Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Hoạt cảnh Biển Đông


Khải Minh

Giấc mộng Trung Hoa muốn tóm thâu thiên hạ của nòi Hán một lần nữa lại vùng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Lộ đồ bành trướng của Trung Quốc lần này có qui mô trải dài khắp năm châu bốn biển, với chiến lược chính là lũng đoạn kinh tế. Và Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch bành trướng của họ. Riêng tại khu vực Biển Đông thì do nhu yếu sinh tử về năng lượng và có vị trí địa dư quan trọng của khu vực đối với an ninh của Trung Quốc nên bằng mọi cách và bằng mọi giá họ phải chiếm lấy, và như ai nấy đã rõ, Trung Quốc sẽ không e ngại sử dụng vũ lực.

Ngay tại một địa bàn phên dậu của Trung Quốc trên đất liền là lãnh thổ Đông Dương, thì sự thâm nhập, lũng đoạn kinh tế đã tiến hành từ gần 70 năm nay, lúc nhặt lúc khoan, khi tiến khi lùi, nhưng đến nay đã đến lúc họ gặt hái thành quả. Sự thật là ba nước Việt Miên Lào đang nằm trong quỹ đạo chi phối của Trung Quốc, lãnh đạo của cả ba nước thực chất đang nhận chỉ đạo từ Bắc Kinh.

Thế giới làm gì? Cho đến hiện nay, thế giới làm được rất ít vì phải lo đối phó với khủng hoảng kinh tế rất nặng nề trong khu vực riêng của họ, cùng lúc phải đối phó với các tác động mạnh và hệ quả của suy thoái kinh tế trên toàn cầu lên mỗi nước.

Ngoài ra, hiện các quốc gia thuộc khối "lãnh đạo thế giới" - tựu trung là tại Tây Âu - lại không may rơi vào tay lãnh đạo của các phe nhóm chính trị xã hội, tả phái, cầu an, cho nên về kinh tế họ sẽ không có khả năng, về chính trị họ không có đảm lực phiêu lưu quân sự hay chính trị. Bài học liên minh quân sự trong trận chiến Iraq và trận chiến Afghanistan, ngoại trừ nước Anh có những đóng góp tuy nhỏ nhưng tích cực, còn lại tất cả là một minh chứng cho sự rụt rè của cả khối.

Còn lại là Hoa Kỳ

Tổng quan, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng ngăn chặn sách lược bành trướng của Trung Quốc. Vì quyền lợi kinh tế chiến lược và nhãn quan nhân quyền Hoa Kỳ chấp nhận và khuyến khích một nước Trung Quốc mở cửa và phát triển kinh tế để làm bạn hàng kinhh doanh tầm chiến lược, nhưng cũng vì một quyền lợi kinh tế chiến lược khác, là năng lượng, hay dầu khí, thì Hoa Kỳ từ lâu đã có vị trí đối đầu với ý đồ lũng đoạn của Trung Quốc (và Nga) tại các khu vực cung ứng dầu khí cho thế giới.

Hoa Kỳ đã và đang ngăn ý đồ lũng đoạn của Trung Quốc tại Phi Châu, Trung Đông, Cận Đông, Nam Á, và gần đây là cùng Na-uy tại khu vực Bắc Âu, ngăn Trung Quốc gia nhập vào Hội đồng Bắc Cực (Artic Council).

Bằng hành động quân sự hay các động thái chính trị, gián tiếp, hay trực tiếp, Hoa Kỳ đã ngăn bước Trung Quốc (và Nga). Dưới danh nghĩa chống khủng bố toàn cầu (để làm một công nhiều việc) qua cuộc tiến công vào Iraq Hoa Kỳ đã ngăn Trung Quốc (và Nga) đang tìm cách lũng đoạn vùng Trung Đông. Bằng cách tiến công vào Afghanistan Hoa Kỳ đã ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc (và Nga) muốn mở đường vào điạ bàn Nam Á qua ngả Afghanistan và Pakistan. Lúc gần đây Hoa Kỳ lại triển khai Lực Lượng Đặc Biệt tại vùng Sừng Phi Châu và Ethiopia, Kenya, Ghana..., gọi là để truy sát lãnh tụ lực lượng phiến quân có liên kết với khủng bố, nhưng gián tiếp cũng là ngăn chặn Trung Quốc lũng đoạn các mỏ dầu tại Congo.

Riêng tại Châu Á Thái Bình Dương thì Hoa Kỳ đã chủ động - trong một phần của chiến lược toàn cầu- và từ trên năm năm qua- thực hiện nhiều bước để tái phối trí quân sự và triển khai lực phòng thủ tại Thái Bình Dương. Dưới thời Bộ Trưởng Quốc phòng Rumsfeld căn cứ Guam được nâng cấp với các không đoàn chiến đấu được triển khai, số thủy quân lục chiến trú phòng tăng cao ... Tại Úc, đã có những chuẩn bị cho một căn cứ yểm trợ và tiếp liệu khổng lồ ở Darwin. Ngoài ra, việc tái sử dụng căn cứ Subic, Clark ở Philippines được đặt ra. Thậm chí, các việc ấy cũng đã gây một đồn đoán thất thiệt về căn cứ Cam Ranh (!)

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Panetta lại tuyên bố Hoa Kỳ sẽ từng bước chuyển 60% Hải lực Hoa Kỳ về khu vực Thái Bình Dương. Rõ ràng Hoa Kỳ có quan tâm đặc biệt đến khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung, và đặc biệt tại biển Đông nói riêng. Những điều trên đây chứng tỏ Hoa Kỳ có chuẩn bị.

Duy tất cả những điều ấy đều đặt dưới một lập trường, được minh định nhiều lần là "Kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền tuân theo luật quốc tế và không sử dụng lực lượng quân sự." Đối với Việt nam và các nước có liên quan trong các tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Đông đặc biệt là tại Hoàng Sa và Trường Sa thì đây chính là điểm xác minh rằng Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh: Họ chỉ quan tâm đến quyền tự do hải hành trên Biển Đông (và ..."quyền" dự phần”, ảnh hưởng, chi phối đến tiềm năng dầu khí dưới đáy biển nơi ấy, nếu có,) chứ không (hoặc chưa) chen vào việc tranh chấp chủ quyền về lãnh thổ.

Nói đơn giản, Hoa Kỳ muốn đưa ra quan điểm về quyền lợi rất sát, theo kiểu “Ai có chủ quyền ở đó cũng được, miễn chúng tôi và mọi người có quyền hải hành tự do trong khu vực, và ai có chủ quyền các mỏ dầu trong tương lai cũng xong, vì rồi chúng tôi cũng sẽ có phần!” (Có lẽ Hoa Kỳ dựa vào lợi thế kỹ thuật khai thác dầu tại biển sâu của Tây phương mà Trung Quốc chưa có khi tuyên bố sít sao theo kiểu này, và Trung Quốc cũng đang tìm cách hoá giải bằng cách tung tiền mua một công ty dầu khí Canada có sẵn công nghiệp và kỹ thuật khoan dầu biển sâu, để khỏi phải lệ thuộc, nhưng đây là việc khác, xin miễn đề cập thêm ở đây.)

Như thế, những triển khai quân sự của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đề cập trên đây chỉ là những chuẩn bị có tính chất phòng ngừa hơn là các chuẩn bị để can thiệp kịp thời vào các xung đột trong các cuộc tranh chấp chủ quyền. Và điều này giải thích vì sao Washington có vẻ chậm chạp trong những phản ứng trước các biến cố dồn dập gần đây tại Biển Đông như các vụ: Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa, thành lập bộ chỉ huy quân sự, triển khai lực lượng bố phòng tại các đảo, đồng thời tổ chức tuần tra thường xuyên vùng Biển Đông bằng chiến thuyền, có trang bị sẵn sàng tác chiến, thay vì sử dụng tàu Hải Giám như trước đây. Khi làm xong các động tác nêu trên để chính danh hóa chủ quyền, ngày 1/8/2012 Trung Quốc cho phép 23 ngàn tàu ghe đánh cá ồ ạt tràn vào biển Đông tổ chức khai thác hải sản – như một cuộc dàn quân tấn công thử nghiệm, bước đầu thực thi chủ quyền biển Đông một cách chính thức và "công chính". Phản đối của Hoa Kỳ được xem như chiếu lệ!

Khối ASEAN

Trước các diễn biến bất lợi ấy, các nước trong vùng Đông Nam Á phản ứng ra sao? Phân hóa. Do các nước trong vùng Đông Nam Á có những khác biệt trầm trọng trong quyền lợi, lập trường và chính sách, nên đã dẫn đến một tình trạng cực kỳ chao đảo và phân hoá.

Hội nghị ASEAN, nơi người ta hy vọng sẽ hiện thực được một nỗ lực đưa ra một đề cương giải quyết vấn đề biển Đông, đã bị phá vỡ vỡ hoàn toàn, dưới ảnh hưởng khuynh đảo của Trung Quốc. Ngoài những cổ vũ về nhân quyền dân chủ ngoài mặt, Hoa Kỳ đã không làm gì được hơn ngoài việc tái xác định lập trường của họ, một lần nữa, là không can thiệp về các tranh chấp lãnh thổ. Việt Nam và Philippines thất bại trong việc yêu cầu ghi vào bản thông cáo chung các địa danh của những nơi đang tranh chấp với Trung Quốc. ASEAN đã bế mạc phiên họp mà không có được một bản thông cáo chung, dù nội dung chỉ là màu mè lấy có.

Còn phản ứng riêng mỗi nước trong khu vực thì sao?

Ngoại trừ việc Ngoại trưởng Indonesia có những cố gắng để "hàn gắn đổ vỡ" của cuộc họp ASEAN, Indonesia, Malaysia và Brunei nói chung là thụ động với những phản ứng không đáng kể. Trừ Singapore và Philippines.

Singapore tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, đã bước thêm một bước để gia tăng phòng ngự. Singapore thoả thuận để Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện quân sự trong vùng bằng cách đưa 6 khu trục hạm loại mới, có khả năng tác chiến cận bờ đến đồn trú tại Singapore. Việc này sẽ giúp củng cố an ninh eo biển Malacca, thủy lộ chính thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là điểm sinh tử của kinh tế và quốc phòng của Singpore, và đáp ứng với lập trường bảo vệ an ninh và tự do hàng hải của Hoa Kỳ. (Việc này không may, lại đẩy lùi xa hơn nữa hy vọng của nhiều khuynh hướng trong và ngoài chính quyền tại Việt Nam vốn mong mỏi Hoa Kỳ tái sử dụng cảng Cam Ranh như một quân cảng chiến lược trong khu vực.)

Philippines cũng có những động thái tích cực. Philippines gia tăng thương thảo với Hoa Kỳ về việc tái sử dụng hai căn cứ chiến lược cũ là căn cứ Không Quân Clark và căn cứ Hải Quân tại Subic Bay. Đích thân Tổng thống Philippines Aquino III đã sang gặp Tổng thống Obama để đề đạt về vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Ngoài ra, Philippines cũng đang nhận một số tàu tuần duyên từ Hoa Kỳ và Nhật, đồng thời với một số phi cơ các loại để gia tăng phòng thủ mặt biển. Tuy thế các hành động tăng cường quân sự này cũng chỉ hỗ trợ được ý chí chính trị không lùi bước trước sự xâm lược của Trung Quốc chứ trên thực chất, thực lực quân sự Philippines là bất tương xứng so với Trung Quốc.

