Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Giới tiến bộ Trung Quốc quá ư thận trọng?


Ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng đương nhiệm của Trung Quốc, khoảng một năm trở lại đây đã có những phát biểu công khai làm xôn xao dư luận tiến bộ trong và ngoài nước.

Ngày 14/03/2011, trong cuộc họp báo quốc tế nhân kết thúc một kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã dõng dạc khẳng định: “Không có cải cách chính trị thì cải cách kinh tế không thể thành công và các thành quả kinh tế chúng ta đã đạt được có thể sẽ mất hết.”

Cũng trong cuộc họp báo đó, ông Ôn Gia Bảo còn kêu gọi phải để cho người dân trực tiếp đi bầu để chọn ra người lãnh đạo và để “người dân có quyền giám sát và phê phán chính phủ.”

Gần đây nhất, ngày 14/09/2011, trong Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới (World Economic Forum) tổ chức ngay tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo lại đưa ra những lời kêu gọi cải cách rất mạnh mẽ: “Nhiệm vụ khẩn cấp đối với đất nước (Trung Quốc) hiện nay là phải cải cách đảng (cộng sản) và hệ thống lãnh đạo quốc gia.” Ôn Gia Bảo cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một đảng nắm quyền là phải hành xử theo đúng qui định của hiến pháp và pháp luật, do đó “đảng nắm quyền không được đại diện cho nhà nước và không được nắm quyền một cách tuyệt đối và phải thay đổi sự tập trung quyền lực thái quá.”, “vì vậy cải cách hệ thống quyền lực của đảng và hệ thống lãnh đạo quốc gia là nhiệm vụ bắt buộc.”

Dưới góc độ dân chủ, những đề xuất cải cách của ông Ôn Gia Bảo là khá rõ ràng và cơ bản hơn rất nhiều những kêu gọi như đề xuất ra một bộ luật biểu tình và trong bối cảnh chính trị, xã hội hiện thời của Trung Quốc, đó là những phát biểu dũng cảm và hợp lòng dân. Nhưng phản ứng của giới đấu tranh và khát khao tiến bộ, dân chủ, nhân quyền cho Trung Quốc dường như không quan tâm tới những phát biểu đó. Họ gần như im lặng hoàn toàn, không thấy có những biểu hiện cổ vũ, kêu gọi xiển dương rầm rộ cho những lời kêu gọi đó.

Rất có thể giới đấu tranh cho tiến bộ Trung Quốc chỉ là những người bảo thủ và rụt rè. Nhưng cũng rất có thể họ đang phải vất vả, chú tâm kiếm tìm những nhân quyền, những tiến bộ khiêm tốn hơn, khả thi hơn nhưng là nền tảng cho các tiến bộ khác nên chưa dám mơ và tin vào những lời kêu gọi cải cách to tát của ông Ôn Gia Bảo. Vì họ vẫn đang phải vất vả để vượt qua tường lửa để đến được với những con chữ như “dân chủ”, “Thiên An Môn”, “Liu Xiao Bo”,…Họ vẫn phải mạo hiểm đối mặt với nhà tù và sách nhiễu của chính những nhân viên công lực của ông Ôn Gia Bảo khi họ lên tiếng thay cho những nạn nhân của bất công, của HIV, của sữa có melamine, của động đất, của đường tàu cao tốc bị “rút ruột”.

Hay phải chăng tất cả giới tiến bộ Trung Quốc đều đã bị biến thành những người quá nghi kỵ, thận trọng đến mức không biết chào đón, khích lệ, cổ vũ những dấu hiệu thay đổi tiến bộ (thực sự?) trong tư duy của giới lãnh đạo? Họ đã quá ư thận trọng nên không theo kịp tốc độ cải cách của xã hội, của giới lãnh đạo? Họ đã thiếu tự tin? Khó ai có thể trả lời thấu đáo ngay cho những câu hỏi này. Nhưng, dù thế nào, quá thận trọng, thiếu tự tin hay cả tin và nóng vội đều là những điều không tốt cho cải cách.

Phạm Hồng Sơn
26/11/2011

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Vịnh Hạ Long, luật biểu tình, …và Hitler


Vịnh Hạ Long vừa được xếp (tạm thời) vào hạng bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới trong một cuộc bầu chọn mà những người nghiêm túc và yêu khoa học không thể tán thành. Nhưng nếu coi cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long” vừa qua như một phép thử để đánh giá khả năng huy động, khống chế dư luận của chính quyền và đánh giá mức độ tiến bộ về nhận thức xã hội của dân chúng thì có thể thấy chính quyền vẫn còn mạnh ở mức gần như có thể tuyệt đối áp đảo mọi ý kiến trái chiều và nhận thức xã hội đã có sự tiến bộ nhưng vẫn còn rất non yếu. Bằng chứng cho hai nhận định này là việc gần như toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng và các cơ quan đoàn thể, chính trị, xã hội, kinh doanh, nhiều nhân vật “thành đạt” về học vị, chính trị và kinh tế trong xã hội từ trung ương tới địa phương đều tích cực tham gia “bỏ phiếu” (nhắn tin) ủng hộ cho “bầu chọn vịnh Hạ Long”. Và nhận thức xã hội đã tiến bộ là nhiều người đã nhận ra ngay tính chất thiếu đứng đắn, phi khoa học của cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long”, đã công khai bày tỏ bức xúc, chỉ trích, phản đối. Nhưng số lượng những tiếng nói “chống” còn quá ít và yếu so với số “ủng hộ” và (đương nhiên) không thể ngăn chặn được một sự huy động sức lực vô cùng quí giá của xã hội cho một việc tuyệt đối không trung thực ở cấp độ quốc gia.

Vậy với một không gian xã hội rộng như thế, một số lượng người lớn, đa dạng và phức tạp như vậy mà những người cầm quyền vẫn còn lèo lái, khống chế, hướng được tư tưởng, suy nghĩ và hành động của đa số để ủng hộ một vấn đề kỳ cục như vậy thì trong các không gian hạn hẹp hơn, với số lượng người ít hơn nhiều và đã được chọn lọc kỹ như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Đồng Nhân dân, v.v thì khả năng khống chế tư tưởng, hành động của người cầm quyền chắc chắn cũng phải ít nhất, nói một cách hết sức thận trọng, là không thể kém hơn.

Như thế, với một chính quyền mà khả năng (và ý chí) khống chế tư tưởng, hành động của xã hội vẫn còn mạnh (vì còn kiểm soát gần như tuyệt đối các cơ quan thông tin, truyền thông, các lực lượng bảo vệ trật tự xã hội và pháp luật,…), cùng với một nhận thức tiến bộ nói chung của người dân vẫn còn ít (do bị chính quyền khống chế,...) và yếu (do rất thiếu các công cụ thể hiện như báo đài tư nhân hợp pháp, công khai,…) và hoàn toàn không có các phương tiện bảo vệ, hỗ trợ (tòa án, cảnh sát độc lập,…) thì mọi kết quả bầu chọn, đánh giá hay thậm chí cả trưng cầu dân ý (referendum) do chính quyền khởi xướng hay ủng hộ đều không thể tin cậy và (do đó) không nên trông chờ.

Vậy vấn đề đang “nóng” ở Quốc hội về việc tranh luận “nảy lửa” có nên đưa “Luật Biểu tình”, “Luật Hội” vào nghị trình của Quốc hội có xứng đáng được “nóng” lên trong dư luận như đang diễn ra hay không? Phải chăng đang có một chuyển đổi “dân chủ” thực sự trong Quốc hội? Hay đang có một ẩn ý nào muốn sắp đặt để hướng dư luận đến một hy vọng rằng cuối cùng Quốc hội cũng có một bước “tiến bộ” vượt bậc dám để cho các ý kiến đối lập được va chạm công khai, đáp ứng đúng khát khao đang muốn có thay đổi, muốn có “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” của nhiều người? Rồi có thể đa số của Quốc hội sẽ đưa vào nghị trình và thông qua các luật đó trong nay mai? Nhưng rồi thực tế sẽ cho thấy chính những “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” đó sẽ “trói”, “bắt” tất cả những ai muốn lập hội hay biểu tình thực sự? Tất nhiên, đến nay không ai có thể khẳng định “có” hay “không” cho những nghi vấn vừa nêu. Nhưng một khi ý kiến của các vị đại công thần còn bị hắt bỏ, những kiến nghị chính đáng của những người rất thân với Đảng còn không được hồi đáp hoặc người dân chỉ ngồi nói chuyện với nhau trong quán mà còn không được đảm bảo an toàn thì lấy gì để đảm bảo Đảng sẽ đồng ý cho Quốc hội thông qua những dự thảo luật đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu? Và nếu như Quốc hội sẽ thông qua được những luật tiến bộ như thế thì người dân sẽ có phương tiện gì để bắt người nhà nước phải tuân thủ? Trong tình cảnh ngay cả mẹ đẻ (hiến pháp hiện thời) còn bị người ta khinh rẻ trăm điều thì sao có thể kỳ vọng những đứa con (các bộ luật) hay các bà mẹ khác (hiến pháp mới hoặc tu chính) sẽ được người ta tôn trọng, yêu mến?

Có thể nhiều người vẫn cảm thấy vui mừng và tự hào với danh hiệu “Top 7 Wonders” vừa có cho vịnh Hạ Long. Nhưng một danh hiệu thiếu trung thực không thể mang lại một sự yêu mến, tôn trọng. Có thể nhiều người đang thực sự hồi hộp và nóng lòng muốn có luật biểu tình, luật hội hay hiến pháp mới. Nhưng việc có luật biểu tình, luật hội hay thậm chí có một bản hiến pháp với tinh thần và những điều khoản rất dân chủ nhưng không gian trao đổi vẫn bị giới hạn, luồng thông tin và sự phản biện vẫn bị theo rõi và bóp nghẹt thì đó vẫn chỉ là điềm báo của lừa gạt, tai ương hơn là thiện ý, hạnh phúc. Loài người đã phải trả giá nhiều cho những âm mưu, vấp váp, ngộ nhận như thế. Luật thành văn hay hiến pháp dân chủ chưa phải là phương thuốc thiết yếu để ngăn chặn hay chữa trị độc tài mà có thể chính chúng còn tạo ra những chỗ núp đẹp và kín hơn cho những ý đồ thâm độc, những hành động tàn ác với con người. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh những năm 1953-1959 và chính thể Third Reich của Adolf Hitler những năm 1933-1939 là những minh họa rõ ràng cho những bài học đau đớn đó của nhân loại.

