Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Bất ổn Thailand: một suy nghĩ từ Việt nam




BỨC TRANH CHÍNH TRỊ TÓM LƯỢC CỦA THAILAND

Xã hội Thailand từ năm 2006 trở lại đây dường như được chia thành hai phần đối kháng nhau, vàng và đỏ[i]. Những người mặc áo vàng và áo đỏ liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ chống lại chính phủ cầm quyền thuộc phe kia. Tính chất bạo loạn và con số thương vong đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù, biểu tình là một phản ứng tích cực của một xã hội văn minh (ít nhất biểu tình cũng cảnh báo cho ta biết sớm những bất ổn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia) nhưng xu hướng gia tăng những hành vi bạo lực trong biểu tình là một xu hướng kém văn minh, cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, biểu tình hay sự gia tăng các hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình chỉ là thể hiện bên ngoài của những nguyên nhân phức tạp ở phía sau.

Phía sau những cuộc biểu tình khổng lồ kèm theo những rối loạn, thương vong đang diễn ra tại Thailand từ năm 2006 đến nay không thể không xét đến 06 yếu tố sau đây:

Vua Bhumibol Adulyadej; Hội đồng cơ mật (Privy Council); giới tướng lĩnh quân đội, Hiến pháp 1997; cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cùng phe đối lập; cuộc đảo chính quân sự 2006.
I. Vua Bhumibol Adulyadej
Kể từ năm 1932, sau áp lực ôn hòa của một nhóm quân nhân và dân sự, Thailand bắt đầu thực thi chế độ chính trị Dân chủ theo thể thức Quân chủ Lập hiến[ii]. Nhưng Vua Bhumibol Adulyadej của Thailand hiện nay luôn có ảnh hưởng quyết định đối với chính trường Thailand.
Vua Bhumibol Adulyadej, hiện nay 84 tuổi, ông sinh tại Boston (Mỹ), khi 18 tuổi (năm 1946 ) ông kế thừa ngôi vua từ người anh trai. Vua Bhumibol Adulyadej được người dân Thailand hết sức tôn kính, nhiều người còn coi ông là một vị Phật sống.
Việc xúc phạm Vua là một tội hình sự trong hệ thống pháp luật của Thailand.
Hầu hết tất cả các cuộc đảo chính từ năm 1946 đến nay của giới quân đội và các chính trị gia muốn giữ chức thủ tướng đều cần phải có sự hậu thuẫn của Vua Bhumibol Adulyadej. Vua Bhumibol Adulyadej đã từng nhiều lần phải can thiệp để giải quyết các tranh cãi, bế tắc giữa các phe phái chính trị[iii]. Trong bế tắc chính trị hiện nay, phe đối lập, từ rất sớm, đã kêu gọi sự can thiệp của Vua Bhumibol Adulyadej.
II. Hội đồng cơ mật (Privy Council)
Đây là một cơ cấu theo mô hình của các chế độ quân chủ châu Âu thế kỷ XIX. Hội đồng cơ mật gồm các thành viên do vua tự tuyển chọn, có chức năng cố vấn trực tiếp cho vua. Sau nhiều lần thay đổi và có lúc bị bãi bỏ, Hội đồng cơ mật của Hoàng gia Thailand từ năm 1998 đến nay đều do Tướng quân đội Prem Tinsulanonda lãnh đạo (ông cũng là thủ tướng Thailand thời kỳ những năm 1980). Tướng Prem Tinsulanonda mặc dù tuổi cao (90t) và đã về hưu từ lâu nhưng vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong quân đội Thailand. Prem Tinsulanonda phủ nhận tất cả những cáo buộc cho rằng ông đứng đằng sau cuộc đảo chính 2006, nhưng nhiều người thân cận của ông trong Hội đồng cơ mật đã trở thành thành viên của chính phủ lâm thời (kể cả vị trí thủ tướng) sau đảo chính. Bản Hiến pháp 2007 (sau vụ đảo chính quân sự 2006) đã trao thêm nhiều thẩm quyền cho Hội đồng cơ mật Thailand.
III. Giới tướng lĩnh quân đội
Quân đội Thailand, đặc biệt là các vị tổng chỉ huy quân đội, từ năm 1932 tới nay luôn có truyền thống đứng ra thực hiện các cuộc đảo chính nhằm thay đổi chính phủ. Trước năm 2001 các chính phủ Thailand đều do các tướng lĩnh điều hành hoặc chỉ là kết quả của các cuộc đảo chính quân sự.
Giữa các đảng phái và Hoàng gia, giới tướng lĩnh quân đội thường gắn bó và trung thành với Hoàng gia hơn bất kỳ một đảng phái chính trị nào.
IV. Hiến pháp 1997 và Tòa án hiến pháp
Trước bản Hiến pháp năm 1997, Thailand đã phải trải qua 10 bản hiến pháp khác nhau (kể cả các bản tạm thời) nhưng tất cả 10 bản hiến pháp đó đều do giới quân đội đảo chính kiểm soát từ lúc soạn thảo cho đến khi được quốc hội thông qua. Bản Hiến pháp năm 1991 cũng cùng chung một số phận như thế sau cuộc đảo chính quân sự của tướng tổng chỉ huy quân đội Suchinda Kraprayoon. Bản Hiến pháp 1991 đã đưa tướng Suchinda Kraprayoon lên nắm quyền thủ tướng và dẫn đến các cuộc nổi dậy rầm rộ của dân chúng sau đó, đỉnh điểm là “tháng Năm Đen tối” năm 1992 làm nhiều người thiệt mạng. Tướng Suchinda Kraprayoon chỉ nắm quyền được hơn 01 năm.
