Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Luật Hiến pháp và Chính trị học (14)

Xem các phần: (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13)


Nguyễn Văn Bông

CHƯƠNG II: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ ANH QUỐC
Chế độ Anh Quốc là một chế độ đơn giản nhất trên thế giới, một chế độ tân tiến và rất sát lí tưởng dân chủ. Nhưng đồng thời cũng là một chế độ khó hiểu.
Chế độ chính trị Anh Quốc là sản phẩm của lịch sử. Nghĩa là nó đã thành hình lần lần, viên gạch này chồng lên viên gạch khác, không một kế hoạch, không một chương trình nhất định. Một cách tổng quát, chế độ Anh Quốc là kết tinh của một sự diễn tiến, lần lần đưa chính thể quân chủ đến chỗ còn cái vỏ ngoài. Quốc hội lấn áp Hoàng triều, giành lại tất cả quyền hành và hành sử chính quyền qua sự trung gian của Nội các. Để rồi ngày nay chính Nội các mới là nơi tập trung quyền hành thực sự. Chúng ta có thể tóm tắt sự tiến triển của Anh Quốc: “Chính quyền từ tay Vương quốc đã qua Quốc hội, và từ tay Quốc hội sang Nội các”. Chúng ta sẽ nghiên cứu chế độ Anh Quốc qua hai mục sau: Khung cảnh pháp lí và Thực tại chính trị.
Mục I: KHUNG CẢNH PHÁP LÍ

