Xem các phần: (1),
(2),
(3),
(4),
(5),
(6), (7),
(8),
(9),
(10),
(11),
(12),
(13),
(14),
(15),
(16),
(17),
(18),
(19)
Nguyễn Văn Bông
CHƯƠNG III: NỀN ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA
Mục IV: QUYỀN TƯ PHÁP
Theo điều 76 Hiến pháp, quyền Tư pháp, độc lập
được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và hành xử bởi các Thẩm phán xử án.
Đoạn 1: VẤN ĐỀ BẢO VỆ SỰ ĐỘC LẬP CỦA THẨM
PHÁN XỬ ÁN
Một trong những đặc điểm của nhà lập hiến khi
bàn về ngành Tư pháp là nâng Tư pháp ngang hàng hai công quyền Lập pháp và Hành
pháp. Hiến pháp 1967 đã ghi Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp vào chung một điều
khoản khi chấp thuận nguyên tắc phân nhiệm, phân quyền và điều hòa hoạt động,
đồng thời minh thị xác nhận nguyên tắc thiết lập hai quy chế riêng cho hai
ngành thẩm phán xử án và thẩm phán công tố.
Sự phân biệt hai ngạch này từ nay khoát hiến
tính. Thẩm phán xử án quyết định theo lương tâm và pháp luật, dưới sự kiểm soát
của Tối cao Pháp viện. Như thế Hành pháp không còn chi phối được ngành Tư pháp
bằng cách hoán chuyển như giao chức vụ cho thẩm phán công tố sẵn sàng theo mệnh
lệnh của chính phủ và đưa vào công tố viện những thẩm phán cương trực.
Hơn nữa, một Hội
đồng Thẩm phán sẽ được thiết lập gồm các thẩm phán xử án do các thẩm
phán bầu, có nhiệm vụ:
·
Đề nghị bổ nhiệm, thăng
thưởng, thuyên chuyển và chế tài kỉ luật các thẩm phán xử án;
·
Cố vấn Tối cao Pháp viện
về các vấn đề liên quan đến ngành Tư pháp.
Như vậy, với sự hiện diện của Hội đồng Thẩm
phán, Hành pháp không còn có thể dùng sự thuyên chuyển hoặc thăng thưởng để uy
hiếp hay mua chuộc thẩm phán.
Đoạn 2: TỐI CAO PHÁP
VIỆN
Tối cao Pháp viện, cơ quan tài phán cao nhất, được
ủy nhiệm quyền Tư pháp độc lập. Điều 80 Hiến pháp và Luật số 007/68 ngày 3-9-68
quy định sự tổ chức và điều hành Tối cao Pháp viện.
I. Thành phần
Tối cao Pháp viện gồm 15 Thẩm phán do Quốc hội
tuyển chọn và Tổng thống bổ nhiệm căn cứ trên danh sách 30 người do cử tri đoàn
gồm Thẩm phán xử án, công tố và Luật sư bầu ra.
Nhiệm kì của Thẩm phán Tối cao Pháp viện là 6
năm và cứ 3 năm sẽ bầu lại 6 hay 9 Thẩm phán mãn nhiệm kì. Tuy nhiên trong giai
đoạn đầu, Tối cao Pháp viện chỉ gồm có 9 Thẩm phán, 6 người nữa sẽ được bầu 3
năm sau.
A. Các điều kiện ứng
cử, bầu cử và tuyển chọn Thẩm phán Tối cao Pháp viện
1. Ứng cử
Các Thẩm phán xử án, công tố và các Luật sư
hội đủ những điều kiện quy định trong điều 5 được quyền ứng tuyển Thẩm phán Tối
cao Pháp viện.
Có 6 điều kiện về quốc tịch, về thời gian hành
nghề (10 năm), về tư cách (không bị án phạt về đại hình, tiểu hình, kỉ luật),
về chính kiến và về tình trạng quân dịch.
Hồ sơ ứng tuyển phải nạp tại Hội đồng tổ chức
bầu cử chậm nhất là 1 tháng trước ngày bầu cử. Hội đồng tổ chức bầu cử này do
Chủ tịch Thượng Viện làm Chủ tịch gồm Chủ tịch Hạ Viện, 1 dân biểu, 1 nghị sĩ,
1 Thẩm phán xử án, 1 công tố và 1 Luật sư có nhiệm vụ tổ chức và giải quyết các
vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử như cứu xét các đơn khiếu nại v.v… Hội đồng
còn có thể quyết định với đa số 5/7 tổng số hội viên, hủy bỏ cuộc bầu cử nếu
thấy có sự bất hợp lệ quan trọng làm sai lạc tính cách thành thật và kết quả
bầu cử.
2. Bầu cử
Cử tri đoàn gồm 50 Thẩm phán xử án, 50 Thẩm
phán công tố và 50 Luật sư được các đoàn thể của họ bầu ra theo thể thức liên
danh đa số.
Các Thẩm phán Tối cao Pháp viện được bầu theo
thể thức đơn danh, hợp tuyển, trực tiếp và kín.
Mỗi cử tri có quyền bầu tối đa 30 người (mỗi
thành phần 10 ứng tuyển viên).
Ba mươi ứng tuyển viên theo tỉ lệ mỗi thành
phần 1/3 – được nhiều phiếu nhất sẽ trúng cử ứng tuyển viên Thẩm phán Tối cao
Pháp viện.
3. Tuyển chọn
Trong thời hạn 24 giờ sau khi công bố kết quả,
Hội đồng tổ chức bầu cử phải gửi danh sách cùng hồ sơ 30 ứng tuyển viên đắc cử
đến Văn phòng Thượng viện và Hạ viện.
Một phiên họp khoáng đại lưỡng viện sẽ được
triệu tập và sẽ họp kín để tuyển chọn trong số 30 ứng tuyển viên đắc cử 9 hay 6
Thẩm phán Tối cao Pháp viện bằng 1 cuộc bỏ phiếu kín.
