Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Một cuộc nổi loạn được hoan nghênh

 Phạm Hồng Sơn

Nhân vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức đang tỏ ra bế tắc, hãy cùng nhau xem lại một cuộc nổi loạn nghiêm trọng hơn nhiều đã xảy ra ở nước Mỹ để thử xem cách đây 230 năm giới chức “Đế quốc Mỹ” đã cư xử ra sao với người dân của họ.

Tình hình nước Mỹ non trẻ sau cuộc chiến giành độc lập (1775-1783) có nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Tình trạng tại Massachusetts lúc đó có thể gọi là điển hình cho tình hình khó khăn của nước Mỹ nói chung (gồm 13 Bang): Thượng viện được bầu trên cơ sở tài sản, vì vậy hoàn toàn bị thao túng bởi giới thương gia chủ nợ giàu luôn chống lại việc đề ra các biện pháp pháp lý tương trợ các con nợ. Các con nợ, chủ yếu là nông dân và cựu chiến binh, phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt gay gắt như tòa án ra phán quyết xiết nợ bằng việc thu đất canh tác hoặc bị bỏ tù. Trong khi đó các con nợ, một mặt vẫn phải tiếp tục đóng thuế, mặt kia, các khoản cho chính quyền vay trước đó trong chiến tranh lại không được hoàn trả một cách thỏa đáng. 

Những áp lực đó đã đẩy các con nợ tới chỗ cùng hợp sức chống trả cuộc phán xét nợ của tòa án. Tháng Chín 1786 phe chống đối ra tuyên cáo phản kháng, coi các cuộc họp của chính quyền về vấn đề nợ là phi pháp. Bên nổi loạn chủ kiến dùng vũ trang và chiến thuật bao vây, bắt giữ viên chức, chiếm giữ các trụ sở chính quyền để gây áp lực. Đụng độ quân sự bùng nổ giữa hai bên, một bên là những người nổi dậy chống bất công với thủ lĩnh là Daniel Shays, một cựu chiến binh thời cách mạng, bên kia là lực lượng trung thành với chính quyền. Cuộc nổi loạn đã gây lúng túng và hết sức lo lắng cho giới chính trị đầu não của Liên hiệp Mỹ non trẻ. James Madison đã liên tục thông báo và trao đổi thông tin nội tình tại nước nhà cho Thomas Jefferson, người đang giữ trách vụ Đại sứ Mỹ tại Pháp.

Sau đây là bản dịch một phần lá thư hồi âm của Jefferson, liên quan tới cuộc Nổi loạn do Shays lãnh đạo, gửi tới James Madison:

Thomas Jefferson (1743-1826)

                                                  Paris, 30 tháng Một 1787

Kính chào Ông,

Lá thư cuối cùng tôi gửi tới ông là vào ngày 16 tháng Mười hai; từ đó tới nay tôi đã nhận được hai lá của ông, ngày 25 tháng Mười một và 4 tháng Mười hai, hai lá thư này, giống mọi lá ông thường viết, đã cho tôi thêm hiểu biết về các vấn đề công, cá nhân, và kinh tế. Tôi đang nóng lòng muốn biết ý kiến của ông về các rối ren gần đây xảy ra tại các tiểu bang phía Đông. Tới nay, như tôi quan sát được, những rối ren này không có vẻ đe dọa điều gì nghiêm trọng. Các tiểu bang đó đã phải ngừng mọi hoạt động buôn bán mà tới nay chưa tìm ra cách nào khác. Điều này chắc chắn sẽ làm họ kiệt quệ về tài chính và làm cho người ta bất an. Sự bất an này đang sinh ra những hành động hoàn toàn không thể biện hộ được; song, tôi hy vọng các sự việc này sẽ không làm chính quyền phải ra tay cứng rắn. Kiểu suy nghĩ của người cầm quyền cho rằng họ đã luôn đúng trong việc quản trị xã hội rất có thể sẽ chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ mà thôi; và những người suy nghĩ kiểu này, do sợ hãi nhiều hơn hy vọng, có thể còn mường tượng ra quá nhiều điều hãi hùng từ những biến cố bất thường đó. Họ có thể sẽ hấp tấp kết luận rằng thiên tạo đã làm con người dễ khuất phục bạo quyền hơn là tuân thủ chính quyền, một kết luận chẳng có cơ sở gì về thực tế lẫn kinh nghiệm lịch sử.

Xã hội con người thường tồn tại dưới ba dạng, khác biệt rõ ràng: (1) tự sống không có chính quyền, giống như trong các xã hội người Indian của chúng ta; (2) sống dưới các chính quyền trong đó ý chí của mọi người dân đều có ảnh hưởng thích đáng, ở mức độ thấp như trường hợp Anh quốc, và ở mức độ cao như trong các tiểu bang của chúng ta; (3) sống dưới các chính quyền dùng vũ lực, như trong tất cả các chế độ quân chủ, và trong nhiều dạng chính thể cộng hòa* khác.

Cần phải trải nghiệm mới có thể tỏ được nỗi bất hạnh thê thảm của người phải sống trong các xã hội cuối cùng vừa nói. Đó là chính quyền của lang sói ngự trên đàn cừu. Vấn đề là tôi không chắc những xã hội loại đầu không phải là loại tốt nhất. Nhưng tôi tin loại này không phù hợp với một lượng dân số lớn. Loại thứ hai có rất nhiều thiện tính nằm trong đó. Dân chúng sống trong xã hội loại này sẽ được hưởng một mức độ quí giá về tự do và vui sống. Loại này cũng có các ác tính, đương nhiên, mà điều cơ bản là các xã hội này sẽ luôn phải đối mặt với tính hiếu loạn. Nhưng so với những sự áp bức của quân chủ trị, thì sẽ chẳng là vấn đề. Thà tự do trong nguy hiểm hơn vạn lần yên bình trong nô lệ (Malo periculosam libertatem quam quietam servitutem). Ác tính này thậm chí lại còn sinh ra phước hạnh nữa kia. Nó phòng ngừa sự suy đồi của chính quyền và nuôi dưỡng ý thức quan tâm của đại chúng tới các việc công ích.

Ý tôi là một cuộc nổi loạn nho nhỏ, lúc này lúc khác, là một điều tốt, và hết sức cần thiết cho môi trường chính trị giống như các cơn bão tố cần cho thế giới vật chất. Quả thật, các cuộc nổi loạn thất bại vẫn thường lập ra các khuôn khổ hạn chế các quyền của chính những người đã gây ra nổi loạn. Nhận ra sự thật này sẽ giúp những nhà trị quốc kiểu cộng hòa chân thật biết nương tay trước các cuộc nổi loạn để chúng không bị biến mất. Đây là liều thuốc tối cần cho sự lành mạnh của chính quyền.
Kính thư,





Th. Jefferson

Phạm Hồng Sơn dịch

*Ý niệm “cộng hòa” (republic) ở đây nhằm nói đến loại chính quyền về cơ bản được điều hành bởi những người đại diện do dân bầu ra, nhằm phân biệt với hình thức dân chủ cổ điển (trực tiếp) của Hy Lạp cổ đại (tất cả mọi công dân đều tham gia trực tiếp vào chính quyền). Có thể xem thêm hai ý niệm này ở đây: Federalist 10

(Ghi chú * và sự tô đậm là của người dịch. Bản gốc lá thư có thể xem tại đây.)

-
(Tiếp phần dẫn ở trên của người dịch):

Sau hơn 5 tháng đấu tranh giằng co, tháng Hai 1787 phe nổi loạn thất bại, thủ lĩnh Shays phải trốn sang Vermont, nhiều thủ lĩnh khác bị bắt. Nhưng chính cuộc nổi dậy này (thường mang tên Shays – Shays’ Rebellion) đã làm nhiều chính trị gia trong chính quyền Massachusetts thức tỉnh và nhận ra sự cần thiết phải cải tổ hơn là trấn áp. Do vậy 14 thủ lĩnh bị bắt và đã bị kết án treo cổ được ân giảm chỉ bị tù một thời gian ngắn; các chính sách thu nợ, thuế khóa được cải tổ thuận lợi hơn cho con nợ và người nghèo. Sự ổn định và thịnh vượng được phục hồi nhanh chóng. Theo giới sử học, chính cuộc nổi loạn có tính chất nội chiến tại Massachusetts là một trong những yếu tố quan trọng khiến chính giới Mỹ lúc đó phải xem xét lại cách thức điều hành và tìm kiếm một cấu trúc chính trị quốc gia tiến bộ hơn. Tháng Năm 1787, một Hội nghị toàn quốc được triệu tập tại Philadelphia, sau 4 tháng, đã cho ra kết quả: Hiến pháp Mỹ.


Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Donald J. Trump và ba bản Federalist (3)

Xem phần: (1), (2)

Bất chấp Mỹ đã rút khỏi TPP và Tổng thống Mỹ đang là tâm điểm chỉ trích, giễu nhại của truyền thông thế giới, lãnh đạo Nhật vẫn không ngừng gia tăng gắn bó với Mỹ. Trong vòng sáu tháng qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã tới Mỹ bốn lần và gặp Donald J. Trump hai lần.

