Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Luật Hiến pháp và Chính trị học (10)

Xem các phần: (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9)

Nguyễn Văn Bông

CHƯƠNG III: THAM GIA VÀ BẤT THAM GIA

Mục I: THÁI ĐỘ PHI CHÍNH TRỊ

Trong cuộc sinh hoạt chính trị hiện nay, người ta nhận thấy có hai trào lưu tư tưởng, hai khuynh hướng, tuy khác biệt nhau, nhưng chung quy chỉ là hai hình thức của thái độ phi chính trị. Khuynh hướng thứ nhất đưa đến việc phủ nhận tính cách chính trị của hoạt động của mình. Khuynh hướng thứ hai nhằm đề cao thái độ thụ động của công dân trước thời cuộc.
Chúng ta lần lượt phân tích và phê bình hai khuynh hướng quan trọng này.

Đoạn 1: PHỦ NHẬN TÍNH CÁCH CHÍNH TRỊ CỦA HOẠT ĐỘNG
Như chúng ta đã biết, công dân không tham gia thật sự vào cuộc sinh hoạt chính trị, phần đông vì chán ghét chính trị, vì thiếu thì giờ hoặc vì cho rằng chính trị là một địa hạt không liên quan đến họ, là địa hạt của những nhà chuyên môn chính trị. Loại công dân này thường có một thái độ thụ động.
Trái lại, một số người có những hành vi, những hoạt động liên hệ với cuộc sinh hoạt chính trị, nhưng đối với những người này, những hành vi đó không có tính cách chính trị. Họ phủ nhận rằng hành động của họ, lập trường của họ có tính cách chính trị. Thái độ phi chính trị này, vì tầm quan trọng của nó, vì tính cách phổ thông của nó, cần được phân tích rõ rệt vì thái độ này là một khía cạnh quan trọng của sự tham gia chính trị. Chúng ta có thể nói một cách tổng quát rằng có 3 trạng thái khác nhau về thái độ phi chính trị: hoặc đó chỉ là một ảo tưởng, chỉ là một chiến thuật, chỉ là một nhiệm vụ.

A. Một ảo tưởng

Thái độ phi chính trị, một ảo tưởng, là lập trường của tất cả những người tham gia và cuộc sinh hoạt chính trị, nhưng đồng thời lại phủ nhận tính cách chính trị của hoạt động ấy. Và họ phủ nhận một cách cương quyết, thành thật. Tại sao? Sở dĩ như thế là vì những người này có một quan niệm quá hẹp hòi; quá khắt khe về chính trị, và đôi khi lại chống chính trị.
* Hoặc họ cho rằng chính trị là cái gì liên quan đến chính đảng, đến bè phái. Vì thế khi mà hoạt động của họ trên đảng phái hay ngoài đảng phái, khi mà hoạt động của họ không có tính cách chia rẽ, phân li thì họ quan niệm rằng đó không phải là chính trị, đó là những hành vi không có tính cách chính trị.
* Hoặc họ cho rằng chính trị là cái gì liên quan đến ý thức hệ, đến sự đấu tranh về ý thức hệ. Vì thế mà khi hoạt động của họ bề ngoài, có tính cách kĩ thuật, dựa trên kinh nghiệm thực hành, thì không bao giờ nhận rằng hành vi ấy là hành vi chính trị.

