Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Một Viễn Tượng Chuyển tiếp Dân Chủ Ở Việt Nam


Có thể nói rất nhiều người Việt Nam hiện nay, kể cả trong lực lượng an ninh, đã rất chán chường chế độ chính trị hiện tại, nhưng việc hình dung và tin tưởng vào một chế độ mới (thường được nhiều người gọi là “dân chủ”) thì có lẽ không nhiều người, cả trong những người chán chường đó, cảm thấy chắc chắn hay an tâm. Bài viết tâm huyết sau đây có thể phần nào đáp ứng được tâm lý băn khoăn đó. Như Cây Tre Việt Nam hân hạnh giới thiệu:

Một Viễn Tượng Chuyển tiếp Dân Chủ Ở Việt Nam

Khải Minh

Qua quan sát các diễn tiến chính trị trên thế giới trong khoảng nửa thế kỷ qua, các mô thức chuyển tiếp dân chủ đã xảy ra thường là: Cách mạng, đảo chính, thương thảo đàm phán giữa các lực lượng chính trị cũ mới, hay những thay đổi tiệm tiến thông qua cải cách của chế độ độc tài (quân sự hay toàn trị…) hợp tác với các lực lượng chính trị khác trong nước, cùng tất cả các hệ quả phát sinh của từng mô thức có thể cực kỳ khác nhau tại các khu vực hay quốc gia khác nhau.

Diễn biến Dân chủ tại Việt Nam sẽ theo mô thức nào? Sẽ thuộc một trong các mô thức cổ điển (đã diễn ra) hay sẽ theo một mô thức hoàn toàn mới? Hay sẽ không bao giờ xảy ra vì sẽ bị xóa tên và sát nhập vào Trung Quốc? Đến nay, tất cả mọi khả năng đó vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ cho Việt Nam. Nhưng đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập tới một số vấn đề cơ bản trên giả định lạc quan rằng Diễn biến Dân chủ ở Việt Nam sẽ tiến tới thời điểm chuyển tiếp (transition) giữa chế độ cũ và chế độ dân chủ mới đang hình thành.

Rất ít các trường hợp Diễn biến Dân chủ thành công mà không tạo ra sóng gió, chao động xã hội trong mọi chiều trong một thời gian. 

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là các rối ren xã hội trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển tiếp dân chủ là nguyên nhân chính của các thất bại sau đó. Cũng vậy, các khó khăn trong việc quản trị các yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng quá mức của xã hội trong thời gian đầu cũng không phải là nguyên nhân chính của các sự thất bại dân chủ hóa. Nguyên nhân chính của các cuộc Diễn biến Dân chủ (đã tới giai đoạn chuyển tiếp) bị thất bại hay bị trì trệ thường là do thiếu khả năng cải cách và xây dựng nhanh chóng các cơ cấu dân chủ trong cấu trúc công quyền tân lập, hoặc sự thiếu quyết tâm của giới lãnh đạo để tiến hành dân chủ hóa, hoặc các mâu thuẫn chính trị nội tại trong chế độ tân lập.

Quản trị các hệ quả của việc thay đổi cấu trúc chế độ

Vấn đề gai góc cơ bản trong sự chuyển tiếp từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ là việc quản lý sự thay đổi cấu trúc mà trước đó, toàn thể xã hội chỉ dựa lên một cột chống duy nhất, hoặc là giới quân đội trong các chế độ độc tài như Philippines hay Indonesia, hoặc là Đảng Cộng sản như trong trường hợp Việt Nam. 

Nhưng trong trường hợp Việt Nam, vốn bị cai trị dưới chế độ cộng Sản lâu dài dưới một chính quyền có cơ chế phản tự do, phi dân chủ và hoàn toàn bị kiểm soát trong các thiết chế do Đảng Cộng sản lập ra thì không thể thực hiện dân chủ trong xã hội nếu không có các thay đổi căn bản và có hệ thống.

Dĩ nhiên các cơ chế dân chủ sẽ được xây dựng trên nguyên tắc tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) với hệ thống kiểm tra và quân bình quyền lực sẽ được lắp đặt thông qua luật lệ hay cấu trúc quản trị như hệ thống hành chính hay các cơ quan công quyền phụ trách quản trị xã hội.

Như vậy những cá nhân lãnh đạo và làm việc trong hệ thống quản trị xã hội tân lập cần phải ý thức sâu sắc về sự vận hành của cơ chế tân lập, qua đó, quyền hạn hành xử công vụ và tiến trình làm quyết định sẽ thông qua ba cơ chế hành pháp tư pháp độc lập và công khai, với sự giám định, kềm chế lẫn nhau chứ không còn lệ thuộc vào một trụ cột lãnh đạo như đảng cộng sản theo kiểu chỉ đạo từ Bộ chính trị hay họp kín lấy quyết định trong chi bộ như trước nữa. Thêm vào đó, cơ chế tân lập nhằm đảm bảo an ninh và công bằng xã hội cho mỗi người dân chứ không phải là lý cớ để tạo ra một bộ máy hành chính thư lại cồng kềnh và kém hiệu năng.

Nhưng cũng thông qua quá trình chuyển biến sẽ trỗi lên nhiều lực lượng chính trị.  Các lực lượng phe nhóm đã tham gia vào công cuộc đấu tranh cần phải có khả năng thống nhất về quan điểm phân quyền, để góp phần xây dựng xã hội mới theo mô thức dân chủ thay vì chống đối nhau trên căn bản chia chác quyền lực, quyền lợi, rồi từ đó nêu ra đòi hỏi phải lắp đặt thêm nhiều cấu trúc công quyền hữu danh vô thực chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu "trả nợ công thần cách mạng". Vấn đề này nói qua nghe chừng rất ngắn gọn và đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều vì nhiều cuộc cách mạng dân chủ đã đổ bể hay trì trệ ở ngay giai đoạn chuyển tiếp chỉ vì nhiều cá nhân thấy “công lao, đóng góp” của mình quá lớn so với những “quyền lực, danh vọng” của mình đạt được. Vì vậy viễn tượng dân chủ sẽ càng xán lạn nếu có nhiều người đấu tranh hôm nay coi việc đóng góp, hy sinh đã là một vinh hạnh chứ không phải là một bước đặt chân vào quyền lực tương lai.

Ngoài ra, có một điểm chính yếu nữa là các thành phần chính trị cầm quyền cần giữ vững lập trường xem trọng những khác biệt quan điểm trên toàn xã hội như một cơ hội thăng hoa sáng kiến, cung ứng cho xã hội một sự lựa chọn với nhiều giải pháp, thông qua tuyển cử các nhân vật lãnh đạo, đầu phiếu tại nghị trường cho các bộ luật, thay vì xem hình thái khác biệt quan điểm là dấu hiệu của rối loạn, rồi thực thi các biện pháp khống chế, giới hạn, vô tình hay cố ý đưa đến các hậu quả áp đặt phi dân chủ nhằm loại bỏ hay làm suy yếu các đối thủ - nguy cơ đưa xã hội vòng trở lại độc tài.

Một vấn đề cấu trúc hậu kỳ nữa là việc hội nhập cấu trúc công quyền cũ vào cấu trúc tân lập. Đây cũng là vấn đề lớn nhằm tiết kiệm chi phí, gánh nặng đóng góp của người dân, nhưng cũng cần có những quan tâm đúng mức để sự hội nhập không dẫn đến các mâu thuẫn, va chạm xã hội không cần thiết trong các vấn đề nhân dụng.

Kết quả Diễn biến Dân chủ cũng bị ảnh hưởng tùy thuộc vào việc ứng phó với các cơ chế toàn trị của xã hội cũ. Nhanh chóng ly khai với bộ máy toàn trị cũ rất cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa. Trong trường hợp Việt Nam, cần phải được tháo gỡ tức khắc những gì thuộc về:

1/ Xây dựng chính danh cho chế độ toàn trị đã được cài đặt trong pháp chế cũ, bắt đầu từ Hiến Pháp cho đến tất cả các luật lệ, qui định. 

2/ Toàn bộ hệ thống quản trị của Đảng Cộng Sản đan chéo vào các cơ quan công quyền và quân đội, cùng với 

3/ Toàn bộ các bộ phận trực thuộc bộ máy an ninh, công an dùng để thực hiện việc khống chế, trấn áp xã hội.

Tuy nhiên thực hiện điều trên đây không có nghĩa là trấn áp, tù đày hay tiêu diệt nhân sự của đảng CSVN hay của các cơ quan an ninh, công an của chế độ CSVN.  Ngược lại, toàn bộ số nhân sự này cũng nhất thiết phải được đối xử như một pháp nhân bình đẳng trước pháp luật trong nền pháp chế tân lập.

Tuy thế, hẳn nhiên là sẽ có sự đề kháng từ các thành phần này, sẽ liên kết với các thành phần trung thành cũ, vì lo sợ bị ảnh hưởng, xâm phạm đến an sinh cá nhân như cựu chiến binh, công chức, đảng viên hưu trí,v.v. Nhưng điều này cũng không phải là lý do gây ra thất bại nếu trong xã hội có đủ lực lượng công chúng cương quyết thực thi dân chủ để làm đối trọng, để kềm chế, làm an tâm các bất an, nghi kỵ và hóa giải các nỗ lực phá hoại.

Vượt qua các khó khăn của việc thiếu kinh nghiệm thực thi dân chủ

Có thể nói Việt Nam có rất ít kinh nghiệm về thực hiện dân chủ mặc dù trong nhiều năm qua các trao đổi về vấn đề dân chủ trong khối quốc dân toàn quốc cùng những người Việt ở hải ngoại đã tạo nên một số căn bản, ít nhất là trong một số khái niệm căn bản về cơ cấu, thực thi, và ích dụng của một cơ chế chính quyền dân chủ.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay thì chỉ có người dân ở miền Nam mới được biết bằng thực tế và được hưởng thực sự dân chủ. Tuy vậy, thể chế dân chủ tại Miền Nam trước 1975, trong khoảng thời gian hai mươi năm dưới một chính thể dân chủ còn rất non trẻ, nhiều khiếm khuyết, và vừa bị phá hoại liên tục, lại luôn bị gián đoạn từ sau cuộc chính biến 1963 lật đổ nền đệ nhất cộng hòa dưới quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm để sau đó thay thế và kế tục bằng nền dân chủ đệ nhị cộng hoà với các chính phủ nặng ảnh hưởng của giới quân nhân. Ngoài ra, trong chiến tranh Việt Nam đã có các nỗ lực quyết liệt phá hoại chính quyền dân chủ tại Miền Nam Việt Nam do chế độ cộng sản Miền Bắc phát động, và sự khuynh đảo của các thành phần cộng sản và thân cộng sản. Do đó, cùng với thời gian 37 năm qua phải sống dưới chế độ cộng sản và một số lớn trí thức miền Nam đã di cư ra nước ngoài, những gì còn ghi nhận được trong tâm trí người dân Miền Nam về dân chủ còn rất ít và cũng chỉ có rất ít ích dụng thực tiễn trong việc xây dựng một thể chế dân chủ tân lập hậu cộng sản, ngoại trừ sức đề kháng chính quyền độc tài vẫn còn và cùng đang tăng lên với nhân dân Miền Bắc hiện thời.

