Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2009

Tranh luận về quyền lực cho tổng thống Mỹ




Ngày 01 tháng Sáu, Hội nghị tiếp tục tranh luận về vị trí điều hành cơ quan hành pháp[1].

Bản kế hoạch của Virginia đã gợi ra rất nhiều điểm gây tranh cãi. Bản kế hoạch cho rằng vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp phải do cơ quan lập pháp (quốc hội) lựa chọn. Trách nhiệm của vị trí này sẽ là thực thi các luật đã được quốc hội phê duyệt. Vị trí này sẽ đảm nhiệm trong một số năm xác định. Vị trí này sẽ chỉ được trả một khoản thù lao nhỏ.


Đó là những điểm làm cơ sở cho cuộc tranh luận. Phải mất vài tuần các đại biểu mới thảo ra được các chi tiết cho nhiệm vụ và quyền lực của vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp.

Dường như mọi đại biểu trong Hội nghị Philadelphia đều có ý kiến đối với chức vụ đứng đầu cơ quan hành pháp. Tất cả họ đều đã ít nhiều suy nghĩ về vấn đề này từ trước.

Gần như tất cả các đại biểu đều e sợ vị trí này sẽ được trao quá nhiều quyền lực. Hầu như không có ai muốn vị trí đứng đầu cơ quan điều hành nước Mỹ có quyền lực lớn như của một ông vua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra tin vào ý tưởng vị trí đứng đầu cơ quan điều hành quốc gia được giao cho một người. Trong khi một số khác yêu cầu vị trí đó phải do ba người đảm nhiệm.

James Willson của Pennsylvania lập luận ủng hộ ý tưởng một người. Ông cho rằng vị trí này cần sức mạnh và khả năng để có thể đưa ra những quyết định nhanh. Những yêu cầu này chỉ được thực hiện tốt nhất khi để một người thực hiện.

Edmund Randolph của Virginia lại phản đối quyết liệt. Ông này cho rằng để một người điều hành sẽ là mầm mống cho chế độ độc đoán quân chủ.

John Dickinson của Delaware nói rằng ông ta không phản đối ý tưởng về chế độ quân chủ, về một chính quyền do một ông vua đứng đầu. Ông cho rằng đó chính là một trong các chính quyền tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước Mỹ, ông ta nói, vua đã bị loại ra khỏi cuộc bàn luận rồi.

Cuộc tranh luận về qui mô của vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp đã tốn nhiều thời gian. Cuối cùng, các đại biểu đã bỏ phiếu để quyết định. Đại biểu đến từ bảy bang bỏ phiếu thuận cho ý tưởng một người điều hành. Ba bang bỏ phiếu chống.
Cuộc tranh luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi khác cho vấn đề này. Một trong số đó là về thời gian cho nhiệm kỳ. Người ở vị trí này nên giữ một nhiệm kỳ hay có thể được bầu lại.

Alexander Hamilton cho rằng cần có nhiệm kỳ dài. Ông lập luận rằng một tổng thống nếu chỉ giữ quyền trong một hoặc hai năm, nước Mỹ sẽ có rất nhiều cựu tổng thống và những người này, ông nói tiếp, sẽ đánh nhau vì quyền lực. Như thế sẽ tai hại cho hòa bình của đất nước.

Benjamin Franklin lại ủng hộ cho việc được bầu lại. Ông cho rằng nhân dân chính là người cầm quyền của một nước cộng hòa. Và tổng thống chỉ là người phục vụ nhân dân. Do đó, nếu người dân muốn bầu lại một tổng thống bao nhiều lần thì đó là quyền của người dân.

Các đại biểu cũng tranh luận về hai đề nghị. Một là cho một nhiệm kỳ 03 năm với khả năng được bầu lại. Đề nghị kia là chỉ một nhiệm kỳ kéo dài 07 năm. Kết quả bỏ phiếu rất sít sao. Đại biểu của năm bang ủng hộ nhiệm kỳ 07 năm. Bốn bang kia chống lại. Vấn đề này sau đó vẫn tiếp tục được bàn thảo suốt Hội nghị. Cuối cùng, trong văn kiện tổng kết, Hội nghị đã thống nhất cho nhiệm kỳ tổng thống là 04 năm và có khả năng được bầu lại.