Đó là một quan niệm quá chật hẹp về chính trị. Họ không chấp nhận được rằng chính trị chi phối những địa hạt quan trọng và rộng rãi của mối tương quan của con người, chứ không phải chỉ vỏn vẹn nằm trong lĩnh vực định chế và chính quyền. Họ từ khước việc xem xét, việc cân nhắc những hậu quả chính trị của hành vi mà họ cho rằng chỉ có tính cách riêng tư.
Tâm trạng này là tâm trạng của rất nhiều người. Ví dụ:
* Trường hợp của những đạo sĩ, những vị tu hành. Những vị này, trong những ngày cách mạng, giữa lúc chính biến, có những hành vi như: góp tiền để giúp tù nhân chính trị, cho ở trong nhà mình, giấu trong nhà mình những kẻ đối lập chính trị. Đó là những hành vi hoàn toàn và không thể chối cãi có tính cách chính trị. Nhưng vì lòng từ thiện của họ, vì họ cho rằng làm như thế ngoài mục đích chính trị, mà trái lại vì đó là bổn phận, vì đó là để tránh cho con người những đau khổ. Họ thành thật cho rằng không vì lí do chính trị, nhưng họ quên rằng những hành vi ấy có hậu quả chính trị.
* Trường hợp của những người cầm bút, của văn sĩ: nghề nghiệp của họ đưa đến một lập trường chính trị, hoặc một hậu quả chính trị mà họ không ý thức. Những người cầm bút, trong những bộ tiểu thuyết hay những quyển tùy bút, tiểu luận v.v… Khi họ tố cáo những tệ đoan trong xã hội, khi họ miêu tả chính giới với những đặc điểm như loạn luân lãng mạng, những con buôn chính trị, khi họ tố cáo những thối nát của chính quyền, thì dù muốn dù không, dù cho họ có phủ nhận rằng họ không bao giờ có ý định phán đoán giá trị xã hội mà họ phác họa hay phân tích, dù muốn dù không, hành vi của họ có tính cách chính trị, có hậu quả chính trị và đôi khi, nhận định của họ có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sinh hoạt chính trị.
* Trường hợp của những nhà bác học: khi họ tố cáo thảm họa của thí nghiệm nguyên tử hay chiến tranh nguyên tử, lời tuyên bố hay hành vi của họ hoàn toàn có tính cách khách quan, trên cả ý thức hệ và đảng phái chính trị. Vẫn biết rằng hành vi ấy chỉ nhằm mục tiêu cao cả, nhân đạo và sự tồn vong của nhân loại, nhưng họ không thể ngăn cản được sự kiện là lời tuyên bố của họ sẽ được khai thác trên phương diện chính trị, lời tuyên bố của họ không thể không có ảnh hưởng chính trị và là một yếu tố quan trọng trong lãnh vực bang giao quốc tế.
Đấy là một vài ví dụ tâm trạng, thường thường của nhiều người tưởng mình đứng ngoài chính trị. Lập trường phi chính trị này dựa trên những hành vi mà người ta cho rằng tự nó không có tính chất chính trị, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì, dù tự nó không có tính chất chính trị đó là hành vi có hậu quả chính trị. Mà tất cả những hành vi có hậu quả chính trị là những hành vi chính trị.
Thái độ phi chính trị này, chúng ta lại tìm thấy được đề cao bởi những tổ chức, nhưng đây không phải vì một ảo tưởng: nó trở thành một chiến thuật.
B. Một chiến thuật
Thái độ phi chính trị, một chiến thuật, là thái độ của những ai, và nhất là của những tổ chức, chối cãi rằng mình tham gia chính trị, mà kỳ thật thì trong thâm tâm lại nghĩ khác.
Vì chính trị có tiếng không tốt, như chúng ta đã biết, cho nên các nhà lãnh đạo các nghiệp đoàn, hiệp hội ngại rằng có một thái độ rõ rệt hay là dùng những danh từ hơi chính trị một chút có thể sẽ làm sứt mẻ tình đoàn kết của nhân viên, và làm cho họ hoảng sợ. Bởi thế các nhà lãnh đạo khôn khéo luôn luôn quả quyết rằng lập trường của mình hay là quyết định của mình chỉ nhằm việc bảo vệ quyền lợi của đoàn thể, đứng ngoài mọi tranh chấp chính trị. Họ cố tránh danh từ chính trị và chỉ dùng nào là quyền lợi nghiệp đoàn, quyền lợi công dân, quyền lợi quốc gia v.v…
Mặc dù họ can thiệp vào chính quyền, và sự can thiệp có tính cách chính trị không thể chối cãi, họ vẫn tuyên bố nhân danh quyền lợi của đoàn thể và đứng ngoài đảng phái. “Chúng tôi bảo vệ quyền lợi của chúng tôi chứ chúng tôi không có làm chính trị.”
Đó chỉ là thái độ phi chính trị bề ngoài và ai cũng thừa hiểu rằng những tổ chức không mục tiêu chính trị có những hành vi chính trị và không có thời nào mà người ta không nghe thỉnh thoảng dư luận tố cáo sự can thiệp của giới thương mại, của bức tường tiền bạc vào nội bộ chính trị.
Sở dĩ những nhà lãnh đạo phải bao trùm trên những hành vi chính trị một bức màn có vẻ khách quan, trung lập, đó chỉ là một chiến thuật nhằm đạt kết quả mong muốn mà thôi.
C. Một nhiệm vụ
Đây là khía cạnh thứ ba của lập trường phi chính trị. Ở đây người ta nhằm mong mỏi hoặc đòi hỏi nhân viên chính quyền nên đứng ngoài cuộc sinh hoạt chính trị. Đây là một vấn đề liên hệ đến tình trạng của công chức nói chung.
Trong một chính thể dân chủ, chính thể mà mọi chính kiến đều phải được tự do phát biểu và bảo đảm, mối tương quan giữa nhân viên chính quyền và công dân đặt nhiều vấn đề tế nhị. Để tránh mọi thiên vị và bảo vệ tính cách vô tư của người công chức, Nhà nước bắt buộc công chức phải có một thái độ khách quan khi thừa hành chức vụ. Nghĩa là, trên mọi phương diện nghề nghiệp, họ phải có một thái độ thận trọng đối với tất cả lực lượng chính trị và phải luôn luôn đặt quyền lợi của công vụ trên hết. Và bổn phận của công chức là tuân mệnh lệnh của Chính phủ, bất cứ là Chính phủ nào.
Đây là tình trạng thông thường của công chức trong chính thể dân chủ. Và trước một tình trạng như thế, người ta gán danh từ phi chính trị.
Thật ra khi chúng ta nói đến công chức không làm chính trị, đứng ngoài chính trị, chúng ta chỉ nêu lên một khía cạnh công chức không nên vì cảm tình đảng phái mà quyền công vụ, mà có những hoạt động hoặc quyết định thiên vị. Thái độ phi chính trị nhằm mục tiêu đó, và chỉ có thế thôi.
Nhưng yếu tố bè phái chỉ là một yếu tố trong những yếu tố khác của các quyết định hành chính hay chính trị quan trọng. Công chức, nhất là công chức cao cấp, tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo các quyết định chính trị; công chức không thể không xem vào chính trị.