Kể từ « tháng Năm đen tối », xã hội Thailand bắt đầu nhận ra một nhu cầu phải tìm cách để buộc được chính phủ có trách nhiệm hơn. Rõ hơn nữa là từ năm 1994, chính trường Thailand xuất hiện các đòi hỏi phải sửa đổi (tu chính) Hiến pháp năm 1991. Một sự kiện đặc biệt xảy ra năm 1994 đã thúc đẩy việc cải cách Hiến pháp 1991 thêm một bước là nhà hoạt động dân chủ Chalard Vorachat tiến hành tuyệt thực gây phẫn nộ trong dân chúng, đẩy chính phủ của Thủ tướng Chuan Leekpai phải thành lập Ủy ban phát triển Dân chủ thuộc Hạ viện (Committee of Democracy Development). Ủy ban phát triển Dân chủ, được lãnh đạo bởi nhà khoa học Prawes Wasi, đã tu chính được một số điểm không lớn nhưng có tính chất tạo cơ sở cho các tu chính sau đó của Hiến pháp 1991. Các nỗ lực trong nhiều năm tiếp theo của các chính trị gia và giới trí thức cùng với sự ủng hộ của dân chúng đã đưa đến một tu chính quan trọng cho Hiến pháp 1991 vào năm 1996: cho phép thành lập một Hội đồng dự thảo Hiến pháp (CDA) nằm ngoài Quốc hội để đảm trách việc xây dựng một hiến pháp hoàn toàn mới. CDA bao gồm 99 thành viên, trong đó 76 người được bầu trực tiếp từ mỗi tỉnh và 23 thành viên còn lại được Quốc hội chọn ra từ các trung tâm khoa học và các nguồn khác trong xã hội.
Quá trình soạn thảo hiến pháp mới đã tạo ra những cuộc tranh luận sâu rộng và đôi khi gay gắt trong xã hội Thailand lúc đó. Việc lấy ý kiến của dân chúng được thực hiện trên khắp các vùng trong cả nước với sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện truyền thông tự do.
Dự thảo Hiến pháp được Quốc hội thông qua và trở thành có hiệu lực từ ngày 11 tháng Mười năm 1997. Hiến pháp 1997 của Thailand là hiến pháp có rất nhiều điểm khác so với các hiến pháp trước đó:
1. Lần đầu tiên được soạn thảo bởi một Hội đồng được dân bầu ra. Vì vậy Hiến pháp 1997 còn được gọi là Hiến pháp Nhân dân. Hiến pháp 1997 còn được đánh giá là “một cuộc cách mạng chính trị của Thailand, là nỗ lực táo bạo nhằm đem lại nhiều quyền lực cho dân chúng Thailand hơn bao giờ hết.”
2. Cải cách thiết chế bầu cử: Tham gia bầu cử là bắt buộc đối với người dân để chống lại sự thờ ơ với chính trị và giảm khả năng mua phiếu bầu. Áp dụng hệ thống bầu cử Hạ viện (500 thành viên) theo cách hỗn hợp dựa theo mô hình Đức[iv] nhằm giảm khả năng mua phiếu bầu, tăng phẩm chất cho ứng cử viên. Thành lập Ủy ban bầu cử Độc lập để tăng cường sự minh bạch, công bằng cho các ứng cử viên.
3. Cải cách hệ thống hành pháp: Cần phải có 2/5 tổng số đại biểu hạ viện đồng ý để quyết định việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng và cần phải chuẩn bị được người thay thế thủ tướng đương nhiệm. Quyết định bất tín nhiệm thủ tướng phải có ít nhất một nửa số đại biểu hạ viện bỏ phiếu thuận. Đối với bộ trưởng thì chỉ cần 1/5 số đại biểu hạ viện đồng ý để tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm. Các cải cách này nhằm tăng khả năng ổn định cho chính phủ.
4. Cải cách hệ thống lập pháp: Lần đầu tiên, Thượng viện (200 thành viên) của Quốc hội Thailand được bầu trực tiếp. Các thượng nghị sỹ không được tham gia đảng chính trị. Thượng viện có quyền thay đổi, phê chuẩn một phần của dự luật nhưng không có quyền bác bỏ. Thượng viện không thể bị thủ tướng giải tán như Hạ viện. Để bác phủ quyết của Hoàng gia, cần phải có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu của cả hai viện Quốc hội tán thành.
5. Tăng sự độc lập giữa hành pháp và lập pháp: Các dân biểu (hạ hoặc thượng nghị sỹ) phải rút khỏi Quốc hội khi muốn trở thành bộ trưởng hay bất kỳ thành viên của chính phủ. Nguyên tắc này đảm bảo cho các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm cá nhân và chính phủ phải chịu trách nhiệm tập thể.
6. Tăng cường cơ chế Kiểm soát-Đối trọng (Checks and Balances) cho hệ thống quyền lực công: Thành lập các thiết chế độc lập với chính phủ như Tòa án Hiến pháp, Tòa án Hành chính, Cơ quan Tổng kiểm toán, Ủy ban Quốc gia chống Tham nhũng, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, Cơ quan bảo vệ Người tiêu dùng, Tổng thanh tra…
7. Cải cách hệ thống Tố tụng hình sự: Đòi hỏi phải có lệnh của tòa án trong vòng 48 giờ khi ra lệnh bắt giữ, quyền được tham vấn luật sư trong khi xét hỏi,…
8. Các quyền con người được liệt kê chi tiết tới 40 quyền cần được tôn trọng và bảo vệ, trong đó có các quyền lần đầu được ghi như: quyền của trẻ em, người già, người khuyết tật, quyền tự do thông tin, quyền hưởng giáo dục tự do, quyền người tiêu dùng, đặc biệt là thêm quyền biểu tình để chống đảo chính và các hành động vi hiến (được tiến hành việc phong tỏa, gây tắc ngẽn giao thông). Đồng thời vẫn duy trì các quyền đã được thừa nhận trước đây như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do lập đảng, quyền sở hữu tài sản, sở hữu đất đai, biểu tình…