Tại Nhật, các kênh phát ngôn tư nhân nhưng được xem là mang tiếng nói của chính quyền cũng đưa ra các đề nghị gia tăng khả năng quân sự để đối phó với vấn đề gây hấn của Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư và Biển Đông. Nhật lâu nay vốn bị giới hạn bởi Hiến Pháp Nhật, chỉ cho phép tổ chức Lực Lượng Tự Vệ chỉ được hoạt động phòng thủ nội xứ, thì hiện có những chuẩn bị dư luận để cho phép Nhật được tổ chức quân sự qui mô, có khả năng đưa quân tham chiến tại nước ngoài. Mới đây tại Nhật cũng có đề nghị, qua phương thức khẩn cấp giải quyết không thông qua tu chính hiến pháp để có thể đưa chiến hạm vào Biển Đông trên danh nghĩa hộ tống thương thuyền, và bảo vệ quyền tự do hải hành trong khu vực. Các chuyển biến này hiện đang đối mặt với hai trở lực chính đó là sự nghi hoặc của các nước trong vùng từng có kinh nghiệm với Phát Xít Nhật trong thế chiến thứ hai, và các trở lực của việc tu chính hiến pháp.

Đài Loan có những phản ứng mâu thuẫn, bất nhất. Trước đây một giới chức quân sự cao cấp tuyên bố là trong trường hợp có xung đột quân sự thì Đài Loan sẽ đứng về phía Trung quốc rồi sau đó chính giới Đài Loan lại nói sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Gần đây, Đài loan đã gia tăng củng cố và tăng cường quân sự tại các đảo đang chiếm đóng tại biển Đông và vừa mới tuyên bố sẽ thực tập tác xạ đạn thật sắp tới. Thái độ của Đài Loan trong giai đoạn này bị xem là không minh bạch và đã khiến cho có nhiều dư luận chống việc Hoa Kỳ tiếp tục bán các thiết bị quân sự và vũ khí cao cấp cho nước này.

Hoa Kỳ có những chuẩn bị như đã nêu trên, hướng về khu vực Biển Đông nhưng hầu hết lại nằm trong chiến lược toàn cầu lâu dài chứ chưa có các phản ứng rõ rệt về các hành động của Trung Quốc lúc gần đây.

Căn bản pháp lý duy nhất cho phép Hoa Kỳ can thiệp tức thời vào tình hình Biển Đông trong trường hợp xung đột vũ trang mà không phải thông qua quốc hội trước, là hiệp ước an ninh với Philippines.

Trên lý thuyết như vậy nhưng thực tế sẽ mang lại nhiều trở lực rất phức tạp, điển hình là các vấn đề chính:

- Hoa Kỳ đang ở giai đoạn cuối của hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Vì lợi ích lâu dài, Hoa Kỳ sẽ phải duy trì sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị tại vùng Trung Đông, Cận Đông và Nam Á về lâu về dài.

- Tình thế chuyển biến tại các nước khác tại Trung Đông và Phi Châu như cuộc cách mạng tại Tunisia kéo theo Ai-cập, Lybia, Syria ... với những chuyển biến quân sự và chính trị hết sức rối ren.

- Iran với khả năng thủ đắc vũ khí nguyên tử. Việc Iran nhúng tay vào nội bộ các xứ Trung đông và Nam Á khác. Đối lại, là việc Do thái chuẩn bị đánh phủ đầu Iran.

- Kinh tế suy thoái toàn cầu và riêng tình hình kinh tế tại Hoa Kỳ không cho phép Hoa Kỳ chi tiêu quân sự rộng rãi, khoan nói đến việc dấn thân vào một xung đột quân sự qui mô khác trên thế giới như tại Biển Đông. Người dân Hoa Kỳ chưa thể sẵn lòng cho những phiêu lưu thuộc loại đó. Mà chính quyền dân chủ thì không thể bất chấp “lòng dân” được.

- Hơn nữa, Trung Quốc đã từ lâu áp dụng chiến lược tiệm tiến công. Những động thái có vẻ nhanh chóng và mãnh liệt gần đây của Trung Quốc thực chất là gặt hái các kết quả đã thực hiện trong vòng gần bốn chục năm qua. (Từ trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 đến thành lập Tam Sa 2012 là một chuỗi các hành vi chiếm đóng, củng cố, xây dựng các đảo, với sự đồng thuận hoặc im lặng hoặc lên tiếng chiếu lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)!) Chiến lược này gây khó khăn cho Hoa Kỳ vì không thể huy động binh mã can thiệp chỉ vì các động thái xâm lấn từng bước một của Trung Quốc có vẻ "cục bộ và giới hạn". Nhưng như đã chứng minh, về lâu về dài lại gây ra một tác động bất lợi tầm chiến lược rất lớn.

Nội bấy nhiêu điểm liệt kê trên đây đủ cho thấy rằng trong trường hợp cần can thiệp vào Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải có nhiều cân nhắc, và quyết định thế nào thì lại phải tùy theo thứ tự ưu tiên chiến lược ngay tại thời điểm quyết định là liệu có nên can thiệp, với mức độ nào, hay không làm gì hết.

Việt Nam đã và đang làm gì?

Từ sau khi ĐCSVN, mà Phạm văn Đồng, cố thủ tướng Việt Nam chỉ là người đưa tay ra, ký cái công hàm năm 1958 đến nay nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc trước và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đã đáp ứng với chiến lược xâm lấn kiểu tằm ăn dâu của Trung Quốc toàn bộ bằng những chuỗi động thái "đồng thuận" rất mông muội chỉ có thể giải thích như câu kết án của người dân đó là những hành vi "Bán Nước Để Cứu Đảng"!

Lời kết án nêu trên còn có được nhiều lý cứ củng cố hơn nếu nhìn thêm vào những gì đã và đang xẩy ra trên đất liền trên địa bàn đất nước. Thực vậy, từ sau cuộc hội nghị Thành Đô 1990 giữa Trung Quốc và ĐCSVN, thì ĐCSVN đã áp dụng rất nhiều các chính sách, chủ trương, và những biện pháp siêu ưu đãi cho sự thâm nhập ồ ạt của Trung Quốc vào Việt Nam.

Những nhân nhượng trắng trợn về chủ quyền đất đai trong lúc phân định ranh giới là một điển hình rõ rệt. Hà Nội quyết tâm ém nhẹm toàn bộ các thông tin về việc này. Đến khi cộng đồng truyền thông "lề dân" nêu lên và đặt vấn đề gay gắt thì chế độ Hà Nội lại đưa các giải thích mù mờ, theo kiểu qua loa, "cả vú lấp miệng em", rằng ta nhường đất chỗ này thì ta sẽ được chỗ khác, rằng họ là nước lớn, nhường ít đất vùng biên giới mà được hoà bình còn hơn ...tất cả chỉ tạo thêm lòng nghi ngờ trong mọi tầng lớp người dân mà thôi.

Hiện trạng về mặt nhân sự, nhiều triệu người Trung Quốc có thể định cư tại Việt Nam lâu dài không cần giấy tờ gì hết. Về kinh tế, thì các pháp nhân quốc tịch Trung Quốc từ các cá nhân cho đến doanh nghiệp đã góp phần rất tích cực để lũng đoạn kinh tế Việt Nam từ con cá lá rau đến việc xây dựng đa số các công trình chiến lược trọng điểm. Trước áp lực của Tây Phương phải cải tổ chính trị và nhân quyền, ĐCSVN rõ ràng đã đưa ra dối sách là lựa chọn liên kết với Trung Quốc để củng cố tham vọng cầm quyền muôn năm của họ.

Hoa Kỳ đối với Việt Nam hẳn nhiên là có ý định tạo lập một thế liên kết nhiều hơn, mạnh hơn về mặt ngoại giao và quân sự nhưng thái độ của ĐCSVN hiện chưa cho phép điều đó xẩy ra. Các quan chức chính quyền và nghị viện Hoa Kỳ liên tục gián tiếp đưa ra những lời nhắn nhủ và đề nghị những lộ đồ nhằm đẩy mạnh sự hợp tác xa hơn, nhưng thái độ đáp ứng của Hà Nội trong những lần như thế chỉ gây ra thêm nghi hoặc và do dự cho phía Hoa Kỳ.

Cụ thể, Khi Washington đề nghị một giải pháp đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông thì Hà Nội lại công khai bày tỏ sự đồng thuận với Trung quốc về một giải pháp song phương (đây là điểm chủ yếu gây ra một sự đổ vỡ niềm tin hoàn toàn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông nam Á, và đối với Hoa Kỳ). Và các quan chức thuộc ĐCSVN và Nhà nước Việt Nam lại liên tiếp thực hiện những chuyến đi con thoi qua lại Trung Quốc để gia cố quan hệ của cái gọi là chủ trương hợp tác "bốn tốt, mười sáu chữ vàng" và họ kết luận các chuyến đi này bằng những lời tuyên bố rất sỉ nhục quốc thể.

Về hợp tác quân sự, khi Thượng nghị sĩ John McCain đề nghị Hà Nội cải thiện nhân quyền và tự do ngôn luận để tạo điều kiện cho chính phủ có thể giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì ngược lại Hà Nội lại mở một đợt gia tăng trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hà Nội cố tình quên rằng việc giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương không có nghĩa là Hoa Kỳ hy vọng thu lợi về việc bán vũ khí mà việc này sẽ mở đầu cho việc cứu xét quân viện, bao gồm nhiều hạng mục hợp tác như cung cấp vũ khí, huấn luyện tác chiến, tham gia tập trận, trao đổi tình báo, yểm trợ tác chiến khi có nhu cầu v.v...Là những điều mà Việt Nam hiện đang yếu kém hay thiếu thốn rất nhiều.

Điểm cao trong sự tính toán ti tiểu của Hà nội là gần đây nhất, thay vì có các nỗ lực tiến xa hơn trong hợp tác quân sự với Hoa Kỳ thì hành động kỳ nèo để Hoa Kỳ gia tăng tiền viện trợ cho việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Bắc Việt lại được ĐCSVN coi là một thành tích đáng biểu dương. Thêm vào đó việc Hoa Kỳ nhận làm sạch khu vực chứa thuốc khai quang, còn gọi là (Orange Agent) tại phi trường Đà Nẵng lại được ĐCSVN quảng bá như một thành công vượt bực sau "nhiều năm đấu tranh gian khổ", lại cũng khiến rộ lên hy vọng, rất hoang tưởng, là sau đó, Hoa Kỳ sẽ xét đến việc bồi thường!?

Và trong một đất nước mà việc mất nước vào tay giặc đang tiến đến từng giờ thì Bộ Quốc Phòng Việt Nam lại cử một phái đoàn quân sự cao cấp do tướng Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu, theo sau chuyến đi Việt Nam của Bộ Trưởng Hoa Kỳ Panetta, đi Mỹ, để “học hỏi và trao đổi kinh nghiệm” trong việc tháo gỡ mìn của trận chiến đã kết thúc gần 40 năm trước!

