Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Nghĩ gọn về Anh Ba Sàm

Phạm Hồng Sơn

Theo một nguồn khả tín, Tướng Tô Lâm, một ngôi sao đang lên nhanh của Bộ Công an, đồng môn thuở C500 của Anh Ba Sàm, từng gặp trực tiếp Anh Ba Sàm để khuyên nhủ. Nhưng, Anh Ba Sàm, cho đến khi bị bắt, hẳn chưa một ngày rời Ba Sàm. Có lẽ chỉ có những người đã ấp ủ, trăn trở và rất tha thiết với Tự do hơn tất cả mọi thứ mới có ứng xử như Anh Ba Sàm đã thể hiện: tiếp tục tình bạn nhưng “anh đường anh tôi đường tôi” dù “anh” đã dốc bầu tâm giao và dù “anh” là một chỉ huy quyền uy của lực lượng chuyên chính hiện hành. Chắc chắn tâm giao đó, khuyên nhủ đó phải được hiểu theo hai mặt, là những cam kết, hứa hẹn, tưởng thưởng, viễn cảnh không nhỏ về vật chất và ở mặt kia là một đe dọa của thì tương lai gần cùng những tương lai xa hơn đầy tai ương, uy hiếp.

Chắc chắn nhiều người đã từng hoài nghi, nghi ngờ Anh Ba Sàm. Việc bắt Anh Ba Sàm đã làm chỉ số tín nhiệm và tin tưởng nơi anh tăng vọt, nhưng, tôi tin, sự thận trọng, nghi ngờ chưa hẳn đã hết. Song, tôi cũng tin những người khó tính nhất, thận trọng nhất phải thừa nhận bản kết toán về truyền thông do Anh Ba Sàm tạo ra có số dư dương rất lớn thuộc về khai trí giúp nhận chân lịch sử, xóa đi những ảo tưởng về lãnh tụ, xua đi những huyễn hoặc về chính trị nhằm “phá vòng nô lệ” cả Tàu và ta. Càng thấy giá trị và ấn tượng ghê gớm nếu ta lại đặt số dư đó ở giữa hai vật, một bên là tấm thẻ Đảng đỏ thẫm của một cố Ủy viên Trung ương, cựu đại sứ tại Liên Xô (cái nôi của toàn trị cộng sản) còn bên kia là bộ quân phục sĩ quan an ninh màu cỏ tối đã bạc. Nhưng hình ảnh này không còn thuộc riêng cá nhân và gia đình Anh Ba Sàm nữa, nó đã thành một biểu tượng chung cho đặc tính hấp dẫn, khơi gợi thiện tính trong con người của Dân chủ Tự do. Bất kỳ hốc tối, khoảng băng giá nào của xã hội cũng có thể sẽ bén hoặc bắt tia lửa Dân chủ.

Xem thế, những hoài nghi, nghi kị đã và đang tồn tại có điều gì đó thật nhẫn tâm. Nhưng tình trạng lòng người hoang mang, chao đảo như vậy không phải là điều mới hay là trường hợp đầu tiên. Cách đây chừng 15 năm, khi ấy các “nhà hoạt động” còn hiếm hơn “lá mùa thu”, bản thân tôi, người có ít kinh nghiệm, đã chứng kiến ít nhất một trường hợp tương tự. Tình trạng mù mờ, hoài nghi xót xa và không dễ chia sẻ, không thể lý giải được ngay một cách thấu đáo như thế vừa là hệ quả tất yếu vừa là một bi kịch không chỉ của đương sự, nghề nghiệp cá nhân, lịch sử gia đình mà còn là của lịch sử một dân tộc đã phải chịu nhiều tráo trở, là hệ lụy rất khó rời ngay được của một xã hội đã phải vượt thoát, sống còn bằng luồn lách với gần như mọi thủ đoạn trên nửa thế kỷ. Nhưng đó cũng là thách thức, là thử thách đối với tất cả những người muốn tiến bộ. Mọi sự nghi ngờ theo năm tháng dai dẳng đến đâu cuối cùng chỉ làm tăng thêm giá trị, niềm tin, ngưỡng phục, phẩm hạnh cho cái thật, dĩ nhiên chỉ khi cái thật đó không bải hoải, không bị giết chết bởi nghi ngờ.