Nhật thường có những hành động “lạ lùng” so với những dân tộc đồng văn, đồng chủng da vàng. Năm 1854, Hiệp ước thân thiện Nhật-Mỹ được ký kết. Nhật Bản là nơi duy nhất các nhà thực dân phương Tây của thế kỷ XIX không đòi hỏi nhà chức trách bản xứ phải áp dụng nguyên tắc pháp luật kép – vì chính quyền Nhật đã du nhập và thực thi nghiêm “thượng tôn pháp luật” (the rule of law) cho mọi đối tượng. Năm 1946, Nhật phê chuẩn và thực thi nghiêm cẩn bản hiến pháp do người Mỹ – cựu thù của Nhật - soạn thảo.

Trong cộng đồng trí thức Việt hiện vẫn có một luồng dư luận cho rằng nếu lãnh đạo Mỹ vào năm 1946 biết phản hồi và đáp ứng những khẩn cầu của Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh đã không đi theo Stalin, Mao Trạch Đông và đã không quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Nước Việt và nước Nhật vẫn là hai nước rất khác nhau, có lẽ vì người Nhật đã sớm nhận ra chân lý: Không thể chạy theo sự bất lương khi không được sự văn minh để ý và coi trọng.

FEDERALIST 51
Phạm Hồng Sơn dịch
Cấu trúc chính quyền phải tạo được cơ chế “kìm soát và đối trọng” thực sự giữa các bộ phận
Từ the New York Packet
Thứ Sáu, 8 tháng Hai 1788

Alexander Hamilton hoặc James Madison*

Kính gửi Nhân Dân tiểu Bang New York:

Rốt cuộc chúng ta sẽ trông cậy vào công cụ nào để trên thực tế duy trì được sự chia tách quyền lực cần thiết giữa các bộ phận như đã chỉ định trong Hiến pháp?

Vì tất cả các biện pháp phòng tránh từ bên ngoài đã thấy sẽ không đủ hiệu lực, câu trả lời duy nhất chỉ có thể là phải bằng cách tạo ra một cấu trúc nội tại của chính quyền sao cho các bộ phận cấu thành, thông qua sự tương tác giữa chúng với nhau, trở thành các phương tiện giữ cho mỗi bộ phận ở nguyên trong các vị trí riêng của chúng. Tôi không dám đi sâu vào toàn bộ quá trình hình thành ý tưởng quan trọng này, nhưng sẽ cố trình bày một số nhận định khái quát có thể làm cho ý tưởng dễ hiểu hơn và giúp chúng ta có nhận thức đúng hơn về các nguyên lý và cấu trúc của chính quyền do Hội nghị thiết kế.
 
Alexander Hamilton (c.1755-1804)
Để đặt được nền móng đúng đắn cho sự thực thi các quyền lực một cách khác nhau và tách biệt - điều mà tất cả mọi người trong một chừng mực nào đó cùng thừa nhận là điều cốt tử để bảo tồn tự do - thì điều hiển nhiên là mỗi bộ phận phải có một ý chí riêng biệt; và, vì thế, phải được cấu tạo sao cho các thành viên trong mỗi bộ phận có khả năng tác động ít nhất có thể vào sự hình thành thành viên của các bộ phận khác. Nếu nguyên tắc này được tuân thủ nghiêm ngặt, mọi sự bổ nhiệm cho các vị trí cao nhất của hành pháp, lập pháp và tư pháp buộc phải bắt nguồn từ cùng một nguồn thẩm quyền, đó là nhân dân, thông qua các kênh không có bất cứ trao đổi gì với nhau. Có lẽ một dự án xây dựng các bộ phận như thế khi được triển khai vào thực tế sẽ bớt khó khăn hơn so với lúc còn nằm trên bản vẽ. Tuy nhiên, sẽ phải có thêm một số khó khăn và một số chi phí thêm trong khi thực hiện. Do đó, chúng ta sẽ phải chấp nhận một số sai lệch nào đó so với nguyên tắc ban đầu[1].

Đặc biệt, khi xây dựng bộ phận tư pháp, sẽ không khôn ngoan nếu cứ nhất nhất giữ cho bằng được nguyên tắc, vì:  thứ nhất, điều cốt yếu của tư pháp nằm ở những phẩm chất đặc biệt của các thành viên, nên quan tâm hàng đầu phải là cách thức chọn lựa sao cho đảm bảo các thành viên tư pháp có được những phẩm chất đặc biệt đó; thứ hai, vì nhiệm kỳ vô hạn định[2] của các chức vụ trong bộ phận này chắc chắn sẽ sớm loại bỏ đi tất cả mọi lệ thuộc vào thẩm quyền đã bổ nhiệm họ[3].

Một điều hiển nhiên nữa là lương bổng liên quan tới chức vụ của các thành viên trong mỗi bộ phận càng ít phụ thuộc vào thành viên của các bộ phận khác thì càng tốt. Ví dụ, nếu lương bổng của tổng thống hoặc của thẩm phán lại không có sự độc lập khỏi lập pháp thì sự độc lập của họ trong mọi vấn đề khác chỉ còn danh nghĩa mà thôi.

Nhưng biện pháp an ninh tốt nhất để chống lại sự tập trung dần dần tất cả các quyền lực khác nhau vào cùng một bộ phận là phải cho những người điều hành mỗi bộ phận có hai thứ: một, các công cụ hiến pháp cần thiết; hai, những động lực cá nhân để chống lại các xâm lấn của các bộ phận khác. Phương tiện tự vệ trong lĩnh vực này, cũng như ở mọi lĩnh vực khác, phải được chế tạo sao cho có uy lực tương xứng với nguy cơ bị tấn công. Tham vọng phải tạo ra để đối lại tham vọng[4]. Lợi ích, ham muốn của kẻ lãnh đạo phải bị gắn với các quyền hiến định đã lập. Những kỹ thuật như thế là cần thiết để kiềm chế các quá trớn của chính quyền, có lẽ, là bởi chúng đã được rút ra từ một suy ngẫm nào đó về bản thể con người. Nhưng bản thân chính quyền là gì nếu không phải là suy tư vĩ đại nhất về bản thể người? Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa. Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, đều không cần[5]. Nhưng khi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị; tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát chính nó. Và, chắc chắn, kiểm soát cơ bản đối với chính quyền là bắt nó phải lệ thuộc vào nhân dân; nhưng kinh nghiệm đã dạy nhân loại rằng phải cần thêm một biện pháp phụ trợ nữa.

Biện pháp này, có thể thấy trong các hệ thống của con người, ở cả việc công lẫn việc tư, là bù đắp cho sự thiếu hụt động lực tử tế bằng các quyền lợi, ham muốn đối ngược và kình địch. Chúng ta thấy điều này đã được thể hiện rõ trong mọi sự phân bổ quyền lực lệ thuộc có một mục đích không đổi là nhằm phân chia, sắp xếp các chức vụ sao cho mỗi chức vụ là một sự kìm soát của chức vụ khác khiến cho quyền lợi riêng của từng cá nhân trở thành một kẻ canh chừng cho các quyền lợi chung. Những sáng tạo khôn ngoan như thế không thể nào lại không rất cần cho việc phân bổ các quyền lực tối cao của Nhà nước.

Nhưng chúng ta không thể tạo cho mỗi bộ phận một sức mạnh bằng nhau để tự vệ. Trong chính thể cộng hòa, thẩm quyền lập pháp vượt hẳn các thẩm quyền khác là điều không tránh được. Cách chữa trị sự bất tiện này là phải chia lập pháp thành nhiều nhánh khác nhau; và dùng cách bầu chọn khác nhau cùng các nguyên tắc hoạt động khác nhau khiến cho sự liên hệ giữa chúng được giảm thiểu tối đa miễn là các chức năng chung và sự lệ thuộc chung của chúng đối với xã hội không bị ảnh hưởng[6]. Thậm chí có thể còn phải cần thêm những biện pháp khác để chống lại các xâm lấn nguy hiểm.

Trong khi trọng lượng đặc biệt[7] của lập pháp khiến nó cần phải bị phân chia ra, thì sự yếu ớt của hành pháp lại đòi hỏi nhánh này phải được tăng thêm quyền lực. Mới nhìn qua, quyền phủ quyết tuyệt đối[8] trên lập pháp là một phòng vệ tự nhiên cần trang bị cho lãnh đạo hành pháp. Nhưng có lẽ biện pháp này vừa chưa an toàn vừa chưa đủ mạnh. Bình thường, nó có thể không được áp dụng một cách đủ cương quyết, nhưng lại dễ bị lạm dụng một cách nguy hiểm trong những hoàn cảnh đặc biệt. Phải chăng khiếm khuyết này của phủ quyết tuyệt đối không thể bù đắp bằng một liên kết phù hợp nào đó giữa bộ phận yếu ớt này[9] và nhánh yếu hơn trong bộ phận lớn nhất[10], qua đó nhánh nói sau sẽ hỗ trợ các quyền hiến định của bộ phận nói trước nhưng không quá tách rời khỏi các quyền của bản thân?[11]

Nếu các nguyên lý nền tảng của các nhận định trên là đúng đắn như tôi nghĩ và nếu chúng được trở thành tiêu chuẩn cho các bản hiến pháp tiểu Bang và cho cả bản Hiến pháp liên bang, chúng ta sẽ thấy là nếu bản sau không đáp ứng hoàn toàn với các nguyên lý đó thì các bản trước lại càng vô cùng thiếu khả năng hơn.

