Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Nghĩ gọn về Anh Ba Sàm

Phạm Hồng Sơn

Theo một nguồn khả tín, Tướng Tô Lâm, một ngôi sao đang lên nhanh của Bộ Công an, đồng môn thuở C500 của Anh Ba Sàm, từng gặp trực tiếp Anh Ba Sàm để khuyên nhủ. Nhưng, Anh Ba Sàm, cho đến khi bị bắt, hẳn chưa một ngày rời Ba Sàm. Có lẽ chỉ có những người đã ấp ủ, trăn trở và rất tha thiết với Tự do hơn tất cả mọi thứ mới có ứng xử như Anh Ba Sàm đã thể hiện: tiếp tục tình bạn nhưng “anh đường anh tôi đường tôi” dù “anh” đã dốc bầu tâm giao và dù “anh” là một chỉ huy quyền uy của lực lượng chuyên chính hiện hành. Chắc chắn tâm giao đó, khuyên nhủ đó phải được hiểu theo hai mặt, là những cam kết, hứa hẹn, tưởng thưởng, viễn cảnh không nhỏ về vật chất và ở mặt kia là một đe dọa của thì tương lai gần cùng những tương lai xa hơn đầy tai ương, uy hiếp.

Chắc chắn nhiều người đã từng hoài nghi, nghi ngờ Anh Ba Sàm. Việc bắt Anh Ba Sàm đã làm chỉ số tín nhiệm và tin tưởng nơi anh tăng vọt, nhưng, tôi tin, sự thận trọng, nghi ngờ chưa hẳn đã hết. Song, tôi cũng tin những người khó tính nhất, thận trọng nhất phải thừa nhận bản kết toán về truyền thông do Anh Ba Sàm tạo ra có số dư dương rất lớn thuộc về khai trí giúp nhận chân lịch sử, xóa đi những ảo tưởng về lãnh tụ, xua đi những huyễn hoặc về chính trị nhằm “phá vòng nô lệ” cả Tàu và ta. Càng thấy giá trị và ấn tượng ghê gớm nếu ta lại đặt số dư đó ở giữa hai vật, một bên là tấm thẻ Đảng đỏ thẫm của một cố Ủy viên Trung ương, cựu đại sứ tại Liên Xô (cái nôi của toàn trị cộng sản) còn bên kia là bộ quân phục sĩ quan an ninh màu cỏ tối đã bạc. Nhưng hình ảnh này không còn thuộc riêng cá nhân và gia đình Anh Ba Sàm nữa, nó đã thành một biểu tượng chung cho đặc tính hấp dẫn, khơi gợi thiện tính trong con người của Dân chủ Tự do. Bất kỳ hốc tối, khoảng băng giá nào của xã hội cũng có thể sẽ bén hoặc bắt tia lửa Dân chủ.

Xem thế, những hoài nghi, nghi kị đã và đang tồn tại có điều gì đó thật nhẫn tâm. Nhưng tình trạng lòng người hoang mang, chao đảo như vậy không phải là điều mới hay là trường hợp đầu tiên. Cách đây chừng 15 năm, khi ấy các “nhà hoạt động” còn hiếm hơn “lá mùa thu”, bản thân tôi, người có ít kinh nghiệm, đã chứng kiến ít nhất một trường hợp tương tự. Tình trạng mù mờ, hoài nghi xót xa và không dễ chia sẻ, không thể lý giải được ngay một cách thấu đáo như thế vừa là hệ quả tất yếu vừa là một bi kịch không chỉ của đương sự, nghề nghiệp cá nhân, lịch sử gia đình mà còn là của lịch sử một dân tộc đã phải chịu nhiều tráo trở, là hệ lụy rất khó rời ngay được của một xã hội đã phải vượt thoát, sống còn bằng luồn lách với gần như mọi thủ đoạn trên nửa thế kỷ. Nhưng đó cũng là thách thức, là thử thách đối với tất cả những người muốn tiến bộ. Mọi sự nghi ngờ theo năm tháng dai dẳng đến đâu cuối cùng chỉ làm tăng thêm giá trị, niềm tin, ngưỡng phục, phẩm hạnh cho cái thật, dĩ nhiên chỉ khi cái thật đó không bải hoải, không bị giết chết bởi nghi ngờ.

Những chi tiết trình bày như thế không thể tránh được hệ quả gợi lên trong tâm trí nhiều người về nỗi cô đơn, lẻ loi của Anh Ba Sàm. Tuy nhiên, dù chúng ta không thích, đó vẫn là một thực tế hiển hiện của thân phận những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ tại Việt Nam từ nhiều thập niên qua cho tới tận hôm nay, dù đã có những cải thiện. Đã có nhiều trăm người ký tên thật vào các thỉnh nguyện đòi trả tự do cho Anh Ba Sàm (và nhiều người khác) - một vượt bực so với chỉ 5 năm trước. Nhưng đã có bao nhiêu người có hành động mang tính rời xa thực sự cái Đảng, cái chính thể đang trấn áp Anh Ba Sàm (cùng nhiều người khác), như trả thẻ Đảng, bỏ ngành công an, tuyên bố rời những chức vị chẳng danh giá cho lắm, v.v., vì Anh Ba Sàm? Hiện thực này khiến tôi không thể không liên tưởng tới một hoạt cảnh múa đôi:

Bên này, nhà độc tài ngày càng phát ra những ngôn từ, những động tác, hình thái mới gần hơn với dân chủ nhưng quyết không để cái gì làm tổn hại tới các thiết chế độc tài, bên kia, người bị trị cũng ngày càng xướng ra những phát ngôn ủng hộ dân chủ, biểu tỏ phản đối trấn áp tự do nhưng cũng quyết không làm điều gì tổn hại tới danh vị, đặc quyền bản thân do độc tài ban phát.

Song, nói như thế không có nghĩa cố tình không biết đến những tấm lòng thơm thảo, những con tim đang trăn trở, nhức nhối, những chuyển động âm thầm trong lòng người. Nhưng nếu trung thực và mạnh dạn, chúng ta phải thấy rằng độc tài từ bao năm qua luôn đưa tay ghìm bớt tiếng cười khi liếc mắt nhìn những thỉnh nguyện có những lập luận rằng “người ấy” là “người yêu nước”, “không vi phạm pháp luật”, “không phải bất đồng chính kiến”, “không muốn làm anh hùng”, “đang đầy bệnh tật”, “rất ôn hòa”, “vì sự thật”, “đã có công với Đảng”, “thuộc gia đình cách mạng”, “chỉ vì lợi ích của Đảng” v.v.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ cái sự “một mình” (alone), chứ không phải “cô đơn” (lonely), luôn là một thuộc tính bất biến của mọi khai phá, sáng tạo.

Tôi đã từng có lần yếu đuối rất đáng trách thốt ra lời “Thương anh” với người vì tự do mà bị lao tù. Nhưng nghĩ thêm, đối với những người bị lâm nạn vì đã khát khao tự do thực sự, cái “tình thương” đó không phải là điều họ cần nhất.○


(Bảy tháng và 11 ngày sau khi Anh Ba Sàm cùng đồng sự bị bắt. Cuối ngày thứ Mười - ngày đã hết lệnh tạm giữ - tối đa 09 ngày - phải chuyển sang lệnh tạm giam, tức có “khởi tố”- thủ tục tố tụng tối thiểu để giam giữ lâu dài và đưa đến các thủ tục khác: truy tố, xử án, kết án - sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt.)

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Bà Bùi Thị Minh Hằng (tiếp theo)



Xem phần: (1)

Phạm Hồng Sơn

Trước phiên phúc thẩm, tôi đã tin tưởng, cầu mong bà Bùi Thị Minh Hằng và các đồng sự nhất quán về quan điểm và giữ nguyên khí phách. Thực tế đã trả lời hơn tôi mong đợi. Theo tường thuật của một Luật sư có mặt trong phiên tòa, bà Hằng đã: “đả đảo phiên tòa bất công của chính quyền cộng sản.” Tôi không chỉ mừng mà còn thấy bản thân rất may mắn trong lần này vì có những lần niềm tin lớn của tôi đã bị thực tế bác bỏ thẳng thừng.

