Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Công lý Cá tháng Tư


Phiên tòa xử nông dân ĐoànVăn Vươn cùng nhiều thân nhân dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 02 tháng Tư tới đây tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng. Tính chất kỳ cục của xét xử, vô tình hay hữu ý, đã tự lộ diện rất rõ: Những người yếu thế, tuyệt vọng về công lý phải liều mình tự vệ trước bạo quyền vô cùng đồ sộ thì bị cáo buộc vào tội “giết người”, còn phiên tòa lại được tổ chức ngay sau ngày Cá tháng Tư – ngày được nói dối theo truyền thống dân dã của một số nước phương Tây gần đây đã lan sang Việt Nam. Bóp méo và chế giễu công lý vẫn là ngón nghề của những kẻ cầm quyền độc tài. Nhưng nạn nhân và những người khát khao công lý làm sao có thể cười được trước những “hài kịch công lý” đó. Dưới đây là hai bức thư giãi bày, kêu cứu của mẹ bị cáo, vợ bị cáo –những bị cáo hoặc nạn nhân còn ở bên ngoài nhà tù:

Thư kêu cứu

            Kính gửi:

Toàn thể mọi công dân Việt nam
Những người yêu công lý - sự thật- hòa bình.
Toàn thể giáo dân, các tín hữu và các chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam
Những người có lương tâm trong hệ thống công quyền
            
Tôi là: Trần Thị Mạp – 85 tuổi.

            Là mẹ  của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Phan Thị Báu, Nguyễn Thị Thương và cháu Đoàn Văn Vệ, là những nạn nhân của vụ án cưỡng chiếm đất đai tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

            Thưa tất cả các quý vị,

            Là người mẹ đã 85 tuổi, tôi đau đớn viết thư này kêu gọi tất cả mọi người một việc như sau:

            Sau mấy chục năm các con tôi đã hi sinh tất cả sức lực, nguồn lực và tính mạng để quai đê lấn biển theo chủ trương của Nhà nước, tạo ra khu đầm nuôi tôm tại bãi bồi ngoài đê biển. Ở đó đã thấm máu và tính mạng của các con và cháu tôi.

            Khi đã hình thành được khu vực nuôi trồng thủy sản, sắp đến ngày thu hoạch thì đột nhiên nhiều hành động khuất tất do nhà cầm quyền Tiên Lãng, Hải Phòng thực hiện trái pháp luật và đạo lý nhằm chiếm đoạt thành quả của các con, cháu tôi. Đỉnh điểm là sáng ngày 5/1/2012, một đoàn bao gồm cán bộ, công an, bộ đội đã ập đến bao vây, bắt bớ, nổ súng và cướp phá tài sản của con cái chúng tôi. Kể cả những tài sản, nhà cửa ngoài vùng cưỡng chế.

            Trước tình huống bất ngờ bị cướp phá tài sản và uy hiếp tính mạng, các con, cháu tôi buộc phải tự vệ để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Sự việc đã được hệ thống truyền thông loan báo rộng rãi. Chính Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Đây là việc làm trái cả Pháp lý và Đạo lý”.

            Mặc dầu vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hải Phòng bằng Cáo trạng số 10/CT-P1A ngày 4-1-2013 vẫn truy tố các con tôi về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra từ ngày 2-5/4/2013 và ngày 8-10/4/2013 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng.

            Trước sự việc này, tôi, gia đình và đông đảo nhân dân địa phương hết sức bất bình, phẫn nộ và xin khẳng định rằng:

            - Các con tôi từ nhỏ đã được giáo dục ăn ở hiền lành, đạo đức. Không hề có bất cứ hành động và việc làm nào vi phạm Pháp luật cũng như đạo đức làm người.
            - Trong sự việc ngày 5-1-2012, con tôi là Đoàn Văn Vươn không hề có mặt tại khu vực xảy ra sự việc. Ngay cả các con, cháu tôi đang ở trên đê cùng với bà con cũng đã bị bắt và đánh đập dã man sau đó.