Ngoài ra, có hai cách nhìn đặc biệt cho thấy hệ thống liên bang Mỹ là một hệ thống cực kỳ thú vị.

Thứ nhất, trong một nước cộng hòa riêng biệt thì tất cả mọi quyền lực mà nhân dân đã nhượng bỏ[12] sẽ được giao cho một chính quyền duy nhất quản lý; và các thoán đoạt quyền lực được phòng chống bằng cách chia tách chính quyền thành nhiều bộ phận riêng biệt, khác nhau. Trong nước cộng hòa phức hợp của Mỹ, quyền lực do người dân nhượng bỏ trước tiên được phân cho hai chính quyền khác nhau, rồi sau mới chia cho các bộ phận phụ thuộc nằm trong các bộ phận khác nhau, riêng biệt. Thành ra có một an ninh kép cho các quyền của người dân. Hai chính quyền sẽ kiểm soát lẫn nhau, đồng thời mỗi chính quyền sẽ bị kiểm soát bởi chính nó.

Thứ hai, điều tối quan trọng trong một nước cộng hòa không chỉ là việc bảo vệ xã hội chống lại trấn áp của những kẻ cầm quyền mà còn phải bảo vệ từng nhóm xã hội khỏi sự xâm hại của các nhóm xã hội khác. Các tầng lớp công dân khác nhau tất yếu sẽ có những ham muốn và lợi ích khác nhau. Nếu một lợi quyền chung nào đó tạo ra một đa số, khi đó các quyền của nhóm thiểu số sẽ không an toàn[13].

Có hai cách chống lại ác họa này: một, tạo ra một ý chí trong cộng đồng độc lập với đa số, nghĩa là độc lập với chính xã hội; cách kia, làm cho xã hội hình thành nhiều nhóm công dân thật riêng biệt tới mức khiến cho các kết hợp bất chính muốn thành đa số rất khó thực thi, nếu như không phải bất khả thi. Cách thứ nhất nằm ngay trong tất cả các chính quyền có quyền lực thế tập hoặc quyền lực tự trao. Nhưng cách này, khi tốt nhất, chỉ là một an ninh bấp bênh; vì một quyền lực độc lập với xã hội có thể câu kết với cả quan điểm bất chính của nhóm đa số và cả các quyền lợi đúng đắn của nhóm thiểu số rồi có thể quay ra chống lại cả hai. Cách thứ hai sẽ được thể hiện trong nước cộng hòa liên bang Hợp chúng Quốc[14]. Trong khi mọi uy quyền của nước cộng hòa này được tạo dựng từ và lệ thuộc vào xã hội, bản thân xã hội lại được phân chia thành rất nhiều nhóm, quyền lợi và các tầng lớp khác nhau khiến cho các quyền cá nhân, các quyền của thiểu số khó bị đe dọa bởi các manh tâm của đa số. Trong một chính thể tự do, an ninh cho các quyền dân sự phải giống như an ninh cho các quyền tôn giáo. An ninh cho các quyền trước nằm trong tính đa dạng của quyền lợi, còn trường hợp sau từ sự đa dạng của giáo phái. Mức độ an ninh của cả hai phụ thuộc vào số các quyền lợi và giáo phái, những điều được cho là phụ thuộc vào qui mô rộng lớn của đất nước và số lượng dân chúng sống trong cùng một chính quyền.

Cách nhìn này chắc chắn đã giúp những người bạn chân thành và cẩn trọng của chính thể cộng hòa nhận thấy một hệ thống liên bang đúng đắn vì nó chỉ ra một cách chính xác rằng khi lãnh thổ của Liên hiệp được chia thành nhiều Bang liên nhỏ hơn hoặc thành nhiều Nhà nước, các ý đồ trấn áp của một đa số sẽ dễ dàng thực hiện: sự đảm bảo tốt nhất, với tính chất cộng hòa, cho quyền của mọi tầng lớp công dân sẽ bị suy yếu; và hệ quả là sự ổn định, độc lập của một viên chức nào đó trong chính quyền – bảo đảm duy nhất còn lại –  chắc chắn sẽ được gia tăng một cách tương ứng[15]. Công lý là cứu cánh của chính quyền. Đó cũng là mục tiêu tối hậu của xã hội công dân. Mục tiêu này vẫn đang và sẽ mãi được đeo đuổi cho tới khi thành tựu, hoặc cho tới khi tự do bị kiệt quệ hoàn toàn trên đường tìm kiếm.

Trong các xã hội để cho bè phái mạnh dễ dàng hợp lực triệt hạ bè phái yếu, sự rối loạn vô chính phủ sẽ ngự trị giống như trong tự nhiên ‘cá lớn nuốt cá bé’[16]; và, ngay những kẻ mạnh sống trong tình trạng sau, vì bất trắc, cũng sẽ phải viện tới bất kỳ chính quyền nào có khả năng bảo vệ kẻ yếu và bảo vệ chính họ; tương tự, trong các xã hội vừa kể, những bè phái hay bè đảng mạnh nhất, với động cơ tương tự, cũng sẽ dần dần phải ước muốn có một chính quyền sẽ bảo vệ được tất cả mọi phe phái, yếu cũng như mạnh.

Chẳng còn mấy nghi ngờ rằng nếu tiểu Bang Rhode Island[17] bị tách khỏi Bang liên và bị bỏ mặc một mình, sự mất an ninh của các quyền dưới chính thể bình dân[18]  trong một qui mô nhỏ hẹp như thế sẽ bị phơi bày bởi những trấn áp của các bè phái chiếm đa số tái diễn tới mức chính các bè phái đã cai trị bất công sẽ đòi hỏi phải sớm có một quyền lực nào đó độc lập hoàn toàn với nhân dân mà sự cai trị bất công của họ đã chứng tỏ cần phải có quyền lực này. Nhưng trong nước cộng hòa rộng lớn của Hợp chúng quốc và trong sự đa dạng mênh mông của các quyền lợi, bè đảng và giáo phái khác nhau mà nước cộng hòa này bảo bọc, một liên minh đa số của toàn xã hội rất khó có thể hình thành với những nguyên tắc khác với các nguyên tắc dựa trên sự công bình và phúc lợi chung; thành ra các nhóm thiểu số vừa ít bị đe dọa hơn bởi ý chí của nhóm đa số, vừa ít có lý cớ an ninh để buộc chính quyền phải thực thi những ý muốn bất lệ thuộc vào đa số, hay, nói cách khác, những ý muốn không bị ràng buộc vào chính xã hội.

Dầu những ý kiến trái ngược vẫn tồn tại, điều chắc chắn và quan trọng là xã hội càng mở rộng trong một không gian hợp lý, xã hội càng có nhiều khả năng hơn trong sự tự quản. Thật đáng mừng cho SỰ NGHIỆP CỘNG HÒA, không gian hợp lý đó lại có giới hạn vô cùng lớn nhờ sự điều chỉnh và phối hợp sáng suốt của NGUYÊN LÝ LIÊN BANG.

Publius
* Trong năm (5) nguồn người dịch tham khảo (nêu trong Lời giới thiệu) có ba nguồn (www.constitution.org; oll.libertyfund.org ; và bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012) ghi tác giả bài này là James Madison. Hai nguồn còn lại đều giữ lại sự nghi hoặc giữa Hamilton và Madison. Nguồn Anh ngữ căn bản để dịch:  www.foundingfathers.info/federalistpapers/
- Các ghi chú là của người dịch. Ghi chú có chữ A.A. dựa theo ghi chú bản dịch Pháp văn của Anne Amiel.

Thuật ngữ (trích) :