Câu hỏi tiếp theo là làm cách nào để chọn được người đứng đầu cơ quan hành pháp. Đây là một vấn đề rất khó khăn. Hội nghị phải trải qua nhiều cuộc tranh luận, bỏ phiếu, rồi lại tranh luận, lại bỏ phiếu, lại tranh luận. James Willson đề nghị tổng thống sẽ do các đại diện đặc biệt của dân bầu ra gọi là các đại cử tri. Đại cử tri lại được chọn ra từ các quận, vùng đã được thiết kế cho phù hợp với mục đích này.

Nhiều đại biểu không đồng ý với ý kiến này, họ cho rằng hiểu biết của người dân chưa đủ để có lựa chọn tốt những đại cử tri. Những đại biểu này nói rằng kế hoạch đó rất khó thực hiện và rất tốn kém.

Có một đại biểu đưa ra ý tưởng tổng thống sẽ được thống đốc các bang bầu ra. Các thống đốc của bang lớn sẽ có nhiều phiếu bầu hơn các bang nhỏ. Không có ai ủng hộ ý tưởng này, nhất là các đại biểu đến từ các bang nhỏ. Ý tưởng này bị bác bỏ ngay.

Lại có một đề xuất là tổng thống do người dân trực tiếp bầu ra. Elbridge Gerry của Massachusetts bị sốc ngay vì ý tưởng này.

“Người dân không hiểu được những vấn đề như thế này,” Elbridge Gerry nói. “Một vài kẻ gian xảo sẽ dễ dàng đánh lừa người dân ngay. Cách tai hại nhất để chọn ra tổng thống là để người dân bỏ phiếu bầu.”

Thế là các đại biểu đồng ý để cơ quan lập pháp bổ nhiệm tổng thống. Nhưng sau đó họ lại bỏ phiếu chống lại phương pháp này và nói rằng để cho quốc hội các bang chọn ra các đại cử tri để bầu tổng thống. Nhưng sau đó, cách này cũng không được chấp nhận khi đưa ra bỏ phiếu. Cuộc tranh luận lại tiếp tục chuyển sang cách bầu trực tiếp thông qua người dân.

Hội nghị đã phải làm sáu mươi cuộc bỏ phiếu về vấn đề này. Và cuối cùng toàn Hội nghị đã đồng ý để vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp (tổng thống) được bầu thông qua các đại cử tri do quốc hội của các bang chọn ra.

Vậy là, có người lên tiếng, chúng ta đã định xong cách chọn ra tổng thống. Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu tổng thống làm những điều có hại sau khi được nắm quyền? Chúng ta cần có cách để phế truất tổng thống.

Đúng thế, cả Hội nghị cùng tán thưởng. Cần phải có cách để đưa ra luận tội tổng thống, xét xử tổng thống và nếu ông ta được chứng minh là có tội, sẽ phế truất ông ta. Thống đốc Morris của Pennsylvania lên tiếng ủng hộ việc luận tội. Ông nói rằng một tổng thống có thể phản bội niềm tin của dân chúng khi bị một thế lực lớn nào đó tác động.

Các đại biểu đã phê chuẩn đề xuất phế truất tổng thống khi bị chứng minh đã phạm vào tội hối lộ, phản bội hoặc các tội nguy hiểm khác.

Vấn đề quan trọng cuối cùng liên quan tới vị trí tổng thống là quyền phủ quyết các quyết định của quốc hội.

Trước đó, không đại biểu nào muốn trao cho tổng thống toàn quyền bác bỏ các luật. Nhưng đến lúc này các đại biểu đã cảm thấy tổng thống nên có tiếng nói trong quá trình làm luật. Nếu không có tiếng nói đó, họ nói, vị thế của tổng thống sẽ rất ít ý nghĩa. Và quốc hội sẽ có quyền lực như một kẻ độc tài.