Đoạn 2: ĐỀ CAO THÁI ĐỘ THỤ ĐỘNG CỦA CÔNG DÂN ĐỐI VỚI THỜI CUỘC
Đây là một khuynh hướng chính trị được thể hiện trong rất nhiều nước, nhất là sau một khủng hoảng chính trị.
Người ta tố cáo chính trị, cho rằng vì chính trị nhiều quá mà hỏng việc tất cả.
A. Và đây là lí luận của những người chủ trương thái độ thụ động của công dân:
“Con người – vấn đề chính của họ là sống, sống đời sống hằng ngày của họ; những lo âu cá nhân hay của gia đình họ chiếm hết thì giờ. Số công dân theo dõi các vấn đề quốc gia với ý muốn tham gia rất hiếm có. Và như thế là tốt lắm! Xứ nào, nước nào mà trong ấy công dân tham gia, thảo luận quá nhiều về chính trị, xứ ấy, nước ấy gần đến ngày tàn.”
Theo khuynh hướng này, thì chính trị là cái gì cao siêu khó khăn và chỉ có một nhóm người am hiểu và đủ thẩm quyền đề cập đến. Những người này chấp nhận nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc bầu cử, nhưng giữa hai cuộc bầu cử, công dân nên trở về công việc hàng ngày riêng tư. Sự tham gia của công dân có tính cách bất thường và khi nào cần đến.
Tóm lại, những người chỉ trích sự tham gia chính trị của công dân và đề cao thái độ thụ động của công dân, cho đó là triệu chứng tốt đẹp của cuộc sinh hoạt chính trị. Thái độ này dựa trên hai ý tưởng chính:
Quần chúng vô thẩm quyền, để định đoạt những vấn đề ấy, và trong trường hợp quần chúng có am hiểu đi nữa, nếu họ phải quyết định chắc chắn là họ quyết định theo quyền lợi riêng tư của họ.
Quyền lực vô chính trị, trên chính trị rất cần thiết để giải quyết những vấn đề trọng đại; nói một cách khác chính trị đóng vai trò của nó nơi mà có sự tranh chấp về quyền lợi nho nhỏ; khi có việc đại sự cần có một quyền lực trên tất cả chính trị