Hà Nội cũng có những quyết định nhằm hiện đại hóa quân đội. Nhưng các việc này đối với các nhà nghiên cứu và khảo sát quân sự thì lại gây ấn tượng rằng ĐCSVN chỉ làm các việc này với mục đích lừa mị dân số trong nước vì các mục tiêu chính trị nội bộ hoặc tham nhũng hơn là thực tâm trang bị để phòng thủ và đối phó với các xung đột đang có khả năng bùng nổ. Các loại vũ khí Hà Nội mua về, những loại có tiêu chuẩn được xem là cao nhất để trang bị cho hai binh chủng Không quân và Hải quân cũng không có khả năng đối trị với các loại vũ khí mà TQ hiện đang có, trên tính năng chiến đấu lẫn số lượng. Chưa kể binh pháp cổ kim luôn nhấn mạnh một vũ khí lợi hại bậc nhất: Lòng dân. Nhưng món vũ khí này, dường như, ĐCSVN chẳng cần.

Nước nghèo cũng không phải là lý do vững chắc để biện minh cho việc mua về những trang bị thô sơ, lỗi thời, nếu tính đến hàng chục tỉ đô đã bị bộ máy tham ô chiếm đoạt tư túi và sự lãng phí khổng lồ hàng chục tỉ đô khác trên những công trình, dự án do các tập đoàn tư lợi giành nhau chia chác, khiến đục ruỗng công khố quốc gia.

Đối với các thành phần người dân yêu nước, thì Hà Nội sử dụng công an, quân đội để sách nhiễu, đánh đập, trấn áp liên tục các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay theo dõi vu cáo, gây hấn những người đối kháng bất đồng chính kiến là phản động, gán cho họ những tội danh như tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền để giam cầm vô thời hạn hoặc và kêu những bản án nhiều năm tù qua các phiên toà kangaroo.

Những điều nêu trên, chứng tỏ rõ ràng là chế độ Hà Nội không có thực tâm đối phó với Trung Quốc hay cứu nước. Thực chất Hà Nội đã chứng minh chỉ muốn tồn tại trong địa vị độc nhất cai trị Việt nam bằng bàn tay sắt. Họ hợp tác với Trung Quốc vì muốn cứu Đảng. Theo các nhà nghiên cứu chiến lược và các nhà quan sát thì các động thái thương thảo, đàm phán với Hoa Kỳ của Hà Nội dường như có bản chất được sử dụng làm giá để "ngã giá" với Trung Quốc hơn là họ thực tâm muốn tìm giải pháp. Và khi đã tạo ra ấn tượng như vậy, thì mỗi cử mỗi động của Hà Nội lại chỉ tạo thêm nghi ngờ cho khối Tây phương và Hoa Kỳ chứ không đưa đến một tình thần hợp tác có hiệu quả.

Hiện nay các sự kiện thanh toán trong nội bộ ĐCSVN, đang gây xôn xao dư luận, chỉ là việc các phe đối đầu tiêu diệt lẫn nhau vì lợi ích riêng, hòng minh chứng rằng phe bên kia phản đảng, phản loạn, và để chứng minh họ trung thành với…Trung Quốc. Điều oái oăm là tất cả các hành động máu me tiểu khí này được cả hai bên thực hiện nhân danh lòng yêu nước, yêu dân và chống xâm lược Tàu!

Tạm kết

Có những sự thật hiển hiện ngay trước mắt mà ta chưa nhìn ra cho rõ. Trung Quốc  trên thực tế đã chiếm trọn Biển Đông là một sự thực loại đó. Có những nguy cơ sinh tử mà ta chưa biết cho được tỏ tường. Nguy cơ cả nước Việt Nam trong nay mai bị nội thuộc hoàn toàn vào nước Trung Quốc là một nguy cơ loại như vậy.

Những nét sơ phác trên đây, nhằm mục đích góp phần thêm vào các nỗ lực khác của các tầng lớp đồng bào yêu nước khác nhằm vạch rõ cho quốc dân được rõ về những sự thật trong hoạt cảnh sinh động trên Biển Đông hiện nay:

- Không, Trung Quốc chẳng phải chỉ đang đe doạ, lấn lướt, gây hấn. Trung Quốc đã chiếm trọn xong khu vực biển Đông, viết theo thì quá khứ.

- Trung Quốc đã xâm thực đất nước Việt nam đến tận gốc rễ, từ thượng tầng chính trị đến hạ tầng sinh hoạt thường nhật trên mọi mặt. Việc tóm thâu cả nước Việt nam hiện nay vào vòng nội thuộc Trung Quốc có thể thực hiện còn dễ dàng hơn là xâm lược Biển Đông. Xâm lược Biển Đông thì Trung Quốc phải đối phó với nhiều nước. Chiếm trọn đất nước Việt Nam thì Trung Quốc không cần phải đối phó với bất kỳ thế lực nào, vì ĐCSVN đã nằm trong tay Trung Quốc, viết theo thì hiện tại tiếp diễn.

- Và hãy nhìn chung quanh mình, để thấy cái nguy cơ thuộc hóa kia đang tiến đến rất nhanh từng ngày trước sự bất lực của người dân Việt Nam đang bị khóa tay, bịt miệng.

- Những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như tại địa bàn Đông Đương là một phần rất quan trọng đối với Trung Quốc trong chiến lược bành trướng toàn cầu. Và họ đã liên lủy tiến hành kế sách xâm lược Biển Đông gần 7 chục năm qua. Cho nên muốn cho Trung Quốc lùi bước thì không phải đơn giản nhưng không phải là không thể. Sự việc còn nan giải ngàn lần khi Hoa Kỳ là nước duy nhất có khả năng can thiệp hữu hiệu lại bị các ưu tiên chính trị và kinh tế toàn cầu khác cản trở một sự quan tâm đúng mức và những hành động có hiệu quả thiết thực và lại đặc biệt khó hơn cho Việt Nam khi chính quyền do ĐCSVN nắm giữ không phải là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ.

Tình hình như thế, đối với các tầng lớp người dân Việt Nam yêu nước là vô vọng chăng? Xin hẹn lại đề tài này trong một bài khác.○





Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Từ Việt Nam nhìn sang Miến Điện



Như lần ông Thủ tướng Việt Nam kêu gọi ra luật biểu tình, nhiều người Việt Nam cũng đang vui mừng và kỳ vọng nhiều vào Luật Biển và tiến trình sửa đổi hiến pháp đang được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành. Nhưng các động thái đó, kể cả có thực là tiến bộ, không thể so được với những gì mà chính quyền ở Miến Điện đã thể hiện trong hơn một năm qua: giải chế thực sự cho bà Aung San Suu Kyi - nhà bất đồng chính kiến “nguy hiểm” nhất; quyết định dừng một dự án hợp tác với Trung Quốc (xây dựng thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD); để cho đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi được tham gia cuộc bầu cử nghị viện bổ sung-được đánh giá là tự do, công bằng; tổng thống hứa sẽ ra luật cho phép giới lao động thành lập công đoàn độc lập; đã thả tù nhân chính trị hai lần với nhiều tù nhân đối lập quan trọng,…và mới đây, ngày 20/08/2012, chính quyền quân sự Miến Điện đã chính thức công bố bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí.

Giới tiến bộ tại Miến Điện và dư luận quốc tế nhìn nhận thế nào về những động thái này của chính quyền Miến Điện? Như Cây Tre Việt Nam xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt của một bài viết liên quan đến câu hỏi này:

Dân chủ có tới được Miến Điện?

Walden Bello

Đa phần người nước ngoài tới Miến Điện trong những ngày này, khi đất nước đang mở rộng cánh cửa ra bên ngoài, chỉ đi tới Yangon – với cái tên nổi tiếng hơn là Rangoon. Họ hiếm khi tiêu phí 5 giờ đồng hồ để tới Naypyitaw nơi thủ đô đã được chính quyền độc tài quân sự chuyển tới đó. Là thành viên của một phái đoàn nghị viên từ nhiều quốc gia khác nhau của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách tiếp xúc với các nghị viên (nhà lập pháp) đối lập của Miến Điện, chúng tôi đã đi theo hành trình đường bộ để tới một phiên bản Brasilia kiểu tướng lĩnh[1] trong khi thực sự không hề biết sẽ thấy được cái gì ở cuối hành trình dài 230 dặm này.

Tuy nhiên, trước khi rời Yangon chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với một số thành viên “Thế hệ 88”, những người hiện đang ở tuổi 40, những người đã từng là thủ lãnh của phong trào sinh viên nổi dậy năm 1988. Cuộc gặp của chúng tôi đã diễn ra trong bối cảnh nền chính trị Miến Điện đang có những chuyển biến khá nhanh: chuyến công du vang dội tới châu Âu của Bà Aung San Suu Kyi, mà thế giới thường gọi là Daw Suu hoặc “Quí Bà”; chính quyền mới thả thêm vài chục tù nhân chính trị; và phiên khai mạc nghị viện vào ngày 04 tháng Bảy. Cảm nhận đang có ở khắp nơi là đất nước này đang trải qua một chuyển đổi hết sức quan trọng.

Phải ở trong tù phần lớn thời gian của 20 năm vừa qua, các thủ lãnh Thế hệ 88 ngày nay đã trở thành các nhà hoạt động rắn rỏi – những người hiểu rõ tới tận lõi tâm tư của chế độ độc tài quân sự. Do đó chúng tôi hơi ngạc nhiên khi một người trong số họ, ông Ko Ko Gyi, nói rằng sự mở cửa chính trị của Miến Điện là “không thể đảo ngược.” “Dĩ nhiên,” ông nói rõ thêm, “có thể sẽ có những bước lùi nhưng giới quân sự biết rằng cải cách rất có lợi cho họ. Họ biết là không thể nào tiếp tục được như kiểu hiện nay.”

Các bạn sẽ làm gì để tham gia vào tiến trình cải cách hiện nay? “Chúng tôi sẽ huy động nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia với những yêu sách hợp pháp như lương bổng,” Ko Ko Gyi nói, “nhưng chúng tôi cũng muốn đảm bảo chắc chắn rằng mọi việc sẽ được giải quyết trong khuôn khổ của tiến trình cải cách hiện nay.” Đúng, những người đấu tranh đó đang có kế hoạch tự cơ cấu thành một đảng và sẽ ứng cử trong cuộc bầu cử nghị viện vào năm 2015.

Shangri-la quân sự[2]

Cuộc gặp với Thế hệ 88 đã cho chúng tôi nhiều thông tin để suy nghĩ trong suốt hành trình đi tới Naypyitaw. Một số người đã dự kiến là sẽ nhìn thấy một kiến trúc và qui hoạch kiểu phát-xít, nhưng cái mà chúng tôi thấy lại là kiểu siêu thực: Chủ nghĩa phát-xít siêu thực. Đó là một thành phố với những con đường rộng tới 18 làn xe. Ví dụ con đường dẫn tới khu nhà nghị viện rộng tới mức đủ để một chiếc phi cơ jet jumbo khổng lồ hạ cánh.

Một khoảng không gian trống trơn và bao la nằm giữa các tòa nhà đồ sộ của chính quyền, các siêu thị khổng lồ dành cho giới thượng lưu và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đắt tiền – được cho là do các thân hữu của các tướng lĩnh điều hành. Những cấu trúc hạng nhất thế giới đó lại cùng hiện diện song hành với những khu dân cư trông thảm hại của người nghèo ở ngay gần các công trường xây dựng -nơi họ có thể bán sức lao động cho các dự án đang dang dở ở đó.