Các thử thách bao gồm việc cởi bỏ tâm lý người dân vốn đời sống thường đã bị Cộng sản lâu đời khống chế và chi phối toàn diện, với hệ quả là xã hội quen với kiểu làm ăn và sinh hoạt tránh né các quan hệ với chính quyền hoặc thậm chí tìm cách móc ngoặc hối lộ để tìm các lợi thế. Ngoài ra, phần đông dân số còn nuôi nhiều tâm lý sợ hãi. Sợ hãi phải tự bươn chải kiếm sống trong thị trường lao động và kinh doanh tự do, sợ hãi khi thực thi quyền tự do ngôn luận, phát biểu, bày tỏ quan điểm hay phê bình, chỉ trích công khai các nhân sự, cơ quan chính phủ thì sẽ bị trù dập, trả thù, sợ hãi bộ máy an ninh cảnh sát và tư pháp khi giải quyết các tranh chấp và khiếu tố các bất công dân sự và xã hội,...

Mặt khác, có một thử thách khác là sau 70 năm dưới chế độ độc đảng và toàn trị, xã hội sẽ không có kinh nghiệm sinh hoạt lành mạnh trong một môi trường cạnh tranh chính trị đa nguyên. Cho nên sẽ dễ phát sinh ra các xu hướng nhân danh sinh hoạt dân chủ mà thực tế là gây ra nạn kéo bè kết cánh để loại trừ nhau giữa các thế lực nội bộ một nhóm, một đảng phái chính trị hay giữa các nhóm, các đảng phái chính trị với nhau tạo nên một hình thái manh mún ba người năm đảng hay chia rẽ phân liệt. Hậu quả là công chúng sẽ chán ghét và xa lánh các sinh hoạt chính trị. 

Điều này từng xẩy ra trong một thời gian dài trong các cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ mặc dù chính họ là các nhân tố đã có ít nhiều kinh nghiệm bản thân về chế độ dân chủ tại Miền Nam Việt Nam, họ vẫn không tránh khỏi các khiếm khuyết về kinh nghiệm khi bỗng chốc được sống ngay trong một môi trường lạ lẫm nhưng hết sức tự do tại hải ngoại trong khi đi tị nạn cộng sản, khiến nhiều tác nhân đã có các lầm lẫn tai hại giữa quyền hạn và nghĩa vụ dưới một chính thể dân chủ mở rộng tại Hoa Kỳ, khiến gây ra nhiều mâu thuẫn nội tại hơn là cùng nhau tìm được cách hóa giải các vấn đề mà họ muốn giải quyết. Ở đây tạm không nói đến các tác nhân phá hoại chủ động do Đảng Cộng sản từ trong nước điều khiển. Kết quả là sự phân hóa xẩy ra trầm trọng đến độ nhiều người dân trong các cộng đồng này cho đến nay vẫn còn né tránh các sinh hoạt chính trị, bao gồm cả các sinh hoạt dòng chính trong xã hội Hoa Kỳ.

Do vậy, trong trường hợp Việt Nam, thiếu kinh nghiệm quá khứ trong việc xây dựng các cơ cấu dân chủ cũng chưa hẳn là vấn đề nan giải nhất vì các kinh nghiệm (ít ỏi) này, nếu có, cũng sẽ chẳng mang lại nhiều ích lợi cụ thể ngoài các tác động tích cực lên yếu tố tinh thần và nhận thức của công chúng.

Những điều nêu trên đây cũng sẽ khiến cho Việt Nam phải đối phó với các khó khăn tương đối trong việc xây dựng các cơ cấu dân chủ và khuyến khích người dân tham gia vào các cơ chế này một cách năng động. Tuy nhiên Việt Nam cũng có ít nhất hai lợi thế (công cụ) để hóa giải các khó khăn đó. Thứ nhất, nguồn trí tuệ của các chuyên gia có gốc gác Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn cá nhân về các cơ chế dân chủ tại hải ngoại và các học giả, nhà nghiên cứu (cả trong và ngoài nước) thiết tha với dân chủ trong mấy chục năm qua sẽ giúp ích không ít trong việc đề nghị các giải pháp xây dựng các cơ cấu của cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng với một cơ cấu kinh tế tự do thích hợp. Thứ hai, lịch sử Việt Nam có thể cung cấp một số tấm gương, bài học có những tương đồng với tinh thần tôn trọng dân chủ tự do (theo ý niệm hiện đại) để quảng bá và khuyến khích người dân tham gia vào các tiến trình thực thi dân chủ như bầu cử và hành xử các quyền tự do căn bản sẽ giúp cho người dân dễ dàng thiện cảm và tự tin hơn trong các sinh hoạt thực hành dân chủ từ đó việc tiếp cận của toàn xã hội với cơ chế dân chủ dưới các hình thái cập nhật đương đại sẽ thuận lợi hơn.

Thành lập cơ cấu kiểm tra dân chủ đối với cơ chế công quyền đặc biệt là quân đội và ngành an ninh và trị an

Những thành phần, bộ phận thuộc quân đội và thuộc bộ máy an ninh trị an của chế độ cộng sản vẫn có thể tham gia và có những đóng góp tích cực trong suốt quá trình chuyển biến dân chủ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cơ chế hoạt động tùy tiện, bạo lực của các bộ máy, thành phần này sẽ được lưu dụng hay được đối xử ưu đãi hơn trong hậu kỳ xây dựng cơ chế dân chủ tân lập.

Nhân sự thuộc các thành phần này dĩ nhiên sẽ có ưu tiên hội nhập hay lưu dụng vào cơ chế mới, nhưng cũng phải thông qua quá trình tái huấn luyện chung cho toàn bộ nhân sự còn được lưu dụng để tạo ra một môi trường làm việc và sinh hoạt trật tự và có kỷ luật với nguyên tắc và trong tinh thần dân chủ. Thêm vào đó, việc tái huấn luyện này cũng giúp giảm thiểu các trì trệ cố ý, và những đề kháng thuộc xu hướng "ngựa quen đường cũ". 

Như trên đây đã có đề cập qua, tất cả các cơ chế độc đoán, bí mật, trấn áp đã được lắp đặt trong hệ thống quân đội hay an ninh cũ nhằm vào mục đích bảo vệ, củng cố chế độ toàn trị cần phải được nhanh chóng tháo bỏ. Và để bảo đảm các bộ phận còn lại của quân đội và an ninh vận hành đúng đắn, nghiêm minh trong cơ chế dân chủ tân lập, nhất thiết phải có bộ máy thanh tra mà cấu trúc tổ chức phải có tính thượng tôn tinh thần dân chủ pháp trị để ngăn ngừa mọi trường hợp lạm quyền, ngược đãi hay trả thù.

Và như mọi cơ chế dân chủ phổ thông khác trên thế giới, nhân sự thuộc quân đội, an ninh và trị an sẽ hành xử nhiệm vụ của mình luôn luôn một cách thống nhất, đặt dưới quyền hạn trực thuộc của các viên chức dân tuyển (tổng thống, tỉnh trưởng, quận trưởng là các viên chức chính quyền được bổ nhiệm thông qua dân tuyển ...)  Ngoài ra, bộ máy thanh tra kể trên còn có trách nhiệm về mặt qui định và chế tài để bảo đảm tính vô tư trong khối nhân sự của chính quyền là không có sự lạm dụng chính trị thuộc quân đội hay trong bộ máy an ninh, trị an. Các quan chức lãnh đạo quân đội, an ninh trị an cũng như tất cả các nhân viên công quyền khác, tuyệt đối không được phép dùng phương tiện công quyền hay tư nhân để quảng bá sự ủng hộ cá nhân hay tập thể đối với một phe phái chính trị nào, kể cả phe đương quyền. Ngắn gọn lại thì bộ máy cảnh sát, an ninh và quân đội phải được phi chính trị hóa tuyệt đối, tất cả chỉ phục vụ tổ quốc và nhân dân.

Việc thành lập bộ máy kiểm tra và thanh tra trực thuộc cơ chế tư pháp và toà án, đặc phái công vụ dưới các ngành công quyền liên hệ, với đầy đủ thẩm quyền hành xử nhiệm vụ độc lập không lệ thuộc vào hệ thống chỉ huy hàng dọc của ngành công tác thì sẽ có tinh minh bạch trong một cơ chế công quyền dân chủ. 

Và trong khi chuyển hóa từ một chế độ toàn trị cộng sản lâu đời với nhiều hệ lụy di căn trầm trọng về nhũng lạm, tham ô, lộng quyền ...thì công việc này cần phải nhanh chóng thực hiện với ưu tiên cao nhất.

Thực hiện các cuộc tuyển cử dân chủ đầu tiên

Khi xã hội đã bắt đầu vãn hồi trật tự tối thiểu, hệ thống quân đội, an ninh trị an đã tạm thời ổn định thì cũng là lúc cuộc Diễn biến Dân chủ nên tiến hành các cuộc tuyển cử thực sự tự do đầu tiên. 

Thử thách về thời điểm tổ chức là nếu những cuộc tuyển cử xẩy ra sớm quá, thì dân tình chưa được ổn định, đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, và những thành phần xã hội khác cũng chưa đủ thời giờ chuẩn bị để cùng toàn dân tham gia.  Mặt khác, các việc tổ chức tuyển cử quá sớm cũng giống như tạo ra một sân chơi không bình đẳng theo đó các phe nhóm chính trị có thực lực mạnh hơn có thể áp lực khuynh đảo những kết quả bầu cử, khiến xã hội sau đó sẽ phải sinh hoạt trong một môi trường chính trị khá phiến diện, đơn điệu.