            - Các con, cháu tôi không hề chống người thi hành công vụ vì việc cưỡng chế trái pháp luật này không thể được gọi là “Thi hành Công vụ”.

            - Việc đưa các con, cháu tôi ra Tòa xét xử về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” là việc làm vô đạo đức, vô lương tâm và hoàn toàn đi ngược lại Hiến pháp và Pháp luật hiện hành. Việc này nhằm thực hiện âm mưu hợp pháp hóa các tội ác mà những người trong hệ thống công quyền Tiên Lãng, Hải Phòng đã gây ra.

            Vì vậy, tôi cầu xin tất cả mọi người bằng lương tâm, trách nhiệm của mình hãy bằng mọi cách cứu lấy các con, cháu tôi vượt qua âm mưu đẩy người lương thiện vào chỗ chết.

            Một lần nữa tôi khẳng định Các con, cháu tôi không hề giết người, không chống người thi hành công vụ.

Xin hãy cứu lấy các con, cháu tôi.
Xin hãy cứu lấy những nạn nhân vô tội.
Tôi cầu xin tất cả mọi người hãy lên tiếng và hành động.

            Hải Phòng, ngày 26/3/2013
            Trần Thị Mạp


Thư ngỏ gửi bà con nhân dân cả nước
           
 Tiên Lãng, 26-03-2013

            Thưa bà con nhân dân cả nước,

            Chúng tôi là thân nhân của các nông dân Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ... Là những người sắp tới đây bị Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đưa ra xét xử vào ngày 2-5/4/2013 với tội danh áp đặt một cách bất công. Qua một quá trình điều tra tùy tiện, thiếu khách quan.

            Những thân nhân của chúng tôi bị truy tố với tội danh "giết người" trong khi họ đang ra sức bảo vệ tài sản mà họ gây dựng được gần một cuộc đời. Những hành vi của họ chỉ có tính chất cảnh báo, nhắc nhở, báo động cho xã hội về những quyết định quan liêu của chính quyền địa phương khiến người dân khắp nơi phải chịu đồng cảnh ngộ như chúng tôi.

            Trong suốt thời gian qua chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều của bà con cả về vật chất lẫn tinh thần. Một lần nữa qua những blog yêu chuộng công lý, yêu chuộng hòa bình, chúng tôi muốn gửi tới bà con những lời biết ơn chân thành nhất.

            Phiên tòa tới đây gia đình tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ của bà con như suốt một năm qua để gia đình tôi vững vàng hơn trên bước đường đi tìm công lý.

            Công bằng của gia đình tôi đồng nghĩa với công bằng của tất cả bà con.
            
Xin cảm ơn nhiều

            Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Hiền○ 


Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Không sợ phản biện


Trong xã hội ta thời gian gần đây đã cho thấy rõ một điều tưởng chừng như vô lý: Phê phán chính quyền độc tài chưa hẳn đã khó hay sợ hơn phê bình người cùng đấu tranh chống độc tài. Cái khó, cái sợ đó đến từ cả vấn đề thực dụng lẫn vấn đề kỹ thuật. Chúng ta ngại có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết, phân tán sức mạnh vốn đã mỏng lại còn yếu giữa những người đấu tranh. Chúng ta sợ bị cô lập, cô đơn ngay chính trong nhóm người vốn đã bị cô đơn, cô lập. Và chúng ta ngại vì không đủ kỹ thuật diễn đạt để tránh hết được những hiểu lầm, ngộ nhận… Những quan ngại đó đều chính đáng và cần thiết. Nhưng một xã hội không biết phản biện, ngại phản biện, một xã hội thiếu một dư luận thẳng thắn và nghiêm chỉnh là một xã hội dung dưỡng độc tài đương quyền và ươm mầm cho độc tài tương lai. Do vậy, không còn cách nào khác, dù ngại hay sợ, chúng ta vẫn nên cùng nhau học phản biện. Và đây một kinh nghiệm đáng học từ chính người Việt chúng ta, dù đã trên 80 năm:

AI NÓI DƯ LUẬN AN NAM KHÔNG CHÍNH ĐÁNG?*


Phan Khôi

Ông đảng trưởng đảng Lập hiến đã bị công kích một cách công nhiên!

