Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Cảnh giác với sai lầm khi ra quyết định


Ra quyết định là một quá trình xác lập và đánh giá các khả năng khác nhau (alternatives) để cuối cùng lựa chọn một (hoặc một số) trong các khả năng đó.
Cuộc đời con người có thể nói là một chuỗi các quá trình ra quyết định. Từ những quyết định như vô thức, vô hại như đặt bàn chân nào lên trước khi leo cầu thang cho tới những quyết định có tính mất còn đối với một dân tộc như chọn quốc gia nào làm đồng minh hay chọn phương cách nào để giành độc lập. Ngay việc quí vị đang dành cho bài viết nhỏ này một sự quan tâm hào phóng cũng là hệ quả của một quyết định. Tuy vậy, con người thường ít ý thức trong việc ra quyết định cho dù đã có nhiều công trình nghiên cứu hữu ích về vấn đề này.

Về lý thuyết, một cách lý tưởng, quá trình ra quyết định thường trải qua ba giai đoạn: 1. Định dạng và thiết lập mọi khả năng có thể .2. Xác định các hệ quả đến từ mỗi khả năng. 3. So sánh sự phù hợp và hiệu suất của mỗi tập hợp hệ quả vừa xác định để chọn lấy khả năng tối ưu (optimal).

Thuyết Lý tính bị rào (bounded rationality) của Herbert Simon, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1978 với thuyết này, đã gần như bác bỏ các lý thuyết kinh tế trước đó cho rằng: con người luôn xác định các khả năng lựa chọn một cách hệ thống và hữu lý (rational) nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế cho sự lựa chọn cuối cùng. Thuyết Lý tính bị rào (năm 1957) đã chứng minh điều ngược lại: “con người có một khả năng hạn chế và có xu hướng tìm tới những cách đơn giản-những cách chỉ xét tới một vài phương diện của vấn đề khi xác định các khả năng lựa chọn trong quá trình ra quyết định. Và kết quả là quyết định của con người thường không hữu lý (irrational), không đạt được tính tối ưu (optimality)”.

Các nghiên cứu tâm lý sâu hơn về quá trình nhận thức của con người trong việc ra quyết định, trong các thập niên tiếp theo kể từ khi Herbert Simon công bố thuyết Lý tính bị rào, cũng có những kết luận trùng hợp với nhận định kể trên của Herbert Simon. Năm 1990, một nghiên cứu của nhà tâm lý học Stephen P. Stich đã đưa tới một kết luận khá bi quan: “con người kém cỏi một cách kỳ lạ trong việc lý luận, ngay cả lúc bình tĩnh, minh mẫn và không phải chịu một áp lực nào về thời gian.” Hoặc một nghiên cứu khác do William M. Goldstein và Robin M. Hogarth công bố năm 1997 cho rằng: “con người có những “giới hạn về tinh thần” (mental limitations). Con người không sáng suốt và hữu lý như họ tưởng.” Thậm chí các nghiên cứu hành vi động vật, tiến hành đồng thời với một số nghiên cứu tâm lý con người, còn chứng tỏ động vật lại có xu hướng thực hiện các lựa chọn khôn ngoan hướng tới các quyết định tối ưu.

Dù các nghiên cứu về khả năng của con người vẫn còn tiếp tục và chưa có một kết luận nào được hoàn toàn đồng ý nhưng các kết luận bi quan về khả năng ra quyết định của con người đáng là một tiếng chuông cảnh báo quí giá cho con người. Vì không ai là người muốn ra quyết định sai. Tuy nhiên trên thực tế, những sai lầm chỉ vì coi thường khả năng mắc sai lầm của bản thân vẫn là một nguyên nhân thường gặp, ngay cả đối với những người làm những công việc đòi hỏi lối tư duy hệ thống và thận trọng như các nhà khoa học, các nhân viên dự báo thời tiết hay các lãnh đạo quân sự. Để giảm thiểu khả năng mắc sai lầm, nhiều nhà khoa học đã công phu thống kê và phân tích hàng chục, hàng trăm các sai lầm hoặc các dạng sai lầm con người thường mắc khi phải ra một quyết định.[1] Nhưng các liệt kê sai lầm hay các minh họa cho sai lầm sẽ vô nghĩa nếu con người vẫn mất cảnh giác về khả năng sai lầm, và khả năng sai lầm rất đa dạng của mình. Vì vậy, để tránh sai lầm, điều trước tiên phải là ý thức được về khả năng mắc sai lầm của bản thân. Đó là lý do mà danh mục một số sai lầm thông thường trong việc ra quyết định được trình bày sau cùng trong bài viết này và bị rút đi gần hết các ví dụ minh họa do các nhà tâm lý học và logic học uy tín soạn thảo. Vì theo kinh nghiệm của nhiều người việc tự tìm lấy các ví dụ minh họa không chỉ là một cách đọc tích cực mà còn giúp ý thức về khả năng mắc sai lầm của chúng ta được nâng cao hơn. Cuối cùng, bài viết này chắc chắn còn nhiều sai lầm, không chỉ do vấn đề khả năng, mà còn do người viết vẫn chưa ý thức đủ về khả năng mắc sai lầm. Như một nhà khoa học đã cảnh báo: “Muốn giảm thiểu tối đa khả năng mắc sai lầm thì đừng bao giờ nghĩ đủ khi ý thức về nó.”

Chín sai lầm thường gặp khi ra quyết định

  1. Sai lầm của người đánh bạc (gambler’s fallacy).
Tên của sai lầm này liên quan tới việc quan sát trong sòng bạc. Người mắc sai lầm này thường tin một cách sai lầm rằng qui luật xác suất (những khả năng xảy ra của một hiện tượng) sẽ diễn ra một cách công bằng và nó có tính tự điều chỉnh (ví dụ nếu 10 lần liên tiếp quả bóng đã rơi vào lỗ đen, một trong hai lỗ của bàn đánh bạc, thì lần tiếp theo rất nhiều khả năng nó sẽ rơi vào lỗ còn lại, là lỗ đỏ). Về lâu dài (với một số lượng vô cùng lớn) thì giả định đó là không tồi, nhưng giả định đó không thể áp dụng cho một trường hợp đơn lẻ và độc lập.

  1. Sai lầm vì khái quát vội vàng (hasty generalization).
Người mắc sai lầm này thường chỉ xem xét một số hiện tượng bất thường hoặc có tính cá biệt rồi vội đưa ra kết luận có tính khái quát cho tất cả các hiện tượng tương tự.

  1. Sai lầm do áp đặt qui luật chung (accident)
Sai lầm này thường mắc khi chỉ chú ý đến qui luật chung mà quên mất hoàn cảnh có tính chất riêng biệt (accidental) của đối tượng, hiện tượng đơn lẻ.

  1. Sai lầm kiểu suy diễn bất tri (argument from ignorance)
Khẳng định ngay một điều là đúng chỉ vì thấy điều đó chưa được chứng minh là sai hoặc ngược lại.

  1. Sai lầm do bị ấn tượng mạnh (overestimate the improbable)
Sai lầm này liên quan đến việc gán khả năng dễ xảy ra cho những hiện tượng gây xúc cảm mạnh hoặc thường được nhắc đến nhiều trên truyền thông hay dư luận.

  1. Sai lầm kiểu khẳng định ngược (confirmation bias)
Người mắc sai lầm này thường đưa ra kết luận trước một vấn đề rồi cố đi tìm các chứng cớ phù hợp cho kết luận đó trong khi bỏ qua các chứng cớ phản bác (disconfirming evidence).

  1. Sai lầm do cuồng tín (belief perseverance)
Người mắc sai lầm này thường tự động loại bỏ các chứng cứ đi ngược lại với niềm tin mà họ đã có.
  1. Sai lầm do nhầm lẫn giữa bộ phận và tổng thể (composition and division)
Sai lầm này mắc phải khi lấy một đặc tính chung của các bộ phận để làm thành đặc tính chung của tổng thể và ngược lại.

  1. Sai lầm do quá tự tin (overconfidence effect)
Người mắc sai lầm này thường quá tin vào những dự đoán, số liệu hay hiểu biết của bản thân dẫn đến hậu quả không chỉ ảo tưởng về bản thân mà còn đánh giá thấp những gì họ không biết và bỏ phí những nguồn trợ giúp quí giá (tài liệu, bạn hữu, đồng nghiệp,…) vốn có ngay bên cạnh.

Phạm Hồng Sơn

Tài liệu tham khảo chính
  1. Wayne Weinten, Psychology, Themes & Variations, fifth edition, Wadsworth, 2002.
  2. Irving M. Copi, Introduction to logic, sixth edition, Macmillan Publishing Co., 1982.
  3. Bounded rationality: http://en.wikipedia.org/wiki/Bounded_rationality timestamp 20101102030340
(Bài này gửi riêng cho talawas và được đăng vào ngày 3/11/2010)

[1] Aristotle, cách đây gần 2500 năm, đã liệt kê 13 dạng sai lầm của tư duy con người trong tác phẩm “Sophistical refutation”. Năm 1959, W. Ward Fearside và William B. Holder liệt kê và mô tả chi tiết 51 sai lầm trong tác phẩm “Fallacy: Counterfeit of argument”. Năm 1970, David Hackett Fischer liệt kê và phân tích hơn 100 sai lầm trong tác phẩm “Historian’s Fallacies”. Nguồn: Irving M. Copi, Introduction to logic, sixth edition, Macmillan Publishing Co., 1982.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Sẽ may hơn nếu có nhà độc tài vụng về




Gần đây báo chí độc lập của Việt Nam liên tục ghi nhận, phê phán, chế giễu những phát biểu kỳ khôi và kỳ cục của một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng là có ai mà không cảm thấy buồn, thấy tủi và nhục khi người đang giữ cương vị lãnh đạo quốc gia của mình lại cứ liên tiếp hùng hồn nói ra những thứ mà một người có hiểu biết bình thường cũng thấy rất ngô nghê. Tuy nhiên, những bình phẩm có tính chế giễu thái quá dễ làm cho công luận có cảm nghĩ rằng nhà lãnh đạo đó là người xấu nhất, đáng chê trách nhất trong hệ thống lãnh đạo hiện nay. Nếu xét về sự thận trọng, có lẽ cho đến nay, nhà lãnh đạo đó là chính trị gia hớ hênh nhất khi thể hiện trước công chúng. Nhưng nếu xét về độ chân thật, thì chắc khó có chính trị gia nào của Đảng Cộng sản Việt Nam chân thật được hơn nhà lãnh đạo đó.

Với kinh nghiệm trên nửa thế kỷ của một chế độ “nổi tiếng” về các kỹ thuật lấy lòng dân chúng, cùng với một hệ thống thư lại cũng “nổi tiếng” trong sự phục dịch kẻ có quyền, thì để một quan chức cao cấp có những phát ngôn suôn sẻ trước công chúng không phải là chuyện khó. Nếu ta nhớ lại hình ảnh của một nhà lãnh đạo khác, đã được phát khắp năm châu, bốn biển, cứ thỉnh thoảng lại ghé mắt nhìn vào mảnh giấy trên tay khi đàm đạo tay đôi với nguyên thủ nước người thì có thể thấy cái dở của nhà lãnh đạo kể trên chưa phải là quá tệ cho danh dự quốc gia, dân tộc. Ít nhất nhà lãnh đạo kể trên đã có sự độc lập, tự tin vào bản thân, đã dám nói ra đúng điều mình nghĩ. Ít nhất nhà lãnh đạo đó đã không cố che giấu hoàn toàn con người thật của mình.

Không ai dám chắc một lãnh đạo (trong một thể chế độc tài, độc đảng) có tài hùng biện, lôi cuốn quần chúng cũng có tấm lòng với nước với dân hơn một nhà lãnh đạo kém cỏi trong việc ăn nói. Nhưng điều chắc chắn là dân chúng sẽ vất vả hơn nhiều để nhận được ra bản chất độc tài của nhà lãnh đạo khéo léo đó. Hơn nữa, một thể chế chính trị, vốn đã cố che giấu mọi ý đồ thật của nó với dân chúng, sẽ tệ hại hơn rất nhiều nếu như tất cả các thành viên của nó đều cẩn trọng, kín đáo và giả tạo như nhau.

Trong khi một trong những giá trị của thể chế dân chủ cũng chỉ là để hạn chế tối đa những gian lận, che giấu, giả tạo của kẻ cầm quyền mà thôi. Vì vậy, một nhà lãnh đạo của một chế độ độc tài có những phát ngôn vụng về, kỳ cục chưa hẳn đã là người xấu nhất. Và nếu như những biểu hiện kỳ lạ của nhà lãnh đạo đó không phải là dấu hiệu của một trục trặc đặc biệt trong hệ thống chính trị thì ít ra nhà lãnh đạo đó cũng không thể để cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp lợi dụng, hòng che đậy và kéo dài thể chế chính trị phản nước, hại dân bằng những lời kêu gọi kiểu như “phải học tập” hay “phải đi theo con đường mà người đó đã chọn”. Rõ ràng đất nước sẽ may mắn hơn nếu phải sống dưới một chế độ độc tài nhưng kẻ độc tài là một người vụng về.

Phạm Hồng Sơn
12/10/2010

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

'Tư tưởng Hồ Chí Minh' và Dân chủ Việt Nam



Nhân dịp lễ Độc lập và kỷ niệm ngày mất của Hồ Chí Minh mới đây, những người theo dõi tình hình Việt Nam đã đọc được nhiều bài viết cổ xúy cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Một trong những bài viết được chú ý nhiều nhất là bài của ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động, có nhan đề “Làm sao thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh: nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Các nhà quan sát cho rằng điều “lý thú” là những bài viết, được đăng tải trên các cơ quan truyền thông do chính phủ điều hành lẫn các trang mạng ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, đều viện dẫn những phát biểu trước đây của ông Hồ Chí Minh để đòi chính quyền hiện nay thay đổi đường lối cai trị độc tài. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một trí thức trẻ ở Hà Nội từng bị cầm tù nhiều năm vì những hoạt động cổ xúy cho dân chủ, và được ông cho biết một số ý kiến như sau về vấn đề này. 