Tuy không có một ghi nhận nào trước đây về ảnh hưởng tốt xấu của việc tổ chức tuyển cử sớm hay muộn trong một cuộc Diễn biến Dân chủ, nhưng những lợi ích thực tiễn của việc tổ chức các cuộc tuyển cử hay trưng cầu dân ý (để kiện toàn hay ban hành một hiến pháp mới tiếp theo sau bằng các cuộc tuyển cử) qui định bởi bản hiến pháp dân chủ một cách đúng lúc là một trong những việc thiết yếu nhằm kiện toàn nền móng dân chủ. Các sự kiện này sẽ giúp thống nhất ý chí quốc gia trong toàn dân và ngăn ngừa được những ý đồ phá hoại.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi toàn bộ cơ cấu chính quyền của Việt Nam đã được đặt dưới cấu trúc quản trị kiểu cộng sản rất lâu, theo đó, bộ máy công quyền gồm tất cả cơ chế lập pháp, hành pháp tư pháp đều đã bị cài đặt theo hệ thống tập quyền cực độ. Bên cạnh đó, gần như song lập và song hành trên mọi cấp độ, lại là một hệ thống quản trị cực quyền khác là cơ chế Đảng, lại có nhiều quyền lực hơn để khống chế hệ thống công quyền. Các thay đổi vá víu và chắp nối trong cơ chế công quyền trong thời kỳ “đổi mới” từ năm 1986 đến nay để gọi là bổ sung cho việc quản trị cơ chế “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã chứng tỏ không giúp ích gì khác hơn là phát sinh thêm vô số những tròng tréo rối ren cho cấu trúc chính trị và tạo thêm cơ hội cho những kẻ đục khoét, phá hoại quốc gia nặng nề hơn.

Cho nên những cuộc tuyển cử, bắt đầu bằng việc tổ chức một cơ chế quốc dân đại biểu lâm thời, để thông qua một bản hiến pháp mới là một nhu cầu bức thiết. Tuy vấn đề mở rộng để bao gồm tất cả các thành phần chính trị quốc dân trong cơ chế đại biểu quốc dân lâm thời trên đây là rất cần thiết, điều cần lưu tâm là các thành phần lãnh đạo phong trào dân chủ cần phải giữ quân bình trong khi thương lượng các điều kiện tham gia với tất cả mọi thành phần chính trị, để bảo đảm bản hiến pháp tân lập là một bản hiến pháp trung thực phản ảnh ý chí độc lập, dân chủ của quốc dân với các cơ chế hành pháp, lập pháp và tư pháp phân lập, có kiểm tra, có quân bình quyền lực thực tiễn.

Thanh lý các bất công trong quá khứ

Cơ chế toàn trị độc đảng của Việt nam hẳn nhiên khi trải qua một Diễn biến Dân chủ sẽ phô bày toàn bộ những bất công dồn lại từ gần hoặc trên 70 năm. Trách nhiệm thanh lý các bất công này không phải là nhỏ. Các quyết định hành chính, tư pháp liên quan đến việc thanh lý bất công trong quá khứ sẽ là một thử thách chính trị cho quyền lực của chế độ dân chủ và cho cơ chế công quyền tân lập trong việc thực thi công lý dân chủ. 

Xử lý bất công bao gồm việc xác định, kê khai, tổng hợp và xử lý tư pháp đối với các cá nhân, đoàn thể, tổ chức phe nhóm đã vi bội quyền lợi quốc gia, đã bức hại công dân trong quá khứ, và việc đánh giá, giải quyết các thiệt hại về quyền lợi quốc gia, công dân. 

Nhiều cuộc Diễn biến Dân chủ gần đây trên thế giới đã nhanh chóng đưa các cá nhân lãnh đạo chế độ cũ ra tòa xét xử. Việc này thường được công chúng nhất thời hoan nghênh cao vì tạo được tâm lý là công lý được nhanh chóng thực thi. Nhưng thủ tục tố tụng gấp gáp, bên cạnh việc bất khả thi đối với những trường hợp các cá nhân có trách nhiệm trong chế độ cũ đã đào thoát và việc dẫn độ có thể gặp khó khăn, trì trệ, có khi nhiều năm, có thể dẫn đến kết luận không chính xác thì lại sinh ra phản tác dụng đối với niềm tin của công chúng về năng lực của ngành tư pháp mới và chế độ dân chủ tân lập.

Ngoài ra, việc loại bỏ một số lớn các nhân viên thừa hành trong hệ thống quốc doanh cũ cũng có thể tạo nên thử thách cho chính quyền mới vì thiếu nhân viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm chuyên môn hay kỹ năng trong công việc thường nhật.

Trên hết, là xử lý các thiệt hại đã gây ra cho quốc gia và công dân trong quá khứ.  Trong nhiều trường hợp, các khó khăn về thủ tục tố tụng trong chế độ dân chủ lại nằm ở chính tính chất chi li hơn, thận trọng hơn của dân chủ nhằm bảo đảm công lý được áp dụng bình đẳng với mọi pháp nhân, kể cả đối với các nghi can. Điều đó chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn cho chế độ dân chủ tân lập về thời gian, nghiệp vụ và công quỹ. Các khó khăn mặt khác sẽ còn nhiều và phức tạp hơn khi muốn truy tìm và thu hồi tài sản bất chính tại ngoại quốc.

Nhưng cũng không thể tuyên bố bỏ qua quá khứ để hướng đến tương lai theo kiểu tuyên truyền phiến diện. Những tồn đọng về lịch sử, tâm lý và những mất mát thiệt hại hữu hình về con người và vật chất trong quá khứ đối với toàn bộ các thành phần người dân gộp lại thường quá lớn, chưa kể một tâm lý trông ngóng công lý quá nóng bỏng của dân chúng, để chính quyền mới có thể bỏ mặc, hoặc thanh lý theo kiểu đáp ứng từng phần, nhỏ giọt.

Phần lớn các khó khăn trên sẽ phải được giải quyết bằng những quyết định trên mặt chính sách và hành chính được hỗ trợ bằng các phương tiện tố tụng tư pháp cùng với việc áp dụng các luật lệ ban hành thông qua ngành lập pháp đặt định riêng biệt cho một trương mục: thanh lý bất công.

Nói đơn giản hơn, là quốc gia thông qua các cơ quan lập pháp và hành chính sẽ đưa ra các chính sách, luật lệ về thanh lý bất công, và bộ máy tư pháp sẽ xây dựng một cơ chế đặc biệt phụ trách và công bố kết quả tác dụng của chính sách này nhằm tạo được sự an tâm trong công chúng rằng công lý sẽ được thực hiện đến kỳ cùng, trên mọi mặt nhưng cũng cần phải khẳng định việc thực hiện công lý là nhằm để ổn định xã hội, xây dựng một tinh thần công bằng chứ không phải hướng tới sự trả thù, làm thỏa mãn tâm lý cay nghiệt. Nhưng các công việc này do được tổ chức độc lập với cơ chế đặc nhiệm, sẽ không ảnh hưởng đến bộ máy công quyền và sinh hoạt quốc dân trong đời sống hàng ngày phải đương đầu với các khó khăn với những điều tiết, thay đổi trong cơ chế dân chủ mới. Đồng thời với một hệ thống báo chí tự do và quyền ngôn luận tự do được tôn trọng, mọi ý kiến, quan điểm, triệt để cũng như trung dung, cực đoan cũng như nhân từ, sẽ đều được bày tỏ trên công luận sẽ mang lại một sự tham chiếu đầy đủ các mặt cho những người làm chính sách hòng tránh được các quyết định phiến diện, thiên vị, nương tay hay quá tay đối với những tội ác cần bị trừng phạt và sẽ giúp cho xã hội nhanh chóng thoát khỏi tâm lý hận thù, ân oán hay sợ hãi, lẩn tránh để tiến tới một xã hội hòa giải, bình ổn, cùng sống hòa bình trong sự khác biệt – cái đích của dân chủ.

Vấn đề thanh lý bất công và tạo dựng sự bình ổn xã hội trong giai đoạn hậu toàn trị cũng có thể tham khảo, áp dụng nhiều kinh nghiệm, bài học từ những diễn biến thành công đi trước trên thế giới như tại Nam Phi hay sau nội chiến Hoa Kỳ.

Đối phó với các vấn đề kinh tế

Sự chính danh của chế độ cộng sản hiện nay trong thực tế chỉ còn vịn được vào những thành tựu kinh tế. Nhưng các thành tựu kinh tế được thổi phồng lên qua hệ thống báo cáo và thống kê theo kiểu tăng thành tích, giấu thất bại qua bộ máy tuyên truyền một chiều trên các phương tiện truyền thông cho đến nay đã thất bại để trơ ra trước mặt quốc dân các khung sườn kinh tế bại hoại, mục rữa, mà công khố thì rỗng, nợ nần ngoại bang tăng vọt, còn sinh hoạt người dân trong xã hội thì ngày càng sa vào cảnh khó khăn, hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội mỗi ngày thêm sâu thẳm.

Những khó khăn, tàn phá kinh tế lên đời sống kinh tế quốc dân dưới thời kỳ toàn trị độc đảng, đặc biệt là tệ nạn, bất công xã hội là một trong những tác nhân quan trọng nhất đã thúc đẩy nhu cầu thay đổi và yêu cầu Diễn biến Dân chủ. Do đó cải cách kinh tế là một vấn đề hết sức thiết yếu và luôn được chú tâm đối với quốc dân trong một chế độ tân lập sau toàn trị cộng sản.

Trong một cơ chế kinh tế thị trường tự do dưới chế độ dân chủ tân lập các thử thách trong việc tháo bỏ các thành phần thuộc bộ máy kinh tế quốc doanh cũng sẽ phát sinh. Thêm vào đó, tiến trình chuyển đổi cơ chế kinh tế cũng sẽ phát sinh ra các thử thách mới về quản lý nhân dụng, tổ chức khai thác phân phối tài nguyên và các nỗ lực để san định, tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bình cho mọi giới đầu tư trong và ngoài nước cũng sẽ sinh ra nhiều thử thách mới mẻ. Tất cả các khó khăn mới này, có thể trong thời gian đầu, chưa cho phép cải thiện thu nhập, đời sống kinh tế của người dân.

