Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Cân bằng quyền lực giữa các bang của Mỹ


Cuối cùng, Hội nghị [1] đã đạt được nhất trí cho nghành tư pháp quốc gia. Các đại biểu đã thông qua việc thiết lập một Tòa án Tối cao và Quốc hội liên bang sẽ đảm trách việc xây dựng hệ thống tòa án quốc gia cấp dưới. Lãnh đạo hành pháp (tổng thống) sẽ bổ nhiệm các thẩm phán. Các tòa án đó sẽ phân xử các vấn đề liên quan tới luật quốc gia (của toàn liên bang-ND), các quyền của công dân Mỹ và các vi phạm của người nước ngoài trên đất Hoa Kỳ.

Hệ thống tòa án hiện tại ở các bang sẽ tiếp tục giải quyết các vụ việc liên quan tới pháp luật của từng bang.

Hội nghị đã nghe trình bày nhiều dự án về mô hình chính quyền quốc gia. VirginiaNew Jersey đã trình bày các dự án của họ. Riêng Alexander Hamilton đưa ra dự án thứ ba, trong đó chính quyền quốc gia có quyền lực gần như không giới hạn.

Các ý tưởng của Alexander Hamilton đều không được hưởng ứng. Sau bài diễn văn dài 05 giờ đồng hồ, một đại biểu nói: “Ai cũng khâm phục Hamilton. Nhưng không ai ủng hộ được các ý tưởng đó.”

Các đại biểu đã phải bỏ phiếu để bác bỏ Dự án New Jersey. Nhưng dự án của Hamilton không được đem ra bỏ phiếu. Từ đó trở đi, tất cả các tranh luận chỉ xoay quanh dự án của Virginia.

Các đại biểu bắt đầu thảo luận về việc lập ra một cơ quan lập pháp quốc gia (quốc hội-ND). Đây là vấn đề được tranh luận gay gắt nhất trong Hội nghị. Câu hỏi về sự đại diện bình đẳng trong quốc hội đã được Hội nghị đưa ra thảo luận. Liệu các bang nhỏ và lớn có cùng tiếng nói như nhau trong chính quyền trung ương?

Một đại biểu đã mô tả thực trạng như sau: “Sự thật thì các tranh luận của chúng ta ở đây chỉ là đấu tranh cho quyền lực chứ không phải cho tự do. Các bang nhỏ có thể sẽ phải bớt quyền lực cho các bang lớn trong quốc hội. Nhưng những người sống ở các bang nhỏ vẫn có các tự do như những người sống ở các bang lớn.”

Vấn đề này đã làm tình hình trở nên hết sức nguy kịch. Một hôm, đại biểu Gunning Bedford của Delaware đã hét thẳng vào các đại biểu đến từ các bang lớn: “Thưa các ngài, tôi không tin các ngài. Nếu các ngài cố tình đè bẹp các bang nhỏ, các ngài sẽ phá tan cả liên bang đấy. Và nếu các ngài cứ cố tình, sẽ có ngay một đồng minh nước ngoài tử tế và đáng trọng hơn đưa họ đi và mang công lý tới cho họ.”

Cuộc tranh luận về cách đại diện trong quốc hội, giữa bang lớn với bang nhỏ, đã kéo dài suốt mấy tuần lễ trong mùa hè năm đó tại Philadenphia. Các đại biểu phải bỏ phiếu để đánh giá các đề án, rồi lại tranh luận các đề án khác, rồi lại bỏ phiếu. Đến đầu tháng Bảy năm đó, vẫn chưa tìm được sự nhất trí nào tốt hơn hồi tháng Năm. Như một đại biểu đã than thở: ”Hình như chúng ta đang ở trong tình trạng kẹt cứng.”
Sau đó các đại biểu phải làm theo cách mà các tổ chức lớn vẫn thường làm khi không thể tìm được sự nhất trí. Họ bỏ phiếu để bầu ra một ủy ban với mục đích để tìm một sự thỏa hiệp cho vấn đề đại diện trong quốc hội. Ủy ban với cái tên “ Ủy ban Ưu tú” sẽ phải làm việc trong các ngày tiếp theo, trong khi số đại biểu còn lại sẽ nghỉ ngơi, tận hưởng ngày lễ mồng Bốn tháng Bảy.

04 tháng Bảy là ngày công bố bản Tuyên ngôn Độc lập - là ngày lễ quốc gia tại Hoa Kỳ. Ngày lễ năm đó đánh dấu 11 năm sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, thoát khỏi sự cai trị của người Anh. Đó là ngày dành để chiêm ngưỡng các lễ diễu hành, pháo hoa và thưởng thức những lời ca yêu nước. Lễ kỷ niệm còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Philadelphia. Đó là thành phố nơi bản Tuyên ngôn Độc lập được ký kết. Và bây giờ là nơi đang tạo ra mô hình mới cho quốc gia.