4. Bổ nhiệm
Tổng thống sẽ bổ nhiệm các Thẩm phán Tối cao
Pháp viện này theo danh sách do Chủ tịch Thượng Nghị viện chuyển đến.
Trong pháp nhiệm đầu
tiên, 9 vị có tên sau đây được bổ nhiệm Thẩm phán Tối cao Pháp viện: Trần
Văn Linh, Nguyễn Văn Biện, Trần Minh Triết, Mai Văn An, Trần Văn Liêm, Nguyễn
Văn Sĩ, Trịnh Xuân Ngạn, Nguyễn Mộng Bích, Nguyễn An Thông.
Vấn đề bầu cử phức tạp thẩm phán Tối cao Pháp
viện là hậu quả của một thái độ của nhà lập hiến không những luôn luôn chống
đối nguyên tắc bất khả bãi nhiệm mà còn quan niệm rằng uy thế cũng như sự độc
lập của thẩm phán phải được sự ủy quyền gián tiếp của quốc dân qua sự tuyển
chọn bởi Quốc hội.
Mặc dù kết quả cuộc tuyển chọn thành phần Tối
cao Pháp viện nhiệm kì đầu tiên được xem là khả quan, chúng ta vẫn e ngại rằng
trong tương lai, với những cuộc bầu cử tới, chính trị sẽ xen mạnh vào pháp đình
và làm mất hẳn tính cách độc lập của ngành Tư pháp.
B. Quy chế Thẩm phán
Tối cao Pháp viện
Các Thẩm phán TCPV phải tuyên thệ trước Lập
pháp và Hành pháp trước khi nhậm chức.
Các vị Thẩm phán này không được kiêm nhiệm một
chức vụ công cử hay dân cử ngoại trừ việc giảng huấn tại Đại Học, nhưng sẽ được
quy hồi ngạch cũ nếu là Thẩm phán khi hết nhiệm kì.
Thẩm phán TCPV cũng như người phối ngẫu không
được dự vào những cuộc đấu thầu hay kí hợp đồng với cơ quan công quyền.
Ngoài ra, nếu hành nghề luật sư, người phối
ngẫu này sẽ không được biện hộ trước TCPV.
Các Thẩm phán TCPV có thể bị chấm dứt nhiệm vụ
vì 4 lí do ngoài lí do mãn nhiệm kì:
·
Chết;
·
Từ chức;
·
Bất lực về tinh thần hay
thể chất;
·
Bị truất quyền vì can
trọng tội (điều 60).
Nếu có trường hợp khiếm khuyết một hay nhiều
Thẩm phán TCPV, vị Chủ tịch sẽ thông báo cho Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện,
Hạ viện, Quốc hội có 30 ngày để tuyển chọn người thay thế theo thủ tục ấn định
ở Tiết 6 Chương II (điều 58).
Như vậy điều 58 Luật số 7/68 quy định một điểm
đặc biệt là Lập pháp có toàn quyền tuyển chọn người thay thế các vị Thẩm phán
TCPV đã bị chấm dứt nhiệm vụ vì 4 lí do trên mà khỏi qua giai đoạn bầu cử đầu
tiên.
Trong suốt thời gian hành nhiệm, Thẩm phán
TCPV được hưởng các đặc miễn như không thể bị truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét
xử vì những ý kiến và biểu quyết của họ.
Các vị Thẩm phán TCPV chỉ có thể bị truy tố,
bắt giam trong 2 trường hợp:
1.
Nếu có sự chấp thuận của
2/3 tổng số Thẩm phán TCPV;
2.
Nếu phạm tội quả tang.
Trong trường hợp này, sự truy tố hay bắt giam cũng được đình chỉ nếu có sự yêu
cầu của 2/3 Thẩm phán TCPV.
II. Tổ chức Tối cao
Pháp viện
Cơ cấu Tối cao Pháp viện gồm:
·
Đại Hội đồng;
·
Văn phòng;
·
Ban Bảo hiến;
·
Ban Phá án.
Ngoài ra Tối cao Pháp viện còn có 1 khối
chuyên viên, Nha Tổng Thư kí và các cơ quan trực thuộc.
a. Đại Hội đồng gồm toàn thể Thẩm phán Tối cao Pháp viện có
nhiệm vụ:
·
Quản trị ngành Thẩm phán
xử án, các Tòa án và nhân viên trực thuộc;
·
Giải thích Hiến pháp và
kiểm soát tính cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật cùng tính cách hợp hiến
và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và các quyết định Hành chính;
·
Kiểm soát chủ trương và
hành động các chính đảng;
·
Soạn thảo nội quy và
quản trị Tối cao Pháp viện cùng giải quyết các vấn đề nội như bầu cử văn phòng
v.v…
Ngoài ra Đại Hội đồng Tối cao Pháp viện còn có
nhiệm vụ quyết định đình chỉ truy tố hay bắt giam một Thẩm phán Tối cao Pháp
viện trong trường hợp quả tang phạm pháp hay giải nhiệm vì lí do bất lực
Cũng như Quốc hội và Tổng thống, Đại Hội đồng
Tối cao Pháp viện cũng có quyền chỉ định 1/3 tổng số Giám sát Viện.
Sau hết, việc kiểm kê tài sản của Chủ tịch
Giám sát Viện và các Giám sát Viện cùng phụ trách việc lập danh sách ứng cử
viên Tổng thống và Phó Tổng thống, kiểm soát cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả.
b. Ban Bảo hiến: có nhiệm vụ thuyết trình trước Đại Hội đồng
về việc giải thích Hiến pháp, tính cách hợp hiến hay không của các đạo luật,
sắc luật, sắc lệnh. Nghị định, quyết định hành chính và việc giải tán một chính
đảng.
c. Ban Phá án: gồm 3 phòng:
·
Phòng Hộ vụ;
·
Phòng Hình vụ và
·
Phòng Hành chính.
