Nguyễn Văn Bông
THIÊN THỨ BA: NHỮNG CHẾ ĐỘ VÙNG ĐÔNG NAM Á
CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH
TRỊ ĐẠI HÀN
Nghiên cứu chế độ chính trị Đại Hàn là một
điều lí thú. Vì Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng sâu rộng. Thật
vậy, hai quốc gia đều có một nền văn minh lệ thuộc Trung Quốc, bao lần chịu ách
ngoại xâm. Cũng như Việt Nam, Hàn Quốc là một xứ chậm tiến chuyên về nông
nghiệp: Bắc Hàn có núi đồi, hầm mỏ, Nam Hàn với đồng ruộng phì nhiêu. Và sau
Thế giới Đại chiến thứ nhì, cả hai quốc gia đã cùng chung số phận với lãnh thổ
qua phân và hai chế độ chính trị hoàn toàn khác biệt.
Mục I: LƯỢC SỬ CHÍNH TRỊ ĐẠI HÀN
Đoạn 1: TỪ 1945 ĐẾN 1960
Sau Thế giới Đại chiến
thứ nhì kết liễu, quân đội Đồng minh sang Cao Li để giải giới Nhật: Bắc do quân
Nga chiếm đóng. Miền Nam do quân đội Mỹ. Vĩ tuyến 38 là ranh giới tạm thời giữa
hai quân đội Đồng minh chiếm đóng. Lợi dụng tình trạng thực tế do chiến tranh
gây ra, Mỹ cũng như Nga cố gắng ủng hộ và đặt những chính phủ về phe mình. Ở
Miền Bắc Nga đặt hệ thống của bộ máy cộng sản và dung túng chính phủ tả khuynh.
Ở Nam, Mỹ và Liên Hiệp Quốc tổ chức một nếp sống dân chủ. Trong cuộc tổng tuyển
cử ngày 10.5.1948, Lí Thừa Vãn[1] và Đảng Quốc gia
của ông đại thắng. Đến ngày 20.7.1948, Lí Thừa Vãn được bầu làm Tổng thống Đại
Hàn, chiếu theo Hiến pháp được ban hành ngày 17.7.1948.
Chính quyền Cộng hòa Miền Nam vừa bắt tay vào
việc chưa đầy hai năm thì Chính phủ Bắc Hàn – ngày 25.6.1950 – nghĩa là một năm
sau khi Cộng sản Trung Hoa toàn thắng trên Lục địa – lợi dụng ưu thế của quân
đội hùng mạnh và có lẽ đó cũng là một kế hoạch thôn tính toàn thế giới của
Stalin – mở cuộc tấn công vũ bão tràn qua vĩ tuyến thứ 38 và không bao lâu
chiếm Thủ đô Hán Thành! Thiếu chuẩn bị, quân đội Nam Hàn phải thoái lui. Nhưng
với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc – và nhất là của Mỹ – Nam Hàn mở cuộc phản
công dữ dội đánh lui quân đội Bắc Hàn, chiếm lại thủ đô, vượt sang vĩ tuyến 38
và tiến luôn đến biên giới Trung Hoa. Trước sự tan vỡ của quân đội Bắc Hàn,
Trung Cộng can thiệp. Thế rồi phản công và tấn công tiếp diễn để rồi hai lực
lượng quân bình nhau quanh vĩ tuyến 38, chờ đợi một giải pháp chính trị. Một
cuộc hòa đàm chậm chạp đã diễn ra tại Bàn Môn Điếm đi đến kết quả: 27-7-1953
thỏa ước đình chiến giữ nguyên tình trạng cũ của hai nước Hàn phân chia.
Trong lúc miền Bắc vẫn củng cố chế độ độc tài
vô sản, ở miền Nam Lí Thừa Vãn mặc dù uy tín lên cao sau khi mộng xâm lăng của
Bắc Hàn tan vỡ, lại phải đương đầu với một tình trạng khó khăn.
Trên phương diện ngoại
giao, chính sách của Chính
phủ Lí Thừa Vãn là:
·
Siết chặt mối bang giao
giữa Hoa Kỳ và Đại Hàn;
·
Cương quyết chống cộng
sản và Nhật Bản;
·
Tranh đấu hầu có đại
diện tại Liên Hiệp Quốc.