Những chi tiết trình bày như thế không thể tránh được hệ quả gợi lên trong tâm trí nhiều người về nỗi cô đơn, lẻ loi của Anh Ba Sàm. Tuy nhiên, dù chúng ta không thích, đó vẫn là một thực tế hiển hiện của thân phận những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ tại Việt Nam từ nhiều thập niên qua cho tới tận hôm nay, dù đã có những cải thiện. Đã có nhiều trăm người ký tên thật vào các thỉnh nguyện đòi trả tự do cho Anh Ba Sàm (và nhiều người khác) - một vượt bực so với chỉ 5 năm trước. Nhưng đã có bao nhiêu người có hành động mang tính rời xa thực sự cái Đảng, cái chính thể đang trấn áp Anh Ba Sàm (cùng nhiều người khác), như trả thẻ Đảng, bỏ ngành công an, tuyên bố rời những chức vị chẳng danh giá cho lắm, v.v., vì Anh Ba Sàm? Hiện thực này khiến tôi không thể không liên tưởng tới một hoạt cảnh múa đôi:

Bên này, nhà độc tài ngày càng phát ra những ngôn từ, những động tác, hình thái mới gần hơn với dân chủ nhưng quyết không để cái gì làm tổn hại tới các thiết chế độc tài, bên kia, người bị trị cũng ngày càng xướng ra những phát ngôn ủng hộ dân chủ, biểu tỏ phản đối trấn áp tự do nhưng cũng quyết không làm điều gì tổn hại tới danh vị, đặc quyền bản thân do độc tài ban phát.

Song, nói như thế không có nghĩa cố tình không biết đến những tấm lòng thơm thảo, những con tim đang trăn trở, nhức nhối, những chuyển động âm thầm trong lòng người. Nhưng nếu trung thực và mạnh dạn, chúng ta phải thấy rằng độc tài từ bao năm qua luôn đưa tay ghìm bớt tiếng cười khi liếc mắt nhìn những thỉnh nguyện có những lập luận rằng “người ấy” là “người yêu nước”, “không vi phạm pháp luật”, “không phải bất đồng chính kiến”, “không muốn làm anh hùng”, “đang đầy bệnh tật”, “rất ôn hòa”, “vì sự thật”, “đã có công với Đảng”, “thuộc gia đình cách mạng”, “chỉ vì lợi ích của Đảng” v.v.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ cái sự “một mình” (alone), chứ không phải “cô đơn” (lonely), luôn là một thuộc tính bất biến của mọi khai phá, sáng tạo.

Tôi đã từng có lần yếu đuối rất đáng trách thốt ra lời “Thương anh” với người vì tự do mà bị lao tù. Nhưng nghĩ thêm, đối với những người bị lâm nạn vì đã khát khao tự do thực sự, cái “tình thương” đó không phải là điều họ cần nhất.○


(Bảy tháng và 11 ngày sau khi Anh Ba Sàm cùng đồng sự bị bắt. Cuối ngày thứ Mười - ngày đã hết lệnh tạm giữ - tối đa 09 ngày - phải chuyển sang lệnh tạm giam, tức có “khởi tố”- thủ tục tố tụng tối thiểu để giam giữ lâu dài và đưa đến các thủ tục khác: truy tố, xử án, kết án - sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt.)