Cả 3 phòng này tùy theo tính chất nội vụ mà
phân chia thẩm quyền giữa các phòng, xét những vụ xin tiêu phá và phân định
thẩm quyền giữa các cơ quan tài phán.
Và một viện chưởng lí trực thuộc Bộ Tư pháp
hành xử công tố quyền.
III. Thẩm quyền
Điều 2 Luật số 07/68 quy định thẩm quyền Tối
cao Pháp viện, chúng ta có thể phân biệt:
·
Thẩm quyền Bảo hiến:
Giải thích Hiến pháp cùng với hiến tính các đạo luật, sắc luật tính cách hợp
hiến và hợp pháp sắc luật, nghị định và quyết định hành chính: giải tán một
chính đảng có chủ trương và hành động chống lại chính thể Cộng hòa;
·
Thẩm quyền về Tư pháp:
xét các vụ xin tiêu phá, các bản án chung thẩm của mọi Tòa án, xét các đơn xin
tái thẩm và phân định thẩm quyền giữa các cơ quan tài phán;
·
Thẩm quyền về Hành
chính: Quản trị ngành Tư pháp, kiểm kê tài sản Chủ tịch Giám sát Viện và các
Giám sát Viện, lập danh sách ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống, kiểm
soát tính cách hợp thức của cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả, chứng kiến lễ
tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử và chỉ định 1/3 tổng số Giám sát
Viện.
A. Về thủ tục tố tụng ấn định ở chương V gồm
18 điều khoản có 3 loại:
1. Thủ tục Bảo hiến
Phương cách chính tố: Điều 63 quy định mọi thể nhân hay pháp nhân Tư
pháp hay công pháp đều có quyền, bằng phương cách chính tố xin Tối cao Pháp
viện phán quyết về tính cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật hoặc tính cách
hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chính nếu
chứng minh được lợi ích để khởi tố trừ các pháp nhân công pháp.
Đơn khởi tố phải viện dẫn lí do và nạp tại Nha
Tổng Thư kí Tối cao Pháp viện, kèm theo biên lai đóng tiền dự phạt 5000đ. Tiền
dự phạt sẽ được hoàn lại nếu đơn được chấp thuận.
Phương cách khước biện: Ngoài ra, trong mọi vụ kiện, bất kỳ ở giai
đoạn nào, kể cả giai đoạn phá án, đương tụng có thể bằng phương cách khước
biện, xin Tối cao Pháp viện phán quyết về hiến tính của các đạo luật, sắc luật
hoặc tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyền quyết
định hành chính.
Đơn khước biện có nêu rõ lí do, kèm theo biên
lai đóng tiền dự phạt 5000đ, phải do đương sự đích thân hoặc do luật sư thay
mặt nạp trong phiên xử của Tòa án đang thụ lí vụ kiện. Tòa án phải quyết định
ngay trong phiên xử này, sau khi nghe công tố viện kết luận, hoặc chấp nhận nạp
trình khước biện lên Tối cao Pháp viện hoặc từ khước, nếu xét những lí do nại
dẫn hiển nhiên không xác đáng.
Quyết định từ khước sẽ phải thông báo ngay
trong phiên Tòa cho đương sự hay cho Luật sư thay mặt đương sự. Đương sự có
quyền khiếu nại trong hạn 7 ngày. Chánh Lục sự Tòa thụ lí phải đánh dấu trên
đơn khiếu nại ngày tháng tiếp nhận và kí tên chứng thật cùng lập biên bản về sự
tiếp nhận này.
Trong hạn 7 ngày sau khi có quyết định chấp
nhận nạp trình khước biện hoặc sau khi nhận đơn khiếu nại, Tòa án thụ lí phải
chuyển hồ sơ và biên lai tiền dự phạt lên Tối cao Pháp viện và hoãn xử chánh vụ
cho tới khi có phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Chủ tịch Tối cao Pháp viện phải giao hồ sơ cho
Ban Bảo hiến đồng thời thông tư đơn khởi tố hay khước biện trạng cho Viện
Chưởng lí và cho bị đơn.
Thời hạn đệ trình biện minh và kháng biện luận
cho 2 bên nguyên và bị đơn do Chủ tịch ấn định tùy trường hợp.
Viện Chưởng lí có thời hạn 2 tháng để nạp kết
luận trạng.
Tất cả các kết luận trạng, biện minh trạng và
kháng biện phải được thông tư cho các đương sự trong vụ án.
Chủ tịch Tối cao Pháp viện sẽ ấn định ngày giờ
trong một phiên xử công khai của Đại Hội đồng và thông báo cho các nguyên và bị
đơn cùng Viện Chưởng lí.
Trong phiên xử công khai này Chủ tịch, trong
khi kiểm điểm thành phần hợp lệ, trao lời cho thuyết trình viên, mở cuộc thẩm
vấn và lần lượt trao lời cho nguyên đơn, Viện Chưởng lí và bị đơn.
Sau đó Đại Hội đồng sẽ nghị án trong phòng
thẩm nghị và phán quyết có viện dẫn lí do sẽ được tuyên đọc trong phiên tòa
công khai.
2. Thủ tục giải thích
Hiến pháp
Tổng thống, Chủ tịch Thượng Nghị viện, Chủ
tịch Hạ Nghị viện, một phần ba (1/3) tổng số Nghị sĩ, hoặc 1/3 tổng số Dân Biểu
có quyền xin Tối cao Pháp viện giải thích Hiến pháp hay phán quyết về việc giải
tán một chính đảng có chủ trương và hành động chống lại chính thể Cộng hòa.