Tòa án Hiến pháp (Constitutional Court) của Thailand mới được thiết lập và hoàn tất nhân sự vào năm 1998 chiểu theo qui định của bản Hiến pháp năm 1997. Tòa án Hiến pháp Thailand dựa theo mô hình Tòa án Hiến pháp của Italy, gồm 09 thẩm phán được Quốc hội (hai viện) chọn ra từ danh sách đề cử gồm 18 người. Trong số 09 thẩm phán phải có 06 người là chuyên gia luật, 03 người còn lại thuộc ngành khoa học chính trị. Tòa án Hiến pháp Thailand có thẩm quyền phán xử các vấn đề thuộc sáu lĩnh vực: 1. Tính hợp hiến trong các quyết định của Quốc hội. 2. Tính hợp hiến trong các chỉ dụ của Hoàng gia. 3. Thẩm quyền của các định chế do hiến pháp qui định. 4. Bổ nhiệm và phế truất quan chức chính phủ. 5. Các vấn đề của các đảng phái chính trị. 6. Tính hợp hiến của các dự luật.
Trong quá trình tồn tại ngắn ngủi (1998-09/2006) Tòa án Hiến pháp Thailand 1997 đã có ảnh hưởng quan trọng đối với nền chính trị Thailand, bước đầu đã tạo được tập quán đưa các bất đồng chính trị ra tòa án giải quyết và nâng cao ý thức tôn trọng hiến pháp cho cơ quan hành pháp (chính phủ).[v]
V. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe đối lập
Nhiều nhà phân tích đánh giá cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra là một trong những nhân vật ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Thailand.
Quá trình nắm quyền của ông Thaksin và sự đối đầu của ông với phe đối lập có thể tóm lược như sau:
Ông Thaksin là một trong số doanh nhân thành đạt nhất Thailand vào năm 2000 (với số tài sản có lúc lên tới trên 2 tỷ USD), khi tiến hành chiến dịch tranh cử năm 2001 ông có quan điểm “dân túy”[vi] và đã lên nắm quyền một cách hợp pháp vào năm 2001 sau khi được đa số dân nghèo ủng hộ đảng TRT của ông trong cuộc bầu cử đầu tiên theo Hiến pháp 1997. Trong bốn năm của nhiệm kỳ đầu tiên, chính phủ Thaksin đã mang lại nhiều thành quả về kinh tế, xã hội cho Thailand, nhưng đồng thời quan điểm “dân túy” và cách ứng xử (đôi khi không khéo) của ông đã biến tầng lớp trung lưu và giới thân Hoàng gia thành phe đối lập gay gắt.[vii] Tháng 02/ 2005 ông Thaksin và đảng của ông lại thắng cử vang dội hơn lần đầu tiên mặc dù bị phe đối lập gia tăng phản đối. Hai cuộc bầu cử (nhất là cuộc bầu cử 2001) đều được đánh giá là tự do và công bằng nhất trong lịch sử Thailand.
Sau khi ông Thaksin đắc cử lần hai, đặc biệt là sau khi một chương trình truyền hình chuyên chỉ trích chính phủ của ông Sondhi Limthongkul (một ông chủ nghành truyền thông giải trí, cựu ủng hộ viên của Thaksin và là thủ lĩnh của phe đối lập) bị đóng lại, phe đối lập gia tăng các hoạt động phản đối và thể hiện quyết tâm bằng mọi cách phế truất ông Thaksin khỏi ghế thủ tướng, kể cả nhờ đến áp lực từ Vua Bhumibol. Phe đối lập đã vận dụng cả chiến thuật biển người (hàng chục nghìn) ôn hòa bao vây tòa nhà chính phủ và cáo buộc pháp lý đối với ông Thaksin. Nhưng tất cả các phương cách của phe đối lập đều không có kết quả (ví dụ: cáo buộc của phe đối lập trong việc chuyển nhượng cổ phần của công ty Shin Corporation bị tòa án bác) hoặc bị ông Thaksin làm cho vô hiệu bằng những cách thức và kỹ thuật chính trị hợp pháp (ví dụ: ông Thaksin giải tán Quốc hội nhưng kêu gọi bầu cử với thời hạn ngắn để phe đối lập không đủ thời gian chuẩn bị nhân sự).
Cho đến trước ngày 19/09/2006, các hành động của cả hai bên (chính phủ Thaksin và phe đối lập) đều được giữ trong khuôn khổ luật pháp hoặc chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Hai bên đang trong tình trạng chờ thực hiện cuộc bầu cử vào ngày 15/10/2006 do Tòa án Hiến pháp quyết định sau khi có khiếu nại. Nói một cách khác, hai bên đối kháng chính trị của Thailand lúc đó đều tuân thủ luật chơi dân chủ, đang chờ đợi sự phân giải bằng một cuộc bầu cử hợp hiến.
VI. Cuộc đảo chính quân sự ngày 19/09/2006
Ngày 19/09/2006, trong lúc Thủ tướng Thaksin Shinawatra ở New York để tham dự một cuộc họp của Liên hợp quốc, tướng Sonthi Boonyaratglin- Tổng chỉ huy quân đội đã tiến hành một cuộc đảo chính êm thấm, phế truất chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra và tự tuyên bố thành lập Hội đồng cải cách Dân chủ. Hội đồng lãnh đạo quân sự được thành lập và chính thức được Vua Bhumibol chấp thuận. Hội đồng quân sự ngay sau khi thành lập đã tuyên bố bãi bỏ bản Hiến pháp 1997 cùng với các định chế liên quan khác (kể cả Tòa án Hiến pháp).
Hội đồng lãnh đạo quân sự vội vã thiết lập một bản Hiến pháp lâm thời và tiếp theo là một bản Hiến pháp chính thức với cách thức độc đoán (hội đồng soạn thảo hiến pháp và nội dung dự thảo hiến pháp đều bị Hội đồng quân sự kiểm soát, Hội đồng quân sự còn ra chỉ luật cấm phê phán dự thảo hiến pháp và Hội đồng quân sự tự cho quyền lựa chọn hiến pháp nếu trưng cầu dân ý không chấp nhận). Dự thảo Hiến pháp sau đảo chính 2006 đã được một cuộc trưng cầu dân ý thông qua ngày 19/08/2007 với tỷ lệ 59,3% cử tri đồng ý trong số 55,6% cử tri hợp pháp đi bỏ phiếu. Bản Hiến pháp 2007 đã xóa đi phần lớn các tiến bộ trong bản Hiến pháp 1997 nhưng lại thêm nhiều điều khoản có tính ủng hộ quan điểm của Hoàng gia và đảm bảo an toàn cho những người đảo chính.[viii]

