Từ ngay trước khi kéo quân về tiếp
quản Hà Nội và độc quyền cai trị miền Bắc vào tháng 10 năm 1954,
chính quyền Việt Nam, do những người đi theo chủ nghĩa Cộng sản dựng nên, đã
chứng tỏ rất hiệu quả trong việc phát hiện và loại bỏ những người Việt có
phẩm cách và trí tuệ xuất chúng. Tác phẩm sau đây là một bằng chứng nữa cho sự
„hiệu quả“ đau lòng đó.
Như Cây Tre Việt Nam trân trọng
giới thiệu Luật Hiến pháp và Chính trị học
của cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông theo bản điện tử vừa ra mắt độc giả trên pro&contra
của Phạm Thị Hoài.
__
Lời
giới thiệu của pro&contra
Cuốn sách này sẽ còn
phải chờ một thời gian dài, trước khi lại được xuất bản tại Việt Nam. Vì hai
lẽ:
Thứ nhất, vì bản thân
nội dung của nó. Ra đời gần một nửa thế kỉ trước tại miền Nam Việt Nam thời Đệ
nhị Cộng hòa, nền tảng lí thuyết tổ chức một nhà nước dân chủ và pháp quyền mà
nó trình bày đối lập sâu sắc với mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa với độc quyền
lãnh đạo của Đảng Cộng sản trước sau vẫn tồn tại trong thực tế và vẫn chế ngự
tư duy chính thống.
Thứ
hai, tác giả của nó không phải ai khác, chính là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người
bị chính quyền cách mạng ám sát ngày 10-11-1971. Lí do để ở thời điểm ấy, Hà
Nội quyết định duyệt lệnh giết một giáo sư luật, Viện trưởng Viện Quốc gia Hành
chánh tại Sài Gòn, gần đây được bạch hóa trên báo chí Việt Nam với một sự thản
nhiên đến lạnh người. Một trong hai người trực tiếp tiến hành và tiến hành
thành công vụ ám sát, ông Vũ Quang Hùng kể: “Theo tin tức tình báo,
G.33 (tức ông Nguyễn Văn Bông) đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu
G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác
hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn
Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang
dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”. Trong một loạt bài vinh danh “chiến công vang dội của An ninh
T4″, báo Công an cho biết thêm: “Nguyễn Văn Bông bị tiêu diệt
không chỉ làm ‘đổ bể‘ kế hoạch thay đổi nhân sự của ngụy quyền Sài
Gòn mà còn làm cho nội bộ địch nghi ngờ lẫn nhau“.
Trong
danh sách những nhân vật xuất chúng bị chính quyền cộng sản ám sát hoặc trừ khử
trong bóng tối, Nguyễn Văn Bông có nhiều điểm tương đồng với Phạm Quỳnh. Họ đều
là những trí tuệ hiếm có, những trí thức có tầm vóc và ảnh hưởng lớn, dấn thân
trong trường chính trị cho một nước Việt Nam mới, song họ đều khước từ lựa chọn
chủ nghĩa cộng sản. Gần 70 năm sau cái chết của Phạm Quỳnh, tên tuổi ông ở Việt
Nam ngày nay không còn là cấm kị, một số tác phẩm của ông đã được tái xuất bản và
ngày càng có thêm những công trình nghiên cứu về ông. Lịch
sử đã dần bình tĩnh trở lại, tuy nỗi đau từ những tương tàn của cuộc chiến hệ
tư tưởng vẫn giày vò các thế hệ đến sau. Còn Nguyễn Văn Bông? Trong cao trào
thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vài tháng trước, Luật Hiến pháp
và Chính trị học, tác phẩm chính của ông, cũng được một số người nhắc đến
trong phần cước chú hay tài liệu tham khảo, song toàn văn cuốn sách này cho đến
nay nằm ngoài khả năng tiếp cận của phần lớn giới độc giả hàn lâm Việt Nam.
