Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Một chút lạc quan nhìn từ vụ Cù Huy Hà Vũ


Dòng máu anh hùng

Từ khi biết quan tâm đến các vấn đề xã hội tới giờ trong lòng tôi luôn cảm thấy hết sức khâm phục và ngưỡng mộ về khả năng phi thường trong việc giữ liêm sỉ của những người cộng sản thời 30, 40 thế kỷ trước trong những câu chuyện (tôi tin là thật) đã được nghe kể lại hay được đọc ở đâu đó. Ví như chuyện về Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã giao toàn bộ số vàng thu được trong tuần lễ vàng cho một mình ông Nguyễn Lương Bằng cất giữ, mà không hề bị xuy xuyển một phân. Chắc chắn những người cộng sản lúc đó đã mang trong mình dòng máu anh hùng của dân tộc Việt – một dân tộc đã nhiều lần tự phá bỏ nhà cửa để chỉ mong đổi lấy hai chữ “độc lập”. Sự anh hùng ở đây không chỉ là dám đương đầu với nhà tù, máy chém của bạo quyền mà còn là lòng khát khao những lý tưởng cao đẹp đến mức khó chịu, coi khinh những nằn nì, hối thúc của dục vọng.

Thế mà chỉ vài chục năm sau, nếu ai nhắc đến sự liêm sỉ của người cộng sản thì chả khác nào giễu cợt cay đắng hoặc có hơn là một nuối tiếc đầy xót xa. Nói theo kiểu dân dã đương thời thì những người cộng sản có quyền ngày nay họ có thể “ăn” mọi thứ của dân từ thóc giống, bờ xôi ruộng mật, thuốc trừ sâu, nhà máy điện, tàu biển, đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện, mộ liệt sỹ, đồ cứu tế cho đến cả rừng núi, biển đảo, biên giới, điểm yếu chiến lược quốc gia và danh dự dân tộc. Thế mà có rất ít người cộng sản thời 30, 40 lên tiếng chống lại tình trạng vô liêm sỉ khủng khiếp đó. Có thể tuổi già đã ảnh hưởng đến chí khí? Dòng máu anh hùng của người cộng sản thời xưa có thật không? Nếu có sao không truyền lại được cho các thế hệ sau? Quá trình di truyền đã bị biến đổi, nhưng chả nhẽ tất cả các gien anh hùng đó đều cùng bị biến dị hết sao? Một sự trùng hợp tự nhiên kỳ lạ? Nhưng, đúng như tôi nghi ngờ, hiện tượng Cù Huy Hà Vũ đã chứng minh dòng máu anh hùng của dân tộc Việt trong tim những người cộng sản thời kỳ 30, 40 vẫn được bảo tồn và truyền được lại cho thế hệ kế tiếp.
Thách thức

Cách thể hiện của Cù Huy Hà Vũ có thể làm nhiều người không thích nhưng nếu nhìn ra thế giới chúng ta sẽ thấy người ta còn phản đối kẻ cầm quyền bằng cả cách kéo một con chó đeo mặt nạ là gương mặt của tổng thống chạy nhông nhông trên đường hay “dí” hình khuôn mặt của tổng thống vào chỗ kín của quí bà. Có thể văn hóa phương Đông chưa quen với những cách phản đối đó (cũng như người Việt đã từng thiếu thiện cảm với cả “áo cài khuy bấm”). Nhưng trong một xã hội đã gọi người dân là “công dân” thì việc người dân bày tỏ công khai sự bất bình đối với chính sách của nhà nước, với người cầm quyền (kẻ làm thuê cho dân) phải được coi là chuyện bình thường, và rất quí nếu vẫn còn ít người bày tỏ. Ý nghĩa hơn nữa là những điều Cù Huy Hà Vũ lên tiếng về các vấn đề xã hội đều thể hiện một tinh thần tôn trọng pháp luật, yêu mến công lý, quyết liệt với cái ác ở mọi cấp độ và tình yêu Tổ quốc nóng bỏng.
Thật là không khôn ngoan khi thách thức bạo quyền với hai bàn tay trắng. Nhưng về bản chất, sự vạch trần các bất công hay cổ động cho các giá trị tiến bộ trong một chế độ độc tài không thể nào tránh được sự suy diễn, có tính bản chất, của những người cầm quyền là “thách thức”, nếu không lảng tránh truy đến tận gốc của bất công và chỉ rõ những điều trọng yếu cần thay đổi để có tiến bộ. Vì nếu người cầm quyền không suy diễn như thế thì họ đã không còn là độc tài nữa và nếu chúng ta không nhận thức được điều đó thì có nghĩa chúng ta đã không hiểu gì về độc tài. Nêu bật gốc rễ của bất công và lật ra những nền tảng cần thay đổi của chế độ chính trị để cho toàn dân biết chính là cái khác giữa những kẻ cầm quyền độc tài, những người còn đắn đo và những người thúc đẩy tiến bộ thực sự. Có nhà độc tài nào lại nói là không muốn mang lại dân chủ, công bằng, văn minh, giàu mạnh cho dân chúng? Có kẻ cầm quyền độc đoán nào mà lại không lớn tiếng kêu gọi chống tham nhũng, bất công, đói nghèo?
Chấp nhận