Phạm Hồng Sơn
18/11/2011

Giáo xứ Thái Hà và khát khao công lý


Hà Nội chắc chắn sẽ chẳng có những không gian xanh quí hiếm giữa lòng Thủ đô như Vườn hoa Hàng Trống và Vườn hoa 1-6 như hiện nay, nếu không có những đêm dài thắp nến trong mưa gió, giá rét, nếu không có những ngày tù, những giọt mồ hôi và hơn cả mồ hôi của hàng ngàn người Công giáo vào những năm 2007, 2008 tại phố Nhà Chung và Thái Hà. Nhưng ban đầu chắc không có nhiều người (ngoài Công giáo) quan tâm hay ủng hộ những đêm thắp nến đó vì nghĩ rằng những giáo dân của giáo xứ Thái Hà và người Công giáo đấu tranh với chính quyền về vấn đề sở hữu đất đai, nhà cửa chỉ nhằm cho mục đích tín ngưỡng riêng của người Công giáo. Hoặc ngay cả khi nhìn thấy những khẩu hiệu “Công lý và Sự thật” được giơ lên từ những bàn tay của người Công giáo, chắc cũng không có nhiều người tin vào mục đích cao đẹp đó. Tuy nhiên, sự nghi kỵ, hẹp hòi đó (nếu có thực) cũng là điều thường tình trong các xã hội đã phải sống lâu dưới một chế độ luôn kêu gọi “đấu tranh giai cấp” và coi “tôn giáo là thuốc phiện”.

Nhưng ngay cả khi người Công giáo đấu tranh chỉ nhằm để bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi (chính đáng) cho người Công giáo thì sự đấu tranh đó cũng đã mặc nhiên đóng góp cho việc bảo vệ hay lập lại Công lý cho tất cả mọi người. Vì xã hội loài người sẽ không thể có Công lý nếu không có người dám đấu tranh cho sự công bằng của chính bản thân mình. Sự đạt được Công lý của người này chính là tiềm năng Công lý cho mỗi người khác.

Cuối tháng Mười vừa qua các linh mục, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà lại tiếp tục đề đạt nguyện vọng chính quyền phải trả lại cho Dòng Chúa Cứu thế (DCCT) Hà Nội một số bất động sản (tu viện và đất đai liên quan) đã bị Nhà nước “mượn”. Nhưng, đề đạt đó của Giáo xứ Thái Hà, cho đến nay, vẫn chỉ nhận được những phản hồi thiếu tích cực và rất thiếu văn minh từ phía chính quyền như “quần chúng tự phát”, ngày 03/11/2011, ùa vào nhà thờ Thái Hà với nhiều hành vi khiếm nhã, xúc phạm thánh thất, tu sĩ hay các bài viết, phóng sự thiếu trung thực, thiếu công bằng, nhân ái đối với Linh mục chánh xứ, tu sĩ và giáo dân Giáo xứ Thái Hà.
Dĩ nhiên trong một chế độ chính trị dù đã theo “kinh tế thị trường” nhưng vẫn còn kiên định “tiến lên CNXH” thì người cầm quyền vẫn chưa quen với những “yêu cầu, yêu sách” và khó chấp nhận phải trả lại tài sản “đã mượn” cho chủ sở hữu là dân thường hoặc tổ chức phi nhà nước. Nhưng chắc chắn tất cả những người cầm quyền hiện nay không bao giờ lại muốn người thân và con cái họ – những người đang là chủ sở hữu các bất động sản tại Mỹ, Pháp hay Thụy Sĩ, lại bị rơi vào tình cảnh của những cá nhân hay tổ chức như Giáo xứ Thái Hà hiện nay. Người ta có thể bất chấp Công lý khi có quyền hay quên mất phải đấu tranh mới có Công lý khi sống lâu trong kìm kẹp. Nhưng khát khao Công lý luôn thường trực trong mỗi con người.
Như vậy, hành trình đi tìm Công lý của Giáo xứ Thái Hà sẽ còn dài và có thể còn gặp nhiều hiểu lầm, khó khăn, khổ nạn. Nhưng chắc chắn hành trình đó không đơn độc. Vì Công lý đang là khát khao chung của mọi người Việt còn lương tri, dù là Công giáo, Phật giáo, cộng sản hay không cộng sản. Khát khao Công lý không chỉ là nhu cầu cá nhân mà còn đang là đòi hỏi bức thiết cho sự tồn vong của cả xã hội, dân tộc Việt. Như thế, đàn áp hay bất chấp Công lý vào lúc này chỉ làm cho khát khao Công lý càng khao khát, càng lan rộng và gắn kết thêm hơn.
Phạm Hồng Sơn

07/11/2011

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

HTV và Gaddafi


HTV (Đài phát thanh và Truyền hình Hà nội) và Gaddafi là hai cái tên quá hết sức khác biệt và cách xa nhau cả về địa lý lẫn bản chất. Nhưng cái chết thê thảm, nhưng ít thương cảm, của Gaddafi vừa qua và việc HTV đang bị kiện vì đã “vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng” một số công dân lại liên quan tới cùng một vấn đề, đó là tính Thượng tôn Pháp luật (rule of law).

Rõ ràng, nếu trong 42 năm cầm quyền, hoặc chỉ cần vài năm gần đây sau khi có những kêu gọi cải cách chính trị, Gaddafi thực tâm biết xây dựng cho Lybia có một nền chính trị lấy Thượng tôn Pháp luật làm nền, biết giúp cho xã hội cư xử với nhau bằng luật pháp (chứ không phải luật rừng), thì chắc chắn Gaddafi đã có thể về hưu hoặc ngồi tù một cách đàng hoàng êm ả hoặc chí ít Gaddfi cũng không phải trốn chui trốn lủi rồi cuối cùng (có thể) đã bị hành quyết vội vã hay chết vì những viên đạn từ những chiến binh đầy lòng hận thù (vì đã bị Gaddafi xử quá tệ) hoặc từ chính những tay súng (trung thành với Gaddafi) nhưng hoảng loạn trước làn sóng cách mạng đang cuốn tới. Đó là chuyện của Gaddafi, với cái kết rất buồn, là chuyện đã rồi.

Nhưng vụ kiện HTV là câu chuyện đang diễn tiến nếu không muốn nói là mới bắt đầu, dù một tòa án đã bác đơn kiện. Khi một số người dân viện đến công cụ pháp luật, mà không (hoặc không dám, hoặc chưa) viện đến những cách thức khác, để đòi hỏi một cơ quan, tổ chức phải công khai đối diện, phải có trách nhiệm với sự đúng, sai cho một vấn đề, một ẩn ức nào đó, thì đó là một tín hiệu không chỉ rất thiện chí, tiến bộ của những người dân khởi kiện mà còn là cơ hội rất tốt để những người có thẩm quyền tạo ra những thay đổi thực sự theo tinh thần Thượng tôn Pháp luật.

Dĩ nhiên, đã chấp nhận Thượng tôn Pháp luật thì cũng phải hiểu việc thua kiện bất kỳ ai (dù “bé nhỏ” đến mức nào) cũng là chuyện rất bình thường, nhưng lại hết sức tốt đẹp cho tương lai của chính người thua. Vì chính Pháp luật mới có thể giúp ta an tâm trong mọi tình huống hay “hạ cánh” thực sự an toàn khi hữu sự. Linh hồn (nếu có) của Gaddafi và người con trai Mutassim, chắc đã phải hiểu, chính Thượng tôn Pháp luật (rule of law) chứ không phải là hầm ngầm, cống ngầm, máy bay lên thẳng hay các đệ tử.

Phạm Hồng Sơn
22/10/2011

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Vài mảng tối trong di sản Võ Văn Kiệt



Như một tất yếu, đã là lãnh đạo cộng sản cao cấp thì gần như không có khiếm khuyết kể cả đức độ hay tài năng. Đó thường là sự đánh giá chính thống (thuộc nhà nước, các thành phần có cảm tình với nhà nước) trong các chế độ cộng sản. Nhưng đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo nổi bật trong thời kỳ “đổi mới” của Việt Nam, sự đánh giá một chiều kiểu đó dường như không chỉ giới hạn ở các cơ quan chính thống, quan điểm chính thống. Thiển nghĩ, mọi sự thiên lệch (dù ở phía nào) trong tư duy, đánh giá đều không có lợi cho tiến bộ. Việc nhận biết để thoát được xu hướng tư duy, đánh giá có hại đó là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại khi Việt Nam đang phải đau đớn chứng kiến những hậu quả hết sức tai hại, nan giải từ các ngộ nhận lịch sử (“Nước ta có vinh dự lớn là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa”[1], “Việt Nam-Trung Hoa vừa là đồng chí vừa là anh em”[2], v.v.). Bài viết sau đây nhằm mang lại một số cân bằng cho những đánh giá một chiều về di sản Võ Văn Kiệt đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gần đây.

Báo Người Việt mới đây đã thuật lại một tư liệu của WikiLeaks có nói đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tư liệu này đưa ra những thông tin phản ánh tầm nhìn, tầm ảnh hưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc hình thành nhân sự lãnh đạo quốc gia nối tiếp sau ông. Trong một trích dẫn, Người Việt viết: ““Một nguồn tin ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, cha của Nguyễn Tấn Dũng tử nạn vì bị Hoa Kỳ hay quân đội VNCH tấn công ngay giữa lúc đang họp với hai lãnh đạo của lực lượng nổi dậy lúc đó là Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt.”

Công điện giải thích:

“Vẫn theo nguồn tin này, cả Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt tin rằng họ nợ Dũng một món ‘ân oán’, và có bổn phận phải đền bù cho Dũng.
Ðó là lý do tại sao, dù có lập trường đối nghịch nhau, cả hai, Lê Ðức Anh thuộc thành phần bảo thủ, từng giữ chức chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997, và sau khi về hưu vẫn có rất nhiều thế lực; và Võ Văn Kiệt, cố Thủ Tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất, đều cùng tiếp tay hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của Dũng.”

Những thông tin kể trên của Người Việt (thuật lại WikiLeaks), dù chưa thể khẳng định hay bác bỏ, làm liên tưởng ngay đến câu chuyện cổ được học giả Phan Kế Bính chép lại trong tác phẩm Việt Nam Phong tục, xuất bản lần đầu năm 1915: “Quản trọng thuở hàn vi cùng với Bảo Thúc đi buôn, cứ chia lời thì Quản Trọng chiếm lấy phần hơn, vậy mà Bảo Thúc cũng không chê Quản Trọng là tham, vì biết Quản Trọng nghèo hơn. Đến khi Quản Trọng gặp nạn Công-Tử Cổ, Bảo Thúc cố sức giúp thoát nạn, lại dâng lên vua Tề Hoàn công để vua dùng làm tướng, mà mình lại chịu ở hàng dưới, Bảo Thúc cũng không lấy thế làm hiềm. Về sau Quản Trọng sắp mất, vua hỏi ai thay được ngôi mình, thì Quản Trọng tiến cử người khác, mà bác Bảo Thúc đi không tiến, Bảo Thúc lại càng phục chớ không dám giận. Ấy là vì Bảo Thúc biết cái tài Quản Trọng hơn mình nhiều, mà Quản Trọng thì một lòng vì nước, coi việc nước trọng hơn tình riêng anh em, cho nên Bảo Thúc càng sợ bụng công bình của Quản Trọng, mà Quản Trọng cũng càng phục cái lượng to của Bảo Thúc.”[3]