Bản điện tử sau đây
được thực hiện từ bản chụp của một trong những ấn bản hiếm hoi còn sót lại của
cuốn sách này, trong đó một số trang đã bị mất. Để thuận lợi cho độc giả hôm
nay, chúng tôi quyết định biên tập theo một số chuẩn mực phổ biến trong tiếng
Việt hiện đại. Sự can thiệp này chỉ thuần túy mang tính kĩ thuật, chủ yếu liên
quan đến chính tả, tuyệt đối không chạm vào nội dung văn bản. Bên cạnh đó chúng
tôi cũng sẽ công bố bản điện tử được thực hiện trung thành với bản in, để
truyền đạt nguyên vẹn ấn tượng và cảm xúc về một văn bản mang đậm dấu ấn văn
hóa và lịch sử của một quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam hiện không còn tồn tại.
Nguyên sách có làm mục lục chuyên đề (Index) để dễ dàng tra cứu, trong bản điện
tử chúng tôi không thực hiện. Các chú thích có kèm dấu (p&c) là do
pro&contra thực hiện. Tất cả còn lại là chú thích của tác giả Nguyễn Văn
Bông.
_________________
MỤC
LỤC
Lời tựa
Lời nói đầu cho bản in
lần thứ hai
Chương mở đầu
Phần
thứ nhất: Lý thuyết đại cương
Thiên
thứ nhất : Những khái niệm và nguyên tắc căn bản
Chương
I: Chính quyền và quốc gia
Mục I: Quyền lực, uy
quyền và hiện tượng chính trị
1. Quyền lực và quyền uy
2. Hiện tượng chính trị
Mục II: Khái niệm
chính quyền
1. Chính quyền và cộng đồng
chính trị
2. Ý niệm và vai trò của
chính quyền
3. Những hình thức của
chính quyền
Mục III: Quốc gia
1. Định nghĩa
2. Những đặc tính pháp lí
của quốc gia
3. Những hình thể của quốc
gia
Chương
II: Hiến pháp
Mục I: Thế nào là một
hiến pháp?
1. Định nghĩa thực chất và
định nghĩa hình thức
2. Hiến pháp tục lệ và hiến
pháp thành văn
3. Hiến pháp nhu tính và
hiến pháp cương tính
Mục II: Thiết lập hiến
pháp
1. Quyền lập hiến
2. Những phương thức thiết
lập hiến pháp
Mục III: Tu chính hiến
pháp
1. Nhận xét tổng quát
2. Ai có quyền đề nghị tu
chính hiến pháp?
3. Những phương thức tu
chính hiến pháp
Mục IV: Bảo vệ hiến
pháp
1. Đặt vấn đề
2. Những hình thức kiểm
soát sự hợp hiến
3. Giá trị pháp lý của “Lời
nói đầu”
Chương
III: Nguyên tắc dân chủ
Mục I: Khái niệm chính
đáng
1. Hợp pháp và chính đáng
2. Nguyên tắc dân chủ:
Nguyên tắc chính đáng trong xã hội cận đại
Mục II: Khái niệm dân
chủ
1. Định nghĩa
2. Chủ quyền
Mục III: Đại cương về
chế độ chính trị
1. Định nghĩa về chế độ
chính trị
2. Phân loại các chế độ
chính trị
3. Chế độ dân chủ và không
dân chủ
4. Những hình thức dân chủ
Thiên
thứ hai: Tổ chức chính quyền
Chương
I: Những cơ quan công quyền
Mục I: Chính phủ
1. Cá nhân điều khiển
2. Tập thể điều khiển
3. Cá nhân và tập thể điều
khiển
Mục II: Quốc hội
1. Vấn đề lưỡng viện
2. Tổ chức và điều hành
Quốc hội
Chương
II: Những hình thức tổ chức chính quyền
Mục I: Chế độ phân
quyền
1. Nguyên tắc phân quyền
2. Tổng thống chế: chế độ
áp dụng nguyên tắc phân quyền
Mục II: Chế độ hợp
quyền
1. Khái niệm hợp quyền
2. Chế độ nghị viện hay nội
các chế
Mục III: Chế độ tập
quyền