Nhưng đúng như qui luật muôn đời. Ở đâu mà sự dối trá lên ngôi thì kẻ nói thẳng sẽ phải là tội đồ. Do đó việc Cù Huy Hà Vũ bị truy bức (bôi nhọ, tống vào ngục) không phải là việc kỳ lạ hay khó hiểu. Vấn đề chỉ là ở việc điều đó đã đến sớm hay muộn và mức độ, hình thức của sự truy bức sẽ như thế nào mà thôi. Truy bức người khác ý luôn là bản chất của mọi chế độ độc tài, bất kể người đó là ân nhân, công thần hay thư ký riêng của lãnh tụ. Dù từ tốn hay ý nhị nhưng nếu chạm đến những vấn đề có tính sống còn của quyền lực độc đoán thì khó có thể tránh được sự truy bức của kẻ cầm quyền. Khúc chiết, lịch lãm như Nguyễn Mạnh Tường, mạnh mẽ, cương quyết như Hoàng Minh Chính, chân tình, bộc trực như Nguyễn Hộ hay cẩn trọng, tha thiết như Trần Độ đều không tránh được truy bức, thù ghét cho đến chết (dĩ nhiên chỉ của kẻ cầm quyền độc đoán thôi). Đó là những sự thật khắc nghiệt, xót xa mà những người bị áp bức, muốn tiến bộ cần phải nhận thức rõ. Nói cách khác, muốn có tiến bộ xã hội, con người không có cách nào khác là phải dám đối mặt với cái ác, phải tự dấn thân và trả giá. Nếu tôi không trả giá thì anh sẽ phải trả giá hoặc con cháu chúng ta sẽ phải trả hoặc tất cả sẽ mãi cùng sống kiếp nô lệ-tăm tối về tinh thần, tủi nhục về nhân phẩm.
Để tiến tới một đồng thuận xã hội trong việc chấp nhận cùng trả giá – điều kiện đủ-cho một tiến bộ xã hội bao giờ cũng cần phải có những trả giá (hy sinh) có tính tự phát, đơn lẻ và cô đơn. Xã hội, và thậm chí ngay cả những cá nhân dám trả giá, thường cũng chưa nhìn thấy hết tầm quan trọng của hành động dám trả giá (dường như vô vọng) đó. Nhưng kẻ cầm quyền độc đoán thì không. Đó chính là lý do tại sao những kẻ cầm quyền độc đoán sẵn sàng tìm mọi cách để bôi xấu, cô lập, vùi dập những cá nhân vô cùng bé nhỏ (so với quyền lực khổng lồ) nhưng dám đương đầu vì những khao khát tiến bộ đang thôi thúc trong nội tâm của họ. Nhưng, một khi truy bức của bạo quyền khổng lồ vẫn không lung lạc được ý chí của cá nhân bé nhỏ thì sức mạnh không còn hoàn toàn thuộc về kẻ nắm quyền nữa. Xác định chấp nhận mọi gian khổ của một cá nhân không chỉ giúp cho niềm tin của xã hội vào tiến bộ thêm vững vàng, sự tin tưởng của xã hội trong việc chống cái ác thêm mạnh mẽ mà còn có tác dụng lay động chính tâm can của kẻ truy bức. Một lý tưởng đúng và cao đẹp càng có sức lan tỏa và chỉ đủ sức thuyết phục toàn xã hội nếu lý tưởng đó vượt được qua trấn áp của bạo quyền. Chính vì vậy, một khi có thêm những người đang chịu sự truy bức và trong quần chúng có thêm người cùng ý thức được rằng chịu đựng gian khó, hy sinh cho tiến bộ là tất yếu và đầy giá trị thì có nghĩa là khoảng cách đến với tiến bộ đã được rút ngắn thêm một bước.
Lạc quan