VOA: Lý do nào khiến cho một số người cổ xúy cho dân chủ hóa VN phải viện dẫn "tư tưởng Hồ Chí Minh" trong khi Hồ Chí Minh là người đã thiết lập thể chế Cộng Sản ở Việt Nam và lãnh đạo một chính quyền có thể nói là một trong những chính quyền phi dân chủ nhất thế giới?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi có ba lý do để một số người phải viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thứ nhất, có thể vì do chỉ tiếp nhận những thông tin một chiều, thiếu xác thực hay tạo tác của nhà nước nên những vị đó vẫn nghĩ cụ Hồ là một tấm gương mẫu mực về nhân cách và là vị lãnh tụ ủng hộ dân chủ, thương dân, thương nước. Thứ hai, vì cụ Hồ đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam biến thành một giá trị tinh thần, đạo đức cho tính chính danh của hệ thống chính trị độc đảng hiện nay. Hiến pháp và điều lệ của Đảng Cộng Sản Việt Nam đều lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với Chủ nghĩa Marx-Lenin, làm nền tảng định hướng cho sự phát triển của đất nước và của Đảng. Nên đối với suy nghĩ của một số người, thì việc viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” sẽ giúp cho những đòi hỏi về dân chủ có tính chính danh hơn, hợp pháp hơn và hệ quả có thể là những người cầm quyền độc đoán khó bắt bẻ hay khó trấn áp hơn. Và có thể có một lý do thứ ba là những người cổ xúy dân chủ phải viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” vì còn e ngại sự phân ly đối với những người thực lòng yêu nước nhưng vẫn còn tôn sùng cụ Hồ. 

Về vế thứ hai của câu hỏi, theo tôi, nhìn một cách công bằng hơn và nếu chưa xét đến cách thức giành quyền lực thì cái chính thể Việt nam Dân chủ Cộng hòa (VNDC CH) do cụ Hồ góp phần lớn dựng lên đã có giai đoạn đầu đi theo xu thế dân chủ. Trong giai đoạn đó cụ Hồ đã đồng ý hợp tác với các đảng phái quốc gia khác như Việt Quốc, Việt Cách để thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDC CH, đã tổ chức bầu cử thành lập cơ quan lập pháp theo thể thức phổ thông đầu phiếu, tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái khác nhau, đã thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp và đặc biệt là nội dung của Hiến pháp 1946, dù còn thiếu sót, đã xác lập được một số nguyên tắc dân chủ cơ bản cho thể chế chính trị và xác định trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ một số quyền cơ bản của con người của thể chế chính trị. Cho dù giai đoạn đó là rất ngắn chưa đầy 1 năm, nếu kể từ ngày thành lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDC CH (1/1/1946) cho đến ngày Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua (9/11/1946), và nếu tạm chưa xét đến các cách thức cạnh tranh của Việt Minh với các đảng phái quốc gia khác, nhưng khó có thể phủ nhận chính thể VNDC CH lúc đó đã tạo dựng được một số định chế cơ bản của dân chủ. Chỉ sau giai đoạn đó chính thể VNDC CH (vẫn do cụ Hồ đứng đầu) mới ngày càng mất đi tính dân chủ và sau đó hoàn toàn trở thành một chính thể độc tài kiểu toàn trị cộng sản. 

Theo tôi cột mốc rõ nhất cho sự phi dân chủ hóa để trở thành độc tài toàn trị cộng sản của chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một cái tên rất dân chủ, là việc Đảng Lao Động Việt Nam phát động Cải cách ruộng đất, được cụ Hồ gọi là cuộc “cách mạng long trời lở đất”, vào năm 1953. Bao trùm toàn bộ cuộc “cách mạng” này là sự tùy tiện của chính phủ cụ Hồ trong việc bắt giữ, hành hạ, bắn giết, tịch thu gia sản đối với hàng trăm nghìn người Việt Nam. Các thủ tục tư pháp thông thường đã có từ thời thực dân Pháp hay các qui định phải tôn trọng pháp luật và quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp 1946 đều không được đếm xỉa trong Cải cách ruộng đất. 

VOA: Ông đánh giá thế nào về Hồ Chí Minh?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi việc đánh giá cụ Hồ một cách toàn diện còn là một việc không dễ dàng và rất dễ gây tranh cãi, bất hòa bởi các thông tin về cụ Hồ chưa được bạch hóa một cách rộng rãi và nhiều người vẫn giữ nếp nghĩ theo lối duy cảm, tôn sùng thần tượng. Nhiều thông tin về cụ Hồ còn mơ hồ và ngay bản thân cụ Hồ khi sinh thời lại rất kín đáo về quá trình hoạt động và về đời tư của cụ. Chẳng hạn như ngay ngày sinh, nơi chôn nhau cắt rốn hay ông nội của cụ là ai vẫn là một vấn đề tranh cãi. Ở đây tôi chỉ muốn xét riêng dưới góc độ dân chủ và chỉ căn cứ vào những sự kiện đã rõ ràng thì tôi cho rằng cụ Hồ không phải là một chính trị gia có lý tưởng dân chủ. Chỉ cần căn cứ vào một số sự kiện và chính sách của chính phủ VNDC CH khi cụ Hồ cầm quyền từ 1946 đến 1969 ta có thể thấy rõ. 

Thứ nhất, nói đến dân chủ là phải nói đến tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng phe đối lập, phải coi những gì đối lập với mình là sự tồn tại tự nhiên và cần thiết. Tự nhiên là vì không có một xã hội nào mà tất cả mọi người đều có cùng một ý kiến trên cùng một vấn đề. Cần thiết là vì đối lập giúp cho mỗi người ít nhất cũng giảm được khả năng sai lầm, ngộ nhận hay tự phụ. Nhưng chính phủ của cụ Hồ cuối cùng đã không để cho một thành phần đối lập hay một đảng đối lập nào có thể tồn tại. Riêng Đảng Dân chủ hay Đảng Xã hội, những đảng vẫn tồn tại sau năm 1954 trên miền Bắc, thực chất chỉ là những tổ chức của Đảng Lao Động Việt Nam (chính là Đảng Cộng sản) của cụ Hồ mà thôi. 

Thứ hai, cụ Hồ là một trong những người đóng vai trò chính trong việc lập ra Hiến pháp năm 1959. Bản Hiến pháp 1959 không chỉ được thiết lập một cách vi hiến (theo qui định của bản Hiến pháp 1946) mà còn xóa đi hết tinh thần tiến bộ và dân chủ đã có trong bản Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1959 đã mở đầu cho tính Đảng, tính lãnh tụ và tính độc tài toàn trị trở thành nền tảng cơ bản trong các bản hiến pháp tiếp theo. Chính Hiến pháp 1959 đã biến Quốc hội, kể từ đó, trở thành một cơ quan bù nhìn, một cơ quan cấp dưới của Đảng Cộng sản Việt nam. Và cũng chính từ năm 1959, Bộ Tư pháp (một nhánh quyền lực độc lập quan trọng của chế độ dân chủ) bị xóa hẳn cho đến tận năm 1981 mới được lập lại nhưng cũng chỉ là một cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam thôi. 

Thứ ba, sau khi quyền lực chính trị (ở miền Bắc) đã hoàn toàn do đảng của cụ Hồ nắm giữ thì những quyền tự do cơ bản của dân như quyền ra báo tư nhân, quyền xuất bản tư nhân, quyền hội họp và lập hội mà cụ Hồ đã đòi hỏi thực dân Pháp phải trao đầy đủ hơn cho người dân An-nam trước đây cũng dần biến mất hẳn trên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Hồ làm chủ tịch. Ngay cả một vấn đề mà chính cụ Hồ là người chắc phải rất thấm thía về ích lợi của nó là tính độc lập và tuân thủ pháp luật của tòa án khi cụ Hồ bị bắt và đưa ra tòa tại Hồng Công vào năm 1932, chúng ta cũng không thấy cụ Hồ đả động gì đến khi diễn ra hàng loạt những vụ tống giam không cần xét xử hoặc xét xử hết sức chiếu lệ các trí thức, nhân sỹ trong các vụ án Nhân văn-Giai phẩm hay vụ án Xét lại chống Đảng. 

Và khi có nhân sỹ, như Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, góp ý rất chân thành với cụ Hồ về tầm quan trọng đối với đất nước trong việc cần phải xây dựng một nhà nước tôn trọng dân chủ, tôn trọng pháp luật thì cụ Hồ không những không áp dụng mà người góp ý còn bị hắt hủi, trù dập hết sức nghiệt ngã. Cụ Hồ cũng đã thể hiện sự tránh né trách nhiệm của người đứng đầu hệ thống chính trị trong vụ Cải cách ruộng đất khi để Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra xin lỗi nhân dân và chỉ để một số nhân vật cấp dưới chịu kỷ luật. Vì vậy để suy đoán liệu cụ Hồ có hiểu về dân chủ không thì có thể còn phải nghiên cứu và tranh luận thêm, nhưng căn cứ vào thực tế có thể khẳng định trong thời gian cầm quyền cụ Hồ không muốn xây dựng một chế độ dân chủ tại Việt nam, cụ Hồ không muốn người dân, kể cả giới trí thức, được hưởng những quyền tự do như cụ đã yêu sách thực dân Pháp. 

Khi cầm quyền, cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu, có thể nói, lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời. 

VOA: Nhưng có người cho rằng Hồ Chí Minh đã có lúc bị khống chế hay chịu sức ép của lãnh đạo nước ngoài hay của các đồng sự khác trong Đảng Cộng sản Việt nam. Ông nghĩ sao về điều này?


Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Nếu giả thuyết đó là đúng thì theo tôi cụ Hồ vẫn còn nguyên quyền và lương tâm để phản đối hay ly khai với những khống chế hay sức ép phi dân chủ đó. Chưa nói đến trách nhiệm của một nguyên thủ quốc gia là phải đặt mục tiêu phụng sự lợi ích dân tộc, đất nước lên hàng đầu. Các lãnh đạo quốc gia có lý tưởng dân chủ và bản lĩnh bao giờ cũng xử sự như thế. Nhưng chúng ta hầu như chưa bao giờ thấy cụ Hồ phàn nàn gì về quan hệ của cụ với các đồng sự khác trong Đảng Cộng sản Việt nam hay với lãnh đạo các nước “anh em’ như Stalin hay Mao Trạch Đông. Do đó giả thuyết trên khó biện hộ hay làm giảm đi trách nhiệm của cụ Hồ trong những hành động tàn nhẫn, phi dân chủ của chính thể VNDC CH. 

VOA: Ông không thấy có điều nào học được từ Hồ Chí Minh sao?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Có chứ, con người nào chả có những điều cho ta học. Ngay những cái dở của người cũng đã là bài học cho ta biết để tránh rồi. Huống chi một nhân vật lịch sử như cụ Hồ. Nhưng về dân chủ tôi thực sự chưa thấy điều gì tích cực đáng học ở cụ. Về những điều đáng học ở cụ Hồ tôi xin được đề cập trong một dịp khác. 

VOA: Vậy theo ông thì không nên viện dẫn “tư tưởng HCM” khi cổ xúy dân chủ?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Tôi không quan niệm máy móc hay cứng nhắc như thế. Theo tôi phải phân biệt rõ giữa hai lĩnh vực nhận thức (lý luận) và vận động xã hội. Đã là vấn đề nhận thức thì cần phải triệt để, cần phải cố tìm hiểu đến cùng cái bản chất của sự vật, hiện tượng, phải phân biệt rõ ràng giữa cái đúng- sai. Còn về vận động xã hội thì cần uyển chuyển hơn với thực tế xã hội. Có nhiều cách khác nhau để vận động xã hội, tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mỗi người để cùng đi đến một mục tiêu và mỗi cách đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Ví dụ những người viện dẫn “tư tưởng Hồ Chí Minh” để kêu gọi dân chủ thì dễ nhận được ủng hộ hay thiện cảm của thế hệ cán bộ, công chức còn gắn bó với chế độ độc đảng hoặc của những người vẫn còn tôn sùng cụ Hồ, nhưng điểm yếu là hiện nay người cầm quyền cũng lấy cụ Hồ ra làm cái cớ để duy trì chế độ độc đảng vì một điều rõ ràng là chính cụ Hồ là người đã khẳng định nhiều lần rằng ĐCS VN là “đảng cầm quyền” và chính cụ gọi ĐCS VN là “Đảng ta”. 

Như vậy nếu không khéo, khi viện dẫn “tư tưởng HCM” thì lại có lợi cho người cầm quyền độc đoán hiện nay. Chưa kể khi các vấn đề của cụ Hồ được bạch hóa cho toàn dân biết thì những người dựa vào “tư tưởng HCM” để vận động dân chủ sẽ khó tránh được tình trạng bị hụt hẫng, bối rối, tính tin cậy bị sút giảm. Còn đối với những người cổ xúy dân chủ không dựa vào “tư tưởng HCM” thì hiện tại có thể khó khăn hơn trong việc có được sự ủng hộ, đồng cảm trong xã hội và dễ bị chính quyền qui chụp hơn nhưng lại có thể thể hiện được đầy đủ, chính xác và triệt để về tư tưởng dân chủ mà không sợ tự mâu thuẫn và cũng tránh được các điểm yếu của người vận động dân chủ dựa vào “tư tưởng HCM”. 

Cũng cần phải nói thêm là những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy bản thân những người cầm quyền độc đoán hiện tại vừa chả tin gì vào cái gọi là “tư tưởng HCM” mà họ cũng chả nhân nhượng gì với người dựa vào “tư tưởng HCM” nhưng động đến những vấn đề cốt tử của hệ thống độc đảng. 

Theo tôi, nếu đã ủng hộ dân chủ hóa đến cùng thì không sớm thì muộn chúng ta cũng phải đối mặt với hai vấn đề. Một là phải thừa nhận những sự thật trong quá khứ. Một vấn đề nữa là phải nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Thừa nhận sự thật là để dứt khoát tránh vấp lại những sai lầm của lịch sử và đó cũng chính là nền tảng cho sự hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc đích thực. Còn việc nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của dân chủ là để phát hiện và tránh được các hình thức dân chủ giả hiệu hoặc dân chủ khiếm khuyết kéo dài. 