Vị chủ tich Hội nghị, George Washington, đã dẫn đầu một đoàn đại biểu tới dự lễ kỷ niệm tại một nhà thờ của Philadelphia. Ở đó, họ đã được nghe một bài diễn văn dành riêng cho họ, trong đó có đoạn:
“Cả nước hiện đang rất hồi hộp trông ngóng nơi quí vị,. Tương lai của đất nước đang tùy thuộc vào quyết định của quí vị. Cả nước tin rằng những người con của mình như quí vị, những người đã lãnh đạo cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập, sẽ tìm ra được một chính quyền có khả năng mang lại những điều tốt lành cho mọi người Mỹ.” “Chắc chắn là chúng ta đang có những người hiểu về cách tổ chức chính quyền, có những người có khả năng giải quyết được mọi vấn đề. Chắc chắn, chúng ta sẽ có đủ khả năng để tạo ra một mô hình chính quyền bảo vệ được những tự do mà chúng ta mới giành được.”

Đúng là các đại biểu đang rất cần nghe những lời khích lệ như thế. Chỉ vài ngày trước đó, Benjamin Franklin đã biểu hiện sự bi quan về Hội nghị: “Hình như chúng ta còn thiếu nhiều kiến thức về chính trị, chúng ta đang bị luẩn quẩn trong vấn đề này. Chúng ta đã xem xét đến các mô hình chính quyền thời cổ đại. Chúng ta đã nghiên cứu các mô hình chính quyền cộng hòa xưa cũ. Chúng ta cũng xem cả các mô hình nhà nước hiện đang có khắp châu Âu. Nhưng chúng ta đã không tìm thấy mô hình nào phù hợp với tình hình hiện nay của chúng ta.”

Franklin còn kêu gọi Hội nghị nhờ đến sự giúp đỡ của Thượng Đế. Ông nói rằng mỗi buổi họp nên bắt đầu bằng một lễ cầu nguyện.

Nhưng Hugh Williamson của North Carolina đã nhanh chóng dập tắt ý tưởng của Franklin bằng lý lẽ đơn giản là Hội nghị không có tiền để trả cho mục sư làm lễ cầu nguyện.

Hội nghị quay trở lại làm việc vào ngày mồng Năm tháng Bảy. Các đại biểu cùng nghe một báo cáo của Ủy ban Ưu tú về sự đại diện trong quốc hội. Bản báo cáo đưa ra hai đề xuất. Ủy ban nói rằng cả hai đề xuất sẽ phải được cùng chấp nhận hoặc cùng bị bác bỏ.

Bản báo cáo đưa ra mô hình cơ quan lập pháp gồm hai viện. Đề xuất thứ nhất đề nghị sự đại diện ở một viện dựa theo số dân. Mỗi bang sẽ có một đại diện cho mỗi 40.000 dân trong bang đó.

Đề xuất thứ hai đề nghị sự đại diện trong viện thứ hai là giống nhau. Mỗi bang sẽ có cùng một số đại diện như nhau.

Trước đó Hội nghị cũng đã bỏ phiếu cho mô hình quốc hội có hai viện, nhưng không đạt được nhất trí về số lượng đại diện của mỗi bang sẽ có trong mỗi viện và cũng không thống nhất được cách bầu ra các đại diện.

Các đề xuất của Ủy ban Ưu tú đưa ra ngày mồng Năm tháng Bảy chính là đề xuất đã được đại biểu Roger Sherman của Connecticut trình bày vào tháng trước. Sau này, những đề xuất đó đã được gọi với cái tên là “Đại thỏa hiệp”.

Các đại biểu mất nhiều ngày để tranh luận về cách thỏa hiệp. Họ biết rằng nếu không đạt được nhất trí, Hội nghị sẽ thất bại. Đó thực là những ngày u ám tại Philadelphia.

Sau này, đại biểu Luther Martin của Maryland cho biết những gì mà các báo đưa tin về sự nhất trí của Hội nghị là không đúng sự thật. “Hội nghị suýt nữa thì tan vỡ,” Martin nói. “Cơ hội để chúng tôi ngồi lại với nhau lúc đó chỉ còn hết sức mỏng manh.”

Trước đó, các đại biểu Robert Yates và John Lansing của New York đã bỏ về để phản đối Hội nghị. Nhưng George Mason của Virginia đã tuyên bố ông sẽ chết ở đây nếu phải rời bỏ Hội nghị mà không đạt được một nhất trí nào đó.