Đối nội, Tổng thống Lí Thừa Vãn tập trung hết quyền
lực trong tay, dựa trên giai cấp đại tư bản và địa chủ. Trong lúc thành phần
thống trị sống cuộc đời xa hoa, tráng lệ, các tầng lớp trung gian khác, đã từng
chịu đựng mọi đau khổ của chiến tranh, lại vẫn vất vả vì tình trạng kinh tế
ngày càng trầm trọng. Quần chúng đã bất bình lại phẫn nộ thêm lên khi hay tin
chính quyền gian lận trong cuộc bầu cử năm 1960. Nhiều cuộc biểu tình phản đối
Lí Thừa Vãn. Trước sự chống đối của quần chúng và áp lực của quân đội, Lí Thừa
Vãn phải ra đi vào tháng 4 năm 1960. Đệ nhất Cộng hòa Đại Hàn và đồng thời cũng
là một chế độ độc tài đã cáo chung.
Đoạn 2: TỪ 1960 ĐẾN CUỘC ĐẢO CHÍNH NGÀY 16-5-1961
Sau khi chế độ Lí Thừa
Vãn sụp đổ, để tránh sự tập trung quyền lực trong tay Tổng thống, Quốc hội Đại
Hàn, tháng 6 năm 1960 tu chính Hiến pháp, ấn định một chế độ Nghị viện, Tổng
thống chỉ còn là một vị Quốc trưởng vô trách nhiệm, không quyền hành, tượng
trưng cho quốc gia. Tháng 7-1960, Đảng Dân chủ, đối lập với Lí Thừa Vãn toàn
thắng trong cuộc tổng tuyển cử và đưa Trương Miễn [2] lên nắm chính quyền.
Chính phủ Trương Miễn ban hành một số biện
pháp dân chủ để trấn an dư luận, như tự do báo chí, ân xá chính trị phạm, quyền
tự do công khai hoạt động của chính đảng, bắt giam và xét xử nhiều nhân vật
liên hệ đến chế độ cũ v.v… Các biện pháp này làm vừa lòng một phần nào giới trí
thức, sinh viên và các đảng phái tại đô thị. Nhưng ở thôn quê tình thế vẫn
không thay đổi. Tình trạng kinh tế càng ngày càng nguy ngập. Nhiều cuộc biểu
tình đã xẩy ra vì nông dân cơ cực phải đứng lên tranh đấu đòi nâng cao mực sống
của họ.
Lợi dụng sự bất mãn của nông dân và một chính
thể dân chủ hỗn loạn, cán bộ cộng sản hoạt động gây rối. Trước một tình trạng
bất an ngày càng trầm trọng, Chính phủ Trương Miễn bắt buộc phải ban hành đạo
luật an ninh tháng 3-1961, cấm chỉ mọi tụ tập, biểu tình, bạo động.
Mặc dù vậy, những cuộc
biểu tình vẫn tiếp diễn trong toàn quốc. Trước tình trạng bất an, trước nạn
tham nhũng lan tràn và sự đe dọa trầm trọng của cộng sản, chính quyền Trương
Miễn trở nên bất lực. Dân chúng mất tin tưởng. Và lợi dụng thời cơ, quân
đội đảo chính ngày 16-5-1961.
Đoạn 3: SAU CUỘC ĐẢO CHÍNH 1961
Sau cuộc đảo chính thành công, chính quyền
quân nhân giải tán Quốc hội và ngưng áp dụng Hiến pháp năm 1948. Tạm thời hai
cơ quan công quyền trung ương được thiết lập: Hội đồng Tối cao Kiến thiết Quốc
gia và Ủy ban Thường trực.
Hội đồng Tối cao Kiến
thiết Quốc gia là cơ quan thể
hiện chủ quyền quốc gia gồm 32 hội viên được chia 7 Tiểu ban: Tư pháp, Nội vụ,
Ngoại giao và Quốc phòng, Giáo dục và Xã hội, Kinh tế, Tài chính, Giao thông
Vận tải.
Ủy ban Thường trực, gồm 1 chủ tịch và 7 ủy viên. 7 ủy viên này
là 7 chủ tịch của các Tiểu ban của Hội đồng Tối cao Quốc gia. Trong thực tế,
chính Ủy ban Thường trực là cơ quan đầu não, tập trung quyền Hành pháp và Lập
pháp.