Chỉ hơn một tháng, vụ án Cù Huy Hà Vũ đã hoàn tất hồ sơ (điều tra, cáo trạng) để chuyển sang “tòa án”. Các luật sư được tiếp xúc nhiều lần với bị cáo (sau khi có kết luận điều tra) và các trao đổi dường như không bị hạn chế. Đó là một tiến bộ rất lớn so với những vụ án chính trị chỉ cách đây không lâu. Có thể trong vụ án này có nhiều điểm ngoại lệ và tiến bộ đó chưa thành phổ biến nhưng đó là một tín hiệu cho thấy những tiến bộ của nhân loại vẫn có thể ngấm được vào những cấu trúc xã hội ù lì nhất, bảo thủ nhất. Điều quan trọng hơn nữa là lần đầu tiên những ủng hộ, chia sẻ có âm vang nhất dành cho kẻ bị cáo buộc là “phản động”, “chống đối nhà nước” – vẫn kiên cường sau song sắt nhà tù- đã đến từ nhiều người rất gần về địa lý, đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị xã hội.
Có lẽ nhiều người đã nhận thấy cái giá mà Cù Huy Hà Vũ, gia đình và người thân của ông phải chịu đựng đang góp vào cái giá chung mà trào lưu tiến bộ của Việt Nam bắt buộc phải trả để Tổ quốc có thể thoát được một hiểm họa Bắc thuộc mới đang đến rất gần và toàn xã hội mới có thể được hưởng những điều thật về dân chủ, công bằng, văn minh. Vì suy cho cùng chả có con người nào có lý trí và nhân phẩm lại không ủng hộ việc bảo vệ Tổ quốc và những tiến bộ mà nhiều xã hội khác đã được hưởng từ rất lâu.
Dĩ nhiên khi một đảng chính trị (duy nhất) của một đất nước vẫn khăng khăng tuyên bố tiếp tục đưa đất nước đi theo một chủ nghĩa đã bị nhân loại tiến bộ lên án là tội ác, thì lạc quan là một sai lầm ngờ nghệch. Nhưng nếu xác định mọi tiến bộ xã hội chỉ thực sự và bền vững khi là kết quả của ý thức tự đòi hỏi, tự đấu tranh của người dân, chứ không phải từ sự ban ơn, từ sự thay đổi, “đổi mới” của kẻ cầm quyền, thì nhìn vào vụ Cù Huy Hà Vũ, chúng ta có quyền lạc quan. Vui và tin vào những cải thiện nhỏ nhưng cơ bản của dân trí, dân khí trong một ý thức rõ ràng về những khó khăn, thách thức to lớn trong hiện tại và cả tương lai. Đó có thể tạm gọi thuộc về chủ nghĩa lạc quan không tếu hay chủ nghĩa lạc quan cẩn trọng (cautious optimism, optimisme prudent).
24/01/2011
Phạm Hồng Sơn

Một chuyện Tết đặc biệt tại Đà Lạt


Vừa trở về Hà nội cùng với gia đình sau mấy ngày ăn Tết tại Đà Lạt cùng với mẹ tôi và các anh chị, tôi vội đi thăm một số bà con và người thân quen. Trong một cuộc thăm gặp, một cụ già tuổi cao và thâm trầm nói rằng “Đi Đà Lạt có chuyện gì đặc biệt không kể lại cho ta nghe”. Tôi ngập ngừng nói rằng:”Thưa cụ, có chuyện đúng là đặc biệt nhưng không được vui, nếu kể ngay bây giờ thì con sợ rằng sẽ làm “sái” cả một năm.”, “Cứ kể, không sợ. Có gì cứ nhìn thẳng, việc đã đến thì né cũng không tránh được. Dữ có khi lại là lành.” Nghe lời cụ tôi mới tự tin kể cho cụ nghe và dưới đây là tóm tắt những gì tôi đã kể cho cụ:

Gia đình tôi vào Đà Lạt trước Tết khoảng vài ngày, chúng tôi ở nhà của anh trai tôi, ngôi nhà nằm ở trên gần một đỉnh đồi còn khá thưa thớt dân tại phường 8 Đà Lạt. Khí hậu, phong cảnh và môi trường Đà Lạt vẫn còn là nơi hết sức lý tưởng và tuyệt vời so với Hà nội, thủ đô mến yêu của tôi và (chắc là) của tất cả mọi người Việt nam khác. Sáng mồng Một Tết (tức ngày 3/2/2011) khoảng 09h, cả nhà “xuất hành” bằng việc đi lễ chùa ở ngay ngôi chùa Vạn Hạnh gần nhà. Tôi có nhiệm vụ chở hai cậu út ít nhất nhà (con út tôi và con út anh trai tôi, tuổi vừa đến một giáp) bằng chiếc xe máy Honda. Xe vừa bò lên gần đỉnh dốc, tôi chợt nhìn thấy hai người đàn ông mặc quần áo tối màu đứng cạnh một chiếc xe máy dưới lùm một cây thông tán rộng ở phía đầu dốc. Linh tính và kinh nghiệm nhiều năm qua bảo tôi rằng “các “anh ấy” đấy!” Đúng như thế. Qua gương chiếu hậu tôi nhìn thấy hai người đàn ông đó dắt xe và nổ máy bám theo tôi ngay. Sáng mồng Một Tết đã được chăm sóc như thế thì có lẽ khó mà không cảm thấy một chút chút “đặc biệt” trong người. Nhưng tôi vốn luôn quan niệm rằng “việc của ai người đó làm” và “việc của mình mình làm”, nên tôi dường như không có bất kỳ một vấn vương gì, coi như không có chuyện gì và quyết định không nói cho ai biết. Tiếng ríu rít, hồn nhiên, líu lo, tinh nghịch của hai cậu bé (anh em) lâu ngày mới được gặp lại nhau, cứ văng vẳng trong gió ngay sau tôi làm tôi thấy cuộc đời thật thú vị biết bao, luôn chất chứa bao điều bí ẩn, thi vị và thách thức. Nắng rực rỡ, độ cao, tầm nhìn ngút ngàn, các con dốc và những làn gió lạnh tinh nghịch, nhưng không “gắt gỏng”, của Đà Lạt, thật đẹp, thật quyến rũ. Khi gửi xe và đi bộ vào trong chùa, tôi mới biết không phải chỉ có hai người đàn ông đã đi theo tôi từ trên đỉnh đồi gần nhà mà còn vài người nữa, trong đó có cả một cô gái tuổi còn khá trẻ. Sau đó tôi mới biết không phải tôi là người duy nhất trong gia đình phát hiện ra những “du khách” đặc biệt đó.


Vài “du khách” đặc biệt trong ngày mồng Một Tết Tân Mão tại bãi giữ xe chùa Vạn Hạnh Đà Lạt.
Kể từ đó mỗi khi tôi rời khỏi nhà luôn có ít nhất hai người trên một xe máy theo tôi khắp nơi. Tôi vẫn sinh hoạt, đi lại một cách bình thường, không hề lo lắng một chút gì, vẫn đến những nơi dự định đến, vẫn đi về như việc cần phải thế. Tôi thường tự đi lại, cố gắng không để cuộc sống trở nên bị gò bó, đảo lộn hay làm phiền đến người khác. Nhưng tôi thấy có một điều “đặc biệt” là đây là lần đầu tiên trong nhiều lần vào Đà Lạt tôi “được” chăm sóc “đặc biệt” như thế. Nhưng tôi nghĩ chắc sự “chăm sóc” này cũng giống như nhiều lần “chăm sóc” khác ở Hà nội thôi.