Vì một việc mới xảy ra trong làng báo làm cho chúng tôi phải mở ra cái đầu đề trên kia. Mà khi đặt bút xuống viết cái đầu đề nầy, chúng tôi không thể nào quên được chuyện chúng tôi đã làm cách ba tháng trước đây.

Ấy là chuyện báo Trung lập nầy đã công kích đảng Lập hiến Nam kỳ. Còn nhớ lúc bấy giờ chúng tôi viết cả thảy hơn mười bài mà kể sự bất lực của đảng ấy và có phân trần lợi hại cùng các ổng.

Nói chi thì nói, chớ trong mười bài đó, chúng tôi chưa hề nói động đến cá nhân của đảng viên Lập hiến. Dầu chúng tôi biết chắc các ổng có nhiều người làm việc ám muội, không xứng đáng với lòng tin cậy của quốc dân, nhưng chúng tôi chưa hề đặt miệng nói đến những điều tư đức của các ổng bao giờ, ấy là vì có lẽ khác buộc ngòi bút chúng tôi phải như vậy.

Việc tư đức, việc cá nhân mặc lòng, mà nếu nó có quan hệ đến đồng bào xã hội thì cũng nên bới ra mà công kích. Nhưng hồi đó, chúng tôi mở đầu làm việc ấy, thật là việc lạ tai lạ mắt người ta. Rất đỗi chúng tôi không hề nói động đến một điều tư đức của ông nào như vậy đó, mà còn có người cho chúng tôi là kịch liệt quá thay; huống chi đem chuyện tây riêng ra mà nói thì làm thế nào cho có người tin lời chúng tôi là phải được? Ấy, cái khổ tâm của nhà ngôn luận xứ ta thường thường như vậy đó mà có ai hiểu biết cho chăng?

Đại phàm sự trái lẽ, sự phản thường làm chướng tai gai mắt người ta, thì may lắm chỉ được che đậy trong một hồi, chớ rốt lại rồi cũng không thể nào bắt kẻ bàng quan nhịn miệng được. Như những cái cử động của đảng Lập hiến đã bị tờ báo nầy chỉ trích độ nọ rồi; còn về phần riêng các đảng viên đảng ấy, có nhiều chuyện đáng nói là khác nữa, hễ nhắm là có quan hệ đến xã hội rồi cũng chẳng ai tha.

Cụ Bùi Quang Chiêu, đảng trưởng Lập hiến, từ hồi ở bên Pháp về, quốc dân ngửa trông nơi cụ là dường nào; mà nhiều khi ở giữa công chúng, cụ cũng vỗ bụng đương lấy cái trách nhiệm dìu dắt anh em lên đường tấn bộ, thế mà ngày nay thành ra láo toét ráo, gẫm đà quá ngán!

Phụ nữ tân văn số 75, ra ngày 23 Octobre mới rồi, có một bài đề là Ông Bùi Quang Chiêu năm 1930 xin độc giả cứ lật ra mà coi, thì đủ thấy ông lãnh tụ, ông thượng lưu, ông chí sĩ, ông tân nhân vật đầu sổ ở xứ ta ngày nay ra sao, chúng tôi không cần thuật lại ở đây làm chi.

Vả Phụ nữ tân văn là cái cơ quan ngôn luận của đám đờn bà, ít hay dính tới việc chánh trị, mà ngày nay cũng phải cầm giáo đương tiên đâm ông lãnh tụ như thế, thì đủ biết là việc đã không hèn, việc đã quá lắm, không nói không đặng vậy.