Đại Hội đồng Tối cao Pháp viện phải phán quyết
trong thời hạn tối đa 2 tháng kể từ ngày văn thư yêu cầu nạp tại Nha Tổng Thư
kí Tối cao Pháp viện.
Trường hợp văn thư yêu cầu giải tán một chính
đảng, Chủ tịch Tối cao Pháp viện phải thông báo cho chính bị đơn biết, để tham
khảo hồ sơ, đệ nạp biện minh trạng và cử đại diện tới trình bày lí do trong
phiên xử công khai. Đại diện của Lập pháp và Hành pháp có quyền tham dự để
trình bày quan điểm của mình tại phiên xử này.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện phải hội đủ
đa số ¾ tổng số Thẩm phán tại chức. Các Thẩm phán phe thiểu số trong lúc biểu
quyết có quyền yêu cầu ghi lập trường của mình ngay dưới bản án.
3. Thủ tục phá án
Các thủ tục thượng tố hiện áp dụng trước Tòa
Phá án và Tham chánh Viện vẫn tạm thời được áp dụng trước các Phòng Hộ vụ, Hình
vụ và Hành chính.
Điều 87 Luật 07/68 minh thị quy định rằng Tòa
Phá án đình chỉ hoạt động ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của các Thẩm phán Tối
cao Pháp viện mà không nói gì đến việc bãi bỏ Tham chánh Viện.
Thật ra phần thẩm quyền của Tối cao Pháp viện
bao gồm thẩm quyền của Viện Bảo hiến thời Đệ nhất Cộng Hòa, của Tòa Phá án và
một phần thẩm quyền của Tham chánh Viện.
Thật vậy, phần thẩm quyền của Tham chánh Viện
đi giao cho Tối cao Pháp viện được phân chia cho Ban Bảo Hiến về việc xét tính
cách hợp pháp hay bất hợp pháp của các sắc lệnh nghị định và các quyết định
Hành chính – và cho phòng Hành chính của Ban Phá Án, việc xin tiêu phá các bản
án hành chính.
Ngoài ra thẩm quyền của Tham chánh Viện còn
bao gồm việc phúc thẩm các bản án do Tòa Hành chính xử sơ thẩm.
·
Việc xử sơ thẩm và chung
thẩm mọi vụ tranh tụng liên quan đến tình trạng Hành chính của các công chức
ngạch A;
·
Việc xét xử một vài loại
tranh tụng đặc biệt về những vụ liên quan đến việc bầu cử vào các hội đồng y
sĩ, nha sĩ, dược sĩ, hộ sinh, hoặc xét các đơn kháng cáo các quyết nghị của các
hội đồng trên, hay của Hội đồng kỉ luật v.v…
Luật số 07/68 không nói gì đến các thẩm quyền
trên cũng như thẩm quyền cố vấn, thẩm quyền dự pháp của Tham chánh Viện.
Có lẽ Tòa Hành chính sẽ được cải tổ theo 2
chiều hướng.
Thứ nhất: Tòa Hành chính sẽ được giao thêm cho
các thẩm quyền nói trên của Tham chánh Viện và sẽ xét xử sơ và chung thẩm tất
các vụ.
Thứ hai: Tòa Hành chính cũng có thể được sáp
nhập vào hệ thống Tư pháp và trở thành 1 ban Hành chính bên cạnh ban hộ vụ và
ban hình sự của các Tòa án Tư pháp.
B. Các phán quyết giải
thích Hiến pháp, tuyên phán bất hợp hiến các đạo luật, sắc luật, nghị định hay
quyết định hành chính và các phán quyết giải tán một chính đảng có hiệu
lực tuyệt đối và phải đăng vào công báo trong hạn 15 ngày kể từ ngày
tuyên án. Các phán quyết này có hiệu lực đình chỉ thi hành các điều khoản bất
hợp hiến hay bất hợp pháp của các văn kiện Lập pháp lập quy và các quyết định
hành chính kể từ ngày đăng trên công báo.
Phán quyết giải tán một chính đảng có hiệu lực
kể từ ngày tuyên án.
Các phán quyết bác đơn
khởi tố và khước biện chỉ có hiệu lực tương đối mà thôi.
Mục V: CÁC ĐỊNH CHẾ ĐẶC BIỆT
Dưới tiêu đề “Các định chế đặc biệt”, trọn
chương 6 Hiến pháp đề cập đến Đặc biệt Pháp viện, Giám sát Viện và một số Hội
đồng có nhiệm vụ tư vấn như Hội đồng Quân lực, Hội đồng Văn hóa Giáo dục, Hội
đồng Kinh tế Xã hội và Hội đồng các Sắc tộc
Đoạn 1: ĐẶC BIỆT PHÁP VIỆN
Đặc biệt Pháp viện là cơ quan tài phán có thẩm
quyền truất quyền Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, các Tổng Bộ trưởng,
các Thẩm phán Tối cao Pháp viện và các Giám sát Viện trong trường hợp can tội
phản quốc và các trọng tội khác.
A. Tổ chức
Đặc biệt Pháp viện gồm 5 Dân biểu và 5 Nghị sĩ
và do Chủ tịch Tối cao Pháp viện giữ chức Chánh thẩm.
Trong trường hợp chính Chủ tịch Tối cao Pháp
viện là bị can, chức Chánh thẩm sẽ do Chủ tịch Thượng Nghị viện đảm nhiệm.
B. Điều hành
Quyền truy tố trước Đặc biệt Pháp viện thuộc
thẩm quyền Quốc hội.
Đề nghị khởi tố đối với Tổng thống và Phó Tổng thống, có
viện dẫn lí do, phải được 2/3 tổng số dân biểu và nghị sĩ kí tên. Quyết
nghị khởi tố phải được đa số ¾ tổng số dân biểu và nghị sĩ chấp thuận.