B. Chúng ta nghĩ sao về khuynh hướng và lí luận này?
Cần phải nói ngay rằng là một lập luận không đứng vững.
* Quần chúng không thẩm quyền? Đó là một luận cứ không đứng vững nếu chúng ta nhận thức rằng chính quyền thường thường bao trùm màn bí mật trên các vấn đề quốc gia đại sự. Rồi những kẻ có quyền lực, núp sau bức màn này để tha hồ định đoạt. Họ tuyên bố rầm rĩ lên là khó, họ cố tình làm rối beng công việc nào là hồ sơ chồng chất lên cao, nào là tính cách kĩ thuật của vấn đề, để làm công dân chán ngán. Sau đó, kết luận rằng công dân vô thẩm quyền.
Sự thật ra, không có một vấn đề chính trị nào mà không thể giải nghĩa rõ ràng, và vấn đề quần chúng vô thẩm quyền chỉ là bịa đặt và lí do để gạt sự tham gia của công dân ra ngoài.
Một quyền lực vô chính trị để giải quyết những vấn đề trọng đại? Luận cứ này chỉ là phản ảnh của một ảo tưởng. Cho rằng có thể lấy một quyết định chính trị và chỉ dựa trên một tiêu chuẩn, hay một quan điểm không chính trị, là một ảo tưởng. Bất cứ một người nào, một nhân vật nào, dù là ngự trị ở tận mây xanh đi nữa, khi mà họ quyết định về phương diện chính trị, là đương nhiên họ lấy một quyết định chính trị và họ trở thành một nhân vật chính trị.
Đấy, những luận cứ của những ai chỉ trích sự tham gia không thể đứng vững.
Vẫn biết rằng khi mà công dân có một thái độ hơi tách rời chính trị, không chú ý nhiều đến cuộc sinh hoạt chính trị có thể đó là triệu chứng của một sinh hoạt chính trị ổn định. Thật vậy, khi mà guồng máy chính trị, hành chính của quốc gia chạy đều và trong nước thanh bình, thịnh vượng thì lẽ tất nhiên các vấn đề chính trị kém phần sôi nổi.
Vẫn biết rằng những nhà cầm quyền cần có một chút tự do, một phần tự trị nào đó đối với dư luận, đối với công dân, mới có thể thi hành nhiệm vụ một cách hữu hiệu. Chính quyền không thể làm gì được nếu dư luận cứ thọc gậy bánh xe, cứ quấy nhiễu mãi. Mới lên nắm chính quyền có vài tháng mà mỗi ngày bị gán cho danh từ con rùa thì không làm sao mà làm việc được. Chính quyền – và bất cứ một chính quyền nào cũng cần phải có thì giờ và được yên trí để thi hành nhiệm vụ. Nếu sự tham gia của công dân đưa đến hậu quả nói trên, thì sự tham gia nguy hiểm hơn sự bất tham gia.
Đấy, những chỉ trích sự tham gia chính trị là cho chúng ta phải để ý mực tự trị tương đối của chính quyền. Nhưng không vì lẽ đó mà lại đề cao thái độ thụ động của công dân.
Rất nhiều chế độ chính trị đã bị lật đổ vì đã trốn chính trị và từ khước biến đổi, làm sai lạc sự tham gia chính trị của công dân. Thay vì giữa chính quyền và nhân dân nên có một luồng điện để thông cảm và cùng giải quyết những vấn đề, người ta chỉ nhìn thấy trong những chế độ này, tinh thần vô trách nhiệm, những diễn văn rườm rà, những danh từ trống rỗng.
Chính thể dân chủ đòi hỏi một chính quyền vững mạnh và sự hữu hiệu của những phần tử tinh hoa chính trị có trách nhiệm. Nhưng để có thể lựa chọn những phần tử này một cách tự do, và nếu muốn các phần tử tinh nhuệ ấy có tinh thần trách nhiệm, cần phải có một sự kiểm soát chặt chẽ bởi một dư luận hoạt động và thông thạo. Tức là tham gia chính trị.

Mục II: LẬP TRƯỜNG MÁC-XÍT: SỰ THAM GIA TRONG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LÀ MỘT TRÒ BỊP BỢM

Đoạn 1: NỘI DUNG CỦA LẬP TRƯỜNG
A. Lập trường này không hẳn là của Marx, mà chính là của Lenin. Theo Lenin không thể có sự tham gia trong xã hội tư bản được. Cho đến ngày nào còn giai cấp đấu tranh, mà còn người bóc lột người, tham gia chính trị – và đồng thời danh từ dân chủ – chỉ là một trò hề.
Tại sao? Vì thượng tầng kiến tạo  – nghĩa là các định chế chính trị  – hoàn toàn bị chi phối bởi hạ tầng cơ sở kinh tế và xã hội. Quốc gia, Nhà nước – cái thượng tầng kiến tạo này – chỉ là bộ máy chỉ huy và đàn áp ở trong tay giai cấp thống trị. Vì thế, trong xã hội tư bản ngày nay, Quốc gia, Nhà nước là công cụ của giai cấp trung lưu. Hiểu như thế, thì tất cả những thủ tục tinh vi, cũng như hệ thống pháp lí và chính trị trong xã hội tư bản, chung quy chỉ là những trò bịp bợm hoặc những phương tiện khéo léo hầu bảo đảm sự thống trị của giai cấp nắm quyền. Trong một khung cảnh chính trị như thế, tất cả những quyền lợi, tự do mà xã hội tư bản đã nhìn nhận cho cá nhân và đoàn thể cùng những hiện tượng tham gia hoàn toàn có tính cách trừu tượng, pháp lí chứ không có một nội dung thực sự. Lenin cũng nhìn nhận rằng dân chủ kiểu Âu-Mỹ ngày nay là một bước tiến, một giai đoạn cần thiết và là một con đường ngắn nhất để tiến đến độc tài vô sản[1].

