Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG Ở MỸ

SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG Ở MỸ (phần 1)

Khi lên làm Tổng thống, George Washington không thuộc đảng phái chính trị nào và vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng chưa có đảng phái chính trị. Điều đó không có nghĩa là mọi người Mỹ lúc đó đều có cùng một chính kiến. Nước Mỹ lúc đó có nhiều quan điểm chính trị khác nhau, nhưng chưa có một tổ chức nào được lập ra để đưa người ra ứng cử.

Sau đó có hai tổ chức dần dần được hình thành trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của George Washington. Một tổ chức có tên là Người Liên bang, do bộ trưởng tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo. Tổ chức thứ hai có tên là Người Cộng hòa, đứng đầu là bộ trưởng ngoại giao Thomas Jefferson. Mỗi tổ chức đều bày tỏ quan điểm chính trị của người đứng đầu.

Hamilton và Người Liên bang muốn có một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống có nhiều quyền và các tòa án kèm theo. Người Liên bang có chính sách ủng hộ giới chủ ngân hàng và tầng lớp doanh nhân giàu có. Họ chủ trương thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Anh quốc. Người Liên bang không thích dân chủ, cái họ thường mô tả là quyền lực của đám dân đen.

Đảng người Liên bang thành lập sau này cũng do Alexander Hamilton lãnh đạo nhưng không hoàn toàn giống như tổ chức có tên Người Liên bang trước đó. Tên gọi này cũng được sử dụng để chỉ những người ủng hộ cho việc xây dựng Hiến pháp mới. Còn những người phản đối Hiến pháp thì được gọi là Người chống Liên bang.

Một số người trước đây của tổ chức Người Liên bang, như Alexander Hamilton, sau này đã trở thành đảng viên Đảng người Liên bang. Họ là những người có nhiều quyền lực. Họ là những người kiểm soát Quốc hội suốt thời kỳ George Washington làm Tổng thống và gần như kiểm soát được cả Washington bằng những ảnh hưởng của Alexander Hamilton.

Thomas Jefferson và Người Cộng hòa cũng ủng hộ Hiến pháp như một bản thiết kế chính quyền. Nhưng họ không cho rằng Hiến pháp trao cho chính quyền trung ương những quyền lực không giới hạn. Người Cộng hòa có chính sách trợ giúp nông dân và các doanh nhân nhỏ. Họ thúc đẩy quan hệ với người Pháp, những người đang nổi dậy chống lại quyền lực của vua. Người Cộng hòa đòi hỏi nhiều quyền hơn và nhiều dân chủ hơn cho toàn thể nhân dân Mỹ.

Hai vị lãnh đạo của hai tổ chức này là hai con người rất khác nhau.

Alexander Hamilton thuộc những người Liên bang quí tộc nhưng lại không được sinh ra trong một gia đình giàu có và ổn định. Ông là con ngoài giá thú, được sinh ra ở West Indies (một quần đảo ở vịnh Ca-ri-bê –ND). Tuy nhiên Hamilton được học ở Mỹ và ông đã đạt được một địa vị xã hội khi kết hôn với con gái của một chủ đất giàu có ở bang New York. Tiền và địa vị xã hội đối với Hamilton là những điều quan trọng. Ông tin rằng sẽ tốt hơn khi người có tiền và có địa vị xã hội nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi Thomas Jefferson - thuộc những người Dân chủ Cộng hòa, lẽ ra phải là người được Alexander Hamilton ưa chuộng, nhưng thực tế lại khác hẳn. Thomas Jefferson có họ xa bên ngoại với giới quí tộc Anh. Ông thích ăn ngon, uốn rượu ngon, thích đọc sách và nghe nhạc. Nhưng Jefferson lại rất kính trọng những người nông dân chất phác và những người đã khai phá vùng đất phía Tây cho những người định cư. Ông cho rằng cả hai nhóm người này đều có quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi cả hai, Alexander Hamilton và Thomas Jefferson, đều là những người Mỹ yêu nước, họ lại có những quan niệm hoàn toàn mâu thuẫn nhau trong việc làm thế nào để vận hành một chính quyền.