Nhưng vạch ra và công bố một cách chi tiết tất cả các khó khăn này sẽ làm gia tăng sự hiểu biết minh bạch của toàn dân để vận động tham gia, đóng góp sáng kiến giải quyết thì sẽ tránh được các thất vọng, hiểu lầm cho rằng đây là thất bại của chế độ dân chủ tân lập. 

Tuy nhiên chưa nhất thời cải thiện được tiêu chuẩn đời sống kinh tế bình quân cho toàn dân thì không có nghĩa là sẽ có nhiều người đói nghèo hơn dưới thời cộng sản toàn trị. Việc duy trì lương hưu và các chế độ đãi ngộ đối với các công chức tại vị hoặc đã hưu trí cũng không phải là một vấn đề quá khó khăn nếu hình dung rằng các nguồn lực đã từng bị nhũng lạm hàng chục ngàn tỷ đồng như hiện nay được đưa vào các quĩ hưu trí hay phúc lợi xã hội.

Kinh nghiệm tại các nước Đông Âu đã chứng minh điều này. Mặc dù, do các thiệt hại kinh tế đã gây ra, phải mất một thời gian khá lâu cho các nước này khởi sự có các chỉ dấu cải thiện đời sống kinh tế toàn dân và mức thu nhập bình quân, nhưng nhất thời các thành phần nghèo khó nhất đã ngay lập tức được cung ứng các trợ cấp nhà cửa, lương thực, dịch vụ y tế, học vấn cho con em, và giúp kiếm việc làm... 

Và cũng theo kinh nghiệm, thì chính những chính sách này đã ngay lập tức giúp giảm áp lực xã hội lên đời sống thường nhật và thay đổi tư duy của một số đông các thành phần có quan điểm bảo thủ hơn trong xã hội. Để giúp phần lớn cho việc tài trợ các chính sách công ích xã hội này thành công, các giới đồng bào hải ngoại cũng sẽ là một lực lượng đáng kể nếu không muốn nói là lực lượng quyết định, bên cạnh các chương trình ngoại viện trợ giúp xã hội thông thường.

Trên một ý nghĩa nào đó, các chính sách xã hội, cứu tế trong trường hợp các nước toàn trị cộng sản Diễn biến Dân chủ, lại mang tác động tích cực về kinh tế, và gia tăng kết nối trong xã hội, nhất là trong trường hợp Việt Nam, vốn có truyền thống “lá lành đùm lá rách” và được thoát khỏi những lo ngại bị chính quyền chụp mũ là “trợ giúp cho phản động”. Sau nữa, những chính sách khuyến khích và giúp tổ chức các hoạt động dân vụ như vậy, trong một chính thể dân chủ tân lập, cũng sẽ giúp củng cố ý chí dân chủ cho toàn dân.

Ứng phó với môi trường đối ngoại

Trong trường hợp Việt Nam, các hứng khởi tạo ra trước các Diễn biến Dân chủ tại các nước Ả rập sẽ giúp ích thực tiễn về các kinh nghiệm chiến thuật trong việc tổ chức, vận hành chuyển biến. Cũng vậy, các chuyển biến tại các lân bang trong vùng Đông Nam Á như Philippines, Indonesia cũng giúp ích cho việc có một viễn kiến trung thực hơn về các giai đoạn của một cuộc Diễn biến Dân chủ. Nhưng tựu trung, các cuộc chuyển biến chính trị tại Trung Đông mang nặng màu sắc độc tài quân phiệt và tôn giáo và các hiện tượng chuyển đổi đã xảy ra ở Đông Nam Á đều ở các quốc gia độc tài không cộng sản. Trong khi đó cuộc Diễn biến Dân chủ tại Việt Nam lại mang mầu sắc đối phó với chế độ độc tài toàn trị kiểu cộng sản, nên ở những nơi đã đề cập sẽ có rất ít ứng dụng chiến lược thực tiễn vì khác đối tượng đấu tranh. 

Trường hợp Trung Quốc, tuy có điểm tương đồng về đối tượng đấu tranh như tại Việt Nam là chế độ cộng sản tập quyền độc trị, nhưng Trung Quốc với tầm vóc và khả năng khác hẳn với Việt Nam trên quá nhiều phương diện, chưa kể Trung Quốc lại là một đối thủ chính của Việt Nam nên sự phân tích có nhiều khúc mắc, đòi hỏi một công trình nghiên cứu tìm hiểu riêng biệt. Nhưng có thể chắc chắn rằng Trung Quốc, một khi vẫn còn giữ chế độ độc tài, sẽ làm hết sức để cản trở, phá hoại Diễn biến Dân chủ ở Việt Nam. Nhưng ngược lại, nếu một khi Việt Nam chứng tỏ được sự dứt khoát hoặc khi đã dứt được khỏi chế độ toàn trị độc đảng thì lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam, kể cả trong vùng lẫn trên toàn cầu, sẽ được tiếp cận với những cơ hội vô cùng lớn để triển khai các mối quan hệ hết sức cởi mở, trung thực và hữu ích cho quốc gia và dân chúng, hoàn toàn không bị ràng buộc hay bị nghi kỵ bởi vấn đề ý thức hệ cộng sản khi quan hệ với các quốc gia khác hoặc phải quá trông chừng thái độ của Trung Quốc. Ngay kể cả các cá nhân cầm quyền nếu chứng tỏ được sự thành thật và quyết tâm đi theo lý tưởng tự do dân chủ sẽ tức khắc có được ủng hộ và yểm trợ mạnh mẽ, hiệu quả từ thế giới dân chủ và Liên Hợp Quốc. Dĩ nhiên, dân chủ hóa Việt Nam không đồng nghĩa với việc trở thành thù địch hay chống lại Trung Quốc, kể cả Trung Quốc độc tài như hiện nay. Một chính sách khôn ngoan, hòa hảo và độc lập như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí như Đài Loan với Trung Quốc là một chính sách đáng tham khảo. Khi đó dù Trung Quốc có không hài lòng thì cũng không thể thực hiện được mưu đồ phá hoại hay cản trở dân chủ tại Việt Nam. Tất nhiên một cái giá của dân chủ hóa Việt Nam phải trả cho quan hệ bang giao với Trung Quốc sẽ là những tài trợ, hỗ trợ ngầm từ Trung Quốc cho các cá nhân cầm quyền và những thân hữu của họ như hiện nay sẽ không còn nữa. Nhưng đổi lại cả quốc gia và những người cầm quyền mới sẽ không bị phụ thuộc, ràng buộc vào một chính thể hoang dã và luôn là đối thủ của dân tộc suốt hàng ngàn năm qua nữa.

Một khi đã bước chân được vào con đường dân chủ thì vấn đề đồng minh chiến lược toàn diện với những siêu cường như Mỹ hay Anh, Pháp sẽ không còn bất kỳ một cản trở nào ngoài sự chuẩn thuận của quốc hội hay trưng cầu ý dân. Sức mạnh ngoại giao của Việt Nam sẽ ở một tầm cao theo đúng năng lực và yêu cầu của dân tộc mà không còn phụ thuộc vào ý chí hẹp hòi, tư lợi của một cá nhân hay một đảng chính trị như đã và đang thấy nữa.

Một trong những điều cần quan tâm nữa là trong suốt quá trình diễn biến, khởi đầu từ trong giai đoạn chuẩn bị đấu tranh, các giới lãnh đạo phong trào dân chủ cần nhất thiết giữ mối liên hệ và các kênh thông tin với tất cả các quốc gia có quan hệ chiến lược trong vùng với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Quảng bá các bước đi chiến lược, các lộ đồ, và các dự án kiến tạo dân chủ với họ sẽ giúp tạo ra một khối đồng minh, sẽ thu nhận được những hỗ trợ, khuông viện trên mọi mặt. 

Ngoài ra, về phương kinh tế, với nguồn thông tin minh bạch và trực tiếp từ phong trào dân chủ, giới đầu tư ngoại quốc sẽ yên tâm về một viễn cảnh là một khi Diễn biến Dân chủ thành công, quyền lợi sẵn có của họ tại Việt Nam sẽ được bảo đảm, tương lai kinh doanh của họ sẽ đạt được nhiều cơ hội phát triển trong sự ổn định của một cơ chế thị trường tự do, trên một sân chơi có tính bình đẳng, công bằng vượt trội so với thời toàn trị cộng sản.

Tạm kết

Đối với người dân thường thì việc trình bày tất cả dự kế đấu tranh sẽ giúp người dân hiểu rõ mục tiêu của phong trào dân chủ là một công cuộc đóng góp của mọi người dân trong xã hội chứ không phải của riêng ai, và công cuộc đấu tranh tiếp theo đó để cứu nước và kiến thiết, canh tân xứ sở, xây dựng đời sống thực sự tự do, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam cũng đều là trách nhiệm và vinh dự của tất cả mọi người.

Đối với các cá nhân hay đoàn thể, tổ chức tự nhiệm vai trò lãnh đạo phong trào, đề nghi, một kế sách minh bạch như trên là kế sách khiêm tốn để tất cả các cá nhân, tổ chức lãnh đạo phong trào có cơ hội thấy rõ tầm vóc qui mô sừng sững thách thức của cuộc Diễn biến Dân chủ so với vai trò, năng lực khiêm tốn của mình trước đại sự quốc gia để cùng nhau gắng góp sức trong giới hạn khả năng của bản thân. Không một cá nhân hay đoàn thể cá biệt nào có thể đủ khả năng tự nhiệm toàn bộ công việc và trọng trách quốc gia. Và vì có kế sách công khai nên những phương cách lèo lái đại cuộc vì những mục đích tư ích đều sẽ sớm bị phát hiện và ngăn chặn bởi toàn dân, cho nên cách tốt nhất là tất cả cần phải hướng tới sự hợp tác chân thành vì công ích.

Đối với quốc tế, sự minh bạch của phong trào dân chủ sẽ giúp các quốc gia khác có những đáp ứng thích ứng. Mặc dù Diễn biến Dân chủ là một chuyển biến ý chí tự quyết, độc lập của người dân trong nước, các quốc gia khác trên thế giới, về mặt đối ngoại có thể dự kiến các phương thức hợp tác hữu hiệu, và các chiến thuật yểm trợ đối ngoại nếu cần.