A. Thuyết Mác-xít không phủ nhận sự có thể có được của một xã hội dân chủ. Nhưng dân chủ chỉ có thể có được sau một cuộc cách mạng phá vỡ xã hội giai cấp ngày nay và thiết lập độc tài vô sản. Mà độc tài vô sản có phải dân chủ không? Lenin, trong quyển Nhà nước và Cách mạng đã cố gắng trả lời câu hỏi quan trọng này. Ông cho rằng không thể phán đoán độc tài vô sản mà không chú ý đến điều kiện sinh hoạt của xã hội trong ấy độc tài vô sản được thiết lập. Vì độc tài vô sản là một chế độ độc tài, một chế độ trong ấy vẫn còn giai cấp này đàn áp giai cấp nọ, một hệ thống cưỡng bách, thế không thể xem độc tài vô sản là một chế độ thực hiện dân chủ được. Vì chỗ nào có cưỡng bách áp bức, chỗ ấy không có dân chủ được. Tuy nhiên, đối với tình trạng trước, độc tài vô sản là một bước tiến trên đường dân chủ, vì trong xã hội tư bản ngày trước, dân chủ là một thứ dân chủ của một thiểu số thống trị đa số; trái lại, với độc tài vô sản là một thứ độc tài của đa số bị bóc lột đối với thiểu số xưa kia từng bóc lột.
Và Lenin kết luận rằng sự tiến triển của độc tài vô sản sẽ đưa đến một xã hội không giai cấp trong ấy nền dân chủ thực sự sẽ nẩy nở mau chóng.

Đoạn 2: NHẬN XÉT

Lập trường Mác-xít trên đây rất là quan trọng. Trên phương diện lí thuyết và triết học, vấn đề được đặt ra là vấn đề tự do của con người. Những người theo chủ nghĩa Mác-Lê quan niệm rằng tự do, không phải là một dữ kiện đồng thời tồn tại với con người, mà là sản phẩm của sự tiến triển của con người. Bởi thế cho nên, con người trở thành tự do, con người tự đặt điều kiện để có tự do và điều kiện ấy là cách mạng vô sản. Thuyết Mác-xít cho rằng nói đến tự do có trước hay đồng thời tồn tại với con người, trong xã hội tư bản, chỉ là ảo tưởng.
Vấn đề đặt ra là thử hỏi tự do là sản phẩm của con người hay là có tính cách siêu việt vượt hẳn mọi tiến triển của con người? Một vấn đề hoàn toàn triết lí, rất quan trọng. Cuộc tranh luận đã và đang tiếp diễn.
Trên phương diện thực thể, cần phải nhận định rằng chủ nghĩa Mác-Lê phủ nhận sự có thể có một thay đổi toàn diện trong xã hội bởi những phương thức bất bạo động. Vì con người chỉ có thể có tự do sau một cuộc cách mạng vô sản và với sự độc tài vô sản.
Tuy nhiên, lịch sử chính trị cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều trường hợp phủ nhận hoàn toàn khẳng định trên của thuyết Mác-xít.
Đó là trường hợp của nhiều xã hội tân tiến ngày nay trong ấy, sự phát triển theo một chiều hướng mà cách mạng và độc tài vô sản có thể nói khó lòng có được thực hiện. Xin nhắc lại rằng theo thuyết Mác-Lê, chính những xã hội tân tiến, kĩ nghệ hóa nhiều nhất lại là những xã hội có thể đưa đến một tình trạng cách mạng bùng nổ.
Nhưng, có thể chắc chắn rằng không phải Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức Quốc, những xứ kĩ nghệ hóa nhiều nhất là những xứ mà tình trạng chính trị đem đến một sự bùng nổ cách mạng và độc tài vô sản. Đó là một sự kiện không thể chối cãi. Trái lại, chính tình trạng kém mở mang lại là tình trạng thúc đẩy cách mạng.
Hơn nữa, lịch sử đã chứng minh rằng thuyết Mác-xít đã quá tin ở sự bất hữu hiệu của thủ tục dân chủ. Vẫn biết rằng lá phiếu không thể đưa đến một thay đổi hẳn căn bản, lá phiếu không phải như thuyết Mác-xít khẳng định – là một ảo tưởng mà chính là phương tiện dân chủ có tính cách quyết định và đã đưa đến những thay đổi quan trọng mà trường hợp Anh Quốc, Pháp Quốc, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu là trường hợp điển hình.
Thật ra, vấn đề tham gia chính trị là một vấn đề quan trọng phức tạp và hiện đang thảo luận sôi nổi. Tuy nhiên cần phải xác nhận lại rằng, sự kiện đã chứng minh rằng sự tham gia ấy không phải chỉ là trò bịp bợm.