Những bất đồng cá nhân của họ đã trở thành những cuộc tranh cãi trước công luận khi cả hai người là thành viên trong nội các của Tổng thống George Washington. Tuy nhiên, hai người không phản bác nhau trực tiếp trước công luận, họ thường luận chiến với nhau trên hai tờ báo.

Cả hai đều hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Đặc biệt là Jefferson, ông cảm nhận được sự cần thiết của báo chí đối với dân chủ. Ông tin tưởng rằng báo chí là cách thức duy nhất để công chúng có thể biết được sự thật. Jefferson đã có lần phát biểu: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa một chính quyền không có báo chí và báo chí không có chính quyền, thì tôi sẽ lựa chọn báo chí không có chính quyền.”

Hamilton lại là người đã có kinh nghiệm sử dụng báo chí cho mục đích chính trị. Trong cuộc Cách mạng giành độc lập, khi Hamilton làm trợ lý cho Tổng chỉ huy George Washington. Một trong những nhiệm vụ của Hamilton là đảm bảo tiền và nhu yếu phẩm cho quân đội. Hamilton đã đề nghị chính quyền 13 bang lúc đó và cả Quốc hội (khi đó có rất ít quyền lực) để được giúp đỡ, nhưng gần như không ai đáp ứng. Từ đó, Hamilton nhận thấy hệ thống chính trị do các Điều khoản Liên bang (thỏa thuận chính trị chung trước khi có Hiến pháp năm 1787-ND) tạo ra yếu và vô tổ chức. Ông cho rằng các bang không cần có quá nhiều quyền lực. Cái nước Mỹ cần , ông nói, đó chính là một chính quyền trung ương mạnh. Nếu không có điều đó, Liên bang sẽ tan rã.

Hamilton thể hiện quan điểm của mình qua rất nhiều bài báo. Ông không ký tên thật cho các bài báo của mình, mà dùng bút danh “Người Lục địa”.

Không lâu sau đó, Hamilton trở thành một trong những người ủng hộ mạnh nhất cho việc triệu tập một hội nghị để tu chính các Điều khoản Liên bang. Hội nghị đó đã được tổ chức tại Philadelphia vào năm 1787 và kết quả là tạo ra Hiến pháp Mỹ.

Hamilton là một trong các đại biểu của Hội nghị và sau đó còn là người góp phần vào việc viết các bài báo kêu gọi sự ủng hộ cho Hiến pháp. Đó là những bài trên tờ báo có tên là Người Liên bang, viết chung với James Madison và John Jay.

Khi Hamilton trở thành bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống George Washington, ông vẫn tiếp tục sử dụng báo chí cho công việc của chính quyền. Nhưng, duy nhất lần này, Hamilton sử dụng báo chí nhằm cuốn hút ủng hộ cho các chính sách của riêng ông. Hamilton phát biểu qua một tờ báo có tên là Gazette nước Mỹ (Gazette of the United States), tổng biên tập là John Fenno.

Trong khi đó Jefferson cũng được nhiều chủ báo khác ủng hộ, nhưng họ không thuộc phong trào chính trị của ông. Ông cho rằng cần phải có một tờ báo làm ngôn luận riêng cho mình. Sau đó, James Madison đã giúp Jefferson có được một tờ báo, do Philip Freneau, bạn của Madison làm tổng biên tập. Tờ đó có tên là Gazette Quốc gia.

Phần lớn những người ủng hộ Hamilton sống tại các đô thị vùng Đông-Bắc. Họ là những chủ ngân hàng, doanh nhân lớn, là những luật sư, bác sỹ và các linh mục.

Jefferson tôn trọng uy quyền chính trị của Hamilton, nhưng ông thấy Hamilton không có được sự ủng hộ rộng lớn từ những người dân thường.

Vào những năm 1790, chín mươi phần trăm dân Mỹ làm trang trại, lao động chân tay hoặc buôn bán nhỏ. Những người này tỏ ra bất bình với chính sách của chính quyền thường chỉ trợ giúp giới chủ ngân hàng, chủ đất lớn và giới doanh nhân giàu có. Họ không có đảng chính trị nào để ủng hộ họ. Đó chính là những người mà Jefferson đang muốn nhắm đến.