VOA: Ông Tống Văn Công, một đảng viên cộng sản lão thành, cựu tổng biên tập báo Lao Động, người đã có nhiều bài viết ủng hộ cho việc cải cách chính trị, trong một bài viết gần đây có trích dẫn câu nói của HCM "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” và cho rằng đây là nội dung cốt lõi về dân chủ mà HCM đã nhấn mạnh. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Trước tiên tôi cảm thấy rất cảm kích và kính trọng những bài viết gần đây của một đảng viên cộng sản như ông Tống Văn Công. Nhưng, theo tôi, câu trích dẫn trên của cụ Hồ không phải là vấn đề cốt lõi của dân chủ. Câu nói đó chỉ thể hiện một khát khao từ bao đời của người bị trị muốn kẻ cai trị phải có tư cách và bổn phận đúng đắn. Cách đây hơn hai ngàn năm, Khổng Tử và Mạnh Tử đã thể hiện khát khao này rồi. Khổng Tử thì nói “Quân quân, thần thần” nghĩa là nếu kẻ làm vua không có tư cách của người lãnh đạo đất nước, không giúp ích được cho dân thì kẻ làm vua đó không còn là vua nữa. Còn Mạnh Tử thì bạo liệt hơn, khi được hỏi: “Bề tôi giết vua, có được không?”, ông đã trả lời với ý là: “Giết một kẻ làm vua mà tàn ác thì chả có tội gì cả” (nguyên văn: Tặc nhân giả vị chi tặc, tặc nghĩa giả, vị chi tàn. Tàn tặc chi nhân vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hỹ, vị văn thí quân giã). Nhưng việc giết được một ông vua tàn ác hay thậm chí đánh đổ một chính phủ hại dân vẫn không phải là biện pháp để đảm bảo có được một ông vua hay một chính phủ tốt hơn. 

Theo tôi cốt lõi của dân chủ nằm ở chỗ phải xây dựng được các định chế dân chủ (democratic institutions) và đảm bảo cho sự vận hành (practice) các định chế đó được đúng đắn, đầy đủ, không bị cắt xén hay bóp méo nhằm đảm bảo để những người nắm quyền là những người được lựa chọn từ những người có khả năng nhất trong xã hội và họ phải có trách nhiệm trước xã hội. Nói một cách giản dị là phải tạo ra các công cụ để người dân – người bị trị có thể “đuổi được chính phủ” bất kỳ lúc nào họ muốn. 

Xem lại thời cụ Hồ cầm quyền thì tất cả bốn thứ quyền lực cơ bản của xã hội (quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và đệ tứ quyền là báo chí) đều nằm cả trong tay của “Đảng ta” (đảng của cụ Hồ) rồi, còn việc hội họp, biểu tình hay lập hội đều trở thành những việc bị cấm ngặt, thì nhân dân còn lấy gì để “đuổi chính phủ” như cụ Hồ khuyên nhủ. Và ai còn dám làm theo lời cụ Hồ để đi “đuổi chính phủ” khi mà mới chỉ góp ý riêng với cụ thôi mà đã suýt chết rồi. 

VOA: Theo ông ĐCS VN có khả năng, ý chí để dân chủ hóa đất nước hay không?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Khả năng luôn là một vấn đề tiềm ẩn đối với mọi cá nhân và tổ chức. Còn về ý chí thì cho đến nay tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy ĐCS VN có ý muốn dân chủ hóa đất nước. Từ khoảng 2 năm trở lại đây ĐCS VN còn gia tăng các biện pháp kiểm soát, bóp nghẹt thông tin và đã tỏ rõ sự ác cảm, thù ghét ngay cả các hoạt động tư vấn, phản biện thẳng thắn của các trí thức vẫn còn có thiện cảm với ĐCS VN. Ngay những tài liệu, văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XI sắp tới của ĐCS VN đã được công khai hóa cũng không cho thấy có một dấu hiệu thay đổi tiến bộ nào. ĐCS VN vẫn giữ nguyên tính độc quyền về quyền lực và vẫn thể hiện rõ ý đồ tiếp tục kiểm soát, ngăn cản các quyền tự do của người dân nhưng lại không hề nói gì đến nguy cơ Tổ quốc đang bị Trung quốc thôn tính. 

Do đó, bất kể ĐCS VN có khả năng và ý chí như thế nào thì, theo tôi, yếu tố quan trọng của dân chủ hóa đất nước vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và hành động của dân chúng. Sẽ chả bao giờ có dân chủ nếu người dân nào cũng trông chờ hay thờ ơ với những vấn đề chung của xã hội. 

VOA: Vậy nhân dân lấy đâu ra công cụ để “đuổi” một chính phủ đã cướp hết tứ quyền rồi? 

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Vâng, đúng là nghe qua thì thấy hoàn toàn bế tắc. Nhưng như ông Vaclave Havel-Tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời hậu cộng sản, đã nói “quyền lực của không quyền lực” (power of no power), ý là người không có quyền cũng vẫn có quyền hay sức mạnh có thể làm thay đổi cả một hệ thống chính trị. Hay nói như triết lý Trung Hoa là “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Những phát biểu này không chỉ có tính chất động viên, cổ vũ mà nó có cơ sở thực tế. 

Nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy mỗi người dân chúng ta đều đang nắm trong tay những quyền năng rất quan trọng mà khó có kẻ cầm quyền nào có thể ngăn chặn được hoàn toàn. Ví dụ như quyền tự tìm hiểu sự thật ngoài những thông tin của hệ thống truyền thông nhà nước, quyền vạch trần sự dối trá, quyền nói cho nhau, truyền cho nhau sự thật, quyền phản đối hay bất tuân các chính sách có hại cho xã hội hay những lời kêu gọi mỵ dân, quyền không tham gia vào các hoạt động dân chủ giả hiệu (như bầu cử không có ứng cử tự do), quyền yêu thương, động viên, chia sẻ khó khăn giữa những người bị trị với nhau v.v. Đó là những quyền năng cơ bản nằm ngay trong tay của người dân và có tác dụng dẫn đến những quyền năng lớn hơn khác mà bất kỳ chế độ phi dân chủ nào từ cổ đến kim đều rất e ngại. Bằng cớ là những kẻ độc tài luôn làm mọi cách để ngăn không cho người dân nhận thức hay thực hiện được những quyền năng đó. 

Vậy vấn đề là người dân trước tiên phải nhận thức được và tự tin vào sức mạnh của quyền năng tự có và từng bước đoàn kết, nỗ lực để cùng nhau giành lại các quyền cơ bản từ tay những kẻ cầm quyền độc đoán. Xã hội Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu của sự nhận thức đó và nỗ lực đó rồi, tuy nhiên còn yếu và chưa đủ. Nhưng cái gì chả bắt đầu từ ít và yếu. 

VOA: Cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã có nhã ý dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn quí báu này. Rất mong sẽ lại có dịp trao đổi với ông về các vấn đề đất nước trong thời gian sắp tới.

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Cái nhìn của một nhà dân chủ Việt Nam về bang giao Việt-Mỹ


Trong vài tuần qua, nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, các giới chức ở Washington và Hà Nội cũng như nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng tán dương các thành quả của những nỗ lực xích lại gần nhau giữa hai nước cựu thù. Một số người, đặc biệt là giới doanh thương và các chuyên gia phát triển quốc tế, cho rằng những tiến triển tốt đẹp của mối bang giao này có ích cho nền kinh tế Việt Nam và do đó cũng có ích cho công cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam về lâu về dài.
Duy Ái - VOA | Washington D.C Thứ Năm, 22 tháng 7 2010

Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn ở Hà Nội, người từng bị cầm tù nhiều năm vì đã dịch và phổ biến trên internet bài viết “Thế nào là Dân chủ?” đăng trên website của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và được ông cho biết một số ý kiến như sau.

VOA:
Từ vị thế của một người tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của mối bang giao Việt-Mỹ trong 15 năm qua?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Theo tôi sự phát triển của mối bang giao Việt-Mỹ trong 15 năm qua có những điểm rất đáng mừng và cũng rất đáng tiếc. Đáng mừng phải kể trước tiên là nước Việt Nam thống nhất đã thiết lập quan hệ chính thức với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Và đáng mừng thứ hai là, nhìn một cách toàn cục, mối quan hệ Việt-Mỹ trong 15 năm qua đã và đang phát triển theo chiều hướng mở rộng hơn và sâu sắc hơn, đã mang lại nhiều lợi ích và hiểu biết lẫn nhau cho cả hai quốc gia. Từ lúc ban đầu chỉ là các hợp tác có tính chất nhân đạo hoặc chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, đến nay quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển sang hầu khắp mọi lĩnh vực khác như giáo dục, an ninh, quốc phòng, quân sự và chính trị,…Minh họa cho những phát triển tích cực này đã được nhiều người phân tích và đề cập.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều tôi cho là đáng tiếc nhất trong 15 năm qua của quan hệ Việt-Mỹ. Thứ nhất, mối bang giao Việt-Mỹ lẽ ra đã có thể bắt đầu trở lại sớm hơn và phát triển rộng và sâu sắc hơn nhiều. Mặc dù nhiều người cho rằng quan hệ Việt-Mỹ đã có sự phát triển nhanh, nhưng đó chỉ là so sánh với bản thân mối quan hệ Việt-Mỹ. Chúng ta sẽ thấy khác, nếu so sánh quan hệ Việt-Mỹ với quan hệ giữa Mỹ và các nước khác. Ví dụ, chỉ cần so sánh với Campuchia, một quốc gia láng giềng có bối cảnh chính trị khá tương tự với Việt Nam sau 1975 và vị thế địa chính trị kém quan trọng hơn Việt Nam, đã được bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ và được hưởng các qui chế thương mại với Hoa Kỳ sớm hơn Việt Nam và đến nay Campuchia đang có nhiều hợp tác với Hoa Kỳ sâu sắc hơn Việt Nam. Và khi nhìn xa hơn, quan hệ Nhật bản-Mỹ đã chỉ cần 7 năm để từ cựu thù trở thành những đồng minh chiến lược của nhau.

Thứ hai, khi quan hệ với một quốc gia văn minh như Hoa Kỳ, phía Việt Nam chưa chú trọng tới việc tiếp thu các giá trị (tinh thần) tiến bộ của Hoa Kỳ - những điều đã làm nên một Hoa Kỳ hùng mạnh, bền vững suốt hơn một thế kỷ qua. Cụ thể thì chính quyền Việt Nam cho tới nay mới chỉ chú ý khai thác các lợi thế về kinh tế, thương mại khi quan hệ với Hoa Kỳ và đa phần người dân chỉ bị hấp dẫn bởi một đặc điểm có tính bề ngoài là giàu có, thích hưởng thụ tiện nghi vật chất của xã hội Mỹ.

VOA: Ông có thể nói rõ thêm về các giá trị tiến bộ của Hoa Kỳ?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Các nhà khoa học về xã hội nhân văn đã nêu ra nhiều giá trị tiến bộ khác nhau trong xã hội Mỹ. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến 3 giá trị của xã hội Mỹ rất đáng tham khảo. Giá trị thứ nhất, giới tinh hoa của xã hội Mỹ gần như có một sự nhất trí tuyệt đối về quan niệm cho rằng bất kỳ sự tích tụ quyền lực công nào (vào tổ chức, đảng phái hay cá nhân) cũng dẫn đến độc tài, gây nguy hiểm cho quyền con người, sự toàn vẹn chủ quyền và sự giàu mạnh của quốc gia.

Do đó giới tinh hoa Mỹ và xã hội Mỹ từ thời kỳ lập quốc đến nay luôn nghiêng hẳn về việc ủng hộ và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ nguyên tắc tam quyền phân lập trong hệ thống quyền lực công và sự cạnh tranh công khai để giành quyền được đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo đất nước. Giá trị thứ hai, xã hội Mỹ rất coi trọng và hết sức bảo vệ sự “bình đẳng cơ hội” (equality of opportunity) cho mọi công dân bất kể sắc tộc, giai tầng, nguồn gốc. Người Mỹ coi “bình đẳng về cơ hội” là nền tảng để quốc gia Mỹ có thể huy động được tối đa mọi tài năng và sức mạnh tiềm ẩn trong xã hội. Người Mỹ luôn sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ sự “bình đẳng cơ hội”.

Cho đến nay, có thể nói, bất kỳ người Mỹ nào, dù có nguồn gốc Á, Âu hay Phi, đều cảm thấy nực cười và không thể chấp nhận được khi có ai đó tự cho bản thân hay sắc tộc, đảng phái của mình có khả năng duy nhất để làm tốt một việc gì đó. Giá trị thứ ba là người Mỹ có tinh thần cởi mở, dung thứ và độ lượng rất cao. Người Mỹ có thể cạnh tranh, chỉ trích nhau rất quyết liệt (thậm chí đã từng đánh nhau dữ dội như hồi nội chiến 1861-1865) nhưng họ rất dễ dàng tha thứ cho nhau, thân thiện với nhau trở lại để cùng sống hòa bình hoặc để cùng phụng sự lợi ích công cộng.

VOA: Thưa ông, đâu là nguyên nhân của sự phát triển vừa đáng mừng vừa đáng tiếc trong quan hệ Việt-Mỹ trong 15 năm qua như ông vừa nêu?
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Có rất nhiều nguyên nhân nếu nhìn ở các góc độ khác nhau, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, theo tôi, nằm trong động cơ nền tảng của mối bang giao Việt-Mỹ trong 15 năm qua. Như chúng ta thấy mối bang giao Việt-Mỹ trong 15 năm qua không chỉ là mối bang giao giữa hai hệ thống chính quyền đã từng là cựu thù của nhau (tôi xin nhấn mạnh cựu thù giữa hai hệ thống chính quyền chứ không phải hai dân tộc như nhiều người ngộ nhận) mà còn là mối bang giao giữa một quốc gia có hệ thống chính trị thuộc loại dân chủ trưởng thành nhất thế giới với một quốc gia có nền chính trị độc đảng, phi dân chủ. Và chính vì sự trái ngược nhau giữa hai hệ thống chính trị, nên động cơ thiết lập mối bang giao từ hai quốc gia cũng có nền tảng hoàn toàn khác nhau. Đối với Hoa Kỳ, động cơ để thiết lập bang giao với Việt Nam được đặt trên nền tảng lợi ích tối cao của quốc gia Hoa Kỳ.