Trước đây, trong khi Trung lập công kích đảng Lập hiến, không có một bạn đồng nghiệp nào đặt miệng vào đó hết, chúng tôi tưởng là trên đàn ngôn luận đã mờ ám lắm rồi, sự phải quấy ở xứ nầy đã không ai cần phân biện nữa hết. Ngờ đâu nay có bạn đồng nghiệp Phụ nữ cũng có đồng một cái luận điệu với chúng tôi, thì lẽ phải há chẳng nhờ đó thêm rõ rệt ra sao?

Về việc cụ Bùi thất tiết với quốc dân, với đảng Lập hiến, thì hầu hết ai ai cũng biết. Nhưng người ta biết mà chỉ nghị luận riêng với nhau thôi. Sự nghị luận ấy chẳng có bổ ích gì cho thế đạo nhân tâm cả. Mới đây thấy có người viết ra cuốn sách nhỏ nói xa nói gần, kể cũng là hữu tâm, nhưng chưa gọi là một cái dư luận chánh đáng được. Vì họ nói một cách tiếu mạ, chỉ chọc tức người ta, chớ không phải là có danh chánh ngôn thuận như bài của Phụ nữ tân văn.

Bạn đồng nghiệp Phụ nữ làm được việc nầy, thật là một việc vẻ vang cho làng báo chúng ta lắm. Từ nay còn ai nói được rằng dư luận An Nam ta là không chánh đáng? Từ nay những người to đầu lớn mặt làm một việc gì há chẳng nên coi chừng trước ngọn bút của tờ báo quốc âm?

Hôm trước thấy ông Phạm Quỳnh có viết trả lời cho ông Phan Khôi trong Phụ nữ tân văn nói rằng sự thanh đông kích tây, nay công kích người nầy mai công kích người nọ, chỉ làm cho vui mắt kẻ bàng quan, chớ không được việc chi hết. Lời ông Phạm nói đó, chúng tôi còn chưa chịu.

Ở trong một xã hội như xã hội ta đây, còn lộn xộn lắm, thế thì phải nhờ ở sự khuyến thiện trừng ác của nhà báo mới được. Vậy nên mình phải xét xem sự người ta công kích đó là phải hay quấy; quấy thì thôi, nếu phải thì mình nên để ý đến sự công kích của người ta. Chớ nhứt thiết mạt sát đi hết cho là chỉ làm vui mắt kẻ bàng quan, sao được?

Như Phụ nữ tân văn công kích cụ Bùi Quang Chiêu lần nầy thật là chánh đáng lắm. Những lời của bạn đồng nghiệp nói đó chẳng khác nào đại biểu cho cả nhân dân xứ nầy mà nói ra. Một cái nghị luận của nhà báo công bình chánh trực như vậy đó, mà nếu người bị công kích cũng coi như không, không có ý hồi đầu[i] lại cho đến kẻ bàng quan cũng cho là việc tầm thường, việc nói xấu nhau, thì thôi, hết mong gì nữa!

Riêng phần chúng tôi là kẻ mở đầu công kích đảng Lập hiến trước nhứt, tuy được nhiều người hoan nghinh lẽ thật của chúng tôi mà cũng bị những người cạn nghĩ chê bai chúng tôi lắm lời. Dầu vậy mặc lòng, tờ Trung lập nầy cũng vẫn giữ cái thái độ thẳng như giây đờn mà không hề núng. Ước gì bạn đồng nghiệp cũng nhứt tâm nhứt đức như chúng tôi, trước sau giữ vững cái luận điệu cho quang minh chánh đại mà không thay đổi, thì thật là một “tin lành” cho ngôn luận giới xứ ta.

TRUNG LẬP
Trung lập, Sài gòn, s.6281 (24.10.1930) ○

*Bài này rút từ Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn. Nxb Hội nhà văn, Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, 2006. Bản điện tử xem tại đây.








[i] hồi đầu : ăn năn, bỏ chuyện cũ (theo Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895-1896. Chú thích của Lại Nguyên Ân.).