Có thể nói bà Bùi Thị Minh Hằng phần nào có tính đại diện cho sự phức tạp, đổ nát, trăn trở, lầm lạc, thức tỉnh của một bộ phận dân chúng và là chứng nhân cho cả những biến chuyển chính trị một thời của xã hội Việt Nam. Bà là một “sản phẩm” không thể phủ nhận của nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Là một người gặt hái và cũng là nạn nhân của “xuất khẩu lao động” trong thiên đường Liên Xô vĩ đại. Là con đẻ và cũng là một “con bò sữa loại bé nuôi cho béo rồi thịt” của một nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Là một hiện thân cho những bất đồng, xung đột, chia rẽ, vỡ nát từ trong gia đình lớn tới gia đình nhỏ của một xã hội tao loạn, tha hóa, mất phương hướng. Là biểu hiện của sự chuyển đổi nhận thức đương đại của một số nhân dân, dám đưa ẩn ức riêng để hòa vào cái oan chung, dám rời xa cuộc đời phóng túng, hưởng thụ cá nhân để góp thân vào sự mạo hiểm cho lợi ích cộng đồng, xã hội…

Một cuộc đời như thế, tất nhiên, sẽ là một bãi rác đẹp cho các ngòi bút bảo vệ độc tài, là một mỏ vàng cho những cây bút viết vì Con Người. Chỉ đáng tiếc trong xã hội hiện nay bút độc tài vẫn nhiều hơn bút người. Nhưng chính đó lại thể hiện cái bản lĩnh của bà Hằng và những người sát cánh cùng bà.

Cố nhiên, viết như thế không có nghĩa bà Hằng, giống như tất cả chúng ta, là con người hoàn hảo, không cần phải tự vấn, xem xét lại bản thân để sửa chữa hay hoàn thiện hơn nữa. Nhưng trong một xã hội đầy thờ ơ và hèn mạt, mọi mầm thiện, mầm dũng nhú lên đều là những bấu víu âm thầm cho lòng người, và đương nhiên rất cần phải được nâng niu, chắt chiu, bảo vệ.

Trong Đèn cù, Trần Đĩnh đã khái quát cái hèn của người dân Việt Nam trong thời xã hội chủ nghĩa là: “’nhân dân anh hùng không sợ bom đạn’ lại thua Thằng Hèn – Hèn vì nhân dân ta khiếp sợ quyền lực, khuất phục từ tổ trưởng trở đi”. Nhưng có những thực tế còn thảm hại hơn nhiều. Một lần đi ủng hộ bị cáo trong một phiên tòa, vô tình tôi được gặp một vị Giáo sư danh tiếng cũng đi ủng hộ, thật là vinh dự và vui mừng vô cùng. Nhưng khi bị công an xua đuổi, cả nhóm phải tản ra khỏi khu vực “cấm”, vị Giáo sư hốt hoảng nói với mấy người đi bên cạnh: “Này, đừng đi cùng nhau, không họ lại cho là có tổ chức đấy!” Ngày hôm sau, bài tường thuật về việc đi dự tòa của vị Giáo sư đó tràn ngập khắp mạng, tôi đọc và thấy đúng là bài viết thuộc đẳng cấp giáo sư, rất chữ nghĩa và khí phách.

Dĩ nhiên, làm “công dân” trong các nước xã hội chủ nghĩa, không cứ gì Việt Nam, không ai có thể độc quyền được cái hèn. Và không bao giờ có con người chỉ hoàn toàn thuộc về một khái niệm. Nhưng tôi thực sự bất lực trong việc định thứ hạng cho Trí và Dũng, Dũng và Trí. Vì thiếu một trong hai cái, hoặc đôi khi chỉ xếp nhầm vị trí thôi, độc tài chắc chắn sẽ mãi mãi còn mỉm cười.○


Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Phạm Hồng Sơn

Nếu phải tìm hiểu thêm về các thiết chế quan trọng cho một nền dân chủ hay phải tham vấn thêm về một đề tài hàn lâm nào đó, thành thật tôi sẽ không dám nhờ cậy những người như bà Bùi Thị Minh Hằng. Nhưng khi cần một chia sẻ chân thành, bộc trực, tình cảm và đặc biệt khi có cướp hay có hổ tấn công, tôi sẽ yên tâm, vững dạ hơn rất nhiều nếu được có những người như bà Bùi Thị Minh Hằng ở bên.

Điều rõ ràng, dân chủ rất cần Montesquieu, Locke, Madison, Tocqueville,… và lá phiếu. Nhưng những thứ đó chưa thể đủ, dân chủ còn cần cả những bàn chân, bàn tay, những khối óc không nề hà việc “nhỏ mọn”, “tầm thường”, “nhếch nhác”. Vì thiếu những thứ sau, rất có thể những thứ đầu vẫn mãi mãi chỉ nằm trên văn bản, giấy tờ, ước vọng mà thôi. Giả dụ, khi có kẻ đến cướp lá phiếu, uy hiếp người bỏ phiếu, chắc chắn những người có khả năng nhất, bản lĩnh nhất chống lại những kẻ đó không thể là “Locke” hay “Montesquieu”.

Ở trên có nói đến “hổ” là vì ngày xưa có câu chuyện như thế này: một thức giả gặp một người đàn bà đang khóc than đau khổ hỏi ra mới biết rằng cả chồng và đứa con duy nhất của người đàn bà vừa lần lượt bị hổ ở trên núi xuống ăn thịt mất. Thức giả liền nói, hình như là giọng hơi gắt: “Sao không đi ngay sang vùng bên mà ở? Bên đó vừa phồn thịnh vừa đông người, hổ làm sao dám tới.” Người đàn bà đau khổ dáng vẻ thất học chỉ nhẹ nhàng đáp: “Nhưng bên đó ‘hà chính’.” Vị thức giả lẳng lặng bỏ đi, người đàn bà tiếp tục ở lại. Người đời sau mới đúc kết:

“HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ” nghĩa là: “CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐOÁN, CHUYÊN CHẾ NGUY HIỂM, ÁC ĐỘC HƠN HỔ”

Ít phút nữa bà Bùi Thị Minh Hằng và những đồng sự sẽ lại ra “tòa” lần thứ hai trong vụ án có tình tiết buộc tội “hai xe máy đi hàng ba”. Chúng ta có thể đang lo lắng, thương cảm, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy ấm lòng và tự hào khi nhìn lại chúng ta còn những con người như BÙI THỊ MINH HẰNG.

(còn tiếp)


Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Bọ Lập đầu hàng?

Phạm Hồng Sơn

Sau năm ngày bắt giữ, nhà cầm quyền Việt Nam vừa cho biết vào ngày 10/12/2014, đúng ngày Quốc tế Nhân Quyền: “Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội.” Đây rõ là một thông tin chưa đủ thông tin để tin.

Song, nếu sự thật được bạch hóa sau này sẽ bẽ bàng đúng như thế, chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên hay phải sốc khi một nhà văn và là một nhà văn đang ốm với tuổi đã lên cao, không chịu nổi những áp lực của tù đày trong một xã hội vốn có các giá trị luân lý, đạo đức, niềm tin đang bị đảo lộn, tan nát.

Chẳng phải chúng ta đã từng có không phải một mà là hơn hai con người là đảng viên một chính đảng, lại có những điều kiện về chính trị, xã hội, tuổi tác, sức vóc khỏe hơn ông Lập nhiều nhưng đã đầu hàng và đầu hàng một cách hùng biện, thẳng thắn, dứt khoát trước tòa và trên TV đó sao? Dĩ nhiên mọi thuận lợi cho một mục đích đều trở nên vô nghĩa khi ý chí đã về không hoặc mục tiêu đã bị chuyển đổi. Nhưng chúng ta cũng phải thấy lịch sử, dù là của nhiều người, nhiều thế hệ, mỗi bước chân của người đi trước, ít nhiều, đều để lại một vết hằn nào đó trên con đường và trong tâm trí của những người đi sau. Chưa kể, mỗi con người, chứ không phải thánh thần, đều là một tập hợp của vô vàn những yếu tố bất định, vô thường đầy bất trắc.

