Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Một năm rối bời của nước Mỹ

Đối với nước Mỹ, năm 1860 là một năm rối bời giữa lo lắng và hy vọng. Người Mỹ đang đặt hy vọng vào vị tổng thống mới sắp được bầu. Nhưng họ cũng lo sợ ngay cả một tổng thống mới cũng khó có thể giữ được sự toàn vẹn cho đất nước. Các bang ở miền Nam đang tiến rất gần đến việc ly khai khỏi Hợp chúng vì vấn đề nô lệ.

Sau bốn năm ở vị trí tổng thống, James Buchanan quyết định sẽ không ra tranh cử tổng thống lần nữa. Buchanan là người thuộc Đảng Dân chủ. Đảng của ông, cũng như tình trạng nước Mỹ lúc đó, đang bị chia rẽ thành hai phe vì vấn đề nô lệ. Những người Dân chủ miền Nam muốn đảng của họ ủng hộ chính sách duy trì chế độ nô lệ. Những người Dân chủ miền Bắc lại không muốn thế.

Phe đối lập là Đảng Cộng hòa đang kỳ vọng sẽ thu được phiếu ủng hộ từ những người Dân chủ bất mãn. Phe Cộng hòa đã trở nên mạnh hơn từ cuộc bầu cử trước đó vào năm 1856. Họ tin rằng ứng cử viên Cộng hòa sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm 1860.
Đại hội Đảng Dân chủ đề cử ứng viên tổng thống khai mạc vào tháng Tư tại Charleston, bang Nam Carolina. Thượng nghị sỹ Douglas của Illinois là ứng viên hàng đầu. Ông có sự ủng hộ của đa số các đại biểu tham dự đại hội. Nhưng ông vẫn chưa đạt đủ 2/3 số phiếu cần thiết để được đề cử làm ứng cử viên tổng thống.

Nhiều đại biểu đến từ miền Nam không thích Stephen Douglas. Nhiều người còn không tin ông. Một số khác lại không đồng ý với quan điểm về nô lệ của ông. Douglas không phản đối chế độ nô lệ và cũng không ủng hộ việc phát triển chế độ nô lệ. Tuy nhiên, ông cho rằng luật liên bang không thể áp đặt chế độ nô lệ ở những nơi người dân không muốn. Đó chính là chính sách “chủ quyền phổ thông” của ông.
William Yancey của bang Alabama là người đứng đầu nhóm đảng viên Dân chủ miền Nam chống lại Stephen Douglas. Yancey muốn việc ủng hộ chế độ nô lệ phải được đưa vào cương lĩnh của đảng. Ông ta tin chắc rằng Douglas sẽ không chấp nhận làm ứng cử viên tổng thống với một cương lĩnh như thế.

Trong trường hợp Yancey không làm được như thế với cương lĩnh của đảng, ông ta sẽ đưa các đảng viên Dân chủ miền Nam tẩy chay đại hội và ra khỏi đảng.

Ủy ban quyết nghị của đảng đã xem xét các đề xuất về cương lĩnh của đảng. Một đề xuất cho rằng người dân sở tại có quyền quyết định chế độ nô lệ là hợp pháp hay không. Đề xuất thứ hai để dành quyền đó cho Tòa án Tối cao. Và đề xuất thứ ba cho rằng không ai có quyền phán xét điều đó, chế độ nô lệ là hợp pháp ở mọi nơi.

William Yancey phát biểu trước đại hội rằng ông ủng hộ cương lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ. Ông ta nói rằng những đảng viên Dân chủ không muốn phá hủy sự đoàn kết của Hợp chúng. Nhưng ông ta cũng nói rằng có người đã cho biết rõ Hợp chúng sẽ bị tan rã nếu các quyền hiến định của chủ nô lệ không được tôn trọng.

Yancey cũng nói đến mối nguy của một cuộc đại nổi dậy của nô lệ. Ông ta mô tả tình trạng đó như một ngọn núi lửa còn im lặng, đang đe dọa sinh mạng, của cải và danh dự của người dân miền Nam. Ông ta cho rằng các hành động của người miền Bắc có thể làm cho ngọn núi lửa đó trào ra.