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Đính chính và trao đổi với ông Nguyễn Huy Canh



Phạm Hồng Sơn

Tôi đã lắng nghe được nhiều phản hồi (khen, chê) sau khi bài trả lời phỏng vấn của tôi với BBC Việt ngữ (Góp ý hiến pháp: hơn một sự ngộ nhận.) được đăng tải vào ngày 02/03/2013. Dưới đây là một phản hồi (góp ý) tôi nhận được trực tiếp và đã hồi đáp, trao đổi. Được sự đồng ý của người trao đổi, tôi xin trân trọng giới thiệu với quí vị:

                                         Thư trao đổi với anh Phạm Hồng Sơn

                                                             
Nguyễn Huy Canh

Vào trang Quechoa thấy có bài của anh trả lời BBC khi được hỏi về công cuộc đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, cũng như kiến nghị 72, xin được có 2 ý nhỏ trao đổi thêm với anh.

1, Trong phần trả lời đó, anh có nói gây ấn tượng nhất cho anh là ý kiến của ông Nguyễn Trung, và tôi (Nguyễn huy Canh-Hải Phòng), thành thật cảm ơn anh về nhận xét đó. Nhưng cũng tiếc rằng khi nói về cách thức, phương pháp cho một công cuộc cách tân đất nước, anh đã không đúng, hay gọi là nhầm lẫn cũng thế, khi cho rằng “luật hóa điều 4 HP” là con đường, là biện pháp ưu tiên của tôi.

Nếu anh có dịp đọc những bài viết của tôi như “Trao đổi thêm với đại biểu Dương Trung Quốc”,”Nqtw4 và nỗi đau lịch sử” hay “đảng và Hiến pháp”, “Trao đổi với 2 ông Bùi Đức Lại và Trần Mạnh Hảo” anh sẽ thấy phương pháp hay dự án mà tôi đưa ra đều là nguyên tắc phải thay đổi cái cấu trúc quyền lực của đảng từ tw đến các cơ sở. Đó là việc phải bỏ đi tính quyền lực tự cấu tạo, khép kín của BCHTW, BCT, BBT...và cấp ủy đảng ở các cấp. Một quán tính lịch sử trong việc thiết kế quyền lực chính trị của đảng giờ đã trở thành một câu hỏi quá lớn của xã hội và của một thể chế gọi là dân chủ. Người dân đã hiểu ra rằng “mọi quyền lực đều không đi ra từ những lá phiếu bầu của cử tri đều không chính danh” và với tôi xem đây là lộ trình cần thiết cho một quá trình cách tân của thực tiễn chính trị VN trên con đường dân chủ hóa thể chế quyền lực được ý thức...

Xin nói với anh, chưa bao giờ tôi đưa ra yêu cầu cần “luật hóa điều 4 HP” như một phương pháp tối ưu của quá trình đổi mới “tái cấu trúc toàn hệ thống” thậm chí tôi còn phê phán mạnh mẽ các loại ý kiến này như ông Bùi Đức Lại, ông Vũ Mão đã đưa ra...tôi coi đó là kết quả của những ý chí điên rồ. Rằng khi cấu trúc quyền lực của đảng, cũng như của hệ thống chính trị, đảng đã đứng trên Nhà nước, và HP thì làm sao nhân dân thông qua QH của mình để có thể luật hóa được sự lãnh đạo của đảng.

2, Tôi cũng nhất trí với anh ở một khía cạnh, và chỉ một khía cạnh thôi, xây dựng cho được một bản hiến pháp chuẩn và đẹp-đó không phải là điều quan trọng. Rằng quyền lập hiến nguyên thủy chỉ có giá trị sau những chính biến của lịch sử, và do đó điều cốt lõi phải ở công việc phê phán hiện thực bởi những hành động hiện thực. Xin nói thêm, tôi phê phán ông TMH khi ông nói về những mâu thuẫn nền tảng trong việc duy trì điều 4HP cũng nằm trong chiều nhận thức này.