Đối với các nhân vật khác, đề nghị khởi tố chỉ cần được quá bán tổng số dân
biểu và nghị sĩ kí tên và quyết nghị khởi tố được 2/3 tổng số dân biểu và nghị
sĩ chấp thuận.
Quyết nghị khởi tố được Quốc hội chấp thuận có
hiệu lực đình chỉ nhiệm vụ của đương sự cho đến khi Đặc biệt Pháp viện phán
quyết.
Đặc biệt Pháp viện phán quyết truất quyền theo
đa số ¾ tổng số nhân viên. Riêng đối với Tổng thống và Phó Tổng thống, phán
quyết truất quyền theo đa số 4/5 tổng số nhân viên.
Đoạn 2: GIÁM SÁT VIỆN
Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa ngày 1-4-1967
trong 4 điều 88, 89, 90, 91 quy định việc thành lập một Giám sát Viện có thẩm
quyền rộng rãi và gần như biệt lập đối với các cơ quan Hành pháp, Lập pháp và
Tư pháp. Đạo luật số 9/68 ban hành ngày 23-10-1968 ấn định chi tiết về việc tổ
chức và điều hành Giám sát Viện.
I. Thành phần Giám sát
Viện
Giám sát Viện gồm 18 vị Giám sát một phần ba
(1/3) do Quốc hội, 1/3 do Tổng thống và 1/3 do Tối cao Pháp viện chỉ định.
Có 5 điều kiện để có thể chỉ định vào Giám sát
Viện gồm các điều kiện về tuổi (30) về quốc tịch, về thời gian cư ngụ trong
nước, về tư cách, về tình trạng quân dịch.
Nhiệm kì các Giám sát Viện là 4 năm và có thể
được tái chỉ định.
Nhiệm kì này có thể chấm dứt vì 5 lí do như
mệnh chung, từ chức, bị truất quyền vì can trọng tội, bất lực về tinh thần hay
vật chất và các vị Giám sát còn có thể bị Quốc hội, Tổng thống, hay Tối cao
Pháp viện, giải nhiệm vì lí do bất lực trong công vụ hoặc liên can đến hành vi
tham nhũng.
Các Giám sát được bổ nhiệm bằng sắc lệnh Tổng
thống và phải tuyên thệ trong một phiên họp khoáng đại Lưỡng viện Quốc hội có
sự hiện diện của Tổng thống và Chủ tịch Tối cao Pháp viện.
Sự tuyên thệ này ban cho các Giám sát tư cách
Tư pháp cảnh lại trong phạm vi hành xử quyền giám sát.
Trong suốt thời gian hành nhiệm các vị Giám
sát được hưởng các đặc miễn như không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử
vì những biểu quyết của họ tại Hội đồng Giám sát Viện, nếu không có sự chấp
thuận của 2/3 tổng số Dân biểu và Nghị sĩ.
Trong trường hợp quả tang phạm pháp việc truy
tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử cũng được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của quá
bán tổng số Dân biểu và Nghị sĩ. Các vị Giám sát có quyền và có nhiệm vụ bảo
mật về xuất xứ các tài liệu trình bày trước Hội đồng Giám sát Viện và chỉ có
Hội đồng này mới có quyền hệ cấp đối với họ.
Các vị Giám sát cũng không thể kiêm nhiệm một
chức vụ công cử hay dân cử nào ngoại trừ việc giảng huấn tại đại học.
II. Tổ chức Giám sát
Viện
Giám sát Viện có ngân sách tự trị và có quyền
lập quy để tổ chức nội bộ và quản trị ngành Giám sát.
Giám sát Viện gồm 3 cơ quan chính:
1. Quyền chỉ đạo Giám
sát Viện thuộc một Hội đồng gồm toàn thể các Giám sát có
nhiệm vụ quản trị ngành Giám sát, soạn thảo nội quy, lập chương trình hoạt
động, biểu quyết Ngân sách của Viện cùng quyết định về trường hợp bất lực tinh
thần hay thể chất của các Giám sát. Ngoài ra Hội đồng căn cứ xét và quyết định
các biện pháp chế tài đối với chức phạm lỗi, và quyết định việc công bố kết quả
các cuộc điều tra trừ trường hợp chính người bị điều tra xin công bố kết quả.
Hội đồng Giám sát Viện họp mỗi tháng 1 kỳ hoặc
khi có 1/3 Giám sát yêu cầu.
2. Văn phòng Giám
sát Viện do Hội đồng bầu ra gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hai trưởng ban chuyên
biệt là Chủ tịch Ủy ban Thẩm tra, Kiểm kê tài sản và một Tổng Thư kí. Văn phòng
này chấp hành các quyết nghị của Hội đồng và tổ chức các phòng dân ý tại Trung
ương và Địa phương.
3. Các Ban
Chuyên biệt Trung ương và các khu Giám sát địa phương
a. Ban Điều tra, kiểm tra gồm một Chủ tịch và
5 ủy viên do Hội đồng Giám sát Viện chỉ định.
b. Ban Thẩm kê kế toán và Kiểm kê tài sản gồm
một Chủ tịch và 4 ủy viên do Hội đồng Giám sát chỉ định.
Hai Ban chuyên biệt Trung ương này đảm nhiệm
trọng trách thi hành 5 nhiệm vụ chính của Giám sát Viện ấn định trong điều 1
luật số 9/68.
c. Các khu Giám sát địa phương:
Nội quy Giám sát chia nhân viên làm 4 khu Giám
sát địa phương.
Khu Giám sát I gồm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi,
Quảng Tín, Quảng Trị và Thừa Thiên.
Khu Giám sát II: Đà Lạt, Cam Ranh, Bình Định, Bình Thuận,
Darlac, Khánh Hòa, Kontum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Phu Bổn, Phi Ru,
Quảng Đức, Tuyên Đức.
Khu Giám sát III: Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long,
Bình Tuy, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Phước Long, Phước Tuy, Tây Ninh và
Gia Định.