Đoạn 1: MỘT XÃ HỘI CỔ TRUYỀN
Để chứng minh, không gì hay bằng dịch dưới đây một đoạn mô tả vài nét liên hệ đến nghi thức hiện đang áp dụng
A. Buổi lễ khai mạc khóa họp Quốc hội
“Tất cả đều sẵn sàng. Mười hai cận vệ phục sức thời Henri VIII, cầm kích và đèn lồng mờ đi sục sạo mọi hầm hố trong lâu đài để chắc chắn rằng không có một tên ‘Guy Fawkes’ nào, như trong năm 1605, đã giấu những thùng thuốc nổ giết người ở đó – Sau đó, Hoàng đế Anh Cát Lợi có thể vào để khai mạc khóa họp của Nghị viện và từ trên ngai, ngài đọc bài ‘diễn văn ưu nhã’.
Trong khi chờ đợi, vài ba nguyên lão Nghị viên, dưới ánh sáng mờ tỏ, theo dõi bằng mắt bản sắc chế của Nhà Vua đã triệu thỉnh từng vị một.
George, nhờ ơn Thượng đế, Vua của Vương quốc Anh Cát Lợi và các vị lãnh đạo Anh Quốc hải ngoại tự trị, người bảo vệ cho đức tin, gửi đến quý bạn các cố vấn trung thành lời chào.
Chiếu theo sự quyết định của chúng ta đã thành lập một Quốc hội tại trú khu Wesminster để giải quyết một số những vấn đề khẩn cấp và khó khăn liên quan đến quốc gia và giáo hội… Chúng tôi, nhân danh đức tin và lòng tôn kính của quý vị đối với chúng tôi, xin triệu vời quý vị hiện diện trong buổi họp kể đây để cùng chúng tôi và các vị Tử Y chủ giáo (Prélats), các vĩ nhân vào nguyên lão Nghị viện của Vương quốc hội bàn về các vấn đề đinh hậu…
Người ta thấy một vị quý tộc mỉm cười khi đọc lại ngữ pháp cổ lỗ này. Nhưng một vị khác, thuộc dòng dõi mới đã tạo lập tài sản bằng kĩ nghệ rượu bia, mặt đỏ lên, dáng vênh váo, trông rõ ra vẻ khoái tỉ…
Tiếng ồn ào nổi lên, cuối phòng, bừng sáng, vệ sĩ, truyền lệnh sứ và các Nội thân tràn vào dàn hàng tại lối đi. Mọi người đều đứng dậy: Đây vị Hoàng đế mặc y phục Đề đốc, vai khoác một áo choàng nhung đỏ viền lông chồn, ngực đeo băng Jarretière, đưa tay cho Hoàng hậu vịn, và cả hai sau khi đã nghiêng mình chào Nghị viện, an tọa tại ngai vàng. Đứng sau là vị đại thần giơ cao thanh gươm tượng trưng quốc gia và bốn người khác cầm vương miện, Cap of Maintenance, vương trượng và địa cầu để trên gối.
Nhà Vua tuyên bố: ‘Xin mời quý vị Thượng Nghị an tọa’ rồi làm hiệu. Vị đại thị thần, mà người ta nhận biết nhờ ở cặp đũa trắng dài, cúi xuống viên quan hầu, một nhân vật ít quan trọng hơn ‘le gentil home huissier de la verge noire’ – và nhân danh Hoàng thượng ra lệnh cho y đi mời các Dân biểu trong thành đến.
Tên quan hầu biến vào phía bên kia lan can; Trong yên lặng, người ta nghe thấy tiếng cửa đóng mạnh: đó là cửa phòng Thứ Dân viện mà theo tục lệ thường được đóng kín trước mặt các sứ giả Hoàng gia, bởi vì các vị dân biểu được hoàn toàn tự chủ. Sau đó ba tiếng vang ngân lên thong thả tiếng động dạ người sứ giả chạm vào cửa. Cửa này chỉ mở sau tiếng thứ ba. Ba phút đợi chờ; rồi người ‘gentil home huissier’ trở lại dẫn một đám rước: đi đầu là vị Chủ tịch dân biểu – Speaker – mặc áo đen, tóc giả xám, rồi đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh tụ phe đối lập đi cùng hàng, kế đến các vị dân biểu vẫn theo hàng hai, cứ một người phe đa số xếp với một người phe đối lập. Tất cả những dân biểu này đứng vào một khối khoảng giữa lan can – la barre des Lords – đến cuối phòng. Vị Chủ tịch Thượng Nghị viện quì gối đệ trình một cuộn giấy lên Hoàng thượng. Nhà Vua bắt đầu đọc: ‘Cùng các vị Thượng Nghị sĩ và Nghị sĩ Thứ Dân Viện…’, sau đó nhắc tới tình trạng bên ngoài, tới lực lượng hải quân và quân sự, tới những điều kiện kinh tế và xã hội. Người ta nghe thấy: ‘Chính phủ chúng tôi, sự liên lạc của chúng tôi với các lực lượng ngoại quốc, hải quân chúng tôi, quân đội chúng tôi, thần dân chúng tôi’.
Ngưng một thời gian Nhà Vua tiếp tục: ‘Cùng các nhân viên thứ dân viện…, và đây là 1 đề nghị về những phương sách tài chính đã được nghiên cứu, những phương sách chỉ thuộc phạm vi của Hạ Nghị viện’ Nhà Vua nhắc lại, ‘Quý vị Thượng và Hạ Nghị sĩ…’. Thêm vài câu nữa liệt kê vắn tắt những dự thảo luật mà chính phủ đề nghị đem biểu quyết trong khóa họp này. Sau hết là lời cầu nguyện Thượng đế ban phúc lành.
Buổi lễ kéo dài chừng nửa giờ đã chấm dứt, Quốc hội có thể bắt đầu làm việc.
Hoàng thượng và Hoàng hậu đứng dậy, cùng đoàn tùy tùng ra xe, giữa hai hàng cổng chính kính cẩn, những người đã đưa các vị từ điện Burkingham đến Wesminster. Những vị phu nhân nguyên lão nghị viên và những nhà ngoại giao cũng ra xe. Thượng Nghị sĩ cởi bỏ áo choàng. Những ‘dân biểu trung thành’ trở về phòng họp. Đấy là một nghi lễ ngày nay hãy còn thi hành một cách trọng thể: Vương quyền vừa được thể hiện trong một buổi lễ huy hoàng có tính cách lịch sử. Nền quân chủ long trọng xác nhận ưu quyền của dân chúng.
Trước khi về chỗ để hội bàn về lời huấn từ của Nhà Vua, Ông Chủ tịch Hạ viện đọc một dự thảo luật mà trong suốt khóa sẽ không bàn đến. Nhưng mà diễn văn của ông ta có mục đích để nhắc lại những quyền mà Thứ dân Nghị sĩ có quyền bàn cãi tới ngoài những vấn đề đã ghi trong lời huấn từ của Nhà Vua. Từ bao nhiêu thế kỉ, bất kể đến những đảo lộn trong đời sống chính trị, nghi thức trên hàng năm vẫn diễn ra với một vẻ huy hoàng tráng lệ. Trong thời chiến 1939-1945, nghi lễ đã được giản dị hóa. Cuộc oanh tạc ngày 10 tháng 5 năm 1941 đã phá hủy căn phòng Thứ Dân viện và các dân biểu phải họp tại phòng các Thượng Nghị sĩ (do đó, nghi lễ cũng phải thay đổi theo). Xe ngựa kéo của Hoàng gia được tạm thời thay thế bằng xe hơi, đồng phục thêu thùa được thay bằng đồng phục Kaki: các vị nguyên lão nghị viên bỏ lại trong phòng phục các áo choàng đỏ chói, và nguyên lão nghị viên phu nhân cũng không đội những mũ miện. Nhưng những điểm chính yếu vẫn được giữ nguyên và khi thanh bình trở lại, mọi việc lại hướng về tập tục cổ truyền.
Ngay từ ngày 15 tháng 8 năm 1945, ngày khai mạc Quốc hội mà đảng viên Lao động chiếm đa số, cũng là ngày kết cục thắng lợi chiến tranh với Nhật Bản, buổi Vương nghị lại được cử hành theo khung cảnh cổ truyền. Y phục hãy còn giản dị, và còn vắng thiếu màu đỏ thắm rực rỡ, nhưng không hề thiếu sót một nghi thức nào. Ngai vàng cũng rực sáng khi Hoàng thượng lâm triều, thanh gươm biểu hiện quốc gia được giơ cao, vương miện và ‘cap of maintenance’ mang trên những gối nhung, người hầu cận với cây roi đen triệu thỉnh các ‘dân biểu trung thành’, vị Chủ tịch Thượng Nghị viện thuộc đảng viên Lao động, Lord Jowitt áo, mão chỉnh tề, quì đằng trước Anh Hoàng VI với bài “Diễn văn ưu nhã” và tất cả sự kính cẩn thích nghi, Ông Thủ tướng Clement Attlee, có ông Winston Churchill lãnh tụ đảng đối lập đi kèm đã nghe Nhà Vua đọc chương trình của Chính phủ và kêu gọi đến công tác lập pháp có thể sẽ đảo lộn cả cơ cấu xã hội Anh Quốc (và rồi quả đã đảo lộn thật), cùng là cầu xin Thượng đế ban phước lành.”
B. Những nghi thức khác
Người ta nhận thấy trong những nghi lễ tại Anh, nhiều yếu tố cổ xưa đã được bảo tồn do truyền thống. Lấy thí dụ, người ta đã chấp thuận thủ tục khi Thứ Dân viện bầu vị chủ tịch (Speaker), vị này phải cố hết sức bênh vực lập trường của mình, để tưởng tới thời mà không phải dễ dàng gì họ có thể trình bày lập trường của thứ dân viện trước các vị Hoàng đế độc tài, không những trường hợp đó họ có thể mất tự do hay có khi mất cả tính mạng. Cũng như vậy, một dân biểu không thể từ chức là để nhớ lại thời mà làm dân biểu không được coi như một địa vị khả quan. Nhưng người ta đã thay đổi nguyên tắc này bằng một giải pháp đặc thù tiêu biểu theo thói tục Anh Cát Lợi. Nếu một dân biểu không thể từ bỏ chức vụ, ít ra một số công việc không thể kiêm nhiệm với chức vụ dân biểu. Nếu muốn từ chức, vị dân biểu sẽ được Chính phủ bổ vào một chức vụ mà từ lâu đã không còn nữa, thí dụ công chức thanh tra các rừng rú của Hoàng gia trong những nơi mà nay đã thiết lập những xưởng máy. Đã có một sự bất kiêm nhiệm, vị dân biểu kia mất ghế dân biểu và sự từ chức được thực hiện.
Việc bỏ thăm bằng thể thức ủy nhiệm cũng không được chấp nhận tại Hạ Nghị viện. Nhưng để tránh trường hợp phe đa số với phe đối lập không thấy được sự bất quân bình vì những sự vắng mặt bất ngờ của nghị sĩ phe đa số, người ta đã áp dụng hệ thống l’appariage: một nghị sĩ thuộc phe đa số nếu muốn vắng mặt trong thời gian khóa họp e không thể đến bỏ phiếu được sẽ thông đồng với một dân biểu phe đối lập để vị này cũng vắng mặt trong thời gian ấy, do đó sự quân bình giữa hai phe vẫn được bảo tồn.
Phê chuẩn luật
Tuy nhiên, để tưởng nhớ lại thời kỳ xa xưa, ngày nay lễ chấp nhận sự phê chuẩn Nhà Vua vẫn còn cử hành giữa những nguyên lão nghị viên.
Sự phê chuẩn này, không hề bị từ chối từ năm 1707 nhưng vẫn còn là một hình thức chính yếu mà thiếu nó, một dự án luật đã được Quốc hội biểu quyết vẫn không thể được ghi vào Statute book để trở thành luật pháp quốc gia được.
Ngồi trên cái “Sac de laine”, Lord Chancelier, Chủ tịch Thượng Nghị viện tuyên bố: “Hoàng Thượng đã chỉ định các ủy viên thay mặt ngài có ban sự phê chuẩn cho nhiều dự luật đã được hai Viện biểu quyết.”
Tức thời bốn Thượng nghị sĩ nhỏm dậy và ra ngoài. Lúc ra họ mặc thường phục, nhưng khi vào mặc áo choàng đỏ chói, đầu đội song giác mão. Đó là những ủy viên của Hoàng gia. Họ ngồi trong các ghế bành đặt giữa cái “Sac de laine” và ngai vàng. Vị Chủ tịch Thượng Nghị viện ngồi giữa những người này và ra lệnh cho “quan hầu” đi tìm những dân biểu trung thành tới.
Nghi lễ thường dùng trong những dịp Nhà Vua ban huấn từ lại được tái diễn.
Quan hầu trở lại, theo sau có Chủ tịch Hạ Nghị viện và tiếp đến từng đôi một, các Nghị sĩ đến thành đám không theo thứ tự sau hàng rào Thượng nghị sĩ.
Tức thì Chủ tịch Thượng Nghị viện tuyên đọc công thư của Nhà Vua gởi cho Nghị viện, có đóng (kiếm) Quốc ấn, và tuyên bố sự phê chuẩn được ban cho các dự luật theo danh sách đính kèm.
Tại hai đầu một chiếc bàn dài đặt trước chiếc “Sac de laine”, hai người công chức mặc áo choàng đen đội tóc giả xám đứng thẳng mặt đối mặt. Một người là “Thư kí của Nhà Vua” còn người kia là “Thư kí của Quốc hội”, cả hai đều là hiện thân chính thức của uy nghi và lịch sử. Người thứ nhất xướng tên của dự luật được phê chuẩn. Người thứ nhì tức thời tiếng họa bằng một câu tiếng Pháp cổ: “Le roy le vault”. Hai bên tiếp tục kẻ hô người rống. Trong những tiểu đề lần lượt được đọc lên, đôi khi người ta bắt gặp những danh từ đặc biệt tân tiến như: “Điện khí hóa… an ninh xã hội… phi trường…Vô tuyến viễn thông”, nhưng mỗi một lần như vậy, phương thức cổ xưa “nhắc lại Nhà Vua muốn thế” (Le Roy le vault). Giữa hai tiếng nói ở hai đầu bàn, có một khoảng 6, 7 thế kỉ cách biệt.
Nhưng này đây, tiêu đề mà người thư kí Hoàng gia vừa đọc lên là một tiêu đề thuộc dự luật cho phép thâu thuế phương thức chuẩn chấp lúc này thay đổi. Vẫn bằng một thứ Pháp ngữ thời Trung cổ người thư kí Quốc hội ê a đọc: “Le Roy remercie ses bons sujets, accepte leur bénévolence et ainsi le vault” (Nhà Vua cám ơn bầy tôi trung thành và chấp nhận).
Sau rốt còn lại dự luật cuối cùng liên quan đến quyền lợi địa phương, làm thỏa mãn đơn thỉnh nguyện của một hiệp thành thị. Tiêu đề được đọc lên. Người thư kí Nghị viện ngân nga “Soit fait comme il est désiré”.
Buổi lễ kết thúc. Các thư kí an tọa. Vị Chủ tịch Thứ Dân viện và các dân biểu trở lại phòng nhỏ. Các Thượng Nghị sĩ ủy nhiệm cởi bỏ áo choàng.
Lúc này các dự luật đã trở thành luật, được đem chép lại vào hai cuốn vở da thuộc, một đặt tại Sở Văn khố Quốc gia và một ở Tour de Londre. Lời khai đoan cổ điển sau được ghi trên đầu mỗi đạo luật: “Il est décidé par le Très Excellente Majesté de roi, de par et sur les avis et consentement des Lords ecclésiastiques et laiques que des communes, réunis en ce présent Parlement ce qui suit…”
Như vậy sau khi được thai nghén theo thể thức đơn giản tại Hội đồng Nội các, được loan đọc tự trên Ngai vàng giữa một buổi hội cổ điển huy hoàng, sau khi được các Nghị sĩ do dân bầu bàn cãi và chấp nhận theo một thủ tục đôi khi rất xưa, như đạo luật vẫn có thể có tính cách cách mạng, tân tiến, được thực hiện do một phương thức để lại từ hồi Plantagenets cách 10 thế kỉ.