Sau cùng, đối với những cá nhân thuộc bộ máy cai trị của Đảng và Nhà nước Cộng Sản Việt Nam thì các phân tích, đề nghị đưa ra ở đây sẽ chí ít giúp họ khẳng định thêm một nhận thức quan trọng:  Công cuộc Diễn biến Dân chủ để cứu đất nước ra khỏi hoàn cảnh sinh hoạt xã hội tụt hậu mọi mặt cực kỳ ngặt nghèo và các nguy cơ bị diệt vong rất cận kề nhất thiết phải tiến hành, dù bằng mô thức nào, dù nhanh hay chậm, nhất thiết phải thành công. Do vậy, mọi sự bất hợp tác hay chống đối, vi bội công trình kiến thiết chính thể dân chủ đa nguyên cho nước nhà sẽ không có giá trị ngăn chặn hay dẹp bỏ được trào lưu thời đại và ý chí người dân, mà chỉ có giá trị duy nhất là tự thân bước vào chỗ tiêu vong. Ngược lại, nếu họ hợp tác thì mỗi cá nhân họ tự ban cho bản thân một cơ hội để đóng góp, hội nhập vào xã hội theo chính thể dân chủ.

Như đã thưa, bài viết này hẳn nhiên không có tham vọng đề ra một kế hoạch, một dự kế cho phong trào dân chủ tại Việt Nam, bài viết này chỉ là những gợi ý, góp nhặt qua kinh nghiệm quan sát các phong trào và các Diễn biến Dân chủ trong thời gian gần đây trên thế giới.

Mục tiêu chính của bài viết này chỉ là một gợi ý để tham khảo và thảo luận.  Những thảo luận và những gì nối tiếp sau những cuộc thảo luận như thế để đưa đến những kết luận to lớn và đích xác hơn trong tương lai mới đích thực là quan trọng.○

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Một Đốm Sáng Của Văn Học Nghệ Thuật

Năm 1956, khi phản bác lại quan điểm cho rằng sáng tác của văn nghệ sỹ phải tuyệt đối đi theo sự lãnh đạo và định hướng của Đảng Cộng sản (lúc đó có tên là Đảng Lao động), nhà nghiên cứu Trương Tửu viết: Văn nghệ sĩ yêu Đảng, nhưng họ còn yêu sự thực hơn Đảng. Vận mạng của văn nghệ dài hơn vận mạng của Đảng, dài hơn cả vận mạng của chế độ.[1] Tư tưởng đó của Trương Tửu cũng có thể diễn giải như thế này: văn nghệ sỹ có thể vẫn yêu Đảng nhưng tình yêu đó phải luôn ở dưới tình yêu sự thực và nếu văn nghệ sỹ gắn vận mệnh của mình vào Đảng thì vận mệnh nghệ thuật của văn nghệ sỹ cùng lắm cũng chỉ dài bằng vận mệnh của Đảng, của chế độ thôi. Nhưng đúng nửa thế kỷ sau, năm 2006, trước khi từ giã cõi đời hai năm, nhà văn Nguyễn Khải – người được giải thưởng Hồ Chí Minh - đã để lại một lời trăng trối: “Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân.[2]

Nhìn vào bức tranh văn học, nghệ thuật hiện nay chúng ta không thể không thấy vẫn một màu chủ đạo xám buồn như Nguyễn Khải đã thú nhận. Tuy nhiên, trong không gian xám xịt đó đã có những đốm sáng. Năm bài thơ và một truyện ngắn sau đây của cùng một tác giả (Thái Bá Tânlà một trong những đốm sáng đó. Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu:


TỰ NGẪM

Suốt một đời cặm cụi
Dịch thơ rồi viết thơ,
Toàn những lời hoa mỹ,
Toàn những điều ỡm ờ.

Cứ tưởng dân cần lắm
Cái thơ ấy của mình,
Đầy hoa thơm, cỏ biếc,
Cùng trời sao lung linh.

Thơ thì như đánh đố,
Ý ít mà lời nhiều,
Quanh đi rồi quẩn lại,
Hết buồn lại đến yêu.

May cuối đời chợt tỉnh,
Mới hiểu rằng thơ ca
Ăn nhau ở cái ý
Và cái giọng thật thà.

Và rằng hoa với lá
Và trời sao cũng cần,
Nhưng cái cần hơn cả
Là đi vào lòng dân.

Mà dân thì đang khổ,
Nước thọ địch bốn bề,
Vậy hãy gác hoa lá
Để nói cho dân nghe,

Nói một cách giản dị,
Nói hộ dân, nôm na,
Những gì dân đang nghĩ
Về mình, về nước nhà.

Văn thơ là phải nói
Về thế thái nhân tình,
Vì văn dĩ tải đạo,
Chứ không phải tải mình.

Chẳng sao, nếu đồng nghiệp
Trách thế nọ, thế này.
Tôi là tôi quyết định
Viết thơ nói từ nay.

Nhiều khi tôi cứ nghĩ,
Làm cái anh nhà thơ,
Sẽ là không tử tế
Nếu cứ mãi ỡm ờ.

Mời các vị cứ viết
Về hoa lá, mùa xuân.
Nếu thơ có phe cánh,
Tôi thuộc phe nhân dân.

(23/7/2012)


NÓI VỚI CHÁU RỂ

1
Mày rót bác cốc nước,
Rồi bác nói điều này.
Năm ngoái bác phản đối,
Không cho cháu lấy mày.

Vì sao ư? Đơn giản
Vì mày là công an.
May, giờ bác vẫn thấy
Mày ngoan, hoặc còn ngoan.

Công bằng ra mà nói,
Công an cũng chẳng sao.
Hơn thế, còn cần thiết,
Nhưng chẳng hiểu thế nào

Giờ lắm đứa tệ quá,
Đạp vào mặt người ta,
Còn giở các trò bẩn,
Đánh đập cả đàn bà.

Giả sử, mai “dự án”
Nó cướp đất nhà mày,
Mày có để lặp lại
Vụ Văn Giang gần đây?

Vợ mày đang có chửa.
Bác mừng cho chúng mày.
Nếu có đứa đạp nó,
Mày sẽ nghĩ sao đây?

Lại nữa, bác bị bắt,
Mày cứ nói thật lòng,
Người ta bảo mày bắn,
Mày có bắn bác không?

Mà bác thì mày biết,
Như mấy lão nông dân,
Làm sao mà “thù địch”,
Mà “phản động”, vân vân.

Nói thật cho mày biết,
Bác yêu đất nước này,
Người Văn Giang cũng vậy,
Hơn gấp vạn chúng mày.

Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?

Bác là người ngoài đảng.
Mày vào đảng, không sao,
Miễn là mày thực sự
Vì quốc dân, đồng bào.

Mày thừa biết chúng nó,
Cái bọn “vì nhân dân”
Đang ăn cướp trắng trợn,
Pháp luật chúng đếch cần.

Sống ở đời, cháu ạ,
Có nghề mới có ăn.
Làm công an cũng được,
Nhưng phải nhớ vì dân.

Mà dân là bố mẹ,
Là bác, là vợ mày.
Chứ mày nghe bọn xấu
Làm ngược lại là gay,

Là có tội, cháu ạ.
Chưa nói chuyện ở đời
Có cái luật nhân quả,
Tức là luật của trời.

Nhân tiện đây bác kể,
Chỗ bác cháu thân tình,
Một câu chuyện của Phật,
Cháu nghe mà ngẫm mình.

2
Có nhân thì có quả.
Đó là luật của Trời.
Cũng là luật của Phật,
Ứng nghiệm với mọi người

Một lần, khi giảng pháp,
Với tôn giả, sư thầy,
Phật Thích Ca đã kể
Một câu chuyện thế này.

Có một con bò nọ,
Nhân khi vắng người chăn,
Đã xuống ăn ruộng lúa
Của một người nông dân.

Ông này rất độc ác,
Tức giận, mắng con bò:
“Tao vất vả, nhịn đói,
Mà mày thì ăn no.

Mày phải trả giá đắt.
Tao sẽ cắt lưỡi mày,
Để mày phải ghi nhớ
Không ăn lúa từ nay.”

Nói đoạn, ông cắt lưỡi
Con bò này đáng thương.
Nó không hiểu, nghĩ lúa
Là loại cỏ bình thường.

Còn ông nông dân ấy
Sau sinh ba người con,
Tất cả đều khỏe mạnh,
Cả thể xác, tâm hồn.

Có điều cả ba đứa
Không ai hiểu vì sao
Câm, suốt ngày lặng lẽ,
Không nói được tiếng nào.

Các thầy thuốc bất lực.
Ông bố thì buồn lo.
Và rồi ông chợt nhớ
Chuyện xưa cắt lưỡi bò.

Giờ hối thì đã muộn.
Ở lành thì gặp hiền.
Sống ác thì gặp ác.
Mọi cái có nhân duyên.

“Đời là thế, - Phật nói. -
Xưa nay chưa có người
Thoát được luật nhân quả.
Bởi đó là Luật Đời.”

(8/7/2012)

TRƯỜNG SA, KHÔNG NGỦ

Đêm nay trời trở gió.
Cái cổ sái lại đau.
Đau không dám bảo vợ,
Sợ trách ngồi máy lâu.

Bên ngoài mưa nhẹ hạt.
Một đêm nữa sắp qua.
Thêm một đêm khó ngủ -
Lần này vì Trường Sa.

Chúng đã cho tàu đến,
Cái thằng này không vừa.
Không khéo rồi có sự.
Ta đã sẵn sàng chưa?

Ừ, sẵn sàng chưa nhỉ?
Mấy ông mình lơ ngơ.
Rất có thể chúng nó
Lại đánh úp bất ngờ.

Đánh úp… Nếu đánh úp,
Quân mình sẽ ra sao?
Mấy đứa giữa trời biển,
Biết chống đỡ thế nào?

Chúng sẽ chống, hẳn thế.
Nhưng chúng sẽ hy sinh.
Có lẽ hy sinh hết.
Thoạt nghĩ mà giật mình.

Và thế là chúng chết.
Con cháu của chúng ta,
Chết do ta hữu hảo,
Mất cảnh giác, lơ là.

Ở đất liền sau đó
Mấy ai dám ngẩng đầu,
Mấy ai không xấu hổ
Nhìn thẳng vào mắt nhau?