Ngay cả George Washington cũng cảm thấy thất vọng. Ông đã viết thư cho Alexander Hamilton, người vừa tạm quay về New York: “Tôi rất buồn là ông đã đi rồi. Các tranh luận của chúng ta hiện nay, nếu còn có thể, lại đang xấu hẳn đi. Rất khó nhất trí về cách tạo ra một chính quyền tốt. Tôi đã mất gần hết hy vọng cho thành công của Hội nghị rồi. Và tôi thấy tiếc là tôi đã đồng ý tham dự vào Hội nghị.”

Trong mùa hè năm 1787, các đại biểu cũng đã tranh cãi rất lâu và căng thẳng về việc trao bao nhiêu quyền cho chính quyền trung ương. Nhưng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất của Hội nghị.
Nhiều năm sau đó, James Madison đã nói vấn đề nghiêm trọng nhất của Hội nghị là việc quyết định cách thức đại diện và biểu quyết của các bang trong chính quyền quốc gia (liên bang-ND). Đây chính là vấn đề gây nhiều khó khăn nhất cho việc thảo ra được bản Hiến pháp.
(còn nữa)

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 04/2009


[1] Hội nghị lập Hiến của Mỹ diễn ra từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787 tại Philadelphia. Hội nghị bàn nhiều vấn đề về xây dựng một mô hình mới cho chính quyền liên bang Mỹ sau 11 năm tuyên bố Độc lập khỏi sự đô hộ của Anh quốc.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Một phiên tòa gợi nhớ một phiên tòa


Ngày 06 tháng 06 năm 1931 cảnh sát Anh tại Hồng Công đã bắt được một yếu nhân của Quốc tế Cộng sản III – một tổ chức được liệt vào hàng cực kỳ nguy hiểm tới an ninh của các thuộc địa Anh và Pháp quốc trên toàn thế giới vào lúc đó. Tuyên ngôn Cộng sản có ghi rõ « ...giai cấp vô sản sẽ là người đào mồ chôn Chủ nghĩa Tư bản...và công khai tuyên bố rằng mục đích của họ là dùng bạo lực lật đổ trật tự xã hội hiện hành. »

Người bị bắt là Tống Văn Sơ tức Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc, nhân viên cao cấp của Quốc Tế Cộng sản III được điều sang hoạt động tại vùng Đông Dương (theo hồ sơ của cơ quan mật thám Pháp). Với thân phận chỉ là người dân bản xứ của thuộc địa Pháp tại Đông Dương và lại bị sa lưới nơi đất khách quê người, cùng với số đồng chí thân cận và có khả năng hỗ trợ cho Tống Văn Sơ tại Hồng Công lúc đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay và bản thân họ cũng phải luôn lẩn tránh sự truy lùng ráo riết của các mật thám Pháp và Anh, tính mạng của Tống Văn Sơ thực đã bị rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Chưa kể, Tống Văn Sơ lại đang là đối tượng bị truy nã án tử hình do tòa án tại Đông Dương đã tuyên vắng mặt vào năm 1929 vì những hoạt động bị cho là kích động bạo loạn. Có lẽ lúc đó, Hồ Tùng Mậu, người lĩnh trách nhiệm đi nhờ luật sư người Anh Frank Loseby để bào chữa cho Tống Văn Sơ cũng không thể hy vọng nhiều có thể giải thoát được cho Tống Văn Sơ.

Nhưng cuối cùng, như chúng ta đều biết, Tống Văn Sơ đã được tuyên là vô tội trước tòa án Hồng Công và an toàn rời Hồng Công để trở về tiếp tục con đường đấu tranh bạo lực mà ông đã theo đuổi. Tư liệu lịch sử có kể lại vụ án đã được đưa ra tòa tới chín lần, với nhiều tình tiết gay cấn, kịch tính và vô cùng khó khăn để buộc quan tòa phải tuyên Tống Văn Sơ vô tội chiểu theo pháp luật Anh quốc lúc đó và chỉ được trục xuất theo một hạn định có lợi cho Tống Văn Sơ.

Nhưng cái đáng kể trong vụ án và phiên tòa chính là các luật sư được hoàn toàn tự do tác nghiệp. Và phán quyết vô tội của tòa hoàn toàn chỉ do tài tranh biện, sự thấu hiểu pháp luật và tài ứng đối thuyết phục của luật sư trước mọi mưu toan kết tội đã có sẵn của chính quyền Anh tại Hồng Công, có sự câu kết với chính quyền Pháp tại Đông Dương. Những kẻ cầm quyền có mưu đồ xấu của cả hai chính quyền thực dân khét tiếng, cuối cùng, đã phải lắng nghe lý lẽ, đã chịu nghe ra lẽ phải và đã chấp nhận tuân thủ luật pháp, cho dù một cách khiên cưỡng. Kẻ cầm quyền của chế độ thực dân cách đây hơn ba phần tư thế kỷ đã biết hổ thẹn trước Lẽ phải và nhường bước trước Công lý.