Đoạn 2: MỘT CHÍNH THỂ QUÂN CHỦ LẬP HIẾN

A. Sự  thành hình chế độ Nghị viện
Lịch sử các định chế chính trị Anh Quốc bắt nguồn từ thế kỉ thứ XI nghĩa là khi có cuộc chinh phục của người Bắc phương. Người Bắc phương chiếm cứ nước Anh nhưng vẫn để cho các địa phương một quyền tự trị rộng rãi.
a. Yếu tố thứ nhất: chế độ đại diện
Bá vương và các chư hầu thường vào triều nghị để thảo luận việc triều đình. Các phiên nhóm họp của triều nghị rất đều mang tên khác nhau từng giai đoạn lịch sử Assies, Magnum Concilium, nhưng quy vẫn là Nghị viện, nơi hội họp để bàn việc công.
Đầu thế kỉ thứ 13, một cuộc chính biến xảy ra giữa Bá vương và các chư hầu mà hậu quả là một hiến chương ra đời quy định quyền hạn của Bá vương: từ nay Bá vương muốn thu thuế phải có sự thỏa thuận của các giáo chủ và chư hầu. Cuộc tiến triển vẫn tiếp tục và đến giữa thế kỉ 13, Nghị viện Anh Quốc thâu hoạch được hai lợi khí quan trọng: quyền chấp nhận thuế khóa và quyền thỉnh nguyện. Có quyền thỉnh nguyện Nghị viện – và nhất là Hạ Nghị viện – thường hay đặt điều kiện cho Nhà Vua bắt buộc Nhà Vua chấp thuận thỉnh nguyện thì họ mới biểu quyết thuế khóa. Tình trạng này kéo dài đến nỗi thành một luật lệ quan trọng: Nghị viện tham gia tích cực vào việc quốc gia.

b. Yếu tố thứ nhì: Quốc hội lưỡng viện

Hệ thống lưỡng viện do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt phát sinh và vẫn tồn tại đến ngày nay. Vào đầu thế kỉ thứ 13 thì Nghị viện đã gồm một số giáo chủ và chư hầu. Kế đó lại có thêm đại diện của quận, của đô thành, thị trấn giáo sĩ. Các thành phần này kết tập lại thành hai nhóm, một nhóm gồm giáo chủ và chư hầu, nhóm thứ hai gồm đại diện các quận và đô thành; thị trấn. Rồi từ đấy, nhóm thứ nhất họp thành quý tộc viện, nhóm thứ hai thứ dân viện.

c. Yếu tố thứ ba: Chế độ Nghị viện

Xin nhắc lại rằng, các vị Vua Anh Quốc – cũng như trong nhiều xứ quân chủ – trong việc trị nước, an dân, thường có nhiều quan và ngự triều hội nghị phụ tá. Những người này thường được gọi là bực quần thần. Đến thế kỉ thứ 17, có một cơ quan được thiết lập mệnh danh là Cơ mật viện. Đó là một cơ quan tối cao giúp Nhà Vua, thảo luận và quyết định những việc trọng đại và bí mật.
Sau cuộc cách mạng 1688, Nghị viện thắng thế, Nhà Vua thường triệu những người có uy tín nhất trong đa số nghị viên để sung vào Cơ mật Viện để cho công việc biểu quyết luật pháp và nhất là thâu khóa được dễ dàng. Và khi các đảng phái chính trị xuất hiện, Nhà Vua lại dựa vào Cơ mật Viện – tức là Nội các – các đại diện của đảng chiếm đa số tại Nghị viện.
Đầu thế kỉ thứ 18, một sự kiện quan trọng xẩy ra làm nổi bật ý niệm “Nhà Vua không sai lầm và vô trách nhiệm”. Thật vậy, năm 1714, các vị vua dòng nước Đức, không rành tiếng Anh, chểnh mảng việc cai trị và thường bị quốc dân ví như người ngoại quốc và ít khi dự vào việc nước. Các Tổng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc cai trị quốc gia, thường hay họp hội đồng Nội các mà không có mặt Nhà Vua. Nội các lần lần trở thành một tập đoàn thống nhất hành động dưới quyền chủ tọa của một Thủ tướng, liên đới trách nhiệm trước Quốc hội.
Còn nguyên tắc trách nhiệm chính trị – như chúng ta đã biết, khi đề cập đến chế độ Nghị viện đó là một nguyên tắc được thành hình từ nguyên tắc trách nhiệm về hình luật để khỏi bị truy tố, các vị Tổng trưởng từ chức khi đa số ở Nghị viện tỏ ý bất tín nhiệm.
B. Những cơ quan công quyền
Anh Quốc là một nước không có Hiến pháp thành văn. Hầu hết các luật lệ quy định chế độ chính trị nước Anh đều là tục lệ. Tuy nhiên, các tục lệ và các luật lệ rải rác cũng ấn định một cách rõ ràng các cơ quan nhà nước, quyền hạn và cách điều hành mối tương quan giữa các cơ quan ấy. Ba cơ quan: Hoàng triều, Quốc hội, Nội các.
1. Hoàng triều và Quốc vương
Quốc vương tượng trưng cho chính thể quân chủ Anh. Quốc vương là vị Vua, một thể nhân, còn Hoàng triều là một pháp nhân, một định chế Quốc gia, chính thức nắm uy quyền Quốc gia.
Quốc vương đăng quang theo thứ tự kế thừa do hai đạo luật Bill of Rights và Act of Settlement 1701 quy định phụ nữ có thể làm vua, nhưng người Công giáo thì phải loại trừ (nước Anh theo giáo phái Tin lành). Vua chẳng những là chủ thần dân Anh mà lại là chủ giáo phái Anh Quốc nữa.
Quốc vương tuyệt đối vô trách nhiệm. Người Anh có câu «Đức Vua không thể làm sai», nghĩa là mọi hành vi của Vua, Nội các và riêng Thủ tướng phải chịu trách nhiệm, cả về những khinh tội, trọng tội mà Nhà Vua có thể phạm được.
Trên nguyên tắc, Vua có nhiều quyền hạn: Phê chuẩn các đạo luật, bổ nhiệm công chức dân sự và quân sự, ban tước sĩ và huy chương, triệu tập; giải tán Quốc hội, kí hiệp ước, chỉ định Thủ tướng, ban ân xá… Tuy nhiên, vai trò quan trọng của Nhà Vua không có tính chất chính trị mà trái lại có tính chất tâm lí, nghiêng về tình cảm nhiều hơn. Nhà Vua tiêu biểu cho sự thống nhất quốc gia và là mô hình người dân Anh Quốc. Khi mà Hoàng gia chung lo, chung vui với dân chúng, khóc và cười khi dân khóc hay dân cười, người dân Anh thường tỏ ra rất cảm động, nhất là trong thời kỳ chiến tranh.
Người dân Anh rất mến Hoàng gia và Quốc vương, đại diện cho nền quân chủ là tượng trưng cho mối thống nhất của quốc gia Anh. Trong lúc mà Nội các tượng trưng sự uy quyền, thì Hoàng triều tượng trưng cho sự chính đáng.
2. Quốc hội

a. Thành phần 
Gồm hai Viện: 1 Viện Quý tộc và 1 Viện Thứ dân – nghĩa là Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện.
Viện Quý tộc lối 100 người, thành phần không phải do dân cử mà có tính chất quý phái và đa số được chọn lựa theo kế thừa, cha truyền con nối. Tuy nhiên, hàng năm Viện Quý tộc mở rộng đón những thành phần mới, phần nhiều là những vị đã từng giữ chức vụ cao trong trường chính trị, kinh tế hay xã hội. Sự đề cử này thuộc Nhà Vua, nghĩa là thực tế thuộc quyền nội các.
Viện Thứ dân, gồm nhân viên bầu theo lối đầu phiếu phổ thông đa số, đơn danh và chỉ một vòng. Chiểu theo kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Anh ngày 31-3-1965, Viện Thứ dân gồm có 624 dân biểu phân chia như sau: Đảng Lao động: 363; Đảng Bảo thủ: 251; Đảng Tự do: 9 và 1 dân biểu không thuộc đảng nào.
b. Quyền hạn của Quốc hội
Quyền Lập pháp và quyền kiểm soát Nội các.
Quyền Lập pháp được phân chia giữa hai Viện một cách phức tạp. Trước 1911, quyền của Viện Quý tộc tương tự như quyền của Hạ Nghị viện nhưng sau 1911 thì giảm đi nhiều. Cần phân biệt giữa hai loại luật: luật về tài chính và luật thường. Đối với các luật về tài chính, Quý tộc Viện có bổn phận đăng kí, ghi chép vô sổ. Khi tiếp nhận một đạo luật về tài chính được Hạ Nghị viện thông qua quý tộc viện có quyền hãm lại trong một tháng. Sau một tháng đầu Quý tộc Viện không chấp nhận thì Viện Thứ dân vẫn có thể đệ lên Quốc vương và Quốc vương ban hành đạo luật. Đối với các dự luật khác quyền của Quý tộc Viện được rộng rãi hơn nhưng không vượt quá một thứ quyền phủ quyết có tính chất trì hoãn.
Theo nguyên tắc, những dự luật phải được quý tộc Viện tán đồng nhưng Hạ Nghị viện có thể thông qua một dự luật trong hai khóa liền, sự chấp thuận của quý tộc Viện có thể không cần thiết nữa và Hạ Nghị viện có thể trình Nhà Vua phê chuẩn và ban hành đạo luật.
Quyền kiểm soát Nội các: Về điểm này thì từ lâu Quý tộc Viện không còn rộng rãi quyền hành, chỉ có Hạ Nghị viện mới có quyền bắt buộc Nội các phải từ chức và Nội các muốn cầm quyền chỉ cần được sự tín nhiệm của Hạ Nghị viện thì đủ.
Các quyền khác theo thủ tục Impeachment, Hạ Nghị viện có quyền truy tố các vị Tổng trưởng trước Quý tộc Viện. Quý tộc Viện còn có một số quyền hạn về Tư pháp đối với các vấn đề thuộc thường luật làm cho Quý tộc Viện trở thành tối cao pháp viện.