Bang-liên (confederacy, confederation; confederate), Liên-bang (federation; federal): những thuật ngữ này (trong bối cảnh của the Federalist Papers) chỉ khác nhau ở phương diện lịch sử. Vào thời điểm trước và sau Cách mạng Mỹ 1776, mô hình quốc gia tạo lập từ 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ là một mô hình gần như hoàn toàn mới chưa có trong lịch sử. Do đó các nhà lập quốc Mỹ cũng chưa có sự thống nhất rõ ràng về thuật ngữ, lúc thì gọi là confederacy, confederation hoặc federation, nhưng qua tranh luận đã dần dần hình thành nên ý niệm chung đó là mô hình khác với mô hình sự hợp nhất các quốc gia với nhau đã có trong lịch sử. Điểm khác biệt cơ bản của mô hình Liên-bang (federation) (cũng tức là bang-liên) so với Hợp-nhất (consolidation; consolidated): có một sự xác định rõ ràng trong giới hạn quyền lực của chính quyền trung ương liên-bang - không được can thiệp vào một số lĩnh vực quan trọng của các quốc gia tiểu bang. (xem FP 9, FP 39). (hai thuật ngữ bang-liên, liên-bang, theo Vũ Văn Mẫu, sđd)
Ngày nay các thuật ngữ này đã có sự phân biệt rõ ràng hơn: confederation: là một thiết chế tổ chức gồm các thành viên đồng ý nhượng một số quyền lực cho một cơ quan quản lý, điều hành một số lợi ích chung trong khi các thành viên vẫn giữ nguyên vẹn tính độc lập của chúng, ví dụ:  NATO, Liên hợp quốc, khối các nước Ả-rập Thống nhất (the United Arab Emirates); federation: là một quốc gia độc lập gồm nhiều đơn vị lãnh thổ có chính quyền riêng biệt ở cấp bang, tỉnh hoặc vùng - các chính quyền này được đảm bảo một qui chế được ghi rõ trong hiến pháp của quốc gia về mức độ độc lập và tự trị so với chính quyền trung ương, ví dụ: Australia, Ấn Độ, Áo, Canada, Đức, Thụy Sỹ, Mỹ,... (theo Kenneth Newton và Jan W. Vandeth, Foundations of Comparative Politics - Democracies of the modern world, Cambridge, second edition, 2010)
Chính thể (chính quyền) bình dân (popular government): Chính thể (chính quyền)  nhằm phân biệt tương phản với chính thể quân chủ. Trong chính quyền bình dân, quyền lực công không có tính chất thừa kế và không tập trung vào tay một cá nhân (hay nhóm), nghĩa là các chức vụ quản lý công của quốc gia, xã hội được hình thành thông qua sự lựa chọn (hoặc phế truất) bởi dân chúng một cách định kỳ. Tuy nhiên, tư cách cử tri và tư cách ứng cử viên trong chính thể bình dân, tại thời điểm của Federalist Papers ra đời, chưa được mở rộng phổ thông tới toàn dân như ngày nay, nhưng quá trình bầu cử và ứng cử là hoàn toàn công khai và minh bạch (khác hoàn toàn với các chính thể dân chủ giả hiệu hiện nay như ở Trung Cộng, Việt Nam,...)
Đàn hặc (impeachment): Là một thủ tục pháp lý đặc biệt, có nguồn gốc từ thế kỷ XIV tại Anh, nhằm cáo buộc một viên chức cao cấp (thường là người đứng đầu hành pháp) đã có hành động được coi là không đúng đắn hoặc/bất hợp pháp gây tổn hại tới quyền lợi chung của đất nước. Kết cục của đàn hặc thường dẫn tới bãi chức hoặc có thể kèm theo cả hình phạt về dân sự hoặc hình sự tùy từng nơi, nhưng thường là nhằm mục đích tố giác sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm của một viên chức cao cấp. Thẩm quyền lập đàn hặc và xét xử đàn hặc thường thuộc hai thiết chế khác nhau và phải là một trong các nhánh quyền lực cơ bản của chính quyền, ví dụ Hạ viện Mỹ có quyền công tố quyết định đàn hặc đối với Tổng thống, các thẩm phán của Pháp viện Tối cao, nhưng vai trò thẩm phán xét xử đàn hặc thuộc thẩm quyền của Thượng viện. (xem FP 39, FP 47)
Hợp nhất (consolidation): Xem mục “Bang liên”
Kìm soát và Đối trọng ('checks and balances'): Thuật ngữ này xuất phát từ ý niệm của Montesquieu (1689-1755) trong tác phẩm De l'esprit des lois (1748), trong đó Montesquieu nhận định rằng quyền lực có tính xâm lấn, hung dữ và để kiềm chế ác tính này thì cần phải tạo ra một cơ chế hữu hiệu, cơ chế đó là tạo ra quyền lực khác đối trọng với nó. Sau này, các nhà lập quốc Mỹ đã phát triển ý niệm này rõ hơn và đi đến hình thành thuật ngữ 'checks and balances' (hoặc nói ngược lại 'balances and checks') nghĩa là các nhánh quyền lực chính trong một chính quyền, lập pháp, hành pháp, tư pháp, phải tách rời nhau sao cho chính chúng trở thành phương tiện kiểm soát, kìm hãm và đối trọng lẫn nhau để giảm thiểu cao nhất sự tích tụ quyền lực quá nhiều vào một cá nhân (cơ quan) dẫn tới tình trạng độc tài, độc đoán gây bất lợi cho tự do và lợi ích công của toàn xã hội. (xem FP 9, FP 48, FP 51)
Nhiệm kỳ bấp bênh (during pleasure): Nhiệm kỳ đã có hạn định là 2, 4 hoặc 5 năm, v.v. nhưng có thể bị truất quyền, phế bỏ chức vụ bất cứ lúc nào khi người dân cảm thấy không hài lòng (pleasure). Thuật ngữ này đối ngược với nhiệm kỳ phẩm hạnh “during good behavior”.
Nhiệm kỳ phẩm hạnh (during good behavior): Nhiệm kỳ vô thời hạn (coi như suốt đời đến khi về hưu hoặc tới lúc từ chức) chừng nào phẩm hạnh của người giữ chức vụ này vẫn được coi là tốt đẹp dù người dân có thể không thấy hài lòng (pleasure). Loại nhiệm kỳ này thường chỉ áp dụng cho các thẩm phán cấp cao (thẩm phán liên bang, thẩm phán tòa tối cao).

* Cập nhật ngày 18 tháng Năm 2017: chữ "đàn hạch" (impeachment) đã được sửa thành "đàn hặc"



[1] Ở đây ý tác giả  nhắc lại lập luận đã nói trong FP 47, 48 rằng “tam quyền phân lập” không có nghĩa là tách biệt, khác nhau một cách tuyệt đối giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp.
[2] Xem thêm phần Thuật ngữ, “Nhiệm kỳ phẩm hạnh”.
[3] Vì theo nguyên tắc chung của “cộng hòa”, khác với “quân chủ”, các chức vụ công quyền phải có hai đặc tính: do nhân dân lập ra và có thời hạn nhất định. Nhưng ở đây, như ta thấy nguyên tắc (chung) này không được tuân thủ nghiêm ngặt ở khía cạnh “nhiệm kỳ có thời hạn”.
[4] Ở đây chúng ta cần xem lại một đoạn trong De l'esprit des lois của Montesquieu xuất bản năm 1748 ở Chương XI, 4 “...mais c'est une expérience éternelle que tout homme qui a du pouvoir est porté à en abuser; il va jusqu'à ce qu'il trouve des limites. Qui le dirait! la vertu même a besoin des limites. Pour qu'on ne puisse abuser du pouvoir, il faut que, par la disposition des choses, le pouvoir arrête le pouvoir” - “...đó thuộc về một kinh nghiệm muôn thuở rằng mọi kẻ có quyền lực đều sẽ lạm dụng quyền lực hết mức cho tới tận khi thấy bị giới hạn. Đó là qui luật! Vì đạo đức cũng phải cần có giới hạn cơ mà. Để người ta không thể lạm dụng được quyền lực, cần phải tạo ra quyền lực để ngăn chặn quyền lực, như bản chất thường tình của sự vật.” John Adams (1735-1826), một nhà lập quốc Hoa Kỳ và là Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ cũng có phát biểu tương tự vào năm 1778 khi bàn về chính quyền: “Orders of men, watching and balancing each other, are the only security; power must be opposed to power, and interest to interest.” - “Các nhóm người khác nhau, cảnh giới và đối trọng lẫn nhau, là biện pháp an ninh duy nhất; quyền lực phải chống lại quyền lực, và quyền lợi chống lại quyền lợi.”   A.A.
[5] Ý này giống ý của Jean Jacques Rousseau viết trong Du Contrat social,  Tập III, Phần 4 “S’il y avait un peuple de Dieux, il se gouvernerait Démocratiquement. Un gouvernement si parfait ne convient pas à des hommes” - “Nếu có một dân tộc Thần thánh, họ sẽ tự quản trị một cách Dân chủ. Một chính quyền hoàn hảo như thế không phù hợp với loài người.” A.A.
[6] Nghĩa là làm giảm sự câu kết giữa các bộ phận lập pháp tối đa nhưng vẫn phải duy trì được các chức năng chính của chúng và chúng vẫn phải là kết quả từ ý nguyện của dân chúng. Đó là lý luận cho mô hình lập pháp gồm 2 viện (bicameral), nhưng các diễn tiến chính trị sau này của nhân loại cho thấy không nhất thiết phải tách nhánh lập pháp ra làm hai mà vẫn đảm bảo nhánh lập pháp không lộng quyền.
[7] Tác giả ngụ ý về số lượng các thành viên của cơ quan lập pháp thường lớn hơn nhiều so với hành pháp, tư pháp.
[8] “phủ quyết tuyệt đối” (absolute negative) là quyền bác bỏ không thể lật lại - là đề xuất của chính Madison trong Hội nghị Philadelphia nhưng đã bị bác bỏ. Sau này quyền phủ quyết của hành pháp (tổng thống) là quyền tương đối vì quốc hội có thể vượt qua bằng một lần biểu quyết mới với sự đồng thuận của ít nhất 2/3 thành viên của cả hai viện. A.A.
[9] Tức nhánh hành pháp.
[10] Tức nhánh lập pháp.
[11] Để dễ hình dung hơn trong đoạn lý luận này, chúng ta có thể cụ thể hóa như thế này: tác giả đang giả thiết sẽ tạo lập một quan hệ tương tác giữa hành pháp và thượng viện (nhánh yếu hơn của lập pháp) để khi cần thượng viện sẽ cho tiếng nói ủng hộ quyết định đối với hành pháp nhưng sự ủng hộ đó của thượng viện lại không đi quá xa các quyền lập pháp. Ý tưởng này đã được hiện thực hóa trong Hiến pháp Mỹ, ví dụ Điều 1 khoản 3 cho phép Thượng viện giữ quyền xét xử mọi đàn hặc-impeachment (ví dụ đối với tổng thống) do Hạ viện đề xuất - nghĩa là có thể Hạ viện muốn phế truất Tổng thống nhưng Thượng viện khi xét xử lại không đồng ý - tức bảo vệ Tổng thống.
[12] Nguyên văn “All the power surrendered by the people”. Từ “surrender” nghĩa đen là “đầu hàng”, “từ bỏ”, “giao nộp” với ý buộc chấp nhận trong hoàn cảnh hết khả năng. Cách dùng từ này của tác giả có thể xuất phát từ triết lý chính trị cho rằng người dân không thể tự dùng quyền lực của bản thân trong việc điều hành cộng đồng (như nền dân chủ sơ khai của Hy Lạp cổ), nhân dân buộc phải từ bỏ quyền lực đó cho một số người khác nếu muốn có một xã hội được quản trị tốt.
[13] Đoạn này lại cho thấy quan điểm của các tác giả Federalist, nhất là James Madison (thể hiện trong FP 10) rất e ngại sự độc tài của đa số và rất lưu tâm tới quyền của thiểu số.
[14] “the United States” tức Liên bang Mỹ theo mô hình như Hiến pháp dự thảo đề xuất.
[15] Cả đoạn này có nghĩa dễ hiểu hơn là: Chia Liên bang thành nhiều thực thể nhỏ sẽ gây mất an ninh cho các quyền tự do của công dân nhưng lại làm tăng an ninh cho quyền lực của một số kẻ cầm quyền.
[16] Nguyên văn “the weaker individual is not secured against the violence of the stronger”.
[17] Rhode Island là tiểu Bang có kích thước rất nhỏ so với các tiểu Bang khác và là tiểu Bang duy nhất không gửi đại diện tham dự Hội nghị (lập hiến) Philadelphia.
[18] “popular form of government”. Xem thêm phần Thuật ngữ mục “Chính thể bình đân”.