Nhưng có thể cái cấu trúc gây một cảm giác đồ sộ và nặng nề nhất lại là ngôi chùa Uppatasanti, nó thuộc hạng những ngôi chùa cao nhất và lớn nhất trên thế giới. Tháp chùa được dát áo ngoài bằng 32 tấn vàng. Nội thất của chùa được mô phỏng theo ngôi đền Hồi giáo nổi tiếng ở Istanbul với những cây cột phô trương được làm bằng bích ngọc. Một người trong đoàn đã chán nản thốt ra:“Naypyitaw đúng là sự khoe khoang kỳ cục của những cái đầu võ biền.”

Nhưng cái làm cho chúng tôi phải sực tỉnh là đất nước này còn xa mới tới được dân chủ là lúc những người lính đứng cản, không cho chúng tôi vào thăm tòa nhà nghị viện. Kể cả việc trình bày là chúng tôi thuộc phái đoàn nghị viên anh em cùng tổ chức ASEAN cũng không làm cho họ để chúng tôi đi vào. Nhưng chúng tôi không bị ngăn cản khi thăm quan khu ở dành cho các nghị viên đối lập, nơi đây dành cho các nghị viên đối lập với chính quyền ăn ở trong bảy tháng hoạt động của nghị viện. Đó là khu ở với những chỗ ở nhỏ hẹp chỉ có một phòng và toilet dùng chung. Bên ngoài thì thấy những hàng rào thép gai mới được dăng cao trên các bức tường bao quanh toàn khu gây một cảm giác như đang thăm quan một “trại tập trung thời phát-xít.” Một người trong đoàn chúng tôi nói rằng: “Có thể họ muốn làm thế để làm cho những người đối lập nản lòng rồi từ bỏ việc ứng cử vào các chức vụ chính quyền.”

Người thiểu số

Do không vào được tòa nhà nghị viện nên các nghị viên thuộc các đảng đại diện cho người thiểu số và đại diện cho đảng Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (NLD) đã tới gặp chúng tôi ở một quán ăn tại một trong hai khu mua bán lớn nhất của thủ đô. Cuộc gặp với các nghị viên của người thiểu số đã cho chúng tôi cảm giác rất khả quan từ phát biểu của một nghị viên đại diện cho bang Rakhain: “Trước khi lấy được nước giếng sạch thì bạn phải mất một khoảng thời gian nào đó.” Các nghị viên đó đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ thuộc phía đối lập, mặc dù một người trong họ cho biết chỉ 70% trong số họ mới có thể được coi là đối lập, còn phần còn lại bị ảnh hưởng, khống chế bởi giới quân sự.

Làm việc với các đảng và các tổ chức của người thiểu số cũng sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với NLD. Miến Điện có khoảng 135 các dân tộc thiểu số khác nhau nằm rải rác ở 7 bang và bảy vùng, trong đó có một số nhóm có vũ trang đã chống lại chế độ độc tài quân sự từ vài chục năm qua. Liệu Aung San Suu Kyi và NLD có thành công trong việc thúc đẩy có được một cam kết tổng thể theo phương pháp ôn hòa mà lại không bao gồm giới quân sự không? Những người dân tộc Kachin vừa rồi đã không hài lòng khi Aung San không lên án sự trấn áp gần đây của chính quyền nhằm vào họ. Thậm chí đã có nhiều chỉ trích đối với phát biểu của Aung San trong chuyến công du châu Âu khi Aung San nói rằng bà không chắc chắn về việc những người Rohingyas Hồi giáo, nạn nhân trong những va chạm, xung đột mới xảy ra ở bang Rakhine, có thực là người Miến Điện hay không.

Điều rõ ràng là Daw Suu sẽ phải rất cẩn thận trong những bước đi sắp tới để có thể làm cho các nhóm dân tộc thiểu số yên tâm rằng bà đứng cùng với họ nhưng lại không được tạo cớ cho chính quyền quân sự coi bà như một tác nhân gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.

NLD và tiến trình cải cách

Khi gặp gỡ, thảo luận với một số thành viên của một phái đoàn nghị viên của NLD vào tối hôm sau, họ đã cảm ơn chúng tôi về sự giúp đỡ từ Tiểu ban Liên nghị viện ASEAN về Miến Điện (AIPMC) trong suốt những năm họ bị chính quyền trấn áp. Ngược lại, chúng tôi cũng thể hiện sự khâm phục đối với sự kiên trì trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng của những thành viên NLD trong suốt hơn 20 năm qua – kể từ khi NLD không được chính quyền quân sự chấp nhận nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 1990 với 80% số ghế của nghị viện đã thuộc về họ. Tám nghị viên của NLD mà chúng tôi gặp đã phải chia nhau một án tù tổng cộng trên 70 năm, đây là ghi chú của Kraisak, cựu thượng nghị sỹ Thái Lan và là một trong các trưởng đoàn của chúng tôi.

Nhưng khác với cuộc gặp với các nghị viên của các nhóm dân tộc thiểu số vào đêm hôm trước (những người đã thể hiện sự lạc quan) các nghị viên của NLD tỏ ra thận trọng, đúng ra là rất thận trọng. Họ nói với chúng tôi là cần phải nhìn mọi việc xa hơn, tổng quát hơn rằng NLD hiện chỉ có 43 ghế trong nghị viện và phe đối lập cũng chỉ được tối đa là 168 ghế trong nghị viện 600 ghế. U Win Htein cho biết thêm là chính quyền đang bắt đầu “xiết chặt chúng tôi”. Ông dẫn ra những đòi hỏi mới đây của chính quyền về việc NLD phải báo cho chính quyền biết trước về việc thiết lập bất cứ văn phòng địa phương nào và một nghị định mới đây yêu cầu các đảng phải liệt kê các chi phí trong cuộc bầu cử tháng Tư vừa qua và một tòa án cấp thấp hơn ở địa phương đã phán quyết một nửa tài sản trong gia đình của Suu Kyi thuộc về người em trai bất hòa Aung San Oo – người đã có quốc tịch Mỹ và người em này, do được  coi là người nước ngoài, lại bị cấm không được sở hữu số tài sản đó. Các thành viên NLD cho biết thêm là chính quyền cũng đã rất khó chịu với việc Suu Kyi ban đầu từ chối tuyên thệ “tôn trọng” hiến pháp 2008 và việc bà thường xuyên gọi tên nước là Burma thay cho Myanmar[3].

Thận trọng cũng là sự thể hiện chúng tôi gặp ở buổi nói chuyện với chính trị gia lão luyện U Tjn Oo, Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Trung ương đảng NLD khi chúng tôi trở về Rangoon sau đó. Ông nói với chúng tôi: “Các bạn hãy cẩn thận chú ý là Daw Suu đã nói là bà có thể cộng tác với Tổng thống U Thein Sein nhưng bà không chắc là có thể làm việc được với chính phủ.” Ông đánh giá tương lai của NLD trên việc NLD sẽ tổ chức, tiếp cận và thu hút như thế nào đối với thế hệ trẻ của đất nước. U Tjn Oo cũng cho biết NLD hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài nhưng các dự án “cần phải được minh bạch và cần phải chắc chắn mang lại lợi ích cho dân chúng chứ không phải chỉ cho các doanh nhân.”

Kết luận sơ bộ

Sẽ là hấp tấp nếu đưa ra ngay đánh giá chỉ sau một chuyến thăm kéo dài trong 3 ngày nhưng hãy cho phép tôi được mạo hiểm đưa ra một số nhận định sơ bộ sau đây về tiến trình chính trị quan trọng đang diễn ra ở Miến Điện.

Một, đất nước này đã có những bước đi rõ ràng về phía dân chủ, nhưng đó mới chỉ là những bước chập chững, non yếu và thuật ngữ “dân chủ hóa” chưa thể là từ đúng đắn để mô tả tiến trình đang diễn ra.

Hai, quyền lực vẫn tiếp tục được tập trung chặt chẽ trong tay giới tướng lĩnh với đại diện chính thức là Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia gồm 11 thành viên[4].

Ba, mặc dù Tổng thống U Thein Sein và những người có đầu óc cải cách trong giới quân đội đã có được lợi thế đối với phe bảo thủ, cứng rắn nhưng vị thế của họ vẫn bị phụ thuộc vào một người đàn ông đang ở sau “hậu trường”, đó là nhà độc tài già nua Than Shwe.

Bốn, rõ ràng là tiến trình cải cách đã có được đà nhưng cái đà này không phải là không thể bị đảo ngược.

Năm, chính lúc này là thời điểm chính quyền đang phải tỏ ra tử tế, nó không muốn làm điều gì có thể phương hại tới việc sẽ được nắm cái ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014 – đây là điều sẽ giúp cho chính quyền quân sự hoàn tất được sự chính danh cho sự cầm quyền của nó.[5]

Sáu, phép thử thực sự cho ý định dân chủ của chính quyền sẽ là cuộc bầu cử nghị viện năm 2015 – thời điểm NLD đang được nhìn nhận là sẽ chiến thắng nếu cuộc bầu cử là thực sự tự do và công bằng. Liệu chính quyền sẽ để cho NLD và những đồng minh của họ lên nắm quyền hay sẽ lại tiếp tục trấn áp và cướp quyền như năm 1990?

Cuối cùng, Aung San Suu Kyi và các lực lượng dân chủ cũng sẽ cần phải có được mọi sự ủng hộ cần thiết từ bên ngoài khi họ tiến hành các cuộc thương lượng chính trị quan trọng trong những năm tới với trọng trách đầy thách thức: Lái Miến Điện đi tới một nền dân chủ thông qua bầu cử thực sự.○

(Walden Bello là dân biểu hạ viện Phi-Líp-Pin thuộc đảng chính trị Akbayan, là người vừa thăm Miến Điện trong phái đoàn của Tiểu Ban Liên nghị viện ASEAN về Miến Điện (AIPMC))

Người dịch: Quang Trung.
(các chú thích của người dịch)






[1] Brasilia là tên thủ đô mới của B-ra-xin từ năm 1960, thành phố này chỉ mới được thành lập vào đầu thế kỷ 20 và là thành phố rộng nhất trên thế giới hiện nay.   
[2] Shangri-La là tên một địa điểm trong tiểu thuyết Lost Horizon của nhà văn Anh James Hilton, đã trở thành cái tên nhằm nói đến những nơi được coi như thiên đàng hay những nơi có cuộc sống rất hạnh phúc.
[3] Chính quyền độc tài quân sự sau khi lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính vào năm 1962 đã đổi tên nước bằng tiếng Anh, thường được viết là Burma từ thời thuộc địa Anh, thành Myanmar vào năm 1989 sau khi xảy ra các cuộc nổi dậy của sinh viên đòi dân chủ bắt đầu vào năm 1988.
[4] Hội đồng này do Hiến pháp năm 2008 lập ra gồm 11 thành viên đều là các tướng lãnh, quân nhân hoặc cựu quân nhân. Vai trò của Hội đồng này được Hiến pháp 2008 qui định rất mập mờ nhưng nó được giao vai trò lãnh đạo đất nước trong tình trạng khẩn cấp và kiêm luôn quyền lực của cả ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp trong những lúc nghị viện chưa được lập.
[5] Sự cầm quyền hiện nay của giới quân sự là bất chính (illegitimate) do cướp quyền trong cuộc bầu cử đa đảng năm 1990.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Câu hò dân chủ



Khải Minh 

Nói đến dân chủ tự do thì cũng giống như nghe hát hò ...lơ. Xứ nào cũng nói mình có dân chủ. Phe nào cũng nói phe mình là phe dân chủ. Trong nhà ngoài ngõ, loa cũng hét dân chủ, người dân thường cũng xù xì dân chủ tại quán cóc. Ba mặt bốn bên hò dân chủ om sòm. Sở dĩ, nghe chuyện dân chủ giống như nghe hát hò lơ, vì nghe hò quá nhiều, nên ...lơ luôn! Cho tiện. 