Tuy nhiên tình thế
chính trị vẫn rối ren và bị xáo trộn bởi sự nghi kị tranh giành giữa các tướng
lãnh nhất là hai Tướng Trương Đỗ Anh và Phác Chánh Hi[3]. Sau cuộc đảo chính, Tướng Trương Đỗ Anh được cử làm Chủ tịch
Hội đồng Tối cao Kiến thiết Quốc gia kiêm Thủ tướng Chính phủ. Tướng Phác Chánh
Hi là Phó Chủ tịch đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Thường trực. Thực sự, quyền
hành nằm trong tay Tướng Phác Chánh Hi vì chính Tướng này là kẻ chủ mưu cuộc
đảo chính. Sở dĩ Tướng Trương Đỗ Anh được đưa lên hàng danh dự vì Tướng Trương
Đỗ Anh là người anh cả, một tướng giỏi được quân đội mến phục. Sự tranh giành
giữa hai tướng đã đưa đến một cuộc «Thanh trừng nội bộ» mà hậu quả là việc hạ
bệ Tướng Trương và Tướng Phác Chánh Hi trở thành Chủ tịch Hội đồng Tối cao Kiến
thiết Quốc gia.
Sau khi củng cố quyền
hành, chính quyền quân nhân cho soạn thảo bản Hiến pháp mới và hứa chuẩn bị một
sự bình thường hóa cuộc sinh hoạt chính trị. Bầu không khí chính trị Đại Hàn
bắt đầu sôi động khi chính quyền ban hành đạo luật ấn định việc tổng tuyển cử
dân biểu Quốc hội. Giới quân nhân ủng hộ chính quyền đứng ra thành lập Đảng
Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời hai chính đảng đối lập Đảng Dân
chính và Đảng Dân chủ liên kết nhau và hoạt động ráo
riết đòi hỏi một chính phủ dân sự.
Giữa lúc ấy, vào tháng 3-1963, một cuộc âm mưu
đảo chính bị tiết lộ. Nhiều tướng lãnh bị bắt giam. Tướng Phác Chánh Hi bất
thần, thay đổi lập trường và tuyên bố rằng sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề
triển hạn nhiệm kì của chính phủ quân nhân thêm 4 năm. Lập trường mới này gây
nhiều xúc động trong quần chúng. Các chính đảng đối lập, các đoàn thể sinh
viên, thanh niên biểu tình, chống đối mãnh liệt ý định triển hạn chính phủ quân
nhân. Chính phủ Hoa Kỳ cũng công khai phản đối Tướng Phác Chánh Hy và yêu cầu
ông giữ đúng lời hứa sớm trao quyền lại cho dân sự.
Trước áp lực ấy, Tướng Phác Chánh Hi nhượng
bộ. Ông hủy bỏ tu chính Hiến pháp triển hạn 4 năm chính phủ quân nhân, công bố
chương trình dân sự hóa chính quyền với việc ấn định ngày bầu cử Tổng thống và
Quốc hội, đồng thời ông ra tranh cử Tổng thống dưới lá cờ của Đảng Dân chủ Cộng
hòa. Và ngày 15-10-1963 – Tướng Phác Chánh Hi toàn thắng trong cuộc tổng tuyển
cử bầu Quốc hội chiếm 110 ghế trong số 175 ghế dân biểu.
Đệ Tam Cộng hòa Đại Hàn, với Hiến pháp 1962,
bắt đầu một giai đoạn mới.
Mục II: HIẾN PHÁP ĐẠI HÀN
Hiến pháp Đại Hàn năm 1962, thiết lập nền Đệ
tam Cộng hòa đã đem ra trưng cầu dân ý. 8.243.000 phiếu thuận và
1.992.000 phiếu chống. Bản Hiến pháp dài 119 điều khoản gồm lời nói đầu
và 5 chương chia ra như sau: Chương I: Điều khoản tổng quát; Chương II: Quyền
lợi và nghĩa vụ công dân ; Chương III: Những cơ quan chính quyền; Chương
IV: Kinh tế ; Chương V: Tu chính Hiến pháp.
Trước khi phân tích cơ cấu cùng những mối
tương quan giữa cơ quan công quyền, thiết tưởng nên nêu lên một vài đặc điểm
của Hiến pháp Đại Hàn.