c. Thủ tục
Những đặc điểm nên lưu ý :
- Tính cách thận trọng của các cuộc thảo luận
Tại Quốc hội Anh – nhất là Hạ Nghị viện – các cuộc thảo luận không có tính cách sôi nổi, quá khích. Các dân biểu luôn luôn phải giữ cho bầu không khí được trang nghiêm:
Những lời nói xuyên tạc, những lời chửi rủa, tóm lại những lời nói không đứng đắn luôn luôn bị khiển trách. Các dân biểu không có lên diễn đàn mà chỉ phát biểu ý kiến nơi mà mình ngồi và không được dùng giấy tờ. Tất cả các cuộc thảo luận đều do một Chủ tịch điều khiển, một Chủ tịch đầy uy tín và được kính nể bởi toàn thể dân biểu.
- Không có ủy ban chuyên môn
Ủy ban được phân chia ra A, B, C – Thảo luận ở phiên họp khoáng đại rồi mới giao lại cho ủy ban.
- Đầu phiếu tại Quốc hội có tính cách cá nhân. Không có vấn đề ủy quyền biểu quyết. Phải có mặt mới biểu quyết. Bởi thế cho nên người ta thuật lại rằng vị dân biểu ở Anh, dù có sốt rét phải nằm trên giường bệnh, nếu còn đi được cũng phải ráng mặc quần áo đến Quốc hội để biểu quyết trong một đầu phiếu quan trọng.
- Thủ tục các câu hỏi
Mỗi tuần, một giờ sẽ dành cho các câu hỏi. Các câu hỏi này do các vị dân biểu đặt cho các Tổng trưởng và các vị này phải trả lời. Tập tục này có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự tiến triển của chính thể Nghị viện Anh Quốc. Và xuyên qua các câu hỏi và trả lời, Quốc hội kiểm soát một phần nào hành động của Chính phủ.
3. Chính phủ
Chính phủ Anh Quốc – đứng đầu là Thủ tướng – là cơ quan nắm thực quyền. Chính phủ Anh có một số đặc điểm mà chúng ta sẽ lần lượt kê khai:
A. Sự phân biệt giữa Chính phủ và Nội các
Chính phủ gồm Thủ tướng và tất cả Tổng trưởng và Thứ trưởng. Chính phủ Anh Quốc rất đông nhân viên: từ 60 đến 80 người. Sở dĩ đông người như thế là vì hai lí do. Các Tổng trưởng Anh luôn luôn có Thứ trưởng phụ tá. Lí do thứ hai là vì theo một tập tục, một Tổng trưởng chỉ có quyền ra vào Viện của mình. Nghĩa là nếu vị Tổng trưởng đó là dân biểu thuộc Hạ Nghị viện thì chỉ có thể ra vào Hạ Nghị viện. Vì thế mà, để bênh vực quan điểm của Chính phủ tại Quốc hội, Thủ tướng bắt buộc đề cử 2 vị Tổng trưởng thuộc hai Viện khác nhau ở mỗi Bộ.
Đấy Chính phủ Anh Quốc đông như thế. Trái lại Nội các là một cơ quan thu hẹp và chỉ gồm không quá 20 người. Nội các mới là cơ quan đầu não của Chính phủ và ấn định chính sách quốc gia. Chính Thủ tướng chỉ định vị Tổng trưởng nào tham gia Nội các. Cũng nên nhớ rằng, những Nội các chiến tranh lại còn thâu hẹp lại nữa: từ 1914-1918 Nội các gồm từ 5 đến 6 nhân viên; từ 1939-1945 từ 7 đến 10.

a. Nội các bắt nguồn từ đa số tại Nghị viện. Anh Quốc là nơi đã từng áp dụng nguyên tắc Nội các thuần nhất, tức là Nội các gồm các Tổng trưởng cùng chung một chính đảng. Nguyên tắc Nội các thuần nhất này, không những đem lại cho Nội các một sức mạnh và một sự đồng nhất nội bộ mà còn tạo ra một hệ thống liên lạc mật thiết giữa Chính phủ và Quốc hội. Người Anh thường gọi Nội các, một «ủy ban của Hạ Nghị viện».

b. Thủ tướng chọn lựa bởi Nhà Vua, các Tổng trưởng, Thứ trưởng chọn và bổ nhiệm bởi Nhà Vua, nhưng toàn thể Nội các hoàn toàn trách nhiệm trước Hạ Nghị viện. Nguyên tắc trách nhiệm chính trị có nghĩa là Nội các phải từ chức nếu Hạ Nghị viện biểu quyết bất tín nhiệm. Hai thủ tục có thể áp dụng khiến Nội các phải từ chức: một là kiến nghị khiển trách thường thường do phe đối lập đề nghị, hai là đặt vấn đề tín nhiệm do Chính phủ yêu cầu.

Mục II: THỰC TẠI CHÍNH TRỊ
Thực tại chính trị Anh Quốc có thể tóm tắt lại một câu: một Chính phủ của một chính đảng hay một chính quyền đảng trị.
Thật vậy, Anh Quốc đã trải qua và đã vượt qua những chế độ chính trị cổ điển mà chúng ta gọi là chế độ Nghị viện. Ngày nay, không còn vấn đề phân nhiệm giữa Nội các và Quốc hội. Trên nguyên tắc, theo chế độ Nghị viện, chính đa số Quốc hội ủy nhiệm cho Nội các để hành sử chính quyền. Trong thực tại Anh Quốc, trái lại, chính Nội các sử dụng đa số ở Quốc hội để hành xử chính quyền.
Chính sự kiện quan trọng này mà chúng ta gọi là một chính quyền đảng trị được thể hiện qua những hiện tượng sau đây: một hệ thống lưỡng đảng, một chính quyền thuần nhất và một đối lập hữu hiệu.
Đoạn 1: MỘT HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG
A. Một hệ thống lưỡng đảng là một hệ thống trong ấy có hai đảng, chỉ có hai đảng được đa số cử tri chú ý. Một hệ thống lưỡng đảng không có nghĩa là chỉ có hai đảng. Cũng không có nghĩa là ngoài hai đảng chính, không có chính đảng nào được phép hoạt động. Hệ thống lưỡng đảng là một tình trạng thực tại, kết tinh của một sự thực hành chính trị, một tình trạng trong ấy chỉ có hai chính đảng có hi vọng nắm chính quyền.
Hệ thống lưỡng đảng có tại Anh Quốc đã từ lâu và có thể nói đã có đầu thế kỉ thứ 16 đến nay. Ngoại trừ một khoảng thời gian – 1922-1935 – người ta có thể nói rằng Anh Quốc đã sống luôn luôn với hệ thống lưỡng đảng, thể hiện hai khuynh hướng chính trị cổ điển tại Anh. Khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng tiến bộ.
B. Chính đảng tại Anh Quốc
Thật ra, ngoài hai chính đảng lớn – Bảo thủ và Lao động – còn có một số đảng hoạt động và ảnh hưởng không ít dư luận tại Anh. Ví dụ: Đảng Tự do, Đảng Xã hội, Đảng Phát-xít, Đảng Cộng sản v.v…
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng – ngoại trừ Đảng Tự do đã chiếm đến 9 ghế trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3-1965 -  những tổ chức chính trị vừa kể đúng ra chỉ là những hiệp hội, những câu lạc bộ, hay đoàn thể nhỏ tổ chức quanh một người, một nhân vật hay một tờ báo; chỉ còn lại hai chính Đảng Bảo thủ và Lao động. Và hai chính đảng này là hai chính đảng quần chúng với tổ chức rất chặt chẽ, rất tập trung quyền hành và có hệ cấp. Hai chính đảng vận dụng đa số quần chúng, kiểm soát mọi từng cơ sở sinh hoạt chính trị và thể hiện vai trò liên lạc giữa dư luận và chính quyền. Chính đảng ở Anh không phải chỉ là lực lượng chính trị mà còn là cả của sinh hoạt chính trị.