Khu Giám sát 4: An Giang, An Xuyên, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Châu
Đốc, Chương Thiện, Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tương, Phong
Dinh, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc.
Mỗi khu Giám sát đặt dưới quyền một Đặc ủy
Giám sát do Hội đồng bầu ra.
d. Nhiệm vụ của vị Đặc ủy Giám sát là:
Kiểm soát nhân viên các cơ quan công quyền, đề
nghị mở các cuộc điều tra, tổ chức phòng dân ý, đề nghị và phối hợp với các vị
Giám sát khác để mở cuộc thanh tra, điều tra và kiểm soát kế toán.
e. Thanh tra đoàn đặt dưới quyền điều động của
Giám sát Viện, có nhiệm vụ phụ tá các vị Giám sát trong việc hành xử nhiệm vụ
Giám sát.
III. Thẩm quyền và
nhiệm vụ của Giám sát Viện
Điều 1 luật số 9/68 lập lại điều 88, 69, Hiến
pháp, ấn định 5 thẩm quyền và nhiệm vụ của Giám sát Viện như sau:
·
Thanh tra, Kiểm soát và
điều tra mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến
quyền lợi quốc gia của các nhân viên cơ quan công quyền và các tư nhân đồng
phạm hay tòng phạm;
·
Thẩm tra kế toán đối với
các cơ quan công quyền và các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh;
·
Kiểm kê tài sản các công
chức kể cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Nghị sĩ, Dân biểu và Chủ tịch
Tối cao Pháp viện;
·
Đề nghị biện pháp chế
tài về kỉ luật đối với nhân viên công quyền phạm lỗi, hoặc yêu cầu truy tố
đương sự trước Tòa án;
·
Đề nghị các biện pháp
cải thiện lề lối làm việc để ngăn ngừa tham nhũng đầu cơ, hối mại quyền thế.
IV. Thủ tục Giám sát
Để đảm bảo quyền tự do cá nhân của các người
bị điều tra cùng giúp các vị Giám sát hoàn tất nhiệm vụ khó khăn của mình, Luật
số 9/68 đã ấn định thủ tục Giám sát Viện sau đây:
Giám sát Viện có quyền tự động và bất thần mở
những cuộc thanh tra điều tra hay kiểm soát kế toán nhưng phải giao cho ít nhất
hai vị giám sát thuộc thành phần khác nhau thực hiện.
Quyền hạn các vị giám sát khi thi hành nhiệm
vụ rất rộng rãi. Thật vậy các Giám sát ngoài tư cách Tư pháp cảnh lại cao cấp
còn có quyền thanh sát mọi cơ quan công quyền, xí nghiệp quốc doanh và hợp
doanh, kiểm soát ngân khoản, trương mục hoặc đòi xuất trình sổ sách, hồ sơ
thường và mật liên quan đến cuộc điều tra.
Hơn nữa, các Giám sát còn được sự trợ giúp của
các Giám định viện, chuyên viên, nhân viên công lực, vị chỉ huy cơ quan bị điều
tra và Biện lí cuộc sở tại để ra lệnh dẫn giải các đương can, tòng phạm, đồng
phạm hay nhân chứng từ chối không đến trình diện để lấy lời khai.
Tuy nhiên các Giám sát không có quyền đình chỉ
hoạt động các cơ quan hay xí nghiệp bị điều tra mà chỉ có thể tạm ngưng chức
các nhân viên bị điều tra nhưng quyết định tạm ngưng chức này phải có sự đồng ý
của đa số quá bán các giám sát điều tra.
Trong trường hợp phạm pháp quả tang hay có
bằng chứng hiển nhiên các người phạm pháp có thể bị Biện lí tạm câu lưu nếu có
sự chấp thuận của tất cả các Giám sát điều tra.
Lệnh tạm ngưng chức hay tạm câu lưu phải thông
báo cho vị chỉ huy cơ quan liên hệ và trong 24 giờ phải phúc trình lên văn
phòng Giám sát Viện. Hội đồng Giám sát Viện có thời hạn 7 ngày để phúc quyết kể
từ ngày các lệnh trên được thi hành.
Các Giám sát có hạn 3 (ba) ngày tròn để phúc
trình tổng kết nội vụ chậm nhất là 7 ngày sau sẽ thuyết trình trước Hội đồng để
Hội đồng thảo luận cùng biểu quyết các biện pháp áp dụng.
Trong trường hợp chế tài về kỉ luật, cơ quan
liên hệ không phải triệu tập Hội đồng Kỉ luật nhưng có thể đề nghị biện pháp
chế tài khác. Hội đồng Viện sẽ họp và thảo luận về đề nghị này trong thời hạn 7
ngày tròn, quyết định này của Hội đồng có hiệu lực cưỡng hành đối với các quyết
định chế tài về hình sự, Chủ tịch sẽ chuyển hồ sơ cho công tố viện có thẩm
quyền.
Công tố Viện bắt buộc phải truy tố người phạm
pháp trong hạn 15 ngày tròn.
Trong bất cứ giai đoạn nào, người bị điều tra
có thể nhờ Luật sư biện hộ kể cả trước Hội đồng Giám sát Viện.
Các quyết định trên của Hội đồng Giám sát Viện
phải được thông tư cho Tổng thống, Thượng Nghị viện, Hạ Nghị viện và Tối cao
Pháp viện.
Với sự thiết lập một Giám sát Viện biệt lập
với Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp và với thẩm quyền rộng rãi, vấn đề Giám sát
để diệt trừ hay ngăn ngừa những hành vi tham nhũng đã được chú trọng đặc biệt
và đưa lên hàng quốc sách.
Đoạn III: CÁC CƠ QUAN TƯ VẤN
A. Hội đồng
Quân lực cố vấn Tổng thống về các vấn đề liên quan đến quân lực, đặc
biệt là việc thăng thưởng, thuyên chuyển và trừng phạt quân nhân cao cấp.