Những đặc tính tổng
quát của Hiến pháp Đại Hàn
1. Đặc điểm thứ nhất
là bản Hiến pháp xác định tính cách thế tục của Quốc gia. Thật vậy,
sau khi bảo đảm rằng mỗi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, điều 16 quy định
rằng: «Không có một tôn giáo nào được nhìn nhận là Quốc giáo và tôn giáo
tách rời chính trị».
2. Đặc điểm thứ nhì
liên quan đến các chính đảng. Bản Hiến pháp dành 4 điều khoản quan trọng – các
điều 7, 36, 38, 63 nói về chính đảng. Điều thứ 7 quy định rằng: «Các chính
đảng được tự do thành lập và chế độ đa đảng được đảm bảo, tổ chức và hoạt động
của mỗi chính đảng phải có tính cách dân chủ và các chính đảng sẽ tổ chức thế
nào để nhân dân có thể tham gia vào việc ấn định ý chí chung. Nhà nước sẽ bảo
vệ các chính đảng. Tuy nhiên nếu mục đích hay hoạt động của chính đảng nào đi
ngược lại với trật tự dân chủ căn bản, chính phủ sẽ truy tố chính đảng đó trước
Tối cao Pháp viện để phán quyết về việc giải tán chính đảng».
Điều khoản này nhấn
mạnh tầm quan trọng của chính đảng trong cuộc sinh hoạt chính trị. Chính đảng
là một định chế chính trị ghi vào Hiến pháp. Tầm quan trọng của chính đảng lại
được xác nhận thêm bởi điều 36 ấn định rằng: «Không ai có thể là ứng cử viên
dân biểu Quốc hội nếu không được đắc cử bởi chính đảng của mình.» Và điều
63: «Không ai có thể là ứng cử viên Tổng thống nếu không được đề cử
bởi một chính đảng mình». Và điều 38: «Vị nào từ bỏ đảng mình, hoặc thay đổi
chính đảng, hoặc vì lí do đảng mình bị giải tán, trong nhiệm kì Quốc hội sẽ mất
ghế dân biểu. Điều khoản này sẽ không áp dụng trong trường hợp vị dân biểu bị
trục xuất khỏi đảng hoặc khi có sự hợp nhất chính đảng».
Những đặc điểm chúng ta vừa kể không những
nhấn mạnh tầm quan trọng của chính đảng, định chế hóa chính đảng mà còn nhằm
mục tiêu giới hạn tổng số chính đảng để tránh hậu quả tai hại của một sự lạm
phát đảng phái sau ngày cách mạng Đại Hàn.
3. Đặc điểm thứ ba liên quan đến chính thể.
Hiến pháp 1962 dung hòa những yếu tố Tổng thống Chế và Nghị viện Chế. Điều này
chúng ta có dịp bàn đến.
Đoạn 1: QUỐC HỘI
A. Tổ chức và thẩm
quyền
Quốc hội Đại Hàn,
chiếu theo Hiến pháp 1962 là một Quốc hội độc viện, nắm quyền lập pháp. Dân
biểu Quốc hội được bầu theo chế độ phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín. Ứng
cử viên phải do một chính đảng đề cử. Nhiệm kì của Quốc hội là 4 năm. Dân
biểu được hưởng những đặc miễn và bị ràng buộc bởi những bất khả kiêm nhiệm.
Quốc hội chỉ nhóm họp, một
khóa thường lệ không quá 120 ngày. Và khóa bất thường không quá 30
ngày.
Quốc hội biểu
quyết các đạo luật, ngân sách quốc gia, chấp thuận việc tuyên chiến,
việc gửi quân lực ra hải ngoại, việc cho phép quân lực ngoại quốc đóng trên
lãnh thổ Đại Hàn, phê chuẩn các Hiệp ước liên hệ đến nền anh
ninh chung, đến các tổ chức quốc tế, đến quy chế quân lực ngoại quốc đóng trên
lãnh thổ, các Hiệp ước đình chiến, thương mại và các Hiệp ước có ảnh hưởng tài
chính quốc gia.
B. Quốc hội và chính
phủ
Trong mối tương quan giữa Quốc hội và Chính
phủ, Hiến pháp Đại Hàn dành một ưu thế tương đối cho Quốc hội. Ưu thế được thể
hiện qua hai quyền quan trọng của Quốc hội: đó là quyền đề nghị bãi chức Thủ
tướng và các Tổng trưởng và quyền truy tố Hành pháp trong trường hợp vi phạm Hiến
pháp.