MỘT SỐ SUY NGHĨ VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM

I. Về cuộc đảo chính quân sự 2006

Cuộc đảo chính này đã phá ngang tiến trình dân chủ đang trên quá trình hoàn thiện bằng thực hành sau cuộc cải cách công phu về lý thuyết bằng bản Hiến pháp 1997.[ix]
Cuộc đảo chính quân sự 2006 cùng với Hiến pháp 2007 không chỉ là sự bức tử một định chế trụ cột (Hiến pháp 1997) của nền dân chủ mà còn đẩy lùi nền chính trị Thailand về phía sau. Hệ lụy chính là sự bất ưng phe đối lập cầm quyền và bất tuân pháp luật của cả hai phe áo vàng và áo đỏ trong suốt thời gian sau đảo chính. Đó chính là nguyên nhân sâu sa của thế giằng co hiện nay trên chính trường Thailand. Các hỗn loạn, thương vong hay âm mưu ám sát chỉ là hệ quả của những ẩn ức bị chà đạp hay thái độ bất chấp pháp luật. Đúng như Thomas More đã nói: “Khi ta gạt bỏ pháp luật đi thì chả còn cái gì để bảo vệ khi ta lâm sự”.

Với Việt nam: Kể từ năm 1975 đến nay Việt nam không có đảo chính quân sự.

II. Về cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe đối lập

Chính sách “dân túy” của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra về lâu dài có thể không phải là một chính sách tốt nhưng trong bối cảnh hiện nay nó có ý nghĩa lớn trong việc cân bằng lại các chính sách trong quá khứ (chưa quan tâm đủ tới giới cần lao và nông dân các vùng khó khăn của Thailand). Việc phê phán, chỉ trích của phe đối lập (gồm tầng lớp trung lưu và hoàng gia) cũng là cần thiết cho lợi ích chung và lâu dài của đất nước Thailand nhưng chỉ tiếc phe đối lập của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã không kiên quyết theo đuổi và bảo vệ luật chơi dân chủ đến cùng. Phe đối lập đã ủng hộ biện pháp vi hiến là đảo chính – một khuyết tật lớn của nền chính trị Thailand, mới được Hiến pháp 1997 ngăn chặn.[x] Như một hệ lụy tất yếu, các hành động phi dân chủ của mỗi bên đã kéo theo các hành vi phi dân chủ khác của bên kia với tính chất đặc thù liên quan tới các lợi thế (hay đặc điểm) của mỗi bên. Nếu như bên áo vàng chủ yếu dựa vào giới quân đội, ủng hộ của Hoàng gia và những điều luật mới do Hiến pháp 2007 tạo ra để giành và giữ quyền lực thì bên áo đỏ dựa vào số lượng vượt trội, sự liều lĩnh, thiên bạo động của những người biểu tình có gốc từ vùng Đông Bắc Thailand[xi]. Những diễn biến gần đây trong cuộc biểu tình của phe áo đỏ cho thấy những hành động phi dân chủ của cả hai bên càng bộc lộ rõ (phe áo đỏ kiên quyết kháng cự và thể hiện đối đầu kiểu du kích chiến, bên áo vàng (chính phủ hiện thời) đã sử dụng quân đội với súng đạn để trấn áp biểu tình.)

Trong cuộc xung đột hiện nay cũng cần phải nhắc lại việc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã dùng ảnh hưởng để dẹp bỏ một chương trình TV của phe đối lập vào năm 2005. Đây là một sai lầm nhỏ về sự kiện nhưng rất lớn về dân chủ là ông Thaksin đã phạm phải một nguyên tắc cơ bản của dân chủ: “phương thuốc cho mọi vấn đề của tự do ngôn luận là ngôn luận cần tự do hơn.” Lẽ ra khi bị chỉ trích mạnh, ông Thaksin phải mở rộng thêm kênh đối thoại, nhưng đáng tiếc ông Thaksin lại làm ngược lại. Bên cạnh đó, việc ông Thaksin có những động thái quá thân thiện với chính quyền quân sự độc tài của Miến Điện (Burma) khi ông đương quyền hoặc quan hệ thân thiết với Thủ tướng Hunxen của Cambodia sau khi ông Thaksin đã bị lật đổ cũng có thể làm cho phe đối lập của ông Thaksin càng nghi ngờ hơn về ý định “độc tài” của ông Thaksin. Về lý thuyết dân chủ, mối nghi ngờ đó của phe đối lập là cần thiết vì một nền dân chủ sẽ an toàn hơn khi các ý định tích tụ quyền lực sớm bị phát hiện. Chỉ đáng tiếc phe đối lập của ông đã hành động quá giới hạn dân chủ.

Lịch sử về chính trị đã cho thấy khi một bên xung đột có những hành động phản dân chủ như ngăn chặn khả năng phản hồi ôn hòa của bên đối lập thì cũng đồng nghĩa với việc đẩy phe đối lập tiến tới những hành động phản dân chủ kém ôn hòa hơn (cực đoan hơn). Rất tiếc, những diễn biến của cuộc xung đột hiện nay trên chính trường Thailand lại đang đi theo xu hướng phản dân chủ này.[xii]

Về qui luật chung, không một đảng cầm quyền nào có thể tránh được sai sót và yếu kém, chưa nói đến những lãnh đạo có những tư tưởng phi nhân, vì vậy việc phê phán, chỉ trích lẫn nhau giữa bên đối lập và bên cầm quyền là một việc tự nhiên và cần thiết trong các thể chế chính trị văn minh. Cạnh tranh là một động lực của tiến hóa tự nhiên và cạnh tranh chính trị là động lực để có những chính quyền tiến hóa theo xu hướng hiệu quả và trong sạch. Có lẽ người dân Thailand đã hiểu rõ những qui luật tiến hóa này nên mặc dù Thailand đã trải qua nhiều xung đột chính trị và nhiều thương vong do biểu tình nhưng, đến nay, không hề thấy bất kỳ người dân Thailand nào (kể cả Vua Bhumibol Adulyadej) tỏ ra phản đối việc cạnh tranh giữa các đảng chính trị, cấm người dân biểu tình hay đóng cửa toàn bộ hệ thống báo chí tư nhân. Điều đó cho thấy xã hội Thailand đã xây dựng được một số nền tảng chắc chắn cho dân chủ. Những gì đang thể hiện chứng tỏ rằng những nền tảng đó đã được thấm nhuyễn vào từng người dân, từ giới trí thức tinh hoa đến những người nông dân nghèo khổ của Thailand. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay của Thailand là phải tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ, trong đó có một nhiệm vụ phải đảm bảo sao cho sự cạnh tranh chính trị và thực hiện quyền biểu tình, phản kháng diễn ra trong ôn hòa, trật tự và tuân thủ pháp luật như những nền dân chủ trưởng thành hiện đang vận hành.

Những căng thẳng và hành động phản dân chủ của cả hai bên trên chính trường Thailand hiện nay đã đi quá xa so với thời điểm trước khi xảy ra đảo chính (ngày 19/09/2006) và nếu xu hướng này tiếp tục thì chắc chắn “thắng lợi” sẽ không thuộc về bất cứ bên nào. Đặc biệt, nếu lực lượng áo vàng sẽ xuống đường để “giải tán” những người áo đỏ (như họ đã tuyên bố) thì tình hình sẽ trở nên trầm trọng khôn lường. Hy vọng các bên trong cuộc xung đột hiện nay và nhân dân Thailand sẽ sớm nhận ra được cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị là một tiến bộ của nhân loại nhưng phải được đảm bảo diễn ra trong hòa bình, kiềm chế và thỏa hiệp.