1. Những hình thức tập
quyền cổ điển
2. Một hình thức mới, chế
độ độc đảng
Chương
III: Những định luật căn bản của nền dân chủ hiện đại
Mục I: Những hình thức
tổ chức chính quyền cổ điển và thực tại chính trị ngày nay
1. Những biến chuyển của
chế độ nghị viện
2. Những biến chuyển của
chế độ tổng thống
3. Sự thay đổi toàn điện
điều kiện sinh hoạt xã hội ngày nay
Mục III: Một vài định
luật căn bản
1. Chính phủ, cơ quan đầu
não của quốc gia
2. Một hệ thống quyết định,
tấn phong và trách nhiệm quốc gia
3. Một hệ thống đối thoại tự
do
Thiên
thứ ba: Sự tham gia chính trị của công dân trong chế độ dân chủ
Chương
I: Tuyển cử
Mục I: Chế độ tuyển cử
và đặc tính của đầu phiếu
1. Chế độ tuyển cử
2. Những đặc tính của đầu
phiếu
Mục II: Thể thức đầu
phiếu
1. Một vài quy tắc tổ chức
2. Đầu phiếu theo đa số và
đầu phiếu theo tỷ lệ
Mục III: Vấn đề bất
tham gia cuộc đầu phiếu
1. Mực độ bất tham gia
2. Nguyên do của sự bất
tham gia
Chương
II: Những hình thức tham gia chính trị
Mục I: Công dân chú
trọng đến các vấn đề chính trị
1. Tìm hiểu chính trị
2. Lập trường chính trị
Mục II: Công dân chú
trọng đến các tổ chức chính trị
1. Chính đảng
2. Những tổ chức không mục
tiêu chính trị
Chương
III: Tham gia và bất tham gia
Mục I: Thái độ phi
chính trị
1. Phủ nhận tính cách chính
trị trong hoạt động
2. Đề cao thái độ thụ động
của công dân đối với thời cuộc
Mục II: Lập trường
Mác-xít: Sự tham gia trong chế độ dân chủ là một trò bịp bợm
1. Nội dung của lập trường
2. Nhận xét
Chương
IV: Đối lập chính trị
Mục I: Định nghĩa và
các quan niệm về đối lập
1. Định nghĩa
2. Đối lập được quan niệm
như thế nào?
Mục II: Vai trò của
đối lập
1. Vai trò hạn chế và kiểm
soát chính quyền
2. Vai trò cộng tác với
chính quyền
Mục III: Quy chế của
đối lập
1. Những quyền hạn của đối
lập
2. Những nghĩa vụ của đối
lập
Mục IV: Đối lập trong
các quốc gia chậm tiến
Phần
thứ hai: Thế giới chính trị hiện đại
Thiên
thứ nhất: Những chế độ dân chủ cổ điển
Chương
I: Chế độ chính trị Hoa Kỳ
Mục I: Khung cảnh pháp
lý
1. Một quốc gia liên bang
2. Một hiến pháp cương tính
3. Một chế độ tổng thống
Mục II: Thực tại chính
trị
1. Một hệ thống chính đảng
duy nhất
2. Một chính thể đại nghị
trá hình
3. Một nền dân chủ đại diện
bởi một cá nhân
Chương
II: Chế độ chính trị Anh Quốc
Mục I: Khung cảnh pháp
lý
1. Một xã hội cổ truyền
thời Trung cổ
2. Một chính thể quân chủ
lập hiến
Mục II: Thực tại chính
trị
1. Một hệ thống lưỡng đảng
2. Một chính quyền thuần
nhất và một trách nhiệm quốc gia
3. Một đối lập hữu hiệu
Thiên
thứ hai: Những chế độ chuyên chế
Chương
I: Chế độ chính trị Nga Sô
Mục I: Chủ nghĩa
Mác-xít
1. Căn bản triết lý
2. Chủ thuyết kinh tế
3. Chủ thuyết chính trị
Mục II: Những định chế
chính trị Nga Sô
1. Tóm tắt lịch sử
2. Nhà nước Nga Sô
Mục III: Đảng Cộng sản
1. Đặc tính và tổ chức
2. Vai trò
Thiên
thứ ba: Những chế độ cùng Đông Nam Á
Chương
I: Chế độ chính trị Đại Hàn