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Bà Bùi Thị Minh Hằng (tiếp theo)



Xem phần: (1)

Phạm Hồng Sơn

Trước phiên phúc thẩm, tôi đã tin tưởng, cầu mong bà Bùi Thị Minh Hằng và các đồng sự nhất quán về quan điểm và giữ nguyên khí phách. Thực tế đã trả lời hơn tôi mong đợi. Theo tường thuật của một Luật sư có mặt trong phiên tòa, bà Hằng đã: “đả đảo phiên tòa bất công của chính quyền cộng sản.” Tôi không chỉ mừng mà còn thấy bản thân rất may mắn trong lần này vì có những lần niềm tin lớn của tôi đã bị thực tế bác bỏ thẳng thừng.

Có thể nói bà Bùi Thị Minh Hằng phần nào có tính đại diện cho sự phức tạp, đổ nát, trăn trở, lầm lạc, thức tỉnh của một bộ phận dân chúng và là chứng nhân cho cả những biến chuyển chính trị một thời của xã hội Việt Nam. Bà là một “sản phẩm” không thể phủ nhận của nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Là một người gặt hái và cũng là nạn nhân của “xuất khẩu lao động” trong thiên đường Liên Xô vĩ đại. Là con đẻ và cũng là một “con bò sữa loại bé nuôi cho béo rồi thịt” của một nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Là một hiện thân cho những bất đồng, xung đột, chia rẽ, vỡ nát từ trong gia đình lớn tới gia đình nhỏ của một xã hội tao loạn, tha hóa, mất phương hướng. Là biểu hiện của sự chuyển đổi nhận thức đương đại của một số nhân dân, dám đưa ẩn ức riêng để hòa vào cái oan chung, dám rời xa cuộc đời phóng túng, hưởng thụ cá nhân để góp thân vào sự mạo hiểm cho lợi ích cộng đồng, xã hội…

Một cuộc đời như thế, tất nhiên, sẽ là một bãi rác đẹp cho các ngòi bút bảo vệ độc tài, là một mỏ vàng cho những cây bút viết vì Con Người. Chỉ đáng tiếc trong xã hội hiện nay bút độc tài vẫn nhiều hơn bút người. Nhưng chính đó lại thể hiện cái bản lĩnh của bà Hằng và những người sát cánh cùng bà.

Cố nhiên, viết như thế không có nghĩa bà Hằng, giống như tất cả chúng ta, là con người hoàn hảo, không cần phải tự vấn, xem xét lại bản thân để sửa chữa hay hoàn thiện hơn nữa. Nhưng trong một xã hội đầy thờ ơ và hèn mạt, mọi mầm thiện, mầm dũng nhú lên đều là những bấu víu âm thầm cho lòng người, và đương nhiên rất cần phải được nâng niu, chắt chiu, bảo vệ.

Trong Đèn cù, Trần Đĩnh đã khái quát cái hèn của người dân Việt Nam trong thời xã hội chủ nghĩa là: “’nhân dân anh hùng không sợ bom đạn’ lại thua Thằng Hèn – Hèn vì nhân dân ta khiếp sợ quyền lực, khuất phục từ tổ trưởng trở đi”. Nhưng có những thực tế còn thảm hại hơn nhiều. Một lần đi ủng hộ bị cáo trong một phiên tòa, vô tình tôi được gặp một vị Giáo sư danh tiếng cũng đi ủng hộ, thật là vinh dự và vui mừng vô cùng. Nhưng khi bị công an xua đuổi, cả nhóm phải tản ra khỏi khu vực “cấm”, vị Giáo sư hốt hoảng nói với mấy người đi bên cạnh: “Này, đừng đi cùng nhau, không họ lại cho là có tổ chức đấy!” Ngày hôm sau, bài tường thuật về việc đi dự tòa của vị Giáo sư đó tràn ngập khắp mạng, tôi đọc và thấy đúng là bài viết thuộc đẳng cấp giáo sư, rất chữ nghĩa và khí phách.