Còn đây là một thông tin khác cũng liên quan tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra năm 1995 khi ông Võ Văn Kiệt đương giữ chức Thủ tướng, trong đó tài liệu được coi là “bí mật nhà nước” là bức thư của đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho Bộ Chính trị đề ngày 09/08/1995. Nhưng, xét từ hình thức đến nội dung, bức thư đó không thuộc qui định tài liệu Tối mật của các qui phạm pháp luật đương thời (Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước, Qui chế Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 84/HĐBT ra ngày 9/3/1992). Bức thư vừa kể còn được phổ biến khá rộng rãi trong dân chúng vào trước khi xảy ra vụ án và chính ông Hoàng Hữu Nhân, cựu Bí thư thành ủy Hải Phòng, một cán bộ cộng sản lão thành, đã viết lên bản sao của bức thư đó rằng: “Chẳng có gì đáng gọi là “bí mật quốc gia”. Không đăng báo, phát thanh là một thiếu sót.” Những “bị cáo” nạn nhân trong vụ án đó là ông Lê Hồng Hà, Đại tá công an về hưu, ông Nguyễn Kiến Giang, cựu Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự thật và ông Nguyễn Xuân Tụ (tức Hà Sĩ Phu), Phó tiến sỹ sinh học, cựu Phó giám đốc Phân viện Khoa học Việt Nam tại Đà Lạt. Cả ba người đều bị kết tội với các án tù dài ngắn khác nhau vì bị cáo buộc rằng đã “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là bức thư kể trên. Vụ án đã gây nên nhiều bất bình, phẫn nộ nơi dư luận trong, ngoài nước. Nhiều cán bộ cộng sản lão thành cũng đã lên tiếng bênh vực hay vận động để ủng hộ các bị cáo. Nhưng đương kim Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoàn toàn im lặng. Bản thân ông Lê Hồng Hà, vào tháng 01/1998, sau khi ra tù, đã có đơn thư khiếu nại gửi tới các cơ quan tư pháp, tòa án và đồng kính gửi tới chính cá nhân cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó đang giữ chức Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN)) để đòi hỏi minh oan. Nhưng phản hồi cho lá đơn đó vẫn là sự im lặng, của những nơi, những cá nhân được gửi, từ đó cho tới tận hôm nay.

Vụ án vừa kể cũng làm gợi lại một câu chuyện khác được ghi ở ngay trong lịch sử Việt Nam cận đại. Quan Phụ chánh Đại thần Ngô Đình Khả của triều Nguyễn, năm 1907, lúc ông đương kim phụ chánh tại triều; vua Thành Thái có hành vi chống Pháp nên bị thực dân bày trò các đại thần triều đình kí thỉnh nguyện thư yêu cầu viện Cơ mật và Pháp truất quyền và đày vua Thành Thái sang Châu Phi, lấy cớ nhà vua bị bệnh tâm thần. Lúc đó tại triều, hầu hết các đại thần đều ký vào thỉnh nguyện thư đó. Riêng Ngô Đình Khả đứng lên phản đối, rồi sau đó bị giáng chức, cho về hưu trí không có hưu bổng. Năm 1913, Thượng thư Bộ công đương nhiệm Nguyễn Hữu Bài cũng phản đối việc Khâm sứ Mahé cho khai quật mả vua Tự Đức để vơ vét châu báu. Nhân dân sau đó đã ghi lại khí tiết hai vị quan vừa kể bằng câu ngạn ngữ: ”Đày vua không Khả, đào mả không Bài[4]. Còn chuyện sỹ phu thời phong kiến treo áo từ quan, rũ bỏ danh hoa, phú quí của triều chính thối nát để về quê sống đời bần đạo là những chuyện có nhiều trong lịch sử, không thể kể xiết.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn chính là người đã hạ bút ký vào một văn bản hết sức phản dân chủ: Nghị định 31/CP ban hành ngày 14/04/1997 cho phép giam giữ công dân ngay tại gia đình (quản chế tại địa phương) mà không cần xét xử, mở đường dễ dàng hơn cho những đợt trấn áp sau đó của ĐCS VN đối với những người thể hiện công khai chính kiến khác biệt. Có thể có người cho rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ là người phải chấp hành kỷ luật đảng hay nguyên tắc “tập trung dân chủ” của ĐCS VN khi hạ bút ký vào văn bản phản dân chủ đó. Nhưng nếu vậy, ai có thể trả lời được cho câu hỏi: trách nhiệm cá nhân, nhân cách cá nhân của một con người ở đâu?

Tuy nhiên, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một lãnh đạo cộng sản Việt Nam vào hàng cao cấp nhất khi về hưu đã biểu lộ một số tiến bộ vượt hẳn lên so với bản thân ông trước đó và đảng của ông. Ông đã dám bày tỏ công khai những quan điểm khác với đường lối chung của ĐCS VN về một số vấn đề như cách nhìn nhận về chế độ Việt Nam Cộng hòa hay người có chính kiến khác biệt. Hoặc ngay khi đương chức ông đã quan tâm, trân trọng, lắng nghe một số trí thức, văn nghệ sỹ, kể cả những người đã ở “phía bên kia”, hoặc ông đã góp phần đưa đến những quốc sách kinh tế thuận lợi cho tiến bộ xã hội. Thậm chí có thể, như một số người đánh giá, ông là một lãnh đạo cộng sản “đã để lại nhiều dấu ấn trên khắp miền đất nước”, khi “mất đi thì bỗng để lại một khoảng trống mênh mông”. Nhưng, nếu chỉ đánh giá một chiều ưu điểm hay ca ngợi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như một lãnh đạo mẫu mực của cải cách, của nhân phẩm, dù chỉ với dụng tâm làm chỗ dựa cho những vận động cải cách khác, thì không chỉ gây ngộ nhận cho dư luận mà còn rất dễ mắc ngay phải những rào cản tiến bộ mà những kẻ cầm quyền độc tài luôn muốn tạo ra hay những kẻ láu cá, cơ hội rất thích bám vào. Vì sự im lặng trước bất công để bảo thân, hưởng lợi khi đương quyền sẽ rất ung dung khi nghĩ rằng dư luận vẫn trông ngóng một sự nhẫn nhục thâm sâu để chờ thời. Những kiểu lên tiếng nửa vời khi lợi lộc đã tràn đầy lúc hưu trí sẽ rất tự đắc khi tin rằng dư luận không thể phân biệt được với những thức tỉnh lương tâm thực sự vào lúc cuối đời. Cũng không phải ngẫu nhiên mà truyền thông nhà nước hiện nay vẫn dành nhiều nguồn lực để tô điểm cho hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vẫn có nhiều sách tôn vinh công lao bác “Sáu Dân” được xuất bản. Nhưng nếu cũng chỉ nghe, xem và đọc những gì do truyền thông nhà nước nói đến thì khó có thể tin rằng trên đời này còn có những lãnh đạo cộng sản khác có những cái tên như Trần Xuân Bách, Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay Nguyễn Hộ.

Tuy vậy, sẽ là không tưởng nếu đòi hỏi một người, đã đi theo cộng sản từ nhỏ rồi lại phấn đấu tới hàng ngũ lãnh đạo cao nhất trong đảng cộng sản, phải biết đến những thiết chế dân chủ có khả năng kiềm chế quyền lực, có sức mạnh làm chùn mọi ý đồ thâu tóm quyền lực hay phải có những ý tưởng, những hành động cải cách bài bản và rõ ràng theo mô hình dân chủ. Nhưng, người cộng sản hay bất kỳ con người nào khác, dù chưa biết gì về dân chủ, cũng vẫn có thể góp phần duy trì hay đặt lại được những nền móng cơ bản cho một xã hội tử tế hay một xã hội dân chủ trong tương lai. Đó là tập quán không im lặng trước bất công, trước cái ác và ý thức trách nhiệm xã hội - biết đặt công lợi hơn tư lợi, dám đặt tình chung với nước lên trên tình riêng với gia tộc, bạn hữu, đảng phái ngay khi cần và lúc bản thân con người có khả năng gây ảnh hưởng nhất. Bảo Thúc, Quản Trọng, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài đã là những người như thế dù họ không phải là những người thuộc thời đại dân chủ hay cộng hòa. Đáng tiếc, trong di sản của Võ Văn Kiệt không có những mảng sáng như thế. Có thể việc đánh giá này là quá khắt khe trong bối cảnh khắc nghiệt của chính thể Việt Nam dưới sự thống trị độc tôn của đảng cộng sản. Nhưng người xưa đã nói: Nước loạn mới biết tôi trung.

Tuy thế, cũng cần phải nhận thấy các mảng tối trong di sản Võ Văn Kiệt nói đến ở đây (đặt tình riêng với đảng, với đồng đội, thân hữu lên trên tình chung với tổ quốc, dân tộc, xã hội; im lặng làm ngơ hay tiếp tay cho sai trái, bất công khi đương chức) không phải là cá biệt trong hệ thống chính trị (cộng sản) ở Việt Nam (cũng như ở các nước cộng sản khác). Có những lãnh đạo cộng sản cao cấp khác, được Nhà nước đánh giá “vĩ đại” hơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều, nhưng những mảng tối tương tự trong di sản của họ còn tệ hơn nữa. Vậy phải chăng chế độ chính trị do những người cộng sản dựng nên đã không chỉ kìm hãm, gây hại cho tiến bộ chung của dân tộc, nhân loại mà còn cầm tù, hủy hoại cả nhân cách, tài năng của những cá nhân lãnh đạo cộng sản tử tế nhất? Vấn đề này xin được bàn ở một dịp khác.

Phạm Hồng Sơn
27/09/2011


[1] Trích lời phát biểu của Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa III, 1965. Hồ Chí Minh, Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà nội, 1980. Tr.370.
[2] Quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: “Việt Nam-Trung Hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em”
[3] Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nxb Bút Việt, 02/1975, Tr. 245-246.
[4] Nguyễn Q.Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn Hóa, 1997, Tr.1216; Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài 1863-1935

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Nói thêm về tiểu thuyết “The Beauty of Humanity Movement”


“The Beauty of Humanity Movement” là cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn, người Canada, Camilla Gibb, do Doubleday Canada xuất bản lần đầu tháng 09/2010 và vừa tái bản tại Mỹ và Anh đầu năm 2011. Tiểu thuyết này đã được BBC tiếng Việt giới thiệu, nhưng sau khi trực tiếp đọc cuốn truyện tôi thấy những gì BBC giới thiệu chưa đủ nói lên được những điều quan trọng cuốn truyện muốn truyền tải tới bạn đọc – những điều, theo đánh giá của cá nhân tôi, đang rất cần cho sự phát triển của Việt Nam. Vậy xin giới thiệu và chia sẻ thêm với độc giả.