Do đó, về tình cảm, và cả về lý trí, chúng ta cần và nên thông cảm cho những con người kiên cường nhiều năm mềm lòng vài phút. Nhưng để công bằng chúng ta cũng phải biết xót xa cho lý tưởng dân chủ nữa. Nếu không, ai sẽ là người bảo tồn danh dự cho lý tưởng cao đẹp đó. Những nhà độc tài chăng?

Vì vậy theo tôi, tiết lộ thông tin hững hờ nói trên là một phản ứng khá thông minh của nhà cầm quyền. Vì dù thế nào không ai có thể loại bỏ được hoàn toàn mọi khả năng đã nhận tội, chưa nhận tội hay sẽ không nhận tội. Nói chung là làm dư luận hoang mang. Hoang mang luôn là món thuốc đơn giản mà công hiệu làm cho ý chí của đối phương, tuy không nói ra hoặc không thừa nhận, rất dễ bị rã rời. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ không ưng ý với đánh giá rằng nhà cầm quyền hiện nay (khá) thông minh. Nhưng độc ác/khờ khạo, lương thiện/thông minh chưa bao giờ là những cặp đôi bắt buộc phải luôn dính liền với nhau. Chưa nói đến tinh thần dân chủ và nội lực trong đấu tranh là phải biết nhận ra và thừa nhận những ưu điểm của đối lập.

Con người khó tránh được hết những xúc cảm hoang mang, sợ hãi, khóc than khi đối diện nghịch cảnh. Nhưng trong những trường hợp rối bời như thế, nghĩ kỹ, có lẽ không có gì tốt hơn bằng cách: Hãy xếp việc những thông tin hư thực (hoặc sự bẽ bàng nếu có) ra phía sau, tiếp tục đoàn kết, tập trung làm những gì thiết thực cho lý tưởng dân chủ cũng như cho quyền sống, quyền tự do của những con người bị bức hại, tù đày một cách bất công và tiếp tục vững tin vào lý tưởng dân chủ. 

Chỉ khi chứng tỏ chịu đựng được khắc nghiệt và vượt qua được thử thách, lý tưởng đó mới xứng đáng, mới đủ sức thuyết phục để toàn dân ủng hộ và đeo đuổi đến cùng.○


(Năm ngày sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Hớ hênh

Phạm Hồng Sơn

Đời tù có những mặt riêng mà đời thường không thể, không bao giờ có, cả tốt lẫn xấu. Đây là một chuyện như thế:

“Ông Huỳnh năm ấy (1965) bị giam cầm một thời gian. Tù được người nhà thăm nuôi mỗi tháng hai lần. Nhiều tù nhân giữ quần áo dơ lại, chờ hai tuần một lần gửi người nhà đem về giặt, kỳ thăm sau đem lại. Anh bạn tù nằm cạnh ông Huỳnh, trước khi vợ vào thăm lại tự mình giặt đồ cho sạch, chờ trao vợ mang về, mặc qua để lấy hơi trước khi đem vào trả cho chồng. Anh ta giải thích: ―Không có hơi hám của vợ, tôi không làm sao ngủ được.”

Tù ở đâu mà oách thế? Cộng sản hay Cộng hòa? Chắc chắn không thể là Cộng sản rồi, vì có vụ khi ra tòa bị cáo muốn mặc cái áo trắng, muốn đeo cái cà-vạt mà cũng không được hay muốn đọc Thánh Kinh thì phải tuyệt thực lên xuống nhiều lần chưa chắc đã được, thì nói gì đến những chuyện “ấm ớ” đó.

Câu chuyện trên nằm trong cuốn Hồi ký của ông Huỳnh Văn Lang xuất bản năm 1999 ở Hoa Kỳ do nhà văn Võ Phiến ghi lại trong bộ Văn Học Miền Nam: Tổng Quan, tái bản năm 1999 tại Hoa Kỳ. Tuy câu chuyện trên chưa thể phản ánh đủ một chế độ tù đày cũng như chế độ chính trị (đã đẻ ra nó) nhưng nó cho thấy rõ chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhân bản, tự do hơn nhiều cái chế độ hiện nay, dù sự tự do đó có cái vẻ thật hơi “hớ hênh”. Nhưng có tự do đích thực nào tuyệt không có hớ hênh?

Nhưng vấn đề không phải ở cái hớ hênh đó.

Lạ là trong hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam Cộng Hòa, đã từng tiếp tay (nhầm) để giật đổ cái chế độ tự do đó, hiện vẫn đang còn sống mà tôi mới chỉ thấy có mỗi hai anh em ông Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải ở mãi trên Cao nguyên xa lắc ngỏ lời xin lỗi dân tộc một cách công khai vì đã chót lầm lạc.

Cách đây không lâu tôi chứng kiến có mấy đứa trẻ chơi Lego, một đứa lỡ làm đổ một mô hình vừa xếp xong của một đứa trẻ khác, đứa trẻ làm đổ vội xin lỗi rối rít.

Thế mà cả một mô hình chính trị ưu việt hơn hẳn bị giật đổ, thì người ta lại lặng thinh.

Nhưng vấn đề không hẳn cứ phải là “xin lỗi”. Vấn đề là nếu như hiện nay tất cả những người còn sống nói ở trên cùng nhau làm được cái gì, không cần to tát, một cách thực chân thành, ôn hòa  nhưng triệt để và công khai tương tự như hai anh em họ Huỳnh, tôi tin những người như Bọ Lập, Anh Ba Sàm, Người Lót Gạch, v.v chắc chắn sẽ có khả năng ít bị tù hơn hoặc nếu tù thì tù cũng sẽ tử tế hơn, không cần phải kiến nghị, cầu xin trong vô vọng như hiện nay – đặt một bước chắc chắn cho mục tiêu: không ai phải chịu khổ nạn (sách nhiễu, đánh đập, giam cầm) chỉ vì khát khao tự do một cách ôn hòa.

Nhưng tôi nói như thế cũng là hớ hênh mất rồi. Vì người Việt mình ít khi chịu làm theo những gì người khác nói, nhất là từ một kẻ thường dân, dù là đúng. Thật hớ hênh quá.○

(Ba ngày sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Một kết luận

Phạm Hồng Sơn

Mọi liệt kê tội ác đều thiếu sót. Liệt kê sau đây chắc chắn cũng thế.

Chỉ muốn làm “một góc nhìn khác” thôi. Bắt.
Chỉ muốn “phá vòng nô lệ” thôi. Bắt.
Chỉ muốn làm “người lót gạch” thôi. Bắt.
Chỉ muốn “chuyên chở sự thật” thôi. Bắt.

Chế độ nào mà phản động, tàn ngược thế?

Hồ Giáp Đồng Chinh Duẩn… và đảng cộng sản đó.

Họ đã chết hết rồi mà?

Nhưng vẫn còn nhiều người chống lưng, bám víu, trông chờ, ẩn nấp vào đảng cộng sản, vẫn còn nhiều người là đảng viên cộng sản, vẫn còn nhiều người tỏ lòng yêu quí, ngưỡng mộ họ.