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Donald J. Trump và ba bản Federalist (2)

Xem phần:  (1)

Đã có những gợi ý phế truất Donald J. Trump khỏi Nhà Trắng trong vòng 2 năm tới. Về lý thuyết, đề xuất này hoàn toàn có thể do Hiến pháp Mỹ, ngay từ lúc có hiệu lực vào năm 1788, đã trù liệu phế truất tổng thống bất cứ lúc nào, ngay tại Điều I. Đó là hệ thống chính trị Mỹ. Trong khi đó, hệ thống chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam dựng lên ngay từ thời Hồ Chí Minh lại có những trù liệu (như Điều 50, 51 Hiến pháp 1946) nhằm chạy hết tội cho lãnh đạo.

David Hume, triết gia Scotland, năm 1754 đã tỏ ra buồn phiền về việc con người thường ít tìm hiểu các hệ thống chính quyền trong khi họ vẫn thường phải sống dưới các chính quyền bạo ngược, suy đồi. Hume biết rõ tạo dựng một hệ thống chính trị mới không dễ như “xây một con tàu mới”, nhưng, theo ông, trí tò mò con người rất cần phải đào sâu vào các hệ thống chính trị để xác định những điều hay, dở và tìm ra mô hình tốt nhất. Hume cũng hiểu chính trị không phải là vấn đề dễ hiểu và hấp dẫn với tất cả mọi người. Nhưng không có cách nào khác nếu con người muốn có một chính quyền tử tế, hoặc bớt bạo ngược hơn.

FEDERALIST 39
Phạm Hồng Sơn dịch
Hiến pháp và các nguyên tắc cộng hòa
Viết cho the Independent Journal
Thứ Tư, 16 tháng Một 1788*

James Madison

Kính gửi Nhân Dân tiểu Bang New York:

Bài viết trước đã tóm lược các dữ kiện nhằm đưa ra một đánh giá công bình mô hình chính quyền do Hội nghị đề xuất, bây giờ chúng ta bắt tay thực hiện sự đánh giá này. Câu hỏi đầu tiên tự nổi lên là phải chăng dạng thức và đặc tính tổng quát của chính quyền tuân thủ nghiêm tính chất cộng hòa. Điều hiển nhiên là không có một dạng thức chính quyền nào khác có thể tương hợp được với tài năng thiên bẩm của nhân dân Mỹ; với các nguyên tắc cơ bản của cuộc Cách mạng; hoặc với quyết tâm cao cả của những con người đã tận hiến cho tự do muốn sử dụng mọi kinh nghiệm chính trị đã có của chúng ta về năng lực tự quản của loài người. Vì vậy, nếu kế hoạch của Hội nghị bị phát hiện đã rời xa tính chất cộng hòa, những người ủng hộ chắc chắn phải từ bỏ nó vì không còn bảo vệ được nữa.
 
James Madison (1751-1836)
Vậy, những đặc thù của một nền cộng hòa là gì? Nếu tìm một câu trả lời dựa vào sự áp dụng của các học giả chính trị trong hiến pháp của các quốc gia khác nhau, chứ không phải căn cứ trên các nguyên lý, chúng ta sẽ không thể tìm được một câu trả lời hoàn hảo. Hà Lan, không một thành tố nào trong quyền lực tối cao ở quốc gia này xuất phát từ dân chúng, vẫn gần như được tất cả định danh là một nước cộng hòa. Cùng cái tên đó cũng được dành cho Venice[1] nơi quyền lực tuyệt đối ngự trên toàn dân theo cách tuyệt đối nhất bằng một nhóm nhỏ quí tộc thế tập. Ba Lan, một chính quyền có sự pha trộn kém cỏi nhất giữa quí tộc trị và quân chủ trị, cũng được tôn vinh bằng đúng danh hiệu đó. Chính quyền Anh, nơi chỉ có một nhánh quyền lực mang tính cộng hòa[2] là sự phối hợp giữa quí tộc thế tập trị (hereditary aristocracy) và quân chủ trị (monarchy)[3], vẫn thường xuyên được liệt, một cách cũng sai lầm, vào danh mục các nước cộng hòa. Những ví dụ này, gần như vừa khác nhau và vừa khác với một nền cộng hòa đúng nghĩa, cho thấy thuật ngữ cộng hòa đã được sử dụng hết sức bất chính xác trong các diễn ngôn chính trị.

Nếu chúng ta lấy ra một nguyên tắc chung cho các nguyên lý vận hành khác nhau của các chính thể đã tồn tại, chúng ta có thể định nghĩa một nước cộng hòa, hoặc ít nhất danh tính này có thể áp dụng, là một chính quyền có tất cả mọi quyền lực đều trực tiếp hoặc gián tiếp có khởi nguồn từ đa số dân chúng, và được điều hành bởi những người có nhiệm kỳ bấp bênh [4]trong một thời hạn xác định hoặc có nhiệm kỳ phẩm hạnh[5].

CỐT YẾU đối với dạng chính thể này là nó có nguồn từ một bộ phận lớn của xã hội[6], không phải từ một tỷ lệ không đáng kể hay từ một giai tầng ưu ái nào đó của xã hội; nếu khác, một nhúm quí tộc bạo quyền, chuyên tiến hành trấn áp thông qua những kẻ dưới quyền, cũng sẽ mong mỏi đứng vào hàng ngũ cộng hòa, và tuyên xưng chính quyền của họ với danh hiệu cao cả cộng hòa. ĐIỀU ĐỦ cho chính quyền kiểu này là những kẻ điều khiển nó phải do người dân, trực tiếp hay gián tiếp, lập nên; và nắm giữ các chức vụ theo một trong hai cách vừa nêu[7]. Nếu khác, mọi chính quyền trong Hợp Chúng Quốc (United States)[8], cũng như mọi chính quyền bình dân[9], với cấu tạo hoàn hảo hoặc vận hành tốt đến đâu, cũng sẽ không có phẩm tính cộng hòa. Nhìn vào hiến pháp của mọi tiểu Bang trong Liên hiệp[10], một số viên chức chính quyền chỉ được người dân lập qua cách gián tiếp. Đa phần hiến pháp cho thấy ông thống lãnh hành pháp đang được chọn như vậy.

Một hiến pháp còn cho thấy cách bổ nhiệm này được áp dụng cả cho một nhánh của lập pháp đa viện. Nhưng theo mọi hiến pháp, nhiệm kỳ của tất cả các chức vụ cao nhất đều có thời hạn nhất định, và trong nhiều trường hợp, cả hành pháp và lập pháp, trong khoảng một số năm. Cũng theo dự trù của đa phần hiến pháp, và theo cả các ý kiến phổ biến và uy tín nhất trong lĩnh vực này, các thành viên của bộ phận tư pháp sẽ giữ nhiệm sở chắc chắn theo nhiệm kỳ phẩm hạnh.

Đối chiếu Hiến pháp của Hội nghị với tiêu chuẩn vừa trình bày, chúng ta nhận ra ngay bản Hiến pháp giống y như tiêu chuẩn theo nghĩa chặt chẽ nhất.