Mục I: Lược sử chính
trị Đại Hàn
1. Từ 1945 đến 1960
2. Từ 1960 đến cuộc đảo
chính ngày 16-5-1961
3. Sau cuộc đảo chính
Mục II: Hiến pháp Đại
Hàn
1. Quốc hội
2. Chính phủ
3. Pháp viện tối cao
Chương
II: Việt Nam
Mục I: Từ đế quốc đến
chính thể cộng hòa
1. Khuynh hướng cộng sản
2. Khuynh hướng quốc gia
Mục II: Chế độ Ngô
Đình Diệm
1. Phân tích Hiến pháp
26-10-1956
2. Nhận xét
Mục III: Việt Nam sau
Cánh mạng 1-11-1963
1. Sự hình thành Quốc hội
Lập hiến
2. Quốc hội Lập hiến 1966
Chương
III: Nền Đệ nhị Cộng hòa
Mục I: Lời mở đầu và
nguyên tắc căn bản
1. Lời mở đầu
2. Những nguyên tắc căn bản
Mục II: Quyền lập pháp
1. Quốc hội, cơ quan lập
pháp
2. Thẩm quyền Quốc hội
Mục III: Quyền hành
pháp
1. Cơ cấu hành pháp trung
ương
2. Nền hành chánh địa
phương
Mục IV: Quyền tư pháp
1. Vấn đề bảo vệ sự độc lập
của thẩm phán xử án
2. Tối cao Pháp viện
Mục V: Các định chế
đặc biệt
1. Đặc biệt Pháp viện
2. Giám sát Viện
3. Các cơ quan tư vấn
Mục VI: Tu chính Hiến
pháp
1. Ai có quyền đề nghị tu
chính?
2. Thủ tục tu chính
Tài
liệu cần tham khảo
Phụ
bản
1. Hiến pháp của Hiệp chúng
Quốc ngày 4-3-1789
2. Hiến pháp Việt Nam Cộng
hòa ngày 26-10-1956
3. Hiến ước Tạm thời số 1
ngày 4-11-1963
4. Hiến ước Tạm thời số 2
ngảy 7-2-1964
5. Hiến chương Việt Nam
Cộng hòa ngày 16-8-1964
6. Hiến chương Lâm thời
ngày 20-10-1964
7. Ước pháp Tạm thời ngày
19-6-1965
8. Hiến pháp 1-4-1967
________________________
LỜI
TỰA
Dù Chính
trị có được xem là bệnh dịch hạch hay là địa hạt của những xảo trá,
xôi thịt, hoặc được quan niệm như cái gì chỉ liên quan đến chính đảng, đến đấu
tranh về ý thức hệ, con người không thể thoát vòng kềm tỏa của chính trị.
Dù
cố ý sống trong tháp ngà hay vô tình lánh xa xã hội, khung cảnh cũng như trật
tự pháp lý và những vấn đề chính trị vẫn chi phối và quấy nhiễu chúng ta.
Ưu
thế và tầm quan trọng của chính trị không thể chối cãi.
Trong
chiều hướng ấy, quyển sách này nhằm giúp sinh viên một tài liệu học hỏi và đồng
thời những ai mong mỏi mở rộng kiến thức về qui tắc căn bản Quốc gia và điều
kiện thực tiễn của cuộc sinh hoạt chính trị. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý hai điểm:
1. Khi
đề cập đến luật Hiến pháp hay Chính trị học, độc giả không nên quên rằng các
vấn đề pháp lý hay chính trị không thể tách rời lịch sử tổng quát, rằng Hiến
pháp không phải là sáng tác của óc tưởng tượng mà trước hết là sản phẩm của
hoàn cảnh, của xã hội, của biến cố;
2. Nghiên
cứu cuộc sinh hoạt chính trị hay các vấn đề hiến tính, phần thứ nhất về “Lý
thuyết đại cương” có một tầm quan trọng đặc biệt. Chính trong phần này sinh
viên tìm thấy những yếu tố ích lợi để có những nhận định khách quan và thực
tiễn về các vấn đề trọng đại của Quốc gia, vấn đề mà sự hiểu biết rất cần thiết
không những để học và thi mà còn để có dịp bày tỏ lập trường – với tư cách công
dân tự do – trong cuộc tham gia vào sinh hoạt chính trị.