Kết luận: Tất cả những Trí Thức vẫn bày tỏ tin tưởng, vẫn còn trong đảng cộng sản, vẫn bày tỏ kính trọng Hồ Giáp, nếu không phải vì miếng cơm manh áo cho người lầm than khác (chứ không phải cho bản thân), đều là lũ người Vô Sỉ, tiếp tay cho Tội Ác và chính là Tội Ác.○

(Hai ngày sau khi Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)


Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Thương anh Lập – One more well-known blogger, writer arrested

(Bilingual)

Thương anh Lập 

Phạm Hồng Sơn

Từ chiều tối qua Hà Nội bắt đầu trở rét. Đêm đến giấc ngủ đã khuya mà chập chờn, không thể vào. Nhưng không ngủ được không phải vì rét mà vì thương quá, lại một người nữa vừa phải vào tù: Anh Nguyễn Quang Lập, nhà văn, chủ blog Quê Choa. Anh Lập từ lâu đã là một người của công chúng theo nhiều nghĩa. Nhưng tôi nhớ anh Lập ở hai điểm. Hồi anh Lập hay văng tục công khai trên mạng, cái văng tục đó nhiều khi rất tục, kể cả tục tĩu, nhưng lạ là nó không làm tôi khó chịu nhiều về sự tục tằn, thô tục, mà làm tôi nghĩ nhiều đến những tâm hồn mộc mạc, trong sáng của những vương quốc toàn những con người hồn nhiên, tử tế. Nó cũng gợi cho tôi nhớ lại những người bạn thời trẻ con luôn miệng nói tục, chửi thề, nóng nảy nhưng rất nghĩa hiệp và chân thành, dĩ nhiên đó là những người bạn hiếm. Điểm thứ hai tôi nhớ nhiều về anh Lập là chính anh Lập sau đó đã bày tỏ sự lắng nghe, tiếp thu các góp ý, đôi khi rất gay gắt, để biến cái chất “tục” của bản thân thành như chúng ta đã biết. Một người ngoài 50 tuổi, có danh tiếng mà chịu nghe, chịu đổi mình, theo tôi, đó không phải là chuyện nhỏ. Thế mà cái con người đó hôm nay lại đang nằm trong tù, vì sao?, chỉ vì muốn giúp mình giúp người, giúp đời cùng tiến bộ nhiều hơn nữa.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Người ta thường nói “thân gái dặm trường”, nhưng theo tôi “thân gái” lặn lội, vất vả đó chưa hẳn đã bằng một “người ốm đi tù”. Nếu có sóng giao cảm đến được với anh Lập, tôi sẽ không ngại mà nói rằng “Anh Lập ơi, cố lên anh nhé. Mọi người đều thương anh, thương lắm.” và tôi vẳng nghe thấy tiếng trả lời: “Đừng. Thương dân mình hơn đi. Thương lắm, em ơi.”

One more well-known blogger, writer arrested

Pham Hong Son


Nguyen Quang Lap, 58, a Vietnamese writer noted by the State and respected by the public and the owner of Que Choa – a blog very well-known for its progressive posts and the courage of its owner, was arrested by the Vietnamese authorities reportedly upon the notorious Article 258 of Penal Code. Nguyen Quang Lap won several prizes and honors in literature and cinema. Blog Que Choa, among the most read independent blogs in Vietnam, having around 400,000 pageviews a day, was hacked and fire-walled and even lost its control several times and its owner was urged or threatened to stop blogging or to make the blog less out-spoken. However Que Choa has proved more faithful to public demands than subservient to desire of a few people though its owner, Nguyen Quang Lap, is being suffering from hemiplegic aftereffects. Since yesterday, December 06, 2014, Que Choa has stopped posting and its ailing owner has lived in prison.○ 

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Lời của kẻ vắng mặt – A speech from an absent invited

(Bilingual)

Như quí vị đã biết Sứ quán Úc phối hợp với Đại diện Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam và năm Sứ quán khác (Hoa Kỳ, Canada, Na-uy, New Zealand và Thụy-sỹ) tổ chức hội thảo tại Sứ quán Úc: “Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” vào lúc 8:30 hôm nay 30/7/2014. Những người tổ chức đã có sáng kiến rất dân chủ và mạnh mẽ: chính thức mời nhiều người Việt Nam thuộc nhiều thành phần và quan điểm chính trị khác nhau tham gia Hội thảo, từ đại diện của chính quyền, của Đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức tự lập và cả các cá nhân độc lập, bất đồng chính kiến. Tôi là một trong những người được mời nhưng không thể tới dự, như nhiều anh chị em khác, do chính quyền lại cắt người tới chặn ngay tại nhà từ sáng sớm.

Sau đây là nội dung chính trong bày tỏ tôi gửi tới ban tổ chức Hội thảo thay cho sự vắng mặt ngoài ý muốn của mình.

Phạm Hồng Sơn

___


Tôi tin tất cả chúng ta sẽ lúng túng với câu hỏi này: Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ở Việt Nam trong một thập niên qua đã diễn tiến như thế nào?  

Còn đây là cố gắng trả lời ngắn gọn của tôi:

Một: chúng ta có thể khẳng định ngay mà không sợ sai rằng Việt Nam hoàn toàn không có những tự do đó hoặc tình trạng còn trở nên tồi hơn nếu nhìn vào cấu trúc căn bản của nền chính trị Việt Nam hoặc xem lại những khung pháp lý như Điều 4 Hiến pháp mới sửa 2013 hoặc Nghị định 72/CP năm 2013 của Chính phủ Việt Nam.

Hai: chúng ta có thể phải rơi nước mắt nếu nhìn vào danh sách những người đang bị cầm tù hoặc đang bị quản chế tại gia trên khắp ba miền đất nước chỉ vì họ đã dám viết, dám bày tỏ theo tiếng nói lương tâm của chính họ một cách ôn hòa nhưng trái với quan điểm của đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam.

Ba: nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định các quyền trên tại Việt Nam trong một thập niên qua đã có tiến bộ đáng kể nếu nhìn vào thực tế của sự đa dạng về tính chất và số lượng đang nở rộ của những tiếng nói bất đồng hoặc nếu đọc những trang mạng đăng những quan điểm chính trị ngược với chính quyền do chính người dân đang sống ở trong nước khởi sự và duy trì. Cách đây 10 năm những điều vừa kể không thể có.

Ba cách nhìn vừa nói, dù rất thiếu sót, có thể giúp chúng ta tránh sa vào hai thái cực: bi quan cùng cực hay lạc quan liều lĩnh về quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ở Việt Nam– những yếu tố cơ bản của một hệ thống truyền thông tư nhân – phi nhà nước.

Thực trạng nhân quyền thu nhỏ vừa nêu cũng làm lộ ra một nghịch lý oái ăm của đất nước Việt Nam chúng tôi: nhu cầu tự do của toàn xã hội Việt Nam đang bị ngáng trở bởi ý chí chính trị của một nhóm người.

Tuy nhiên, không có con người nào sinh ra đã biết nói, không một xã hội toàn trị nào lại có hệ thống truyền thông tư nhân. Muốn lớn khôn, con người không thể không học nói. Để tự do, xã hội không thể không tạo lập truyền thông tư nhân.

Vì vậy, hội thảo “Truyền thông phi nhà nước tại Việt Nam hiện nay” do Sứ quán Úc phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Sứ quán Hoa Kỳ, Sứ quán Canada, Sứ quán Na-uy, Sứ quán Thụy-sỹ tổ chức, là một biểu hiện cụ thể của sự ủng hộ giá trị cho tiến bộ của Việt Nam chúng tôi. Một cách thẳng thắn, tôi muốn ví hành động đó giống như một thiện nhân khích lệ một tù nhân bị cấm nói lâu ngày: Hãy nói lên đi!

Dĩ nhiên, “học nói” trong một chế độ toàn trị không thể chỉ gặp những tiếng cười hân hoan hay sự dịu dàng như trẻ thơ học nói. Song, nhiều người Việt Nam, tôi đoan chắc, đã thấu hiểu điều này.○


A speech from an absent invited

The Australian Ambassador to Vietnam, H.E. Mr Hugh Borrowman, in conjunction with his H.E. counterparts from the EU Delegation, the United States of America, Canada, New Zealand, Norway and Switzerland, took a bold and democratic initiative to invite a variety of Vietnamese, who hold different political opinions and come from different social strata, to attend the Seminar “Non-State Media in Contemporary Vietnam”, to be held at the Australian Embassy at 8:30 AM July 30, 2014. I was one of these invited but failed to attend the Seminar due to a repeated prevention made by the authorities.

The following is a written statement I sent to the Seminar in place of my absence.

Pham Hong Son

___

We may be confused with this question: How have the rights to freedom of speech and expression in Vietnam evolved in the last decade? Here is my brief attempt:

Firstly, we can affirm that there has been absolutely no freedom or the situation has even worsened, regarding the fundamental pillars of Vietnamese political system or the legal frameworks such as Article 4 of the newly amended Constitution or the Decree 72/CP-2013 of Vietnamese Government.

Secondly, it’s depressing to have a look at the list of those who are in prison or under house arrest for they just dared to write, to express their non-violent beliefs opposing the political will of the communist party and the government of Vietnam.

Thirdly, however we cannot deny that over the last decade the rights to freedom of speech and expression in Vietnam have progressed considerably in terms of number and diversity of dissidents and the non-state online pages which hold political dissent and are run by Vietnamese living inside the country. Ten years ago, those things could not be found.