Cơ quan Đại diện[11], giống ít nhất một nhánh trong các lập pháp tiểu Bang, được bầu trực tiếp từ đa số dân chúng. Thượng viện, như Quốc hội hiện tại, và giống Thượng viện của Maryland, sẽ được dân bầu gián tiếp[12]. Tổng thống sẽ do dân lựa chọn gián tiếp như trong phần lớn các tiểu Bang. Ngay cả thẩm phán, cùng mọi viên chức khác của Liên hiệp, giống trong nhiều tiểu Bang hiện nay, sẽ là lựa chọn, dầu là lựa chọn xa, của chính nhân dân[13]. Thời gian tại vị của các chức vụ cũng tuân theo tiêu chuẩn cộng hòa[14]. Giống trong tất cả các tiểu Bang, Cơ quan Đại diện sẽ được bầu lại định kỳ; cho nhiệm kỳ hai năm[15] như trong Bang South Carolina. Thượng viện được bầu cho nhiệm kỳ sáu năm[16], một năm nhiều hơn so nhiệm kỳ Thượng viện Maryland, nhưng hơn hai năm so với Thượng viện của New York và Virginia.

Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn bốn năm; giống tại New York và Delaware, thống lãnh bang được bầu cho thời hạn ba năm, còn South Carolina là hai năm. Trong các tiểu Bang khác, thống lãnh được bầu lại hàng năm. Tuy nhiên, trong nhiều Bang, hiến pháp không có qui định đàn hặc[17] đối với thống lãnh hành pháp. Ở Delaware và Virginia thống lãnh chỉ bị đàn hặc sau khi rời nhiệm sở. Nhưng Tổng thống của Hợp Chúng Quốc có thể bị đàn hặc bất cứ lúc nào trong khi tại vị. Nhiệm kỳ cho thẩm phán giữ nhiệm sở, như đương nhiên cần phải, là theo nhiệm kỳ phẩm hạnh. Nhiệm kỳ của các chức vụ bộ phận, nói chung, sẽ do luật qui định, phù hợp với yêu cầu của từng chức vụ và theo kinh nghiệm của các Hiến pháp tiểu Bang.

Nếu cần thêm dẫn chứng cho tính cách cộng hòa của hệ thống này, chúng ta có thể nêu ra điểm quyết định nhất là nó cấm tuyệt đối mọi tước vị quí tộc, cả ở chính quyền liên bang lẫn tiểu Bang; và sự bảo đảm minh thị của nó về dạng thức cộng hòa cho từng chính quyền tiểu Bang.

“Song, Hội nghị chưa đủ gắn bó với dạng thức cộng hòa.” những đối thủ của Hiến pháp dự thảo nói, “Lẽ ra họ cũng phải duy trì dạng thức LIÊN BANG (federal)[18] coi Liên hiệp là một BANG LIÊN (confederacy)[19] của các nhà nước chủ quyền; thay vì thế, họ đã thiết kế một chính quyền QUỐC GIA xem Liên hiệp là một loại HỢP NHẤT các tiểu Bang[20].

Và người ta còn hỏi những cải tiến táo bạo và triệt để đó sẽ được thực hiện bằng thẩm quyền nào? Những gì đã diễn ra xung quanh phản đối này buộc chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn.

Chúng ta sẽ không truy tìm tính chính xác trong nền tảng của phản đối này, nhưng để đánh giá công bằng sức thuyết phục của nó chúng ta cần phải, thứ nhất, xác định rõ bản chất thực sự của chính quyền đang bị chất vấn; thứ hai, điều tra lại những thẩm quyền đã cho phép[21] Hội nghị đề xuất ra mô hình chính quyền như thế; thứ ba, xét xem bổn phận với đất nước của những người khởi thảo có thể tạo ra quyền lực thường trực đến đâu để sửa chữa các khuyết tật.

Thứ nhất, để xác định rõ bản chất thực của một chính quyền, chúng ta cần phải xét các tương quan sau: nền tảng thiết lập chính quyền; nguồn gốc sinh ra các quyền lực cơ bản của chính quyền; sự thực thi các quyền lực này; phạm vi tác động của chúng; và thẩm quyền nào cho phép thay sửa chính quyền đó trong tương lai.

Xem xét tương quan thứ nhất, chúng ta thấy, một mặt, Hiến pháp được đặt trên nền tảng là sự ưng thuận và phê chuẩn của nhân dân Mỹ thông qua những đại biểu được bầu cho mục đích quan trọng này; mặt khác, sự ưng thuận và phê chuẩn này của nhân dân, không phải với tư cách cá nhân của một toàn thể dân tộc mà là các cá nhân thuộc riêng các Nhà nước tiểu Bang độc lập và khác biệt[22]. Đó cũng sẽ là sự ưng thuận và phê chuẩn của các tiểu Bang xuất phát từ thẩm quyền tối cao của từng tiểu Bang - thẩm quyền của chính nhân dân ở đó. Do đó, hành động thiết lập Hiến pháp không phải là hành động mang tính QUỐC GIA (national)[23] mà là mang tính LIÊN BANG (federal).

Do Hiến pháp sẽ là một bộ luật liên bang, không phải luật quốc gia, như các thuật ngữ này đã được những người phản đối đồng ý; và hành động của nhân dân, với nghĩa “nhân dân” của các tiểu Bang độc lập chứ không phải nhân dân của một quốc gia tổng hợp[24], cách nhìn này cho thấy rõ Hiến pháp không phải là kết quả từ quyết định của một ĐA SỐ dân chúng của Liên hiệp, cũng không phải từ ĐA SỐ các Tiểu bang. Nó sẽ là kết quả từ sự ĐỒNG ưng thuận của các tiểu Bang hợp thành[25], không hề khác với sự ưng thuận thông thường trong cách bày tỏ, không phải qua thẩm quyền lập pháp mà qua thẩm quyền của chính người dân.

Nếu nhân dân trong tương quan này đã được coi là một khối dân tộc thì ý chí nhóm đa số của toàn bộ nhân dân Hợp Chúng Quốc sẽ áp buộc nhóm thiểu số theo đúng cách mà nhóm đa số áp buộc nhóm thiểu số trong từng tiểu Bang; và, ý chí của nhóm đa số sẽ phải được xác định bằng cách: hoặc qua việc so sánh các lá phiếu cá nhân, hoặc qua việc coi ý chí của đa số trong các tiểu Bang là thể hiện cho ý chí của đa số nhân dân Hợp Chúng Quốc[26].

Song, không có nguyên tắc nào vừa nói được áp dụng. Mỗi tiểu Bang, khi phê chuẩn Hiến pháp, lại được coi là một thực thể có chủ quyền, độc lập với tất cả các tiểu Bang khác và chỉ bị ràng buộc bởi chính sự tự nguyện của bản thân. Do đó, Hiến pháp mới, nếu được thiết lập, sẽ là một hiến pháp LIÊN BANG (federal), không phải một hiến pháp QUỐC GIA (national).

Trong tương quan tiếp theo, các nguồn gốc sinh ra các quyền lực thông thường của chính quyền, ta thấy Cơ quan Đại diện lấy quyền lực từ  nhân dân Mỹ; và nhân dân sẽ được đại diện trong Cơ quan Đại diện theo cùng một tỷ lệ, và trên cùng một nguyên tắc giống như họ có đại diện trong cơ quan lập pháp của từng tiểu Bang[27]. Với đặc tính này, chính quyền có tính chất QUỐC GIA, không phải LIÊN BANG. Mặt khác, Thượng viện sẽ lấy quyền lực từ nguồn là các tiểu Bang – như những thực thể chính trị đồng đẳng; các tiểu Bang sẽ có đại diện ở Thượng viện trên nguyên tắc bình đẳng, giống như họ đang có trong Quốc hội hiện nay[28]. Đặc tính này cho chính quyền tính chất LIÊN BANG, không phải QUỐC GIA.

Quyền lực hành pháp sẽ xuất phát từ một nguồn phức tạp hơn nhiều. Bầu Tổng thống sẽ do các tiểu Bang thực hiện trực tiếp tùy theo đặc điểm chính trị của mỗi tiểu Bang. Phiếu bầu cho mỗi tiểu Bang sẽ được phân theo một hệ số phức hợp: một mặt, coi các tiểu Bang là những thực thể khác biệt nhưng đồng đẳng, mặt khác lại coi các tiểu Bang là các thành viên bất bình đẳng của cùng một xã hội. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng để chọn ra Tổng thống sẽ do nhánh lập pháp gồm các đại diện quốc gia thực hiện[29]; nhưng trong cuộc bỏ phiếu đặc biệt này những người bầu được tập hợp thành các phái đoàn riêng biệt dựa trên các nhóm chính trị khác nhau về quan điểm nhưng bình đẳng về quyền[30]. Phương diện này làm cho chính quyền tương lai có tính chất phức hợp: ít nhất các đặc tính LIÊN BANG cũng hiện diện nhiều như các đặc tính QUỐC GIA.