Như trong hiện tại, cái Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là một trong vài đảng độc tài, bạo lực chuyên chính nhất còn sót lại trên trái đất lại tự xưng là có dân chủ nhất. Những người chiếm cương vị lãnh đạo đảng ấy lại đời đời kế tục truyền ngôi cho con cháu, thân hữu, mà lại hò hét là đang thể hiện dân chủ tập thể. Họ tin là dân Việt nam còn ngu, cần đợi nâng cao dân trí rồi mới nói chuyện dân chủ đa nguyên kiểu Tây phương được ...mà hỡi ôi, họ lại đang cố bóp tịt một nguồn cung ứng thông tin và kiến thức quan trọng là internet. ĐCSVN có biết đâu ...

Ngày xưa, có chuyện hò dân chủ đến loạn cả thế sự như thế chăng?

Dân chủ, theo định nghĩa là chính quyền dân trị. Điều này có nghĩa là mọi người dân trong một xã hội dân chủ có quyền góp tiếng nói bằng nhiều cách trong mọi mặt có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Giới hàn lâm chính trị thường cho rằng quyền này có thể thực thi một cách trực tiếp, không qua trung gian; hoặc gián tiếp, qua các đại diện, gọi là cơ chế dân chủ đại biểu. 

(Hò lơ! hó lơ...Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ...!)

Điều không may là các thể chế tự nhận là dân chủ đại biểu đa phần đã đánh mất đi ít nhiều tính dân chủ thực sự trong nguyên nghĩa vì sự lạm dụng cương vị đại biểu để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Một chế độ như chế độ chính trị tại Việt Nam hiện nay với cơ chế độc đảng cộng sản, toàn trị là ví dụ điển hình hiếm hoi còn sót lại trên trái đất này của một cơ chế tự cho là đỉnh cao của thế chế dân chủ đại biểu, nhưng với bản chất mị dân, giả hình, giả dạng, các đại biểu cộng sản Việt Nam gọi nó là dân chủ tập thể, tập trung, mà thực chất là tập quyền trong tay một nhóm người và sử dụng cơ chế này để đối xử tàn độc đối với mọi con người (nhất là những người khác biệt chính kiến) trong xã hội Việt Nam. Trong chế độ ấy, sự thay xương đổi thịt đã hoàn toàn đến độ không còn một vết tích gì đáng gọi là dân chủ. Lý tưởng dân chủ đã bị ám sát ngay tự ban đầu.

Dầu sao, điều trên đây là những ghi nhận qua khảo sát một nền dân chủ giả thiết đã lập thành, đã kiện toàn; được mang ra so sánh với một thực tế đau đớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong thực tiễn sinh động của cuộc đời, một thể chế dân chủ đã hình thành và chuyển hóa ra sao? 

(Hò là hò ..lơ!)

Trong trường hợp Hoa Kỳ, một nước được xem là có một thế chế dân chủ thuộc loại tốt đẹp bậc nhất toàn cầu hiện nay nền dân chủ của họ thực tế đã thoát thai, đã hình thành, đã được xây dựng, phát triển liên lủy không ngừng mãi đến hôm nay...tất tất mỗi bước đều bắt nguồn từ ý chí của mỗi người dân trong xã hội ấy. 

Trong thời chiến tranh giành độc lập, mỗi người dân trong xã hội ấy đều có ý chí sôi sục về quyền tự quyết của con người, và để giữ được quyền tự quyết, họ ý thức sâu sắc là phải xây dựng một xã hội dân chủ, một chính quyền dân trị. Hãy nghe Thomas Jefferson: "Xin quý Ngài hãy tin tôi, không một kẻ nào trên toàn thể Đế quốc Anh có lòng yêu quí những Người Anh Vĩ Đại như tôi. Nhưng, vâng ý đấng Toàn năng đã tạo ra tôi, tôi sẽ hy sinh tính mạng mình trước khi lùi bước trước những điều kiện theo đề nghị của Nghị Viện Anh; và khi nói thế, tôi nghĩ là tôi đang phát biểu tâm tư của nước Mỹ". Tâm tư này là "Ý Chí Độc Lập và Ý Thức Dân Chủ"

Tự bấy đến nay, hơn hai trăm mấy chục năm qua, hầu như mỗi một phút giây, không lúc nào người Mỹ ngưng phát biểu công khai về dân chủ. Chính quyền dân trị được xây dựng, đôn đốc, kiểm tra bằng bộ máy quản trị và mọi người dân, ai cũng có quyền xét nét, tra vấn mọi việc làm của chính quyền và đề nghị những cải cách, sửa đổi. Tất tất để bảo vệ quyền tự quyết của người dân và phát dương ý thức dân chủ trong đời sống. Trong sinh hoạt đời thường cũng thế, ngoài luật pháp và các cơ quan tư pháp, mọi người dân thường đều có quyền khiếu nại tố tụng, với tư cách pháp nhân bình đẳng với tất cả các cơ quan chính quyền hay các tổ chức xã hội và các cá nhân khác. Tất tất thể hiện ý chí tự quyết và ý thức dân chủ. Ngay cả Hiến Pháp Hoa Kỳ, văn bản pháp qui cơ bản của quốc gia cũng được tu chính nhiều lần. Tất tất cũng để phản ảnh, thích ứng tâm tư của nước Mỹ: Ý chí tự quyết và ý thức dân chủ, thà chết chứ không hàng!

Thế, ...Việt Nam thì sao!?

 (A li hò lờ!)

Khác với lịch sử Hoa Kỳ chỉ khoảng ba trăm năm, Việt nam có một lịch sử lâu dài nhiều nghìn năm, nên lịch sử Việt nam bao hàm rất nhiều chuyện thuộc về cổ tích, huyền sử, dã sử vốn là truyền thuyết dân gian kết tập lại, nhưng nếu không có gì hay ho, không phản ảnh được tâm tư con người tí nào, thì ai dại truyền khẩu cho bị chê là nhạt nhẽo, nhất là trong hoàn cảnh chinh chiến máu xương liên miên của lịch sử Việt nam, suốt những mấy nghìn năm!? Vậy thì tự các cổ tích, huyền sử, dã sử về tự nó trên hành trình để tồn tại đã mang theo những dấu vết của một ý chí quật cường để sinh tồn, nếu không ai học lịch sử làm gì.

Muốn nhìn cho rõ nét ý chí độc lập và ý thức dân chủ của dân tộc Việt Nam, thiết nghĩ nên hướng tầm mắt nhìn quá vài trăm năm về quá khứ...(Tạm gác lại qua những rối ren thời cuộc của một thời Trịnh Nguyễn phân tranh, một thời gươm giáo phản Thanh, một thời Pháp thuộc đau nhục, một thời Quốc Cộng máu xương, và đương thời một thiên đàng độc lập-tự do-hạnh phúc bay cao, bay xa, và bay mất tiêu luôn!) - Về với xa xưa, xa nữa...

Trong cái xã hội Lạc Việt gồm các bộ tộc bị xem là bán khai và được các quan lang chia nhau cai trị ấy, điều gì đã khiến cho cả một đất nước, đang đứng trên bờ vực chiến tranh với nhà Đông Hán, lại toan thể đồng lòng lựa chọn hai phụ nữ lên nắm toàn quyền, lãnh đạo toàn dân đứng lên chống lại, và đánh thắng được giặc xâm lăng, dù chỉ trong một khoảng thời gian chẳng dài? Điều gì đã khiến cho các Lạc Quan, Lạc Tướng đều đứng lên, nép một bên, dạt một phía, nhường chỗ, nhường quyền cho hai người phụ nữ lãnh đạo, và toàn dân lại nhất tề hưởng ứng? 

Mang so với xã hội Hoa Kỳ thời rất hoà bình thịnh vượng hôm nay, (tính ra có được ba phụ nữ được đưa ra ứng cử Tổng Thống và đều...thua!) thì đủ rõ cái xã hội "bán khai" Lạc Việt ấy, ngược lại, rất văn minh. Nền văn minh thế kỷ thứ ba lấn lướt văn minh thế kỷ thứ hai mươi mốt, vì đã thể hiện được ý chí tự quyết và ý thức dân chủ rất triệt để, ngay trong lúc đất nước đang bước vào đại họa, lại biểu dương được tính bình đẳng, nam nữ bình quyền là điều mà các xã hội Tây phương ngày nay vẫn còn chi li đối phó.
Lại có, giữa một xã hội theo đế chế, quân chủ sơ khai, điều gì đã khiến cho nhà vua lại nẩy ra ý định đi rao trong dân, tìm kiếm, kêu gọi người nào có tài thì xin ra giúp nước trong thời giặc Ân!? Ông Vua và các nhân tài trong cung đình "bí thế" đến phải dùng một cậu bé ba tuổi là Thánh Gióng vậy ư!? Hay do một viễn kiến sáng suốt dùng cách đó để huy động toàn dân đồng lòng chống giặc. Dân như con đỏ. Tiền nhân có những ngụ ý gì - khi dùng hình ảnh đức vua cầu thị một cậu bé ba tuổi mà chưa biết đi, chưa biết nói, vươn lên, đứng dậy, với phương tiện là một con ngựa sắt và một bụi tre nhổ ở đầu làng Sóc Sơn, nhận trách nhiệm lãnh đạo toàn quân đi dẹp giặc cứu nước!? Ngụ ý hẳn có nhiều, và lịch sử còn đấy để ta học hỏi. Điều quan trọng ở đây là từ Vua quan đến dân dã đều biểu lộ một ý chí tự quyết và một ý thức dân chủ cao độ.

Còn nữa, điều gì đã khiến cho những phụ lão có thể đại diện cho cả nước biểu lộ ý chí của toàn dân quyết đánh đuổi giặc Nguyên Mông tại thềm điện Diên Hồng, rồi sau đấy họ cũng chính là những con người vận động toàn sức dân đánh giặc!? Cuộc họp dân chủ khóang đại qui mô đã thực hiện cũng vẫn dưới một nền quân chủ, nhưng có cần dựa một mô thức có sẵn nào tại Tây phương thời bấy giờ, vốn rất gần với thời ăn lông ở lỗ, cũng chẳng phải "sao y bản chánh" từ Thiên triều nòi Hán, vốn đang nằm bẹp dí và tan tác dưới vó ngựa Nguyên triều. 

Còn nữa, những ai tìm hiểu về phong tục tập quán người xưa đều biết dân ta có tục phế, lập Thần Hoàng. Thần Hoàng là một biểu tượng thuộc tâm linh, có khả năng, và chức năng quản xét giáng phúc hay gia hoạ cho bất cứ ai. Ấy thế mà tục lập Thần Hoàng lại giao quyền ấy cho người dân trong làng. Người chết được phong Thần Hoàng. Bất chấp lúc sinh thời là ăn mày, đĩ điếm, cường đồ, thảo khấu, trôi sông lạc chợ cho chí văn nhân tiến sĩ, hễ ai lúc chết đi mà hiển linh gia hộ cho dân làng được khoẻ mạnh, mùa màng phong túc thì sẽ được lựa và tiến cử để Vua lập sắc phong (một hình thức bổ nhiệm). Điều khác là nếu trong ba năm liên tiếp mà làng gặp chuyện không may, mưa nắng trái mùa, dân tình đói khổ thì người dân có quyền họp lại xin vua phế Thần Hoàng (đương nhiệm) và sắc lập một vị Thần Hoàng (tân tuyển) khác! Nếu việc này không phải là thực thi quyền tự quyết trong xã hội dân chủ thì gọi là gì?