James Madison đề nghị một giải pháp: Tổng thống nên có quyền phủ quyết luật, nhưng quyền đó sẽ bị bác lại nếu đa phần thành viên quốc hội bỏ phiếu ủng hộ thêm một lần nữa.

Văn kiện tổng kết của Hội nghị đã liệt kê thêm các chi tiết cho vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp (tổng thống). Ví dụ, tổng thống phải là người được sinh ra tại Mỹ hoặc là công dân Mỹ vào lúc Hiến pháp được công nhận. Người làm tổng thống phải sinh sống tại Mỹ được ít nhất 14 năm. Tuổi của tổng thống phải ít nhất là 35.

Tổng thống được trả lương. Nhưng mức lương không được tăng hoặc giảm trong thời gian đương chức. Tổng thống sẽ là tổng chỉ huy quân đội. Và thường kỳ, tổng thống phải báo cáo cho quốc hội về tình trạng của toàn liên bang.

Văn kiện tổng kết Hội nghị cũng định ra những diễn từ cho lời tuyên thệ nhậm chức của tổng thống. Cứ bốn năm một lần, từ hơn hai trăm năm nay, mỗi tổng thống đều cất lên lời thề sau:

“Tôi xin long trọng tuyên thệ, tôi sẽ thực thi trách nhiệm của Tổng thống Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ một cách trung thực và tôi sẽ, bằng mọi khả năng của mình, gìn giữ, bảo vệ và che chở Hiến pháp của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.”

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.


Tháng 01/2009



[1] Hội nghị lập Hiến của Mỹ diễn ra từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787 tại Philadelphia. Hội nghị bàn nhiều vấn đề về xây dựng một cấu trúc mới cho chính quyền liên bang Mỹ sau 11 năm tuyên bố Độc lập khỏi sự đô hộ của Anh quốc. Bản dịch (chương trình này của VOA) chỉ đề cập một trong các vấn đề quan trọng. (ND)

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2009

Kích cầu chính trị cho kinh tế Việt Nam


Kinh nghiệm thế giới

Làm tăng nhu cầu cho các nghành kinh tế (kích cầu kinh tế) là phương thuốc có tính kinh điển luôn được nghĩ đến khi một nền kinh tế mắc căn bệnh suy thoái. Mục đích của kích cầu kinh tế có biểu hiện bên ngoài là nhằm vực dậy các nghành sản xuất nội địa, tạo thêm việc làm cho dân chúng để nhắm đến một mục tiêu chính yếu và lâu dài là duy trì và tiếp tục nâng cao đời sống của người dân nói riêng và phúc lợi xã hội nói chung. Vì vậy mọi chính quyền hay nhà nước có chế độ chính trị khác nhau từ trước đến nay đều vận dụng phương thuốc kích cầu kinh tế bằng cách tăng cường đầu tư, trợ giúp bằng nguồn tài chính của nhà nước (ngân sách, vốn huy động do nhà nước) cho nền kinh tế đang suy thoái. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929, Kế hoạch Marshall (Kế hoạch phục dựng châu Âu) sau chiến tranh thế giới II, cuộc khủng hoảng tài chính tại Đông Nam Á 1997 và đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại đều xuất hiện ngay những chương trình đại cứu trợ hay đại đầu tư của nhà nước như chương trình kích cầu New Deal của Franklin D. Roosevelt trị giá hàng chục tỷ USD vào những năm 1933, 1935 hay các gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ USD đang diễn ra khắp thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó là một yếu tố ít được chú ý nhưng lại có vai trò quyết định cho thành công của các chương trình kích cầu kinh tế là sự giám sát chặt chẽ các cơ quan công quyền – những cơ quan sẽ triển khai và quản lý trực tiếp các chương trình kích cầu. Quan sát các xã hội đã có các chương trình kích cầu kinh tế thành công (đời sống xã hội giàu hơn, công bằng hơn và bền vững hơn sau khủng hoảng) như Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Tây Đức (cũ),.. có thể thấy tính giám sát các cơ quan công quyền chỉ được thực hiện hiệu quả khi có sự độc lập trong ba nghành quyền lực của hệ thống công quyền là lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (các cơ quan tư pháp và hệ thống tòa án) cùng với sự độc lập của báo chí.