Nhưng tôi và ông cũng cần nên hiểu rằng, không nên tuyệt đối hóa nhận thức đó khi ông cho rằng công cuộc góp ý sửa đổi HP hiện nay là một động thái kì cục của nhân dân, của các nhân sĩ, trí thức. Vì rằng:

a) những ý kiến, tâm nguyện đó của nhân dân chính là sự thể hiện, biểu hiện trực tiếp nguyện vọng và nhu cầu dân chủ của đời sống, là tiếng kêu đau đớn của thực tiễn lịch sử tự lộ ra, tự phát ra trong một thể chế chuyên quyền, đảng trị.

b) cái nhu cầu sinh động ấy sẽ trở thành những áp lực chân chính của lịch sử dội lên thái độ và quan điểm độc tài, độc quyền của giai tầng lãnh đạo. Đó sẽ là những giá trị tạo ra nội dung dân chủ của thời đại chúng ta. Theo ý nghĩa ấy, chính nhân dân, các tầng lớp nhân sĩ ,trí thức đang là những lực lượng, những chủ thể sáng tạo chân lí của lịch sử này. Nhân  đây tôi cũng nói thêm với anh là, chân lí không phải là cái gì ẩn lấp sâu, ở đâu đó có sẵn trong thực tại, còn chủ thể chỉ đóng vai trò tìm kiếm, phát hiện ra nó như các loại Duy thực, Duy vật luận của các thế kỉ trước quam niệm. Con người trong tính chủ quan-hiện thực của nó, nó đang tham dự tích cực vào trong quá trình hình thành, sáng tạo lên chân lí đời sống, chân lí của lịch sử này. Rằng họ xuất hiện ra hoàn toàn không còn như những quần chúng được hiểu như những bộ phận vật chất thụ động cần phải có các trí tuệ dẫn đường, lãnh đạo như họ đã xuất hiện ra trước đây trong lịch sử như thế...

Vì vậy với tư cách một người nghiên cứu, một chủ thể tham dự như ông, ông phải thấy đó là sự kiện tiến bộ, là hiện tượng tiến bộ cần phải được đem vào trong những cảm xúc, những thể hiện của mình cũng như trong những lí giải về đời sống cùng với những hành động thúc đẩy nó hơn nữa.

Trên đây là những ý kiến mong muốn chúng ta cùng trao đổi với nhau trên tinh thần tôn trọng, cùng chung sống của các quan niệm, niềm tin nơi mỗi chúng ta như một tồn tại đang...như là trong hành động, rằng đừng làm điều gì tổn hại tới dòng chủ lưu dân chủ của thời hiện đại đang dần lớn lên trong đời sống lịch sử còn nhiều đau thương của chúng ta. Chúc ông khỏe.
                                                                                    huycanh


Kính gửi ông Nguyễn Huy Canh,

Thưa ông, trước tiên tôi xin rất cảm ơn ông đã e-mail (ngày 06/03/2013) góp ý đối với bài trả lời phỏng vấn của tôi trên BBC Việt ngữ (Góp ý hiến pháp: hơn một sự ngộ nhận.)  Xin được thưa lại với ông như sau:

I.       Tôi xem lại tư liệu và tôi đã nhận ra sai lầm khi cho rằng ông “kỳ vọng vào luật hóa Điều 4. Trước tiên, tôi thành thật xin lỗi ông và mong ông hiểu đây là sự sơ suất ngoài ý muốn của tôi trong khi tìm hiểu. Tôi sẽ thực hiện đính chính[i] và xin lỗi ông công khai trên blog Như Cây Tre Việt Nam.

II.    Trong e-mail của ông có một số điểm tôi xin được trao đổi lại trên tinh thần tranh biện thẳng thắn như sau:

1.     Ông viết: “Người dân đã hiểu ra rằng “mọi quyền lực đều không đi ra từ những lá phiếu bầu của cử tri đều không chính danh” và với tôi xem đây là lộ trình cần thiết cho một quá trình cách tân của thực tiễn chính trị VN.