These three points of view, although flawed, could stop us from falling into two extremes: bleak pessimism or reckless optimism about the freedoms of speech and expression in Vietnam – two essentials for private media.

The aforementioned simplified status of human rights in Vietnam unveils an awkward paradox in our country: the aspiration to freedom of the whole society has been barred by a small group of our own people.

However no man is born speaking, no totalitarian regime accepts private media. To mature, a person must learn to speak. To be free, a society must establish private media.

For that, the seminar “Non-state media in contemporary Vietnam”, organized by the Australian Embassy in conjunction with the foreign missions of the EU Delegation, the United States of America, Canada, Norway, New Zealand and Switzerland, is a concrete and valuable support for our country. To be honest, I would imagine the seminar like an action of a good man encouraging a long-silent prisoner: Speak up again, please!

Naturally, “learning to speak” under a totalitarian regime is not always welcome and lauded like a child learns to speak. But many Vietnamese, I am sure, have understood that.○




Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Biển Đông đã mất? (2)


Phạm Hồng Sơn

Không phải là Biển Đông (phần 2)

Biển Đông hay Dương Nội?

Suốt những ngày “dàn khoan HD 981” vừa qua, và sẽ còn nhiều những sự kiện tương tự “dàn khoan” khác trên Biển Đông, có nhiều người đã khổ rồi lại khổ hơn, có những vấn đề đã xấu rồi lại thành xấu hơn vì những nỗi khổ, vấn đề đó bị lu mờ đi rất nhiều do “Biển Đông”.

Hãy để cho trí tưởng tượng được bay bổng. Bỗng một ngày tiềm lực Trung Cộng suy sụp tới mức không còn đủ sức để duy trì chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa nữa, họ rút đi hết cả quân lẫn dân và vứt lại đó cả bản gốc Công hàm Hồ Chí Minh 1958. Nhưng tôi tin những dân oan mất đất ở Dương Nội (hay Tiên Lãng, Xuân Quang, Vụ Bản, Bình Dương, Đắc Lắc, Cà Mau,…) sẽ không đi lấy đảo, lấy công hàm về làm gì một khi chế độ chính trị Việt Nam vẫn là độc tài toàn trị. Không ai lại dại tới mức đi lấy của cải từ một kẻ cướp để đưa vào tay một kẻ cướp khác.

Giới hàn lâm đã chứng minh một trong những đóng góp lớn cho tiến bộ của nhân loại trong luật La Mã là khái niệm dominium (proprietory power-quyền sở hữu, sức mạnh sở hữu) trong đó có sở hữu đất do mình khai phá, bỏ tiền ra mua hoặc được thừa kế. Quyền đó hay sức mạnh đó tạo cho con người một động lực, một nền tảng vững chắc tiềm ẩn trong việc chống lại cường quyền, khiến xã hội loài người công bằng hơn. Theo họ, khái niệm đó không chỉ giúp con người giữ được những gì họ có mà còn bảo tồn được nhân phẩm và các phẩm tính người khác (human faculties).[i] Nói một cách dung dị, bạn và tôi sẽ yên tâm hơn, tức có nhiều chí khí và sức lực hơn, nếu mảnh đất mà chúng ta đã bỏ không ít tiền ra mua và lại phải đóng thuế hàng năm không còn thuộc “sở hữu toàn dân” nữa. Do đó không phải ngẫu nhiên các chế độ cộng sản hậu kỳ ngoan cố đã chuyển sang tư bản đỏ luôn luôn không chịu nhả một chút gì về quyền sở hữu đất.

Nhưng nói như thế không có nghĩa quyền sở hữu đất là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Có những vấn đề khác, quyền khác cũng quan trọng không kém như tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, v.v.

Cần phải dành quan tâm và ưu tiên sức lực cho những vấn đề nào, quyền nào để cứu nước Việt Nam, để Việt Nam được tự do hơn? Không dễ có câu trả lời ngay, nhưng chắc chắn không phải là Biển Đông.

Thành thật vẫn tốt hơn

Charles Fenn, người đã giới thiệu Hồ Chí Minh vào làm việc cho OSS (Office of Strategic Services-Cục Công tác Chiến lược, tiền thân của CIA) trong giai đoạn sắp kết thúc Thế chiến II, một lần đã nêu băn khoăn với Hồ về việc Việt Minh là tổ chức cộng sản, Hồ trả lời: “Người Pháp đều gán cho mọi người Việt Nam muốn giành độc lập là cộng sản.[ii]

Đó chỉ là một trong nhiều lần Hồ Chí Minh lẩn tránh thừa nhận gốc gác cộng sản của mình khi làm việc hay tiếp xúc với những người Mỹ trong giai đoạn hữu nghị ngắn ngủi Việt (cộng sản)-Mỹ 1944-1946.

Báo cáo mật (đã được bạch hóa) của Bộ quốc phòng Mỹ, the Pentagon Papers, cho biết từ cuối 1945 tới đầu 1946 Hồ Chí Minh đã gửi ít nhất 8 (tám) lá thư thỉnh cầu tới Tổng thống Truman và Bộ Ngoại Giao Mỹ để được hỗ trợ trong việc giành độc lập từ người Pháp và ủng hộ cho chính phủ mới thành lập “Cộng hòa Dân chủ của Việt Minh” (Democratic Republic of Viet Minh). Tất cả những lá thư đó đều không được hồi âm.[iii]

Nhưng the Pentagon Papers ghi lại một điện tín của Ngoại trưởng George C. Marshall gửi cho sứ quán Mỹ tại Paris: “…Mặt khác chúng ta cũng không phải không biết là Hồ Chí Minh có liên hệ trực tiếp với Cộng sản và rõ ràng là chúng ta không thú vị gì khi thấy một chính quyền thuộc địa lại được thay thế bằng tư tưởng và bằng các tổ chức chính trị chịu sự chỉ đạo và kiểm soát bởi Kremlin.[iv]

Cũng cần nhớ lại trước khi kết thúc Thế Chiến II, Hồ Chí Minh (và Việt Minh) đã là một đối tác đắc lực của OSS trong các điệp vụ thông tin chống Nhật và giải cứu các binh sỹ Mỹ bị kẹt ở Đông Dương. Bản thân Hồ Chí Minh đã từng đích thân lặn lội đường rừng đưa một phi công Mỹ (bị rơi ở Bắc Việt Nam) trở về căn cứ bên Trung Hoa.[v] Vấn đề cần đặt ra là tại sao ngay sau đó chính quyền Mỹ lại phớt lờ các thỉnh cầu của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp rất phù hợp với lý tưởng của nước Mỹ lúc đó: tự do và giải thuộc địa.[vi] Tới nay chúng ta đã rõ nguyên nhân chính của sự lạnh nhạt đó là do giới làm chính sách của chính quyền Mỹ đã biết rõ Hồ Chí Minh và Việt Minh là cộng sản. Tuy nhiên, nguyên nhân đó đúng (về cơ bản) nhưng chưa đủ. Còn một nguyên nhân nữa, có thể rất nhỏ nhưng lại không kém quan trọng trong quan hệ con người, đó là Hồ đã để lại cảm giác là một con người rất khéo léo hơn là chân thực đối với nhiều người Mỹ.[vii]

Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ xử sự kiểu đó với người Mỹ. Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) - chấp nhận cho quân Pháp trở lại Bắc Việt thay thế quân Tưởng - dư luận đã nổi lên một làn sóng phản đối, nghi ngờ có động cơ mờ ám, Hồ đã thân chinh đứng trước công luận thề: “Tôi (Hồ Chí Minh) thà chết chứ không bán nước!”. Đúng, bây giờ chúng ta đã biết Hồ Chí Minh không bán nước trừ việc Hồ Chí Minh và chính quyền do ông làm Chủ tịch nước và Chủ tịch đảng, chỉ vì cần có thêm vật chất và tinh thần để Nam tiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đã công nhận rằng cả hai quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) là thuộc chủ quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hồ Chí Minh cũng từng cam đoan trước quốc dân đồng bào: “Tôi chỉ có một Đảng - đảng Việt Nam”, ngầm ý không phải đảng cộng sản. Nhưng sự thật hoàn toàn không như thế. Hồ Chí Minh còn ước khi qua đời sẽ được gặp ngay “cụ Các-Mác, cụ Lê-Nin[viii] – những ông tổ của chủ nghĩa cộng sản.