Nhiều. Nhiều lắm những sự kiện lịch sử, những phong tục, ... biểu hiện ý chí tự quyết và ý thức dân chủ của dân tộc Việt Nam nhưng ba thí dụ nêu trên là điển hình của một tinh thần dân chủ quật cường thực thi bằng quyền tự quyết. Tự lựa chọn vận mạng trong tinh thần bình đẳng, không phân biệt giới tính, già trẻ, không phân biệt giai tầng xã hội, giàu nghèo sang hèn, không phân biệt đang sống hay đã ...chết. Một xã hội có ý chí tự quyết và một ý thức dân chủ bao biện, nhân bản nhân tính như thế thì, gẫm, còn vượt xa rất nhiều xã hội khác trong thế kỷ này. 

Nhưng không. Đấy chỉ là sự nhìn về quá khứ để tìm tòi chắt lọc. Cả những lời ngợi ca nêu trên sẽ chẳng có một chút ích dụng thực tiễn nào nếu cứ tiếp tục kiểu kiêu nịnh tổ tiên như thế và hy vọng quả ngọt năm xưa sẽ đỡ cơn khát bây giờ. 

Vì, thưa quí ông quí bà, ngày xưa, tiền nhân không có hò tự quyết hay dân chủ gì cả. Tiền nhân sống cuộc đời sung thực, và thực thi quyền tự quyết trong tinh thần dân chủ bằng... hành động. Cho gọn.

Hãy đối chiếu xưa nay để nhìn thân thế cá nhân hôm nay và nhận ra thực tại lạc đường của cả dân tộc. Hãy so sánh trước sau để chiêm nghiệm tâm linh bản thân và nhìn ra hiện tượng lạc hồn của toàn đất nước. Hãy tự mỗi người tái khẳng định ý chí tự quyết và ý thức dân chủ cho cá nhân mình.
 
Và tiến lên, mạnh mẽ, khẳng định.○



Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Muốn có tự do phải chủ động


Suốt mấy ngàn năm qua Việt Nam đã từng bị phương Bắc xâm lấn, thôn tính rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ tình trạng lại như hiện nay: Xâm lấn mà như không xâm lấn, thôn tính mà như không thôn tính, nước mất mà như chưa mất, dân muốn phản đối quân xâm lược phương Bắc lại bị chính quyền ngăn cấm,…Tuy nhiên nếu chỉ bức xúc, căm phẫn sự ngang ngược, thâm độc của quân xâm lược hay mắng mỏ sự nhu nhược, trắng trợn của kẻ bán nước thì cũng không khác gì ngồi mắng chửi quân bất lương: “Sao ngươi lại vô lương thế?” Trong một bài gần đây, tác giả Hà Sỹ Phu đã viết: “Nếu phía quyền lực đã dùng phương pháp che đậy, ngụy trang, mơ hồ, chung chung…mà phía phản biện cũng chơi đúng theo cách ấy thì thua! Trong bóng đá người ta bảo thế là “bị áp đặt lối chơi”, phải hết sức tránh.” Suy cho cùng, mọi sự thụ động và phụ thuộc trong các cuộc đấu tranh giành tự do đều không thể dẫn đến tự do, dù là cuộc chiến giữa quốc gia-kẻ xâm lược hay cuộc đấu giữa nhân dân-chính quyền độc tài. Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết vừa nói:


Giải “Cộng” nhi thoát ! ( 解共而 脱 Bỏ Cộng sản thì thoát)                                                        

Hà Sĩ Phu


Trong “Thư gửi người đang yêu” nhà văn Phạm Đình Trọng đã nói với những bạn bè còn vương vấn chút “yêu đương” với Chủ nghĩa Cộng sản, rằng chủ nghĩa Cộng sản mà học thuyết Mác-Lê vạch đường là một chủ nghĩa sai lầm, chỉ gây ra tội lỗi với đất nước, không thể sửa chữa mà chỉ có cách duy nhất là xoá bỏ tận gốc.

Có một thực tế là trong nước cũng không ít người đã suy nghĩ  gần giống như vậy nhưng còn đắn đo chưa nói hết ra thôi. Nhưng kẻ xâm lược đâu có chờ ta, chúng cứ khẩn trương lấn tới, ngày một nguy hiểm. Nay quân xâm lược đã riễu binh đến sát cửa nhà, thậm chí vào rất sâu trong nội tình, nội địa.Trước tình hình ấy, nhiều Blogger đã bày tỏ ý kiến rốt ráo quyết liệt hơn trước. Tôi xin liên kết nhiều ý kiến về lý luận và thực tiễn đã có trên công luận, từ gốc đến ngọn, nói gọn lại cho rõ ràng hơn.

1/ Nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lê đã xong về LÝ LUẬN:

Chủ nghĩa Mác-Lê [1] là một lý thuyết muốn làm điều tốt nhưng nội dung tư duy lại phi khoa học, hoang tưởng, nên sau những phấn khích ban đầu, cuối cùng chỉ tạo ra những xã hội phi lý, đảo ngược luân thường, kìm hãm và phá nát xã hội, tạo những cơ hội bằng vàng cho những kẻ cơ hội chính trị lợi dụng nhảy lên thành những bạo chúa mới, và gây những tai hoạ cực lớn cho nhân loại, vì thế cần phải vứt bỏ.

Trải hơn một thế kỷ và trên phạm vi toàn nhân loại, đến nay nhận thức khoa học đào thải chủ nghĩa hoang tưởng ấy đã hoàn tất. Quanh vấn đề phê phán chủ nghĩa này bây giờ nói gì cũng chỉ là lặp lại ( hoặc nhai lại) những điều đã giải quyết xong. Với một chân lý đã hiển nhiên thì mọi lý luận dài dòng đều là thừa. Chân lý đã có ( căn cứ vào nhân loại văn minh) thì mặc nhiên sử dụng đâu cần chứng minh lại? Chân lý nằm ở cộng đồng nhân loại 200 nước, trong đó có tất cả những những nước tiêu biểu nhất cho tri thức nhân loại, hay nằm ở 4 nước Cộng sản tàn dư đang cố biến thái để tồn tại?
Với người có tim óc bình thường, chân lý ấy khỏi cần bàn cãi. Còn với những luận điểm “chày cối” thì vấn đề lại sang một bình diện khác, không còn ở lý luận khoa học, càng lý luận khoa học bao nhiêu lại càng vô ích bấy nhiêu.

2/ Vấn đề Mác-Lê chưa xong trong thực tế Việt Nam.

Mặc dù chân lý đã hiển nhiên, nhưng ở Việt Nam, với 3 “típ” người này thì chân lý ấy vẫn cứ “có vấn đề” để tranh cãi mãi không dứt:

- Những người quá yếu về tư duy khoa học nên lạc hậu về nhận thức,  
- Những người có tư duy nhưng còn nặng duy cảm hơn duy lý, nên lúng túng chưa biết xử lý ra sao với gánh nặng tình nghĩa và di sản trong quá khứ
- Những kẻ cố tình cãi chầy cãi cối vì mục đích duy lợi.

Tổng số 3 “típ” người này đang còn rất đông và còn chi phối xã hội, nên trong thực tế câu chuyện Mác-Lê chưa thể chấm dứt.

Tùy theo mức độ và động cơ khước từ chân lý mà họ có thể còn những nét đáng yêu, đáng thông cảm, hoặc đã thành đáng trách, đáng giận, hoặc đáng ghét.Với những trường hợp ấy hoặc chỉ cần nói ngắn gọn, chỉ nói vào những chuyện thực tế, hoặc phải ứng xử bằng cách khác, tuyệt nhiên không cần lý luận bài bản dài dòng như một đề tài triết học chuẩn mực cho phí công.

Lại có người suy nghĩ đơn giản : Chính ĐCS ngày nay thực chất có theo Mác-Lê  nữa đâu, ta nói Mác-Lê nữa làm gì? Xin thưa, ĐCS chỉ bỏ một phần trong “Mác Kinh tế” thôi, đâu có bỏ lề lối chuyên chính Mác-Lênin-Staline trong hệ thống chính trị? ĐCS còn cần đến Mác-Lê cả về danh nghĩa lẫn nội dung.

Chủ nghĩa Mác-Lê (và dẫn xuất là tư tưởng Hồ Chí Minh) vẫn là cơ sở để một đảng CS độc quyền có thể tồn tại, vẫn là yêu cầu có tính chất sinh-tử để duy trì một xã hội với nhiều điều ngang trái như hiện nay, mất nó điều 4 Hiến pháp sẽ không có lý do tồn tại, đảng phải giữ nó như giữ con ngươi của mắt mình chứ không phải chỉ là cái vỏ hờ bên ngoài. Có điều là cái mà người ta cần đặt lên bàn thờ để sử dụng chưa hẳn đã là cái người ta coi là thiêng liêng (như sẽ nói thêm ở phần sau).

Thực chất khẩu hiệu “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” không phải  nhằm cái đích XHCN xa xôi mà ai cũng biết là không có thật, mà phải hiểu một cách thiết thực đó là “Kinh tế thị trường kiểu Cộng sản”. “, tức là quá trình“tư bản hóa theo những bài bản có lợi nhất mà giới CS chóp bu độc quyền mong muốn ”, là dùng chuyên chính Vô sản độc tôn để độc quyền tích lũy tư bản, không loại trừ quyền buôn bán tài nguyên và lãnh thổ quốc gia. Chừng nào quá trình tư bản hoá ấy đã xong thì cái vỏ Mác-Lê sẽ hết tác dụng, và buộc phải hết tác dụng, nếu không thì những nguyên lý “có áp bức thì có đấu tranh” và “đào mồ chôn Tư bản” sẽ quay ngược mũi dùi vào chính giai cấp Tư bản đỏ do Mác-Lê đẻ ra.

3/ Vua đã cởi truồng, dân làm sao còn giữ “Lễ” ?

Tại sao sự giả dối lại phát triển thành căn bệnh phổ biến và trầm kha như hiện nay?

Một chủ nghĩa phi khoa học lại muốn được mọi người tôn vinh là duy nhất khoa học để cả xã hội tuân theo thì đương nhiên phải lừa bịp, kết hợp với bạo lực áp đặt. Nhưng trong hai biện pháp đó thì cách lừa bịp, nguỵ biện, giả khoa học để ngụy tạo sự “tự nguyện” mới là chủ yếu, là sở trường, còn bạo lực với nhân dân chỉ là phương án 2, phương án bất đắc dĩ. 

Nhưng sang giai đoạn mạt kỳ, thực tế đã phơi bày hết thảy, sự mị dân mất tác dụng, thì phương án 2 dần trở thành chủ yếu, các ĐCS phải bỏ sở trường dùng sở đoản là dùng bạo lực với nhân dân. Uy tín không còn, chính danh không còn, ngai vàng còn giữ được nhờ hết vào đội KIÊU BINH khổng lồ, rải khắp hang cùng ngõ hẻm.