B. Hội đồng
Văn hóa Giáo dục, gồm một phần ba hội viên do Tổng thống chỉ định, hai phần
ba hội viên do các tổ chức văn hóa giáo dục công và tư, các Hiệp hội Phụ huynh
học sinh đề cử. Nhiệm kì của Hội đồng Văn hóa Giáo dục là 4 năm. Hội đồng Văn
hóa Giáo dục có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ soạn thảo và thực thi chánh sách văn
hóa giáo dục. Các dự án luật liên quan đến văn hóa giáo dục có thể được Hội
đồng tham gia ý kiến trước khi Quốc hội thảo luận.
C. Hội đồng Kinh tế Xã
hội, gồm một phần ba hội
viên do Tổng thống chỉ định, hai phần ba hội viên do các tổ chức công kĩ nghệ,
thương mại, nghiệp đoàn, các Hiệp hội có tính cách kinh tế và xã hội đề cử.
Nhiệm kì của Hội đồng Kinh tế Xã hội là 4 năm. Hội đồng Kinh tế Xã hội có nhiệm
vụ cố vấn Chính phủ về những vấn đề kinh tế và xã hội. Các dự luật kinh tế và
xã hội có thể được Hội đồng Kinh tế Xã hội tham gia ý kiến trước khi Quốc hội
thảo luận.
D. Hội đồng các Sắc
tộc, gồm có một phần ba
hội viên do Tổng thống chỉ định, hai phần ba Hội viên do các sắc tộc thiểu số đề
cử. Nhiệm kì của Hội đồng các Sắc tộc là 4 năm. Hội đồng các Sắc tộc đại diện
các Sắc tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam, có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ
về các vấn đề liên quan đến đồng bào thiểu số. Các dự luật liên quan đến đồng
bào thiểu số có thể được Hội đồng các Sắc tộc tham gia ý kiến trước khi đưa ra
Quốc hội thảo luận.
Đối với các cơ quan tư vấn vừa kể – trừ Hội
đồng Quân lực – Phó Tổng thống đương nhiên là Chủ tịch (điều 66 Hiến pháp).
Mục VI: TU CHÍNH HIẾN PHÁP
Đoạn 1: AI CÓ QUYỀN ĐỀ
NGHỊ TU CHÍNH?
Chiếu theo điều 103 Hiến pháp, Tổng thống hoặc
quá bán tổng số Dân biểu hay quá bán tổng số Nghị sĩ có quyền đề nghị tu chính
Hiến pháp. Không thể tu chính điều 1 của Hiến pháp theo đó:
1.
Việt Nam là một nước
Cộng hòa, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân ;
2.
Chủ quyền quốc gia thuộc
về toàn dân.
Đoạn 2: THỦ TỤC TU CHÍNH
Đề nghị tu chính có viện dẫn lí do phải đệ nạp
tại Văn phòng Thượng Nghị viện.
Một Ủy ban Lưỡng viện sẽ được thành lập để
nghiên cứu đề nghị tu chính và thuyết trình trong những phiên họp khoáng đại
Lưỡng viện.
Quyết nghị tu chính Hiến pháp phải hội đủ 2/3
tổng số dân biểu và nghị sĩ và đạo luật tu chính sẽ được Tổng thống ban hành
như một đạo luật thường.
________________
TÀI LIỆU CẦN THAM KHẢO
Tài liệu Việt ngữ hiện
nay gồm có
LÊ ĐÌNH CHÂN, Luật Hiến pháp 1966
LƯU VĂN BÌNH, Luật Hiến pháp 1961
NGUYỄN QUANG QUÝNH, Hiến pháp lược khảo 1961
AFRED DE GRAZIA, Chính trị học yếu lược 1963
NGUYỄN NGỌC HUY, Chính trị học 1966
BÙI QUANG KHÁNH, Vấn đề chỉ huy: Lí thuyết và
thực hành 1964
Ngoài các sách kể trên, chúng tôi ghi lại dưới
đây – sắp theo từng chương – những bài khảo cứu liên hệ đã đăng trong các tạp
chí Việt Nam.