Nhìn lại bối cảnh Việt Nam thời kỳ 1945 chúng ta thấy nếu việc Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cộng sản trước đó là việc đã rồi, và cũng không phải chỉ có một mình Hồ chọn, thì việc “bài vở” với các đối tác Mỹ hay việc nhất nhất phải tiếp tục theo cộng sản để giành độc lập lại là những việc không bắt buộc phải xảy ra[ix]. Và nếu như chỉ không xảy ra những kiểu mưu mẹo vặt đó thôi, rất có thể lịch sử Việt Nam đã khác rất nhiều.

Bi kịch của ảo tưởng

Mùa xuân năm 1975, khi Mỹ đã rút hết quân khỏi Việt Nam Cộng Hòa và trước ngày Sài Gòn sụp đổ, Ngoại trưởng Nhật hốt hoảng gọi sang Mỹ, trong đó có đoạn: “Thế còn chúng tôi? Nếu chúng tôi bị tấn công, các ngài có chơi một cú như ở Việt Nam rồi lại lên tàu về nước không?”. Ở sát bên cạnh, chính quyền Nam Hàn cũng hỏi: “Nếu Kim Nhật Thành và lính Bắc Hàn tràn qua biên giới, chúng tôi có thể trông cậy vào các ngài, được hay không?[x]

Người Nhật và Hàn, dù có mấy chục ngàn quân Mỹ đang đồn trú, vẫn bất an là rất đúng, không chỉ vì vai trò tối quan trọng của Mỹ trong đảm bảo an ninh quốc tế mà rất có thể những người Nhật, Hàn còn là những người thuộc sử Mỹ.

Năm 1778 nước Mỹ non trẻ, vừa tuyên bố độc lập đã ký một hiệp ước liên minh với Pháp để có thêm hỗ trợ trong cuộc chiến khó khăn với nước Anh hùng mạnh. Nước Pháp đã giúp không chỉ tiền bạc, vũ khí, phương tiện, tinh thần mà cả con người để những nhà cách mạng lập quốc Mỹ như George Washington, Thomas Jefferson, Alexander Hamilton đi tới chiến thắng cuối cùng với người Anh và giành độc lập. Đầu tháng Hai năm 1793 Pháp tuyên chiến với Anh. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, cuối tháng Tư năm 1793, đích thân Tổng thống Mỹ George Washington tuyên bố Tuyên cáo Trung lập (Proclamation of Neutrality), đơn phương cắt bỏ liên minh với Pháp. Đương nhiên Tổng thống Washington nói riêng và người Mỹ nói chung phải có những lý do rất chính đáng cho sự bỏ rơi đồng minh ân nhân của mình như lập luận của Alexander Hamilton: “Hiệp ước Mỹ-Pháp đã chết vì người ký phía Pháp - Vua Louis XVI- không còn nữa, vừa bị chặt đầu.” Nhưng ai cũng biết đứng sau những chữ “vì” kiểu đó là suy tính tối cao cho quyền lợi của một nước Mỹ còn rất non yếu. Vì, nếu cần làm ngược lại, người Mỹ vẫn có nhiều chữ “vì” khác để duy trì hiệp ước bảo vệ đồng minh như lập luận của Thomas Jefferson: “Hiệp ước Mỹ-Pháp là một khế ước giữa hai quốc gia hơn là giữa hai chính quyền.[xi] Nhưng nhìn ở mặt kia, Pháp liên minh với Mỹ cũng xuất phát từ việc nhìn thấy những mối lợi mà Cách mạng Mỹ sẽ mang lại cho Pháp: làm suy yếu đối thủ Anh láng giềng truyền kiếp, mở ra một thị trường lớn cho các nhà công nghiệp Pháp,…, và cả thỏa mãn sự mến mộ vùng đất lý tưởng cho giới trí thức tinh hoa Pháp.[xii] Có thể nói câu chuyện lịch sử ngoại giao vừa kể có thể đính với nhiều nhãn khác nhau, bất tín, đồng vụ lợi, phản bội, ngờ nghệch hay công bằng, thường tình, đều được cả.

Thế giới hiện nay và nước Mỹ ngày nay có thể đã rất khác so với cách đây 200 năm hay 40 năm trước. Nhưng nếu chúng ta chỉ xem lại vài lời phàn nàn của Ngoại trưởng Ba Lan mới đây hoặc nhìn vào những chuyển động ráo riết trong chính sách quốc phòng của Nhật đang diễn ra thì sẽ thấy có những qui luật muôn đời không đổi: Trời (người) chỉ giúp những kẻ tự biết giúp mình mà thôi.

Và còn một ảo tưởng nữa cũng có thể xảy ra: Mỹ đối đầu Trung Cộng.

Lý Quang Diệu, người đã đưa Singapore từ “thế giới thứ ba” lên “thế giới thứ nhất” chỉ trong vòng 35 năm, là chính trị gia gốc Hoa thường được giới lãnh đạo Mỹ và phương Tây tham vấn[xiii], từng rất ác cảm với Trung Quốc và cộng sản[xiv], đã nhận định và dự đoán:

Hoa Kỳ dù sao cũng không thể kham và cũng sẽ không muốn ghánh hoàn toàn phí tổn của an ninh toàn cầu nữa…[xv] (năm 1991)

Qui mô dịch chuyển cân bằng toàn cầu của Trung Quốc sẽ buộc thế giới phải lập ra một cân bằng mới trong 30-40 năm tới. Không thể giả vờ cho rằng Trung Quốc chỉ là một đấu thủ lớn. Đó sẽ là đấu thủ lớn nhất trong lịch sử thế giới.[xvi] (năm 1993)

Hoa Kỳ không thể kìm được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chỉ có thể chấp nhận sống cùng với một Trung Quốc lớn hơn và sẽ hoàn toàn mới đối với Hoa Kỳ. Trong 20-30 năm tới, Trung Quốc sẽ thành một đối tác mà không đối tác nào đủ lớn để thách thức… Trung Quốc sẽ không để cho một cơ quan tài phán quốc tế nào phân định về các tranh chấp ở biển Hoa Nam (Biển Đông), vì vậy sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là cần thiết để Luật của Liên hợp Quốc được thực thi.[xvii] (năm 2011)

Khi được hỏi Hoa Kỳ nên tránh những chính sách và hành động như thế nào đối với Trung Quốc đang trỗi dậy, Lý khuyên: “Ngay từ đầu đừng đối xử với Trung Quốc như kẻ thù. Nếu ngược lại, nó sẽ triển khai một chiến lược phản công gây tổn hại cho Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương, thực tế là nó đang bàn tính về một chiến lược đó rồi. Sẽ không tránh được sự tranh giành giữa hai quốc gia về tầm ảnh hưởng thống soái trong khu vực Tây Thái Bình Dương, nhưng điều đó không cần thiết phải dẫn đến xung đột (năm 2011). Cần phải thuyết phục để Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ không muốn phá vỡ Trung Quốc để nó có thiện chí nhiều hơn trong việc bàn thảo, hợp tác trong các vấn đề an ninh và ổn định thế giới (1996). Gia tăng hiểu biết, trao đổi văn hóa giữa hai bên và giảm sự mẫn cảm về nhân quyền có thể giúp quan hệ hai nước đỡ căng thẳng, đối đầu hơn (năm 1993).”[xviii]

Hẳn Lý Quang Diệu hiểu rằng tất cả chúng ta vẫn nhớ Trung Cộng và Hoa Kỳ là hai cường quốc sở hữu bom nguyên tử - một phương tiện đã chứng tỏ khả năng ngăn chặn hữu hiệu mọi va chạm lớn giữa các bên sở hữu trừ khi có một bên muốn tự hủy diệt cùng toàn bộ nhân loại.