1. Quyền đề
nghị bãi chức Thủ tướng và nhân viên Chính phủ
Chiểu theo điều 59 «Quốc hội có thể yêu cầu
Tổng thống bãi chức Thủ tướng hay một nhân viên của Hội đồng Quốc gia. Sự yêu
cầu này phải do đa số tổng số dân biểu đề nghị. Trong trường hợp này, Tổng
thống bắt buộc phải bãi chức các vị bị Quốc hội bất tín nhiệm ngoại trừ Tổng
thống có lí do đặc biệt nào khác».
Đây là một quyền quan
trọng của Quốc hội tương đương với quyền bất tín nhiệm Chính phủ trong chế độ
Nghị viện. Trên nguyên tắc có một điều dị biệt: trong chế độ Nghị viện, Quốc
hội có toàn quyền và Chính phủ bắt buộc phải từ chức ngay sau khi Quốc hội biểu
quyết bất tín nhiệm. Theo Hiến pháp Đại Hàn, trái lại, Quốc hội chỉ có quyền
yêu cầu Tổng thống và sự bất tín nhiệm của Quốc hội, có thể chỉ nhằm
một nhân viên Chính phủ mà thôi. Tuy nhiên, trong thực tế, khi Thủ tướng bị
Quốc hội bất tín nhiệm, khó lòng Tổng thống từ chối và như thế có thể đưa đến
một sự khủng hoảng Nội các.
Dù sao, đây là một điều khoản áp dụng nguyên
tắc trách nhiệm chính trị của Hành pháp vào một chế độ mà Tổng thống do toàn
dân bầu lên.
2. Quyền truy
tố Hành pháp
Chiểu theo điều 61: Quốc
hội có quyền biểu quyết kiến nghị truy tố Tổng thống, Thủ tướng, Nhân viên của
Hội đồng Quốc gia, các Tổng trưởng, các Thẩm phán và các công chức đã vi phạm
Hiến pháp và luật lệ.
Kiến nghị truy tố phải do ít nhất 30 vị dân
biểu đề nghị và phải được đa số tổng số dân biểu tán thành. Sau khi kiến nghị
được chấp thuận, đương sự bị ngưng chức ngay và chờ đợi xét xử. Một hội đồng
xét xử sẽ được thành lập và gồm:
·
1 Chủ tịch: Chủ tịch Tối
cao Pháp viện
·
3 Thẩm phán của Tối cao
Pháp viện
·
5 Dân biểu Quốc hội.
Trong trường hợp Chủ tịch Tối cao Pháp viện bị
truy tố, vị Chủ tịch Hội đồng Xét xử là Chủ tịch Quốc hội.
Mọi quyết định trừng phạt phải hội ít ra 6
thăm (rất khó mà phê bình điều khoản này).
Đoạn 2: CHÍNH PHỦ
Danh từ chính phủ, theo nghĩa, Đại Hàn gồm 4
định chế riêng biệt: Tổng thống, Hội đồng Quốc gia, các Bộ trưởng và Hội đồng
Kiểm soát.
A. Tổng thống
Tổng thống, đứng đầu Hành pháp, đại diện quốc
gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc. Tổng thống do nhân dân bầu qua một
cuộc đầu phiếu phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín. Ứng cử viên Tổng thống
phải có ít ra 40 tuổi và do một chính đảng đề nghị. Nhiệm kì của Tổng thống là
4 năm. Tổng thống chỉ được tái cử 1 lần. Trong trường hợp khiếm khuyết vì một
lí do gì, Thủ tướng và Nhân viên Hội đồng Quốc gia, theo thứ tự luật định sẽ
thay thế.