Công an thì ngang nhiên tuyên bố “chỉ biết còn Đảng còn mình”, quân đội chẳng những tuyên thệ trung với Đảng mà còn tuyên bố nhân dân nào theo đảng mới được coi là nhân dân! Tóm lại, dưới gầm trời Việt Nam thì công an, quân đội đã là của đảng mà dân cũng là của đảng luôn (nếu không chấp nhận điều ấy thì thành thù địch). 

Kiêu binh vừa gắn chặt với Đảng của xã hội đỏ lại vừa công khai đi sóng đôi với côn đồ của xã hội đen trước thanh thiên bạch nhật, kiêu binh thản nhiên làm điều vô pháp luật, luật là tao, tao thích bắt là bắt cần gì phải lệnh, kiêu binh đánh chết người nếu thích, kiêu binh sẵn sàng văng cả đồ dơ vào mặt những vị đương quyền tối cao của họ nếu cần thiết…, khi kiêu binh đã muốn ra oai với dân thì mặt mũi các quan đương triều cũng chẳng là cái đinh gì, vì họ thừa biết lúc này ai đang cần đến ai?

Phơi hết sự tàn bạo bất cận nhân tình không cần che đậy, đấy là sự tự bóc trần, tự “khoả thân chính trị” của chế độ chuyên chính trong nước. Đồng thời, sự chuyên chính trong thế giới Cộng sản với nhau cũng “khoả thân” luôn không che đậy: việc chính thức thành lập thành phố biển Tam Sa với đầy đủ quy chế hành chính và quân sự, việc kêu gọi đầu tư ngay trong thềm lục địa đương nhiên của Việt Nam, đưa 23.000 tàu đánh cá tràn vào vùng biển Việt Nam…đã tự lột trần cái bản mặt giả dối của chủ nghĩa quốc tế Cộng sản đến mức không còn một chút lá nho, cả những 16 chữ vàng, quan hệ 4 tốt, và cuộc thi ca khúc Việt-Trung và lời kêu gọi tri ân kẻ xâm lược cũng trở nên trơ trẽn, hèn hạ không thể chấp nhận. Làm những điều quá hạ sách ấy, cả thế giới Mác-Lê như muốn thách thức công luận rằng “ông vô lý, ông tàn bạo, ông ngang ngược thế đấy, ông cứ làm trái ý dân, cứ làm trái công pháp quốc tế thế đấy làm gì được ông”? .

Thế là Vua đã cởi truồng tồng ngồng giữa phố như trong truyện ngắn Andersen mà hết thảy vẫn cứ đeo mặt nạ để ca ngợi bộ áo choàng quang vinh vô địch muôn năm ! Thực chất chế độ Cộng sản chỉ là một chế độ phong kiến biến tướng [2], nên suốt nửa thế kỷ nay, dù oan ức đến mấy người dân vẫn phải cư xử, ăn nói nhỏ nhẹ cho phải đạo, nói có chỗ dù không bao giờ được trả lời, chỉ nói râu ria cấm nói vào chỗ phạm. Ngay cả khi có báo chí “lề trái” ở trong nước thì lúc đầu cũng chỉ dám nói vào những việc cụ thể, không chạm đến Đảng, nếu muốn chạm đến gốc rễ của chủ nghĩa và lãnh tụ thì nói theo kiểu “ám chỉ” xa xôi nhưng ai cũng hiểu…Tất cả những sự đeo mặt nạ giả dối ấy chẳng qua là giữ LỄ trong một thể chế phong kiến cho phải đạo, ăn nói ra vẻ cung kính nể nang nhưng trong lòng đã hết tin yêu rồi.

Trò xiếc dối trá lẫn nhau, cố giữ bộ mặt đúng quy cách ấy không thể kéo dài mãi. Phía vua quan đã “khoả thân tới số” thì dân chúng còn cung kính giả vờ sao được? Dùng súng hoa cải uy hiếp kẻ cưỡng chế đất, bắt nhốt Công an để hỏi cung, phụ nữ liều mạng khoả thân để giữ đất…vânvân…là những hành động “phá cách”! (Nhưng mẹ con bà Lài đã lầm, cái giới hạn nhân cách truyền thống mà bà tưởng là ranh giới phòng vệ cuối cùng thì trong thế giới của những Nguyễn Trường Tô-Hô đâu có giá trị gì?).

Đến giai đoạn này thì các Blogger trong nước cũng không giữ Lễ nữa: không cần ám chỉ mà kể thẳng tên người tên việc dù là thủ tướng hay tổng bí thư, hay Bộ Chính trị. Mác-Lê không còn là điểm nhạy cảm phải kiêng, lại còn nghi ngờ rằng Đảng và nhà nước có định chống xâm lược thật không (hay đã đồng tình với giặc xâm lược?), coi chính quyền chỉ là một đám cướp lớn phản động đã rõ ràng …

Một Blogger tối thân cận với trùm chuyên chính Vô sản đã gọi Hồ Chí Minh là ”Ku Nghệ” mà không bị khiển trách thì đủ biết trong hậu trường họ đối với cụ Hồ cũng chẳng thành kính gì. Lại xuất hiện Blog quanlambao (là tiếng nói của nội bộ Đảng, phe Chỉnh đốn đảng chống phe Tham nhũng) chửi thẳng như tát nước vào mặt đương kim Thủ tướng còn hơn đánh kẻ thù mà không bị trừng trị.

Những ranh giới cũ đã bị phá hết. Một giai đoạn đối thoại mới, bằng ngôn ngữ khác trước, đã bắt đầu. Phía Đảng và nhà nước đã dùng “NGÔN NGỮ” mới (gồm cả ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ hành động) thì nhân dân cũng dùng “ngôn ngữ” mới tương xứng. Vua đã cởi truồng, sao Dân còn giữ Lễ mãi được? Tinh thần nói đúng sự thật, nói hết sự thật đang sang một chất lượng mới..

Cuộc đối thoại mới đã bớt đi rất nhiều mặt nạ phù phiếm để đến gần với sự thật hơn, bổ ích hơn, khẩn trương hơn, hiệu quả hơn. Những lời mạn đàm này gửi đến bạn bè cũng trên tinh thần mới và ngôn ngữ mới ấy.

Một khía cạnh khác của nhu cầu nói thật là nhu cầu về phương pháp. Nếu phía quyền lực đã dùng phương pháp che đậy, nguỵ trang, mơ hồ, chung chung…mà phía phản biện cũng chơi đúng theo cách ấy thì thua! Trong bóng đá người ta bảo thế là “bị áp đặt lối chơi”, phải hết sức tránh. Lúc đầu nói thật quá e sẽ bị quy chụp nên phải thủ thế, nhưng nay đã khác.  

4/ Tình hình đã quá chín muồi cho một cuộc xâm lược.

Khi Trung quốc chính thức thành lập thành phố Tam Sa (gồm 2 quần đảo HS và TS của Việt Nam) và đưa 23.000 tàu đánh cá vào vùng biển VN nhiều người gọi hành động ấy là liều lĩnh và lấy làm ngạc nhiên Thực ra không đáng ngạc nhiên và Trung Quốc không hề liều lĩnh khi đã thiết kế chiến lược một cách vững chắc và tính toán cụ thể chắc ăn trăm phần trăm.

Do vị trí địa-chính trị nên Việt Nam trở thành cửa ngõ mà chủ nghĩa Đại Hán buộc phải chiếm lĩnh để bành trướng về phía nam, nhưng Việt Nam trước đây đã kiên cường và mưu lược, phá tan mộng xâm lăng ấy của Trung Quốc.

Bất hạnh thay, sự xuất hiện trào lưu Quốc tế Cộng sản hoang tưởng đã cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội bằng vàng. Họ tận dụng những đặc trưng của Cộng sản để đưa con mồi vào lưới. Con mồi tự tìm đến cái bẫy, nhưng bị tấm màn “Quốc tế đại đồng” che mắt, nhìn cái bẫy thành chốn ruột thịt nương thân. Những năm 1949-1950 khai thông biên giới Việt Trung, một VN đã kiệt lực buộc phải dựa hẳn vào Trung Quốc để có sức đánh nhau với Pháp, những món hàng viện trợ từ vũ khí, quân trang quân dụng đến nhu cầu dân sinh là khởi đầu những trói buộc có tính chiến lược, là sợi dây thòng lọng đầu tiên, tận dụng những quan hệ thân thuộc của những người lãnh đạo đã có với Trung Quốc làm sợi dây liên kết. 
                                                                                
Cái thòng lọng thứ hai là do chuyến ngoại giao cầu hòa của Việt Nam diễn ra tại Thành Đô ngày 3-4/9/1990. Xét trong quan hệ có tính lịch sử giữa 2 kẻ thù truyền kiếp thì cuộc cầu hòa này chính là cuộc tuyên bố đầu hàng. Với hiệp ước Thành Đô (nhất định lịch sử sau này sẽ bạch hoá) Trung Quốc đã tẩy rửa được dấu vết chống Trung Quốc của Việt Nam tượng trưng bởi ý chí chống Tàu cứng rắn của Tổng Bí thư Lê Duẩn và cuộc chiến biên giới 1979. Sau hội nghị Thành Đô kế hoạch xâm lược đã thiết kế xong những nước cờ căn bản.

Từ đấy trở đi, chỉ cần 4 năm một lần Trung Quốc khống chế người cầm đầu Việt Nam , tức Tổng Bí thư đảng, là đủ cho kế hoạch xâm lược tiến hành trôi chảy. Muốn vậy phải giữ cho Việt Nam yên vị theo chế độ Cộng Sản, không được dân chủ hoá, không được liên kết chiến lược với Hoa Kỳ.

Kết quả của chủ trương liên kết chiến lược với Trung Quốc và liên kết lửng lơ với Hoa Kỳ là đã tạo những “điều kiện cần” và “điều kiện đủ” cho cuộc thôn tính Việt Nam một cách hoà bình. Điều kiện “cần” là một bộ máy lãnh đạo Việt Nam phải là bộ máy thân thiện Trung Quốc, không coi Trung quốc là xâm lược, đồng thời nhân dân  Việt Nam thì tinh thần bạc nhược, không quan tâm đến sự đe doạ của Trung quốc, chấp nhận để “Đảng và Nhà nước lo”. Điều kiện “đủ” là làm sao khống chế được sự phản kháng của lực lượng tinh hoa là những người Việt còn giữ được sự cảnh giác và lòng quyết tâm bảo vệ đất nước, không cho họ đánh thức được dân chúng, đồng thời Hoa Kỳ và quốc tế không can thiệp.

Khi ĐCSVN đã cam kết với ĐCS TQ thực hiện đủ những điều kiện ấy, thì (xin lỗi) chỉ một Trung Quốc ngu mới không tiến hành xâm lược Việt Nam.

Giữa lúc quân xâm lược kéo binh mã rầm rập vào trong biên cương Tổ quốc mà các thủ lĩnh tối cao thì im phăng phắc, nhưng ra lệnh cho khắp nơi  hát vang lời hữu nghị và tri ân, cho tướng lĩnh đứng ra tay bắt mặt mừng, và ra sức bắt giữ những người phản đối xâm lược! Cảnh tượng diễn ra như một trận công thành được chuẩn bị chu đáo, có  nội công, vô hiệu hóa lính gác, vô hiệu được quân lính trong thành, lại tổ chức sẵn một đội kèn trống chào mừng, nghênh đón sứ quân của thiên triều. Tất cả như có sự phân công, phối hợp trong ngoài vậy. Chẳng trách người dân phải đặt thẳng sự nghi ngờ vào lòng dạ của người cầm vận mệnh đất nước:

“Nguy cơ mất nước là hoàn toàn có thật. Đến lúc này nhân dân buộc phải hỏi:  Đảng và Nhà nước có thực sự muốn chống xâm lược không?