Dĩ nhiên, làm “công dân” trong các nước xã hội chủ nghĩa, không cứ gì Việt Nam, không ai có thể độc quyền được cái hèn. Và không bao giờ có con người chỉ hoàn toàn thuộc về một khái niệm. Nhưng tôi thực sự bất lực trong việc định thứ hạng cho Trí và Dũng, Dũng và Trí. Vì thiếu một trong hai cái, hoặc đôi khi chỉ xếp nhầm vị trí thôi, độc tài chắc chắn sẽ mãi mãi còn mỉm cười.○


Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Phạm Hồng Sơn

Nếu phải tìm hiểu thêm về các thiết chế quan trọng cho một nền dân chủ hay phải tham vấn thêm về một đề tài hàn lâm nào đó, thành thật tôi sẽ không dám nhờ cậy những người như bà Bùi Thị Minh Hằng. Nhưng khi cần một chia sẻ chân thành, bộc trực, tình cảm và đặc biệt khi có cướp hay có hổ tấn công, tôi sẽ yên tâm, vững dạ hơn rất nhiều nếu được có những người như bà Bùi Thị Minh Hằng ở bên.

Điều rõ ràng, dân chủ rất cần Montesquieu, Locke, Madison, Tocqueville,… và lá phiếu. Nhưng những thứ đó chưa thể đủ, dân chủ còn cần cả những bàn chân, bàn tay, những khối óc không nề hà việc “nhỏ mọn”, “tầm thường”, “nhếch nhác”. Vì thiếu những thứ sau, rất có thể những thứ đầu vẫn mãi mãi chỉ nằm trên văn bản, giấy tờ, ước vọng mà thôi. Giả dụ, khi có kẻ đến cướp lá phiếu, uy hiếp người bỏ phiếu, chắc chắn những người có khả năng nhất, bản lĩnh nhất chống lại những kẻ đó không thể là “Locke” hay “Montesquieu”.

Ở trên có nói đến “hổ” là vì ngày xưa có câu chuyện như thế này: một thức giả gặp một người đàn bà đang khóc than đau khổ hỏi ra mới biết rằng cả chồng và đứa con duy nhất của người đàn bà vừa lần lượt bị hổ ở trên núi xuống ăn thịt mất. Thức giả liền nói, hình như là giọng hơi gắt: “Sao không đi ngay sang vùng bên mà ở? Bên đó vừa phồn thịnh vừa đông người, hổ làm sao dám tới.” Người đàn bà đau khổ dáng vẻ thất học chỉ nhẹ nhàng đáp: “Nhưng bên đó ‘hà chính’.” Vị thức giả lẳng lặng bỏ đi, người đàn bà tiếp tục ở lại. Người đời sau mới đúc kết:

“HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ” nghĩa là: “CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐOÁN, CHUYÊN CHẾ NGUY HIỂM, ÁC ĐỘC HƠN HỔ”

Ít phút nữa bà Bùi Thị Minh Hằng và những đồng sự sẽ lại ra “tòa” lần thứ hai trong vụ án có tình tiết buộc tội “hai xe máy đi hàng ba”. Chúng ta có thể đang lo lắng, thương cảm, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy ấm lòng và tự hào khi nhìn lại chúng ta còn những con người như BÙI THỊ MINH HẰNG.

(còn tiếp)


Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Bọ Lập đầu hàng?

Phạm Hồng Sơn

Sau năm ngày bắt giữ, nhà cầm quyền Việt Nam vừa cho biết vào ngày 10/12/2014, đúng ngày Quốc tế Nhân Quyền: “Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội.” Đây rõ là một thông tin chưa đủ thông tin để tin.

Song, nếu sự thật được bạch hóa sau này sẽ bẽ bàng đúng như thế, chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên hay phải sốc khi một nhà văn và là một nhà văn đang ốm với tuổi đã lên cao, không chịu nổi những áp lực của tù đày trong một xã hội vốn có các giá trị luân lý, đạo đức, niềm tin đang bị đảo lộn, tan nát.

