Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Sẽ may hơn nếu có nhà độc tài vụng về




Gần đây báo chí độc lập của Việt Nam liên tục ghi nhận, phê phán, chế giễu những phát biểu kỳ khôi và kỳ cục của một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng là có ai mà không cảm thấy buồn, thấy tủi và nhục khi người đang giữ cương vị lãnh đạo quốc gia của mình lại cứ liên tiếp hùng hồn nói ra những thứ mà một người có hiểu biết bình thường cũng thấy rất ngô nghê. Tuy nhiên, những bình phẩm có tính chế giễu thái quá dễ làm cho công luận có cảm nghĩ rằng nhà lãnh đạo đó là người xấu nhất, đáng chê trách nhất trong hệ thống lãnh đạo hiện nay. Nếu xét về sự thận trọng, có lẽ cho đến nay, nhà lãnh đạo đó là chính trị gia hớ hênh nhất khi thể hiện trước công chúng. Nhưng nếu xét về độ chân thật, thì chắc khó có chính trị gia nào của Đảng Cộng sản Việt Nam chân thật được hơn nhà lãnh đạo đó.

Với kinh nghiệm trên nửa thế kỷ của một chế độ “nổi tiếng” về các kỹ thuật lấy lòng dân chúng, cùng với một hệ thống thư lại cũng “nổi tiếng” trong sự phục dịch kẻ có quyền, thì để một quan chức cao cấp có những phát ngôn suôn sẻ trước công chúng không phải là chuyện khó. Nếu ta nhớ lại hình ảnh của một nhà lãnh đạo khác, đã được phát khắp năm châu, bốn biển, cứ thỉnh thoảng lại ghé mắt nhìn vào mảnh giấy trên tay khi đàm đạo tay đôi với nguyên thủ nước người thì có thể thấy cái dở của nhà lãnh đạo kể trên chưa phải là quá tệ cho danh dự quốc gia, dân tộc. Ít nhất nhà lãnh đạo kể trên đã có sự độc lập, tự tin vào bản thân, đã dám nói ra đúng điều mình nghĩ. Ít nhất nhà lãnh đạo đó đã không cố che giấu hoàn toàn con người thật của mình.

Không ai dám chắc một lãnh đạo (trong một thể chế độc tài, độc đảng) có tài hùng biện, lôi cuốn quần chúng cũng có tấm lòng với nước với dân hơn một nhà lãnh đạo kém cỏi trong việc ăn nói. Nhưng điều chắc chắn là dân chúng sẽ vất vả hơn nhiều để nhận được ra bản chất độc tài của nhà lãnh đạo khéo léo đó. Hơn nữa, một thể chế chính trị, vốn đã cố che giấu mọi ý đồ thật của nó với dân chúng, sẽ tệ hại hơn rất nhiều nếu như tất cả các thành viên của nó đều cẩn trọng, kín đáo và giả tạo như nhau.

Trong khi một trong những giá trị của thể chế dân chủ cũng chỉ là để hạn chế tối đa những gian lận, che giấu, giả tạo của kẻ cầm quyền mà thôi. Vì vậy, một nhà lãnh đạo của một chế độ độc tài có những phát ngôn vụng về, kỳ cục chưa hẳn đã là người xấu nhất. Và nếu như những biểu hiện kỳ lạ của nhà lãnh đạo đó không phải là dấu hiệu của một trục trặc đặc biệt trong hệ thống chính trị thì ít ra nhà lãnh đạo đó cũng không thể để cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp lợi dụng, hòng che đậy và kéo dài thể chế chính trị phản nước, hại dân bằng những lời kêu gọi kiểu như “phải học tập” hay “phải đi theo con đường mà người đó đã chọn”. Rõ ràng đất nước sẽ may mắn hơn nếu phải sống dưới một chế độ độc tài nhưng kẻ độc tài là một người vụng về.

Phạm Hồng Sơn
12/10/2010