Với Việt nam: Ở Việt nam (từ năm 1975 đến nay) Thủ tướng (hay Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng) là người điều hành chính phủ, luôn luôn là thành viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt nam. Thủ tướng Việt nam không cần phải tiến hành chiến dịch tranh cử. Không có các cuộc tranh luận công khai giữa các ứng cử viên thủ tướng. Việt nam không có các chương trình TV hay Radio chuyên chỉ trích thủ tướng. Ở Việt nam không có đảng đối lập nên mọi chính sách của Thủ tướng Việt nam luôn luôn được thực hiện một cách dễ dàng kể cả các chính sách mang lại những hậu quả xấu cho xã hội. Việt nam không có hệ thống báo chí, TV, đài phát thanh tư nhân. Muốn biết những thông tin khác biệt với quan điểm của nhà nước (do Đảng Cộng sản Việt nam lãnh đạo), người dân phải vượt “tường lửa” hoặc nghe các đài phát thanh từ nước ngoài hoặc đọc sách, báo “chui”. Chưa bao giờ người dân được phép biểu tình để thể hiện sự bức xúc, sự không hài lòng đối với những yếu kém, sai sót của chính phủ (từ những việc an ninh lãnh thổ, biển đảo quốc gia bị xâm phạm cho đến những việc có đến 30 người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày) [xiii]

III. Về Hiến pháp 1997 và Tòa án hiến pháp 1997

Theo lý thuyết dân chủ hiện đại và thực tế của các nền dân chủ trưởng thành, một chế độ Dân chủ Tự do cần nhiều hơn thiết chế bầu cử tự do (phổ thông đầu phiếu). Bên cạnh thiết chế bầu cử tự do, chế độ Dân chủ Tự do còn cần đến một tinh thần Hiến định (tuân thủ Hiến pháp), một cơ quan tư pháp độc lập và chính trực, một cơ quan lập pháp thận trọng và khôn ngoan do dân đề cử và lựa chọn, một cơ quan hành pháp đủ quyền lực để thực thi pháp luật và điều hành đất nước, cùng với sự thừa nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do lập hội, lập đảng,v.v.

Hiến pháp 1997 của Thailand đã tạo được cơ sở khá vững chắc cho việc thực thi được đầy đủ các tiêu chí cơ bản trên đây. Điểm quan trọng hơn cần nhấn mạnh là cách làm ra Hiến pháp 1997 đã được thực hiện đúng theo tinh thần dân chủ. Hiến pháp 1997 là kết quả của sự thảo luận, nghiềm ngẫm tự do trong một thời gian khá dài (1994-1997) của giới trí thức tinh hoa và được trưng cầu ý kiến của mọi tầng lớp dân chúng Thailand. Hiến pháp 1997 của Thailand vẫn còn những điều cần hoàn thiện, nhưng tất cả các qui định của nó đều là kết quả của sự thuyết phục chứ không phải sự cưỡng ép hay bất chấp ý kiến của dân.

Hiến pháp 1997 là một thành quả lớn và đã là một hy vọng lớn cho sự hoàn thiện nền dân chủ tại Thailand. Song, rất đáng tiếc, bản Hiến pháp 1997 (cùng với Tòa án Hiến pháp 1997) đã sớm bị bức tử sau 10 năm tồn tại và đảm bảo được cho một chính phủ lần đầu tiên đảm nhiệm trọn vẹn một nhiệm kỳ.
Tinh thần tiến bộ và sức hấp dẫn của bản Hiến pháp 1997 chắc chắn vẫn còn sống và đủ để nhắc nhở người dân Thailand một ngày nào đó sẽ làm cho nó sống lại. Một trong những yêu sách của phe áo đỏ đã đưa ra là phải tu chính bản Hiến pháp 1997. Đó là một yêu sách đúng đắn, khiêm nhường và dân chủ.

Với Việt nam: Nếu chưa xét đến chính thể Việt nam Cộng hòa (1954-1975), Việt nam cũng có một bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946) được các học giả đánh giá là tiến bộ nhất, nhưng sự bức tử của bản Hiến pháp 1946 của Việt nam đã diễn ra không ầm ĩ như bản Hiến pháp 1997 của Thailand. Tuy nhiên so với bản Hiến pháp hiện nay của Việt nam, bản Hiến pháp 2007 phi dân chủ của Thailand vẫn có nhiều điểm tiến bộ hơn hẳn: Hiến pháp 2007 của Thailand qui định rõ người dân có quyền sở hữu đất đai, có quyền thành lập đảng chính trị, có quyền đệ trình dự luật cho Quốc hội thông qua, có quyền đệ trình yêu cầu phế truất các quan chức chính phủ, có tòa án hiến pháp, Hiến pháp 2007 của Thailand không qui định cho bất cứ đảng nào là “đội tiên phong” hay là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”…

IV. Về giới tướng lĩnh quân đội

Nếu như giới tướng lĩnh quân đội Thailand xứng đáng được ghi công vào lịch sử Thailand vì đã góp phần diễn biến hòa bình để chuyển chế độ quân chủ tuyệt đối sang chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932 thì họ cũng đáng phải ghi nhận lỗi lầm đã phá ngang một giai đoạn có những bước trưởng thành của nền dân chủ Thailand.

Sự can thiệp của quân đội Thailand năm 2006 và những diễn biến từ đó cho đến nay đã củng cố thêm nhận định: Các quân nhân hợp với súng ống hơn là chính quyền.

Giới quân đội Thailand cần phải thay đổi triệt để quan niệm về vai trò đóng góp vào sự phát triển đất nước. Nếu những tướng lĩnh Thailand đã dùng đảo chính với ý muốn giúp cho đất nước phát triển tốt hơn thì đến nay họ cần phải ủng hộ để có bản hiến pháp mới theo tinh thần dân chủ như hoặc tốt hơn bản Hiến pháp 1997 và giới quân đội phải xác định chỉ hành động trong nhiệm vụ chính mà quân đội Thailand đã hoàn thành xuất sắc là hành động để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước. Nếu được như thế, giới quân đội Thailand sẽ tiếp tục được ghi công trong lịch sử Thailand với ý nghĩa lớn hơn rất nhiều như họ đã từng làm vào năm 1932.