Còn đối với Việt Nam thì động cơ để thiết lập bang giao với Hoa Kỳ lại đặt trên nền tảng lợi ích tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN) trong nhu cầu giữ quyền lãnh đạo độc tôn trên toàn quốc gia Việt Nam. Do đó, từ tổng thể cho đến từng chi tiết, sự phát triển của mối bang giao Hoa Kỳ-Việt Nam trong 15 năm qua đều phát triển trong khuôn khổ qui định của hai động cơ nền tảng vừa kể.

Về phía Hoa Kỳ, mặc dù là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và lại có hệ thống chính trị dân chủ nhưng cấp cao nhất trong hầu hết các chính phủ cầm quyền ở Hoa Kỳ, ngay từ sau 1975 cho đến nay, vẫn luôn sẵn sàng thiết lập hay mở rộng quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, kể cả về văn hóa, an ninh, quân sự, chính trị vì điều đó hoàn toàn có lợi cho Hoa Kỳ trong các vấn đề như mở rộng thị trường xuất khẩu, kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung quốc, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân v.v tại vùng Đông Nam Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Trong khi đó về phía Việt Nam, sự phát triển của mối quan hệ với Hoa Kỳ lại thể hiện rõ sự khinh thường, thúc bách hay do dự xuất phát từ nhu cầu cầm quyền của ĐCS VN. Ví dụ cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCS VN không chỉ khinh thường các tín hiệu muốn thiết lập bang giao với Việt Nam từ phía chính quyền Jimmy Carter vào năm 1977 mà còn không coi trọng những đề xuất sớm nối lại quan hệ với Hoa Kỳ từ những nhân vật cấp dưới trong ĐCS VN như cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Phải đến khi ĐCS VN bị mất các nguồn viện trợ từ khối Xã hội chủ nghĩa và buộc phải “cởi trói” kinh tế để tránh một đại khủng hoảng xã hội (vào nửa cuối thập niên 1980), ĐCS VN mới bắt đầu nhận ra sự cần thiết trong việc thiết lập bang giao với Hoa Kỳ, vì thiếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ thì mục tiêu phát triển kinh tế để giữ vững “ổn định chính trị” của ĐCS VN sẽ rất khó khăn hoặc bất khả thi.

Tôi còn nhớ một chi tiết do một cựu quan chức của Tổng cục Hàng không Việt Nam cho biết là vào những năm đầu thập niên 1990 Tổng cục Hàng không Việt Nam không thể thuê hay mua thiết bị để nâng cấp máy bay chuyên cơ cho cấp lãnh đạo cao cấp của ĐCS VN chỉ vì các hãng cung cấp quốc tế không dám thực hiện do ngại lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Sự do dự của ĐCS VN sau khi đã thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ cũng thể hiện khá rõ. Ví dụ, chỉ sau khi Trung quốc, Campuchia đã được Hoa Kỳ trao qui chế PNTR (Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn) thì giới lãnh đạo của ĐCS VN mới đi đến thống nhất phải tăng tốc các cuộc đàm phàn và chấp nhận những đòi hỏi, yêu cầu của phía Hoa Kỳ trong các cuộc thương thảo để được hưởng qui chế PNTR (một điều kiện bắt buộc để được tham gia WTO).

Cho đến những năm gần đây, sự phát triển quan hệ với Hoa Kỳ cũng vẫn tiếp tục thể hiện rõ tính do dự, quan ngại cho lợi ích của ĐCS VN cao hơn lợi ích của nhân dân và quốc gia. Ví dụ, sự phát triển trong hợp tác về quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ thấy gia tăng, nhưng vẫn còn khá hình thức và cầm chừng, sau khi dư luận Việt Nam hết sức phẫn nộ trước các hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền từ Trung quốc, trong khi Hoa Kỳ đã phát ra những thông điệp sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam. Hay việc ĐCS VN hiện nay rất muốn được Hoa Kỳ trao cho một qui chế ưu đãi về thương mại có tên GSP (Generalized System of Preferences) nhưng lại không muốn đáp ứng đòi hỏi về phía Hoa Kỳ là Việt Nam cần phải có các tổ chức công đoàn thực sự độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống báo chí và tuyên truyền của ĐCS VN vẫn bị lực lượng bảo thủ duy trì chính sách thông tin cắt xén, che giấu nhằm bóp méo hình ảnh nước Mỹ hay những tiến bộ trong mối quan hệ Việt-Mỹ, vẫn dùng lại cụm từ “Mỹ-Ngụy” gây cho nhận thức của dân chúng về Hoa Kỳ bị thiếu hụt, lệch lạc và thậm chí nghi kỵ, bài Mỹ. Trong khi đó ĐCS VN lại tỏ ra rất “độ lượng” với Trung quốc, không chỉ quên hẳn “bài học” tháng Hai năm 1979 mà còn tỏ ra thân ái, lễ độ trước những hành vi tàn ác, ngang ngược của Trung quốc vẫn đang tái diễn đối với ngư dân Việt Nam và chủ quyền Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tóm lại, những điều đáng tiếc của quan hệ Việt-Mỹ trong 15 năm qua là do ĐCS VN chưa thoát được khỏi ý thức hệ Marx-Lenin và/hoặc vẫn đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của toàn dân tộc. Tuy nhiên, mối bang giao Việt-Mỹ trong 15 năm qua cũng đã giúp cho nhiều người dân và nhiều đảng viên Cộng sản nhận ra rằng những quan ngại, do dự hay né tránh của ĐCS VN khi quan hệ với Hoa Kỳ không chỉ đi ngược lại với nhu cầu phát triển bền vững và bảo toàn chủ quyền của Việt Nam mà còn làm cho uy tín cầm quyền của ĐCS VN ngày càng bị xói mòn thêm.

VOA:
Ông nghĩ sao về nhận định cho rằng sự giao hảo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi cho kinh tế Việt Nam và do đó cũng có lợi cho nỗ lực dân chủ hóa Việt Nam?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Đúng là giữa phát triển kinh tế và dân chủ hóa có mối liên hệ với nhau, nhưng mối liên hệ đó không phải là mối liên hệ thuận chiều hay có tính nhân quả tất yếu, mặc dù chúng có thể tác động thúc đẩy lẫn nhau. Vì bản chất của kinh tế là nhằm gia tăng các giá trị vật chất (hữu hình) cho cá nhân và xã hội còn bản chất của dân chủ hóa là nhằm xây dựng các giá trị tiến bộ (vô hình) cho cá nhân và cộng đồng. Cũng giống như hai phần của một con người là thể xác (tương đương với kinh tế) và tinh thần (tương đương với dân chủ). Một thể xác luôn đói khát thì khó nói đến đạo đức hay những giá trị tinh thần cao đẹp. Nhưng một thể xác đầy đủ, béo tốt lại không thể đảm bảo để con người có một đời sống tinh thần lành mạnh, tử tế, thậm chí sự thừa thãi về vật chất còn làm con người trở nên bệnh tật về thể xác và bệnh hoạn về tinh thần. Tương tự, ô nhiễm môi trường, băng hoại đạo đức và tham nhũng tràn lan là ba đặc điểm luôn nổi bật trong các chế độ chỉ “cởi trói” về kinh tế nhưng vẫn độc đoán về chính trị.

Do đó, sẽ là sai lầm khi cho rằng sự phát triển trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tự nhiên mang lại thuận lợi cho dân chủ hóa Việt Nam, chưa kể đến việc tăng trưởng kinh tế trong môi trường phi dân chủ sẽ tạo điều kiện để các lực lượng cầm quyền độc đoán có thêm những nguồn lực mờ ám làm tăng sức mạnh cho bộ máy tuyên truyền và bộ máy đàn áp của chúng. Ngay như nước Mỹ vào thập niên 1960 (khi đó đã có mức sống kinh tế cao hơn Việt Nam hiện nay rất nhiều) cũng vẫn phải có những nỗ lực vận động, đấu tranh, hy sinh để bảo vệ và hoàn thiện nền dân chủ Mỹ, nếu không, nước Mỹ chắc chưa thể có một tổng thống da màu và một xã hội vững mạnh như ngày hôm nay.

VOA: Trong cuộc họp báo hôm 29 tháng 6 ở Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak cho biết Washington “đã cấp các khoản tài trợ trị giá tổng cộng 350.000 đôla cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam để củng cố dân chủ, gia tăng sự tôn trọng dành cho xã hội dân sự và nền pháp quyền, và thúc đẩy nhân quyền và nữ quyền.” Ông nhận định như thế nào về nỗ lực của Hoa Kỳ trong lãnh vực này và ông muốn giới hữu trách ở Washington có những nỗ lực cụ thể nào để góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam?

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Việc chính quyền Hoa Kỳ trợ giúp tài chính cho các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam là một hướng đi đúng đắn và cần tăng cường hơn nữa vì một xã hội dân chủ không thể thiếu các tổ chức, hội đoàn dân sự độc lập hay “phi chính phủ”. Tuy nhiên, chúng ta nên hết sức lưu ý để các trợ giúp đến được đúng đích vì các tổ chức được hoạt động công khai và hợp pháp ở Việt Nam hiện nay rất khó giữ được tính “phi chính phủ” hoặc chúng chỉ là các “tổ chức phi chính phủ” trá hình còn thực chất vẫn là các tổ chức của chính phủ vì ĐCS VN hiện vẫn tìm mọi cách chi phối, kiểm soát mọi tổ chức, hội đoàn dân sự, không cho phép bất cứ một tổ chức quần chúng nào có tính độc lập, tự quản tồn tại.

Về mong muốn giới hữu trách tại Washington đối với tiến trình dân chủ hóa Việt Nam: thứ nhất, với tư cách là một người Việt Nam, tôi lại muốn tự đặt câu hỏi ngược lại là “Người Việt Nam chúng ta đã ý thức được tầm quan trọng và nỗ lực hết sức cho dân chủ hóa Việt Nam hay chưa?” vì mọi nỗ lực hay trợ giúp quốc tế đều trở nên vô nghĩa và thậm chí trở nên kỳ cục nếu bản thân người dân nước sở tại không dám đấu tranh và trả giá cho những tiến bộ xã hội.

Thứ hai, chúng ta phải hiểu các giới chức tại Washington là những viên chức của một nhà nước dân chủ, nghĩa là trách nhiệm trước tiên của họ là phải phục vụ lợi ích cho nhân dân Mỹ. Do đó chúng ta không nên quá kỳ vọng, đòi hỏi hay quá bi quan, trách móc khi nhìn vào sự ủng hộ, trợ giúp từ giới hữu trách Washington. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng các giá trị văn minh như dân chủ, nhân quyền là các giá trị mà gần như bất kỳ người Mỹ nào cũng chia sẻ và ủng hộ.

Ngắn gọn lại, theo tôi, chỉ riêng việc giới hữu trách tại Washington vẫn tiếp tục duy trì và cố gắng mở rộng phạm vi trong quan hệ Việt-Mỹ đã là một thuận lợi, trợ giúp quí giá cho tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam rồi. Phần việc còn lại phải là của chúng ta-những con dân của nước Việt Nam.

VOA: Xin cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã dành cho Ban Việt ngữ cuộc phỏng vấn này.

Thần kỳ Vinaxhin


Suốt mấy ngày qua cái tên Vinaxhin liên tục xuất hiện trên trang nhất của các ấn phẩm báo chí lớn nhất của khu vực và thế giới, đặc biệt là các tạp chí chuyên về kinh doanh, kinh tế. Vinaxhin là tên của một đại công ty của xứ Biệt Nam vừa năm thứ ba liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng 50 công ty có tính sáng tạo và minh bạch nhất thế giới do tạp chí Pusinessweek bình chọn. Vinaxhin hoạt động đa lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Các sản phẩm và mặt hàng kinh doanh của Vinaxhin rất đa dạng và khác biệt từ sản xuất tàu biển, tàu vũ trụ cho đến môi giới đầu tư, quản lý khách sạn, kinh doanh xe máy và là chủ sở hữu của hàng trăm các sáng chế khác nhau. Vinaxhin hiện đang là mẫu mực cho sự táo bạo, sáng tạo nhưng rất minh bạch, trách nhiệm cộng đồng trên thương trường toàn cầu. Tuy nhiên, cái tên Vinaxhin đã có một thời đồng nghĩa với một vụ đại phá sản, đục khoét tiền dân khổng lồ của xứ Biệt Nam.