Tôi cứ tạm giả thiết nhận định này của ông là đúng, thì theo tôi trong sự “hiểu ra” này đã có sự lạc hậu khoảng ba thập niên về lý thuyết và kinh nghiệm về dân chủ tự do trên thế giới. Thưa ông, việc lấy lá phiếu của cử tri (dù là bầu cử phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, tự do và trung thực) làm tiêu chí cơ bản để đánh giá một xã hội (thể chế) dân chủ tự do là quan điểm thịnh hành vào thập niên 1980 của thế kỷ trước. Đến nay, quan điểm này đã được rút kinh nghiệm và bị phê phán (đại diện phê phán có thể kể ra là Samuel P. Huntington và Fareed Zakaria). Ngắn gọn thì có thể hiểu rằng: một chính quyền có thể là hoàn toàn chính danh (do bầu cử tự do tạo ra) nhưng chưa hẳn đã là một chính quyền mang lại tự do, nhân quyền cho nhân dân. 

Dĩ nhiên, kể cả cái chính quyền chính danh phi tự do này cũng đã là điều đáng ước mơ cho nhiều người Việt Nam chúng ta rồi. Do đó, tôi đồng ý với ông “lá phiếu cử tri tự do, bình đẳng và trung thực” có thể là bắt đầu cho lộ trình cách tân chính trị Việt Nam. Nhưng, chúng ta cũng không nên quên cái lợi thế của những nước dân chủ hóa muộn là việc được quyền không vấp lại những cái giá do phải lần mò của những nước đi trước nếu chúng ta cùng biết tìm hiểu và cùng gắng học tập, rút kinh nghiệm từ những nước đó.

2.     Ông viết: “không nên tuyệt đối hóa nhận thức đó khi ông cho rằng công cuộc góp ý sửa đổi HP hiện nay là một động thái kì cục của nhân dân, của các nhân sĩ, trí thức.

Tôi cho đây là một sự diễn dịch nhầm, có thể nói là quá xa so với nguyên văn phát biểu của tôi. Thưa ông, tôi không tuyệt đối hóa như ông viết. Tôi xin trích lại một phần nhận định của tôi: 

Với cái nền “rule of law”, cả từ đáy cho tới hiện tại, như thế thì sao có thể nói đến hiến pháp hay sửa hiến pháp được? Do đó, theo tôi, một cách thẳng thắn, nếu bàn đến xây dựng hay ủng hộ việc cải cách hiến pháp với chính quyền Việt Nam hiện tại là một việc làm kỳ cục, gần như vô ích hoặc hết sức ảo tưởng.” 

Như vậy nhận định này của tôi là trên phương diện mục đích tối thượng (hoặc tối ưu) và căn cứ vào thực tế hiển nhiên của hơn 60 đã năm qua và nhận định này nếu áp dụng vào hiện thực những ngày hôm nay của Việt Nam thì cũng chỉ đúng với một số cá nhân chứ không thể đúng đối với tất cả “nhân dân” hay tất cả “nhân sĩ, trí thức”. 

Tôi hiểu, bất kỳ cá nhân nào, kể cả bản thân tôi, khi áp dụng (đúng hoặc nhầm) nhận định đó vào bản thân mình cũng sẽ có cảm giác không dễ chịu. Nhưng đứng trên góc độ trách nhiệm phải cố tránh những sai lầm cho một dân tộc vốn đã phải chịu nhiều khổ đau vì ngộ nhận hoặc lừa gạt thì tôi nghĩ cảm giác không dễ chịu đó sẽ không còn quan trọng nữa. Tôi cũng hiểu việc tiếp cận chân lý và việc huy động, tập hợp dân chúng đều là hai việc quan trọng đối với một xã hội muốn thoát khỏi kìm kẹp, chia rẽ. Nhưng nếu chúng ta coi nhẹ, lãng quên hoặc đặt việc tiếp cận chân lý xuống dưới việc huy động dân chúng thì ngộ nhận hay lừa gạt, nhiều phần, sẽ lại chờ đón chúng ta. 