Trở lại với hiện tại. Phiên phúc thẩm dành cho tám bị cáo Công giáo vào ngày 27 tháng Ba tới đây tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội – Tòa án của chính thể nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (do cựu tù nhân Tống Văn Sơ năm xưa dựng lên tại Việt Nam cách đây hơn 60 năm) liệu có chứng tỏ biết nghe lý lẽ, chịu nghe lẽ phải và biết tuân thủ pháp luật hơn chính quyền thực dân năm xưa hay không? Lẽ nào người Việt của chúng ta lại cư xử với nhau tệ hơn người ngoại chủng? Lẽ nào chế độ chính trị do chính người Việt chúng ta nắm giữ lại thô bỉ hơn chế độ thực dân? Lẽ nào?

Phạm Hồng Sơn
24/03/2009
(Ghi chú: trong bản đăng đầu tiên trên dcctvn.net ngày 24 tháng 03, đoạn cuối có 01 từ khác so với bản này (được đăng trên các web khác sau đó 1 ngày): Lẽ nào chế độ chính trị do chính người Việt chúng ta nắm giữ lại dã man hơn chế độ thực dân?)

Trao đổi ngỏ gửi Ông Dương Trung Quốc, tác giả bài viết «Những người đi theo cách mạng ».

Hà nội, ngày 23 tháng 03 năm 2009

Kính gửi Ông Dương Trung Quốc,

Vừa rồi tôi có đọc bài viết «Những người đi theo cách mạng » của ông đăng trên Lao Động cuối tuần số 12 năm 2009. Tôi xin được trao đổi với ông một số chi tiết sau:

  1. Ông có viết: «Lịch sử hiện đại nước ta luôn được quan niệm là lịch sử cách mạng. Vì xuyên suốt thế kỷ XX vừa qua là cả một trường kỳ, một chuyển đổi chính trị to lớn làm thay đổi một cách căn bản diện mạo của đất nước từ xã hội truyền thống sang hiện đại, từ khép kín trong thế giới Trung Hoa sang đối chọi với chủ nghĩa thực dân phương Tây, rồi hội nhập với những trào lưu chính trị thế giới và cuối cùng là xây dựng một thể chế cộng hòa, xác lập nền độc lập và thống nhất quốc gia bằng cách mạng và chiến tranh cách mạng...Cách mạng Tháng Tám 1945 hiện diện trong lịch sử dân tộc như một cái mốc quyết định của sự chuyển đổi, như một cái bản lề mở ra một cánh cửa mới, như một động thái « bẻ ghi » hướng con tàu của đất nước sang một hướng đi hoàn toàn khác trước. Cuộc cách mạng ấy không chỉ gạt bỏ cái ách thống trị của ngoại bang, giành độc lập như tổ tiên đã từng làm trong lịch sử, mà quan trọng hơn hết là nó đã chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ đã tồn tại cả ngàn năm, mở ra một sự lựa chọn mới cho dân tộc trên nền tảng của một thể chế Dân chủ-Cộng hòa. » (tôi xin nhấn mạnh bằng những chữ in đậm)
- Tôi không nghĩ cái « xã hội hiện đại » được xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là đáng ca ngợi hơn cái « xã hội truyền thống » của ông cha ta trước đây. Chỉ căn cứ vào một tiêu chí có tính nền tảng của mọi xã hội là tính trung thực, thì cái « xã hội hiện đại » đó đã không vượt qua được cái « xã hội truyền thống » trước đó. Vì nếu như trong « xã hội truyền thống » trước đó, các thư lại, quan quân của triều đình phải phục tùng vua một cách tuyệt đối thì trong cái « xã hội hiện đại » sau năm 1945 đó, các cán bộ nhà nước cũng phải phục tùng tuyệt đối mọi chỉ đạo của Đảng (Lao động hay Cộng sản Việt Nam). Và trong « xã hội truyền thống » trước đó, sự tiết tháo giữ gìn liêm sỉ của các công chức nhà nước (nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay) trước sự hách dịch, suy đồi, hủ bại của kẻ có quyền vẫn còn là một truyền thống. Cuộc sống phú quí thì con người ở thời nào cũng muốn, nhưng trong « xã hội truyền thống » vẫn có nhiều công chức sẵn sàng dứt bỏ phú quí, rũ áo từ quan chịu cảnh nghèo túng để giữ lấy liêm sỉ như Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Khuyến,... hay giữ thái độ cương trực của kẻ sĩ như Lê Sĩ Nghị, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hữu Huân,...Thử hỏi hệ thống cầm quyền trong cái « xã hội hiện đại » sau năm 1945 của chúng ta liệu có ít sai lầm, hách dịch hay độc đoán hơn triều đình trước năm 1945 không? Và cái « xã hội hội hiện đại » đó đã có được bao nhiêu công chức nhà nước tiết tháo như trong «xã hội truyền thống » vừa kể? Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, người trí thức phải than thở rằng « bệnh giả dối đang trở thành nỗi nhục lớn » (lời của một giáo sư khả kính đương thời) của xã hội Việt Nam như ngày hôm nay (sự tiếp nối của cái « xã hội hiện đại » sau năm 1945 như ông viết). Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là cái xã hội sau năm 1945 không có những tiến bộ so với xã hội trước đó, nhưng có thể khẳng định rằng một nền tảng quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội đã bị hủy hoại đi sau năm 1945.