Vụ việc xảy ra cách đây đã khá lâu (hoặc chưa lâu lắm, tùy theo quan niệm của mỗi người). Năm đó, không hiểu sao đúng vào lúc tiết trời rất nóng, dư luận ở xứ Biệt Nam lại xôn xao khi biết có một đại công ty nhà nước tên là Vinaxhin làm thất thoát rất nhiều tiền và tài sản của người dân (khi đó vẫn hay gọi một cách mỹ miều là “lạm dụng ngân sách nhà nước”). Biển lận tiền dân và thậm chí biển lận lãnh thổ quốc gia không còn là chuyện lạ ở xứ Biệt Nam khi đó. Nhưng lần này, người dân hết sức bối rối và choáng váng khi nhìn hàng chữ số dài dằng dặc biểu hiện số tiền của mình bị Vinaxhin làm cho “biến mất”. Nhiều người không thể đọc nổi, vì cả đời chưa bao giờ gặp con số nào dài đến thế. Vinaxhin cũng như hàng chục các đại công ty nhà nước khác của xứ Biệt Nam lúc đó, thực chất, chỉ là những nơi để các “bố già” và tay chân của họ rút tiền dân một cách đàng hoàng và hợp pháp mà thôi. Bằng chứng là ngay báo chí của chính các “bố già”, không hiểu vì lý do gì, cũng từng viết: “…Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn quá thấp hay thậm chí thua lỗ triền miên, nhưng các công ty và các tập đoàn nhà nước vẫn tồn tại và…tiếp tục được Nhà nước rót tiền và dành cho nhiều ưu đãi.” Điều oái ăm là vụ Vinaxhin lại nổ ra đúng vào lúc cuộc đua tranh giành quyền được thu gom và sử dụng tiền thuế của dân giữa các “bố già” trong (băng) đảng hợp pháp duy nhất đang vào hồi quyết định. Nghe nói các “bố già” của Vinaxhin đã tìm mọi cách để biến báo, giấu nhẹm sự vỡ lở tai hại tại Vinaxhin, kể cả phải nhờ cậy sự trợ giúp của các đại công ty của các “bố già” chiến hữu và các “bố già” xứ láng giềng có biệt hiệu “bốn tốt”, nhưng đều bất lực. Dư luận của xứ Biệt Nam cứ cuộn lên, sôi sục khắp nơi, nhất là những vùng hoang hóa, tiêu điều do Vinaxhin để lại. Dư luận dâng cao đến mức không chỉ đòi phải mở tung Vinaxhin và tất cả các đại công ty nhà nước khác cho nhân dân (những người vẫn được các “bố già” gọi là “ông bà chủ”) xem mà còn có nguy đòi được xem nhiều vấn đề khác to lớn hơn nhưng khó hình dung hơn nhiều. Có người dân huỵch toẹt luôn: “Thượng bất chính thì hạ nó mới loạn chứ!” Có người lại rất chua chát: “Thế mà tự vỗ ngực là đạo đức, là văn minh đấy!” Có người lại đùng đùng: “Cứ lôi cổ bọn chóp bu ra hỏi tội là xong hết.”

Các “bố già” đối thủ của Vinaxhin cũng không ngờ sự việc lại trượt xa đến thế. Cuối cùng, các “bố già” của Vinaxhin và các “bố già” khác đành ngồi lại với nhau, đánh bài ngửa, tìm cách đưa “dư luận” trở về với sự “ổn định” thường thấy. Sau những cuộc cãi vã hết sức căng thẳng, tất cả các “bố già” lại đi tới nguyên tắc “cùng thắng” và cam kết phối hợp chặt chẽ như các vụ tương tự đã từng xảy ra. Hệ thống truyền thông (hợp phát duy nhất) của các “bố già” bắt đầu đồng loạt phát các tuyên bố, phát biểu hết sức bức xúc và nghiêm khắc của các “bố già” về vụ Vinaxhin. Nào là “Phải điều tra và xử lý nghiêm những cán bộ đã gây thất thoát vốn ngân sách nhà nước tại Vinaxhin.” Nào là “Nhất quyết không thể để những con sâu làm rầu pho lịch sử bằng vàng của Đảng ta.” Rồi là “Phải hết sức lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân nhưng cũng phải cảnh giác với các âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.” Có “bố già” còn đích thân xuất hiện trên truyền hình, cam kết không để vụ Vinaxhin bị chìm xuồng như các vụ PiCI hay TiC 2 và “quyết tâm xứng đáng với vai trò là người đầy tớ trung thành của nhân dân.” Gần một trăm lãnh đạo lớn nhỏ của Vinaxhin lần lượt được đưa vào nhà tù. Dân tình đa phần đều hỉ hả, nhưng cũng có người thờ ơ hay ngờ vực: “Tù thì cũng có năm bảy loại tù!” Các cơ quan tố tụng và hệ thống tuyên truyền đồ sộ của các “bố già” được huy động hết công suất, phối hợp nhịp nhàng để kéo dư luận bu hết vào mấy tên có hành vi “lạm dụng chức vụ” hay “vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính” ở Vinaxhin. Cùng với việc triển khai những biện pháp tế nhị hoặc thiếu tế nhị để chặn, để dập hết tất cả những gì dám vượt khỏi “lề phải”, dư luận về vụ Vinaxhin trở nên nhạt dần. Đám nhân sỹ của xứ Biệt Nam lại im lặng đưa mắt nhìn nhau, rồi quay đi… nhìn vào xa xăm.

Nhưng bỗng “đùng” một cái, xứ Biệt Nam xảy ra những thay đổi hết sức đặc biệt. Nói “đặc biệt” là so với chính xứ Biệt Nam thôi, chứ đối với nhiều xứ khác thì những cái gọi là “đặc biệt” đó đã là điều bình thường từ rất lâu rồi. Trong những điều thay đổi đó, đáng phải kể trước tiên, và nhiều người đồng ý cho là cơ bản nhất, là cả hệ thống công quyền và mọi tổ chức trong xã hội của xứ Biệt Nam được thoát khỏi sự khống chế, ràng buộc của các “bố già” hay nói một cách chữ nghĩa là xứ Biệt Nam không còn bị đặt dưới sự “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” của bất cứ tổ chức, đảng phái nào nữa. Các báo, đài phát thanh, phát hình từng phải chui lủi, vượt “tường lửa”, vượt “sóng” để đến với công luận, đã xuất hiện đàng hoàng trên các sạp báo, được phát một cách tự do trên các làn sóng vô tuyến phủ khắp xứ Biệt Nam. Những cái tên như dalawas.org, poxitvn.net, thongluat.org, noithoaionline.org, tanluan.org, xkafe.org, danchimbiet.com, dcbonline.net, nguoi-biet.com, nuvuongkongly.net, dcctbn.net…hay Tổ Đuốc, Tự đo Ngôn Luận,…AFA, RFY, BOA, PPC, Chân Trời Nới, SBTM…không còn xa lạ hay gây e ngại cho những người thờ ơ với xã hội hay những người nhút nhát nữa. Giới blogger được tự do gõ phím, dốc mọi tâm sự đang u uất hay phấn chấn trong lòng ra blog. Hệ thống truyền thông do các “bố già” để lại, sau một hồi choáng váng và chập choạng, cũng phát triển thành các cơ quan truyền thông độc lập hoặc biến mất. Những cái tên như QDND, ND, An ninh Ghế giới hoặc Hanh Niên, Tuổi Tẻ, BTB1, BTB3, BTB4, BOB…vẫn tồn tại nhưng ở dưới các măng-sét đều ghi thêm dòng chữ “hoàn toàn không như trước”, nhỏ nhưng đậm. Làng báo chí tại xứ Biệt Nam bỗng chốc trở nên sống động, hấp dẫn và bổ ích. Các tổ chức, đoàn thể xã hội của các “bố già” như chỉ chờ đến lúc này là tự tan vỡ hoặc biến thành các tổ chức, đoàn thể hoàn toàn mới. Một Hiến pháp mới được toàn bộ dân của xứ Biệt Nam, không kể trong hay ngoài nước, đóng góp xây dựng và bỏ phiếu thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý lịch sử (lần đầu tiên trên toàn cõi Biệt Nam). Hiến pháp mới qui định rõ ba nhánh quyền lực độc lập của hệ thống nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và các quyền tự do của người dân theo đúng các giá trị phổ quát của nhân loại. Chắc vẫn còn bị ám ảnh bởi Điều 4 Hiến pháp thời “bố già”, nên ngay Điều 1 của Hiến pháp mới ghi rõ: “Đất nước Biệt Nam là của chung của tất cả mọi người Biệt Nam. Không ai được độc quyền bày tỏ lòng yêu nước Biệt Nam hoặc thiết lập sự lãnh đạo, điều khiển độc tôn trên đất nước Biệt Nam với bất kỳ lý do gì.” Trong các doanh trại quân đội tiếng hô của các binh sỹ cứ vang rền: “Chỉ Trung thành với Tổ quốc”. Trong các trụ sở công an chỉ còn thấy treo một dòng chữ rất to: “Chỉ bảo vệ Nhân dân” .

Sau lần thay đổi đặc biệt, xứ Biệt Nam cũng có xảy ra một số việc đáng buồn như dân nghèo nổi dậy đập phá, hôi của của một số gia đình viên chức cũ hay người dân tự trừng trị những viên chức tàn ác trong ngành an ninh thời “bố già” hoặc một số viên chức cũ bỏ lại nhà cửa, đem cả gia đình ra nước ngoài sống. Nhưng hệ thống thực thi pháp luật đều nhanh chóng lập lại trật tự, trừng phạt những hành động xâm phạm tùy tiện tài sản, thể xác, nhân phẩm người khác, bảo vệ mọi tài sản vắng chủ và tạo điều kiện để mọi người được tự do lựa chọn nơi cư trú. Lại có cả những cảnh rất lạ như có những đoàn người rất đông, lẳng lặng cứ đi vòng quanh quảng trường nổi tiếng nhất ở thủ đô, chốc chốc lại đồng loạt mỉm cười rồi lại đồng loạt chảy nước mắt dàn dụa. Mấy triệu người Biệt Nam xa xứ trên khắp thế giới đều tổ chức ăn mừng và náo nức trở về thăm quê. Tự nhiên tất cả những người Biệt Nam trở về đều được gọi khác hẳn với trước. Các phương tiện truyền thông đều đồng loạt gọi họ là “Đồng bào xa xứ”. Thỉnh thoảng có người vẫn còn dùng từ “Biệt kiều”, nhưng từ “Biệt kiều yêu nước” thì mất hẳn. Những cuộc đoàn tụ gia đình cũng xúc động không kém cảnh những bà con ở hai miền Nam-Bắc của xứ Tiều Tiên được gặp lại nhau sau hàng chục năm ly biệt.

Xứ Biệt Nam như được thay da, đổi thịt hoàn toàn. Tuy nhiên, vụ Vinaxhin, cũng như nhiều vụ án dang dở khác, vẫn phải chờ ngày ra tòa để đối diện với Công lý. Nhóm bị cáo trong vụ Vinaxhin gần như hoảng loạn, họ tự coi như đã đến ngày tận số. Lời hứa “Cứ yên tâm sống tạm trong “đó” một thời gian.” đã bay cùng với các “bố già” đi tỵ nạn hết. Dư luận hết sức nóng lòng và hồi hộp chờ đợi ngày phán xử các bị cáo Vinaxhin. Nhưng tất cả các bị cáo và thân nhân đều hết sức ngỡ ngàng khi tiếp xúc với các viên chức mới, gọi là mới nhưng có nhiều người đã từng là viên chức thời “bố già”. Các bị cáo được đối xử đúng với tinh thần “suy đoán vô tội”, được tôn trọng, được gặp gỡ và bàn thảo thoải mái với các luật sư trong quá trình điều tra lại. Khi nhận ra sự hoang mang của các bị cáo, các viên chức của chế độ mới đã nói:”Chúng ta mới chỉ đang vận dúng đúng như những gì mà luật tố tụng của các “bố già” đã qui định thôi mà.” Thân nhân được vào trại giam thăm gặp, trao đổi thường xuyên và không thấy ai gọi điện hay gặp gỡ để vòi vĩnh hay dọa nạt. Thậm chí có tờ báo lỡ gọi họ là tội phạm theo thói quen thời báo chí “bố già” thì lập tức bị các tờ báo khác lên tiếng phê phán, đính chính ngay. Các bị cáo vẫn hết sức căng thẳng, phấp phỏng và chuẩn bị đón nhận những điều xấu nhất. Nhưng đến khi ra tòa thì những phấp phỏng, hoang mang biến dần. Phiên tòa xét xử các bị cáo Vinaxhin là phiên tòa có rất nhiều cái đầu tiên trong lịch sử nước Biệt Nam thống nhất. Lần đầu tiên giới báo chí, trong cũng như ngoài nước, cùng với giới ngoại giao được đến chứng kiến trực tiếp một phiên tòa công khai mà không cần phải có giấy mời hay xin phép trước. Lần đầu tiên cử tọa được vào dự khán xét xử một cách tự do, không ai bị xét hỏi. Lần đầu tiên bị cáo và luật sư được ngồi ngang hàng với bên công tố. Lần đầu tiên bên bị cáo được tranh luận hết sức thoải mái và bình đẳng với bên công tố và hội đồng xét xử. Lần đầu tiên người ta thấy hội đồng xét xử trấn an các bị cáo: “Đề nghị Ông X (Bà Y) cứ bình tĩnh trình bày cho thật đầy đủ và rõ ràng, không sợ thiếu thời gian.” Không thấy ông thẩm phán hay hội thẩm nhân dân nào gọi các bị cáo bằng cái tên trọc lốc cả. Các nhân viên giữ trật tự cho tòa từ ngoài vào trong đều mặc sắc phục đồng màu, mẫn cán, nghiêm khắc nhưng lịch thiệp. Không còn thấy những người có hình dạng đủ loại, với những ánh mắt dò xét, lấc láo, đứng ngồi rải rác khắp tòa và quanh khu vực tòa án của thời “bố già”. Nhiều người đến xem phiên tòa cứ tấm tắc: “Được xử như thế này thì có bị chặt đầu kể cũng hả.” Nhưng có người tỏ ra rất bất bình: “Đ… ai lại đi tử tế với bọn hút máu dân như thế chứ.”