1. Tổ chức của hai Đảng Bảo thủ và Lao động

I. Danh hiệu Đảng Bảo thủ thực ra chỉ áp dụng cho dân biểu, nghĩa là nhân viên Bảo thủ của Hạ và Thượng Nghị viện mà thôi. Tuy nhiên bên cạnh các dân biểu này, còn có một tổ chức quần chúng rộng lớn có khả năng ủng hộ và phát động phong trào của chính đảng trong toàn quốc. Tổ chức quần chúng này là «Liên hiệp các hiệp hội bảo thủ». Chúng ta có thể phân tích tổ chức nội bộ của liên hiệp như sau: cơ quan địa phương, trung ương và vấn đề điều khiển đảng.

Các cơ quan địa phương

a. Hiệp hội cấp quận, đơn vị cơ bản của Đảng Bảo thủ là hiệp hội cấp quận. Chính các hiệp hội này tuyển mộ đảng viên cho liên hiệp. Hiện nay có lối 550 hiệp hội gồm trên 2.300.000 đảng viên.
Trong mỗi hiệp hội có hai cơ quan: một văn phòng và một hội đồng. Văn phòng gồm 1 Chủ tịch, 3 phó Chủ tịch, một thư kí và một nhân viên thường trực. Hội đồng bao gồm các đại diện đoàn thể hay khu bộ liên hệ đến hoạt động của liên hiệp ví dụ như đại diện đoàn thể thanh niên, các khu phố, các hiệp hội nữ phái v.v…
Nhiệm vụ chính của hiệp hội cấp quận là tuyển mộ đảng viên tuyên truyền cho liên hiệp, và luôn luôn chuẩn bị cho bất cứ một cuộc bầu cử nào. Vì thế vai trò chính trị của hiệp hội không đáng kể và ít khi hiệp hội đặt cũng như giải quyết các vấn đề chính trị quan trọng. Tuy nhiên hoạt động của các hiệp hội góp một phần không ít vào việc phát triển chính đảng và nhất là xuyên qua các hiệp hội, những nhà lãnh đạo luôn luôn giữ được một sự liên lạc chặt chẽ với nhân dân và «bắt mạch» được dân tình.
b. Liên hiệp cấp miền: có tất cả 12 liên hiệp miền: tổ chức của mỗi liên hiệp gồm một hội đồng đại diện các hiệp hội cấp quận, một Ủy ban Chấp hành và nhiều ủy ban chuyên môn. Mục tiêu của các liên hiệp miền là phối hợp và nâng đỡ hoạt động của các hiệp hội cấp quận cùng chung một miền.

Các cơ quan trung ương
Tổ chức trung ương của “Liên hiệp các hiệp hội bảo thủ” gồm ba bộ phận chính: Hội nghị thường niên, hội đồng trung ương, Ủy ban Chấp hành..
Hội nghị thường niên
Đây là một đại hội, có tính cách chợ phiên. Con số đại biểu tham dự có thể đến 6.000 người: 3 600 nhân viên của Hội đồng Trung ương và mỗi hiệp hội cấp quận đề cử 5 vị đại diện. Với một thành phần đông đảo như thế, và mỗi năm nhóm họp một lần, Hội nghị khó mà đóng vai trò cơ quan lãnh đạo được.
Thật vậy, thường thường Hội nghị nhóm để nghe, thảo luận và biểu quyết những quyết nghị do các đại biểu đưa ra. Các quyết nghị – một khi được Hội nghị chấp thuận – sẽ được chuyển cho vị lãnh tụ: như thế có nghĩa là không có tính cách bắt buộc. Vị lãnh tụ của Đảng không tham gia vào hoạt động của Hội nghị và chỉ có mặt buổi bế mạc để đọc bài diễn văn trình bày chính sách cùng chương trình của Đảng. Tóm lại, ảnh hưởng của Hội nghị thường niên đối với đường lối chính trị của chính đảng không sâu rộng. Tuy nhiên Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu – qua các cuộc thảo luận – phê bình, chỉ trích hành động của Chính phủ (nếu chính đảng ở chính quyền) hay chống đường lối của các nhà lãnh đạo Đảng.

Hội đồng Trung ương
Hội đồng Trung ương là cơ quan chỉ đạo chính thức của Liên hiệp. Thành phần của Hội đồng rất phức tạp: các đại diện của các Hiệp hội cấp quận (một hiệp hội đề cử 4 vị) và các liên hiệp cấp miền; các vị nghị sĩ; các ứng cử viên tương lai của Đảng; các nhân viên của Ủy ban Chấp hành và vị lãnh tụ Đảng.
Hội đồng Trung ương bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Liên hiệp, xem xét nội quy và thảo luận các phúc trình của Ủy ban Chấp hành, đồng thời chấp thuận các quyết nghị liên hệ đến công việc nội bộ cùng đường lối của chính đảng. Tuy nhiên vì là một hội đồng quá đông đảo và phức tạp cho nên vai trò của Hội đồng Trung ương trở thành thứ yếu và nhường lại quyền quyết định cho Ủy ban Chấp hành.
Ủy ban Chấp hành
Ủy ban Chấp hành là cơ quan thường trực của Hội đồng Trung ương. Ủy ban Chấp hành gồm vị lãnh tụ, các nhân vật lãnh đạo khác của Đảng và một số đại biểu của các Liên hiệp miền. Ủy ban Chấp hành nhóm họp mỗi tháng một lần. Nhiệm vụ chính thức của Ủy ban Chấp hành là giải quyết các vấn đề gia nhập hoặc loại các hiệp hội cấp Quận, bầu nhân viên các ủy ban tư vấn toàn quyền và đệ các bản phúc trình về hoạt động của Đảng cho Hội đồng Trung ương và Hội nghị thường niên. Tất cả các nhiệm vụ quan trọng giao phó cho Hội đồng Trung ương, thực sự đã do Ủy ban Chấp hành đảm nhiệm.
2. Vấn đề điều khiển Đảng
Cơ cấu tổ chức vừa kể trên chỉ là một bộ phận của Đảng Bảo thủ. Song song với các cơ quan của Liên hiệp, còn có một số cơ quan hay nhân viên, đứng ngoài hệ thống tổ chức Liên hiệp và trực thuộc uy quyền của vị lãnh tụ. Và chính các cơ quan hay nhân viên này đóng một vai trò tối quan trọng trong việc điều khiển chung của Đảng.
Trước hết là Văn phòng Trung ương, bộ máy của Đảng. Chính Hội đồng Trung ương này có nhiệm vụ dìu dắt, phối hợp mọi công tác của Đảng trong toàn quốc, đồng thời khuyến cáo hoặc phụ giúp các Hiệp hội cấp quận và Hội đồng các miền. Các nhân viên của Văn phòng được gởi đến bên cạnh các Hội đồng các miền hay Hội đồng cấp quận, nhân viên toàn thời gian, có bổn phận phổ biến các chỉ thị và bảo đảm kỉ luật chung của Đảng ở mọi cấp.
Kế đó sáu Sở chuyên môn về tổ chức, thanh niên, ấn loát, chính trị và hành chính địa phương, xã hội và huấn luyện chính trị đáp ứng với nhu cầu thường trực và căn bản của chính đảng là đào tạo, huấn luyện và tuyên truyền hầu luôn luôn thúc đẩy và tập trung dư luận.

Còn lại bốn ủy ban tư vấn với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề chính yếu của Đảng, nhất là các vấn đề chính trị, vấn đề tài trợ và kiểm soát lợi tức, vấn đề ứng cử viên nghị sĩ v.v…
Tóm lại, những cơ quan và nhân viên mà chúng ta vừa kể trên đóng một vai trò quan trọng trong việc điều khiển Đảng. Điều nên ghi nhận là các cơ quan và nhân viên này trực thuộc uy quyền của vị lãnh tụ; vị này bổ nhiệm và bãi chức tất cả nhân viên của bộ máy khổng lồ này. Như thế, chúng ta thấy rằng vấn đề ấn định chính sách của Đảng, tài chính, kiểm soát danh sách ứng cử viên Quốc hội, v.v… những vấn đề căn bản này do một số cơ quan nghiên cứu một cách bí mật, ngoài hệ thống chính thức và trực tiếp dưới quyền điều khiển của vị lãnh tụ.
Ưu thế của lãnh tụ là một đặc điểm của Đảng Bảo thủ. Ngoài việc điều khiển bộ máy chính của Đảng, vị lãnh tụ còn có quyền chỉ định nhân viên của Nội các nếu ông là Thủ tướng Chính phủ hay nhân viên của “nội các bóng” nếu chính Đảng ông là đảng đối lập.
Vị lãnh tụ Đảng Bảo thủ được chọn như thế nào? Trên phương diện pháp lí, vị lãnh tụ được bầu bởi một cơ quan gồm tất cả các nghị sĩ của hai Viện, các ứng viên nghị sĩ Quốc hội được đề cử và các nhân viên của Ủy ban Chấp hành. Tuy nhiên cơ quan này trong thực tế, phê chuẩn một sự chọn lựa trước. Bởi ai? Câu trả lời rất tế nhị. Theo thông lệ, nếu đảng thuộc về phe đối lập, không có sự bầu cử cho đến tổng tuyển cử tới. Nếu đảng ở chính quyền, nhân vật nào được Nhà Vua hay Nữ hoàng chỉ định làm Thủ tướng đương nhiên trở thành lãnh tụ của Đảng. Trong vấn đề này Hoàng triều không có toàn quyền, mà trái lại cần phải cân nhắc kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến nhiều giới và chọn lựa một nhân vật ít bị chỉ trích hầu bảo đảm sự thống nhất của chính đảng.
II. Một trong những đặc điểm của Đảng Lao động là sự hiện diện của đảng viên đoàn thể. Ở mọi cấp, Đảng Lao động gồm hai loại đảng viên; đảng viên cá nhân và đảng viên đoàn thể. Loại thứ hai này gồm có hiện nay 86 nghiệp đoàn thuộc Tổng Thương đoàn, các hội tương tế xã hội, các hợp tác xã, các đoàn thể chính trị ngoài Đảng Lao động v.v…