Một đại biểu khác đáp lại diễn giải của Yancey. Người này nói rằng các đảng viên Dân chủ ở miền Bắc đã quá mệt để bảo vệ lợi ích của người miền Nam. “Bây giờ,” ông ta nói, “Yancey nói với chúng ta phải đồng ý chế độ nô lệ là đúng đắn. Ông ta lệnh cho chúng ta phải che mắt đi và ăn đồ bẩn. Thưa các quí ông miền Nam. Các vị đang lừa chúng tôi đấy. Chúng tôi không ngây thơ đến thế đâu!”

Không khí đại hội trở nên rất căng thẳng và rõ ràng là cương lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ sẽ không được thông qua. Vì vậy, đoàn đại biểu của bang Alabama đã tuyên bố rút khỏi hội nghị. Và tiếp sau đó là 06 đoàn khác từ các bang ở phía cực Nam - Arkansas, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, and Texas, cũng lần lượt bỏ đại hội.

50 đại biểu bỏ về đã tự tổ chức riêng một đại hội và thông qua một cương lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ, nhưng không đề cử ai làm ứng cử viên tống thống. Các đại biểu này cũng nhất trí sẽ họp lại sau mấy tuần tại Richmond, Virginia.

Các đại biểu đảng Dân chủ ở miền Bắc cũng hoãn việc đề cử ứng cử viên và nhất trí sẽ họp lại tại Baltimore, Maryland.

Trong khi đó Đảng Cộng hòa tổ chức đại hội đề cử ứng viên tổng thống tại Chicago, Illinois. Ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này rất dễ nhận ra. Đó là đảng viên Cộng hòa nổi tiếng nhất lúc đó: Thượng nghị sỹ William Seward của New York.

Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa thể hiện được mong muốn của mọi đảng viên.

Đối với những người phản đối chế độ nô lệ, cương lĩnh bác bỏ ý tưởng cho rằng chủ nô có quyền hiến định đưa nô lệ sang các vùng đất mới. Đối với vấn đề người Mỹ sinh ở nước ngoài, cương lĩnh ủng hộ quyền được hưởng đầy đủ tư cách công dân. Đối với các nhà sản xuất, cương lĩnh đề xuất một loại thuế nhập khẩu mới để bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ. Đối với những người ở vùng tây bắc, cương lĩnh kêu gọi ủng hộ quyền sở hữu đất cho người định cư và trợ giúp của chính quyền liên bang trong việc xây dựng đường xá và kênh rạch.

Các đại biểu đã hết sức vui mừng thông qua cương lĩnh của đảng. Ngày hôm sau, đại hội sẽ tiến hành bầu ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống.

William Seward đã tin chắc ông sẽ được đảng đề cử. Nếu không phải ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên, ông nghĩ vậy, thì cũng sẽ là lần hai. Nhưng đã có một số người chống đối Seward. Và chiến dịch vận động của Seward đã không thành công như dự kiến.
Ứng cử viên đối lập của Seward là Abraham Lincoln.

Đại hội Đảng Cộng hòa đã phải bỏ phiếu 03 (ba) lần để xác định ứng cử viên tổng thống. Lincoln đều giành được ủng hộ ở các cuộc bỏ phiếu nhưng cả 03 lần cả hai ứng cử viên đều không thu được đủ số phiếu để chiến thắng. Sau đó, ngay trước khi cuộc bỏ phiếu lần thứ tư được thực hiện, một đại biểu từ Ohio đã đề nghị được phát biểu. Cả phòng bỗng lặng ngắt. “ Thưa ngài chủ tọa,” ông ta nói, “ Tôi đứng lên để thông báo sự thay đổi của Ohio, 04 phiếu xin được dành cả cho quí ngài Lincoln.”

Thế là đủ để Lincoln trở thành ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Một tháng sau, các đảng viên Dân chủ mở lại đại hội đề cử ứng cử viên tổng thống. Phần lớn các đại biểu miền Nam đã tẩy chay đại hội lần trước cũng đã quay trở lại. Nhưng nhiều ghế trong đại hội đã được trao cho những đại biểu mới. Vì vậy lại xảy ra cãi vã về việc đại biểu nào có quyền tham dự đại hội.