Chẳng phải chúng ta đã từng có không phải một mà là hơn hai con người là đảng viên một chính đảng, lại có những điều kiện về chính trị, xã hội, tuổi tác, sức vóc khỏe hơn ông Lập nhiều nhưng đã đầu hàng và đầu hàng một cách hùng biện, thẳng thắn, dứt khoát trước tòa và trên TV đó sao? Dĩ nhiên mọi thuận lợi cho một mục đích đều trở nên vô nghĩa khi ý chí đã về không hoặc mục tiêu đã bị chuyển đổi. Nhưng chúng ta cũng phải thấy lịch sử, dù là của nhiều người, nhiều thế hệ, mỗi bước chân của người đi trước, ít nhiều, đều để lại một vết hằn nào đó trên con đường và trong tâm trí của những người đi sau. Chưa kể, mỗi con người, chứ không phải thánh thần, đều là một tập hợp của vô vàn những yếu tố bất định, vô thường đầy bất trắc.

Do đó, về tình cảm, và cả về lý trí, chúng ta cần và nên thông cảm cho những con người kiên cường nhiều năm mềm lòng vài phút. Nhưng để công bằng chúng ta cũng phải biết xót xa cho lý tưởng dân chủ nữa. Nếu không, ai sẽ là người bảo tồn danh dự cho lý tưởng cao đẹp đó. Những nhà độc tài chăng?

Vì vậy theo tôi, tiết lộ thông tin hững hờ nói trên là một phản ứng khá thông minh của nhà cầm quyền. Vì dù thế nào không ai có thể loại bỏ được hoàn toàn mọi khả năng đã nhận tội, chưa nhận tội hay sẽ không nhận tội. Nói chung là làm dư luận hoang mang. Hoang mang luôn là món thuốc đơn giản mà công hiệu làm cho ý chí của đối phương, tuy không nói ra hoặc không thừa nhận, rất dễ bị rã rời. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ không ưng ý với đánh giá rằng nhà cầm quyền hiện nay (khá) thông minh. Nhưng độc ác/khờ khạo, lương thiện/thông minh chưa bao giờ là những cặp đôi bắt buộc phải luôn dính liền với nhau. Chưa nói đến tinh thần dân chủ và nội lực trong đấu tranh là phải biết nhận ra và thừa nhận những ưu điểm của đối lập.

Con người khó tránh được hết những xúc cảm hoang mang, sợ hãi, khóc than khi đối diện nghịch cảnh. Nhưng trong những trường hợp rối bời như thế, nghĩ kỹ, có lẽ không có gì tốt hơn bằng cách: Hãy xếp việc những thông tin hư thực (hoặc sự bẽ bàng nếu có) ra phía sau, tiếp tục đoàn kết, tập trung làm những gì thiết thực cho lý tưởng dân chủ cũng như cho quyền sống, quyền tự do của những con người bị bức hại, tù đày một cách bất công và tiếp tục vững tin vào lý tưởng dân chủ. 

Chỉ khi chứng tỏ chịu đựng được khắc nghiệt và vượt qua được thử thách, lý tưởng đó mới xứng đáng, mới đủ sức thuyết phục để toàn dân ủng hộ và đeo đuổi đến cùng.○


(Năm ngày sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Hớ hênh

Phạm Hồng Sơn

Đời tù có những mặt riêng mà đời thường không thể, không bao giờ có, cả tốt lẫn xấu. Đây là một chuyện như thế:

“Ông Huỳnh năm ấy (1965) bị giam cầm một thời gian. Tù được người nhà thăm nuôi mỗi tháng hai lần. Nhiều tù nhân giữ quần áo dơ lại, chờ hai tuần một lần gửi người nhà đem về giặt, kỳ thăm sau đem lại. Anh bạn tù nằm cạnh ông Huỳnh, trước khi vợ vào thăm lại tự mình giặt đồ cho sạch, chờ trao vợ mang về, mặc qua để lấy hơi trước khi đem vào trả cho chồng. Anh ta giải thích: ―Không có hơi hám của vợ, tôi không làm sao ngủ được.”