Về quyền hạn của Tổng thống, Hiến pháp Đại Hàn
ghi rõ rằng Tổng thống, có quyền:
·
Kí các hiệp ước, bổ nhiệm
các sứ thần, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao ;
·
Quyền tuyên chiến và kí
hòa ước ;
·
Quyền ân xá, hoàn giảm
hay phục hồi các tội phạm ;
·
Quyền bổ nhiệm các công
chức ;
·
Quyền tuyên bố tình
trạng khẩn cấp hay giới nghiêm và nhất là kí Sắc luật trong thời gian Quốc hội
không nhóm họp. Điều 73 quy định rằng: «Trong trường hợp chiến tranh hay
tình thế hiểm nghèo liên hệ đến bang giao quốc tế trong trường hợp thiên tai
hay khủng hoảng kinh tế và tài chính, nếu cần có những quyết định khẩn cấp để
bảo đảm an ninh và trật tự công cộng, Tổng thống có quyền kí các Sắc luật về
tài chính và kinh tế. Tổng thống chỉ có quyền này trong trường hợp không thể
triệu tập Quốc hội kịp thời».
Ngoài ra Tổng thống là Tổng Tư lệnh tối cao
quân lực.
B. Hội đồng Quốc gia
Song song với sự hiện diện của Tổng thống, một
cơ quan mệnh danh là Hội đồng Quốc gia ấn định và điều khiển chính sách quốc
gia. Hội đồng Quốc gia gồm có:
·
Chủ tịch: Tổng thống
·
Phó Chủ tịch: Thủ tướng
·
Và một số nhân viên
không quá 20 và không dưới 10.
Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm. Các nhân
viên của Hội đồng Quốc gia cũng do Tổng thống bổ nhiệm, chiếu đề nghị của Thủ
tướng.
Về thẩm quyền của Hội đồng Quốc gia, điều 86
của Hiến pháp kê khai một cách rõ ràng: Hội đồng Quốc gia bàn về các vấn đề sau
đây:
·
Các kế hoạch căn bản
liên hệ đến các vấn đề quốc gia và chính sách chung của Hành pháp;
·
Tuyên chiến, đình chiến
và các vấn đề liên hệ đến ngoại giao;
·
Các dự thảo hiệp ước, dự
thảo Luật hay Sắc lệnh của Tổng thống;
·
Các dự thảo ngân sách,
các phúc trình tài chính;
·
Tuyên bố và bãi bỏ tình
trạng giới nghiêm;
·
Các vấn đề quân sự quan
trọng;
·
Việc triệu tập khóa họp
bất thường của Quốc hội;
·
Các vấn đề ân xá, hoán
giảm và phục hồi;
·
Thẩm quyền các Bộ;
·
Các vấn đề ủy quyền;
·
Ấn định và phối hợp
chính sách của các Bộ;
·
Truy tố nhằm giải tán
các chính đảng;
·
Xét các đơn khiếu nại
hành vi của Chính phủ;
·
Việc bổ nhiệm một số
công chức cao cấp như Tổng Tham mưu Trưởng các quân lực, các sứ thần, Viện
trưởng Viện Đại học, các Giám đốc Xí nghiệp quan trọng của quốc gia v.v…
Danh sách các vấn đề này bao gồm tất cả công
việc của Hội đồng Nội các. Tuy nhiên danh sách này không có tính cách hạn chế.
C. Các Bộ trưởng
Các Bộ trưởng do Tổng thống bổ nhiệm trong số
các nhân viên của Hội đồng Quốc gia, chiếu đề nghị của Thủ tướng. Như thế – và
đây là một đặc điểm nhỏ về cơ cấu hành pháp của Hiến pháp Đại Hàn – là có một
số nhân viên của Hội đồng Quốc gia không giữ Bộ nào.
Chính Thủ tướng là người điều khiển, đôn đốc
và kiểm soát việc quản trị các Bộ của Chính phủ.
D. Hội đồng Kiểm soát
Hội đồng Kiểm soát là
cơ quan của Chính phủ, dưới quyền điều khiển trực tiếp của Tổng thống. Hội đồng
gồm ít nhất 5 nhân viên, nhiều nhất 16 nhân viên. Vị Chủ tịch do Tổng thống bổ
nhiệm chiểu đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Kiểm soát.
Nhiệm kì của Chủ tịch và các hội viên là 4
năm. Riêng vị Chủ tịch chỉ được tái bổ nhiệm một kỳ liền.
Hội đồng Kiểm soát có nhiệm vụ xem xét các
phúc trình hàng năm về tài chính, chi và thu và trình cùng Tổng thống và Quốc
hội.