(Cả đến việc thông qua Luật biển, làm nức lòng nhiều người , nhưng tiến hành song song với những động tác ve vãn kẻ xâm lược và cấm dân biểu tình thì có đáng tin không hay chỉ là “đánh trận giả” để đánh lừa dân chúng, giúp kẻ địch tiến thêm một bước nguy hiểm?).

Thiên vạn cổ chưa có trận chiến nào được bố trí vẹn toàn như thế, sao lại bảo cuộc tấn công ấy là liều lĩnh được? Chiến thắng trong tầm tay, an toàn 100% như thế mà không tiến công thì Trung Quốc ngu à?.

5/ Giải Cộng nhi thoát! Có từ bỏ Mác-Lê cùng với cái gọi là XHCN mới cứu được nước!

Xem như vậy thì suốt từ 1950 tới nay (2012), tất cả những thiết kế chiến lược và thực thi từng bước chiến thuật cho sự thôn tính Việt Nam kiểu mới của Trung Quốc đều phải dựa trên một nhân tố trung tâm và quán xuyến là đảng Cộng sản, thiết chế Cộng sản, và quan hệ Cộng sản. Việt Nam nếu không là Cộng sản thì Trung Quốc hoàn toàn bó tay.

Vậy, theo lô-gích, đáp số của bài toán phòng thủ đất nước trước nạn Tân Bắc thuộc đã hiện ra rõ mồn một. Một Việt Nam 90 triệu dân, dân chủ pháp quyền phi Cộng sản, có bầu bạn khắp năm châu, chẳng có lý gì phải nằm trong vòng tay “ôm ấp” của Trung Quốc thì anh bạn khổng lồ xấu tính buộc phải nhớ đến những Chi lăng, Bạch đằng, Đống đa mà chìa bàn tay hữu nghị giao thương với sự bình đẳng và kính nể.

Truyện kể rằng: Tướng nhà Minh Lưu Bá Ôn vào thăm mộ Khổng Minh, mặc giáp sắt khi đi qua cổng lát bằng  nam châm liền bị hút chặt xuống đất. Lưu Bá Ôn đang luống cuống bỗng ngước nhìn lên thấy một bức hoành trên đề bốn chữ "Giải y nhi thoát" (Cởi áo ra thì thoát) bèn làm theo …

Nay chủ nghĩa Mác-Lê đối với ĐCSVN cũng chỉ như chiếc áo giáp sắt, mặc vào là bị thanh nam châm khổng lồ Trung quốc hút chặt, không ngẩng lên được. Giải Cộng nhi thoát , là cách tự cứu duy nhất, đẹp lòng dân tộc, và vẹn cả đôi đường.


KẾT LUẬN : GIỜ NGUY BIẾN ĐÃ ĐIỂM !

1/ Trước mắt, muốn cứu nước, dân ta cần phá cho được cái chiến lược “diễn biến hoà bình” trong quan hệ Trung-Việt, mà thực chất là xâm lược hoà bìnhlàm mất nước một cách hoà bình! Họ muốn đô hộ một nước khác mà không cần gây một cuộc chiến tranh xâm lược, kế hoạch thật là thâm độc!

Chiến lược xâm lược hoà bình này do nhà cầm quyền Tân Đại Hán khởi thảo và áp đặt, ĐCSVN tự sa vào thế kẹt buộc phải làm theo. Hai đảng thoả thuận kín, quyết định số phận của Việt Nam là nước nhỏ hơn, nhân dân cả hai nước đều được sử dụng như những công cụ.

Chỉ có nhân dân Việt Nam mới giúp được ĐCSVN ra khỏi thế bị kìm kẹp này. Nhưng muốn vậy ĐCS phải dũng cảm chịu đau một chút, khiêm nhường một chút, giảm đi một chút lòng “kiêu ngạo cộng sản” vô lối,  để thừa nhận nhân dân, để “lột xác”, thoát khỏi chủ nghĩa hoang tưởng phản tiến hoá để trở về với dân tộc, tìm lại sự vinh quang chính đáng trong niềm kiêu hãnh chung của cả dân tộc.  

Bằng sự gặm nhấm của chiến lược Việt-Trung hữu hảo diễn biến hoà bình, “cái ổ chim đại bàng” mà tổ tiên ta gây dựng đang từng ngày từng giờ chật hẹp dần lại một cách toàn diện, thành “cái tổ con chim chích” như vua Trần Nhân Tông đã lo trước nhiều thế kỷ. Hoạ mất nước đã nhỡn tiền!

Không nhân dân nào thích chiến tranh, nhưng lời QUYẾT CHIẾN, chứ không HÒA, của Hội nghị Diên Hồng là vết son trong lịch sử. Hoà bình là quý, nhưng hoà bình để mất nước êm như ru là thứ hoà bình đáng nguyền rủa, không thể so với sự diễn biến hoà bình để tự chuyển hóa thành một nước dân chủ văn minh, chính là thứ hòa bình công chính và kiêu hãnh, không kẻ nào chống được.

2/ Về căn bản và lâu dài , xuất phát từ nhu cầu xây dựng đất nước cũng như từ yêu cầu bảo vệ đất nước khỏi hiểm họa Bắc thuộc, xã hội Việt Nam phải từ giã ảo tưởng Cộng sản, trở về một chế độ dân chủ lành mạnh thông thường như các nước văn minh, không có con đường nào khác. Chừng nào còn giữ chế độ gọi là “Xã hội chủ nghĩa” bên cạnh anh Cộng sản khồng lồ Trung Quốc, thì hoạ mất nước là thường trực.

Có thể ĐCSVN lường trước bước thứ hai này nên nghi ngờ và cấm người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ?.
Tôi nghĩ mọi việc hoàn toàn trong sáng, không có gì thủ đoạn ở đây. Cần nói thật với nhau rằng việc trước mắt cũng như lâu dài đều đòi hỏi phải tháo vòng Kim-cô chuyên chính Vô sản, nhưng tính chất hai việc khác nhau xa. Kẻ xâm lược là giặc đến từ bên ngoài, cần phải làm cho họ thất bại trong âm mưu đó, việc ấy phải làm ngay không thể trần trừ, hoàn toàn không giống với quan hệ người trong một nước với nhau, quan hệ được cố kết bởi tình yêu Tổ quốc ngàn đời thiêng liêng, để cùng xây dựng một đất nước văn minh là điều hoàn toàn có thể thực hiện được, mà nước Đức là một tấm gương đầy thuyết phục.
                                                                                              H.S.P (9-8-2012)
==========================================================
[1] Sai lầm gốc từ Mác nhưng phải cộng với Lênin mới thành một thể hoàn chỉnh về chính trị và lan rộng ra thế giới.



                                                      PHẦN VIẾT THÊM
    Cần thoát khỏi một vài nguỵ biện và những suy nghĩ tự trói buộc 

* Nhiều đảng viên rất lo ngại cho hiện tình xuống dốc và bất lực của đảng hiện nay, nhưng băn khoăn trước câu hỏi: Đảng không ưu việt sao đánh được Pháp, được Mỹ? Đảng cũng làm được nhiều việc tốt đấy chứ? Ba triệu đảng viên hầu hết là tốt thì đảng sao lại xấu được? Xin nêu tóm tắt mấy ý góp phần giải đáp:

- Mác-Lê vào được Việt Nam là do tháp tùng lòng yêu nước, những thành tựu có được là do tựa vào sức mạnh yêu nước của dân tộc mà có. Ở đâu và khi nào nhân tố chuyên chính vô sản phát huy tác dụng, lấn át truyền thống dân tộc, thì ở đó, khi đó, phát sinh sai lầm và tổn thất.
- Cái tốt chủ yếu ở giai đoạn đầu, khi cầm quyền là bắt đầu thoái hóa, càng củng cố được quyền lực thì càng thoái hoá, càng về sau càng thoái hóa. Muốn lấy lại thiện cảm thì phải “ăn mày quá khứ”.
- Cá nhân đảng viên có thể tốt, nhưng đứng trước tổ chức thì những cái tốt cá nhân bị vô hiệu hoá. Tổ chức Cộng sản là phép cộng những “số dương” thành một “số âm”, sử dụng rất nhiều người tốt để thực hiện một điều huyễn hoặc, không tốt. Càng lên trên thì tính “bản thiện” của con người càng bị tính chuyên chính sai lầm của tổ chức lấn át, cho nên càng lên trên càng tiêu cực. Tham nhũng độc quyền ghê gớm nhất đều ở cấp cao. Chính gương tốt, liêm chính, của các đảng viên ở cơ sở là tấm bình phong che cho tội lỗi của cấp cao
- Bởi là người tốt, người yêu nước, nhưng bị dòng lịch sử cuốn vào một trào lưu huyễn tưởng nay đã bị lịch sử đào thải, thì mỗi người đảng viên cộng sản đều phải chọn một trong hai sự “phản bội” không thể thoái thác: hoặc cứ nhắm mắt theo chủ nghĩa thì phản bội dân tộc, hoặc đặt dân tộc lên trên thì sẵn sàng từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê ảo tưởng, đó là sự từ bỏ, sự “phản bội” đáng ca ngợi.

* Một nguỵ biện nhằm chống biểu tình:

Người dân muốn biểu thị quyết tâm chống xâm lược, bảo vệ đất nước thì phương pháp truyền thống ở mọi quốc gia là BIỂU TÌNH. Muốn giúp cho quân xâm lược khỏi bị làm phiền thì nhà cầm quyền Việt Nam hứa với họ là kiên quyết cấm dân VN mình biểu tình. Nhưng không thể công khai cấm biểu tình (vì cấm là phi lý và thất nhân tâm) thì cấm những gì liên quan không thể tách rời với biểu tình là đi đông người trên phố, bèn quy tội là gây rối trật tự, ảnh hưởng đến giao thông. Đây là nguỵ biện dùng “mẹo Trạng Quỳnh”: nếu không thể cấm ỈA thì cấm ĐÁI, không được đái thì làm sao mà ỉa? Thế là không cấm biểu tình mà dân không biểu tình được.

Nhà nước ta quả là nhiều sáng kiến và tận tâm với bạn vàng xâm lược. Nhưng xin thưa điều quy kết này là bậy bạ và phạm pháp. Đường xá là của toàn dân, người dân được sử dụng để đi lại thông thường và đi lại trong những việc đông người chính đáng: đám cưới, đám tang rất cản trở giao thông, đón rước, hội hè rất cản trở giao thông…thì giao thông tạm ngừng một thời gian ngắn, có sao đâu? Biểu tình bảo vệ Tổ quốc còn chính đáng và quan trọng hơn mọi sinh hoạt khác, giao thông phải tạm dừng để phục vụ biểu tình cũng là chính đáng, huống chi lèo tèo vài trăm người thì cản trở nỗi gì? Mẹo “cho Ỉa nhưng cấm đái” này sẽ còn phát huy nhiều ngụy biện xảo trá khác nữa, nhưng nhân danh một “Chính” quyền mà dùng mẹo bẩn như vậy thì còn “chính” nữa không?
9/8/2012 -HSP-

(Bài nhận từ tác giả. NCTVN biên tập)