Với Việt nam: Kể từ năm 1975 đến nay, quân đội Việt nam vẫn luôn được mệnh danh là “Quân đội Nhân dân”. Quân đội Nhân dân Việt nam không có truyền thống đảo chính. Quân đội Nhân dân Việt nam hiện nay phải tuyên thệ “Trung với Đảng”. Gần đây lãnh thổ của Việt nam bị mất, bị xâm lấn nhưng vẫn chưa thấy các tướng lĩnh cao cấp nhất của Quân đội Nhân dân Việt nam lên tiếng hay hành động (!?).

V. Về Hội đồng cơ mật (Privy Council)

Khi tiếng nói của vua vẫn có ảnh hưởng quyết định tới chính trị thì Hội đồng cơ mật không thể tránh được việc trở thành hay bị thao túng bởi các lực lượng chính trị phi dân chủ. Ngay tên gọi của Hội đồng này (cơ mật, private, secret) đã cho thấy hoạt động của Hội đồng cơ mật không phù hợp với đòi hỏi minh bạch, công khai của cách quản trị quốc gia theo kiểu dân chủ. Nhất là khi lãnh đạo của Hội đồng là một nhân vật thân cận với lực lượng có truyền thống bất chấp nguyên tắc dân chủ (hay làm đảo chính) thì rủi ro của việc phá vỡ nguyên tắc dân chủ càng lớn. Thực tế năm 2006 đã cho thấy kể cả khi đã có một bản hiến pháp tốt như Hiến pháp 1997, nhưng nếu lực lượng yêu mến dân chủ không đủ mạnh và sáng suốt hoặc quyền lực của các lực lượng phản dân chủ không được kiểm soát thì sự quay trở lại của quyền lực độc đoán chỉ là vấn đề thời gian.

Với Việt nam: Ở Việt nam hiện nay không có Hội đồng cơ mật, nhưng tất cả các cuộc họp, bàn luận của Bộ chính trị hay của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt nam (đảng đang lãnh đạo toàn diện Việt nam) là những phiên họp kín đối với nhân dân Việt nam.

VI. Về Vua Bhumibol Adulyadej

Vua Bhumibo Adulyadej của Thailand là một trong số ít vị vua của thể chế quân chủ lập hiến còn có ảnh hưởng quyết định đối với chính trị[xiv]. Tuy nhiên, công việc quản trị quốc gia theo thể thức dân chủ là một công việc đòi hỏi kỹ thuật hơn là uy tín hay tình cảm. Sự vận hành các định chế dân chủ đòi hỏi sự hiểu biết kỹ thuật và một tinh thần khách quan, công tâm, không thiên vị. Khi cỗ máy dân chủ bị trục trặc thì phải giao cho người có chuyên môn hơn là cho người ta yêu mến. Một nền dân chủ và sự trưởng thành của nền dân chủ đều đòi hỏi tinh thần tự lập và ý thức tự quản của các công dân.

Năm 1995, khi vận động cho cải tổ hiến pháp, chuyên gia xã hội học uy tín của Thailand là Tiến sỹ Prawase Wasi đã nhận định: “Nhu cầu cấp thiết có một bản hiến pháp mới (dân chủ) là để tránh những rối loạn chính trị có thể biến thành bạo lực sau khi Vua Bhumibo Adulyadej băng hà.” Nhưng không một cơ quan báo chí nào của Thailand dám đăng tải nhận định sâu sắc đầy ngụ ý này, vì sợ phạm tội khi quân. Cho đến nay, thực tế dường như đang minh chứng cho nhận định đó.

Yêu mến, tôn ngưỡng vua hay lãnh tụ là quyền của mỗi người. Nhưng dựa dẫm hoặc ủy thác số phận bản thân hay vận mệnh đất nước cho vua hay lãnh tụ là một sai lầm và là điều không có lợi nếu muốn có một xã hội dân chủ tự do. Số phận của cá nhân và đất nước chỉ được an toàn khi có một hệ thống pháp luật công minh và được tuyệt đối tuân thủ. Bởi mỗi người dân đều có thể biết trước mỗi khi ý chí pháp luật thay đổi còn thì không thể đối với vua hay lãnh tụ mến yêu.

Với Việt nam: Ở Việt nam hiện nay không có ai chính thức được gọi là vua và Hiến pháp Việt nam cũng không có qui định dành cho ai sự tôn kính tuyệt đối như Vua Bhumibol Adulyadej của Thailand. Nhưng các cán bộ công chức của Việt nam phải “học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực tế hiện nay cho thấy tại Việt nam không ai có thể phản đối công khai hay bác bỏ được một quan điểm, một chính sách của chính phủ khi nó đã là “chủ trương lớn” của Đảng Cộng sản Việt nam. Như vậy, ngay cả Vua Bhumibol Adulyadej hết sức tôn kính của nhân dân Thailand cũng không có được quyền lực như Đảng Cộng sản Việt nam hiện nay[xv].

HY VỌNG CHO THAILAND VÀ VIỆT NAM

Thailand là một trong những quốc gia lập nên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là quốc gia không có những cuộc chiến tranh lớn và là quốc gia duy nhất trong vùng không chịu sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân thế kỷ XIX. Thailand hiện là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN[xvi]. Sự chia rẽ xã hội hoặc những bạo loạn gây thương vong đang xảy ra trên chính trường Thailand giữa áo vàng, áo đỏ (hoặc có thể là một màu khác) chỉ là hậu quả của việc thiếu, vi phạm hoặc phá vỡ các nguyên tắc dân chủ. Các diễn biến tiếp theo có thể còn nhiều bất ngờ và có thể không sớm chấm dứt. Nhưng để ngăn chặn bạo lực, giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay sẽ chỉ có một giải pháp duy nhất là chính trường Thailand phải phục hồi lại được và thiết lập thêm các nguyên tắc dân chủ đã bị phá vỡ hoặc còn thiếu. Việc phục hồi và thiết lập dân chủ đều là những việc cần có thời gian và cần những kỹ thuật khác nhau. Nhưng đó là con đường duy nhất để Thailand có thể tiếp tục phát triển lên những tầm cao hơn hiện nay. Với những gì mà lịch sử Thailand đã cho thấy, và đặc biệt vì người dân Thailand đã thấm nhuần một số nền tảng cơ bản của dân chủ, chúng ta có thể tin rằng nhân dân Thailand sẽ vượt qua được những trục trặc nguy hiểm hiện nay trên con đường tiến tới một thể chế dân chủ tự do (trưởng thành), đất nước Thailand sẽ rực rỡ hơn với nụ cười Siam truyền thống.[xvii]

Việt nam là một quốc gia cùng trong vùng địa lý quan trọng với Thailand, cùng là thành viên của ASEAN. Chúng ta cũng hy vọng Việt nam sẽ học hỏi được nhiều từ những bất ổn hiện nay của Thailand. Những gì đang thể hiện ở Thailand có thể cho người dân Việt nam biết được những điều cần áp dụng và những gì cần tránh nếu người dân Việt nam không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bề mặt hoặc e sợ vì những biểu hiện không đẹp mắt.