Trong thế kỷ XX, Việt Nam đã phải chịu một bi kịch thảm hại có gốc từ niềm tự hào được làm “vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội[xix] và từ sự quá trông cậy vào Mỹ tới mức thiếu tự lực, mất nội lực. Có nhiều lý do đứng sau những nguyên nhân gốc đó nhưng ít nhiều đều có dự phần của sự chủ quan, tự đại đến mức ảo tưởng. Ngày nay, một thời đại với nỗi lo khủng bố luôn thường trực trong đầu các lãnh đạo phương Tây cùng “sự thức giấc của con rồng Trung Hoa”[xx] ở ngay bên cạnh thì nguy cơ Việt Nam biến thành một con tốt kiểu mới cùng sự ảo tưởng được che chở kiểu mới cũng là những điều không phải không thể tái diễn.

Kỷ luật hay là chết?

Cecil B. Currey khi viết về kỷ luật của Việt Minh trước khi giành chính quyền đã thuật lại lời Tướng Giáp cho biết Việt Minh khi hoạt động ở miền sơn cước đã tuân thủ nguyên tắc nghiêm cẩn tới mức tất cả đàn bà, con gái ở đó đều tin rằng cánh đàn ông Việt Minh là những người “được sinh ra không có chim” (made without cocks).[xxi]

Trong hồi ký, Từ nhân dân mà ra, Tướng Giáp cũng kể lại chuyện sau lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Nhân dân và các đoàn thể mang tới rất nhiều quà ủy lạo. Nhưng bữa chiều hôm đó, theo yêu cầu của số đông anh em, chúng tôi đã ăn một bữa cơm nhạt, không rau không muối, để nêu cao tinh thần của những chiến sỹ cách mạng.[xxii]

Còn đây là chuyện của lão thành cộng sản cao cấp Đoàn Duy Thành khi từ nhà tù Côn Đảo trở về với Đảng:

Sau khoảng một tuần nghỉ ngơi cho lại sức, tôi bước vào giai đoạn thẩm tra việc bị bắt, bị tù... Thành ủy lập riêng một tổ thẩm tra do đồng chí Hoàng Mậu, Khu ủy viên Khu ủy Tả Ngạn, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng làm tổ trưởng (cựu tù chính trị Côn Đảo thời kỳ 1930-1936); đồng chí Lê Thành Dương, Phó ban Tổ chức Thành uỷ và đồng chí Đào Luyện, Trưởng phòng chính trị Ty Công an làm uỷ viên. Trong hơn hai tháng thẩm tra, tôi chỉ ở nhà chú Siêu thôn Đồn Xá, trừ 3 ngày phải di chuyển sang Hải Dương vì có tin địch tấn công vào Thái Bình phải tạm lánh sang huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Việc phải trả lời gần 100 câu hỏi của Tổ thẩm tra tôi chẳng thấy có gì khó chịu cả, viết hết hàng mấy tập giấy cũng không biết mệt, chỉ mong sao được tiếp tục công tác.

Tôi phải viết rất nhiều báo cáo, riêng báo cáo về nhà tù Côn Đảo tôi viết xong ngày 9-12-1953 đã hàng mấy chục trang, nay còn lưu trữ ở Cục Lưu trữ Trung ương Đảng. Đến gần Tết âm lịch 1953-1954, việc thẩm tra việc tôi bị bắt và bị tù đã xong.
[xxiii]

Dù ba ghi chép trên có bao nhiêu phần trăm sự thật, điều đó cũng cho thấy việc giành được quyền lãnh đạo (độc đoán) của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một ngẫu nhiên hay một chuyện chơi như đi phượt.

Trong cạnh tranh chính trị có hai yếu tố chính để tạo/giành niềm tin nơi công chúng, đó là sức mạnhkỷ luật. Đương nhiên, kỷ luật phải là cái có trước.

Và dù kỷ luật của ngày hôm qua không còn phù hợp với ngày hôm nay những  người Việt Nam muốn xã hội tiến bộ không thể từ chối kỷ luật. Khi phân tích một cách hệ thống và sâu sắc về hệ thống xã hội chủ nghĩa, Kornai János cũng đi đến một kết luận có thể làm châm ngôn chung cho tất cả những người đấu tranh trong những xã hội mà chế độ trấn áp đã nắm quyền: “Phong trào sẽ không tồn tại được nếu không có kỷ luật.” [xxiv]

Nhưng sẽ xây dựng kỷ luật bằng cách nào trong một môi trường của truyền thống trễ hẹn, quên lời hứa, huyênh hoang, cẩu thả, kèn cựa được pha trộn với hiện đại McDonald’s, porno, Viagra, sex toy, selfie?

Vô thường

Thoắt ngày nào tiếng voi rống rền còn nghe thảm gần sông Hát. Mới ngày nào biên thổ nước Việt phía Nam chỉ ngấp nghé Thanh Nghệ. Vệt người gồng ghánh theo chúa Nguyễn vượt đèo Ngang vẫn lượn vòng ngay trước mắt. Tiếng gươm khua, ngựa hý, đắp đường, mở kênh, xây thành phương Nam vẫn dồn dập, vang vọng quanh đây. Những thành quách, đền đài Angkor, Indus, Maya vẫn sừng sững trầm mặc, im lìm. Người ở đâu, hồn quốc ở đâu?

“Ba xứ non sông một giải liền,
Máu đào, xương trắng, điểm tô nên.
Cơ trời dù đổi trò tang hải,
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên.
Có nước, có dân, đừng rẻ rúng,
Muốn còn, muốn sống phải đua chen.
Giật mình nhớ chuyện nghìn năm cũ,
Chiêm-Lạp xưa kia vốn chẳng hèn.”[xxv]


(Hết)

* Cập nhật ngày 03/11/2016: Ghi chú số iii dưới đây đã được bổ khuyết dựa trên một bài viết của nhà báo Đinh Từ Thức.