Chiều muộn ngày mồng Bốn Tết (tức ngày 06/02/2011), tôi lấy xe máy một mình đi đến nhà chị gái để hàn huyên và nũng nịu bà chị và ông anh rể vừa qua tuổi 60 (theo lịch ta). Nấn ná qua cả giờ ăn cơm tối đã hẹn ở nhà và phải mang xe về cho bà chị dâu đi có việc, tôi quyết định phải về vì không muốn lỡ hẹn, nhưng sau khi “điều đình” thì tôi được tiếp tục ở lại ăn cơm ở nhà chị gái và nhờ con gái của chị mang xe về đưa cho bà chị dâu. Đến tận 22h hơn tôi mới đứng lên ra về nhưng thay vì tôi định lấy xe của anh chị đi một mình thì ông anh rể cứ nhất quyết cầm lái đưa tôi về. Phố xá Đà Lạt vào lúc mới chỉ hơn 22h ngày Tết mà thật vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng mới thấy tiếng xe máy hoặc ô-tô xoẹt qua vội vã trong ánh đèn vàng và cái lạnh đã giá hơn nhiều so với chỉ vài giờ trước đó. Ra ngoài đường, ông anh rể tôi tự nhiên lại đi ngược với hướng mà tôi và mọi người vẫn thường đi. Trên chiếc xe máy phóng nhanh trong đêm, hai anh em gần như phải im lặng hoàn toàn trước những làn gió mạnh và lạnh phất vào mặt. Tôi không phát hiện thấy ai đi theo cả và thầm nghĩ chắc muộn rồi nên các “anh ấy” về nghỉ và cũng biết chắc là giờ này mình còn đi đâu nữa. Khi đến gần con dốc của đường Phù Đổng Thiên Vương, chỗ gần lên khu vực chùa Vạn Hạnh, đây là đường duy nhất để trở về nhà, tôi và ông anh rể để ý thấy phía trước có một nhóm người đứng lố nhố ngay dưới lòng đường phía bên phải, trong đó có một người dáng điệu hơi nghiêng ngả đứng ở giữa đường. Ngay lúc đó cũng có một chiếc xe máy từ phía sau phóng vụt qua chúng tôi và từ từ đi qua đám người đó nhưng vô sự. Sau đó tôi thấy có một người đàn ông trong đám người chạy ra ôm và kéo người có dáng nghiêng ngả lui vào phía trong một chút như có ý mở đường cho chúng tôi qua. Nhưng khi xe của tôi đến gần nơi thì người có dáng nghiêng ngả đó nhảy xổ ra, tôi thấy xe loạng choạng và “xoạt” một cái rất mạnh, tôi thấy rát ở phía nửa dưới má phải và cằm. Xe tôi vẫn tiếp tục phóng đi, thoát hẳn khỏi đám người và chạy về đến nhà vô sự. Đến lúc đó ông anh rể tôi mới nói anh bị kẻ đó đấm thẳng vào mặt và không biết trời xui đất khiến thế nào anh đã cúi được đầu xuống nên cú đấm trượt vào phía trên mũ bảo hiểm. Tôi chỉ nói với anh rể tôi là “may quá chắc là chỉ gặp bọn say rượu thôi nên anh em mình mới thoát.” Nhưng lúc va chạm với người đó cả hai anh em tôi đều không nhận thấy mùi rượu thường thấy khi ở bên kẻ say rượu.