Trung tâm của cuốn tiểu thuyết “The Beauty of Humanity Movement” (tạm dịch: Vẻ đẹp của Phong trào Nhân văn) xoay quanh một ông già bán phở rong tại Hà Nội có biệt tài trong cách chế biến nước dùng phở vào thời điểm khoảng năm 2007. Nhưng câu chuyện sẽ dẫn ta qua một quãng thời gian trải dài từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước, qua các thời kỳ “cải cách ruộng đất”, “bao cấp”, qua “đổi mới” và tới tận sát thời điểm cuốn sách được xuất bản. Ông già Hưng bán phở rong chính là một nhân chứng, một người bạn, một người học trò và là ân nhân của một nhóm thực khách quen thuộc ở quán phở của ông tại Hà Nội vào những năm 1950. Những thực khách quen xa xưa đó là những họa sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng không chấp nhận sự chỉ đạo, áp đặt, nô dịch về suy nghĩ, sáng tác của chế độ mới hình thành trên miền Bắc Việt Nam sau cuộc “cách mạng” do những người cộng sản lãnh đạo. Nhân vật thứ hai là một cô gái Việt kiều người Mỹ, có tên Maggie Lý, trở lại Việt Nam để tìm lại bố, đúng hơn là đi tìm lại quá khứ và hình ảnh của người bố đã bị mất liên lạc với mẹ con cô, khi cô (lúc đó mới vài tuổi) và mẹ vội vã lên máy bay sang Mỹ trong những giây phút hỗn loạn của thời khắc 30/04/1975. Một trong những điều thôi thúc Maggie Lý đi tìm lại quá khứ của bố mình là ký ức tuổi thơ của cô về những ngón tay cong queo như những móng chim của bố cố quặp chiếc bút để vẽ cho cô những bức tranh. Bố của Maggie Lý chính là một cộng tác viên của phong trào “Nhân văn”, ông đã trốn thoát vào Nam và sau đó bị kẹt lại Sài gòn trong những giây phút định mệnh cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, rồi mất tích. Gặp nhiều trắc trở và có nhiều lúc Maggie Lý định bỏ cuộc, không chỉ vì thấy vô vọng mà cô còn phát hiện ra bố cô chỉ là một trong số hàng triệu nạn nhân của chế độ mà bố cô đã phải chạy trốn và bố cô cũng chưa phải là nạn nhân bất hạnh nhất. Cuối cùng, Maggie Lý đã xác định lại được đúng lịch sử của bố mình, một họa sỹ không khuất phục bạo quyền đã bị “người ta” cố tình loại bỏ khỏi nghề nghiệp (bằng những viên gạch đập lên các ngón tay cho đến nát) và tẩy đi mọi dấu vết đã hiện diện trên đời dù là nhỏ nhất (như cái tên sinh viên trong hồ sơ lưu trữ của một trường mỹ thuật). Từ hai nhân vật chính này độc giả sẽ gặp thêm nhiều nhân vật với những tính cách, quá khứ, quan niệm, trăn trở khác nhau về cuộc sống, xã hội thuộc nhiều thời kỳ của Việt Nam, từ thời “xếp hàng cả ngày để mong mua được vài miếng thịt tiêu chuẩn rồi cuối cùng được trả lời là “hôm nay không có thịt” “, thời của những thanh niên đắm đuối với Việt Nam Idol, hay những nhân vật, những cái tên chỉ xuất hiện thoáng qua cũng đủ gợi lên những suy nghĩ trái ngược hay làm nhớ đến những biến cố, biến chuyển lớn, phức tạp của Việt Nam trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Nhưng “The Beauty of Humanity Movement” không chỉ làm nổi lên sự bi tráng, bi kịch của “Nhân văn-Giai phẩm” hay những nhẫn tâm, ác độc, xảo quyệt trong việc dập tắt khát vọng tự do của giới nghệ sỹ, trí thức. Với cách tiếp cận đa diện về chính trị, kinh tế[1], văn hóa, lịch sử, truyền thống, “The Beauty of Humanity Movement” còn làm bật lên những thiếu hụt nhận thức có tính nền tảng cho một Việt Nam dân chủ như sự nhận thức đúng về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm (responsible capitalism), hòa giải, hòa hợp giữa người Việt Nam với nhau hay việc hiểu được đúng hậu quả mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh…

Khi gập cuốn truyện lại, lúc không còn trang nào để lật nữa, độc giả Việt Nam vẫn có thể phải vấn vương mãi trong đầu nhiều điều mà các nhân vật hay người kể chuyện đã nói đến hay gợi ra. Ta đã hiểu đúng về tự do ngôn luận chưa nếu ta không muốn để người khác được nói ra điều mà ta cho là lố lăng, là có hại cho xã hội? Đất nước có “đứng lên” (emerging) được không, có chống được cái ác không, nếu ai cũng chỉ coi gia đình mình là quan trọng nhất? Phải chăng sự trì trệ, lạc hậu trong chính suy nghĩ của ta là nguyên nhân của những bất công, ngang trái ngoài xã hội? Tư lợi (self-interest) có luôn luôn là điều xấu như ta vẫn nghĩ? Một đất nước sẽ ra sao khi nó tự xóa đi lịch sử của mình, xóa đi hết thảy những gì trái ngược với Đảng? v.v.

Có thể nhiều nhà văn Việt Nam cũng để ý, trăn trở tới những vấn đề tương tự kể trên, nhưng để có một tác phẩm văn học Việt nêu lên được những vấn đề như thế, đến nay, vẫn không phải là điều dễ dàng. Vì vậy “The Beauty of Humanity Movement” là một tác phẩm văn học không chỉ hữu ích cho người Việt Nam mà còn rất xứng đáng được người Việt Nam trân trọng, cảm ơn. Chỉ tiếc rằng “The Beauty of Humanity Movement” chưa được dịch sang tiếng Việt và nếu có được dịch cũng chưa thể xuất bản một cách hợp pháp tại Việt Nam.

Phạm Hồng Sơn
18/09/2011


[1] Chữ “kinh tế” này bổ sung sau khi đã gửi đăng trên các trang mạng

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Đảng CS VN sập bẫy trong các cuộc biểu tình chống bá quyền Trung Quốc?

Một đặc tính chung của mọi kẻ cầm quyền, dù là dân chủ hay độc tài, là đều không thích thú lắm với những hoạt động độc lập (tự phát, tự tổ chức) của dân chúng, vì những hoạt động độc lập của dân chúng thường có xu hướng phân ly với ý muốn của kẻ cầm quyền. Điều khác chỉ là trong chính thể dân chủ, kẻ cầm quyền buộc phải tôn trọng mọi việc làm của dân chúng khi pháp luật không cấm (kể cả biểu tình phản đối chính phủ), hoặc nếu biết khôn khéo thì tỏ ra hoan nghênh hoặc nếu khôn ngoan thực sự thì biết quan sát, lắng nghe để áp dụng, phối hợp những gợi ý, xu hướng có lợi cho chính sách cầm quyền từ mọi hoạt động độc lập của dân chúng. Việc cấm cản những việc làm mà pháp luật không cấm là sự tự sát chính trị và có thể bị truy tố đối với kẻ cầm quyền trong chính thể dân chủ.

Cũng có một đặc điểm chung gần như phổ quát từ trước đến nay cho mọi chính thể độc tài hay dân chủ là không kẻ cầm quyền nào lại đi xúc xiểm, trấn áp người thể hiện lòng yêu nước khi chủ quyền quốc gia bị xâm lấn hay quốc thể bị sỉ nhục. Các chính đảng, các chính trị gia luôn coi việc ủng hộ tình cảm yêu nước, các phong trào quần chúng yêu nước là những cơ hội quí để có được cảm tình, lấy thêm sự ủng hộ của cử tri cho bản thân và chính đảng của mình. Ngay việc lãnh đạo của một quốc gia viếng thăm một ngôi đền “nhạy cảm”, đi tới một hòn đảo đang tranh cãi hay chỉ là một thay đổi nhỏ trong sách giáo khoa lịch sử của một quốc gia này cũng có thể gây ra những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ và tạo ra cơ hội hiếm quí cho các chính trị gia muốn có thêm uy tín ở các quốc gia khác.

Rất đáng tiếc ở Việt Nam hiện nay các chính trị gia của ĐCS VN dường như lại không sử xự đúng như thế. Nếu như Việt Nam đã có một hệ thống chính trị dân chủ chấp nhận sự tồn tại của các đảng khác, bên cạnh sự tồn tại của ĐCS VN, thì chắc chắn những sự kiện xúc xiểm, sách nhiễu, đạp mặt, bắt bớ người biểu tình phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc vừa qua đã đem lại rất nhiều cơ hội gia tăng uy tín cho các đảng chính trị khác. Đáng tiếc, tại Việt Nam lại chưa có đảng nào ngoài ĐCS VN được phép hoạt động nên các cơ hội đó đều bị bỏ trống. Nhưng điều đáng tiếc hơn nữa là ĐCS VN, đảng duy nhất hiện có mặt trên chính trường, lại không những không tận dụng được cơ hội đó mà còn đang đi theo chiều ngược lại và ngược lại với cả ngọn cờ “độc lập dân tộc” mà ĐCS VN đã từng phất cao để giành quyền lực. Thật quá khó hiểu cho ĐCS VN hiện nay! Có đảng cầm quyền nào, có kẻ cầm quyền nào, có tên bạo chúa nào lại không muốn có thêm cảm tình, tin cậy của dân chúng?

Hay ĐCS VN đã quá mất tự tin đến nỗi cứ cho rằng những người biểu tình chống âm mưu thôn tính, đồng hóa đang ngày càng tỏ ra trắng trợn của Trung Quốc đã bị một thế lực nào đó xúi giục, mua chuộc, ép buộc? Cũng có thể. Nhưng ngay cả ĐCS VN với vị thế đang toàn quyền, cùng với một hệ thống trấn áp khổng lồ (cảnh sát, dùi cui, nhà tù,…) kèm theo một nguồn lực gần như bất tận về vật chất và truyền thông mà còn không khuất phục, mua chuộc được những cô gái trẻ, những phụ nữ chân yếu tay mềm thì sao lại có thể cho rằng một thế lực khác có thể thành công đối với chính những con người đó?

Phải chăng những phụ nữ trung trinh, những đàn ông trẻ trung hay thâm trầm, đầy tri thức đó lại lú lẫn đến mức dám đánh đổi cả tương lai đang tràn trề, hạnh phúc gia đình đang tràn đầy hay đời sống vật chất đang thành đạt, viên mãn để đổi lấy những giá trị ảo, những lời dụ khị hão huyền nào đó? Cũng có thể, nhưng nếu họ thực là những người kém cỏi và tầm thường như vậy thì “hồn vía” của họ sao còn giữ được khi phải trực tiếp nếm mùi hay nghe kể lại những "hang ổ mafia" trong Hỏa Lò hay các nhà tạm giữ cấp quận, huyện? Nói gì đến việc họ lại vẫn bình thản chia sẻ, thương yêu, gắn bó với nhau hơn sau những ngày bị sỉ nhục, giam cầm.

Những tưởng sau cuộc đối thoại lịch sự bất ngờ ngày 27/08/2011 giữa một số người tham gia và ủng hộ biểu tình với cơ quan công quyền thành phố Hà Nội (do ĐCS VN lãnh đạo), chính quyền sẽ đối xử thật trọng vọng với những người biểu tình chống mộng bá quyền Trung Quốc và sẽ tỏ ra hối hận, nhanh chóng chủ động khắc phục mọi sai lầm trong việc đối xử trước đây với người biểu tình. Nhưng hết sức khó hiểu, người biểu tình vẫn bị hắt hủi, nghi kỵ và thù ghét. Ngay cả yêu cầu rất chính đáng và thiện chí từ những người biểu tình có uy tín (yêu cầu Đài phát thanh, Truyền hình Hà Nội phải cải chính và xin lỗi cho những bình luận sai trái, vu khống, xúc phạm toàn thể người biểu tình) cũng đã bị bất chấp, khinh thường hay việc gặp gỡ, chia sẻ của những người đã từng tham gia biểu tình với nhau cũng luôn bị các lực lượng công lực của ĐCS VN dò xét, phá rối, xúc phạm thô bạo.