Về tương quan THỰC THI CHÍNH QUYỀN, Hiến pháp coi sự khác nhau giữa chính quyền liên bang và chính quyền quốc gia nằm ở đặc điểm này: quyền lực liên bang thực thi trên các thực thể chính trị cấu thành Bang liên (confederacy) với các năng lực chính trị của chúng; quyền lực quốc gia thực thi trên các công dân cá nhân thành viên của quốc gia với các năng lực riêng của họ. Xét trên tiêu chí này, Hiến pháp có tính QUỐC GIA, không phải LIÊN BANG mặc dù có thể không hoàn toàn đúng như thế. Trong nhiều tình huống, nhất là khi phân giải bất đồng giữa các tiểu Bang, vấn đề chỉ được xem xét và giải quyết với các năng lực tập thể[31] và chính trị. Như thế, vẻ mặt quốc gia của chính quyền ở khía cạnh này dường như đã bị một vài đặc tính liên bang làm biến dạng. Nhưng tỳ vết này có lẽ không thể tránh khỏi trong bất kỳ thiết kế nào; và sự thực thi chính quyền trên nền tảng nhân dân bằng các năng lực riêng của họ và qua các thủ tục thông thường, chính yếu nhất, về tổng quát, có thể định danh chính quyền trong tương quan này là một chính quyền QUỐC GIA.

Tuy thế, nếu chính quyền có tính quốc gia với góc nhìn THỰC THI quyền lực, tính chất này sẽ lại thay đổi khi ta ngẫm nó trong tương quan PHẠM VI của các quyền lực.

Ý tưởng về một chính quyền quốc gia chính là nằm ở đây, không chỉ là quyền lực bao phủ lên các công dân cá nhân mà còn là một uy quyền tối cao bất định trùm lên mọi cá nhân, sự vật cho tới khi họ và chúng còn là những đối tượng của một chính quyền hợp luật. Trường hợp một khối người hợp lại thành một quốc gia, uy quyền tối cao đó được giao hoàn toàn cho cơ quan lập pháp quốc gia[32]. Nhưng, trường hợp các cộng đồng hiệp lại với nhau cho những mục đích đặc biệt, uy quyền tối cao phân cho hai nơi: một phần ở cơ quan lập pháp chung, phần kia ở các cơ quan lập pháp bộ phận.  

Trong trường hợp đầu, mọi thẩm quyền địa phương đều lệ thuộc thẩm quyền tối cao; và có thể bị kiểm soát, điều hướng hoặc bãi bỏ tùy theo ý muốn của thẩm quyền tối cao.

Trong trường hợp sau, các thẩm quyền địa phương hoặc bộ phận là các thành phần độc lập, riêng biệt trong thẩm quyền tối cao, không chỉ không còn lệ thuộc vào thẩm quyền chung trong các phạm vi riêng biệt của chúng mà thẩm quyền chung lại lệ thuộc chúng nhiều hơn ngay trong lĩnh vực riêng của thẩm quyền chung.

Như vậy, trong mối tương quan này, mô hình chính quyền được đề xuất không thể được coi là một chính quyền QUỐC GIA; vì quyền hành (jurisdiction) của nó chỉ có với một số đối tượng được xác định trước, và nó để cho các tiểu Bang được có một quyền chủ tể đọng lại[33] bất khả xâm phạm trên tất cả các đối tượng khác. Đương nhiên, trong trường hợp có bất đồng về ranh giới giữa hai loại quyền hành này, tòa đưa ra phán quyết tối hậu sẽ phải được lập dưới chính quyền chung.

Nhưng điều này không làm thay đổi nguyên lý của vấn đề. Vì phán xét sẽ phải được thực hiện bất thiên vị, tuân theo các qui định của Hiến pháp; và tất cả các biện pháp đề phòng thông thường nhất, cẩn thận nhất sẽ được áp dụng để bảo vệ tính bất thiên vị này. Loại tòa án như thế rõ ràng là điều cốt tử để tránh phải viện tới gươm đao và tan rã kết ước; và nó cũng cần được thiết lập dưới chính quyền chung hơn là chính quyền địa phương hoặc, nói một cách rõ hơn, rằng tòa án này sẽ an toàn khi được thiết lập chỉ dưới thẩm quyền chung, một vị thế khó còn tranh cãi.

Nếu xét bản Hiến pháp, trong mối tương quan cuối cùng, với thẩm quyền để tu chính bản thân nó, chúng ta sẽ thấy nó không hoàn toàn là QUỐC GIA cũng không hoàn toàn là LIÊN BANG. Nếu hoàn toàn là quốc gia, thẩm quyền tối cao và tối hậu phải thuộc về ĐA SỐ nhân dân của Liên hiệp; và thẩm quyền này sẽ phải luôn luôn có hiệu lực, như thẩm quyền của một đa số trong mọi xã hội quốc gia, khi tu chính hay xóa bỏ một chính thể đã lập.

Mặt khác, nếu nó hoàn toàn là liên bang, phải có tán thành đồng thời của mọi tiểu Bang trong Liên hiệp cho mọi thay đổi ràng buộc tất cả. Cách thức do Hội nghị đề xuất không dựa trên nguyên tắc nào vừa nêu. Bằng đòi hỏi nhiều hơn một đa số, và một số nguyên tắc. Bằng đòi hỏi nhiều hơn một đa số, và đặc biệt bằng tính tỷ lệ theo TIỂU BANG, không phải theo CÔNG DÂN,  bản Hiến pháp đã rời tính chất QUỐC GIA và tiến nhiều sang LIÊN BANG; bằng không đòi hỏi phải có tán thành của tất cả các tiểu Bang, nó lại bớt đi đặc tính LIÊN BANG và lấy thêm tính chất QUỐC GIA.

Vì vậy, bản Hiến pháp dự thảo, trong ý nghĩa chặt chẽ, không phải là hiến pháp quốc gia, cũng không phải hiến pháp liên bang, mà là tổng hợp của cả hai. Về nền tảng, nó là liên bang, không phải quốc gia; về nguồn gốc sinh ra quyền lực cơ bản cho chính quyền, nó vừa là liên bang vừa là quốc gia; trong sự thực thi các quyền lực này, nó lại là quốc gia, không phải liên bang; về phạm vi của quyền lực, nó lại là liên bang, không phải quốc gia; và cuối cùng, xét về thẩm quyền tu chính, bản Hiến pháp dự thảo không hoàn toàn thuộc đặc tính liên bang, cũng không hoàn toàn thuộc đặc tính quốc gia.

Publius

* Trong năm (5) nguồn tham khảo (nêu trong Lời giới thiệu) chỉ có hai nguồn (www.constitution.org; bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012) ghi thời gian xuất bản bài này (như ghi ở đây), nhưng chỉ có bản đầu ghi thứ của ngày trong tuần. Nguồn Anh ngữ căn bản để dịch:

- Các ghi chú là của người dịch. Những ghi chú có chữ A.A. là dựa theo ghi chú trong bản dịch Pháp văn của Anne Amiel.

(còn 1 phần)