TỔNG KẾT

Qua những hình thức tham gia chính trị và sau khi phân tích những nguyên do của sự bất tham gia hay thiếu tham gia của công dân vào cuộc sinh hoạt chính trị, chúng ta nhìn thấy một sự kiện, đầy hậu quả cho tương lai của nền dân chủ, sự kiện ấy là thái độ thụ động của công dân trong cuộc sinh hoạt chính trị.
Và nếu chúng ta không đồng ý với những người cho rằng thái độ như thế là một triệu chứng của tình thế chính trị tốt đẹp, thì chúng ta bắt buộc phải mong mỏi một sự đảo ngược cái khuynh hướng ấy và phác họa phương tiện để đi đến kết quả. Cần phải nhấn mạnh ngay rằng đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong cuộc phục hồi danh dự tầm quan trọng của chính trị trong nhân sinh quan.
Theo chiều hướng nào? Hai điểm chính: giáo dục công dân và chỉnh đốn cuộc sinh hoạt địa phương.
1. Giáo dục công dân
Như chúng ta đã biết, chính trị có tiếng không tốt. Vì đó mà mọi vấn đề liên quan đến chính trị đều không tốt cả. Và cũng vì đó mà nhiều người thường hay phản đối rằng hành vi của mình có tính cách chính trị. Công dân khi nói đến quyền lợi chung, đến công vụ họ nghĩ ngay đến hành chính hơn là chính trị. Bởi thế, biện hộ cho chính trị, bào chữa cho chính trị là một điều hết sức cần thiết ở mọi trình độ, ở mọi địa hạt mà công dân được huấn luyện. Một vấn đề giáo dục, và vấn đề giáo dục này cần phải đặt ngay tại nhà trường. Vấn đề là khêu gợi cho học sinh ý thức được sự hiện hữu của cuộc sinh hoạt công cộng và tầm quan trọng của vai trò chính trị trong việc chuyển hướng quốc gia.
Thật ra, vấn đề này đã được giải quyết và – như các bạn đã trải qua, học sinh bắt buộc phải học cái môn mà người ta gọi là “Công dân Giáo dục”. Đó là một điều hay nhưng không đạt nhiều kết quả vì người ta làm sai lạc hướng đi của công dân giáo dục. Thật vậy, trong môn Công dân Giáo dục người ta chú trọng quá nhiều đến những giá trị tinh thần luân lí, đến bản chất chung cho tất cả công dân, đến trạng thái nhất trí của toàn dân của quốc gia, dân tộc. Quá lí tưởng! Trái lại, cuộc sinh hoạt chính trị dựa trên những bất đồng, dị biệt, dựa trên sự hòa giải giữa những điểm bất tương đồng, hòa giải những mâu thuẫn. Chính trị dựa trên một sự lựa chọn có thể chấp nhận được cho một số đông người giữa những giải pháp có thể được.
Chính cái tính cách đa nguyên ấy và tính cách tương đối của nhận thức chính trị cần phải được nhấn mạnh.
Hơn nữa, khi nói đến công dân, nghĩa vụ hay quyền lợi công dân, cần phải đặt ngay câu hỏi: khi đề cập đến vấn đề công dân, người ta quan niệm như thế nào? Sở dĩ cần phải đặt câu hỏi như thế là vì, trong xã hội cận đại, khi nói vấn đề công dân, người ta chỉ nghĩ đến – và người ta ở đây thường thường là những người cầm quyền – người ta chỉ nghĩ đến nghĩa vụ, nào có bổn phận tuân hành luật lệ, nào là hi sinh cho Tổ-quốc, cho tương lai dân tộc. Và kinh nghiệm cho biết rằng trong những giờ phút nguy biến, khi chính thể dân chủ trải qua những cuộc khủng hoảng, chính quyền hay dùng tới danh từ công dân với khía cạnh nghĩa vụ mà thôi.
Chúng ta không thể chối cãi rằng nghĩa vụ là đức tính quan trọng của công dân trong chính thể dân chủ, nhưng khi đề cập đến công dân chúng ta không nên quên khía cạnh tham gia. Hô hào, kêu gọi lòng ái quốc, đến công dân, không nhằm nghĩa vụ mà đồng thời phải chú trọng đến công việc đem lại cho công dân một niềm tin, một ý nghĩa và tinh thần trách nhiệm của họ.