Đoạn 3: PHÁP VIỆN TỐI CAO
Quyền tài phán, chiếu theo Hiến pháp Đại Hàn,
được giao phó cho các Tòa án mà Tối cao Pháp viện là cơ quan tài phán cao
nhất.
Thành phần của Tối cao Pháp viện gồm có:
·
Một Chủ tịch, do Tổng
thống bổ nhiệm với sự thỏa thuận của Quốc hội, chiếu theo đề nghị của Hội đồng
giới thiệu các Thẩm phán, nhiệm kì là 6 năm.
·
Một số Hội thẩm, không
quá 16, do Tổng thống bổ nhiệm, chiếu đề nghị của Chủ tịch Tối cao Pháp viện.
Nhiệm vụ: Tối cao Pháp viện xử chung thẩm mọi vụ kiện.
Tuy nhiên, về phương diện luật Hiến pháp. Tối cao Pháp viện có hai thẩm quyền
đáng chú ý: đó là quyền kiểm pháp và quyền giải tán các chính đảng.
Điều 102: “Tối cao Pháp viện có thẩm quyền quyết định
chung thẩm về tính cách hợp hiến của một đạo luật, về tính cách hợp hiến hay
hợp pháp của những quyết định hành chính”.
Điều 103: “Tối cao Pháp viện có thẩm quyền giải tán
một đảng chính trị. Một quyết định như thế phải hội ít ra 3/5 tổng số hội viên
của Tối cao Pháp viện. (Xin nhấn mạnh rằng chính Hội đồng Quốc gia truy tố và
đề nghị giải tán một chính đảng.)
KẾT LUẬN
Một chế độ Tổng thống với vị chỉ huy Hành pháp
mạnh như Hoa Kỳ. Tổng thống do dân bầu trực tiếp, có toàn quyền khi quốc biến.
Đồng thời một Quốc hội độc lập không bị giải tán.
Song Hiến pháp Đại Hàn lại thêm một vài điểm
thông thường của chế độ Nghị viện: Quốc hội chất vấn, điều tra bất tín nhiệm
Thủ tướng Bộ trưởng.
Đứng trên phương diện lí thuyết, cơ cấu chính
quyền như thế rất phức tạp và có thể có hiệu quả không hay về mặt ổn định chính
trị.
Tuy nhiên tình hình
chính trị Đại Hàn tương đối khả quan là nhờ tính cách ưu thế của Đảng
Dân chủ Cộng hòa, đảng của Tướng Phác Chánh Hy. Thật vậy, nhìn lại lịch sử
chính trị Đại Hàn trước ngày quân đội nắm chính quyền, chúng ta thấy rằng Đảng
Dân chủ đã chiến đấu rất dũng cảm chống độc tài thắng một đa số tuyệt
đối trong cuộc tuyển cử hồi tháng 7-1960 sau cuộc cách mạng của sinh viên. Đây
là cuộc tuyển cử tương đối tự do và công bình nhất trong lịch sử chính trị Đại
Hàn. Đảng Dân chủ được 175 ghế trong số 233 ghế trong Hạ Nghị viện và 31 ghế
trong số 58 ghế trong Thượng Nghị viện. Đảng Dân chủ được mọi người công nhận
là nhóm kết hợp của tất cả các khối chính trị bảo thủ đã nắm ưu thế trong cả Hạ
và Thượng viện trong cuộc tuyển cử sau cuộc cách mạng của sinh viên được tổ
chức vào ngày 20-7-1960, trong khi đó, các nhóm cải cách bị chế độ Rhee[4] đàn áp dữ dội làm cho trên bước đầu trong trường chính trị
quốc gia của họ, họ chỉ được 5 ghế trong Hạ Nghị viện và 2 ghế trong Thượng
Nghị viện trong cuộc tuyển cử này. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đã thực sự tách ra
làm hai đảng cựu và tân do Yun Po-Sun[5] và Chang Myon
lãnh đạo. Sự phân tách rõ rệt khi người lãnh đạo Tân đảng là ông Chang Myon đạt
chức Thủ tướng. Cựu đảng do Cựu Tổng thống Yun Po-Sun lãnh đạo tổ chức thành
Đảng Simmin hay Đảng Tân dân. Hai đảng này ngấm ngầm tranh đấu chống đối nhau
và kết quả là tình hình chính trị chẳng bao lâu trở nên hỗn độn.