Phải chăng ĐCS VN đang bị sa vào bẫy của một tổ chức hay một thế lực nào đó muốn phá đi nốt những gì là uy tín, trông mong vào ĐCS VN vẫn còn sót lại đâu đó trong dân chúng? Hay quyền lực tuyệt đối thì không chỉ tha hóa tuyệt đối mà còn u muội tuyệt đối (absolute power, absolute ignorance)?

Phạm Hồng Sơn
07/09/2011

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Hậu ý cuộc bắt giữ ngày 21/08/2011


Hồi còn học phổ thông và cả khi học đại học, khi học về giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ 1956-1975, chúng tôi luôn được dạy rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là của những kẻ “ngụy quyền bán nước”, hoặc “quân tay sai, bán nước” cho “kẻ xâm lược Mỹ”. Nhiều hình ảnh và phim ảnh minh họa cho các bài học đó bao giờ cũng có những cuộc biểu tình, tuần hành nườm nượp người đi ngay giữa các đường phố của thủ đô Hà Nội mến yêu, với những khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to: “Đả đảo bè lũ tay sai bán nước”, “Đả đảo quân xâm lược”. Nhưng sau này khi tự tìm hiểu thêm thì chúng tôi không thấy một tư liệu hay một nguồn tin nào cho thấy Việt Nam Cộng Hòa “quân tay sai bán nước” đã ký hiệp định hay đàm phán gì với Mỹ hay với bất kỳ quốc gia nào dẫn đến để mất lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Ngược lại, các tư liệu còn cho thấy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn thể hiện một lập trường dứt khoát, cương quyết trong việc phản đối và bảo vệ Hoàng Sa khi Trung Quốc cộng sản của Mao Trạch Đông tấn công chiếm Hoàng Sa năm 1974. Thời còn sinh viên non nớt đó nhiều đứa chúng tôi, những người có bà con sống ở miền Nam trước 1975, cũng thấy một điều rất lạ là “ngụy quyền bán nước” không bao giờ để ảnh của tổng thống Mỹ được treo cạnh ảnh của tổng thống “ngụy quyền” trong các công sở. Đó là vài chuyện vụn vặt của khoảng vài chục và nhiều năm về trước.

Từ đầu tháng Sáu năm 2011 đến nay, ở giữa thủ đô Hà Nội cũng có các cuộc biểu tình với nhiều khẩu hiệu, băng-đơ-rôn rất to, với thiết kế, màu sắc rất bắt mắt, ấn tượng để phản đối, đả đảo quân xâm lược Trung Quốc, nhưng tuyệt không có một chữ nào nói đến từ “bán nước” hay “đả đảo bè lũ tay sai bán nước”. Thậm chí còn có nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ ca ngợi, trích dẫn lời nói, hình ảnh của các vị lãnh tụ, lãnh đạo của nhà nước, của chế độ hiện nay- một nhà nước, một chế độ đã có những công hàm đặc biệt như Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, có những hiệp định đặc biệt với Trung Quốc như Hiệp ước Biên giới năm 1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000, có những so sánh hình tượng bất hủ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là “Mối tình thắm thiết đơm hoa vừa là đồng chí, vừa là anh em” và biết bao những thỏa thuận đặc biệt khác với Trung Quốc mà nhiều lão thành cách mạng cũng đã phải lên tiếng đòi bạch hóa hay phản đối.

Chúng tôi thầm nghĩ phải chăng những người biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc vừa qua lại mắc sai lầm, ấu trĩ như thời trước, chỉ có khác là ngày trước nhiều người đã đả đảo lầm người yêu nước là kẻ bán nước, còn nay thì ngược lại, quên mất kẻ bán nước?

Đó là điều rất có thể vì con người là một thực thể có khả năng mắc sai lầm (fallible creature). Nhưng cũng rất có thể chính chúng tôi lại mới là kẻ sai lầm, cứ đinh ninh rằng những người cầm quyền rất yêu nước của chế độ này là kẻ bán nước hoặc là kẻ đồng lõa với quân Trung Quốc xâm lược. Nhưng liệu những người tham gia, trợ giúp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vào ngày hôm qua (21/08/2011) vẫn đang bị giam cầm ở Hỏa Lò (hay ở Mỹ Đình) và những gia đình của họ, những người ủng hộ, yêu mến, kính trọng họ có đồng ý rằng chúng tôi là kẻ sai lầm như vậy hay không? Chắc phải chờ đến lúc tất cả những người biểu tình yêu nước đó bước chân ra khỏi nhà tù thì mới biết được.

Phạm Hồng Sơn
21:30 22/08/2011

Vài phản biện về bài “Thoát Trung Luận”

Vài phản biện về bài “Thoát Trung Luận”

Cách đây ít hôm một bài viết có nhan đề “Thoát Trung Luận” của tác giả Giáp Văn Dương đã được đăng tải trên nhiều trang mạng phi nhà nước. Tác giả Giáp Văn Dương đã đề cập đến một vấn đề không chỉ có tính thời sự mà còn có tính chiến lược cho sự phát triển của đất nước Việt Nam: “Cần thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc!” Như tác giả nhận định, quan điểm vừa nêu phần lớn mới chỉ được nhiều người thể hiện ở mức “trực giác”, chưa có tính “hệ thống” hay “mạch lạc”. Tiếp theo, tác giả trình bày cơ sở lý luận của mình cho quan điểm “Thoát Trung” đó, có thể tóm tắt làm hai ý chính: phần 1: tác giả chứng minh “Thoát Trung” đã là ý muốn của tổ tiên ta từ xa xưa; phần 2: tác giả mô tả sự phụ thuộc, rập khuôn tai hại hiện nay của Việt Nam vào Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực và cuối cùng tác giả đưa ra lời kêu gọi “Thoát Trung hay là chết” như tổ tiên đã ra lệnh.

Tuy nhiên toàn bộ bài viết “Thoát Trung Luận” của Giáp Văn Dương vẫn cho thấy tác giả chủ yếu dựa vào sự nhiệt huyết dân tộc và cảm tình với tổ quốc để chứng minh cho một quan điểm hơn là dựa vào các cứ liệu hay tư duy hệ thống. Sau đây là vài điểm minh họa cho nhận định này:

- Giáp Văn Dương viết: “Khi còn nhỏ, tôi đã từng ngạc nhiên khi đọc bài hịch của vua Quang Trung khích lệ tướng sĩ trước khi ra trận: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen…”. Tôi đã tự hỏi, vì sao nhà Vua không chọn những biểu tượng lớn lao hơn mà lại chọn những điều nhỏ nhặt như vậy để động viên quân sĩ ? Nhưng càng ngày tôi càng thấm thía : Đó là lòng kiên định của tổ tiên nhằm thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa Trung Hoa, ngay từ những việc nhỏ nhất.”

*Việc chỉ căn cứ vào lời nói của một ông vua trong cả một lịch sử hàng ngàn năm để kết luận đó là “lòng kiên định của tổ tiên” thì đó là một suy diễn quá xa và yếu ớt trong nghiên cứu lịch sử. Hơn nữa một “nền văn hóa” không chỉ thể hiện hay kết tụ ở kiểu tóc hay màu răng. Dĩ nhiên chữ “tóc” và “răng” trong lời hiệu triệu của Quang Trung có thể chỉ có tính biểu tượng nhưng nếu ta quá câu nệ vào đó thì sẽ dễ làm cho chúng ta quên mất cái hệ lụy quan trọng nhất của một sự ảnh hưởng của văn hóa không phải là những thứ hữu hình mà là những giá trị vô hình – cách tư duy.

- Giáp Văn Dương viết tiếp phần trên: “Ý thức vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này là thường trực. Tuy nhiều lúc bị chao đảo bởi sự tấn công mạnh mẽ đến từ phương Bắc, nhưng mỗi khi cần đến thì ý thức vùng thoát này lại bùng lên dữ dội.”

*Ở đây tác giả lại tiếp tục suy diễn quá xa theo kiểu khẳng định đồng nhất ý muốn của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhìn vào trường lịch sử của Việt Nam thì đúng ra là mọi triều đại phong kiến Việt Nam chỉ thường trực ý thức cảnh giác với ý đồ xâm lược từ phương Bắc. Và thường mỗi khi bị phương Bắc xâm lược thì các triều đại phong kiến Việt Nam có phản ứng chống lại một bộ phận văn hóa phương Bắc như một biện pháp tuyên truyền để cổ xúy tinh thần chống ngoại xâm hơn là ý thức thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc một cách cơ bản. Một bằng cớ rõ ràng là Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử - một biểu tượng và là một trong những tác giả lớn của nền văn hóa Trung Quốc) vẫn luôn được bảo vệ và tôn tạo từ đời Lý Thánh Tông trở về sau.

- Tiếp theo Giáp Văn Dương đưa ra thêm một số cứ liệu minh chứng cho tinh thần “Thoát Trung” của tổ tiên chúng ta như vấn đề chữ viết, tên nước:

+ “Nỗ lực xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc như chữ Nôm của cha ông.” (Giáp Văn Dương)

*Thực ra chữ Nôm cũng chỉ là một phó bản kém của chữ Hán. Vấn đề “Thoát Trung” điều quan trọng không phải là từ bỏ một cách manh mún những sản phẩm hay công cụ văn hóa của Trung Quốc mà phải là nhận ra những điểm yếu, lạc hậu, cản trở của nền văn hóa đó đối với sự phát triển và phải xây hoặc tìm lấy được những giá trị văn hóa tiến bộ hơn.

+ “, và gần đây nhất là việc toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này.” (Giáp Văn Dương)

*Thực tế đây chỉ là một phản ứng thụ động của sự biến đổi do những người ở phương Tây đem lại và nếu là ý thức chủ động thoát khỏi phương Bắc thì cũng chỉ của một bộ phận nhỏ của sĩ phu đương thời (đã có tiếp cận với văn hóa phương Tây) mà thôi.

+ “Riêng với việc chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, có thể nói, đây là một cuộc thoát Trung ngoạn mục.” (Giáp Văn Dương)

*Chữ quốc ngữ chỉ là một yếu tố, một điều kiện thuận lợi cho việc rời xa văn hóa Trung Quốc mà thôi. Thực tế đã cho thấy hai Việt Nam (Bắc và Nam từ 1954-1975) cùng sử dụng chữ quốc ngữ nhưng miền Bắc lại gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.

+ “Thành quả của nó thật đáng nể: Số người biết đọc biết viết tăng lên gấp bội, số lượng văn bản sử dụng chữ quốc ngữ chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp nhiều lần so với số văn bản chữ Nho của toàn bộ lịch sử nước ta trước đó.” (Giáp Văn Dương)

*Điều này lẽ ra phải ghi nhận cho tính chất dễ sử dụng, dễ truyền bá của chữ quốc ngữ hơn là ý thức thoát Trung của người Việt.