Hô hào, kêu gọi đến sự tham gia của công dân mà không gợi cho họ một giá trị nào, giá trị chính trị, không gợi cho họ một công cuộc thực hiện một mục tiêu nhất định, mà trái lại chỉ nhấn mạnh những nguyên tắc tinh thần luân lí, nhấn mạnh khía cạnh bổn phận, làm như thế là một khuyết điểm. Có thể sự tham gia của công dân được tăng cường nhưng sự tăng cường đó chỉ có tính cách bề ngoài. Công dân không ý thức tầm quan trọng của chính trị. Công dân có thể làm tròn nghĩa vụ của mình, có thể thực hiện một vài hành động chính trị, nhưng không nắm vững ý nghĩa thực sự. Mà, hành động không đủ, ý chí tham gia mới là cần thiết, và ý chí tham gia này do nơi sự chú ý đến cuộc sinh hoạt chính trị.
Nếu không ham muốn tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị, nếu không ý thức rằng mình tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị, thì công dân không dự vào việc quyết định số mệnh quốc gia và họ chỉ còn là một yếu tố, một đơn vị, ít nhiều thụ động, của một guồng máy độc đoán dùng họ mà thôi.
Giáo dục công dân không những ở nhà trường và nhấn mạnh đến khía cạnh tham gia, mà còn là một vấn đề quan trọng của chính đảng. Nói đến vấn đề giáo dục công dân và chính đảng là phải nghĩ ngay đến công việc cải tổ và đem lại nguồn sinh lực cho hệ thống chính đảng và phong trào chính trị.
Như chúng ta đã biết những tổ chức này rất có nhiều tiếng tăm, nhất là ở Việt Nam, nhưng toàn là tiếng tăm bất hảo. Vì chính đảng thường thường là một nhóm người họp nhau để có một lực lượng, rồi dùng lực lượng này với tính cách lực lượng áp lực nhằm mục đích chiếm ngôi thứ.
Công cuộc cải tổ những chính đảng và phong trào chính trị nhằm đem lại một quan niệm mới và thiết thực về vai trò của chính đảng trong cuộc sinh hoạt chính trị là một vấn đề cấp bách.
Chính đảng không phải chỉ là một dụng cụ, để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người hay một thành phần xã hội; chính đảng còn phải là một phương tiện để đề cao một chủ nghĩa và thực hiện một chương trình. Quan niệm như thế thì vai trò chính yếu của chính đảng là vai trò trung gian. Một mặt chính đảng đặt vấn đề chính quyền đúng với trình độ hiểu biết của công dân; mặt khác chính đảng giúp vào công việc thể hiện sự tín nhiệm của công dân vào chính quyền.
Đặt các vấn đề chính quyền đúng với trình độ hiểu biết của công dân là như thế này: công dân, đa số, không thể nào thấu hiểu những vấn đề Chính phủ, những vấn đề càng ngày càng phức tạp và có tính cách chuyên môn, vì thế mà đã có khuynh hướng giao cho các nhà chuyên môn giải quyết các vấn đề này. Vì công dân không hiểu mà chính đảng phải thông tin và có thể thông tin. Chính đảng là một nhà trường tự do, cần thiết cho việc điều hành nền dân chủ. Công tác của Chính phủ càng phức tạp, khó khăn chừng nào, thì công việc thông tin, giải thích càng sâu xa và đầy đủ chừng ấy. Công dân chỉ thích, chỉ chú ý những gì mà họ biết và chỉ kiểm soát những gì mà họ hiểu.
Công dân có thể không nắm vững được tất cả các quyết định chính trị trong chi tiết. Nhưng họ có thể thấu hiểu đâu là nguyên nhân, đâu là tinh thần và họ phải có thể xét đoán được những giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Đấy chính đảng và phong trào chính trị đóng vai trò quan trọng là giáo dục chính trị công dân.
Không những chính đảng đặt vấn đề chính trị đúng tầm hiểu biết của công dân, các tổ chức này còn giúp vào công việc thể hiện sự tín nhiệm của công dân đối với chính quyền. Tại sao chính đảng giúp vào việc thể hiện sự tín nhiệm?
Chính thể dân chủ dựa trên một phương thức tổ chức, trên một hình thức cấu tạo về phương diện tín nhiệm cũng như về phương diện kiểm soát. Nói rằng công dân tín nhiệm chính quyền chỉ có nghĩa là công dân tín nhiệm chính quyền qua sự trung gian của đại diện. Danh từ đại diện ở đây bao gồm không những đại diện chính thức – các vị dân biểu Quốc hội mà luôn cả cán bộ của chính đảng. Vì những cán bộ của chính đảng, những phần tử ưu tú của chính đảng là thành phần của đoàn thể nắm chính quyền.