Phần 1
Thiên 1: Những khái
niệm và nguyên tắc căn bản
CHƯƠNG I – CHÍNH QUYỀN VÀ QUỐC GIA
Phan Văn Thiết: Từ
quyền cai trị người đến sự quản trị tài vật. Đại học số 1
tháng 2-1962
Chân bản ngã và Quyền
hành chính trị. Quê hương số 22 tháng 4-1961
Nguyễn Quang Quýnh: Khái
niệm quốc gia. Nghiên cứu hành chính số 6 tháng 11-1958
CHƯƠNG II – NGUYÊN TẮC DÂN CHỦ
Nguyễn Văn Tương: Dân
chủ và độc tài. Nghiên cứu hành chính tháng 3, 4-1964
Vương Văn Bắc: Những
khuynh hướng mới của chủ nghĩa tự do. Nghiên cứu hành chính tháng
5,6-1962
Phân biệt chính thể
mạnh và chính thể độc tài. Quê hương tháng 4-1960
Việt Anh: Vấn đề phân
loại các chế độ chính trị trên thế giới ngày nay.Bách khoa tháng 6,
7.1963
Thiên II: Tổ chức
chánh quyền
CHƯƠNG I – NHỮNG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN
Nguyễn Quốc Hưng: Quốc
hội và Chính phủ. Quê hương tháng 8.1959
Vũ Văn Mẫu: Nhà Lập
pháp và nhiệm vụ tu luật. Luật học kinh tế số 2-1959
CHƯƠNG II – NHỮNG HÌNH THỨC TỔ CHỨC CHÍNH
QUYỀN
Lưu Văn Bình: Sự liên
quan giữa Hành pháp và Lập pháp – Luật học kinh tế số 2, 1958
Tân Phong: Những
thể thức liên hệ giữa Lập pháp và Hành pháp trong chế độ dân chủ, Quê
hương tháng 8-1951
Nguyễn Phương Thiệp:
Tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp, Quê hương tháng 8, 1959
Trần Thúc Linh: Tình
trạng khẩn cấp và vai trò của Quốc hội, Quê hươngtháng 12, 1961
Trần Văn Minh: Vai trò
của Quốc hội tại các nước nhược tiểu Á Châu, Quê hương tháng 12,
1961
Cung Đình Thanh: Tương
quan giữa Hành pháp và Lập pháp trong Hiến pháp 1958 của nước Pháp, Nghiên
cứu hành chính tháng 6, 7.1964
CHƯƠNG III – NHỮNG ĐỊNH LUẬT CĂN BẢN CỦA NỀN
DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI
Phạm Đức Nhuận: Chế
độ chính trị và nhà lãnh đạo quốc gia, Quê hươngtháng 9, 1961
Trần Thúc Linh: Chế độ
thủ lãnh có trái với nguyên tắc dân chủ không? Quê hương tháng
11.1961
…Duy (mất chữ): Chính
phủ mạnh, Bách khoa tháng 10, 1966
Thiên III: Sự tham gia
chính trị của công dân trong chế độ dân chủ
CHƯƠNG I: TUYỂN CỬ
Nguyễn Quốc Hưng: Lá
phiếu ủy quyền, Quê hương tháng 7.1959
Lí Kim Huỳnh: Vấn đề
bầu cử và việc lập danh sách cử tri, Hành chính khảo luận số
9, 1961 (nguyên văn: “1761”)
Lê Công Truyền: Lược
khảo về mối tương quan giữa các thể thức đầu phiếu và sự thành lập các chính
đảng, Nghiên cứu hành chính, tháng 1, 2-1962
CHƯƠNG II: NHỮNG HÌNH THỨC THAM GIA CHÍNH TRỊ
Nguyễn Văn Bông: Vấn
đề chính đảng, Quê hương tháng 11.1960
Đoàn Thêm: Lược khảo
về chính đảng, Nghiên cứu hành chính tháng 3-4-5.1964
Vương Văn Bắc: Đại
cương về chính đảng, Nghiên cứu hành chính tháng 9, 1960
CHƯƠNG IV: ĐỐI LẬP CHÍNH TRỊ
Cao Hữu Thuần: Đối lập
trong các chế dộ dân chủ Tây phương, Đại học tháng 9, 1960
Nguyễn Cao Hách: Chính
sách đối ngoại của Anh và chế độ đảng phái, Quê hương tháng 1-1961
Phần II
Thiên I: Những chế độ
dân chủ cổ điển
Hoàng Minh Tuynh: Hiệp
Chúng Quốc Mỹ Châu, Bách khoa tháng 11, 12-1957 và tháng
1-3-1958
Nguyễn Huy Lịch: Người
trước dư luận, Bách khoa tháng 6-1957
J.L.FINKLE: Tổng thống
Hoa Kỳ về vấn đề đối ngoại, Quê hương tháng 6-1960
Trần Khải: Tìm hiểu
những khuynh hướng chính trị tại các quốc gia thuộc Mỹ La Tinh, Quê
hương tháng 4-1962.
Trần Văn Kiện: Quân
đội và chính trị tại Ba Tây, Quê hương tháng 9-1961
CHƯƠNG II: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ TẠI ANH QUỐC
Hoàng Minh Tuynh: Anh
Quốc, Bách khoa tháng 8-10-11.1957
Nguyễn Cao Hách: Chính
sách đối ngoại của Anh và chế độ đảng phái, Quê hương tháng 1-1961
Thiên II: Những chế độ
chuyên chế
CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ NGA SÔ
Vương Văn Bắc: Chủ
nghĩa cộng sản, Nghiên cứu hành chính tháng 1-2-1962
Trần Văn Toán: Ý thức
Cộng sản, Đại học tháng 2-1962
Huỳnh Minh Tuynh: Chế
độ dân chủ Mác-xít, Bách khoa tháng 5-6-7-8-9-10-11-12-1958
Bùi Thế Hải: Nội tình
Liên bang chủ nghĩa Xô-viết sau 42 năm xây dựng Cách mạng 10, Quê hương tháng
2-1960.
Thiên III: Những chế
độ Vùng Đông Nam Á
CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ ĐẠI HÀN
Đoàn Thêm: Hiến pháp
Đại Hàn, Nghiên cứu hành chính tháng 9-1959
Hoàng Minh Tuynh: Đại
Hàn trong khủng hoảng quốc tế, Bách khoa tháng 9-1962
Việt Anh: Sóng gió
chính trị ở Nam Hàn, Bách khoa tháng 8-1963
CHƯƠNG II: VIỆT NAM
Vũ Quốc Thông: Công
cuộc thành lập chế độ Cộng hòa Nhân vị tại Việt Nam tự do, Nghiên cứu
hành chính tháng 10-1960
Lưu Văn Bình: Sự liên
quan giữa Hành pháp và Lập pháp trong Hiến pháp Việt Nam, Luật học kinh
tế 1958
Nguyễn Đức: Quyền
phúc nghị của Tổng thống theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, Nghiên cứu
hành chính tháng 10.1962
Bùi Phan Quế: Phân tích và phê bình quyền hành
của Tổng thống theo Hiến pháp 26-10-1956. Luận án Tiến sĩ luật 1965
Tiểu Dân: Cảm nghĩ về sự cáo chung của chế độ độc
tài, Bách khoa tháng 11-1963
Trương Thiên Hương:
Bàn về một vài nét của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Cộng, Quê
hương tháng 8-1963
(Hết phần chính của tác phẩm. Đón xem các phần
phụ bản)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học.
In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.