Tháng 5-1961 Đảng Dân chủ cầm quyền mất đa số
trong Quốc hội vì sự bất hòa của Cựu đảng và bị Đảng Tân dân ngấm ngầm công
kích trong Quốc hội, trong khi đó các nhóm cải cách và sinh viên cấp tiến vu
khống đảng cầm quyền qua các cuộc biểu tình trên đường phố. Trước tình trạng
nguy khốn ấy, ngày 16-5-1961 quân đội làm cách mạng lật đổ chính phủ của Đảng
Dân chủ.
Cuộc cách mạng của
quân đội mở thêm một chương mới trong lịch sử chính trị Đại Hàn. Các nhà cách
mạng quân đội tố cáo các chính trị gia cũ bằng khẩu hiệu tiêu diệt những phần
tử xấu xa cũ và sau 2 năm nắm quyền, quân đội tổ chức Đảng Dân chủ Cộng
hòa có nhiều thế lực (đầu năm 1963) với những nhà chính trị tận tâm và
hăng hái. Đảng có tính cách mới mẻ không những về thành phần đảng viên mà còn
về tư tưởng chính trị dựa trên các khẩu hiệu như “Thay đổi thế hệ” – “Chủ nghĩa
quốc gia”, “Thay đổi thái độ” cũng như kế hoạch ngũ niên về phát triển kinh tế.
Đảng tự cho mình là phần tử tiền phong trong việc xây dựng quốc gia, từ bỏ
những cái mà họ gọi là tham nhũng, xung đột đảng phái và âm mưu chính trị. Từ
cuộc tuyển cử Tổng thống và Quốc hội năm 1963 cho tới khi Đảng Dân chủ Cộng hòa
đạt được một đa số khá lớn trong các cuộc tuyển cử tương đối công bình, Tướng
Phác Chánh Hy thành lập Đệ tam Cộng hòa. Đảng Dân chủ Cộng hòa chiếm một đa số
gần 2/3 (110 ghế trong số 175 ghế trong Quốc hội), trong khi Đảng Tân dân do
cựu Tổng thống Yun Po-Sun cầm đầu được 60 ghế còn Đảng Dân chủ và hai đảng
thiểu số khác chiếm các ghế còn lại. Mùa hạ 1965 khi chính phủ Phác Chánh Hy và
Đảng Dân chủ Cộng hòa muốn bình thường hóa mối bang giao với Nhật, Đảng Tân dân
và Đảng Dân chủ hợp lại thành lập Đảng Quần chúng là đảng đối lập liên hiệp,
phản đối đảng cầm quyền. Tuy nhiên, liên minh rộng lớn của các đảng đối lập
không bao lâu thì tan rã vì bất đồng quan điểm về sự kiểm soát sự tiến gần giữa
Đại Hàn và Nhật và xung đột đảng phái về thủ lãnh đảng.
Tóm lại, các đảng
chính trị dưới thời Đệ tam Cộng hòa có hình thức của một hệ thống độc đảng vì
Đảng Dân chủ Cộng hòa rất mạnh và người ta có thể tiên đoán
rằng Tổng thống Phác Chánh Hy sẽ tái đắc cử trong nhiệm kì 2 và có thể cả nhiệm
kì 3. Nếu chính phủ Dân chủ Cộng hòa của Tổng thống Phác thành công mĩ mãn kế hoạch
ngũ niên thứ nhất về phát triển kinh tế (1962/66) và kế hoạch ngũ niên thứ hai
(1967/71), nâng lợi tức tính trên đầu người lên tới 200 Mỹ kim vào năm 1967 và
làm cho nền kinh tế không còn lệ thuộc vào ngoại viện nữa, có thể Đảng Dân chủ
Cộng hòa do Tổng thống Phác lãnh đạo sẽ thuộc vào loại chính đảng ưu thế của
các nước đang phát triển, nghĩa là chính phủ và đảng cầm quyền cố tạo ảnh hưởng
mạnh mẽ trong khi các đảng đối lập sẽ đắm chìm trong thất bại.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và
Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra
thực hiện.
[1] Tức Syngman Rhee (p&c)
[2] Tức Chang Myon (p&c)
[3] Tức Park Chung Hee ( p&c)
[4] Tức Lí Thừa Vãn (p&c)
[5] Tức Yun Bo-seon theo cách viết hiện nay
(p&c)