Sự độc lập giữa ba nghành quyền lực của hệ thống công quyền có ý nghĩa tạo ra sự tự giám sát lẫn nhau ngay trong hệ thống. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì quyền lực luôn có tính kiêu ngạo và tha hóa dẫn đến những sai lầm hay thông đồng nhằm trục lợi cá nhân dưới những vỏ bọc rất chính đáng, vì thế vẫn cần một sự độc lập khác để giám sát cả hệ thống công quyền, đó chính là tính độc lập của báo chí. Thực tế đã cho thấy, nếu những người chuyên nghề săn tìm tin tức (phóng viên) không được tự do tiếp cận, tìm hiểu đầy đủ các thông tin hay không thể (vì không được phép hoặc bị đe dọa) phản ánh mọi nghi vấn, thắc mắc về hoạt động của các cơ quan công quyền thì các đại biểu quốc hội hay mọi cơ quan giám sát chắc chắn cũng không thể có đủ thông tin để giám sát. Khi đó việc giám sát của xã hội, của người dân đối với các cơ quan công quyền là điều không thể, dù có cải cách hay lập ra nhiều hơn nữa các cơ quan giám sát cũng vô ích. Vì lẽ đó, nhân dân các nước đã phát triển dẫu có trải qua nhiều biến loạn chính trị hay suy thoái kinh tế cũng không bao giờ chấp nhận để mất tính độc lập của báo chí và mất tính độc lập của ba nghành quyền lực trong hệ thống công quyền. Sự đảm bảo chắc chắn cho các tính độc lập này chính là hệ thống chính trị dân chủ thừa nhận các quyền tự do căn bản của người dân về tự do báo chí (được ra báo tư nhân), về tự do hội họp, sinh hoạt cộng đồng, và tự do chính trị (được lập các đảng phái khác nhau),...

Thực trạng bi quan Việt Nam

Đối với Việt Nam hiện nay, tình hình suy giảm kinh tế đang ngày càng rõ hơn với nhiều dấu hiệu trầm trọng khó lường. Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phải đưa ra dự báo « tiêu cực » về số người sẽ mất việc đến hàng trăm nghìn trong năm 2009. Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam công bố gói kích cầu kinh tế 06 tỷ USD (tăng 06 lần so với dự kiến ban đầu). Bên cạnh những an tâm, vui mừng của một số người đối với gói kích cầu 6 tỷ USD của Chính phủ, là rộ lên sự lo lắng, băn khoăn của nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế và những người quan tâm về các vấn đề như nguồn tiền lấy từ đâu, kích cầu vào đâu, kích như thế nào,...có cả những quan ngại thẳng thắn về «giậu đổ, bìm leo» hòng « xin rót tiền » vào « túi ai đó ». Những thông tin đó cho thấy việc kích cầu đê cứu nền kinh tế Việt Nam tránh khỏi khủng hoảng và suy thoái không chỉ là mong muốn của người dân mà còn là quyết tâm chính trị của những người đang lãnh đạo đất nước, vì bất kể nhà lãnh đạo nào (dù độc đoán đến mấy) cũng không muốn có một nền kinh tế khủng hoảng, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tính giám sát các cơ quan công quyền của Việt Nam hiện đang rất yếu vì cả ba nghành quyền lực công đều nằm dưới sự chỉ đạo của một đảng chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam) và các cơ quan công quyền gần như hoàn toàn nằm ngoài sự giám sát của dân chúng, do báo chí thiếu tính độc lập (cũng do Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo). Đó chính là vật cản chủ yếu cho các quyết tâm của lãnh đạo nhằm thực hiện hiệu quả kích cầu để cứu nền kinh tế.