- Tôi không nghĩ là sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta đã xây dựng được một « thể chế cộng hòa » ( ở đây xin tạm chưa nói tới chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại miền nam trước 1975). Theo các lý thuyết chính trị hiện đại, định nghĩa tối giản của một chính thể Cộng hòa có thể khái quát là “một chính thể trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, được thực thi thông qua các đại diện do nhân nhân bầu chọn.” Dựa trên định nghĩa này ta sẽ thấy chính thể của Việt Nam chúng ta tại miền bắc từ năm 1954 – 1975 và trên toàn Việt Nam từ 1975 cho đến nay (thời kỳ chính quyền 1946-1954 là thời kỳ kháng chiến, xin được không xét ở đây) không thể gọi được là chính thể cộng hòa theo đúng bản chất chính trị. Chỉ cần xét trên cách tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội từ năm 1954 cho đến nay và xét thực quyền của những người đại diện do dân trực tiếp bầu ra (đại biểu quốc hội) có thể thấy rõ hệ thống quyền lực công tồn tại từ năm 1954 cho đến nay không phải do người dân quyết định. Và quyền lực hình thức của đại biểu quốc hội Việt Nam đã bị coi thường đến mức nào thì tôi xin không dám lạm bàn vì chính quí ông là người đang trải nghiệm.

- Về vấn đề độc lập: cái chính thể của chúng ta vừa nhắc tới, tôi cũng không nghĩ, là đã thoát được sự khống chế, ràng buộc với « thế giới Trung Hoa ». Trường lịch sử của Việt Nam chúng ta luôn ghi đậm nét ảnh hưởng và đã nhiều lần bị mất độc lập bởi « Thế giới Trung Hoa », nhưng có lẽ chưa có một chính thể nào tại Việt Nam lại phải thuần phục đến mức áp dụng những tư vấn tai họa từ người Trung Hoa như «cải cách ruộng đất », phải chịu sự áp đặt của Trung Hoa trong hiệp định Geneve như chính thể sau năm 1945 trên miền Bắc Việt Nam. Và chả nhẽ thái độ của chính quyền hiện nay về các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Hiệp định biên giới Việt-Trung, dự án khai thác Bauxit tại Tây Nguyên lại chứng tỏ chính thể Việt Nam hiện nay đã có tinh thần độc lập, thoát khỏi sự khống chế, điều khiển của « Thế giới Trung Hoa » ? Trong khi đó nhiều quốc gia tương tự với Việt Nam không những đã thoát hoàn toàn khỏi sự khống chế của «Thế giới Trung Hoa » mà còn vượt lên đi trước cả « Thế giới Trung Hoa » như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