[1] Chính thể cộng hòa nằm ở phía đông bắc Italy hiện nay, tồn tại gần 1000 năm từ cuối thế kỷ VII đến 1797, thường được giới nghiên cứu chính trị quan tâm vì mặc dù lâm chiến liên miên nhưng là một chính thể mạnh về kinh tế và thương mại và đặc biệt tồn tại rất lâu.
[2] Tức Viện thứ dân, the House of Commons, của nghị viện Anh, được hình thành qua lá phiếu của người dân.
[3] Tác giả có ý nói đến Viện Quí tộc, House of Lords – thượng nghị viện – của Nghị viện Anh, hình thành từ các chức sắc tôn giáo như các giám mục, chức sắc thế tục như giới quý tộc hoặc những tước vị cao cấp và tất cả có tính cha truyền con nối hoặc được tuyển chọn không qua lá phiếu của dân; còn “quân chủ trị” là nói đến vai trò của vua (hoặc nữ hoàng) Anh nắm quyền hành pháp.
[4] “during pleasure” - Nhiệm kỳ có hạn định là 2, 4 hoặc 5 năm, v.v. nhưng có thể bị truất quyền, phế bỏ chức vụ bất cứ lúc nào khi người dân cảm thấy không hài lòng (pleasure). Thuật ngữ này đối ngược với nhiệm kỳ phẩm hạnh “during good behavior”. Xem thêm phần Thuật ngữ.)
[5] “during good behavior” - Nhiệm kỳ vô thời hạn (coi như suốt đời đến khi về hưu hoặc tới lúc từ chức) chừng nào phẩm hạnh của người giữ chức vụ này vẫn được coi là tốt đẹp dù người dân có thể không thấy hài lòng (pleasure). Xem thêm phần Thuật ngữ.
[6] Nguyên văn “great body of the society” (một bộ phận lớn của xã hội), tác giả nói theo nghĩa hết sức chính xác, vì kể cả có 100% số phiếu ủng hộ thì điều đó cũng chưa hẳn là 100% dân số vì thực tế không bao giờ có 100% người dân đi bỏ phiếu.
[7] Nhiệm kỳ bấp bênh (during pleasure) hoặc nhiệm kỳ phẩm hạnh (during good behavior).
[8] Tức nước Mỹ mới thành lập.
[9] “popular government”. Xem thêm phần Thuật ngữ.
[10] Lúc này đa phần 13 tiểu Bang đã tự xây dựng Hiến pháp riêng.
[11] “House of Representatives” (thường được dịch là Hạ viện) là một trong hai viện của cơ quan lập pháp (quốc hội) của Mỹ, viện kia là Thượng viện (senate).
[12] Ý này sẽ thành Điều (Article) 1 Khoản (section) 3 của Hiến pháp Mỹ qui định các thượng nghị sỹ liên bang sẽ do các cơ quan lập pháp tại tiểu bang bầu trực tiếp. Mãi đến năm 1913, tu chính án thứ 17 qui định lại, yêu cầu thượng nghị sỹ liên bang do nhân dân các bang bầu trực tiếp.
[13] Nghĩa là người dân không bầu trực tiếp ra các chức vụ này mà qua sự đề cử và phê duyệt của những người do dân đã bầu ra. Ví dụ, Tổng thống đề cử thẩm phán liên bang hoặc các chức vụ tổng trưởng với sự phê chuẩn của Thượng viện.
[14]Tức theo nhiệm kỳ bấp bênh hoặc nhiệm kỳ phẩm hạnh
[15] Ý này đã được hiện thực hóa thành Điều 1 Khoản 2 Hiến pháp Mỹ qui định cứ 2 năm Hạ nghị viện Mỹ phải bầu lại.
[16] Ý này đã được hiện thực hóa thành Điều 1 Khoản 3 Hiến pháp Mỹ qui định cứ 2 năm có 1/3 Thượng nghị sỹ phải bầu lại.
[17] “impeachment”, xem thêm phần Thuật ngữ.
[18] Xem thêm phần Thuật ngữ.
[19] Xem thêm phần Thuật ngữ.
[20] Đây là một ý của nhóm anti-federalist phản đối Hiến pháp, phản đối sự hợp nhất 13 tiểu Bang thành một thực thể dưới một chính quyền chung, vì họ sợ chính quyền liên bang (dự kiến) có bản chất giống như chính quyền của một tiểu Bang ở nghĩa thu vén và kiểm soát tất cả mọi vấn đề của các tiểu Bang, nghĩa là làm cho các tiểu Bang mất quyền chủ tể (sovereignty). Chính vì vậy, ở phần trình bày tiếp theo và trong các FP khác, vấn đề phân biệt giữa chính quyền liên bang và tiểu bang sẽ được làm rõ. Ở đây chúng ta nên chú ý một số thuật ngữ có những sắc thái khác nhau khá tinh tế: Trước hội nghị lập hiến tại Philadelphia, hình thức gắn kết của 13 bang (thuộc địa cũ) được gọi là Confederation. Nhưng khi thảo ra bản hiến pháp mới, các nhà lập hiến đã tạo ra một dạng thức chính quyền mới trên cơ sở tương tự như Confederation nhưng có nhiều cải tiến dường như chưa từng có trong lịch sử và bản thân họ, hình như, cũng chưa tự tin hoàn toàn trong việc đặt tên cho hình thức mới này nên những thuật ngữ như federation, confederation, confederacy vẫn thỉnh thoảng được dùng lẫn cho nhau mà ngày nay chúng ta có thể hiểu là cùng một nghĩa: liên bang. Chính vì thế, để làm bớt sự băn khoăn, và tránh ngộ nhận, và làm rõ hơn về dạng thức chính quyền mới, trong FP 9 Alexander Hamilton đã giải thích kỹ sự khác biệt quan trọng giữa dạng thức LIÊN BANG (confederacy, federation) với dạng thức HỢP NHẤT (consolidation).
[21] Một trong những luận cứ của những người phản đối dự thảo Hiến pháp là Hội nghị Phidelphia không được phép đưa ra một hiến pháp hoàn toàn mới như đang thấy vì lý do triệu tập Hội nghị chỉ là nhằm sửa đổi thỏa ước the Articles of Confederation.
[22] Tác giả có ý làm rõ và nhấn mạnh bản hiến pháp vẫn tôn trọng chủ quyền riêng biệt và những tự do riêng biệt của từng bang khi trở thành thành viên của liên bang như hiến pháp dự liệu.
[23] Vì lúc này các tiểu bang rất e ngại khi hình thành liên hiệp các quyền tự do của họ sẽ bị mất hoặc thuyên giảm, do đó các nhà lập hiến Mỹ đã tránh các từ ngữ có thể làm trầm trọng thêm quan ngại đó. Vì vậy trong Hiến pháp Mỹ không hề có từ “dân tộc”, “quốc gia” (nation, national) mà chỉ có từ “nhân dân” (we the people) và chính quyền liên bang (federal government). Đoạn này cũng cho thấy e ngại đó. Nhưng chúng ta sẽ thấy các tác giả FP sau này sẽ mạnh dạn một cách dè dặt dùng các từ như “chung” (general) “quốc gia” (national) để chỉ Liên hiệp mới. Xem thêm ghi chú số 1 trong FP 3.
[24] Xem lại ghi chú ở trên.
[25] Thực tế, những người dự thảo Hiến pháp đã ấn định Hiến pháp sẽ được thông qua nếu có 9/13 tiểu Bang phê chuẩn. Tại sao những người soạn Hiến pháp lại quyết định như thế, chúng ta sẽ thấy một giải thích trong FP 40.
[26] Để dễ hiểu hơn ta có thể coi như thế này: Hợp Chúng Quốc đó có 13 Bang với tổng số dân là 2 000 người (coi như đều đủ tư cách bỏ phiếu). Vậy xét đa số “qua việc so sánh các lá phiếu cá nhân” là xét trên tổng số 2 000 lá phiếu đó, sẽ có bao nhiêu người đồng ý/không đồng ý. Và xét ý chí đa số của các tiểu Bang là xét xem trong 13 bang đó có bao nhiêu bang đồng ý/không đồng ý. Hai cách xem xét này có thể không trùng nhau về kết quả dựa trên tổng số dân, vì có thể số các bang “đồng ý” không đạt được quá bán của 13 bang, nhưng tổng số dân trong các bang “đồng ý” này lại chiếm đa số dân trong tổng số 2 000 người dân (của toàn 13 bang). Bởi tổng số dân ở các bang “không đồng ý” ít hơn tổng số dân có trong các bang “đồng ý”.
[27] Số đại diện trong Hạ viện của các tiểu Bang được ấn định dựa trên tỷ lệ dân số. Hiến pháp Mỹ Điều 1 Khoản 2 qui định cứ 30.000 dân có 01 đại diện trong Cơ quan Đại diện (Hạ viện), nhưng ít nhất một bang phải có 01 đại diện.
[28] Nghĩa là dù bang ít dân hay nhiều dân thì số thượng nghị sỹ mỗi bang đều giống nhau, không theo tỷ lệ dân số như Hạ viện. Hiến pháp Mỹ Điều 1 Khoản 3 qui định mỗi tiểu bang có 2 thượng nghị sỹ.
[29] Chính là Cơ quan Đại diện (Hạ viện).
[30] Hiến pháp Mỹ Điều 2 Khoản 1 qui định cách thức bầu Tổng thống, tóm tắt: Mỗi tiểu Bang sẽ đề cử, theo thể thức do cơ quan lập pháp của Tiểu bang đó qui định, một số cử tri (elector) bằng tổng số Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ mà tiểu Bang đó có tại Quốc hội Liên bang để bầu tổng thống và phó tổng thống. Tiến trình đó gọi là Electoral College, các cử tri đó thường được người Việt gọi là đại cử tri. Tổng số đại cử tri hiện nay là 538 (435 + 100 + 3; 3 là số đại cử tri được dành riêng cho District of Columbia theo Tu chính Án số 23 được các tiểu Bang phê chuẩn ngày 29/3/1961). Các đại cử tri sẽ tập hợp lại tại từng tiểu Bang của họ để bỏ phiếu cho hai ứng cử viên Tổng thống – trong đó ít nhất có một người không cư trú tại tiểu Bang của họ. Nếu ứng cử viên nào được đa số phiếu cử tri đoàn (tối thiểu 270) thì đắc cử Tổng thống. Nếu có hai ứng cử viên có số phiếu cử tri đoàn chiếm đa số bằng nhau thì Hạ viện sẽ bỏ phiếu chọn Tổng thống trong hai người này. Nếu không có ai được đa số phiếu cử tri đoàn, Hạ viện sẽ bỏ phiếu cho năm người có số phiếu cao nhất theo cách: mỗi tiểu Bang được một phiếu với điều kiện phải có đại diện của ít nhất 2/3 tổng số các tiểu Bang. Sau khi chọn được Tổng thống, người có số phiếu nhiều nhất sẽ là Phó Tổng thống. Nếu có hai hoặc nhiều người cùng có số phiếu như nhau thì Thượng viện sẽ bỏ phiếu chọn Phó Tổng thống.
[31] Tức với mục tiêu vì toàn liên bang.
[32] Ý tưởng “cơ quan lập pháp quốc gia nắm uy quyền tối cao” là một ý tưởng thịnh hành lúc đó. Nhưng, các diễn tiến về học thuật chính trị sau này không còn coi như thế, mà “uy quyền tối cao” được san sẻ, ước chế và cân bằng giữa lập pháp-hành pháp-tư pháp.
[33] “A residuary sovereignty” - đây là thuật ngữ do tác giả sáng tạo, sẽ được nhắc lại trong FP 62. A.A.