1. Các cơ quan địa phương

a. Đảng Lao động cấp Quận: Đơn vị cơ bản của Đảng Lao động là các Đảng Lao động cấp Quận. Hiện nay có tất cả 569 đảng này trong toàn quốc. Đương nhiên là đảng viên các tổ chức nghiệp đoàn, tương tế xã hội, hợp tác xã địa phương tóm lại tất cả chi nhánh của các hiệp hội đã gia nhập Đảng Lao động. Ngoài những đảng viên đoàn thể này còn có đảng viên cá nhân được tổ chức thành các tiểu tổ theo khu phố hoặc từng ngành hoạt động ở mỗi xí nghiệp. Tất cả đảng viên họp thành ủy ban tổng quát, cơ quan Tối cao của Đảng Lao động cấp Quận. Giữa những khóa họp của ủy ban Tổng quát, công việc điều hành được giao phó cho ủy ban Tổng quát bầu ra. Nhiệm vụ chính của các Đảng Lao động cấp Quận là tuyên truyền cho Đảng và luôn luôn chuẩn bị cuộc tranh cử.

b) Hội đồng cấp miền: là cơ quan trung gian giữa đơn vị cơ bản và các cơ quan trung ương. Đại diện tại Hội đồng cấp miền, ngoài các Đảng Lao động cấp Quận, những đoàn thể nghiệp đoàn, tương tế, hợp tác xã v.v… Hơn nữa, đương nhiên là hội viên còn có các nghị sĩ của miền ấy và các ứng cử viên được chỉ định. Một Ủy ban Chấp hành gồm lối 30 nhân viên và một Văn phòng thường trực lo việc điều hành Hội đồng. Vai trò của các Hội đồng trung gian này không kém quan trọng. Ngoài công tác liên lạc, các Hội đồng còn có nhiệm vụ phối hợp hoạt động của các Đảng Lao động trong vùng mình, tổ chức các buổi họp tuyên truyền, những lớp huấn luyện chính trị cho đảng viên v.v…

(Tài liệu: R.T. Mc Kenzie, British Political Parties, London 1963)
2. Các cơ quan trung ương

a) Hội nghị thường niên: là một bộ phận khổng lồ nặng và phức tạp. Có tất cả lối 1.500 nhân viên tham gia Hội nghị thường niên và được phân phối như sau:
* Đại diện các đoàn thể gia nhập
* Đại diện các Đảng Lao động địa phương
* Các nghị sĩ và các ủy viên được chỉ định.
Nhiệm vụ của Hội nghị thường niên rất quan trọng và được ghi rõ bởi điều lệ của đảng. Ấn định chủ nghĩa và chương trình của Đảng, đặt và sửa đổi điều lệ của Đảng, bầu nhân viên Ủy ban Chấp hành toàn quốc, điều khiển và kiểm soát hoạt động của Đảng. Với nhiệm vụ chót này, Hội nghị nghiên cứu và chấp thuận hoặc bác bỏ phúc trình hoạt động của Ủy ban Chấp hành và các nhóm nghị sĩ, đồng thời Hội nghị biểu quyết những quyết nghị ấn định đường lối tổng quát của Đảng.
Thủ tướng và các Bộ trưởng, nếu chính đảng nắm chính quyền, hoặc tất cả nhân viên của “Nội các bóng” đều tham gia cuộc thảo luận diễn ra một cách tự do.
b) Ủy ban Chấp hành toàn quốc: đại diện cho Hội nghị thường niên giữa các khóa họp và có trách nhiệm trước Hội nghị. Ủy ban Chấp hành gồm 25 nhân viên được phân phối như sau: 12 đại diện các nghiệp đoàn, 7 đại diện các Đảng Lao động địa phương, 1 đại diện tổ chức xã hội và hợp tác xã và 5 đại diện phái nữ do Hội nghị thường niên chỉ định. Ngoài ra đương nhiên tham gia Ủy ban Chấp hành vị lãnh tụ và vị phụ tá lãnh tụ.
Ủy ban Chấp hành có trách nhiệm tổng quát về các hoạt động liên hệ đến tổ chức hành chính và quản trị tài chính: theo dõi hoạt động của các cơ quan địa phương, giữ kỉ luật nội bộ, hòa giải hoặc xét xử những cuộc xung đột giữa các bộ phận của đảng, chấp thuận danh sách ứng cử viên Quốc hội. Ngoài ra Ủy ban Chấp hành còn có một vai trò chính trị với tư cách cơ quan trung gian giữa Hội nghị thường niên và các nhóm nghị sĩ.
c) Nhóm nghị sĩ và vị lãnh tụ

Nhóm nghị sĩ đóng một vai trò đặc biệt trong hệ thống tổ chức Đảng Lao động. Trong trường hợp Đảng đứng về phe đối lập, nhóm nghị sĩ bầu ra một ủy ban 12 người, tức là “Nội các bóng”. Chính ủy ban này điều khiển hoạt động của tất cả nghị sĩ và nhất là bảo đảm kỉ luật chung.

Trên ủy ban còn có vị lãnh tụ. Khác với lãnh tụ Đảng Bảo thủ, lãnh tụ Đảng Lao động do nhóm nghị sĩ bầu ra một lượt với nhân viên của ”Nội các bóng”. Tuy vậy, vị lãnh tụ là một nhân vật đầy uy tín và nhiều quyền hành để điều khiển Đảng. Chính vị lãnh tụ toàn quyền quyết định nên chấp nhận hay không chức vụ Thủ tướng – chỉ định tự do các Bộ trưởng. Vị lãnh tụ – như chúng ta đã thấy – đương nhiên là nhân viên của Ủy ban Chấp hành toàn quốc và tham gia tích cực vào hoạt động của Hội nghị thường niên.

Vị lãnh tụ còn điều khiển một bộ máy hành chính hữu hiệu gồm trên một trăm nhân viên. Đó là Văn phòng Trung ương có nhiệm vụ phối hợp tất cả hoạt động hàng ngày của Đảng. Đây là một dụng cụ khá hữu hiệu và bí mật trực thuộc lãnh tụ Đảng.