3.     Ông viết: “những ý kiến, tâm nguyện đó của nhân dân chính là sự thể hiện, biểu hiện trực tiếp nguyện vọng và nhu cầu dân chủ của đời sống

Đúng, đó có thể là biểu hiện của một “nguyện vọng và nhu cầu dân chủ”. Nhưng một nguyện vọng, một ước muốn dù khát khao đến mấy chưa đảm bảo cho việc có cách tiếp cận đúng (hoặc tối ưu) để đạt được ước muốn, nguyện vọng đó, đặc biệt khi không gian trao đổi về tư tưởng, ngôn luận còn hạn hẹp hoặc bị trấn áp.

Ngoài ra, câu này cũng lặp lại sự diễn dịch sai giống như tôi đã trình bày ở trên về cụm từ “của nhân dân”. Tôi nghĩ, chúng ta rất cần phải chia tay với lối mòn lâu nay trong việc gán từ “nhân dân” hay nhân danh “nhân dân” khi bày tỏ hay đánh giá ý kiến của bất kỳ nhóm người nào, dù là lớn nhỏ hay uy danh đến mấy, trong xã hội. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục dễ dàng ngộ nhận chân lý với số lượng và tiếp tục không thấy quyền lợi, ý kiến của thiểu số cũng cần phải được tôn trọng và có thể cũng rất quan trọng.

4.     Ông viết: “chân lí không phải là cái gì ẩn lấp sâu, ở đâu đó có sẵn trong thực tại, còn chủ thể chỉ đóng vai trò tìm kiếm, phát hiện ra nó như các loại Duy thực, Duy vật luận của các thế kỉ trước quan niệm.

Tôi xin bổ sung: Nhưng gọi được đúng tên và tìm được đúng “chân lý” vẫn mãi là vấn đề cần và phải tranh luận của con người.

5.     Ông viết: “Con người trong tính chủ quan-hiện thực của nó, nó đang tham dự tích cực vào trong quá trình hình thành, sáng tạo lên chân lí đời sống, chân lí của lịch sử này.

Tôi đồng ý và vui sướng vì ý nghĩ lạc quan này của ông về con người. Tôi chỉ xin bổ sung: nhưng con người cũng đừng nên quá vui, quá tự tín để quên mất con người có đặc tính sai lầm, kể cả nhầm về “chân lý” hoặc lầm về cách hình thành, sáng tạo “chân lý”.

6.     Ông viết: “rằng đừng làm điều gì tổn hại tới dòng chủ lưu dân chủ”.

Vâng, nếu thực sự và chính xác 100% có một “dòng chủ lưu dân chủ” ở Việt Nam thì mong ông hãy tin rằng chắc chắn tôi sẽ thuộc những người đầu tiên bảo vệ nó. Nhưng sẽ rất dễ sai lầm nếu ta mặc định hình thức/bản chất cho một sự vật, hiện tượng trước (hoặc trong) khi ta (còn đang) tìm hiểu để đánh giá đúng về chúng. Hơn nữa, theo tôi, ”bảo vệ” không luôn tương đương với “đồng ý”, cũng như “phản đối” không luôn tương ứng với “tổn hại”. Tuy vậy lo lắng này của ông, và chắc cũng là của nhiều người khác, tôi hoàn toàn chia sẻ.

Những ý kiến khác của ông tôi xin trân trọng cảm ơn và coi đó là một phản biện đối trọng, gợi ý học tập, chia sẻ hay là lời nhắc nhở, cảnh báo tích cực cho bản thân tôi trong công việc nghiên cứu hay trong sự mong muốn đóng góp chút gì đó cho tiến bộ chung của “lịch sử nhiều đau thương này.

Xin cảm ơn ông một lần nữa về sự góp ý thẳng thắn, lịch thiệp.

Kính chúc ông sức khỏe,

Phạm Hồng Sơn




[i] Đính chính đã được thực hiện trước khi bài này được đăng tải. Tôi (Phạm Hồng Sơn) chân thành xin lỗi quí vị độc giả vì sơ suất này.