Kết quả của phiên tòa sau đó còn gây ra nhiều tranh cãi hơn nữa. Nhóm luật sư của các bị cáo Vinaxhin đã biện luận thành công, thuyết phục được Hội đồng xét xử đồng ý hoàn toàn với quan điểm của mình. Với chất vấn:”Tại sao Vinaxhin lại dám bổ nhiệm những người mới tốt nghiệp đại học tại chức hoặc chưa có kinh nghiệm quản lý vào những chức vụ quan trọng như thế?”, luật sư của Vinaxhin trả lời: “Kính thưa Hội đồng xét xử, tài năng đâu có đợi tuổi hay phụ thuộc vào bằng cấp. Nếu cứ thành kiến như câu hỏi mà Hội đồng xét xử vừa đặt ra thì làm sao tin được một anh chàng nói năng còn ngọng nghịu, học hành chưa ra đâu vào đâu mà làm chủ cả một hãng hàng không nổi tiếng thế giới hoặc có những cậu thanh niên choai choai nhưng lại lập nên một đại công ty lừng lẫy thế giới. Vậy chúng tôi xin được phản đối câu hỏi vừa nêu của Hội đồng xét xử.” Với chất vấn: “Tại sao chức năng chính là đóng tàu thủy mà Vinaxhin lại đầu tư dàn trải sang rất nhiều lĩnh vực khác, chẳng liên quan gì đến tàu thủy?”, luật sư của Vinaxhin đáp lại: “Kính thưa Hội đồng xét xử, mặc dù chúng tôi rất tôn trọng và cảm kích trước sự uy nghiêm và rộng lượng của Hội đồng xét xử đã dành cho chúng tôi nhưng chúng tôi không thể không thấy câu hỏi của Hội đồng xét xử đã lặp lại sự hời hợt nóng vội của nhóm dư luận thiếu suy xét. Theo chúng tôi, trong một thế giới đã chứng kiến sự sáng tạo của con người là vô giới hạn, thì việc một công ty dám mạo hiểm sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau là chuyện hết sức bình thường. Nếu muốn phê phán thì chúng ta chỉ có thể đặt vấn đề vào tính hiệu quả của những đầu tư đó mà thôi. Do vậy chúng tôi cũng xin phản đối câu hỏi không mang nhiều ý nghĩa đó của Hội đồng xét xử.” Đặc biệt, sau khi các bị cáo phải thừa nhận và Hội đồng xét xử chấp thuận các chứng cứ của bên công tố rằng các bị cáo đã tham nhũng một số tiền tương đương với tổng thu nhập trong hai năm của tỉnh BH (một tỉnh lớn) tại Biệt Nam lúc đó, nhóm luật sư của Vinaxhin lên tiếng:

“Kính thưa Hội đồng xét xử và tất cả các quí vị, xét dưới góc độ trách nhiệm của một công dân và là những người đã tự nhận là “đày tớ” của nhân dân thì thân chủ của chúng tôi đáng nhận tội chết cho những hành vi tội lỗi của họ. Và nếu lại nhìn thêm vào đời sống còn hết sức cơ cực của đa số người dân chúng ta hiện nay hay nhìn vào tình trạng xuống cấp, quá tải của các bệnh viện, các trường học ở khắp Biệt Nam chúng ta, thì thân chủ của chúng tôi phải đáng tội chết hai hay ba lần cũng xứng đáng.

Tuy nhiên, với tư cách là những luật sư đã từng hành nghề trong thời kỳ đất nước chúng ta nằm dưới sự quản lý của các “bố già”, chúng tôi kính xin Hội đồng xét xử hãy xem xét lại bối cảnh chính trị và môi trường kinh doanh của các bị cáo. Theo chúng tôi, nếu phải kết các bị cáo vào tội chết một lần thì chúng ta cần phải kết tội chết cho cái chế độ đã tạo điều kiện và dung dưỡng các hành vi tham nhũng mười lần. Kính thưa Hội đồng xét xử, chúng tôi dám chắc rằng bất kỳ ai khi ở trong vị trí của các bị cáo lúc đó cũng khó có thể tránh được hành vi tham nhũng. Trong lĩnh vực quản lý tài chính người ta thường nói, một cách hình ảnh, rằng “đồng tiền cần phải đặt dưới một bóng đèn bật sáng”. Bóng đèn bật sáng đó tượng trưng cho sự giám sát độc lập, minh bạch từ bên ngoài. Thế nhưng, như Hội đồng xét xử và toàn thể các quí vị đã rõ, trong chế độ trước đây hệ thống quản lý nhà nước từ thấp đến cao đều không có bất cứ một “bóng đèn” nào. Cả hệ thống đó đều đã “tối om” dưới “bàn tay” của các “bố già”. Chúng ta chắc chưa thể quên, công tác thanh tra (dù không có tính độc lập) đối với Vinaxhin còn bị các “bố già” cho dừng ngay khi vụ việc bị vỡ lở.

Xin Hội đồng xét xử và các quí vị đừng cho rằng những biện giải vừa rồi của chúng tôi là muốn chạy tội cho những kẻ tham nhũng hay không đấu tranh triệt để với tham nhũng. Không, ngược lại, chúng tôi hết sức căm thù tham nhũng, chính chúng tôi đã là nạn nhân của tham nhũng và, do nghề nghiệp, chúng tôi hiểu sự tai hại vô cùng lớn của nạn tham nhũng đối với xã hội và từng cá nhân. Nhưng chúng tôi rất muốn chúng ta không nên quên rằng gốc rễ của nạn tham nhũng, hay chính xác hơn là nạn tham nhũng không thể kiểm soát, là do tính chất phi dân chủ, chuyên quyền của hệ thống quyền lực nhà nước. Nói một cách khác, một chế độ chính trị phi dân chủ, chuyên quyền, độc đảng thì không thể chống được tham nhũng.

Nếu tạm gác lại trách nhiệm cá nhân của mỗi con người đối với xã hội thì, theo chúng tôi, tất cả chúng ta, các bị cáo Vinaxhin và kể cả các “bố già”, đều đã cùng là nạn nhân của cái chế độ chính trị tai quái do chính các “bố già” tạo nên. Cái chế độ đó đã đẩy lùi nước Biệt Nam chúng ta về phía sau của lịch sử, đã gây ra bao đau thương, oan trái cho người dân chúng ta và cũng chính chế độ đó đã cầm tù những kẻ đã sinh ra và dung dưỡng nó trong sự tham lam, hận thù và sợ hãi. Rất may, cái chế độ tai quái đó đã vừa bị chúng ta tiễu trừ, vậy thì chúng ta có cần thiết phải tiêu diệt cả những nạn nhân-thủ phạm của cái chế độ đã chết rồi đó không?

Chúng ta đang xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước, một môi trường xã hội tự có sức đề kháng tham nhũng. Vậy việc loại bỏ cuộc sống của những kẻ tham nhũng trước đây có thể là điều không cần thiết vì những người đó sẽ khó có thể tái tham nhũng trong môi trường mới. Chưa kể đến việc khi người dân thấy chế độ mới hành xử khắc nghiệt với những người làm việc cho chế độ cũ thì sẽ không tránh được sự liên tưởng ngay tới cách hành xử nhỏ nhen, hẹp hòi, nông cạn và tàn ác của thời “bố già. Khi đó nhân tâm lại xáo động, lòng người lại nghi ngại, dè dặt, sợ hãi. Chắc chắn điều đó sẽ làm tổn hại tới quá trình hòa giải, hòa hợp, phi hận thù đang có chiều hướng rất tích cực trong toàn xã hội của chúng ta.

Kính thưa quí vị, chúng tôi cũng hiểu sự bức xúc, căm phẫn của tầng lớp dân nghèo đối với các viên chức tham nhũng của thời “bố già” trước đây vẫn rất sôi sục. Nhưng, một chế độ xây dựng lòng tin và uy thế bằng cách chiều theo những đòi hỏi, bức xúc nông nổi của dân chúng sẽ chỉ làm cho chế độ đó rời xa sự chính trực, công bằng và tính dân chủ - những điều tối thiểu cần cho một vị thế lịch sử đáng trân trọng của một chế độ. Vậy, chúng tôi thiết tha đề nghị Hội đồng xét xử hãy cân nhắc giữa việc bắt các bị cáo Vinaxhin phải đền tội bằng mạng sống của họ với việc tìm cho họ một cơ hội sống để họ được chuộc lại lỗi một cách tích cực.

Chúng tôi tin rằng công luận ở khắp nơi và con mắt của lịch sử đang cùng trông đợi vào sự sáng suốt của lý trí và lòng nhân từ trong trái tim của toàn thể các thành viên trong Hội đồng xét xử ngày hôm nay. Cuối cùng, chúng tôi xin phép Hội đồng xét xử và tất cả các quí vị cho chúng tôi được nhắc lại lời nói của Melson Nandela - một con người đã trở thành biểu tượng cho đấu tranh vì tự do, hòa giải, hòa hợp của nhân loại: “Tự do không chỉ là việc giành được tự do cho bản thân mà còn phải biết mang lại tự do và sự yên bình cho người khác.” Xin cảm ơn Hội đồng xét xử và toàn thể quí vị.”

Diễn biến phiên tòa được báo chí xứ Biệt Nam và quốc tế tường thuật, phân tích, mổ xẻ đến từng chi tiết nhỏ. Các tranh luận, cãi vã cứ ào ạt nổ ra quanh các chi tiết do báo chí đưa tin. Có những tranh luận không thể đi đến sự ngã ngũ như: con người “đẻ” ra cơ chế hay cơ chế “đẻ” ra con người? Ai cũng thấy háo hức và thoải mái vì được nói thoải mái những điều mình nghĩ. Nhưng những phát biểu chỉ hơi có tính dọa nạt hay thách thức bạo lực là đã bị Ủy ban gìn giữ Hòa bình (một cơ quan mới thành lập thay cho KA25 thời “bố già’) nhắc nhở ngay. Nếu sau 3 lần nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì đương sự sẽ phải chịu hình phạt không được tham gia tất cả các diễn đàn trong 3 tháng.

Sau mấy ngày phiên tòa phải dừng để nghị án, Hội đồng xét xử đã ra một phán quyết gây bất ngờ, sửng sốt cho tất cả mọi người. Tất cả các bị cáo Vinaxhin được tự do nhưng phải quay trở lại điều hành Vinaxhin dưới sự giám sát chặt chẽ của một Ủy ban đặc biệt (dĩ nhiên là độc lập) với mục tiêu phải tạo ra lợi nhuận để bù đắp lại những thiệt hại mà họ đã gây ra. Thời hạn cuối cùng để hoàn thành mục tiêu sẽ do Ủy ban đặc biệt quyết định, nhưng không quá 30 năm.

Tinh thần tranh biện của cả xứ Biệt Nam lại bùng lên sau phán quyết của Phiên tòa Vinaxhin. Gần như đi đâu người ta cũng nghe nói đến Vinaxhin. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, blog liên tục đăng tải các tranh luận về Phiên tòa Vinaxhin. Thậm chí trong các phiên họp của Quốc hội (đa đảng) mới cũng bàn luận về Phiên tòa Vinaxhin, nhưng Quốc hội không thể can thiệp vào các phán quyết của tòa án. Đa phần người dân đều nghi ngại với phán quyết được cho là “quá nhẹ, quá nhân từ”. Nhưng hầu như tất cả mọi người đều thừa nhận, sau Phiên tòa Vinaxhin, trong mỗi người tự nhiên xuất hiện một cảm giác hết sức đặc biệt, cảm giác mà chưa bao giờ họ thấy kể từ khi hai miền Nam, Bắc được nối liền. Cảm giác đó rất khó gọi tên vì nếu nói ngay ra theo phản xạ thì mỗi người lại sợ người khác hiểu nhầm với tính lấp lửng của từ ngữ thời “bố già”. Nhưng vẫn không thể tìm được từ nào khác ngoài từ: Tin. Các cựu bị cáo Vinaxhin cũng thế, họ thấy hết sức choáng ngợp đến mức hơi choáng váng vì cảm giác mới mẻ ngập tràn trong lòng. Có “bố già”, sau khi theo rõi Phiên tòa Vinaxhin từ nơi tỵ nạn, đã đánh tiếng muốn sớm quay trở lại Biệt Nam, sẵn sàng đối diện với Công lý của chế độ mới. Cả xứ Biệt Nam như được tưới một tinh thần mới, hào hứng, thân thiện, đầy tin tưởng.

Các cựu bị cáo của Phiên tòa Vinaxhin (đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới) hăm hở, bắt tay ngay vào công việc – án phạt dành cho họ. Tất cả đều tự cam kết với Ủy ban đặc biệt sẽ không nhận lương cho đến khi Vinaxhin có lãi và họ đề xuất sẽ đóng góp vào Vinaxhin một số vốn bằng 90% tổng giá trị tài sản hiện có (đã được tòa án thẩm định). Tòa án chấp thuận đề xuất đó sau khi dự tính chắc chắn các cựu bị cáo và gia đình của họ có thể yên tâm sống thoải mái như công dân có mức sống trung bình tại các xứ như Tụy Điển hay Núc-Xăm-Bua trong 30 năm tới với 10% tài sản còn lại. Chỉ sau một thời gian không lâu, Vinaxhin đã hồi phục trở lại và thành công nhanh chóng. Vinaxhin đã không chỉ hoàn đủ số tiền khổng lồ mà các cựu bị cáo đã nhũng lạm mà còn trở thành một đại công ty Vinaxhin với uy tín và danh hiệu lừng lẫy về sáng tạo và minh bạch như ngày hôm nay.

Hôm qua, trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “Người Tương thời” của đài truyền hình tư nhân BNTN nổi tiếng, trả lời câu hỏi “Điều gì đã giúp cho Vinaxhin đạt được sự thành công mà mọi người thường gọi là “thần kỳ” như hiện nay?”, Tổng giám đốc của Vinaxhin trả lời: “Rất khó kể đủ các yếu tố đã dẫn đến thành công của một doanh nghiệp. Nhưng theo chúng tôi có ba yếu tố cơ bản không thể thiếu để một doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình: Thứ nhất là một môi trường cạnh tranh để làm động lực cơ bản. Thứ hai là một hệ thống hành chính và pháp luật minh bạch để đảm bảo sự cạnh tranh diễn ra công bằng, văn minh. Và thứ ba là một tinh thần dám chinh phục những điều không thể. Vinaxhin thời chế độ mới đã có cả ba yếu tố đó.”