Saigon,
ngày 10 tháng 3 năm 1967
NGUYỄN
VĂN BÔNG
_______________
LỜI
NÓI ĐẦU (CHO BẢN IN
LẦN THỨ HAI)
Quyển sách này đã được
xuất bản lần thứ nhất trong lúc Quốc hội Lập hiến đang thảo luận khung cảnh
pháp lý tương lai cho Việt Nam.
Hôm nay, Hiến pháp của
nền Đệ nhị Cộng hòa đã được ban hành và những định chế chính trị, dựa trên đạo
luật căn bản ấy tuần tự được thiết lập. Nhìn lại quá khứ, khoảng thời gian của
giao thời, chuyển tiếp, hỗn loạn, người quốc gia không khỏi hãnh diện đã xây
dựng được một cái gì trong hoàn cảnh khó khăn của một cuộc chiến tranh bất qui
ước. Mặc dầu kiến trúc có thể có vài khiếm khuyết, sự khai sinh nền Đệ nhị Cộng
hòa đánh dấu bước đầu của ổn định và tạo khung cảnh cho một nếp sinh hoạt chính
trị dân chủ tương lai.
Tuy
nhiên định chế và con người là hai yếu tố
hoàn toàn khác biệt. Không định chế, hoạt động của con người thoát vòng kềm tỏa
của pháp luật, và chúng ta trở lùi lại thời kỳ của chính quyền cá nhân để bị
ảnh hưởng bởi tính hiếu kỳ hay những xúc động tình cảm của kẻ nắm chính quyền.
Trái lại, những định chế, tự nó chỉ là khung cảnh, là nguyên tắc điều hướng mà
sự thực hiện sống động tùy thuộc vào hoạt động của con người.
Con người có thể – vô
tình hay cố ý, giết hẳn tinh thần của định chế và nguy thay – giết luôn cả sự
tin tưởng của quốc dân vào định chế.
Đó là mối lo ngại lớn
lao trong năm đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa. Thái độ của Quốc hội khi bàn
đến vấn đề phụ cấp, tinh thần vô trách nhiệm của một số vị đại diện khi phát
biểu cũng như khi vắng mặt ở nghị trường, những chuyến du lịch quanh năm trong
lúc địch dồn dập tấn công, những vụ tranh chấp giữa Hành pháp và Lập pháp về
một số vấn đề pháp lý mà tầm quan trọng là con số không so với sự sống còn của
đất nước, một quan niệm lệch lạc về phương cách tổ chức cơ quan Hành pháp… Tất
cả sự kiện vừa nêu làm giảm giá trị của định chế quốc gia và – nếu còn tiếp tục
– sẽ có hậu quả không hay cho tương lai nền dân chủ.
*
Với
việc tái bản lần thứ hai, ngoài việc sửa chữa và cập nhật hóa thường lệ, tác
giả còn dành một phần quan trọng cho việc phân tích và phê bình Hiến pháp ngày
1-4-1967. Nhân dịp, tác giả xin chân thành cảm tạ các phụ giáo tại Học viện
Quốc gia Hành chánh, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, ông Cung Đình Thanh
và Lê Công Truyền đã góp phần vào việc soạn thảo quyển Luật Hiến pháp
và Chính trị học này.
Saigon, ngày 10 tháng
3 năm 1969
NGUYỄN VĂN BÔNG
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật
Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do
pro&contra thực hiện.