Tù ở đâu mà oách thế? Cộng sản hay Cộng hòa? Chắc chắn không thể là Cộng sản rồi, vì có vụ khi ra tòa bị cáo muốn mặc cái áo trắng, muốn đeo cái cà-vạt mà cũng không được hay muốn đọc Thánh Kinh thì phải tuyệt thực lên xuống nhiều lần chưa chắc đã được, thì nói gì đến những chuyện “ấm ớ” đó.

Câu chuyện trên nằm trong cuốn Hồi ký của ông Huỳnh Văn Lang xuất bản năm 1999 ở Hoa Kỳ do nhà văn Võ Phiến ghi lại trong bộ Văn Học Miền Nam: Tổng Quan, tái bản năm 1999 tại Hoa Kỳ. Tuy câu chuyện trên chưa thể phản ánh đủ một chế độ tù đày cũng như chế độ chính trị (đã đẻ ra nó) nhưng nó cho thấy rõ chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhân bản, tự do hơn nhiều cái chế độ hiện nay, dù sự tự do đó có cái vẻ thật hơi “hớ hênh”. Nhưng có tự do đích thực nào tuyệt không có hớ hênh?

Nhưng vấn đề không phải ở cái hớ hênh đó.

Lạ là trong hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam Cộng Hòa, đã từng tiếp tay (nhầm) để giật đổ cái chế độ tự do đó, hiện vẫn đang còn sống mà tôi mới chỉ thấy có mỗi hai anh em ông Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải ở mãi trên Cao nguyên xa lắc ngỏ lời xin lỗi dân tộc một cách công khai vì đã chót lầm lạc.

Cách đây không lâu tôi chứng kiến có mấy đứa trẻ chơi Lego, một đứa lỡ làm đổ một mô hình vừa xếp xong của một đứa trẻ khác, đứa trẻ làm đổ vội xin lỗi rối rít.

Thế mà cả một mô hình chính trị ưu việt hơn hẳn bị giật đổ, thì người ta lại lặng thinh.

Nhưng vấn đề không hẳn cứ phải là “xin lỗi”. Vấn đề là nếu như hiện nay tất cả những người còn sống nói ở trên cùng nhau làm được cái gì, không cần to tát, một cách thực chân thành, ôn hòa  nhưng triệt để và công khai tương tự như hai anh em họ Huỳnh, tôi tin những người như Bọ Lập, Anh Ba Sàm, Người Lót Gạch, v.v chắc chắn sẽ có khả năng ít bị tù hơn hoặc nếu tù thì tù cũng sẽ tử tế hơn, không cần phải kiến nghị, cầu xin trong vô vọng như hiện nay – đặt một bước chắc chắn cho mục tiêu: không ai phải chịu khổ nạn (sách nhiễu, đánh đập, giam cầm) chỉ vì khát khao tự do một cách ôn hòa.

Nhưng tôi nói như thế cũng là hớ hênh mất rồi. Vì người Việt mình ít khi chịu làm theo những gì người khác nói, nhất là từ một kẻ thường dân, dù là đúng. Thật hớ hênh quá.○

(Ba ngày sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Một kết luận

Phạm Hồng Sơn

Mọi liệt kê tội ác đều thiếu sót. Liệt kê sau đây chắc chắn cũng thế.

Chỉ muốn làm “một góc nhìn khác” thôi. Bắt.
Chỉ muốn “phá vòng nô lệ” thôi. Bắt.
Chỉ muốn làm “người lót gạch” thôi. Bắt.
Chỉ muốn “chuyên chở sự thật” thôi. Bắt.

Chế độ nào mà phản động, tàn ngược thế?

Hồ Giáp Đồng Chinh Duẩn… và đảng cộng sản đó.

Họ đã chết hết rồi mà?