  1. Trong bài ông có viết : «...công dân Vĩnh Thụy chỉ «đi theo cách mạng» một thời gian ngắn sau đó lại sa vào vũng bùn phản bội và nhận cái kết cục bi thảm của một cựu hoàng bị phế truất phải lưu vong.» (tôi xin nhấn mạnh bằng những chữ in đậm)
- Thưa ông Dương Trung Quốc, ca ngợi hay không ca ngợi một chế độ là quyền của mỗi con người, cũng như việc có tán thành hay không một cải biến xã hội (cách mạng) cũng là quyền của mỗi con người. Theo tôi, chúng ta không nên và không có quyền kết tội những người khác chỉ vì họ có quan điểm khác mình. Nhất là trong giai đoạn hiện nay việc đánh giá cuộc Cách mạng Tháng Tám vẫn là một việc khó khách quan. Theo tôi, có thể công dân Vĩnh Thụy không quá say mê đi theo « cách mạng » như những công dân khác, nhưng không thể viết là ông «lại sa vào vũng bùn phản bội ». Trong khi khả năng nhận thức lại và quyết định lại là một trong những đặc tính quan trọng của động vật có tư duy (nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy có lẽ không chỉ là đặc tính duy nhất có ở loài người). Những người đã bị công dân Vĩnh Thụy từ chối tiếp tục hợp tác có thể dùng từ « phản bội » để chỉ trích ông theo lối thóa mạ. Nhưng đối với người nghiên cứu lịch sử một cách khách quan thì không thể dùng thứ ngôn ngữ đó. Phẩm chất tối thiểu của một công dân yêu nước, theo tôi, là cần phải dứt bỏ mọi cam kết, ràng buộc và cả những tuyên thệ nếu những cam kết, ràng buộc, tuyên thệ đó trở nên (hoặc được phát hiện là) nguy hại cho lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước. Tôi chưa thấy một nhà sử học nào chứng minh được công dân Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) đã phản bội đất nước, nhưng điều chắc chắn là lịch sử sẽ không thể ghi tên công dân Vĩnh Thụy vào danh sách những người có trách nhiệm trong những thảm họa đối với dân tộc như « Cải cách ruộng đất », vụ án «Nhân văn giai phẩm », vụ án « Xét lại chống đảng », « Công hàm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Hoa », « Cải tạo công thương nghiệp », v.v.Và trong tình hình đất nước hiện nay, vấn đề ai đang phản bội lại đất nước, ai đang đi ngược lại quyền lợi của nhân dân cũng đang được xã hội bàn luận gay gắt, trong đó có rất nhiều người đã đi trọn cuộc « cách mạng » năm 1945 đó. Và tôi thiển nghĩ, một người « chép sử » chỉ có thể chép lại đúng lời phán xét của nhân dân đương thời nếu thoát được bàn tay của người cầm quyền nhất thời, thưa ông.

- Đúng là chả có gì vinh quang khi một ông vua cuối cùng của một đất nước lại phải từ giã cuộc đời nơi đất khách quê người. Nhưng không thể lấy sự « lưu vong » để hạ phẩm giá một con người, nhất là khi người đó đã không còn khả năng lên tiếng. Theo tôi, tư cách, trách nhiệm của công dân Vĩnh Thụy hay của ông Vua Bảo Đại có nhiều điều đáng bàn. Nhưng với tư cách là người hậu thế, chúng ta không nên soi xét lịch sử bằng phương pháp « hạ gục » nhân vật lịch sử này để tô điểm cho nhân vật lịch sử khác. Nói như thế không có nghĩa là tôi ca ngợi hoàn toàn công dân Vĩnh Thụy. Cũng như, theo tôi, những người chuyên viết bài để ca tụng chế độ chính trị hiện nay không có nghĩa là họ đã hoàn toàn tán đồng với chế độ này.

Thưa ông Dương Trung Quốc, đó là mấy lời trao đổi xin được trân trọng gửi tới ông. Vì ngôn từ có thể còn sự thô kệch, rất mong được ông lượng thứ và chỉ bảo.

Trân trọng,
Phạm Hồng Sơn
Nhà 21 Ngõ 72 B – Thụy Khuê – Hà Nội.

(Ghi chú: bài đã được gửi trực tiếp tới hộp thư điện tử của tòa soạn báo Lao Động)

Susan B. Anthony – Cả cuộc đời vì phụ nữ


Vào năm 1776 có một quốc gia tự tuyên bố tự do, thoát khỏi sự kiềm chế của Anh quốc. Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ lúc đó đã nêu ra các lý lẽ cho việc phải nỗ lực giành lấy sự tự do đó. Bản Tuyên ngôn đó xác quyết rằng mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng, mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền tạo lập hạnh phúc.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công dân Mỹ đều có được ngay một loại quyền quan trọng. Đó là quyền bầu cử. Lúc đầu, chỉ có những người đàn ông da trắng có tài sản và biết đọc mới có quyền đi bầu cử. Mãi đến năm 1860, mọi đàn ông da trắng trên 21 tuổi mới có quyền bầu cử.

Và phải đến khi có Tu chính thứ 14 và 15 trong bản Hiến pháp, được thông qua vào năm 1868 và 1870, đàn ông da đen mới được quyền đi bầu cử.