Mục tiêu của Jefferson rất khó khăn vì lúc đó nhiều người Mỹ biết rất ít về những gì xảy ra ở ngoài vùng họ đang sống, nhiều người còn chưa được phép bầu cử vì họ không có tài sản. Jefferson nghiên cứu tình hình từng bang và thấy hầu như ở khắp nơi các nhóm chính trị đều phản đối các đạo luật trợ giúp cho người giàu. Đó chính là điều Jefferson đang cần. Jefferson cho rằng, nếu các nhóm chính trị đó được kết hợp với nhau thành một tổ chức ở tầm quốc gia thì khi đó sẽ có một tổ chức đối trọng lại với Đảng người Liên bang.


Đảng của Jefferson có cả người giàu và người nghèo, họ cùng liên kết với nhau để phản bác quan điểm sai lầm về sử dụng quyền lực trong chính quyền trung ương của Đảng người Liên bang.
(còn tiếp).



Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 11/2008
(Nguồn: program #30 of THE MAKING OF A NATION , http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-04/2008-04-23-voa1.cfm)




SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG Ở MỸ (phần 2)


Thomas Jefferson và Alexander Hamilton có những ý tưởng trái ngược nhau về cách thức điều hành quốc gia. Chính sự mâu thuẫn của họ đã giúp tạo nên hệ thống chính trị lưỡng đảng của Mỹ.

Đảng Người Liên bang, do Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo, ủng hộ cho một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống uy lực và một hệ thống tòa án kèm theo. Người


Liên bang cho rằng những người giàu và có địa vị xã hội nên giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Vào đầu những năm 1790, Người Liên bang đã tạo được ảnh hưởng khiến cho những lãnh đạo quốc gia Mỹ là những người như thế.

Đảng Người Liên bang giành được quyền kiểm soát Quốc hội. Họ cũng có ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống đầu tiên, George Washington.

Trong khi Đảng Người Cộng hòa, do Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson lãnh đạo, lại không muốn một chính quyền trung ương mạnh đến mức với những quyền lực không giới hạn. Người Cộng hòa cho rằng sẽ tốt hơn nếu quyền lực chính trị được phân tán vào trong dân chúng.

Hai Đảng đều thực hiện luận chiến trên những tờ báo của đảng. Các sử gia cho rằng chính Hamilton là tác giả của phần lớn các bài luận chiến trên tờ báo Người Liên bang. Trong khi Jefferson, theo các sử gia, chỉ đóng vai trò tư vấn cho tờ báo Người Cộng hòa.

Cả hai tờ báo đều cho đăng những bài báo vô danh nhằm công kích phía bên kia. Và cả hai cùng cho đăng những câu chuyện không có thực. Thỉnh thoảng có cả những bài công kích cá nhân. Nhiều người cảm thấy hai vị bộ trưởng đã đi quá giới hạn của một cuộc tranh luận về những vấn đề chung của xã hội.

Khi gần hết nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, George Washington nhận được một lá thư của Jefferson. Trong thư, vị Bộ trưởng Ngoại giao xin từ chức. Jefferson nói rằng ông không đồng ý với phần lớn các chính sách điều hành và quan điểm ngoại giao của chính phủ. Jefferson không nhắc đến tên Hamilton. Điều đó không cần thiết vì Washington hiểu ngay, chính Hamilton là người đã chủ trương các chính sách đó.

Vị Tổng thống đã cố gắng dàn hòa hai người. Washington yêu quí và tôn trọng cả hai. Ông hiểu rằng đất nước non trẻ cần tài năng của cả hai con người đó. Tuy nhiên, sự bất đồng đã đi quá xa, vượt quá vấn đề bất đồng của hai cá nhân mạnh mẽ. Đó là cuộc đấu của hai triết lý khác nhau hoàn toàn về việc quản lý đất nước.
Wasington không dàn hòa nổi hai người. Nhưng Jefferson đã rút lại quyết định từ chức. Trong một bức thư gửi con gái, Jefferson viết:”Những công kích cha đã làm thay đổi quyết định mà cha đã nghĩ là không thể thay đổi. Cha phải ở lại để đấu tranh.”