[i] Richard Tuck, Natural Rights Theories: Their origins and development, Cambridge University Press, 1979, chương I.
[ii] Dixee R.Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University Press of Kansas, 2006, trang 154.
[iii] The Pentagon Papers – the secret history of the Vietnam war, the complete and unabridged series as published by The New York Times, Bantam Book, July 1971, trang 3-5, 26. Lưu ý: The Pentagon Papers là một nghiên cứu bí mật do Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, trước khi rời nhiệm sở do bất đồng, chỉ thị thực hiện nhằm tìm hiểu quá trình Mỹ can dự chiến tranh Việt Nam 1945-1968. Nghiên cứu có độ khả tín lớn bởi hai yếu tố: những người tham gia đều có tính tự nguyện và được giữ bí mật về danh tính; nền tảng của nghiên cứu là các thông tin đã cố định (các tài liệu, văn bản, chứ không phải hồi ký, hồi ức hay phỏng vấn, liên quan của Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, CIA, Văn phòng Tổng thống,…). Nghiên cứu này đã được các tờ báo như The New York Times, Washington Post tiết lộ lên mặt báo vào tháng 06/1971 qua các bài tường thuật, nhận định của các nhà báo của từng bản báo. Sau đó xảy ra vụ kiện rất lớn nhằm cấm đăng tải, đưa tin về "báo cáo mật" với lý do “phương hại ngay lập tức và không sửa chữa được đối với lợi ích của Hoa Kỳ và an ninh quốc gia”. Nhưng chỉ 15 ngày sau, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết các tờ báo được tiếp tục đăng tải dựa trên Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ: Quyền tự do báo chí. Tuy nhiên khi đọc các tài liệu (bài viết) được các báo đăng tải hay in thành sách, chúng ta cần thận trọng về tính khách quan và sự đúng đắn trong các nhận định, bởi, như trong lời giới thiệu của cuốn sách đã nhắc, chúng không thể tránh được sự phản ánh quan niệm, suy nghĩ hay thiên kiến riêng của người viết ra nó. Ngoài ra ngay tính "vô danh" của những người thực hiện nghiên cứu mật của Bộ quốc phòng Mỹ cũng có thể đưa đến tính "vô trách nhiệm" với nhiều mức khác nhau.
[iv] Sách đã dẫn, trang 7-8.
[v] Người Mỹ còn từng có kế hoạch đưa Hồ sang San Francisco để thực hiện các bản tin chiến tranh bằng tiếng Việt qua radio phát về Đông Dương. Dixee R.Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University Press of Kansas, 2006, trang 153.
[vi] Tháng 08/1941, Tổng thống Roosevelt cùng Thủ tướng Anh Churchill đã ra một tuyên bố sau này mang tên Hiến chương Đại Tây Dương (the Atlantic Charter) khẳng định Hoa Kỳ và Anh sẽ không có ý định tìm kiếm thôn tính lãnh thổ của các nước khác, nêu quan điểm ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc, giải thể chế độ thực dân, kiến tạo hòa bình và gia tăng phúc lợi cho thế giới. Đầu năm 1945 Tổng thống Roosevelt còn chỉ thị cho nhân viên Mỹ không được giúp hay cộng tác với người Pháp ở Đông Dương. (The OSS and Ho Chi Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University Press of Kansas, 2006, trang 116). Khi Truman lên nắm quyền, sau khi Roosevelt qua đời 12/04/1945, cũng từ chối đề nghị của Pháp giúp đỡ vũ khí hay phương tiện chuyển quân vào Đông Dương để đánh Việt Minh (The Pentagon Papers, trang 8).
[vii] Trong bối cảnh sắp kết thúc Thế Chiến II, Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc trực tiếp với nhiều người Mỹ - những người thực hiện sứ vụ chống Nhật tại Đông Dương. Những người Mỹ đó gần như chia ra hai phía, một thiện cảm và một thiếu thiện cảm, có những người rất khen tới mức ngưỡng mộ (Charles Fenn) và có những người rất chê đến mức ghét bỏ (René Défourneaux). Nhưng có hai điểm nổi rõ trong các ghi chép, hồi tưởng về các cuộc tiếp xúc đó: Hồ không thành thật về nguồn gốc cộng sản của bản thân và Hồ mập mờ về chính sách (theo cộng sản hay tư bản) của chính quyền (sắp hoặc mới lập). Archimedes L.A. Patti (trưởng nhóm OSS tại Đông Dương), người làm việc với Hồ nhiều lần, rất có thiện cảm với Hồ và Việt Minh tới mức đã bị cấp trên khiển trách nhiều lần về biểu tỏ quá thiên Việt Minh, cũng nhận xét Hồ là “ông già cáo” (sly ‘old man’), “ông trùm mưu mẹo lợi dụng” (a master of conspiratorial maneuvers). Patti cũng có nhận xét khá thất vọng nhưng rất phù hợp với những gì thực tế đã diễn ra sau đó rằng Hồ chỉ muốn làm mọi thứ để “bỏ đi cái mác cộng sản”, vì bị nhiều người nhất là giới trung lưu Việt Nam e sợ, “hơn là xa rời tư tưởng cộng sản”. Archemedes Patti, Why Vietnam? – Prelude to America’s Albatross, University of California Press, 1980, trang 87, 235, 333; Tham khảo thêm: Dixee R.Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University Press of Kansas, 2006.
[viii] Hồ Chí Minh để lại di chúc trong đó có câu: “Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác,…”. Hồi ký của Vũ Kỳ (Thế Kỷ ghi), Bác Hồ viết di chúc, Nxb Văn hóa Thông tin, 2008, trang 8.
[ix] Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1945 đến đầu 1950 không được quốc gia nào công nhận, kể cả Liên Xô và Trung Hoa cộng sản. Nhưng từ 06/1948 Pháp đã công nhận độc lập và chủ quyền ba miền Việt Nam cho Nhà nước Quốc gia (đứng đầu là cựu hoàng Bảo Đại) nằm trong Liên hiệp Pháp. Mỹ cũng công nhận và công khai trợ giúp cho Nhà nước Quốc gia ngay khi Liên Xô và Trung Cộng (mới thắng quân Tưởng) công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào đầu năm 1950. Cho dù việc Pháp công nhận độc lập và chủ quyền ba miền Việt Nam cho Nhà nước Quốc gia của Bảo Đại chỉ là một biện pháp tình thế và nhiều phần còn là hình thức nhưng là một thừa nhận quan trọng về chính trị và điều này cũng cho thấy việc giành độc lập từ tay người Pháp cho Việt Nam không bắt buộc phải thông qua con đường cộng sản và chiến tranh của Hồ Chí Minh.
[x] François Missoffe, Duel Rouge, Éditions Ramsay, 1977, trang 92.
[xi] Joseph J. Ellis, American Creation – triumphs and tragedies at the founding of the republic, Alfred A. Knopf of Random House, 2007, trang 187.
[xii] Samuel Eliot Morison, The Oxford history of the American people, New York-Oxford University Press, 1965, trang 251-256.
[xiii] Henry Kissinger coi Lý là lãnh đạo thế giới từng gặp mang lại cho Kissinger nhiều hiểu biết nhất, Lý là “con người có trí tuệ và sức phán đoán hơn người”. Fareed Zakaria kinh ngạc về “sự hiểu biết sâu sắc về thế giới – Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ - của một người đã 85 tuổi.”; Tổng thống Nixon từng tham vấn Lý trước khi tiếp xúc để nối quan hệ với Trung Cộng năm 1972; các đời tổng thống Mỹ khác, nhiều thủ tướng Anh, thủ tướng Đức, tổng thống Pháp, lãnh đạo Trung Cộng, nhiều lãnh đạo quốc tế khác từng làm việc với Lý đều đánh giá cao Lý. Margaret Thatcher cho biết khi còn làm việc bà luôn “đọc và phân tích mọi phát biểu của Lý”. Tony Blair đánh giá Lý là “lãnh đạo thông minh nhất mà tôi từng gặp.” Barack.Obama: “Lý là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20, 21.” Thủ tướng Đức Helmut Schmidt: “Kể từ khi gặp Lý Quang Diệu, tôi bị ấn tượng mạnh bởi trí lực xuất sắc và sự đánh giá thẳng thắn của ông.” Nguồn: Alex Josey, Lee Kuan Yew-The crucial years, Times Books International, 1995 (xuất bản lần 10, lần đầu năm 1968); Graham Allison, Robert D. Blackwill, Ali Wyne, Lee Kuan Yew- The grand master’s insights on China, the United States, and the World, Belfer Center for Science and International Affairs, 2013.
[xiv] Năm 1973 Lý từng thổ lộ “sẽ là người cuối cùng tới Trung Quốc”; Khi Mao chết, mặc dù vẫn bày tỏ chia buồn với lãnh đạo Trung Cộng nhưng Lý ra lệnh ngay cho lực lượng an ninh: “Phải kiểm soát chặt hơn tất cả các nhóm cộng sản.” François Missoffe, Duel Rouge, Éditions Ramsay, 1977, trang 171.
[xv] Graham Allison, Robert D. Blackwill, Ali Wyne, Lee Kuan Yew- The grand master’s insights on China, the United States, and the World, Belfer Center for Science and International Affairs, 2013, trang 40.
[xvi] Sách đã dẫn, trang 42.
[xvii] Sách đã dẫn, trang 42, 39.
[xviii] Sách đã dẫn, trang 43-45.
[xix] Hồ Chí Minh phát biểu trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III ngày 5/9/1960:"Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình dân chủ, xã hội chủ nghĩa trên thế giới... Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á, ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới." Trích từ Văn kiện Đảng về chống Mỹ cứu nước, Tập 1, NXb Chính trị Quốc gia, 2011, trang 447.
[xx] Napoléon Bonaparte 1 đã nói: “Khi Trung Quốc thức giấc, thế giới sẽ phải run rẩy” (Quand la Chine s’éveillera… le monde tremblera.), trích theo Alain Peyrefitte, Quand la Chine s’éveillera… le monde tremblera, Fayard, 1973.
[xxi] Cecil B. Currey, Victory at any cost, The Warriors edition, 2005, trang 65.
[xxii] Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb Công an Nhân dân, 2011 (Tổng tập Hồi ký Võ Nguyên Giáp), trang 91.
[xxiii] Đoàn Duy Thành, Làm người là khó, xuất bản trên Internet.
[xxiv] Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa – chính trị kinh tế học phê phán, tổng quan kinh tế xã hội chủ nghĩa, người dịch Nguyễn Quang A, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, trang 55.
[xxv] Nhượng Tống (1904-1949), Cảm đề lịch sử.