+ “Cũng chính nhờ chữ quốc ngữ mà về mặt hình thức, ngôn ngữ của chúng ta đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiếng Hán. Tỷ như đến giờ phút này, nước Việt ta vẫn dùng chữ Nho để viết và giao tiếp với thế giới, thì đối với họ, ta có khác nào một quận huyện của Trung Quốc ? Ta sẽ gặp khó trong việc thuyết phục họ rằng, ta là một quốc gia độc lập, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.” (Giáp Văn Dương)

*Nhật bản và Hàn quốc, thậm chí Đài Loan cũng vẫn sử dụng chữ viết tương tự hay đúng như của Trung Quốc nhưng đâu có trở thành quận huyện của Trung Quốc và họ cũng đâu có gặp khó khăn trong việc xác định sự độc lập với Trung Quốc vì vấn đề chữ viết hay văn hóa có nhiều điểm giống Trung Quốc.

+ “Tên gọi của nước ta cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi cái tên đều là một lời nhắn nhủ hoặc một mong đợi sâu thẳm. Ông cha ta đã chọn hai chữ Việt Nam để đặt làm tên nước.” (Giáp Văn Dương)

*Tác giả đã quên mất cứ liệu lịch sử rằng thoạt kỳ thủy vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) đề nghị với vua triều Thanh của Trung Quốc cho nước ta lấy tên là Nam Việt. Nhưng vua Trung Quốc lúc đó vì sợ chữ Nam Việt gợi lại lịch sử trước đây nước Nam Việt (thời Triệu Đà) gồm cả đất Lưỡng Quảng nên chỉ chuẩn thuận cho tên nước ta là Việt Nam.

+ “Việt Nam có nghĩa là tiến về phương Nam. Điều này có nghĩa là gì? Chỉ có thể cắt nghĩa : Tiến về phương Nam để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Đó là di lệnh của tổ tiên cho các thế hệ con cháu người Việt Nam mình.” (Giáp Văn Dương)

*Đây lại là một suy diễn quá xa và liều lĩnh.

- Giáp Văn Dương nhận định: “ Nhưng điều không may cho chúng ta là nền văn hóa Trung Hoa có sức ảnh hưởng quá lớn. Nó như một đại nam châm hút các dân tộc xung quanh về phía mình. Nên dù luôn có ý thức vùng thoát khỏi ảnh hưởng của người Trung Quốc, dù đã được cha ông di lệnh kỹ càng, thì lịch sử của Việt Nam luôn là sự giằng xé giữa hai luồng vận động: Vùng thoát khỏi Trung Quốc và chầu về Trung Quốc.”

*Tác giả tiếp tục dường như quên mất Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Bắc Triều Tiên và Đài Loan cũng là các “dân tộc xung quanh” nhưng gần như tất cả đã không chỉ “Thoát Trung” mà còn vượt hơn cả Trung. Tác giả có lẽ cũng đã quên mất một nửa nước Việt dưới vĩ tuyến 17 từ 1954-1975 đã hoàn toàn thoát khỏi Trung Quốc. Và tác giả dường như cố tình quên yếu tố Đảng Cộng sản Việt Nam/Hồ Chí Minh trong vấn đề phụ thuộc Trung Quốc của Bắc Việt Nam từ 1950-1975 và của toàn Việt Nam gần như toàn bộ giai đoạn tiếp theo từ 1975 đến nay.

- Trong phần 2, Giáp Văn Dương chủ yếu liệt kê và mô tả thực trạng đất nước Việt Nam hiện nay bị thâm nhập, lệ thuộc vào Trung Quốc ở hầu khắp các lĩnh vực (văn hóa, kinh tế, chính trị,…), cùng với thể hiện một cảm xúc chua xót, đau buồn là chính, hơn là phân tích để vạch ra nguyên nhân sâu xa và cơ bản của thực trạng đó. Ví dụ, tác giả viết: “Xin hỏi : Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì ? Có phải là bởi đất đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không ? Chắc hẳn là không. Người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Nay văn hóa của ta đang bị áp đảo mà dân ta lại vui vẻ cổ vũ chấp thuận, thì khác nào tay ta đã yếu, mắt ta đã chậm mà ta lại tự mua dây về bịt mắt trói tay mình ?”

*Có lẽ tác giả không nhận thấy hoặc không chỉ ra một nguyên nhân chính của thực trạng này chính là chính sách độc quyền về giáo dục, truyền thông của nhà nước hiện nay.

Hay Giáp Văn Dương nhận định chính xác rằng: “những thói hư tật xấu này đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức của ta quá thể. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang thành tích, thói hành dân, nịnh trên lừa dưới, tệ chạy chức chạy quyền… đã thành phổ biến, nên không còn cách nào khác là phải dứt bỏ để học những giá trị tiến bộ của phương Tây như dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người.”

*Nhưng lẽ ra tác giả cần phải đề cập thêm một vấn nạn nguy hiểm là đã có nhiều người đang cố gắng truyền bá, cổ xúy những tư tưởng, giá trị tiến bộ của phương Tây nhưng họ lại có nguy cơ rất cao bị nhà nước hiện nay kết tội là “thù địch”, “phản động”.

Tóm lại, bài viết “Thoát Trung Luận” của Giáp Văn Dương đã nêu ra một vấn đề lớn, quan trọng và thiết thực trong tình hình hiện nay nhưng lập luận của tác giả vẫn chưa thoát khỏi sự chủ quan thường có của những người có tinh thần yêu nước nồng nàn nhưng chủ yếu chỉ dựa trên tinh thần tự tôn dân tộc và chỉ đề cập vấn đề với một tình trạng nửa vời. Cổ xúy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc khi đất nước đang bị đe dọa xâm lăng là điều quí giá và cần thiết nhưng việc cổ xúy không dựa trên một tinh thần khách quan, duy lý, triệt để, thì sự cổ xúy đó vô hình chung lại duy trì hay tiếp tục tạo ra những lối mòn có hại cho một nền văn hóa vốn đã và đang bị ghìm giữ trong lối suy nghĩ cảm tính, thiên vị, cải lương – những đặc tính rất có lợi cho những kẻ cầm quyền mỵ dân, độc tài. Thiết nghĩ, nếu nhìn ở phạm vi ngay trước mắt thì Việt Nam cần phải xa rời Trung Quốc để hướng đến và thắt chặt với phương Tây, nhưng nếu nhìn ở phạm vi dài hạn thì vấn đề không phải là “Thoát Trung” hay không “Thoát Trung” mà vấn đề là đất nước phải có sự sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra được cần phải du nhập cái gì, tránh cái gì hay cần phải đồng minh với quốc gia nào, giữ khoảng cách với quốc gia nào trong mọi quan hệ, các mối quan hệ không bao giờ thuần nhất và bất biến, với các quốc gia, dân tộc khác. Mà để có sự sáng suốt, tỉnh táo đó thì dân chúng và đặc biệt là giới trí thức phải có suy nghĩ độc lập, khoa học và có khả năng ảnh hưởng, tham gia vào các quyết định liên quan đến mọi vấn đề của quốc gia, xã hội. Khi đó mọi vấn đề “thoát” hay “nhập” với bất cứ cái gì không còn là vấn đề khó khăn, mông lung hay bế tắc nữa. Dĩ nhiên đây là vấn đề không hề nhỏ hay dễ dàng để một ý kiến có thể đạt được tính đầy đủ và thuyết phục cho mọi góc cạnh. Vì vậy những góp ý trên đây với tác giả Giáp Văn Dương cũng chỉ là một nỗ lực nhỏ nhoi với hy vọng cùng góp thêm vài suy nghĩ nhỏ cho một vấn đề lớn mà tác giả Giáp Văn Dương đã là người nêu rõ ra trong bối cảnh rối bời và nhiều phần rất lâm nguy của đất nước hiện nay.

Phạm Hồng Sơn
17/8/2011

Phụ lục:

Thoát Trung Luận
Giáp Văn Dương

Thời gian gần đây, khi thảo luận về những nguy cơ đối với nước ta trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, về lựa chọn mô hình phát triển cho Việt Nam, về tình hình tranh chấp Biển Đông…, một số người thuộc giới trí thức trong và ngoài nước, dù chưa chính thức, cũng đã ít nhiều đi đến một nhận định chung: Cần thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc!
Tuy nhiên, nhận định này chưa bao giờ được viết ra một cách mạch lạc, có hệ thống, và dường như chỉ mới dừng ở mức trực giác. Vì thế, một bài luận nhằm phân tích rõ ràng về nhận định quan trọng này là cần thiết.
*
* *
Tư tưởng thoát khỏi Trung Quốc thực ra không hề mới. Lịch sử nước ta có thể được diễn giải tương đối đầy đủ dưới góc nhìn thoát Trung. Phần lớn các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta đều mang trong mình một thông điệp nóng hổi: Thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc!

Sự kiện dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa và giành lại được độc lập sau gần một nghìn năm Bắc thuộc là một sự kiện hy hữu trên thế giới. Đó là kết quả của một quá trình thoát Trung bền bỉ kiên trì. Sau khi giành được độc lập, quá trình này được tiếp nối không chỉ ở các cuộc kháng chiến vệ quốc, mà còn ở các nỗ lực giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa ở các triều đại sau này.

Khi còn nhỏ, tôi đã từng ngạc nhiên khi đọc bài hịch của vua Quang Trung khích lệ tướng sĩ trước khi ra trận: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để răng đen…”. Tôi đã tự hỏi, vì sao nhà Vua không chọn những biểu tượng lớn lao hơn mà lại chọn những điều nhỏ nhặt như vậy để động viên quân sĩ? Nhưng càng ngày tôi càng thấm thía: Đó là lòng kiên định của tổ tiên nhằm thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa Trung Hoa, ngay từ những việc nhỏ nhất.

Ý thức vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này là thường trực. Tuy nhiều lúc bị chao đảo bởi sự tấn công mạnh mẽ đến từ phương Bắc, nhưng mỗi khi cần đến thì ý thức vùng thoát này lại bùng lên dữ dội. Nỗ lực xây dựng chữ viết riêng cho dân tộc như chữ Nôm của cha ông, và gần đây nhất là việc toàn dân đồng loạt chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, là minh chứng rõ ràng cho sự vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa này.

Riêng với việc chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ, có thể nói, đây là một cuộc thoát Trung ngoạn mục. Thành quả của nó thật đáng nể: Số người biết đọc biết viết tăng lên gấp bội, số lượng văn bản sử dụng chữ quốc ngữ chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng lên gấp nhiều lần so với số văn bản chữ Nho của toàn bộ lịch sử nước ta trước đó. Cũng chính nhờ chữ quốc ngữ mà về mặt hình thức, ngôn ngữ của chúng ta đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tiếng Hán. Tỷ như đến giờ phút này, nước Việt ta vẫn dùng chữ Nho để viết và giao tiếp với thế giới, thì đối với họ, ta có khác nào một quận huyện của Trung Quốc? Ta sẽ gặp khó trong việc thuyết phục họ rằng, ta là một quốc gia độc lập, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.