Nghe xong, cụ già nói: “May thì may rồi nhưng phải hiểu đó là cái may do cả của trời và của người nữa. Anh ạ.”. “Cụ có thể nói cho con rõ hơn không?” Cụ vuốt râu, tợp một ngụm rượu và nói: “Nó là thế này. Trước hết là phải nói về người, mặc dù người phải kính trời. Thứ nhất là “họ” cũng mới chỉ có kế hoạch xuống tay ở mức độ “cảnh cáo” thôi chứ không phải là “kết thúc”. Thứ hai là có thể người thực hiện cũng có “duyên” với anh nên sự ra tay chưa chính xác nên các anh gần như không bị xây xát gì, cho dù có hơi rát mặt. Đúng không nào? Thứ ba, cũng phải kể là ông anh rể anh là người có phản xạ nhanh hoặc là may mắn lại có phản xạ nhanh vào đúng lúc đó nên tránh được cú “thôi sơn chính diện”. Nhưng theo tôi cái này không cơ bản. Nếu họ muốn “kết thúc” hay muốn “chính xác” thì không có gì khó cả đâu.” “Thưa cụ thế còn cái may do trời?”, tôi nôn nóng hỏi cụ. “À.”, cụ dừng một lúc, nhíu mày, tay vẫn nắm cốc rượu. “Tôi thì tôi thấy thế này. Nếu như tối hôm đó mà mọi việc cứ xảy ra như thường lệ theo bản tính và thói quen của anh thì sự việc có thể khác rất nhiều rồi. Cái cơ may ngẫu nhiên hôm đó là anh, đúng ra là vô tình các anh, đã làm đảo lộn một chút kế hoạch của họ. Thứ nhất là anh không về theo lộ trình bình thường. Thứ hai là anh không về một mình. Thứ ba là anh về muộn hơn bình thường. Thứ tư là anh ngẫu nhiên lại đội chiếc mũ bảo hiểm có che cả mặt, nhất là mắt. Mỗi thứ nó khác một chút thôi nhưng có thể làm sự việc thay đổi hẳn.” “Dạ vâng” tôi đỡ lời cụ. “Tỷ dụ như do chờ lâu nên tay chân không được chuẩn hay đúng lúc đó kẻ hành sự lại đau bụng chẳng hạn. Nhưng cái bao trùm nhất là ta vẫn không thể giải thích được hết là tại sao những điều ngẫu nhiên đó lại xảy ra như thế mà không xảy ra thế khác. Đó mới gọi là cái “cơ huyền diệu” của Trời. Chả có kẻ nào định đoán được. Nhưng nói là trời ta vẫn phải hiểu cũng là do người cả đấy thôi. Người mà không có thì làm gì biết đến trời. Người mà không cố gắng, tử tế thì trời cũng chịu. Thế nên người ta mới nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nhưng người ta cũng phải biết câu “tận nhân lực tri thiên mệnh”.” “Dạ vâng.”, tôi lại hứng lời cụ và nói: “Vậy, thưa cụ, con nên xử sự thế nào sau sự việc này, ạ?”. Cụ lại tợp một ngụm rượu và thong thả nói: “Trung ngôn thì nghịch nhĩ. Trung ngôn cũng dĩ nạn. Nhưng chính “nạn” mới chứng tỏ “ngôn” là “trung”. Thân xác con người là quí vì đó là tinh cha huyết mẹ, là tác thành của trời đất. Đừng coi thường thân xác, liều lĩnh tấm thân gầy. Nhưng đó mới chỉ là một phần của con người thôi. Cái quan trọng hơn, cái làm thành con người, nhưng khó thấy hơn, nhất là ở thời loạn, là cái “tinh thần”.” “Dạ vâng. Thưa cụ.” tôi nói nhỏ để tiếp cụ. Cụ giơ bàn tay phải ra phía trước, mở ra nắm lại mấy cái rồi nhìn đăm đăm vào lòng bàn tay, nói: “Thân xác cố giữ thì được bao lăm. Bất quá chỉ thêm được vài chục xuân mà thôi, bõ bèn gì so với hóa công. Mà ai định được thiên cơ, định được sự chết? Sinh có hạn tử bất kỳ. Đấy, tôi chỉ dám nói thế để anh tự nghĩ và quyết định thì hơn.” Cụ nhìn tôi trầm ngâm và trong đôi mắt già dưới hàng lông mày như cước ánh lên một điều gì đó sâu lắng, khó tả, nhưng thân thương.

Khi chia tay cụ ra về, cụ nói với tôi: “Chuyện anh kể đúng là đặc biệt, nhưng không làm “sái” cái gì đâu. Kẻ giấu đời, trốn đời, hại đời mới làm “sái” và tự “sái”. “

Chia tay cụ về tôi cảm thấy vui và cứ nghĩ miên man những điều cụ nói. Căn cứ vào những gì tôi hiểu qua buổi trò chuyện với cụ già kể trên, tôi cũng tin không có gì là “sái” khi chia sẻ câu chuyện này với mọi người trong dịp đầu xuân. Khi đi qua một số chùa ở Hà nội tôi thấy khói hương vẫn nghi ngút, người ra vào đông lắm, bãi gửi xe bao la, có cả những chiếc xe ô tô bóng lộn có biển số màu xanh.

Phạm Hồng Sơn
08/02/2011
(6 tháng Giêng năm Tân Mão)