- “Khả năng tài chính không quan trọng sao, thưa ông?”,
- “Không, hoàn toàn không quan trọng. Cốt lõi là ý tưởng kinh doanh độc đáo, kèm theo một kế hoạch thực hiện khả thi. Khi có hai điều đó, các nhà băng, các quĩ đầu tư và công chúng sẵn sàng cung cấp vốn tài chính cho chúng ta.”
- “Thế còn sự “thần kỳ”?”
- “Thần kỳ ư?”, “Nếu có sự “thần kỳ” thì điều đó nên dành cho chế độ mà chúng ta mới có. Tôi không hiểu lắm về chính trị, nhưng từ khi sống trong chế độ mới đến nay tôi thấy hình như tất cả chúng ta đã tin nhau hơn và niềm tin vào những điều tốt đẹp đã lớn hơn trước rất nhiều. Ngay như bản thân chúng tôi là những người lẽ ra đã phải chịu tội chết hay bị người đời khinh bỉ, xa lánh thế mà vẫn được những người cầm quyền mới tôn trọng, tin cậy. Có lẽ chính niềm tin đó đã giúp chúng tôi vượt qua những điều tưởng chừng không thể. Và không phải chỉ có chúng tôi mới thành công, cả đất nước chúng ta đã có những tiến bộ mà trước đây chắc không ai dám nghĩ đến. Chúng ta đâu còn bị đất nước láng giềng bắt nạt nữa hay các con em của chúng ta đâu còn phải sợ hãi mỗi khi đến trường. Hình như người xưa đã từng nói ý rằng sự tin cậy lẫn nhau và sự tự tín là báu vật của quốc gia.”

(Chú thích dành riêng cho các độc giả của xứ Bắc Tàn, Tung Quốc hay Cu-Pa: chữ “đùng” trong câu chuyện này chỉ nhằm mô tả đúng cảm giác hết sức bất ngờ của chúng tôi-những người đã luôn cho rằng xứ Biệt Nam mãi mãi chỉ là xứ của những con người hồn hậu, dễ dãi và cam chịu. Đến nay chúng tôi đã phải thay đổi lại gần như tất cả mọi suy nghĩ từng có về họ.)

Phạm Hồng Sơn
07/07/2010

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Tội “chống nhà nước” và nỗi đau của Khổng tử



Nhà nước hay triều đình thì thời nào cũng có thể là một trong hai loại, hoặc là công minh, thương dân hoặc là bất chính, hại dân. Ấy vậy mà thời nào khi một người đã bị khép vào tội “chống nhà nước” hay “chống triều đình” thì coi như mạng sống đã nằm trong tay kẻ khác. Tội ấy luôn là một tội chết. Nhưng lại hầu như thời nào cũng vẫn có người dám cả gan chống lại Triều đình, Chính phủ hay Nhà nước.

Những người cả gan ấy, chắc phải quá mải mê chạy theo chữ Nhân, chữ Nghĩa lắm, nên mới quên khuấy mất chữ Chết. Vì nào có ai lại không sợ chết? Người nào dám khinh cốt nhục bản thân và gia quyến? Lại còn có kẻ nào dại dột đến mức đi chạy theo chữ Lợi đang có chữ Chết lủng lẳng ngay phía trước? Ngay Khổng tử, “vạn thế sư biểu” (người thầy mẫu mực cho muôn đời), người đã răn người ta phải sống theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, còn phải sợ cái hà khắc của triều đình đương thời đến mức lại đi khuyên người ta phải “Chính danh” trong mọi chuyện, nhất là trong những việc “chính trị”. Đã làm vì Nhân, vì Nghĩa thì còn xá gì Danh? Nếu đây không phải là nỗi đau đời không nói ra của Khổng tử thì chắc chắn là một mâu thuẫn, một khiếm khuyết lớn trong tư tưởng của “vạn thế sư biểu”.

Chắc lúc đó Khổng tử không biết (hoặc biết mà chưa kịp nói với các môn đệ) rằng loài người sau ông sẽ giải quyết được mâu thuẫn đương thời của ông- mâu thuẫn giữa thân phận bé nhỏ của kẻ Tiện dân với khao khát làm những việc Nhân, Nghĩa to lớn cho Xã hội. Các hệ thống chính trị dân chủ tự do ngày nay đã không chỉ thừa nhận mà còn đảm bảo để người dân được tự do thực hiện quyền chống (phản đối) sự đồi bại của chính phủ, chống chính sách sai lầm, ác độc của nhà nước hay chống bất cứ cái gì một cách hòa bình và được tự do tham gia, tác động vào mọi công việc điều hành đất nước, quản lý xã hội, bất chấp vị thế hay thân phận. Những điều đó đã được toàn thế giới công nhận là một Quyền đương nhiên của loại động vật có tên là Người[i]. Nói cách khác, loài người nói chung đã đi đến chỗ coi chuyện công khai bày tỏ sự yêu, ghét, ủng hộ hay phản đối bất kỳ cái gì một cách ôn hòa là chuyện thường tình, hữu ích cho loài người và không thể cấm được. Ngay các chính thể hà khắc nhất, bất nhân nhất cũng đâu có ngăn được “bia miệng” và các loại “bia” để đời khác vẫn cứ sừng sững dựng lên dành cho chúng.
Khổng tử chắc phải đang ngậm cười khi thấy mâu thuẫn, khiếm khuyết của ông đã được hậu thế ở nhiều nước hóa giải bằng lý luận và thực tiễn. Ở những nước đó lý tưởng “dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi.[ii] đã được thực hiện rất dễ dàng đúng như mơ ước của Khổng tử. Chỉ có khác, ở những nước đó, người dân không chỉ ước mong hay cầu xin như ông mà họ đã lập được những thiết chế buộc kẻ làm “vua” phải biết “hiếu chi” và “ố chi”, bằng không kẻ đó phải “về vườn” ngay tức khắc.

Nhưng Khổng tử chắc cũng đang đau xót lắm khi “triều đình” trên chính quê hương ông và “triều đình” chư hầu của vài nước lân bang vẫn không chịu hóa giải nỗi đau đời cho ông. Những “triều đình” đó vẫn muốn khép tội chết cho người dám vạch trần sự đồi bại của “triều đình” hay chỉ đơn giản bày tỏ hộ nỗi lòng dân muốn có một “triều đình” khác bớt tham tàn hơn, bớt đớn hèn hơn. Nhưng chết thì ai mà cuối cùng chả phải chết. Chỉ thật thương cho vong linh của Khổng tử và kiếp người tại những nước đó, vẫn chưa thoát được sự đọa đày, trói buộc vì lòng tham của một số kẻ có quyền, mà thôi.

Phạm Hồng Sơn
27/05/2010


[i] Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Điều 19 ghi nhận: “Mọi người đều có quyền tự do về ý kiến và ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền không bị lo ngại về những ý kiến của mình và quyền tìm kiếm, thu nhận và phổ biến những thông tin và những ý tưởng bất cứ bằng phương tiện diễn đạt nào, và không bị giới hạn về các loại biên giới.” Điều 21.2: “Với những điều kiện bình đẳng, mọi người đều có quyền đảm nhận những chức năng công cộng của nước mình.” Điều 21.3: “Ý chí nhân dân là nền tảng uy quyền của các quyền lực công cộng; ý chí đó phải được thể hiện bằng các cuộc bầu cử trung thực được tổ chức theo kỳ hạn; theo chế độ phổ thông bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc theo một thủ tục tương tự nhằm bảo đảm tự do bỏ phiếu.
[ii]phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân.”, đây là nguyên tắc mà Khổng tử quan niệm kẻ làm vua phải tuân theo.

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Rối loạn ở Thái Lan và Phong trào Dân chủ ở Việt Nam


Duy Ái | Washington D.C Thứ Năm, 06 tháng 5 2010

Trong thời gian gần đây, giữa lúc những vụ xuống đường biểu tình của phe Áo Ðỏ ở Bangkok gây ra những vụ xáo trộn lớn cho xã hội Thái Lan, một số người đã nhấn mạnh tới “tình hình chính trị ổn định” của Việt Nam với ngụ ý cho rằng “tranh đấu cho dân chủ có thể dẫn tới hỗn loạn.” Ðể tìm hiểu quan điểm của giới tranh đấu dân chủ Việt Nam về vấn đề này, Ban Việt ngữ VOA đã tiếp xúc với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, người từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù nhiều năm vì đã dịch và phổ biến trên internet bài viết “Thế nào là Dân chủ?” được đăng trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Mời quí thính giả/độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

VOA: Hồi gần đây, trước tình hình hỗn loạn ở Thái Lan, một số người nói rằng đây là một diễn tiến bất lợi cho các phong trào dân chủ trên thế giới, đặc biệt là phong trào dân chủ Việt Nam, vì dân chúng có thể sẽ bớt ủng hộ cho phong trào vì không muốn thấy tình trạng rối loạn xảy ra. Là một người từng bị cầm tù và không ngớt bị sách nhiễu vì những hoạt động cổ xướng cho dân chủ Việt Nam, ông nghĩ sao về nhận định vừa kể?

Phạm Hồng Sơn: Để trả lời câu hỏi này của VOA, trước tiên tôi xin được nói sơ qua về nội dung của hai chữ “Dân chủ”.

Thứ nhất, trải qua lịch sử loài người tính từ thời Hy lạp cổ đại (trước CN khoảng 600 năm) đến nay, khái niệm “Dân chủ” trong khoa học chính trị ngày nay không chỉ bó hẹp trong một số cách hiểu rất đơn giản và thiếu hụt là xã hội có đa đảng hay có tổ chức các cuộc bầu cử có cạnh tranh. Mặc dù trong giới khoa học chính trị hiện nay vẫn chưa thống nhất được một bộ tiêu chuẩn cho “dân chủ”, nhưng các bộ tiêu chuẩn cho “dân chủ” hiện có thường xoay quanh năm vấn đề sau đây: 1. Các cơ quan truyền thông độc lập (không bị kiểm soát hoặc không phụ thuộc chính quyền) 2. Đời sống dân sự và các hội đoàn dân sự độc lập (không bị kiểm soát hoặc không phụ thuộc chính quyền) 3. Các tự do cơ bản của con người (nhân quyền) được thực thi. 4. Có cạnh tranh chính trị để chọn ra những người quản lý, lãnh đạo quốc gia. 5. Hệ thống quyền lực nhà nước có ba nhánh độc lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

Thứ hai, vì “dân chủ” được xác định bởi môt tập hợp các tiêu chuẩn, do đó các quốc gia khác nhau có thể ở những mức độ “dân chủ” khác nhau. Theo tổ chức nghiên cứu chính trị độc lập Economist Intelligence Unit thì có 4 mức độ dân chủ là: “dân chủ đầy đủ” (full democracy), “dân chủ thiếu hụt” (flawed democracy), “phi dân chủ” (nghĩa là độc tài, độc đoán, authoritarian) và một mức trung gian gọi là “chế độ hỗn hợp” (hybrid regime).

VOA: Thưa ông, dựa vào những tiêu chuẩn đó chúng ta có thể đánh giá ra sao về mức độ dân chủ ở Thái Lan?

Theo một xếp hạng năm 2009 về dân chủ của tổ chức Freedom House hoặc năm 2008 của Economist Intelligence Unit thì Thái Lan chỉ được đứng giữa trong nhóm các quốc gia “dân chủ thiếu hụt” (flawed democracy) hay còn gọi là nhóm “tự do một phần” (partly free).

Nhìn vào các bảng xếp hạng vừa kể, chúng ta chỉ thấy bạo loạn xảy ra ở các quốc gia “dân chủ thiếu hụt”, “độc tài” hoặc “hỗn hợp”. Ngoài ra, ta có thể thấy trong các quốc gia “dân chủ đầy đủ” cũng có những bất đồng chính trị, thậm chí khủng hoảng chính trị (như đang xảy ra ở Bỉ) hoặc có những cuộc biểu tình lớn phản đối chính phủ (như mới diễn ra ở Hy lạp) nhưng tất cả những khủng hoảng, phản kháng đó đều được giữ trong khuôn khổ ôn hòa và trật tự, những xô xát hay thậm chí thương vong (nếu có) đều ở mức thấp và trong tầm kiểm soát. Nhìn vào các nước “dân chủ đầy đủ”, thậm chí cả một số nước “dân chủ thiếu hụt” (có điểm số cao) như Đài Loan, Israel, Hungary, chúng ta cũng thấy “dân chủ” (đầy đủ) không chỉ giúp xã hội loại bỏ việc sử dụng bạo lực trong giải quyết các bất đồng mà còn là điều kiện để có một môi trường sống (thiên nhiên và xã hội) lành mạnh, một cuộc sống an toàn cho người dân. Trong bảng xếp hạng của Economist Intelligence Unit thì Thụy Điển là quốc gia đứng đầu bảng trong nhóm “dân chủ đầy đủ” và Bắc Triều tiên đứng cuối bảng trong nhóm “phi dân chủ” (độc tài), điều này có thể đi đến một kết luận là nếu chỉ căn cứ vào “bạo loạn” thì một quốc gia không có bạo loạn thì chỉ có thể là quốc gia đó rất tự do (dân chủ đầy đủ) hoặc rất mất tự do (như khi một con người đã bị trói chặt cả chân tay thì làm sao còn khả năng để va chạm với người khác).

Do vậy, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào những hỗn loạn đang xảy ra ở Thái Lan, nhiều người sẽ cảm thấy phân vân với hai chữ “dân chủ” hoặc giảm nhiệt tình ủng hộ “dân chủ hóa”. Đặc biệt là đối với người dân Việt Nam- những người đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong các cuộc xung đột với nhau và với các lực lượng nước ngoài thì tình trạng hỗn loạn, thương vong như đã xảy ra gần đây tại Thái Lan dễ làm cho người dân e sợ, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về tình hình Thái Lan và hiểu đúng và đầy đủ về Dân chủ, chúng ta sẽ thấy nhu cầu “dân chủ hóa” vẫn là một nhu cầu cấp thiết ở cả tầm thế giới và quốc gia. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia như Thụy điển, Na uy trong thế kỷ 19 hoặc Cộng hòa Séc ngay gần đây đều cho thấy các rối loạn, bạo lực là những điều có thể loại bỏ được hoàn toàn hoặc có thể kiểm soát ở mức chấp nhận được trong quá trình dân chủ hóa.