Tên gọi của nước ta cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đằng sau mỗi cái tên đều là một lời nhắn nhủ hoặc một mong đợi sâu thẳm. Ông cha ta đã chọn hai chữ Việt Nam để đặt làm tên nước. Việt Nam có nghĩa là tiến về phương Nam. Điều này có nghĩa là gì? Chỉ có thể cắt nghĩa: Tiến về phương Nam để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Đó là di lệnh của tổ tiên cho các thế hệ con cháu người Việt Nam mình.

Như thế, tổ tiên chúng ta bằng kinh nghiệm và trực giác, thông qua cách chọn tên nước, đã di lệnh cho con cháu: Muốn tồn tại thì phải tiến về phương Nam, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người phương Bắc. Lịch sử mở nước của chúng ta trong thời cận đại có thể được hiểu là gì khác hơn việc thực hiện di lệnh của tổ tiên mình?

Nhưng điều không may cho chúng ta là nền văn hóa Trung Hoa có sức ảnh hưởng quá lớn. Nó như một đại nam châm hút các dân tộc xung quanh về phía mình. Nên dù luôn có ý thức vùng thoát khỏi ảnh hưởng của người Trung Quốc, dù đã được cha ông di lệnh kỹ càng, thì lịch sử của Việt Nam luôn là sự giằng xé giữa hai luồng vận động: Vùng thoát khỏi Trung Quốc và chầu về Trung Quốc.
Sở dĩ có sự giằng xé này là vì, trong suốt thời phong kiến, do sự hạn chế của phương tiện giao thông, thế giới bên ngoài đối với nước ta dường như chỉ có một mình Trung Quốc. Khi người của ta chưa đủ đông, kinh tế của ta chưa đủ mạnh, văn hóa của ta chưa đủ trưởng thành, thì việc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng ngày nay, thời thế đã đổi thay. Một em bé sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh cũng có đủ thông tin để biết rằng, thế giới không chỉ có một mình Trung Quốc. Thế giới còn có nhiều nền văn hóa khác, mang nhiều giá trị tiến bộ hơn, đáng học hỏi hơn nền văn hóa Trung Hoa, đến mức bản thân người Trung Quốc cũng phải mau mau thay đổi để học hỏi những điều tiến bộ này. Trên thực tế, những vùng nào của Trung Quốc gỡ bỏ được một phần văn hóa Trung Hoa truyền thống để du nhập các giá trị văn hóa phương Tây như các Hồng Kông, Đài Loan… thì đều phát triển vượt bậc so với những phần còn lại của Trung Quốc lục địa.

Nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng đã tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thành công và trở thành những con rồng con hổ châu Á mới. Họ không chỉ giữ được độc lập, mà còn tiến nhanh thành một nước phát triển, được thế giới kính nể trọng vọng.

Hãy lấy trường hợp Nhật Bản làm ví dụ: Bằng cách thực hiện cuộc thoát Á nhập Âu từ nửa sau của thế kỷ 19, Nhật Bản đã tránh được ách nô lệ thực dân và phát triển thành cường quốc chỉ sau một thời gian ngắn. Thoát Á với Nhật Bản thời gian đó là gì, nếu không phải là thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa? Vì vậy có thể nói, chìa khóa để Nhật Bản phát triển thành công là thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Vậy thì tại sao chúng ta lại không làm như họ? Tại sao ta lại không vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc để phát triển, khi gương thành công đã bày ra trước mắt cả trăm năm, khi di lệnh của tổ tiên vẫn còn bên tai văng vẳng?

Câu trả lời chỉ có thể là: Tư tưởng chầu về Trung Quốc đã trở thành một quán tính tâm lý, một vô thức xã hội hay một phản xạ có điều kiện. Tư tưởng này đã ăn sâu vào đời sống ở nhiều dạng nhiều mặt nên khó lòng dứt bỏ được. Với người dân thì đó là sự tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách vô tư hào hứng qua phim ảnh, sách báo… đến mức trẻ em thuộc sử Tàu hơn sử Ta, quen với đồ chơi Tàu hơn đồ chơi Ta. Thương nhân ta thì chỉ chăm chắm nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về bán cho dân, dù biết là hàng kém và có nhiều độc hại. Ở mức quốc gia thì đó là sự ràng buộc đến mức vô lý về ý thức hệ vào người Trung Quốc, dẫn đến thua thiệt và bất bình đẳng trong bang giao quốc tế.

Những việc này đều diễn ra một cách trơn tru tự động, đến mức không mấy ai tự hỏi: Vì sao mọi chuyện lại quá dễ dàng như vậy? Câu trả lời hẳn nhiên là tư tưởng chầu về Trung Quốc đã bén rễ sâu trong tiềm thức của xã hội ta như một chất gây nghiện, tuy độc hại nhưng rất khó từ bỏ. Vì nếu từ bỏ thì sẽ gây ra đau đớn và chống chếnh phần nào. Nhưng từ xưa đến nay, có chất gây nghiện nào có lợi?

Trong hoàn cảnh đó, chỉ còn một cách duy nhất là quán chiếu để nhìn sâu hiểu kỹ tác hại của việc chầu về Trung Quốc, để thấy được mối nguy lâu dài của nó đối với đất nước thì may ra mới có thể dứt bỏ được.

Trước hết là về văn hóa: Có so sánh ra bên ngoài mới thấy, bản sắc văn hóa của ta quá đỗi mong manh. Lý do chính là văn hóa của ta đã bị áp đảo bởi văn hóa Trung Hoa trong suốt nhiều thế kỷ, nay càng bị áp đảo mạnh hơn bởi tiến bộ của phương tiện truyền thông. Nhiều người khi còn sống thì một chữ tượng hình bẻ đôi không biết, nhưng khi chết thì lại được cúng tế bằng các bài văn khấn chữ Nho. Chuông, khánh trong chùa dù mới đúc, cũng hết thảy được khắc bằng thứ chữ của người Hán dù chẳng ai đọc được. Truyền thanh truyền hình, tuy sống bằng tiền thuế của dân Việt Nam ta, lại ngày đêm truyền bá văn hóa Trung Hoa đến tận hang cùng ngõ hẻm. Thời sự hơn nữa thì phim về tổ tông được quay bên Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành được mang về Đà Lạt… Ôi thôi, biết bao nhiêu mà kể!

Xin hỏi: Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì? Có phải là bởi đất đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không? Chắc hẳn là không. Người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Nay văn hóa của ta đang bị áp đảo mà dân ta lại vui vẻ cổ vũ chấp thuận, thì khác nào tay ta đã yếu, mắt ta đã chậm mà ta lại tự mua dây về bịt mắt trói tay mình?

Chính do sự áp đảo của văn hóa Trung Hoa nên những thói hư tật xấu của họ đã tìm được đất sống và tác oai tác quái ở ta. Nạn chuộng bằng cấp hư danh, tệ mua quan bán chức, thói tầm chương trích cú, ếch ngồi đáy giếng, ngông nghênh coi thường chân lý, bệnh phụ mẫu quan phương, chính trị thống soái …– những đặc trưng của văn hóa hủ nho Trung Quốc không hề giảm đi trên đất Việt Nam ta mà ngược lại, như rồng gặp nước, múa may phát triển tràn lan, biến hóa gây hại không biết bao nhiêu mà kể. Vì sao vậy? Vì không sáng tạo ra chỉ học đòi bắt chước, nên nhiều người mang lòng kính sợ, nhất nhất tuân theo không dám đổi thay, nên chỉ nhăm nhắm chầu về, nghiêm cẩn như học trò đối với ông thầy.

Nay những thói hư tật xấu này đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức của ta quá thể. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang thành tích, thói hành dân, nịnh trên lừa dưới, tệ chạy chức chạy quyền… đã thành phổ biến , nên không còn cách nào khác là phải dứt bỏ để học những giá trị tiến bộ của phương Tây như dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người.

Ta phải tự gỡ bỏ tấm khăn đang bịt mắt ta ra, phải vứt bỏ sợi dây đang trói buộc mình thì bàn tay khối óc mới được giải phóng, hoa thơm trái ngọt của sự sáng tạo mới được thành tựu. Còn như chỉ mê muội sùng kính những thứ người ta đã phải bỏ đi, thì mãi lếch thếch lôi thôi cũng là điều tất yếu!

Thứ hai là về kinh tế: Việt Nam ta đang bị áp đảo trong thương mại đối với người Trung Quốc. Nhập siêu từ họ lên đến 90% so với tổng nhập siêu của cả nước ta. Trong khi đó, xuất khẩu từ ta sang họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, lại chủ yếu là nguyên liệu thô và hàng nông sản, là những thứ mà giá trị chẳng được bao nhiêu. Vậy có thể nói, về kinh tế, chúng ta đang phụ thuộc vào họ một cách nặng nề. Nền kinh tế của ta đang ở mức chông chênh, có thể sụp đổ khi họ chủ tâm đóng cửa.

Nhưng điều đáng lo hơn cả là những người có thẩm quyền lại không thấy sự bất thường này. Những dự án lớn hầu hết đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tỷ như, 90% các dự án tổng thầu gần đây đã rơi vào tay họ. Chất lượng của những công trình này rất kém, vì một lẽ giản đơn: Trình độ về công nghệ của họ còn thấp, việc tôn trọng môi trường và văn hóa bản địa họ chẳng quan tâm. Hàng hóa xuất phát từ Trung Quốc luôn bị thế giới cảnh báo là độc hại và kém chất lượng. Chính họ đã gây ra nhiều vấn nạn về văn hóa và môi trường trong nước họ. Vậy thử hỏi, vẫn những con người đó sang nước ta thì làm sao có thể làm tốt cho được?

Đáng tiếc thay, tư duy chộp giật, “sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi” của nhiều người có trách nhiệm đã dung túng tình trạng này, gây hại lâu dài cho nền kinh tế. Việc này ta phải trách ta trước hết, vì nếu ta không tiếp tay thì làm sao họ có thể tác oai tác quái. Tiếp tay cho họ hại mình, thời buổi cạnh tranh, hỏi có khác nào mua dây để tự trói chân mình. Mà đã mua dây để tự trói chân mình thì làm sao có thể đi nhanh đi xa cho được?

Chính vì thế, bên cạnh việc vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa về văn hóa, chúng ta cần tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa về kinh tế. Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu nhập siêu từ Trung Quốc, khuyến khích người trong nước sản xuất kinh doanh. Người Việt phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập so với người Trung Quốc, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những mô hình phát triển khác hẳn so với họ. Phải phấn đấu trở thành hội điểm đầu tư và thương mại toàn cầu. Việc này nói thì dễ mà làm thì rất khó. Nhưng không vì thế mà không gắng sức, vì tương lai dân tộc phụ thuộc phần nhiều vào chính chỗ này.
Thứ ba là về chính trị: Nước ta đang có một sự ràng buộc kỳ quặc về ý thức hệ đối với người phương Bắc. Họ làm gì thì sớm muộn ta cũng làm theo như bị thôi miên. Rất nhiều khổ đau trong lịch sử của ta đã có nguồn gốc từ việc làm theo như họ.