Chúng ta hãy cầu mong cho Thailand và Việt nam sẽ cùng thăng tiến trên con đường tiến bộ. Sự tiến bộ hay phản tiến bộ trong nền chính trị của một quốc gia cũng đều là thành quả hay thất bại chung của nhân loại.

Phạm Hồng Sơn
23/04/2010

Tài liệu tham khảo chính:


[i] Những người mặc áo vàng:
· Thành phần chính thuộc tổ chức chính trị có tên Liên minh nhân dân vì dân chủ (tên đầy đủ theo Anh ngữ là the Peoples' Alliance for Democracy, viết tắt: PAD).
· Phần lớn thuộc tầng lớp buôn bán thành thị và những người có tư tưởng bảo hoàng (muốn duy trì ảnh hưởng của hoàng gia đối với chính trị).
· Những người này phản đối cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, ủng hộ chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Abishit Vejjajiva, muốn duy trì bản Hiến pháp hiện thời (đang tạo điều kiện cho việc kết tội, thu giữ tài sản của ông Thaksin và cô lập các chính trị gia ủng hộ ông.)
· Những người này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn (các năm 2006, 2007, 2008), đặc biệt cuộc biểu tình từ giữa đến cuối năm 2008, chiếm giữ hai sân bay quốc tế (Suvarnabhumi và Don Muang ) làm gián đoạn hàng không trong hơn một tuần, dẫn đến việc Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lên cầm quyền vào cuối năm 2009. Số người thương vong: 2007: 2 chết, hàng chục bị thương; 2008: 3 chết, gần 400 bị thương.
· Màu vàng là màu được trang trí trên các xe tăng tham gia vào cuộc đảo chính năm 2006. Màu vàng cũng là màu tượng trưng cho vua và hoàng gia Thailand.
Những người mặc áo đỏ:
· Thành phần chính thuộc tổ chức chính trị có tên Mặt trận Dân tộc Đoàn kết Dân chủ chống Độc tài (tên đầy đủ theo Anh ngữ là the National United Front for Democracy Against Dictatorship, viết tắt: UDD).
· Phần lớn thuộc những người nghèo ở vùng nông thôn và những người muốn chính trị độc lập hơn với hoàng gia.
· Những người này đang phản đối Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva, đòi Abhisit Vejjajiva từ chức, yêu cầu cải cách Hiến pháp, bãi bỏ bản Hiến pháp 2007, muốn xóa những phán quyết pháp lý bất lợi cho Thaksin và những chính trị gia ủng hộ ông.
· Những người này đã tổ chức biểu tình lớn (100.000 người) vào tháng 04/2009 gây hủy bỏ Thượng đỉnh Đông Á lần IV tại Pattaya. Hiện đang tổ chức các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ tại Bangkok và một số thành phố từ đầu tháng 03/2010 đến nay. Số thương vong: 2009: 2 người chết, nhiều người bị thương (có cả thư ký của thủ tướng); 2010: 25 người chết (trong đó 19 người chết khi quân đội tấn công người biểu tình vào ngày thứ Bảy “đen” 10/04/2010), hơn 800 người bị thương (tính tới ngày 19/04/2010).
· Màu đỏ được những người này cho là biểu tượng của dân chủ. Màu đỏ là một trong ba màu của quốc kỳ Thailand.
[ii] Quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) nhằm phân biệt với Quân chủ tuyệt đối (absolute monarchy). Trong nền Quân chủ lập hiến, vua hay nữ hoàng là người đứng đầu nhà nước nhưng chỉ có tính nghi lễ thuần túy, quyền lực của Vua hay Nữ hoàng thường được định rõ trong Hiến pháp và thường phải chia sẻ một phần quyền lực (của nhà nước) với chính phủ, phần quyền lực nhà nước còn lại được chia cho hai nhánh độc lập khác của nhà nước là lập pháp (legislature) và tư pháp (judiciary).
[iii] Một can thiệp rõ rệt gần đây nhất là vào năm 1992, Vua Bhumibol đã triệu hai đối thủ chính trị (thủ tướng và thủ lĩnh phe đối lập) tới một cuộc gặp (được truyền hình trực tiếp) để tìm cách tháo gỡ nguy cơ nội chiến. Kết quả là tướng Suchinda (thủ tướng đương nhiệm) chấp nhận từ chức.
[iv] 100 thành viên Hạ viện bầu theo nguyên tắc tỷ lệ đại diện của đảng (proportional rule from the party list) theo công thức d'Hondt (d'Hondt formula). 400 thành viên còn lại được bầu theo nguyên tắc số phiếu cao nhất (first-past-the-post) tại các khu vực ứng cử.
[v] Một số vụ việc giải quyết quan trọng của Tòa án Hiến pháp Thailand theo Hiến pháp 1997: 1998 – 2000: xác định tính hợp hiến của việc ban bố Tình trạng Khẩn cấp và thỏa thuận nhận trợ giúp tài chính từ IMF của chính phủ Chuan Leekpai (đều do đảng đối lập NAP lúc đó khiếu nại.); 2001: xem xét việc cáo buộc của Ủy ban chống Tham nhũng đối với vấn đề tài sản riêng của cựu Thủ tướng Thaksin; 2003: xác định tính vi hiến trong việc bổ nhiệm Tổng Kiểm toán Jaruvan Maintaka; 2006: xem xét khiếu nại của một nhóm Thượng nghị sỹ về việc bán các cổ phần trong công ty Shin Corp. của Thủ tướng Thaksin; xác định tính vi hiến của kết quả bầu cử sớm 04/2006.
[vi] Populist: Các chính trị gia chú tâm lấy lòng tầng lớp dân thường, nghèo, ít hiểu biết. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra được các nhà chính trị học và giới báo chí đánh giá là một nhà dân túy.