Một vài điểm cụ thể sẽ thấy gói 06 tỷ USD đang rất đơn độc trước sự nhăm nhe của nhiều lợi ích cục bộ và cá nhân đang vây quanh. Theo hành trình luật pháp và kinh nghiệm của thế giới, quá trình hình thành một chính sách của Chính phủ phải được dựa trên các nghiên cứu, trao đổi, tích hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân tư vấn độc lập (trong hoặc ngoài nước). Tiếp theo, chính sách đó phải được đưa qua Quốc hội (cơ quan đại diện tối cao của dân) để thẩm định và nhận quyết định (thông qua hoặc đề nghị sửa đổi hoặc bác bỏ). Sau đó, nếu được thông qua sẽ là một quá trình triển khai dưới sự theo dõi của các cơ quan giám sát. Tất cả các quá trình đó đều phải được soi rọi thường trực qua hệ thống báo chí tự do luôn theo sát và cập nhật liên tục thông tin cho công chúng. Với tình hình Việt Nam hiện nay có thể thấy mọi yếu tố vừa kể đều yếu hoặc không có. Nhân sự của cơ quan công quyền đang phải chịu hội chứng « chảy máu chất xám » từ nhiều năm qua. Có những khuyến cáo của các tổ chức tư vấn rất uy tín và thân thiện như Havard Kennedy School cũng chưa được đón nhận nhiệt tình thì nói gì đến các chuyên gia tư vấn độc lập người Việt Nam và Việt kiều. Trong khi Quốc Hội vẫn chưa dám lên tiếng về vấn đề tối thiêng liêng của đất nước là lãnh thổ quốc gia đang bị Trung Quốc xâm lấn hoặc đã phải nhấn nút chấp thuận cho Thăng Long-Hà Nội kéo lên tận Hòa Bình thì khó có thể hy vọng Quốc hội có đủ dũng khí trong vấn đề kinh tế. Và đến nay ít ai còn dám lạc quan tin vào các cơ quan giám sát của Chính phủ hay của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mọi vụ tham nhũng lớn đã phát hiện đều do người dân tố giác và dư luận vẫn chưa hết «bàng hoàng» sau khi một loạt các nhà báo và cơ quan điều tra chống tham nhũng bị trừng phạt trong vụ PMU18.

Giải pháp là kích cầu chính trị

Tuy nhiên, sẽ không quá bi quan khi dám nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết từng bước vì đã có những chuyện tưởng chừng không thể nhưng đã là những thành tựu của xã hội lần đầu tiên đạt được tại «Thái Hà», «Khâm Sứ», «19-12» và ngay cả các chế độ chính trị dân chủ trưởng thành cũng đang phải tăng cường, hoàn thiện các thiết chế giám sát sau các vụ bê bối như « Subprime » (bản chất là quá tin tưởng tới mức mất sự giám sát thông tin khi đầu tư bất động sản), vụ Madoff hay vụ lừa đảo tại Société Générale (bản chất cũng là đặt niềm tin thiếu giám sát),... Như vậy, nếu nhìn với con mắt lạc quan như mong muốn thường có để chuẩn bị đón một mùa xuân mới sắp đến, giải pháp hiệu quả cho các vấn đề kinh tế, xã hội trầm trọng của Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề khó tìm, đó chính là một quyết tâm cải cách hệ thống chính trị độc đảng từng bước sang hệ thống chính trị đa đảng – dần thừa nhận mọi quyền tự do thông tin, tự do chính trị,... cho người dân. Đó chính là nhu cầu chính trị cho một nền kinh tế hiệu quả, một xã hội phát triển bền vững trên tình thân ái, đủ để chủ động đối phó với mọi cuộc suy thoái kinh tế hay chèn ép của ngoại bang. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, giải pháp cơ bản hiện nay chính là phải kích cầu chính trị cho xã hội Việt Nam, làm cho mọi tầng lớp dân chúng thấy rõ và thể hiện khát khao sở hữu một hệ thống chính trị dân chủ có những ưu việt hơn hẳn hệ thống chính trị độc đảng hiện thời. Dĩ nhiên, kích cầu chính trị cũng có những cách khác nhau và nó cũng có độ trễ về hiệu quả như một số kích cầu kinh tế. Do đó, kích cầu chính trị chính là điều cần phải thúc đẩy song hành với những lo lắng, ưu tư hiện nay về kinh tế của Việt Nam.


Phạm Hồng Sơn
12/01/2009
(Giáp Tết Kỷ Sửu)