Những người con ưu tú,
Trẻ trung và yêu đời,
Không lẽ chúng phải chết,
Vì chúng ta bỏ rơi?

Và rồi sau, không lẽ,
Hai nước lại bang giao,
Coi như quên chuyện cũ,
Như cuộc chiến năm nào,

Rồi tên tuổi của chúng,
Con cháu của chúng ta,
Sẽ rơi vào quên lãng,
Không có cả vòng hoa?

Mưa vẫn mưa nhẹ hạt.
Sóng biển vang trong đầu.
Giờ không chỉ cổ sái,
Mà thêm trái tim đau.

(25/7/2012)

HUỲNH THỤC VY

Cháu - cô gái xinh đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong.
Nhìn cháu mà cứ nghĩ
Cái đẹp của non sông.

Chúng, chính quyền, thật xấu.
Vừa ác vừa bất minh,
Đến mức không muốn nghĩ
Đó là chính quyền mình.

Cháu như người phụ nữ
Trong tranh Delacroix,
Guidant le peuple
Mà peuple - là chúng ta.

Cháu chỉ muốn công lý,
Dân chủ và tự do.
Tự do cho cả chúng,
Mà chúng, bọn côn đồ

Lại luôn truy bức cháu,
Dùng cả cách đê hèn.
Ngẫm mà thấy phẫn nộ,
Thấy nhục cho chính quyền.

Thục Vy, bền gan nhé.
Chúc chân cứng đá mềm.
Cháu như ngọn đuốc sáng
Đang dẫn đường trong đêm.

Nói thật, bác nhìn cháu
Vừa thán phục, tự hào,
Vừa pha chút xấu hổ.
Cháu hiểu rõ vì sao.

Xin lỗi, thế hệ bác
Dựng nên chế độ này
Để bây giờ cháu khổ,
Để dân tình đắng cay.

Cái hồi bác đi Mỹ,
Thăm tượng Liberty,
Đặt hoa dưới chân tượng,
Bác chưa biết Thục Vy.

Giờ xin phép âu yếm
Đặt hoa dưới chân mày.
Mày vấp ngã, còn sức,
Nhất định bác chìa tay.

(8/7/2012)


Những người khốn khổ


Hắn là đội viên đội cảnh vệ một cơ quan trung ương, chính xác hơn là đội cảnh vệ riêng của thủ trưởng cơ quan ấy, một nhân vật quan trọng và nổi tiếng, đến mức được treo ảnh trên đường phố vào những dịp đại lễ. Hắn là lính mới nhưng rất được tin cậy, vì đích thân ông đội trưởng quân hàm trung tá vào tận quê tuyển mộ. Riêng việc này đủ bảo đảm cho hắn một chỗ đứng vững vàng trong ngành và một tương lai chắc cũng vững vàng không kém.

Tất nhiên quê hắn phải là Nghệ An, ở một huyện cách mạng, xã cách mạng, làng cách mạng, và gia đình hắn không chỉ cách mạng nòi, mà còn nhất thiết phải là cố nông, tức là bậc thấp nhất trong thứ bậc tài sản ở nông thôn Việt Nam vốn đã rất nghèo thời đó. Bản thân hắn cũng không chê vào đâu được - khỏe mạnh, 22 tuổi, lạnh lùng, lầm lì ít nói, khuôn mặt vô cảm kín bưng, không nghiện bất kỳ cái gì, đến trà và bia cũng không mà chỉ uống nước sôi để nguội, ấy là nói sau này, chứ lúc ở nhà hắn uống nước lã, có khi nước ruộng. Ông trung tá đội trưởng bỏ hẳn một ngày dò hỏi trong làng về thời trẻ của hắn, thấy nói hắn không biết sợ là gì, thích đánh nhau và thường đánh thắng. Sau này ông phát hiện thêm hắn có kỷ luật thép, luôn tuân lệnh cấp trên mà không hỏi một câu nào thừa, không cử chỉ nào thừa. Tóm lại, hắn là một cái máy, một rô-bốt hoàn hảo chỉ cần có người điều khiển. Duy nhất một điều ông chưa thật vừa ý, là hắn không mù chữ mà lại học hết lớp bảy. Hơn thế lại học không đến nỗi. Nhưng không sao, ông chép miệng, con người ta hiếm ai trọn vẹn mọi bề. Vả lại cái khiếm khuyết ấy có thể khắc phục được cùng với thời gian.

Một hôm, hắn được gọi vào phòng đội trưởng. Chỉ một mình ông với hắn.

“Đội có nhiệm vụ này giao cho đồng chí...” ông kia vào đề luôn.

Hắn biết có chuyện quan trọng. Bình thường ông vẫn cậu tớ thân mật với hắn. Cả vẻ mặt nghiêm khắc thái quá của ông cũng khẳng định thêm điều đó.

“Tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào đồng chí và tổ chức giao” Hắn ưỡn người đáp, cũng là một ngoại lệ, vì xưa nay ít khi hắn phải nói cái câu nghi thức khô khan ấy.

“Tốt. Mời đồng chí ngồi xuống”.

Ông đội trưởng chỉ chiếc ghế cho hắn, rồi chậm chạp và rõ ràng, ông nói rõ cái nhiệm vụ đặc biệt hắn sẽ làm lần này. Hắn không cắt ngang lần nào, cũng chẳng hỏi gì. Chỉ lặng thinh nghe và trả lời các câu hỏi về xử thế khi giả định có khâu nào đó không diễn ra suôn sẻ như kế hoạch.

Hắn trả lời tốt. Ông đội trưởng hài lòng, thể hiện sự hài lòng ấy bằng cách vỗ nhẹ vào vai hắn:

“Thôi, cậu đi được rồi”.

Hắn được giao giết một người. Theo ảnh thì đó là một cô gái trẻ và khá xinh. Hắn không hỏi, mà rồi cũng chẳng được phép hỏi người hắn sắp giết là ai và vì sao bị giết. Hắn biết cư xử như tên giết thuê chuyên nghiệp, nhưng không vì tiền mà vì lý tưởng, vì an ninh quốc gia và vì sự bình yên của Thủ Trưởng.

Hắn đã học một năm ở trường đặc biệt của Bộ, nơi hắn được dạy những gì một người như hắn cần biết. Sau đó là hai năm công tác - cũng chẳng có gì phức tạp và hắn luôn làm tốt. Nhưng giết người thì đây là lần đầu. Tuy vậy, hắn chẳng vì thế mà run tay hoặc suy nghĩ nhiều. Cái chất máy có sẵn trong người đã được củng cố thêm, nâng tới mức hoàn hảo trong ba năm qua. Và bây giờ hắn, cái con người - rô-bốt ấy đang sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu, chắc phải là một tên gián điệp hoặc một đối tượng nào đó rất nguy hiểm cho nhân dân và đất nước. Một khi Trên đã quyết định thủ tiêu ai thì nhất định người đó phải có tội, không thừa hơi băn khoăn thắc mắc. Thậm chí hắn háo hức làm việc này vì muốn chứng tỏ cho đội trưởng và Trên biết hắn là người thế nào. Ông đội trưởng có thể giao nó cho nhiều người khác trong đội giỏi và kinh nghiệm hơn, nhưng ông đã giao cho hắn. Chắc cũng vì mục đích thử thách ấy.

Năm giờ chiều, hắn lái chiếc xe com-măng-ca bịt kín đến chỗ qui định và bình thản chờ. Mười lăm phút sau đối tượng xuất hiện, từ cái chợ cóc ở phố Hàng Gỗ đi ra, tay xách chiếc làn xanh căng phồng. Hắn giở ảnh kiểm tra lần nữa rồi cho xe từ từ lại gần. Đến nơi, hắn mở cửa nhảy xuống, lịch sự nói: “Chị lên đây tôi chở giùm”. Trong khi người kia ngơ ngác không hiểu chuyện gì xẩy ra thì hắn đã nhanh nhẹn kéo lên xe, đóng sập cửa rồi rồ máy phóng đi. Đúng như kế hoạch. Hắn thủ sẵn chiếc khăn nhỏ định nếu đối tượng làm ầm lên thì nhét vào mồm, nhưng cô kia ngồi im, chắc do sợ quá, nên hắn chẳng phải làm cái việc thô lỗ ấy.

Theo kế hoạch thì hắn sẽ đưa cô ta đi về hướng Chèm, càng xa xa thành phố càng tốt, rồi giết. “Bóp cổ chứ đừng bắn, và vứt xác xuống sông Hồng”. “Nếu thích thì có thể hiếp trước khi giết,” ông đội trưởng bảo thế càng tăng bằng chứng đây thuần túy là vụ án hình sự. “Rồi người ta sẽ tìm ra kẻ phạm tội”.

Cô gái quả xinh thật, dù trời sắp tối nhưng hắn vẫn nhận ra điều ấy. Cô trạc hai mươi lăm tuổi, nét mặt thanh tú kiểu trẻ con, và rất trắng. Có thể đó là màu trắng bệch do quá sợ hãi. Xe đã qua Yên Phụ và đang đi ngược theo bờ đê về phía bắc. Cô gái ngồi im, có vẻ bình tĩnh hơn, và điều này làm hắn thấy lạ. Chiếc làn đổ ngang dưới ghế, mấy quả chanh lăn ra ngoài. Hai tay cô đặt lên chiếc bụng lùm lùm. Sao cô ta không kêu lên nhỉ? Không đập phá đòi thoát ra ngoài? Thậm chí không thèm hỏi đang bị đưa đi đâu. Hắn tự hỏi nhưng không tìm được câu trả lời.

Xe vẫn chạy đều, tuy không còn nhanh như trước. Trời chập tối. Cô gái vẫn bướng bỉnh im lặng. Từ ngạc nhiên, hắn chuyển sang bực mình. Đây là điều không nằm trong kế hoạch và chưa được dự tính trước nên hắn thấy lúng túng không biết nên làm gì.

“Này, con phản động kia, sao mày ngồi đực ra thế?” Hắn quát hỏi một câu ngu ngốc, chính hắn cũng nhận ra sự ngu ngốc ấy. “Mày không biết đang bị đem đi giết à?”

“Biết”, cô gái đáp, lạnh lùng và khinh bỉ.

Hắn càng lúng túng hơn, và vì không tìm được gì nữa để nói nên từ đó ngồi im.