Tóm lại, không thể có một nền dân chủ linh động nếu không có một sự tín nhiệm của công dân đối với các phần tử ưu tú của chính đảng và những phong trào chính trị. Nhưng cần phải nhấn mạnh ngay rằng sự tín nhiệm này, cái cảm tính này không có nghĩa là thoái vị. Tín nhiệm nhưng đồng thời được giáo dục, huấn luyện người dân thấu hiểu các vấn đề và tham gia thường xuyên vào việc định hướng cho tương lai. Và chúng ta có thể kết luận rằng không có nhà trường nào quý giá hơn nhà trường chính đảng và không có chỗ nào công dân tích cực tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị bằng chính đảng.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đặt tất cả hi vọng vào chính đảng. Có lẽ cũng cần thêm rằng, chúng ta không có một mảy may hi vọng vào khả năng của chính đảng hiện nay để đảm đương vai trò ấy, vai trò giáo dục và trung gian giữa chính quyền và công dân. Những trò gian lận, bịp bợm của họ, những sự dối trá, những chương trình, hành động mị dân của họ là những yếu tố đưa đến sự mất uy tín của chính đảng hiện nay.
Vậy nhu cầu hiện tại  – để tăng cường sự tham gia chính trị của công dân – là gầy dựng lại những tổ chức chính trị có trách nhiệm. Cần phải thành thật mà nhận rằng công cuộc xây dựng này đòi hỏi một công trình nặng nề và không bao giờ hoàn hảo. Soạn thảo một bản Hiến pháp dễ gấp trăm lần việc thiết lập và khích động một hệ thống chính đảng đáp ứng với nhu cầu của một xã hội tân tiến.
Nhưng dù sao, công tác chính trị là công tác trường kỳ và cố gắng hàng ngày. Giữa một trạng thái nô lệ, lỗi thời và một tình trạng dân chủ bề ngoài, không có lối thoát nào khác.
2. Chỉnh đốn cuộc sinh hoạt địa phương
Giáo dục công dân đem lại cho họ một niềm tin và khích lệ họ chú ý đến cuộc sinh hoạt chính trị chưa hẳn là đủ. Còn cần phải duy trì phong trào này. Cuộc sinh hoạt chính trị địa phương là dịp để công dân tham gia vào chính trị.
Các chính trị gia đều đồng ý rằng cái mà người ta gọi là “chính phủ địa phương” là nền tảng của chính thể dân chủ và sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị xã thôn là trường học quý giá trong việc giáo dục công dân. Chính ngay trong thôn xã là nơi tập trung sức mạnh của những dân tộc tự do. Những định chế xã thôn đối với tự do, dân chủ có thể ví như những trường tiểu học đối với khoa học. Chính ngay ở trường tiểu học mà con em tìm thấy những bước đầu tiên của kiến thức. Chính ngay ở cuộc sống xã thôn mà công dân thưởng thức tự do, dân chủ. Cuộc sinh hoạt địa phương đem lại và duy trì tinh thần công cộng, một quan niệm của sự ích lợi của làng của nước. Cuộc sinh hoạt địa phương đặt những vấn đề đúng tầm hiểu biết của họ, là dịp họ luyện tập tham gia. Những định chế gần họ, chính quyền kề bên họ, và họ thấy ngay đâu là quyền lợi chung và tinh thần trách nhiệm.
Đem lại một luồng sinh lực mới cho cuộc sinh hoạt địa phương là một công tác tối cần. Vì ở địa phương, công dân ý thức tinh thần tự do, ý thức trạng thái một công dân chứ không phải con người nô lệ.
Ý tưởng tham gia – và cuộc sinh hoạt dân chủ – có nghĩa một sự tán đồng của mỗi người và của mọi người, tán đồng một công trình cùng nhau trù liệu, một công trình có tính cách siêu việt đầy hứa hẹn.
Sự tán đồng này dĩ nhiên đòi hỏi mỗi người một sự gia nhập hoàn toàn, sức can đảm để khắc phục khó khăn có thể xẩy đến và, đôi khi, nhiều hi sinh đau đớn. Vì không có một công trình vĩ đại nào mà không có sự hi sinh về con người cũng như về khát vọng ích kỉ.
Hi sinh, làm sao có được nếu không có một động lực gây một mối cảm tình sâu rộng và một bầu không khí nồng nhiệt tập đoàn?
Nghĩ cho cùng, ý tưởng tham gia nhấn mạnh một sự phủ nhận cá nhân và đồng thời đề cao sự thực hiện giá trị bản thân trong công trình xây dựng chung.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.

[1] Tức “độc tài của giai cấp vô sản” (dictature du prolétariat), tác giả dịch đúng nghĩa, khác với cách dịch của Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyên chính vô sản. (p&c).