Một đề xuất thỏa hiệp dự định phân chia các ghế cho các đại biểu cũ và mới. Nhưng đa phần đại biểu miền Nam bác bỏ. Và lần lượt, phần lớn các đại biểu miền Nam lại bỏ về. Cuối cùng, các đại biểu Đảng Dân chủ còn lại đã bầu Stephen Douglas làm ứng cử viên tổng thống.

Các đảng viên Dân chủ miền Nam cũng bầu ra ứng cử viên tổng thống cho riêng họ, đó là Breckinrindge của bang Kentucky. Còn một nhóm khác có tên là Đảng Liên hợp Hiến định cũng đề cử ứng cử viên tổng thống là John Bell.

Chiến dịch tranh cử bắt đầu vào mùa hè năm 1860. Lincoln khi đó vẫn còn được ít người biết đến, vì vậy Đảng Cộng hòa đã phải ấn hành rất nhiều sách và tờ rơi để giới thiệu về ông. Đó là câu chuyện về một cậu bé quê mùa, nghèo túng, chỉ do tự học, chăm chỉ làm việc cùng với đức tính trung thực, đã trở thành ứng cử viên tổng thống.

Những người ủng hộ Lincoln đã tổ chức một chiến dịch vận động rầm rộ, vui nhộn, với những cuộc tuần hành sôi động có âm nhạc, ca hát và biểu ngữ cổ động náo nhiệt. Trong khi đó Lincoln lại hoàn toàn im lặng. Ông nói rằng “Từ khi trở thành ứng cử viên tổng thống, tôi không muốn phát biểu thêm điều gì nữa. Tôi ở đây chỉ để được ngắm nhìn quí vị và để quí vị thấy tôi thôi.”

Thực tế thì chính những trợ lý của Lincoln đã tư vấn ông không nên nói gì thì hơn. Họ cho rằng Lincoln đã nói đủ để làm rõ quan điểm của ông cho các vấn đề quan trọng rồi.

Ngược lại, Stephen Douglas lại vận động rất mạnh mẽ. Trong khi đó sức khỏe của ông không được tốt và lại gặp khó khăn về tài chính. Nhưng Douglas vẫn tiếp tục đi diễn thuyết tại hầu hết các bang.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, Douglas đã nhận ra ông không có hy vọng để chiến thắng. Quan điểm về chế độ nô lệ của ông đã làm ông mất hết ủng hộ tại miền Nam.
Douglas tin rằng trong số các ứng cử viên, Abraham Lincoln là người có cơ may chiến thắng nhất.

Ông cũng cho rằng những người cực đoan ủng hộ chế độ nô lệ sẽ sử dụng chiến thắng của Lincoln làm cái cớ để chia tách các bang miền Nam khỏi Hợp chúng quốc. Vì vậy Douglas quyết định chuyển mọi nỗ lực sang việc vận động cho sự toàn vẹn của Hợp chúng.

Ông nói:” Việc một người trở thành tổng thống do nhân dân Mỹ bầu ra, theo qui định của Hiến pháp, không được là lý do cho bất cứ âm mưu nào định làm tan rã quốc gia kiêu hãnh này.”

Bầu cử diễn ra vào ngày mồng 06 tháng 11 năm 1860. Các phiếu phổ thông ủng hộ Lincoln và Douglas rất sít sao. Nhưng các phiếu cử tri đoàn lại có khác biệt lớn. Lincoln thu được 180 phiếu. Breckinridge được 72 phiếu. Bell được 39 phiếu. Còn Douglas chỉ được có 20 phiếu.

Cuối cùng, Abraham Lincoln đắc cử tổng thống nước Mỹ vào năm 1860. Nhiệm kỳ của Abraham Lincoln được bắt đầu với việc đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vì ngay trước ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống, các bang miền Nam đã bắt đầu những hành động đe dọa, đòi li khai khỏi Hợp chúng quốc.


Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.

Tháng 07/2009
(Nguồn: program #92 of THE MAKING OF A NATION
http://www.voanews.com/specialenglish/2009-07-08-voa1.cfm