[vii] Một số thành quả chính của chính phủ Thaksin: Giảm tỷ lệ người nghèo xuống một nửa, trả nợ trước kỳ hạn cho IMF, đưa Thailand trở thành quốc gia không cần ODA, triển khai chương trình chăm sóc y tế phổ cập, giảm nạn buôn bán ma túy. Các chỉ trích chính của phe đối lập với Thaksin: Tham nhũng (mờ ám về tài sản riêng), có thái độ thù địch với báo chí tự do, bất chấp quyền con người (trong chính sách làm giảm nạn buôn bán ma túy và giải quyết vấn đề xung đột Hồi giáo ở miền Nam), thiên hướng lạm quyền (khống chế Quốc hội), xúc phạm Hoàng gia.
[viii] Tuy nhiên bản Hiến pháp 2007 có một tiến bộ hơn bản Hiến pháp 1997 là Điều 171 chỉ cho phép một Thủ tướng cầm quyền liên tục tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp (8 năm). Có lẽ phe đối lập của Thaksin đã nhận ra một thiếu sót của thiết chế bầu cử tự do là những chính trị gia “dân túy” như Thaksin vẫn có thể thắng cử dễ dàng khi lấy được lòng những người dân nghèo, những người thường chỉ quan tâm đến những lợi ích ngắn hạn.
[ix] Hồi cứu trở lại, ngày 23/06/2006, Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã thổ lộ với Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush trong một bức thư riêng: “Đang có một mối đe dọa đối với nền dân chủ Thailand từ đầu năm nay. Các định chế dân chủ cơ bản như bầu cử và sự tuân thủ qui định của Hiến pháp về chính quyền đang liên tục bị gây tổn hại bởi những người muốn gây rối loạn và làm tăng các cuộc biểu tình ở Bangkok nhằm giành lấy quyền lực mà họ đã không thể có được bằng bầu cử. Không thể gây ra bạo loạn, các đối thủ của tôi nay đang cố tìm các thủ đoạn vi hiến để ràng buộc ý chí của dân chúng.
[x] Hiến pháp 1997 đặt đảo chính ra ngoài vòng pháp luật và qui định người dân có quyền biểu tình ôn hòa để chống đảo chính và các hành động vi hiến.
[xi] Đông bắc Thailand là vùng tập trung khoảng 1/3 dân số Thailand, chủ yếu là dân có thu nhập thấp và từng là căn cứ của lực lượng du kích cộng sản Thailand những năm 1970.
[xii] Sau khi chương trình chỉ trích Thaksin bị cấm năm 2005, ông Sondhi đã triển khai ngay chiến dịch « chống Thaksin » và bắt đầu những cuộc biểu tình đông người hơn và sau này chính phủ thuộc phe áo vàng còn có những hành động phi dân chủ (trấn áp mạnh hơn) đối với báo chí, truyền thông của phe áo đỏ; Sau khi phe đối lập của ông Thaksin lên cầm quyền với những hạn chế khắc nghiệt hơn về ngôn luận (kiểm soát báo chí, radio, internet,..), phe áo đỏ của ông Thaksin càng có những thái độ manh động và bạo động hơn ; Sau khi bị đàn áp chết nhiều người ngày 10/04/2010, phe áo đỏ đã tăng cường lực lượng và tuyên bố cứng rắn « không đối thoại với chính phủ », đang lập chiến lũy với hàng rào tre vót nhọn và nhiều vũ khí tự tạo tại trung tâm Bangkok, tuyên bố sẵn sàng đối đầu với các cuộc tấn công mới của chính phủ.
[xiii] Ngày 17/06/2008 ba người Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa và Vũ Cao Quận làm đơn xin phép biểu tình (theo đúng qui định của pháp luật) gửi cơ quan chức năng ở Hà nội, nhưng yêu cầu không được chấp nhận. Hiện tại Phạm Thanh Nghiên và Nguyễn Xuân Nghĩa đang ngồi tù.
[xiv] Trong Vương quốc Anh hay Vương quốc Thụy điển (theo Quân chủ lập hiến) Nữ hoàng hay Vua được pháp luật qui định rõ là không có quyền lực chính trị và trên thực tế Nữ hoàng hay Vua cũng không có tiếng nói quyết định về vấn đề chính trị.
[xv] Điều 151 của Hiến pháp 2007 Thailand qui định: Nếu Vua không chấp thuận một dự luật do Quốc hội đã thông qua hoặc không trả lời cho Quốc hội biết trong thời hạn 90 ngày, Quốc hội phải thảo luận lại dự luật đó và nếu có tối thiểu 2/3 tổng số đại biểu của cả hai viện của Quốc hội bỏ phiếu tán thành dự luật thì Thủ tướng sẽ trình dự luật đó cho Vua một lần nữa. Nếu Vua vẫn không chấp thuận và trả lại Quốc hội trong vòng 30 ngày, Thủ tướng sẽ có quyền công bố dự luật đó thành luật chính thức trên Công báo, coi như Vua đã phê chuẩn.
[xvi] Thailand có GDP bình quân đầu người khoảng 8.000 USD (tính theo sức mua ngang giá) hoặc gần 4.000 USD (tính theo GDP danh nghĩa), Việt nam có chỉ số tương ứng là 2.700 USD và 1.000 USD. Bản báo cáo trong tháng 04/2010 của Ngân hàng Thế giới vẫn dự đoán năm nay tăng trưởng kinh tế của Thailand đạt khoảng 6%. Chỉ số tăng trưởng GDP của Thailand trong vài năm gần đây : 2006: 5.1%; 2007: 4 .9%; 2008: 2.5% ; 2009: -2.3%.
[xvii] Theo tin cập nhật vào 13:23 GMT, 23/04/ 2010: phe áo đỏ đã phát ra những nhượng bộ về yêu sách với chính phủ, (Áo đỏ đưa ra điều kiện để đối thoại là : Giải tán Quốc hội trong vòng 30 ngày và 60 ngày tiếp theo phải tổ chức bầu cử, chấm dứt mọi đe dọa và gây hấn đối với phe áo đỏ, chính phủ phải chịu trách nhiệm về các thương vong), trong khi đó Tướng tổng chỉ huy quân đội Anupong Paojinda đã thể hiện quan điểm không dùng vũ lực để giải tán biểu tình, phó phát ngôn viên của quân đội đã trích lời Tướng Anupong Paojinda : « Quan trọng nhất là phải làm cho mọi người dân thông cảm lẫn nhau. Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là bảo vệ người dân, không cho phép người Thailand tấn công lẫn nhau. »