III. Chủ nghĩa và chương trình
1. Đâu là lí thuyết chỉ đạo của “liên hiệp các hiệp hội bảo thủ”? Chúng ta có thể quả quyết rằng những nguyên tắc căn bản cũng như những đề tài tuyên truyền của Đảng Bảo thủ ngày nay vẫn còn là những nguyên tắc mà chính Disraeli đã đề ra trong một bài diễn văn quan trọng năm 1872:
“Đảng Bảo thủ có ba mục tiêu chính: gìn giữ các định chế của quốc gia, bảo tồn đế quốc Anh Cát Lợi, nâng cao mực sống của nhân dân.”
Và trong suốt gần một thế kỉ nay, các nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ đã không ngần ngại giải thích, tùy theo trường hợp, tùy theo sự tiến triển của tình thế, và dung hòa những nguyên tắc căn bản nêu trên.
Trong tháng 9, 1964, Sir A.D Home, vị lãnh tụ Đảng Bảo thủ có viết:”Triết lí của chúng ta là tìm lấy cái hay của dĩ vãng để xây đắp một tương lai tốt đẹp”, như thế có nghĩa là Đảng Bảo thủ luôn luôn cố gắng thực hiện thế quân bình giữa phong tục cổ truyền và tiến bộ.
Song song với nguyên tắc căn bản ấy chương trình Đảng Bảo thủ bao gồm những mục tiêu chính yếu như: bảo đảm tự do kinh doanh, bảo vệ cá nhân chống áp bức của Nhà nước, giảm bớt thuế má. Đây là những đề tài cổ điển của chủ nghĩa tự do.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong khuôn khổ của những nguyên tắc tổng quát trên đây, vị lãnh tụ trọn quyền giải thích chương trình của Đảng và ấn định chính sách thi hành.
Thực ra, chủ nghĩa của Đảng Bảo thủ là bảo vệ một số quyền lợi và gìn giữ một số phong tục cổ truyền, hơn là dự trù một lí thuyết có hệ thống.
2. Đối với Đảng Bảo thủ, khuynh hữu, vấn đề chủ nghĩa có thể xem là thứ yếu. Đối với Đảng Lao động, người ta có quyền chờ đợi một chủ nghĩa mạch lạc dựa trên một lí thuyết vững chắc. Nhưng thực tế lại khác hẳn: Chủ nghĩa và chương trình của Đảng Lao động vẫn đượm mầu thực tế. Tại sao? Trước nhất vì những điều kiện hình thành của Đảng Lao động. Được thành lập bởi những nhà nghiệp đoàn Đảng Lao động một thời gian khá lâu chỉ nghĩ đến những đòi hỏi thực tiễn và những quyền lợi cụ thể hơn là phác họa một xã hội lí tưởng ngày mai. Thứ đến, Đảng Lao động đã nắm chính quyền từ 1945 đến 1951 và có dịp thi hành chương trình của mình trước khi bị thất bại liên tiếp cho đến 1964. Bởi những lí do ấy, người ta không lấy làm lạ khi thấy thay vì một chủ thuyết cứng rắn, mạch lạc, một số đề tài có tính cách thực tiễn, dung hòa của các nhà lãnh đạo đưa ra hầu lấy quyết định của đa số cử tri.
Chiểu theo điều khoản IV của điều lệ Đảng Lao động, mục đích của đảng là tranh đấu nâng cao đời sống của hạng cần lao, phân phối lợi tức một cách công bằng, giải phóng nhân dân về mọi phương diện, hợp tác quốc tế và trợ giúp các quốc gia đồng phát triển. Trên phương diện kinh tế và xã hội, Điều lệ nêu lên nguyên tắc “cộng đồng hóa các phương tiện sản xuất” và “quyền kiểm soát của nhân dân và các cơ sở doanh nghiệp”.
Đó là những nguyên tắc tổng quát. Trong thực tế Đảng Lao động đã áp dụng một chính sách uyển chuyển, dung hòa quyền lợi cử tri, tính cách thuần nhất của Đảng và chủ nghĩa.
C. Về những nguyên nhân đưa đến tình trạng lưỡng đảng tại Anh Quốc cần ghi hai yếu tố quan trọng: sức mạnh của tinh thần bảo thủ của dư luận Anh và thể thức đầu phiếu. Người Anh có tính cách bảo thủ đơn giản và dư luận thường thường được phân chia ra hai khuynh hướng đơn giản trên phương diện chính trị. Người Anh có tinh thần thể thao, một tập đoàn chống một tập đoàn, nên họ quan niệm chính trị cũng một cách đơn giản như thế.

Yếu tố thứ hai: thể thức đầu phiếu: theo đa số với một vòng. Hẳn các bạn còn nhớ thể thức đầu phiếu này đưa đến một sự tập trung dư luận. Lí do là vì một đa số tương đối đủ để được đắc cử ở vòng đầu và vòng duy nhất. Chính đảng để tránh một sự thất bại nếu chia rẽ, cử tri để lá phiếu của họ có một tác dụng cụ thể, có khuynh hướng tập trung về tổ chức hai luồng dư luận.
Và bây giờ đâu là hậu quả của hệ thống lưỡng đảng trong thực tại chính trị?
Hậu quả thứ nhất là, với một hệ thống lưỡng đảng và với sự áp dụng thể thức đầu phiếu theo đa số, thường thường hay có một sự khác biệt giữa hai đại diện và cử tri. Hay nói cho đúng hơn có một hiện tượng đại diện quá nhiều nghiêng về đảng đa số.

Hậu quả thứ hai là tầm quan trọng của số cử tri do dự. Thật vậy, nhìn vào kết quả các cuộc bầu cử ở Anh Quốc, người ta nhận thấy rằng đa số lao động hay đa số bảo thủ tùy thuộc một phần lớn ở sự quyết định của một số cử tri nhất định nghiêng về đảng này hay về đảng khác. Và người ta có thể khẳng định rằng chính cử tri do dự chi phối cuộc sinh hoạt chính trị tại Anh. Tầm quan trọng của cử tri do dự ở đó.

Hậu quả thứ ba là sự thay nhau nắm chính quyền. Lịch sử chính trị Anh Quốc đã chứng minh sự thay nhau giữa hai chính đảng: vai trò nắm quyền và vai trò đối lập một cách đều đặn và liên tục.

(Tài liệu: R.T. Mc Kenzie, British Political Parties, London 1963)

Đoạn 2: MỘT CHÍNH QUYỀN THUẦN NHẤT VÀ MỘT TRÁCH NHIỆM QUỐC GIA
A. Lịch sử đã đưa đến một hiện tượng buồn cười. Chính Anh Quốc là nơi mà học giả Montesquieu đã quan sát và đưa ra thuyết phân quyền. Và chính tại Anh Quốc hiện đại là nơi mà thuyết phân quyền không có một ý nghĩa gì cả.
Vẫn biết rằng quyền Tư pháp vẫn là một quyền hoàn toàn độc lập. Nhưng giữa Hành pháp và Lập pháp không thể nói một sự phân chia nào cả. Lí do rất là giản dị: một chính đảng nắm chính quyền tất nhiên có đa số tại Quốc hội, và đa số này là một đa số vừa đồng nhất vừa có kỉ luật. Chính phủ có thể ví như phái đoàn của chính đảng luôn luôn chắc chắn có sự ủng hộ của cán bộ tại Quốc hội.
Chính quyền thuần nhất được thể hiện qua hai sự kiện sau đây:

- Sự kiện thứ nhất là Chính phủ Anh Quốc là một Chính phủ có toàn quyền. Như thế có nghĩa là Chính phủ không phải chỉ có Hành pháp mà còn bao gồm luôn Lập pháp. Thực tế chính trị cho biết rằng không một dự thảo luật nào của Chính phủ đưa ra mà không được Quốc hội biểu quyết và biểu quyết như chính phủ đệ trình. (Không có vấn đề tu chính án, sửa chữa…) Rằng dự án luật do dân biểu đưa ra rất ít, và có thể nói rằng 90% luật lệ ở Anh Quốc đều do Chính phủ đề nghị. Như thế, quyền Hành pháp và quyền Lập pháp được tập trung trong tay Chính phủ.
- Sự kiện thứ nhì, đưa đến một chính quyền thống nhất, là sự vắng mặt của các lực lượng đáng kể. Để chống đối với chính đảng đa số nắm quyền, chỉ có chính đảng thiểu số. Ngoài ra, Quốc vương thì, như chúng ta đã thấy, không còn một vai trò chính trị gì nữa. Tất cả những hành vi pháp lí mà trên phương diện hình thức, chính do ông là tác giả, đều được soạn thảo bởi Chính phủ. Và Quốc vương không thể từ khước một điều gì mà Chính phủ mong muốn, vì lẽ ông vô trách nhiệm và không thể đi ngược lại ý muốn của đa số đại diện nhân dân. Thượng Nghị viện cũng thế. Thượng Nghị viện là nơi tập trung khuynh hướng bảo thủ. Tuy nhiên khi mà Đảng Lao động nắm quyền. Thượng Nghị viện, nếu có chống đối, chỉ chống đối một cách yếu ớt vì lẽ Thượng Nghị viện không có quyền hạn gì đối với những quyết định có tính cách tài chính. Còn đối với các quyết định khác, quyền của Thượng Nghị viện chỉ còn là một quyền phủ quyết tạm thời.
Với hai sự kiện trên, chúng ta thấy rằng chính quyền tại Anh Quốc là một chính quyền thuần nhất. Và với một chính quyền thuần nhất như thế những vấn đề hiến tính, những vấn đề cổ điển của luật Hiến pháp hoàn toàn biến đổi và mất hẳn tính cách quan trọng của nó. Những vấn đề như mối tương quan giữa Chính phủ và Quốc hội, thẩm quyền của mỗi cơ quan cũng như ảnh hưởng hỗ tương của hai cơ quan không còn là vấn đề.
Trọng tâm của các quyết định quan trọng nằm trong tay các lãnh tụ của chính đảng nắm chính quyền và tùy thuộc ở mối tương quan giữa lãnh tụ ở Chính phủ và cán bộ ở Quốc hội.

B. Với một chính quyền thuần nhất như thế, vấn đề chính yếu được đặt ra trong cuộc sinh hoạt chính trị Anh Quốc chính là vấn đề trách nhiệm quốc gia. Thật vậy, ý tưởng chính của cuộc sinh hoạt chính trị Anh Quốc là ý tưởng của một sự ủy quyền, ủy quyền cho một trong hai chính đảng để thống trị. Chính đảng nắm quyền sẽ được phán xét bởi cử tri đến ngày tổng tuyển cử. Trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội – một nguyên tắc căn bản của chế độ Nghị viện – đã nhường chỗ cho một trách nhiệm trước Quốc dân của chính đảng nắm chính quyền. Trách nhiệm quốc gia là như thế. Và đó là tình trạng của thực tế chính trị Anh Quốc. Chúng ta có thể tóm tắt một cách thô sơ: một chính đảng được giao toàn quyền thống trị, đến ngày mãn hạn ủy quyền, quốc dân sẽ đặt vấn đề trách nhiệm của chính đảng: ở hay đi.