Đối với phụ nữ Mỹ vào những năm 1800, họ chưa được là những công dân thực sự, theo nghĩa đầy đủ các quyền. Lúc đó họ chưa được thừa nhận có quyền độc lập về kinh tế. Mọi tài sản riêng của người phụ nữ đang có đều trở thành tài sản của người chồng khi họ lập gia đình. Tất cả mọi tiền bạc của người phụ nữ có được do làm việc cũng đều thuộc về người chồng. Phụ nữ lúc đó không có quyền chính trị. Họ không có quyền bầu cử.

Vào những năm 1850, phụ nữ Mỹ bắt đầu tập hợp nhau lại để đòi hỏi quyền đi bỏ phiếu. Các hoạt động của họ được gọi là phong trào nữ quyền bầu cử. Phụ nữ Mỹ đã phải đấu tranh ròng rã trong hơn 70 năm để có được quyền bầu cử.

Một trong các thủ lĩnh của phong trào lúc đó là Susan B. Anthony ở bang Massachusetts. Anthony lúc đó là một giáo viên và bà cho rằng phụ nữ cần phải có sự tự lập về cá nhân và độc lập về kinh tế. Bà cũng cho rằng sẽ không có hy vọng cho tiến bộ xã hội tại Mỹ chừng nào phụ nữ chưa được trao đầy đủ các quyền như nam giới. Các quyền đó phải bao gồm cả quyền bỏ phiếu bầu cử.

Susan B. Anthony sinh năm 1820. Cha mẹ của bà theo đạo Quaker. Sau đó bà cũng trở thành tín đồ Quaker. Giáo phái Quaker cho rằng các quyền của người phụ nữ cần phải được trân trọng. Quaker là giáo phái đầu tiên chấp nhận phụ nữ lãnh đạo.

Ngay khi còn trẻ, Susan đã có niềm xác tín rằng phụ nữ và người da đen cũng xứng đáng được hưởng công lý và sự bình đẳng. Do đó bà thường lên tiếng phản đối ngay những gì bà cho là bất công.

Nhiều trai trẻ muốn kết hôn với bà. Nhưng bà thường không quan tâm tới những người bà cho là kém thông minh. Có lần bà đã nói: “Tôi không thể hiểu được tại sao những cô gái thông minh lại đi lấy những gã ngốc chỉ để cho có tấm chồng. Rất nhiều cô đang định làm như thế. Nhưng tôi thì sẽ không bao giờ.

Bà cũng đã gặp nhiều chàng trai lanh lợi. Nhưng dường như tất cả họ đều chỉ muốn phụ nữ trở thành kẻ tôi tớ cho họ, chứ không phải là những người bình quyền.

Susan B. Anthony làm giáo viên phổ thông tại bang New York. Bà nhận ra rằng phụ nữ sẽ không bao giờ trở thành công dân đầy đủ nếu không có quyền chính trị. Và họ sẽ không thể có quyền chính trị chừng nào họ chưa có được quyền đi bầu cử. Vì vậy bà đã tự đi đến các thị trấn, thành phố trong bang New York để thuyết phục phụ nữ về tầm quan trọng của quyền bầu cử. Nhưng dường như tất cả họ đều không quan tâm. Anthony đã cảm thấy nguyên nhân của sự thờ ơ đó là do phụ nữ lúc đó không thể làm bất cứ cái gì cho riêng họ. Họ không có tiền, không có tài sản riêng. Cuộc đấu tranh cho thấy sẽ rất khó khăn và lâu dài. Bà nói: ”Càng đi tôi càng hiểu rõ hơn về sự bất công mà chúng tôi cần phải chống lại. Sự bất công đó chính là người phụ nữ sẽ không thể thay đổi được thực trạng bất công của họ chừng nào cuộc đời của chính họ vẫn bị phụ thuộc vào đàn ông. Phụ nữ sẽ không thể làm được gì nếu họ vẫn chưa được tự lập. Họ sẽ còn bịgiam hãm nếu luật pháp không trao cho họ quyền được sở hữu tài sản hay tiền bạc do chính họ làm ra.

Cô gái trẻ Anthony đã đi tới từng thành phố, thị trấn, thôn xóm trong bang New York để gặp gỡ, nói chuyện với mọi người ở trường học, nhà thờ và nơi công cộng. Khi tới đâu cô cũng phân phát các tờ rơi cổ động cho quyền của phụ nữ.

Cô cũng tổ chức các cuộc vận động các đại biểu quốc hội của New York sửa luật để trao cho phụ nữ quyền sở hữu tài sản. Chiến dịch vận động thất bại ở New York, nhưng đã bắt đầu có kết quả ở một số nơi khác.