Khi đó, ý tưởng về các đảng chính trị là những điều còn mới mẻ ở Mỹ. Lúc đó không có luật nào chỉ rõ các đảng được hay không được làm cái gì. Cũng không có các hạn chế các thành viên chính phủ trong các hoạt động chính trị. Do đó, trong khi vẫn đảm trách công việc Bộ trưởng Ngoại giao, Jefferson bắt đầu vận động để đưa người của mình vào Quốc hội. Ông cho rằng đó là cách duy nhất để đánh bại Hamilton. Tổng tuyển cử đã được lên kế hoạch vào năm 1792.

Lúc đó không có bất đồng gì về vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Mọi người đều muốn George Washington giữ thêm một nhiệm kỳ Tổng thống. Nhưng, nhiều người Cộng hòa thấy không nên để John Adams tiếp tục làm phó Tổng thống. Adams là một người yêu nước và cần mẫn phục vụ đất nước, nhưng ông ta không phải là người có đầu óc dân chủ. Adams không giấu diếm quan điểm cho rằng những người sinh ra trong các gia đình quyền quí nên trở thành lãnh đạo đất nước.

Người Cộng hòa đã tìm thấy một lý do để chống lại Người Liên bang. Chính sách tài chính của Hamilton đã tạo điều kiện cho các chủ ngân hàng và những người cho vay có thể đầu tư vào mọi lĩnh vực. Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính đã thực hiện một phi vụ kinh doanh bằng những thông tin riêng của Bộ. Việc đầu tư của người này đã gặp khó khăn và sau đó thất bại. Sự thất bại đó đã gây ra một loạt các thất bại khác, dẫn đến sự suy sụp tài chính ở New York, trung tâm tài chính nước Mỹ.

Người Liên bang có cơ sở rất mạnh ở vùng Đông-Bắc. Trong khi Người Cộng hòa có sức mạnh ở khắp mọi nơi. Người Cộng hòa đã giành được thế mạnh trong Hạ viện sau Tổng tuyển cử năm 1792. Tuy nhiên, Người Cộng hòa đã không thắng trong cuộc tranh cử chức Phó Tổng thống. Một lần nữa, John Adams lại giữ vị trí Phó Tổng thống. Kết quả này có thể là do nhiều người Mỹ lúc đó nghĩ rằng Tổng thống Wasington vẫn muốn John Adams tiếp tục phụ tá cho ông. Nhưng, lần này Adams chỉ hơn các đối thủ khác rất ít phiếu. Có bốn bang đã bỏ phiếu cho George Clinton – một người thuộc Đảng Cộng hòa ở New York. Một bang bỏ phiếu cho Jefferson cho dù ông không ra ứng cử.

Năm 1793 bắt đầu xuất hiện những biến đổi quyền lực của Alexandre Hamilton. Người Cộng hòa ở Hạ viện chất vấn các kế hoạch tài chính của Hamilton. Tại sao Bộ trưởng Tài chính đã từ chối cung cấp cho Quốc hội các chứng cứ, tài liệu liên quan đến các chương trình vay, cho vay và đánh thuế?

Trong suốt bốn năm, Hạ viện đã thông qua tất cả các dự luật do Hamilton đề xuất mà không được nghe giải trình. Theo Hamilton, đó là cách duy nhất để quản lý đất nước. Bây giờ chính là lúc Hạ viện cần phải biết nhiều hơn nữa.

Hamilton đã coi chất vấn đó là một xúc phạm. Ông đáp lại ngay. Hamilton đã làm bốn bản giải trình về các hoạt động của Bộ Tài chính. Người Cộng hòa nghiên cứu kỹ các bản giải trình đó để hòng chứng minh Hamilton và Người Liên bang đã dối trá. Nhưng không một chứng cứ nào như thế được tìm thấy. Người Cộng hòa không kết tội được Hamilton đã biển lận tiền bạc cho bản thân, và họ đã chuyển tấn công sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, họ cho rằng Hamilton đã không tuân theo chỉ đạo của Tổng thống Washington trong việc xử lý các khoản vay nước ngoài, Hamilton đã trả lãi suất quá cao cho Ngân hàng Quốc gia Mỹ và đã không tuân thủ chặt chẽ các luật (đã được Quốc hội thông qua) liên quan đến chi tiêu ngân sách của chính phủ.