Cuối cùng, tôi xin được nhấn mạnh lại rằng “dân chủ hóa” không phải chỉ là việc đơn giản chấp nhận “đa đảng” hay tổ chức các cuộc “bầu cử có cạnh tranh”, cũng như xây dựng một nền kinh tế thị trường không phải chỉ là việc chấp nhận nền kinh tế đa thành phần theo kiểu hoang dã cách đây mấy trăm năm để chỉ có lợi cho một bộ phận những người có quyền thế và vô lương tâm. Và “dân chủ hóa” theo một lộ trình (nhiều bước) rõ ràng và khoa học khác hoàn toàn với việc lảng tránh, trì hoãn, đối phó hay bóp méo, giấu giếm nội dung đích thực của dân chủ để kéo dài tình trạng phi dân chủ và/hoặc để dọa dẫm người dân.

VOA: Giáo sư Michael Montesano là một chuyên gia về chính trị Thái Lan đang làm việc ở Viện Quốc tế Sự vụ Singapore (SIIA). Trong cuộc phỏng vấn mới đây (27-04-2010) dành cho VOA, ông Montesano nói rằng "các nước trong khu vực cần xem xét tới gốc rễ của vụ khủng hoảng Thái Lan và tự đặt câu hỏi là kinh tế và xã hội của đất nước mình có hay không có những nguyên do có thể đưa tới một vụ khủng hoảng tương tự." Ông có ý kiến gì về đề nghị của ông Montesano, và theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh được tình trạng xáo trộn hay khủng hoảng chính trị?

Phạm Hồng Sơn: Vâng, tôi hoàn toàn chia sẻ với gợi ý của ông Montesano và thực tế là nhiều người Việt Nam cũng rất chú tâm tới tình hình Thái Lan theo hướng tìm hiểu để áp dụng điều tốt hoặc phòng tránh cái xấu.

Nếu nhìn ở bề ngoài, thì nhiều người có thể lo ngại cho Thái Lan hơn Việt Nam. Nhưng nếu nhìn kỹ vào lịch sử và xã hội hiện nay của hai quốc gia thì vấn đề không đơn giản như thế.

Lịch sử của Thái Lan từ thế kỷ XIX cho đến nay khá phẳng lặng, không phải chịu các cuộc xung đột bạo lực lớn và kéo dài như Việt Nam. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng chỉ thể hiện sự bế tắc trong việc giải quyết xung đột quyền lợi giữa hai thành phần chính trong xã hội Thái Lan hiện nay là thành phần thị dân trung lưu gắn bó với Hoàng gia và bên kia là nông dân và các thành phần dân nghèo. Cuộc khủng hoảng hiện nay chính là sự bùng nổ của mối mâu thuẫn đã âm ỉ từ lâu giữa hai thành phần vừa kể trong xã hội Thái Lan, khi tiếng nói và quyền lợi của nông dân và dân nghèo chưa bao giờ được ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc gia cho đến khi ông Thaksin lên nắm quyền vào năm 2001.

Lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XIX cho đến nay, ngược lại, đã phải liên tục trải qua nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ kéo dài hàng chục năm với các tổn thất hàng triệu sinh mạng, do đó tâm lý nói chung của người dân là rất e sợ xung đột, bạo lực. Tuy nhiên xã hội Việt Nam hiện nay lại đang chứa rất nhiều mâu thuẫn lớn, nhỏ đan xen nhau và đặc biệt hơn Thái Lan là Việt Nam còn đang có một yếu tố hết sức nguy hiểm là chủ quyền đất nước đang bị đe dọa.

VOA: Xin ông vui lòng giải thích rõ hơn về những mâu thuẫn đó.

Theo tôi, có năm mâu thuẫn lớn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay:

Mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế:

Từ năm 1986, đặc biệt từ khi Việt nam có Luật Doanh nghiệp (năm 2000), nền kinh tế Việt nam thực chất đã chuyển từ nền kinh tế hoàn toàn do nhà nước độc quyền sang nền kinh tế thừa nhận quyền tự do kinh doanh của mọi người dân (kể cả đảng viên cộng sản) hay còn gọi là kinh tế thị trường. Nhưng hệ thống quyền lực nhà nước (nền chính trị) của Việt nam, từ năm 1986 đến nay, về cơ bản, vẫn không thay đổi, vẫn giữ nguyên tính chất độc quyền (của một nhóm người) với khả năng can thiệp tùy tiện vào mọi vấn đề của xã hội.. Lịch sử đã cho thấy một hệ thống chính trị độc đoán, phi dân chủ chỉ thuận lợi cho nền kinh tế thị trường kiểu hoang dã (cá lớn nuốt cá bé, vô pháp luật, vô trách nhiệm như thời Karl Marx còn sống). Đây là mâu thuẫn cơ bản nhất và là nguyên nhân sinh ra rất nhiều mâu thuẫn khác trong xã hội Việt Nam hiện nay. Mâu thuẫn này đang hiển hiện ra ngoài bằng nhiều vấn nạn như: thu nhập trung bình tăng nhưng chất lượng sống giảm (chất lượng tăng trưởng GDP thấp), khu vực doanh nghiệp nhà nước đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế (dù được hưởng nhiều ưu đãi hơn khu vực phi nhà nước), hiệu quả đầu tư vốn kém, tham nhũng gia tăng, hố phân cách giàu nghèo đang bị khoét sâu…

Mâu thuẫn giữa tuyên truyền của đảng cầm quyền độc nhất (Đảng Cộng sản Việt nam) với thực tế cuộc sống.

Hầu như tất cả những gì mà Đảng Cộng sản đang tuyên truyền hiện nay đều trái với thực tế. Ví dụ Đảng Cộng sản luôn tuyên truyền đảng viên cộng sản là những thành phần ưu tú của đất nước cả về trí tuệ và đạo đức, nhưng các vụ án tham nhũng lớn nhất hay các vụ án xâm phạm đạo đức đồi bại nhất đã bị phát hiện đều có các đảng viên cộng sản là thủ phạm chính hoặc đồng phạm; Đảng Cộng sản vẫn kêu gọi nhân dân đi theo Chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng đời sống kinh tế của đảng viên cộng sản và chính sách kinh tế của Đảng đều trái ngược với nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx-Lenin.

Mâu thuẫn giữa một bộ phận nhỏ đảng viên cộng sản (có quyền) với đại bộ phận dân
chúng ngoài Đảng Cộng sản.

Sự phân biệt đối xử hết sức vô lý giữa người là đảng viên cộng sản và người không phải là đảng viên cộng sản. Người không phải là đảng viên cộng sản thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể trở thành lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Còn nếu chấp nhận để trở thành đảng viên cộng sản thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận bị mất nhân cách (dù chỉ là tạm thời). Đảng viên cộng sản luôn được hưởng các đặc quyền, ưu đãi hơn những người ngoài Đảng, ngay cả khi cùng phạm một tội giống nhau.

Mâu thuẫn giữa khát khao tự do của giới trí thức và giới trẻ với sự hà khắc của thể chế chính trị.

Sau hơn hai thập niên mở cửa với thế giới, các giá trị văn minh của nhân loại như dân chủ, nhân quyền đang mỗi ngày thấm sâu vào nhận thức của giới trí thức và nhiều bộ phận dân chúng trong xã hội, hình thành một khát khao ngày càng lớn về nhân phẩm, về tự do cá nhân và tự do xã hội. Tuy nhiên khát khao tự do đó đang vấp phải sự dồn ép của thể chế chính trị độc đảng, phi dân chủ.

Mâu thuẫn giữa ngọn cờ truyền thống “độc lập, tự do” của Đảng Cộng sản với thái độ hiện nay của Đảng Cộng sản trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

Thái độ nhún nhường trước các hành vi xâm lấn chủ quyền Việt nam của Trung Quốc và hành động cấm đoán, trấn áp những biểu hiện yêu nước của người dân đang xúc phạm ghê gớm đến tinh thần dân tộc, gây thất vọng lớn và bất mãn không chỉ đối với toàn thể nhân dân mà còn gây đau đớn cho đại bộ phận đảng viên cộng sản, đặc biệt những lão thành Cách mạng. Xã hội đang ngày càng xuất hiện nhiều đảng viên cộng sản thức tỉnh, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Nhà thơ Bùi Minh Quốc, Nhà báo Tống Văn Công, Nhà văn Phạm Đình Trọng, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, Trung tá Vũ Minh Trí...

Cùng với tình trạng xuống cấp trầm trọng trong hầu khắp các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, thực thi pháp luật và sự thiếu vắng hoàn toàn các phương tiện chính thống để người dân bày tỏ nỗi oan khuất, bức xúc, có thể nói xã hội Việt Nam đang âm thầm chất chứa rất nhiều mâu thuẫn, đan xen nhau ở nhiều tầng, nhiều lớp.

VOA: Triển vọng của việc giải quyết mâu thuẫn ở Việt nam và ở Thái Lan có gì khác nhau không, thưa ông?

Nếu coi những biểu hiện của Thái Lan hiện nay là hậu quả của phái hữu (phái bảo hoàng, giới tướng lãnh và các nhà tài phiệt thân hoàng gia) còn bảo thủ, đã không nhìn ra hoặc không đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ và bình đẳng xã hội, vẫn cố ỷ vào tâm lý sùng kính Vua Bhumibol Adulyadej của xã hội Thái Lan để duy trì những đặc quyền do nền dân chủ thiếu hụt đem lại, thì Việt Nam, phái tả cực đoan đang cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không đáp ứng chút nào đối với nhu cầu dân chủ hóa đang ngày càng nóng bỏng tại Việt Nam, họ vẫn cố lợi dụng tâm lý chán chiến tranh, muốn hòa bình, ổn định đời sống của đại bộ phận người dân để duy trì những đặc quyền do chế độc đảng phi dân chủ mang lại, bất chấp cả việc Tổ quốc bị xúc phạm, chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị cướp đoạt.

Bất kỳ xã hội nào cũng có mâu thuẫn, nhưng điều đáng nói ở Thái Lan hiện nay là cách thức giải quyết mâu thuẫn để cân bằng lợi ích giữa các thành phần trong xã hội đang có xu hướng bạo lực hóa nặng hơn (vì các tiêu chuẩn dân chủ còn thiếu hoặc bị phá vỡ). Trong khi đó những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam lại đang bị tích tụ và dồn nén, bị trấn áp hoàn toàn (vì chưa đạt được một tiêu chuẩn dân chủ cơ bản nào).

Về lý thuyết, khi nghiên cứu các cuộc khủng hoảng (dù là chính trị, kinh tế, tài chính hay môi trường), người ta luôn thấy đằng sau các cuộc khủng hoảng (khi đã nổ ra) đều đã âm ỉ một nhu cầu thay đổi có tính nền tảng và nguyên nhân khiến khủng hoảng nổ ra (không ngăn chặn được khủng hoảng) là do con người đã không nhận biết hoặc không đáp ứng kịp cho nhu cầu thay đổi đó. Nói cách khác, trước khi một khủng hoảng xảy ra thường vẫn luôn có nhiều người và nhiều người có ảnh hưởng (về chuyên môn hoặc quyền lực) khẳng định rằng sẽ không có khủng hoảng. Chính yếu tố này qui định một đặc tính bất biến của khủng hoảng là tính bất ngờ. Vì vậy sẽ là không đơn giản khi thuyết phục những người có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam về những việc phải làm để tránh tình trạng khủng hoảng chính trị, xã hội có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào Thái Lan hiện nay, vẫn có một hy vọng cho cuộc khủng hoảng đang diễn tiến là, vì các bức xúc giữa các bên tại Thái Lan vẫn được thể hiện, không bị trấn áp hoàn toàn, nếu xu hướng căng thẳng bạo lực tiếp tục gia tăng thì cũng chỉ đến một mức độ là có thể được giải tỏa hoặc nhanh chóng bị kìm chế. Trong khi tại Việt nam, cho dù hiện tại xã hội vẫn tỏ ra im lặng, nhưng không ai có thể hình dung được hậu quả khôn lường một khi các mâu thuẫn nhiều tầng, nhiều lớp bị dồn nén, chất chứa lâu ngày đến mức phải tự bung ra. Tình trạng Thái Lan và Việt Nam hiện nay cũng có thể ví như hai chiếc nồi hơi đang bị đun nóng, một chiếc thì có van an toàn (soupape de sûreté), còn chiếc kia không có hoặc chiếc van đã bị bịt kín.

Nhưng chính tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay cũng là cơ hội cho những lãnh đạo, những đảng viên cộng sản thật sự còn có tấm lòng vì dân, vì nước thể hiện được bản lĩnh của mình, quyết tâm ngăn chặn khủng hoảng, chuyển hướng đất nước đi theo con đường dân chủ đích thực. Chỉ có dân chủ hóa mới có thể cứu nguy được đất nước khỏi những hiểm họa hiện nay, may ra còn vớt vát được phần nào những gì đã mất và đang tiếp tục mất vào tay Trung Quốc. Mọi biện pháp có tính đối phó, hình thức hay xoa dịu láu cá không thể giải quyết được vấn đề, chỉ khiến lòng dân thêm chán ngán và giúp kẻ xâm lược thêm táo tợn. Tâm lý chán ghét chiến tranh và e sợ bạo lực của đại bộ phận dân chúng sẽ là một yếu tố thuận lợi cho sự đồng thuận tiến tới những giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp từng bước của lộ trình dân chủ hóa đích thực. Có thể nói ý thức độc lập, bảo vệ chủ quyền trước mối họa từ Trung Quốc và nhu cầu dân chủ hóa xã hội Việt Nam đang trở thành hòn đá thử vàng đối với các đảng viên cộng sản: đi với dân tộc thì còn có cơ hội tồn tại, không bị hậu thế nguyền rủa; vì lợi ích của cá nhân hay đảng phái mà phản bội dân tộc thì kết quả cuối cùng sẽ rất thê thảm. Tấm gương tày liếp của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống là những bài học lịch sử, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

VOA: Xin cám ơn Bác sĩ Phạm Hồng Sơn.

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/focus/thailand-vietnam-05-06-2010-92955624.html