Năm 1851, Susan B. Anthony đã gặp được Elizabeth Cady Stanton, một phụ nữ cũng ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Hai người đã phối hợp với nhau để lãnh đạo phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Elizabeth Cady Stanton, vì có nhiều con, nên chỉ ở nhà để nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng. Trong khi Susan B. Anthony, do độc thân, nhận trách nhiệm đi các nơi để diễn thuyết và tổ chức các cuộc vận động. Hai bà đã gặt được thành công quan trọng đầu tiên vào năm 1860 khi bang New York thông qua bộ luật sở hữu cho phụ nữ đã có gia đình. Đó là lần đầu tiên tại New York, phụ nữ lập gia đình có quyền sở hữu tiền do mình làm ra. Sau bao năm vất vả, công việc vận động của Susan B. Anthony đã bắt đầu đơm trái. Cuộc vận động tiếp tục được tiến hành sang các bang khác của Mỹ.

Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc đã kết thúc vào năm 1865 với thành quả là Tuyên ngôn giải phóng nô lệ người da đen. Tuy thế, Susan B. Anthony vẫn nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm để mang lại sự tự do đầy đủ cho người da đen, cũng như phụ nữ. Bà lại bắt đầu vận động cho quyền bầu cử cho người da đen và phụ nữ.

Năm 1868, Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ đã trao cho người da đen được quyền bầu cử, còn người phụ nữ vẫn bị gạt ra ngoài. Susan B. Anthony đã cố gắng vận động để quyền bầu cử của phụ nữ cũng được nằm trong Tu chính án số 14, nhưng không thành công. Sau đó, Susan B. Anthony đã quyết định hành động để thăm dò phản ứng nhà chức trách sau khi Tu chính án số 14 được thông qua. Bà thực hiện chiến thuật thăm dò ngay trong đợt bầu cử tổng thống năm 1872. Vào ngày bầu cử, bà đã dẫn đầu một nhóm phụ nữ tới Rochester, New York để bỏ phiếu. Hai tuần sau đó, bà đã bị bắt với lý do vì đã tham gia bỏ phiếu khi chưa được luật cho phép. Trước ngày xét xử, Susan B. Anthony đã thực hiện nhiều chuyến đi khắp bang New York để diễn thuyết về sự bất công khi không cho phụ nữ quyền bầu cử. Bà nói:“Thể chế chính trị cộng hòa, dân chủ của chúng ta là thể chế làm cho tất cả mọi người có tiếng nói, có quyền tham gia vào việc làm ra pháp luật. Vâng, chính chúng ta, tất cả chúng ta chứ không chỉ là người da trắng hay chỉ là đàn ông tạo nên đất nước này. Chúng ta lập ra quốc gia tự do này không phải cho một nửa chúng ta, không phải cho một nửa con cháu chúng ta, mà phải cho tất cả, cả đàn bà và cả đàn ông. Quyền bầu cử chính là quyền cơ bản nhất của một công dân. Không có nó, mọi quyền khác sẽ trở nên vô nghĩa”.

Susan B. Anthony bị đưa ra xét xử và bị kết án là đã vi phạm pháp luật với án phạt là 100 Đô-la. Bà đã phản đối bản án vì cho rằng luật pháp là sai lầm, không công bằng và từ chối nộp tiền phạt.

Sau đó, Susan B. Anthony lại tiếp tục lãnh đạo cuộc vận động đòi quyền bầu cử cho phụ nữ thông qua con đường sửa đổi hiến pháp. Bà đã đi vận động cùng với mọi người khắp đất nước Mỹ và chỉ dừng lại khi ở tuổi 75. Năm 1904 Susan B. Anthony đã phát biểu lần cuối cùng trước một Ủy ban của Thượng viện Mỹ nhân dịp Thượng viện đang xem xét dự luật thay đổi Hiến pháp để trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Bà đã biết rằng cuối cùng cuộc đấu tranh của bà sẽ chiến thắng. Nhưng bà cũng biết rằng chiến thắng sẽ không đến sớm để bà có thể chứng kiến.

Susan B.Anthony mất vào năm 1906 ở tuổi 86. Và phải thêm 13 năm nữa, vào năm 1919, Quốc hội Mỹ mới thông qua Tu chính Hiến pháp số 19, Tu chính này công bố quyền bầu cử không được từ chối với bất kỳ ai chỉ vì giới tính. Tu chính này cần phải đạt được sự nhất trí của ba phần tư tổng số bang của Mỹ lúc đó. Và cuối cùng, Tu chính hiến pháp số 19 đã có hiệu lực vào ngày 20 tháng 08 năm 1920 với tên gọi Tu chính Anthony để tưởng nhớ Susan B. Anthony – một phụ nữ đã cống hiến cả cuộc đời vì quyền bầu cử cho phụ nữ tại Mỹ.

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 03/2009