Người Liên bang trong Quốc hội cũng đáp trả các cáo buộc. Người Liên bang luôn lên tiếng rằng Người Cộng hòa không thể chứng tỏ Bộ trưởng Tài chính đã phạm luật trong bất cứ hành động nào.

Nỗ lực phế truất Hamilton ra khỏi Quốc hội đã thất bại. Nhưng Hamilton lại sẵn sàng ra đi. Hamilton cảm thấy hài lòng với công việc mà ông đã thực hiện. Hơn bất kỳ ai khác, Hamilton là người đã định hình các chính sách cho nước Mỹ trong suốt năm năm đầu tồn tại (kể từ khi có Hiến pháp-ND). Hamilton tin rằng quốc gia non trẻ sẽ tiếp tục được điều hành bởi các quan điểm chính trị mà ông đã khởi xướng và ủng hộ. Hamilton trở về New York, làm luật sư và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Đa phần dân chúng Mỹ lúc đó không quan tâm đến những cuộc tranh cãi giữa Đảng Người Liên bang và Đảng Người Cộng hòa về những vấn đề như Ngân hàng Quốc gia Mỹ. Nông dân và người lao động chân tay không hiểu các vấn đề kinh tế. Nhưng đối với cuộc Cách mạng Pháp lại là một vấn đề khác.

Người Liên bang phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Họ lên án việc sử dụng bạo lực và hành động xử tử vua và nữ hoàng. Người Liên bang cũng muốn có quan hệ kinh tế, chính trị tốt hơn với nước Anh. Trong khi đó, Người Cộng hòa lại chào đón cách mạng. Họ cho rằng đó là cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ - y như họ đã đấu tranh chống lại người Anh. Hơn nữa, Người Cộng hòa cho rằng nước Anh không phải là bạn của Mỹ.

Nước Anh đã vi phạm hiệp ước hòa bình đã được ký giữa hai nước khi vẫn cố chiếm giữ đất ở phía tây nước Mỹ. Nước Anh vẫn dùng tiền hòng xúi giục người Da đỏ bản địa hạ sát người nhập cư da trắng. Nước Anh vẫn bắt cóc thủy thủ Mỹ để làm lính trên các chiến hạm Anh.

Cuộc Cách mạng ở Pháp đã đưa nước Mỹ vào một tình thế khó khăn. Tình hình càng khó khăn hơn khi các hoàng gia châu Âu cùng gửi quân sang để chống lại nước cộng hòa non trẻ mới được thành lập ở Pháp. Nước Mỹ trước đó đã có một hiệp ước với Pháp, có qui đinh rằng Mỹ sẽ giúp đỡ Pháp khi Pháp bị tấn công. Song, Tổng thống Washington đã xác quyết là Mỹ không nên tham dự vào chính sự ở châu Âu. Và Washington đã tuyên bố Mỹ sẽ trung lập.


Lời tuyên bố đó là một chiến thắng cho Người Liên bang. Họ vẫn còn giữ được ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống Washington. Nhưng tình hình sẽ ra sao sau năm 1796? Nhiệm kỳ hai của Washington sẽ kết thúc vào năm đó. Trong khi Washington đã tuyên bố trước đó là ông sẽ không ra tranh cử nữa. Vào lúc đó, Hiến pháp Mỹ chưa giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng thống. Nhưng George Washington cảm thấy hai nhiệm kỳ là đã đủ.

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 12/2008
(Nguồn:This is program #31 of THE MAKING OF A NATION,
http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-04/2008-04-30-voa1.cfm)

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Một cuộc tập dượt thành công


Hai mảnh đất có giá hàng trăm triệu Đô-la Mỹ đã trở lại phục vụ cộng đồng, tám người bị kết tội, nhưng không nhận tội, đã đoàn tụ với gia đình. Đó là thành quả dễ thấy nhất từ những cuộc cầu nguyện của hàng trăm, hàng nghìn đồng bào Công giáo tại Thái Hà và Nhà Chung đã diễn ra không ngưng nghỉ suốt hàng tháng trời, giữa những đêm giá rét nhất trong lịch sử đất nước hay trong bầu khí ngột ngạt của sự khiêu khích, hăm dọa.