Nhưng vẫn còn nhiều người chống lưng, bám víu, trông chờ, ẩn nấp vào đảng cộng sản, vẫn còn nhiều người là đảng viên cộng sản, vẫn còn nhiều người tỏ lòng yêu quí, ngưỡng mộ họ.

Kết luận: Tất cả những Trí Thức vẫn bày tỏ tin tưởng, vẫn còn trong đảng cộng sản, vẫn bày tỏ kính trọng Hồ Giáp, nếu không phải vì miếng cơm manh áo cho người lầm than khác (chứ không phải cho bản thân), đều là lũ người Vô Sỉ, tiếp tay cho Tội Ác và chính là Tội Ác.○

(Hai ngày sau khi Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)


Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Thương anh Lập – One more well-known blogger, writer arrested

(Bilingual)

Thương anh Lập 

Phạm Hồng Sơn

Từ chiều tối qua Hà Nội bắt đầu trở rét. Đêm đến giấc ngủ đã khuya mà chập chờn, không thể vào. Nhưng không ngủ được không phải vì rét mà vì thương quá, lại một người nữa vừa phải vào tù: Anh Nguyễn Quang Lập, nhà văn, chủ blog Quê Choa. Anh Lập từ lâu đã là một người của công chúng theo nhiều nghĩa. Nhưng tôi nhớ anh Lập ở hai điểm. Hồi anh Lập hay văng tục công khai trên mạng, cái văng tục đó nhiều khi rất tục, kể cả tục tĩu, nhưng lạ là nó không làm tôi khó chịu nhiều về sự tục tằn, thô tục, mà làm tôi nghĩ nhiều đến những tâm hồn mộc mạc, trong sáng của những vương quốc toàn những con người hồn nhiên, tử tế. Nó cũng gợi cho tôi nhớ lại những người bạn thời trẻ con luôn miệng nói tục, chửi thề, nóng nảy nhưng rất nghĩa hiệp và chân thành, dĩ nhiên đó là những người bạn hiếm. Điểm thứ hai tôi nhớ nhiều về anh Lập là chính anh Lập sau đó đã bày tỏ sự lắng nghe, tiếp thu các góp ý, đôi khi rất gay gắt, để biến cái chất “tục” của bản thân thành như chúng ta đã biết. Một người ngoài 50 tuổi, có danh tiếng mà chịu nghe, chịu đổi mình, theo tôi, đó không phải là chuyện nhỏ. Thế mà cái con người đó hôm nay lại đang nằm trong tù, vì sao?, chỉ vì muốn giúp mình giúp người, giúp đời cùng tiến bộ nhiều hơn nữa.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập

Người ta thường nói “thân gái dặm trường”, nhưng theo tôi “thân gái” lặn lội, vất vả đó chưa hẳn đã bằng một “người ốm đi tù”. Nếu có sóng giao cảm đến được với anh Lập, tôi sẽ không ngại mà nói rằng “Anh Lập ơi, cố lên anh nhé. Mọi người đều thương anh, thương lắm.” và tôi vẳng nghe thấy tiếng trả lời: “Đừng. Thương dân mình hơn đi. Thương lắm, em ơi.”

One more well-known blogger, writer arrested

Pham Hong Son


Nguyen Quang Lap, 58, a Vietnamese writer noted by the State and respected by the public and the owner of Que Choa – a blog very well-known for its progressive posts and the courage of its owner, was arrested by the Vietnamese authorities reportedly upon the notorious Article 258 of Penal Code. Nguyen Quang Lap won several prizes and honors in literature and cinema. Blog Que Choa, among the most read independent blogs in Vietnam, having around 400,000 pageviews a day, was hacked and fire-walled and even lost its control several times and its owner was urged or threatened to stop blogging or to make the blog less out-spoken. However Que Choa has proved more faithful to public demands than subservient to desire of a few people though its owner, Nguyen Quang Lap, is being suffering from hemiplegic aftereffects. Since yesterday, December 06, 2014, Que Choa has stopped posting and its ailing owner has lived in prison.○