Đoạn 3: MỘT ĐỐI LẬP HỮU HIỆU

A. Một chính quyền thuần nhất như thế có dễ dàng đưa đến tình trạng độc tài. Nhưng cái hay của chính thể Anh Quốc là, nếu Anh Quốc không biết nguyên tắc phân quyền, trái lại, Anh Quốc lại biết nhiều một sự phân chia rõ rệt giữa chính quyền và đối lập.
Đối lập tại Anh Quốc được cụ thể hóa, tại Hạ Nghị viện bởi một lằn gạch phân chia rõ rệt ai thiên về đa số ai về phe đối lập. Đối lập tại Anh như chúng ta đã biết, là một đối lập được định chế hóa. Đối lập được xem là đối lập của Nữ hoàng. Lãnh tụ được xếp ngang hàng với Thủ tướng, ăn lương Chính phủ. Phe đối lập có cả một Nội các bóng tại Hạ Nghị viện, và vài chức vụ quan trọng được giao phó cho đối lập, nhất là chủ tọa ủy ban Kiểm soát công quỹ.
B. Với một hệ thống đối lập như thế, Anh Quốc thoát khỏi tình trạng độc tài và chúng ta có thể nói rằng, chung quy, chính đối lập là tiêu chuẩn phân biệt chế độ dân chủ Anh Quốc và các chế độ độc tài đảng trị cộng sản. Như chúng ta đã thấy, ở Anh cũng như ở Nga Sô và các nước cộng sản, một chính đảng nắm chính quyền và mối tương quan giữa Chính phủ và Quốc hội chỉ còn là một phần của mối tương quan giữa lãnh tụ và cán bộ của chính đảng mà thôi. Cũng như trong những nước độc tài cộng sản, các vấn đề trọng đại không phải được thảo luận và ấn định tại Quốc hội, mà chính ngay tại Ủy ban Chấp hành của đảng.
Tuy nhiên, hai điểm chính yếu phân biệt chế độ Anh Quốc và chế độ độc tài đảng trị:
- Có một sự đối lập trong chính đảng nắm chính quyền, như thế có nghĩa chính đảng ở Anh Quốc, mặc dù, rất có kỉ luật nội bộ, nhưng không đến nỗi chỉ là một khối: Có thể có những cuộc thảo luận sôi nổi, có thể có những bất đồng ý kiến.
- Có một chính đảng đối lập: ở Anh Quốc không phải chỉ có một chính đảng, mà có hai chính đảng: một chính đảng nắm quyền và một chính đảng đóng vai trò đối lập một cách tự do.
Vai trò của đối lập – như chúng ta đã biết, là chỉ trích, phê bình, kiểm soát và nhất là chuẩn bị nắm chính quyền. Vai trò của đối lập là bảo đảm tự do công cộng vì chỉ có đối lập mới mạnh dạn tố cáo những lạm dụng của chính quyền. Và bảo đảm tự do công cộng, tố cáo lạm dụng của chính quyền tức là hạn chế chính quyền.
Chính sự hiện diện của đối lập và nhất là viễn tượng của những cuộc bầu cử sắp tới làm cho chính quyền không dám áp dụng những biện pháp độc đoán. Và sau rốt, chuẩn bị nắm chính quyền, đối lập là Chính phủ tương lai. Quốc gia có thể xoay chiều đổi hướng trong khung cảnh của định chế, một cách im lặng, tự do và tránh được mọi chính biến hay khủng hoảng chính trị đầy hậu quả cho cuộc sinh hoạt dân chủ.
KẾT LUẬN
Người ta có thể tự hỏi: do những yếu tố nào mà sự tiến triển chính trị của nước Anh đã đi tới chỗ đẹp đẽ như vậy? Ba yếu tố chính sau đây có thể cắt nghĩa được cái đặc điểm đó, chúng tôi xin lần lượt dẫn giải dưới đây:
1. Trước hết, như đã nói trên, nhờ cuộc chinh phục của người Bắc phương, tại nước Anh khác nước Pháp, khởi điểm của tổ chức chính trị trong nước là do một chính quyền quân chủ mạnh mẽ, chính quyền của người ngoại quốc xâm lăng. Tại nước Pháp, Nhà Vua cầm quyền bước đầu còn yếu ớt phải dựa vào người tư sản thành thị để chống lại chư hầu – Trái lại, tại nước Anh, giới trung lưu và giới quý tộc lại câu kết với nhau để chống lại vương quyền quá mạnh. Esmein đã nói rất hữu lí rằng: “Nước Anh, sau cuộc chinh phục của người Bắc phương, khởi sự bằng một nền quân chủ độc tôn và có lẽ bởi thế mà đến thế kỉ XVII đã tiến tới một chế độ quân chủ đại nghị. Nước Pháp phong kiến khởi sự bằng một nền quân chủ gần như hoàn toàn bất lực, và có lẽ bởi thế cho nên đến thế kỉ XVII tổ chức chính trị đã kết thúc bằng một nền quân chủ độc tôn”.
Lại nữa, khi người Bắc phương chiếm cứ nước Anh, họ cho các địa phương được tự trị rộng rãi về phương diện cảnh bị, hành chính, để có thể rảnh tay làm những việc khác. Chính cái “Self government” ấy đã sinh ra hậu quả này là: Khi người dân Anh cử đại biểu của địa phương mình dự vào Nghị viện, họ đã vô tình tiến tới chế độ đại nghị. Người công dân Anh, nhờ đấy mà phát triển được tinh thần tự do và tinh thần trách nhiệm sớm hơn người khác – Mãi cho tới sau cuộc đại chiến 1914-18 và 1939-45 nước Anh mới thật có cuộc cách mạng trung ương tập quyền gây nên bởi những điều kiện kĩ thuật chiến tranh mới bây giờ.
2. Yếu tố thứ hai của cuộc tiến triển chính trị Anh Quốc là yếu tố địa lí. Nước Anh vốn là một hòn đảo lớn, có những đào lũy thiên nhiên và biển cả bao bọc, nên việc Quốc phòng không làm cho họ phải bận tâm bằng các nước trong lục địa. Họ có thể dồn nỗ lực vào việc mở mang kinh tế và lí tài nhiều hơn, nhất là trong hai thế kỉ XVII và XIX. Nước Anh không có quân đội thường trực nên Nhà Vua không có phương tiện để tranh đấu lâu dài với Nghị viện. Người công dân Anh do đó phải tự tham gia và việc giữ gìn an ninh và trật tự chung, nhưng cũng nhờ đây mà họ gây được tinh thần công dân sâu rộng hơn.

3. Người Anh rất sùng cổ và người Anh rất thực tế. Người Anh là người rất sùng cổ. Và tinh thần sùng bái những tập tục, những nghi thức được thể hiện trên phương diện chính trị bởi những thủ tục, những nghi lễ, những công thức mà chúng ta đã có dịp thấy khi bàn đến một buổi khai mạc Quốc hội hay thủ tục Lập pháp. Các thủ tục và nghi lễ vẫn được áp dụng từ bao thế kỉ nay, đối với chúng ta có lẽ kỳ lạ, những người Anh hết sức noi theo.
Người ta kể lại rằng: một hôm có một nhà đại phú Mỹ Quốc đến thăm một trường đại học, ông ta thấy bãi cỏ xanh đẹp mắt, nói với anh làm vườn làm thế nào mà cỏ xanh tươi đẹp như vậy, ông ta trả lời: “Rất dễ, chúng tôi trồng cỏ tốt, chúng tôi tưới nước đều, chúng tôi săn sóc, cắt, xén, trong ba thế kỉ có thế thôi”.
4. Sau hết, yếu tố thứ tư là tính chất quốc gia của người dân nước Anh gồm có nhiều điểm đặc biệt, ít thấy có ở người dân nước khác.

Trước hết, người Anh tuy sùng cổ nhưng không nệ cổ. Tinh thần thực tế và cầu tiến cho họ một quan niệm về sinh hoạt chính trị dựa vào kinh nghiệm chớ không dựa vào luận lí, như Lord Balfour đã nói: “Thà làm một việc trái ý, nhưng đã từng làm, còn hơn làm một việc hợp lí, nhưng chưa hề làm bao giờ.” Và như ông Chamberlain đã quyết: bản năng và kinh nghiệm gom lại chỉ cho chúng tôi thấy bản chất loài người vốn không hợp với luận lí, nên căn cứ vào luận lí mà thiết lập các định chế là không khôn ngoan.

Thứ nữa người Anh thừa nhận dễ dàng sự tự do tranh luận và rất tôn trọng ý kiến của kẻ khác – Trong thời kỳ chiến tranh, tự do ngôn luận giữ được gần nguyên vẹn. Người Anh biết rằng tự do có thể sinh ra nhiều lạm dụng và nhiều bất tiện, họ không bao giờ mơ tưởng bài trừ hết lạm dụng và bất tiện, nhưng họ tin tưởng chắc chắn rằng nếu tự do phát triển được rộng rãi trong một thời gian lâu dài, rút cuộc sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn mọi phương thế khác.

(Hết thiên thứ nhất Những chế độ dân chủ cổ điển, đón xem thiên thứ hai Những chế độ chuyên chế)
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.