Thành quả này tuy vẫn còn rất khiêm tốn so với những khát khao tiến bộ của toàn xã hội hiện nay, nhưng đó là một thành quả chưa từng có nếu không tự cho là một kỳ tích trong hơn 50 năm qua trên miền Bắc và hơn 30 năm qua trên khắp mảnh đất có tên Việt Nam. Trong suốt thời gian đó và trong khắp không gian đó, chưa có một vụ án chính trị nào mà bị cáo lại xuất hiện đàng hoàng, tự tin trong vòng vây của đám đông dân chúng thể hiện công khai sự ủng hộ và cũng tự tin như thế!

Phán quyết miễn chấp hành hình phạt tù (án treo), cải tạo không giam giữ hay cảnh cáo vẫn chưa phải là công lý nhưng điều chắc chắn là song sắt nhà tù đã nằm lại phía sau. Các bị cáo, những người thân và công chúng quan tâm đã trút bỏ được nhiều ưu phiền. Và áp lực đối với người cầm quyền cũng phần nào được giảm bớt. Thật đáng tiếc khi hệ thống truyền thông của người cầm quyền vẫn chưa thoát được áp lực bắt bẻ cong sự thật hiển nhiên trong phiên tòa. Thật có lý khi nhiều người dân vẫn chưa hài lòng hoặc vẫn cảnh giác với động cơ nằm sau phán quyết sơ thẩm. Và có thể phán quyết của tòa án cũng chỉ là một quyết định khiên cưỡng của người cầm quyền. Nhưng dân chủ hóa sẽ là gì nếu không phải là một quá trình nhằm tiến đến những nhượng bộ và nhượng bộ nhiều hơn của quyền lực độc đoán, là nhằm mở ra những cơ hội cho người cầm quyền phải ưu tư hơn, đáp ứng nhiều hơn với nguyện vọng của dân chúng.

Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại. Những người đóng vai “quan tòa” đã trở về với công việc hàng ngày. Những nhân viên công lực lại tiếp tục nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh cho xã hội. Các bị cáo đã trở lại cuộc sống đời thường. Những dư âm của xô xát, bôi nhọ, hăm dọa đồng bào Công giáo đang lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng hình ảnh đoàn người cùng tám người vừa bị kết tội hân hoan trở về trên con đường lớn được đảm bảo an toàn bởi hai hàng cảnh sát với khí tài lủng lẳng trên người, với những khuôn mặt nghiêm trang, đúng mực sẽ mãi còn là một hình ảnh đẹp cho dân tộc Việt.

Đó là một hình ảnh khó tin nếu ai không được chứng kiến tận mắt. Nhưng đó đã là sự thật. Sự thật cho thấy hòa bình và trân trọng nhau trong sự bất đồng là một điều có thật. Sự thật cho thấy cách mạng không nhất thiết phải đi kèm bạo lực. Sự thật cho thấy nỗi ám ảnh “đa nguyên đa đảng sẽ gây rối loạn” là rất thiếu căn cứ. Như thế, những thành quả đã đạt được cho đến nay trong vụ Thái Hà, Khâm sứ có thể coi là một cuộc tập dượt thành công cho cả người dân và người cầm quyền. Xin nghiêng mình chúc mừng những đồng bào, bè bạn đã góp phần trực tiếp cho một thành công của toàn xã hội!

Phạm Hồng Sơn
09/12/2008 (Một ngày sau phiên sơ thẩm xử tám bị cáo Công giáo Thái Hà-Khâm Sứ)

Lời cầu chúc trước phiên tòa ngày 08/12/2008


Trước khi có những cuộc cầu nguyện của người Công giáo kéo dài hàng tháng trời, người Hà Nội mơ mộng nhất cũng không bao giờ dám nghĩ đến hai khu đất lớn tại Thái Hà và phố Nhà Chung nằm giữa thủ đô lại được chuyển thành vườn hoa công cộng.

Trong khi giá nhà đất của Hà Nội đang được xếp vào loại đắt nhất thế giới và quyền lực Nhà nước vẫn tỏ ra bất lực trước việc các “công bộc” lạm dụng nhà công vụ hoặc cả gan bẻ cong cả một con đường dân sinh thì động lực làm cho hai khu đất “vàng” trên trở thành công viên thật đáng khâm phục.