Dân ta khác, phong hóa của ta khác, đất đai vị thế của ta khác, vậy hà cớ gì ta phải dập khuôn theo? Đành rằng, trước đây ta chỉ biết đến Trung Hoa nên triều chính phải rập khuôn bắt chước, tuy đáng trách những có thể cảm thông. Nhưng nay thế thời đã đổi, thế giới đã mở rộng muôn phương, mà sao ta vẫn nhăm nhắm hướng về phương Bắc? Bao phen cửa nát nhà tan, bị đè đầu cưỡi cổ, mà sao vẫn chưa hết tỉnh hết mê? Lẽ nào, luồng tư tưởng chầu về Trung Quốc, tưởng chừng sẽ nhạt đi khi thế giới được mở rộng ra, lại một lần nữa giở trò mánh khóe kéo chìm ta xuống đáy?

Vì sao vậy? Vì đâu vậy? Vì sự u mê đã đến mức thâm căn cố đế, hay vì đặc quyền đặc lợi của một nhóm người? Di lệnh của tổ tiên và những bài học lịch sử vì sao không còn tác dụng? Dù câu trả lời là thế nào đi chăng nữa thì trên thực tế, sự ràng buộc kỳ quặc về ý thức hệ này đã gây ra nhiều thua thiệt cho ta trong quốc tế bang giao, làm mất đi nhiều cơ hội làm ăn của ta với thế giới bên ngoài. Người ngã xuống vì biên cương hải đảo ta cũng chẳng dám vinh danh… Hỡi ôi!
Thời thế đã đổi thay. Thế giới ngày nay không chỉ có một mình Trung Quốc. Đoàn thuyền ra khơi phần đông đều đi theo một hướng, vậy lẽ gì ta phải tách nhóm đi riêng với kẻ vẫn bắt nạt mình? Sợi dây trói tay trói chân gỡ ra còn chưa được, vậy cớ gì ta lại mua dây để tròng đầu tròng cổ ta thêm?

Và cuối cùng là chủ quyền bị đe dọa: Khi chân tay ta bị trói, đầu cổ ta cũng chẳng được tự do, mắt ta cũng bị buộc nhìn về một hướng, thì thân thể ta làm sao mà vẹn toàn tự chủ? Sự trỗi dậy của người Trung Quốc tất yếu dẫn đến việc họ mở rộng biên giới quốc gia. Tranh chấp với xung quanh là điều khó tránh khỏi. Điều này họ đã công khai thừa nhận. Biển Đông đã nổi sóng. Giờ việc ta cần làm là hãy nhanh nhanh tự cởi trói cho mình, làm cho ta hùng mạnh thêm lên thì mới có thể giữ được vẹn toàn cương thổ.

Khi lực ta còn yếu thì mắt ta phải nhìn xa trông rộng, phải tìm cách kết thân với những kẻ có thế có quyền, có cùng lợi ích cùng mối lo âu để đồng tâm đối phó. Muốn vậy ta phải thiện chí thành tâm, đặt lợi ích quốc gia lên trên những tính toan nhỏ nhặt. Tình thế đã trở nên nguy ngập. Nước Việt ta đang đứng trước một lựa chọn lịch sử: Thoát Trung để phát triển hay cam tâm làm nô lệ một lần nữa?
Là người Việt, không ai muốn trở thành nô lệ ở bất cứ dạng nào. Điều này có nghĩa, lựa chọn duy nhất là vùng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người Trung Quốc để phát triển.

Vậy thì, hãy làm một cuộc thoát Trung toàn diện để hội nhập cùng thế giới và kiến tạo một kỷ nguyên phát triển mới!
Hãy tỉnh cơn mê, dứt cơn mộng mị! Hãy từ bỏ chất gây nghiện chầu về Trung Quốc! Hãy cởi bỏ tấm khăn bịt mắt! Hãy vứt sợi dây đang trói tay, trói chân, tròng cổ, tròng đầu!
Hãy trở về với di lệnh của tổ tiên: Thoát Trung hay là chết!

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

“Xương máu đồng bào”


Người ta ai cũng là da thịt,
Con dân một nước người nào chả là đồng bào?

Thế mà, ác nghiệt thay: công thần dám tỏ lòng trung với nước lại bị đe nẹt, lao tù. Em gái nhỏ chỉ ngồi nhà xiển dương lòng yêu nước cũng bị đày vào lao ngục. Kẻ sĩ dấn thân bảo vệ công lý, phản đối quân xâm lược, góp sức hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng bị sách nhiễu, vu tội, cầm tù.

Máu xương đồng bào nào chảy chả làm đồng bào nào phải ngậm ngùi, thương xót?

Thế mà, ghê gớm thay: tượng đài vong hồn, oan hồn của đồng bào ở tận nơi xa xứ cũng bị rình rập, san phẳng. Vong hồn tử sĩ quyết chiến bảo vệ biển đảo quê hương vẫn không được ghi nhận. Di tích máu xương hiển hách chống Bắc triều xâm lược ở rừng sâu, núi thẳm cũng bị tẩy xóa, che lấp, đục bỏ.

Đồng bào nào chả căm phẫn khi Bắc triều bách hại đồng bào, xâm phạm lãnh thổ, sỉ nhục quốc thể?

Thế mà, ngạo ngược thay: dám gọi bô lão phản đối Bắc triều xâm lược là “phản động”. Dám che cho cả bàn chân đã đạp thẳng vào mặt người yêu nước. Coi khinh cả lớp nhân sĩ đã chán đời nô lệ. Sỷ nhục cả truyền thống 4000 năm không khuất phục.

Nhưng người xưa đã nói “nhật nguyệt mờ rồi lại sáng”. Người có lỗi vẫn có thể hối. Kẻ mắc tội vẫn còn đường cải.

Hãy để cho đồng bào nói những gì đồng bào muốn nói. Hãy đảm bảo an toàn cho đồng bào được thể hiện những vui buồn, yêu ghét của đồng bào trong ôn hòa. Hãy thôi dùng “đồng bào” cho những toan tính riêng tư, đảng phái. Hãy tôn trọng pháp luật. Đó mới là bắt đầu biết nghĩ đến “xương máu đồng bào”.

Phạm Hồng Sơn
13/08/2011

Nỗi e ngại nguy hiểm


(Nhân việc Luật sư Trần Đình Triển bị đe dọa tính mạng)
Cách đây một hôm, một anh bạn tôi có tâm sự nỗi băn khoăn của anh ấy là anh ấy muốn gọi điện thoại tới Luật sư Trần Đình Triển để hỏi thăm và chia sẻ sự cảm kích và lo lắng cho Luật sư Trần Đình Triển sau sự cố ngày 8/8/2011 khi Luật sư bị sách nhiễu, tấn công, đe dọa tính mạng, nhưng anh bạn tôi vẫn e ngại là anh ấy đã từng bị báo chí nhà nước kết tội là thành phần “phản động” đã từng bị “tòa án” kết án là “chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam” thì liệu chia sẻ như thế có lợi cho Luật sư Trần Đình Triển hay không? Sau một hồi trao đổi, chúng tôi cùng đi đến kết luận là về mặt đạo lý và luật pháp, đó là một việc hết sức cần thiết và đúng đắn nhưng chỉ có một điều chúng tôi vẫn còn đắn đo là bản thân Luật sư Trần Đình Triển có hoan nghênh sự chia sẻ đó không thôi? Nếu “không” thì anh bạn tôi không muốn gây thêm những rối bời, khó nghĩ cho Luật sư Trần Đình Triển trong lúc này.

Rồi lại có một người quen khác của tôi, chị ấy vẫn hoàn toàn chưa có vấn đề gì với chính quyền, thổ lộ với tôi về việc chị ấy hết sức bất bình khi biết chuyện Luật sư Trần Đình Triển bị sách nhiễu, đe dọa. Nhưng chị ấy nói không dám lên tiếng hay gọi điện hỏi thăm vì sợ “người ta” biết sẽ cho chị ấy là người có quan hệ với “thành phần xấu” thì sẽ khó khăn cho cuộc sống của chị ấy. Tôi không dám khuyên chị ấy cứ nên gọi điện hỏi thăm tới Luật sư Trần Đình Triển vì theo tâm lý học nếu người ta còn sợ hãi thì càng thúc đẩy người ta càng sợ và bản thân tôi cũng không thể đảm bảo được sau khi (nếu) chị ấy gọi điện thì không có rắc rối gì xảy ra. Nhưng tôi có hỏi lại chị ấy rằng: “Nếu ai thấy việc bất công đối với người khác cũng im lặng quay đi thì đến lượt mình bị bất công, ai sẽ lên tiếng cho mình?” Chị ấy không trả lời gì mà chỉ…cười.

Quay trở lại một chuyện nhỏ của riêng tôi. Tháng Ba năm 2010 cũng có một nhóm người tự xưng là “thương binh” đến “hỏi thăm” tôi tại nhà riêng. Sau đó tôi đã nhận được rất nhiều lời chia sẻ, động viên từ nhiều người chưa hề quen biết bao giờ, và nhiều người công khai cả các thông tin cá nhân. Trong đó ấn tượng nhất là có nhiều người là đảng viên cộng sản và có cả người đã có danh tiếng trong xã hội như nhà văn Phạm Đình Trọng. Đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy y nguyên sự xúc động, tri ân mỗi khi nhớ lại những cuộc điện thoại hỏi thăm đó. Qua chuyện trò tôi cũng nói lên sự e ngại của tôi đối với sự yên bình, an ninh của các cô bác, anh chị đó vì các cô bác, anh chị đó đang chia sẻ, động viên một người mà nhà nước đang coi là “phản động”. Nhưng hết sức bất ngờ, dường như tất cả những người đó cùng đáp lại sự e ngại của tôi với ý là: “Tôi không biết ai kết tội anh là “phản động”, nhưng việc vừa rồi xảy ra đối với anh là một việc phi pháp, bất công, nên tôi thấy cần phải lên tiếng phản đối những người chỉ đạo và thực hiện việc đó và chia sẻ với anh là nạn nhân mà thôi.” Nhưng nói đến niềm vui thì cũng không thể quên được nỗi buồn là trong số những người hỏi thăm tôi trong sự cố đó không có một vài người mà tôi vẫn từng cho là rất tốt.

Đúng là xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng xảy ra nhiều hiện tượng cho thấy “cái ác” đang hoành hành ở khắp nơi và dường như đang thống trị toàn xã hội. Nhưng có lẽ điều nguy hiểm nhất hiện nay của xã hội Việt Nam không phải là sự lên ngôi của cái ác mà là sự e ngại, băn khoăn, tự tách rời, xa cách giữa người Việt Nam chúng ta – những người bị trị, trước cái ác[1]. Vì hàng nghìn năm qua, lịch sử loài người luôn nhắc rằng thủ đoạn chính của mọi kẻ áp bức bao giờ cũng là “chia rẽ”: “chia để trị” (divide and rule) hay “chia để thôn tính” (divide and conquer), dù là kẻ áp bức nội tộc hay ngoại bang.

Phạm Hồng Sơn
10/08/2011


[1] “trước cái ác”, cụm từ này thêm vào sau khi đã đăng tải trên các trang mạng.