Quá Chèm chừng năm cây số thì hắn cho xe rẽ xuống bờ sông và dừng lại sau mấy bụi tre um tùm đủ che lấp hành động tội lỗi hắn sắp làm. Trời tháng Tám đầy sao. Nước sông vỗ vào bờ ì oạp. Xung quanh vắng lặng không người, chỉ xa xa phía nam hầng lên vừng sáng nhạt những ngọn đèn thành phố.

“Xuống!”

Hắn ra lệnh, rút ở lưng ra khẩu súng lục rồi lách tách lên cò. Đó là hắn dọa chứ không có ý định dùng súng. Hắn sẽ bóp cổ rồi vứt xác xuống sông, như ông đội trưởng dặn, lại đỡ gây tiếng ồn không cần thiết. Tuy nhiên hắn sẽ không hiếp cô theo gợi ý của ông, vì suy cho cùng hắn là cán bộ, là chiến sĩ bảo vệ an ninh đất nước sống có lý tưởng chứ không phải một tên tội phạm hạ đẳng. Lúc nào hắn cũng nghĩ việc mình làm là đúng và đang phụng sự một sứ mạng cao cả. Phương tiện không quan trọng, cái chính là mục đích, người ta dạy hắn thế. Mà mục đích của những người như hắn là tiêu diệt bọn phản động, kẻ thù của giai cấp. Hắn là người thừa hành giai đoạn chót. Các giai đoạn trước đó thuộc người khác. Bao giờ cũng vậy, khi thừa hành nhiệm vụ, chất máy trong hắn luôn lấn át chất người, và bây giờ cái cỗ máy ấy đã sẵn sàng. Vậy sao hắn phải vờ lên cò súng dọa một đối thủ yếu ớt không muốn và không biết tự vệ? Thực ra hắn cũng chẳng hiểu vì sao hắn làm thế. Dọa cho vui? Hoặc trả thù vì lúc nãy làm hắn lúng túng bằng cách ngồi im không kêu la, van xin?

“Xuống. Xuống ngay, con phản động kia!” Hắn cao giọng quát khi thấy cô gái vẫn ngồi bất động trong ca-bin. Lại lần nữa hắn lên cò lách tách. “Tao không muốn bắn mày trên xe để mất công cọ rửa. Xuống”.

Cô gái không đáp. Hắn tò mò, thận trọng lại gần.

“Có chuyện gì thế? Định giở trò hả?”

Trong ánh trăng nhờ nhờ, hắn thấy cô kia đang mím môi ôm bụng vật vã, mặt méo xệch lấp lánh mồ hôi.

“Thôi đi, không lừa được ai đâu”. Giọng hắn có vẻ bớt gay gắt. “Kéo dài thêm mấy phút chẳng ích gì”.

“Anh chờ cho một lát, cuối cùng cô gái hổn hển đáp. Tôi đau quá. Nhưng chắc sắp qua rồi...”

“Đau gì?”

Cô gái chỉ vào bụng mình. Mãi đến bây giờ hắn mới phát hiện thấy cô đang có chửa, mà có lẽ đã già tháng. “Rách việc”, hắn lầu bầu, vừa bực mình vừa lúng túng không biết làm gì. Đây là tình huống không hề lường trước và rất tế nhị.

Hắn ngồi phịch xuống vệ cỏ, và vì không biết hút thuốc nên thừa tay chân, nhặt một viên đá ném xuống sông, nơi sóng vẫn vỗ ì oạp vào bờ. Mặt nước ban ngày đỏ ngầu bây giờ đang lung linh nghìn đốm sáng nhỏ.

Hình như có cái gì đấy khác thường xuất hiện trong hắn. Nhỏ thôi, yếu ớt thôi nhưng rõ ràng đã xuất hiện. Dấu hiệu về một trục trặc nào đó trong cỗ máy.

“Thì chờ”, hắn nghĩ bụng, đưa mắt nhìn khoảng trống bao la trước mặt.

Trời tối chẳng thấy gì, ngoài hình ảnh cô gái hắn sắp giết đang đau quằn quại. Đau đẻ. Thế thì thật phiền cho hắn. Sao lại chọn đúng lúc này để đau, để đẻ? Hắn nghĩ phải ra tay bóp cổ một người trong hoàn cảnh thế này thì chẳng đẹp đẽ chút nào.

Bỗng hắn nhớ đến mẹ hắn. Mấy năm qua ít khi hắn nhớ bà hoặc bất kỳ người nào ở quê. Mẹ hắn đã chết trước mắt hắn, cũng trong một cơn đau đẻ quằn quại kéo dài. Chết cùng đứa con chưa kịp ra đời. Lúc ấy hắn chỉ biết khóc chứ chẳng thể làm gì giúp mẹ. Từ đó hắn đâm sợ những người đàn bà chửa, sợ những cơn đau đẻ. Bây giờ lại cô này nữa, người hắn có nhiệm vụ bóp cổ cho chết rồi vứt xác xuống sông. Hắn rùng mình, thấy mệt rã rời, yếu ớt và thậm chí buồn. Sao trong đau đẻ phụ nữ giống nhau thế?

Hắn đứng dậy, rùng mình lắc lắc đầu như muốn xua đuổi giây phút ủy mị vốn rất xa lạ với những người làm nghề hắn. Rồi hắn uể oải bước lại gần chiếc xe.

Trăng đã lên cao, trông sần sùi và nhợt nhạt như đĩa trứng rán gà công nghiệp chỉ toàn lòng trắng. Cô gái đang tựa người vào thành ghế, mắt nhắm, mặt còn tái nhợt tuy thở đều. Hình như cơn đau đã qua. 

Hắn lên xe, ngồi xuống cạnh sau vô lăng.

“Hết đau rồi chứ?” Hắn muốn quát lên như lúc nãy nhưng chỉ nói được thế, thậm chí muốn dùng chữ “cô”.

Cô gái khẽ gật đầu.

“Bây giờ anh muốn làm gì tôi thì làm. Bắn đi”.

“Tôi sẽ bắn. Nhưng không vội. Sao cô vội chết thế?”

“Vì tôi không thiết sống nữa. Sống thế này thì thà chết còn hơn”.

“Thế nào là thế này?”

“Đi mà hỏi người sai anh giết tôi ấy. Hắn đã dọa nhiều lần và lần này thì tôi biết hắn làm thật”.

“Hắn là ai?”

Cô gái lặng lẽ cúi nhìn xuống bụng.

“Không cần hỏi nhiều. Bắn thì bắn đi, nhưng bắn vào đầu ấy. Đừng bắn vào bụng. Đứa bé không có tội gì. Đau nó. Chỉ bố nó mới là thằng khốn nạn”.

“Ý cô muốn nói cô không là gián điệp nước ngoài hay phần tử phản động nguy hiểm?” Hắn hỏi một câu ngốc nghếch với giọng cũng ngốc nghếch không kém.

Cô gái không trả lời câu hỏi ngốc nghếch ấy, nhưng lát sau, một cách miễn cưỡng và vì bị hỏi dồn, cô kể hắn nghe cô là ai và vì sao bị người ta muốn giết.

Một lần đi săn ở mạn ngược, Thủ Trưởng hắn, con người quan trọng, nổi tiếng và có ảnh treo trong những dịp đại lễ ấy, gặp cô đang lúc làm rẫy, thấy xinh bèn bắt cô về Hà Nội. Hai tên mặc thường phục có súng làm điều đó. Chúng ngồi hai bên, ép chặt cô ở giữa suốt dọc đường đi. Mấy lần chúng suýt đánh khi cô định lêu cứu. Nhưng thằng Thủ Trưởng thì đối xử khá lịch sự. Hắn đưa cô đến môt căn phòng nhỏ, chu cấp đầy đủ và chẳng bắt làm gì ngoài mỗi tuần cô phải tiếp hắn trên giường ba lần vào các tối thứ Ba, thứ Sáu và Chủ nhật. Thậm chí có lần hắn nói có thể cưới cô làm vợ nếu cô ngoan ngoãn chiều hắn và nhất là không để lộ ai biết chuyện này. Thời kỳ đầu bị nhốt, nhưng sau mấy tháng cô được tự do ra khỏi nhà để đi chợ và nấu nướng cho mình. Khi thấy cô có chửa, hắn bắt đi nạo nhưng cô không chịu. Từ đấy hắn trở nên cáu giận và thô lỗ, mấy lần thẳng tay đánh cô, dọa sẽ giết nếu tiếp tục bướng bỉnh. Tuần vừa rồi thì ngày nào hắn cũng đến, đánh và dọa giết. Cô xin được về quê, thề không cho ai biết điều gì, nhưng hắn không chịu. Vậy là cô quyết định nhất thiết phải giữ đứa con này, vì cô rất yêu và muốn có nó, không thì chết cả hai. Cô biết sớm muộn hắn sẽ cho người đến đưa cô đi thủ tiêu. Và hôm nay chuyện ấy đã xẩy ra…

“Chuyện chỉ có thế, bây giờ anh bắn tôi được rồi đấy”, cô gái nói, tay vuốt vuốt bụng. “Chỉ xin bắn vào đầu”.

Hồi lâu hắn ngồi im không đáp. Hắn đang bối rối. Trước đấy thì bàng hoàng sửng sốt, thậm chí công phẫn. Dẫu sao thì hắn cũng là lính mới, và dù biết trong đời chuyện gì cũng có thể xẩy ra, nhưng những gì hắn được nghe về Thủ Trưởng mình thì thật quả hắn không ngờ, không tin nổi. Không được tiếp xúc nhiều nhưng hắn thực lòng kính trọng Thủ Trưởng, một lãnh tụ, một người đáng kính về mọi mặt mà nếu cần hắn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ, không chỉ vì hắn được trả lương để làm điều ấy, mà vì cả sự kính trọng của hắn với ông. Hắn hiểu vì sao Thủ Trưởng sợ câu chuyện này vỡ lỡ - sắp tới có cuộc hội nghị quan trọng bàn về nhân sự. Uy tín của Thủ Trưởng có thể bị phương hại, mà nhiệm vụ của hắn là bảo vệ uy tín cho ông. Nhưng liệu hắn có nỡ giết người con gái khốn khổ này không, nếu không thì chuyện gì sẽ xẩy ra với cô và với cả chính hắn? Hắn đã bị đẩy vào một tình huống nguy hiểm và khó xử. Bất giác hắn thấy mình chẳng hơn gì cô gái khốn khổ đang ngồi bên. Hắn cũng là một thằng khốn khổ.