Bất luận thế nào, những người đóng góp vào động lực đó đã giúp cho quyền lực Nhà nước tìm lại được uy quyền (cần có) trước các thế lực núp bóng Nhà nước nhằm trục lợi hai mảnh đất trên đây. Những người đã tham gia cầu nguyện chắc chắn cũng không có mong ước gì hơn là hai mảnh đất trên phải được sử dụng vì lợi ích cộng đồng. Điều suy đoán này đã được minh chứng bằng việc các cuộc cầu nguyện đã tự chấm dứt khi hai mảnh đất trên đã được chuyển thành nơi vui chơi cho tất cả mọi người dân.

Uy quyền của Nhà nước có thể đã được định hình ngay khi thiết lập hoặc cũng có thể được bồi tạo hoặc sói mòn trong khi vận hành. Một cách thẳng thắn, những căng thẳng không đáng có như xô xát giữa người cầu nguyện và nhân viên công lực, những chiến dịch bôi nhọ, hăm dọa, tấn công bằng truyền thông hay con người đối với cộng đồng Công giáo đều là những sói mòn lớn cho uy quyền Nhà nước và uy tín của người cầm quyền. Nhưng quyết định chuyển hai khu đất thành công viên là một quyết định có thể khởi tạo lại những uy tín bù đắp cho những sói mòn đã mất nếu những người có quyền (với tư cách là một bộ máy) dám vượt qua sự băn khoăn cá nhân để quyết định thêm một bước nữa là ghi nhận công lao những người đã kiên trì cầu nguyện hay đã góp công sức để dỡ bỏ bức tường cần phải phá bỏ cho việc xây dựng công viên được diễn ra như chính quyền đã tiến hành.

Những người cầu nguyện và góp công sức đó có thể hàng trăm hàng ngìn người, nhưng trước hết cần ghi nhận tám người đầu tiên: Chị Nguyễn Thị Nhi, Chị Ngô Thị Dung, Chị Nguyễn Thị Việt, Chị Lê Thị Hợi, Anh Lê Quang Kiện, Anh Phạm Chí Năng, Anh Nguyễn Đắc Hùng, Anh Thái Thanh Hải.

Thực tế đã rõ ràng là chừng nào hai công viên Thái Hà và Hàng Trống còn là vườn hoa công cộng thì hình ảnh của tám người kể trên cũng đã trở thành một phần trong sự biết ơn của nhân dân sở tại hoặc những du khách hàng ngày tới công viên du ngoạn. Do đó việc Nhà nước chối bỏ hay quên lãng công lao của tám công dân trên đây không thể phù hợp với uy quyền của một Nhà nước chính nghĩa. Trong khi sự ghi nhận trong trường hợp này chỉ cần một hành động rất khiêm tốn và đơn giản là phán quyết “ Vô Tội” cho cả tám công dân nói trên vào phiên tòa ngày 08/12/2008 sắp tới. Phán quyết này chắc chắn sẽ xóa tan mọi căng thẳng không đáng có giữa bộ máy Nhà nước đang cần sự ủng hộ của dân chúng và cộng đồng Công giáo hơn sáu triệu người, sẽ mở ra nhiều niềm hân hoan cho xã hội. Phán quyết đó cũng hoàn toàn đúng đắn về phương diện pháp luật!

Trong trường hợp ngược lại, khi tòa án vẫn cố cáo buộc tám công dân trên như cáo trạng đã viết thì đó là một quyết định không chỉ làm vô giá trị quyết định chuyển thành công viên mà còn là một quyết định cực kỳ lạc thời, vì có biết bao linh hồn đang yên nghỉ trong nghĩa trang Mai Dịch hay nghĩa trang Thủ Đức cũng đã từng bị kết tội “Gây rối trật tự công cộng” hay “Hủy hoại tài sản”. Vậy xin chân thành cầu chúc để linh hồn các bậc tiền nhân không bị khuấy động trong ngày 08/12/2008 tới đây.

Phạm Hồng Sơn
06/12/2008