tứ quyền là báo chí) đều nằm cả trong tay của “Đảng ta” (đảng của cụ Hồ) rồi, còn việc hội họp, biểu tình hay lập hội đều trở thành những việc bị cấm ngặt, thì nhân dân còn lấy gì để “đuổi chính phủ” như cụ Hồ khuyên nhủ. Và ai còn dám làm theo lời cụ Hồ để đi “đuổi chính phủ” khi mà mới chỉ góp ý riêng với cụ thôi mà đã suýt chết rồi. 

VOA: Theo ông ĐCS VN có khả năng, ý chí để dân chủ hóa đất nước hay không?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Khả năng luôn là một vấn đề tiềm ẩn đối với mọi cá nhân và tổ chức. Còn về ý chí thì cho đến nay tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy ĐCS VN có ý muốn dân chủ hóa đất nước. Từ khoảng 2 năm trở lại đây ĐCS VN còn gia tăng các biện pháp kiểm soát, bóp nghẹt thông tin và đã tỏ rõ sự ác cảm, thù ghét ngay cả các hoạt động tư vấn, phản biện thẳng thắn của các trí thức vẫn còn có thiện cảm với ĐCS VN. Ngay những tài liệu, văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI sắp tới của ĐCS VN đã được công khai hóa cũng không cho thấy có một dấu hiệu thay đổi tiến bộ nào. ĐCS VN vẫn giữ nguyên tính độc quyền về quyền lực và vẫn thể hiện rõ ý đồ tiếp tục kiểm soát, ngăn cản các quyền tự do của người dân nhưng lại không hề nói gì đến nguy cơ Tổ quốc đang bị Trung quốc thôn tính. 

Do đó, bất kể ĐCS VN có khả năng và ý chí như thế nào thì, theo tôi, yếu tố quan trọng của dân chủ hóa đất nước vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và hành động của dân chúng. Sẽ chả bao giờ có dân chủ nếu người dân nào cũng trông chờ hay thờ ơ với những vấn đề chung của xã hội. 

VOA: Vậy nhân dân lấy đâu ra công cụ để “đuổi” một chính phủ đã cướp hết tứ quyền rồi? 

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Vâng, đúng là nghe qua thì thấy hoàn toàn bế tắc. Nhưng như ông Vaclave Havel-Tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời hậu cộng sản, đã nói “quyền lực của không quyền lực” (power of no power), ý là người không có quyền cũng vẫn có quyền hay sức mạnh có thể làm thay đổi cả một hệ thống chính trị. Hay nói như triết lý Trung Hoa là “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Những phát biểu này không chỉ có tính chất động viên, cổ vũ mà nó có cơ sở thực tế. 

Nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy mỗi người dân chúng ta đều đang nắm trong tay những quyền năng rất quan trọng mà khó có kẻ cầm quyền nào có thể ngăn chặn được hoàn toàn. Ví dụ như quyền tự tìm hiểu sự thật ngoài những thông tin của hệ thống truyền thông nhà nước, quyền vạch trần sự dối trá, quyền nói cho nhau, truyền cho nhau sự thật, quyền phản đối hay bất tuân các chính sách có hại cho xã hội hay những lời kêu gọi mỵ dân, quyền không tham gia vào các hoạt động dân chủ giả hiệu (như bầu cử không có ứng cử tự do), quyền yêu thương, động viên, chia sẻ khó khăn giữa những người bị trị với nhau v.v. Đó là những quyền năng cơ bản nằm ngay trong tay của người dân và có tác dụng dẫn đến những quyền năng lớn hơn khác mà bất kỳ chế độ phi dân chủ nào từ cổ đến kim đều rất e ngại. Bằng cớ là những kẻ độc tài luôn làm mọi cách để ngăn không cho người dân nhận thức hay thực hiện được những quyền năng đó. 

Vậy vấn đề là người dân trước tiên phải nhận thức được và tự tin vào sức mạnh của quyền năng tự có và từng bước đoàn kết, nỗ lực để cùng nhau giành lại các quyền cơ bản từ tay những kẻ cầm quyền độc đoán. Xã hội Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu của sự nhận thức đó và nỗ lực đó rồi, tuy nhiên còn yếu và chưa đủ. Nhưng cái gì chả bắt đầu từ ít và yếu. 

VOA: Cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn quí báu này. Rất mong sẽ lại có dịp trao đổi với ông về các vấn đề đất nước trong thời gian sắp tới.