Hắn nhìn sang bên, thầm nghĩ nếu mẹ hắn không chết, có thể hắn cũng có một người em gái thế này. Cơn hấp hối đau đẻ vật vã của mẹ hắn lại hiện lên trong đầu. Hai mắt rưng rưng, hắn để mặc trí nhớ đưa hắn trở lại những ngày xa xưa ấy. Những ngày chăn trâu đói ăn phải moi trộm khoai hàng xóm. Những trò trẻ con láo lếu. Những cuốn sách hắn đã đọc – thời nhỏ hắn rất ham đọc sách và đọc khá nhiều nhờ mượn được của một ông giáo già trong làng - trong đó có những cuốn làm hắn cảm động đến phát khóc. Cuốn “Không gia đình” hay cuốn “Những người khốn khổ” chẳng hạn...

Hắn ngồi im, lặng người suy nghĩ rất lâu, rồi đột ngột với cả chính mình, hắn rồ máy phóng xe đi. Lúc này đã khuya. Mặt trăng sáng và tròn hơn nhưng không hiểu sao có màu vàng vàng.

Ông trung tá - đội trưởng đội cảnh vệ đã phạm một sai lầm lớn khi tuyển dụng hắn. Ông đã bỏ sót không biết một chi tiết, nhỏ thôi nhưng rất quan trọng trong việc chọn người cho cái nghề của ông, là hắn từng đọc sách, hơn thế đọc cả những cuốn có thể làm người ta xúc động và hướng thiện.


*

Câu chuyện này tôi nghe được trong một quán ăn Việt Nam ở quận 13, Paris. Chính ông chủ quán kể. Ông sang Pháp mới mấy năm nay, trước có vấn đề với chính quyền, thậm chí phải đi tù một thời gian vì lý do chính trị. Vì cùng giới nên trước đây chúng tôi có biết nhau, sơ sơ thôi chứ không thân, vì tôi viết văn mà ông thì dịch và làm điện ảnh, lại nhiều tuổi hơn. Tôi không biết ông có dụng ý gì không khi kể tôi nghe câu chuyện trên, cũng như mức độ xác thực của nó.

Phải thừa nhận đây là một chuyện cảm động, hơi chút ít ly kỳ, thậm chí có thể dựa vào đó để viết thành cuốn tiểu thuyết chững chạc. Dạo này tôi lười, ngại không muốn tập trung viết dài hơi nên cuối cùng quyết định gói gọn trong một truyện ngắn. Mà cũng chỉ mới phần mở đầu. Phần sau nhiều sự kiện hơn, và không kém phần bi kịch.

Đại khái ông kể thế này:

Bị tác động mạnh bởi cuốn “Những người khốn khổ” của Victo Huygô đọc nhiều năm về trước, đột nhiên hắn có một quyết định táo bạo, là đưa cô gái trở lại quê cô, sau đó muốn ra sao thì ra, hắn có bị sa thải, bị kỷ luật hay bị giết cũng không sao. Khi biết chuyện, cô kia phản đối, vì chắc người của Thủ Trưởng sẽ tìm đến và có thể còn giết cả nhà cô để bịt mối. Hắn thấy có lý. Cuối cùng, hai người quyết định cùng bỏ trốn, thay đổi tên họ và sống đâu đó thật xa. Đến một huyện miền núi Lai Châu, hắn lăn xe xuống vực rồi hai người dìu nhau vượt núi vào một bản người Mèo hẻo lánh. Họ làm thuê cho một ông già sống tách biệt trong rừng, chăm sóc nửa quả đồi trồng cây thuốc phiện, không tiền công, không đòi hỏi gì ngoài việc giữ kín tung tích họ. Cô gái sinh con ở đây, con trai. Được hai năm thì xem chừng bị lộ, cả ba vượt rừng trốn qua Lào, giữa đường bị một toán phỉ bắt rồi nhập bọn với chúng. Vì giỏi bắn súng và dũng cảm, chẳng bao lâu hắn trở thành một trong những tay trùm của toán phỉ ấy. Được mấy năm thì hắn quay lại Việt Nam, sau khi bắn chết một tên có ý sàm sỡ với vợ hắn. Lúc này họ đã thành người Mèo thực sự, ăn nói, sinh hoạt y hệt người Mèo, họ tên cũng thay đổi giống họ.

Cả nhà hắn yên ổn sống trong một bản hẻo lánh sát biên giới suốt mười năm, là nơi vì có học, hắn được bầu làm chủ tịch xã, còn vợ thì phụ trách hội phụ nữ. Ba đứa con thông minh, khỏe mạnh và đều học hết cấp một, mức học cao nhất mà địa phương hắn có thể có. Vậy là dường như mọi chuyện tốt đẹp. Hắn thầm hài lòng rằng cuộc đời vợ chồng hắn hóa ra cũng không đến nỗi. Viễn cảnh một cuộc sống yên ổn cho tới già bên vợ con ở nơi nghèo đói xa xôi này làm hắn hạnh phúc. Thế mà một hôm, khi cả nhà đang ngồi ăn cơm vui vẻ trong sân, hắn có cảm giác như ai đó chăm chú nhìn mình. Ngước lên nhìn, hắn thấy môt người đàn ông mặc đại cán, đội mũ kếp đang đứng trước ngõ, chắc theo dõi hắn từ lâu. Cán bộ miền xuôi, hắn chột dạ, hơn thế lại trông quen quen. Liền sau đó hắn nhận ra đó là ông trung tá, đội trưởng, thủ trưởng trực tiếp của hắn. Ông đã già, thay đổi nhiều, nhưng hắn vẫn nhận ra, bằng linh tính sắc nhạy của người suốt đời lo lẩn trốn. Ông ấy đến để bắt hắn sau nhiều năm tìm kiếm và cuối cùng đã tìm ra. Làm thế nào bây giờ? Không thể nghĩ tới việc chống lại vì chắc ông ta không đến đây một mình. Chạy trốn? Chạy cách nào? Một mình hắn còn được, nhưng vợ con thì sao?

Mắt hai người gặp nhau. Ông trung tá nhìn hắn không chớp, đứng thêm một chốc rồi bỏ đi. Hắn lặng lẽ ăn nốt bữa cơm, nghĩ chỉ chốc nữa ông kia quay lại cùng nhiều người khác, và hắn sẽ bị bắt, có thể cả nhà, hoặc chí ít với vợ hắn.

Nhưng ông ta đã không quay lại. Ngay tối hôm ấy hắn đưa cả nhà trốn đi nơi khác. Từ ấy đến nay không ai biết họ ở đâu, sống chết thế nào.

Giải thích cho hành động kỳ quặc này của ông trung tá, ông chủ cửa hàng ăn Paris cho biết rằng sau vụ giết cô gái không thành, ông bị kỷ luật nặng, đình chỉ công tác những một năm, sau mới được gọi trở lại để tiếp tục truy tìm những kẻ bỏ trốn. Theo ông chủ quán thì có thể trong quãng thời gian ngồi không ấy ông ta đã có dịp đọc sách, và biết đâu sách đã chẳng giúp ông ta trở nên có tính người hơn, dẫn dến việc tha không bắt những con người khốn khổ mà ông ta phải vất vả lắm mới tìm được. Theo tôi, đó chỉ là lối suy diễn chủ quan thuần túy. Nhưng thôi, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là ông ta đã không bắt, có thể vì cảm động trước hạnh phúc đơn sơ của họ, cũng có thể vì những lý do khác ta không biết.

Ông Thủ Trưởng - Lãnh tụ kia đã chết từ lâu. Gần đây người ta lấy tên hắn đặt cho một đường phố Hà Nội. Nghĩa là hắn vẫn được kính trọng, và chẳng công lý nào sờ đến hắn vì những tội ác trước đấy. Thực ra tôi chẳng quan tâm mấy đến hắn. Chỉ hơi bực mình mỗi lần có việc đi qua phố ấy, bực mình và buồn vì nỗi ngày càng nhiều đường phố thủ đô với những cái tên thân thương, dân dã bị xóa sổ, bắt mang tên các vị lãnh đạo cách mạng đủ cỡ, từ ủy viên bộ chính trị đến trung ương ủy viên thường, hay thậm chí còn thấp hơn thế.

Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới gia đình những con người khốn khổ kia. Họ đã chết hay đang sợ hãi chui lủi đâu đó? Nếu còn sống thì đang ở đâu, và phải chăng đã đến lúc họ thẳng lưng bước ra ánh sáng để tố cáo lũ bất lương nhân danh nhân dân làm điều ác?

Lại còn ông trung tá - đội trưởng kia nữa. Tự nhiên tôi thấy thiện cảm với con người này. Suy cho cùng ông ta cũng là nạn nhân của sự mù quáng lý tưởng, một rô-bốt bình thường của thời công nghệ thấp mà người lập trình chưa đủ trình độ để bảo đảm không bao giờ trục trặc.

(1/8/2004)


Thơ châm ngôn số 40

Muốn thành người mạnh mẽ,
Tuyệt đối không kêu ca.
Càng không mau nước mắt
Như một mụ đàn bà.

Người mạnh mẽ luôn biết
Cách thu xếp cuộc đời.
Dẫu buồn đau, muốn khóc,
Họ vẫn cố mỉm cười.
(5/10/2012)○


* Cập nhật (30/08/2016): Nhà thơ, nhà văn Thái Bá Tân trong tháng 08/2016 đã có những phát biểu mang những quan điểm trái ngược với những gì ông liên tục thể hiện trong nhiều năm tháng trước đó. Đây là một bày tỏ của ông trên Facebook vào ngày 25/08/2016:

Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ.
Nói rõ thế này nhé. Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác.

Nhân tiện:

1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác. 2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu. 3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy. 4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả. 5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm. 6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm. Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.

Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.

Hơi thật thà quá. Xin lỗi.

____



[1] Trương Tửu, Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích trong Giai phẩm mùa Đông Tập I, in tại nhà in Sông Lô, 18, Trường Thi, Hà Nội xong ngày 28-11-56 – do nhà Minh Đức xuất bản. Bản điện tử do talawas thực hiện, xin xem tại đây.
[2] Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất, 2006