Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

Tranh cử không nên là bước đầu tiên của dân chủ




Bầu cử có cạnh tranh (tranh cử) là một định chế quan trọng trong một nền dân chủ đại diện. Đây là thủ tục bắt buộc để người dân hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng của mình trong việc lựa chọn những người sẽ đại diện cho mình để quản lý xã hội (trong đó có bản thân cá nhân người dân). Mặc dù ý chí và nguyện vọng của người dân có thể phải trả giá cho những nhầm lẫn hoặc sai lầm khi lựa chọn. Song, trong một nền dân chủ đại diện, không ai được phép giành lấy quyền lựa chọn đó. Quyền lựa chọn đã bao hàm cả việc chọn ra những người đại diện tiềm năng (các ứng cử viên). Như vậy, mục đích tối thiểu của một cuộc bầu cử dân chủ là phải thể hiện được đúng sự ưng thuận (ý chí, và nguyện vọng) của người dân đối với các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Những chủ tịch nước (tổng thống), thủ tướng, chủ tịch quốc hội (nghị viện), đại biểu quốc hội (nghị sỹ) hay các hội đồng nhân dân chỉ là kết quả đầu ra của một cuộc bầu cử, nhưng không hẳn những cá nhân, những cơ quan công quyền đó đã đúng với mong muốn của (đa số) dân chúng.

Với độ lớn về số lượng, độ phân tán cao về địa lý trong một cộng đồng (quốc gia, thành phố, thị trấn, xã,…) cùng với thuộc tính đa dạng và dễ thay đổi trong nhận thức của dân chúng, việc nắm bắt và phản ánh đúng nguyện vọng, ý chí của dân chúng là một công việc khó khăn về kỹ thuật. Nhưng đây là việc không thể không xúc tiến nếu muốn có một cuộc bầu cử dân chủ.

Người dân sẽ im lặng hoặc hiếm khi phát biểu đúng suy nghĩ, nguyện vọng của họ, nếu thực tế cuộc sống không có những thiết chế bảo hiểm hữu hiệu để người dân có thể an tâm bày tỏ mọi ý kiến (kể cả những phê phán, chỉ trích người có quyền lực cao nhất). Đây cũng chính là căn cứ để xác định quyền tự do ngôn luận (thường được ghi rõ trong nhiều bản hiến pháp) có được thực thi hay không.

Sẽ không thể thu thập đầy đủ và phản ánh đúng những ý kiến, suy nghĩ đa dạng của dân chúng nếu chủ sở hữu của các cơ quan thu thập và phản ánh tin tức (báo chí) không phải là chính người dân và được độc lập về quan điểm. Đây cũng là căn cứ để đánh giá mức độ tự do của báo chí trong một xã hội.

Do đó nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ không bao giờ biết được đúng ý chí và nguyện vọng của dân chúng – cơ sở nền tảng cho một cuộc bầu cử dân chủ. Hơn nữa, sự cạnh tranh trong bầu cử sẽ vô nghĩa khi chính những người ứng cử vào vị trí đại diện cho dân chúng lại không biết đúng ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Chưa kể các thông tin về phẩm chất, năng lực của các ứng cử viên sẽ không có đảm bảo về độ trung thực, tính đầy đủ và công bằng khi thiếu các phương tiện thu thập, phản ánh tin tức độc lập.

Vì vậy mọi ý tưởng về cải cách bầu cử, cho dù có thực tâm theo hướng dân chủ, nếu không là bước tiếp theo hoặc (ít ra) đồng thời cùng với cải thiện thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, cũng sẽ không hơn những lời kêu gọi dân chủ của các nhà chuyên chính, độc tài. Hơn nữa, những phát sinh do những thay đổi hình thức bầu cử sẽ chỉ làm tăng thêm tiêu phí vật chất cho xã hội và hao tổn niềm tin của dân chúng.

Mặc dù một cuộc bầu cử trong một nền dân chủ trưởng thành cần đòi hỏi nhiều hơn nữa (hệ thống vũ trang phải trung lập; có các thiết chế đảm bảo chống mua chuộc, cưỡng ép cử tri; có hệ thống tòa án độc lập, đủ năng lực để phân xử các bất đồng; các hội đoàn dân sự phải rộng và mạnh đủ để đối trọng với các cơ quan công quyền; sự cân bằng của các đảng phái chính trị;...), nhưng rõ ràng tự do ngôn luận và tự do báo chí phải là cái cần có trước khi muốn có một cuộc bầu cử dân chủ.

Diễn tiến của các nước đang chuyển đổi thể chế từ chuyên chính, độc tài sang dân chủ như ở Nga, Belarus, Iraq, Afghanistan cũng cho thấy chỉ một định chế bầu cử có cạnh tranh là hoàn toàn chưa đủ để mang lại quyền lực cho người dân và sự ổn định cho đất nước. Dĩ nhiên không nên nhầm lẫn giữa nỗi thống khổ triền miên của người dân mất quyền tự do trong một chế độ độc đoán, chuyên chế với những đảo lộn cuộc sống tạm thời của người dân trong một chế độ đang quyết tâm hoàn thiện nền dân chủ.

Ở Việt Nam gần đây liên tục xuất hiện một số ý tưởng, đề xuất có tính cải cách định chế bầu ra người lãnh đạo (tranh cử cho chức thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã (vừa bị "Quốc hội" bác bỏ) hay đề xuất tổ chức tranh cử chức chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng). Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy có một nhu cầu điều chỉnh hệ thống chính trị ngay trong Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng để những điều chỉnh chính trị mang lại lợi ích cho dân chúng thì rõ ràng chỉ điều chỉnh định chế bầu cử không thôi là chưa đủ. Như vậy, dù với động cơ nào, việc "Quốc hội" vừa bác bỏ đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã là một quyết định có lợi cho dân. Và để xây dựng một xã hội dân chủ, cũng không nên bắt đầu bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử có cạnh tranh.

Phạm Hồng Sơn
28/11/2008

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Một đồng thuận cần để có bộ sử chính thống trung thực


Giới sử học chính thống vừa tổ chức Hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” (diễn ra từ ngày18-19 tháng 10 năm 2008 tại Thanh Hóa) nhân kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng rời xứ Thanh vào nhậm chức trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu công cuộc khai khẩn về phía nam cho dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giới sử học chính thống đã đưa ra những nhận định khác với quan điểm chính thống từ trước luôn kết án nhà Nguyễn là “thời kỳ chuyên chế và phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.”[1] Bản tổng kết Hội thảo cho biết Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao, khẳng định những cống hiến to lớn của Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Bản tổng kết có đoạn viết như một lời kêu gọi:“Nhận thức lịch sử một cách khách quan, trung thực, công bằng là trách nhiệm của giới sử học và các thế hệ hôm nay, biểu thị một thái độ song phẳng đối với quá khứ.”[2]

Trong ba phẩm chất được nêu lên (khách quan, trung thực, công bằng) trong câu trích dẫn vừa nêu, thì khách quan và công bằng là hai phẩm chất có tính kỹ thuật, đòi hỏi con người phải qua lĩnh hội tri thức và rèn luyện mới đạt được. Trong khi đó phẩm chất trung thực là một phẩm chất tự nhiên, con người đã có ngay từ khi sinh ra.

Để có thể khách quan, con người phải qua trải nghiệm hoặc lĩnh hội tri thức mới nhận thức được những định kiến, những mối liên hệ của bản thân đối với sự vật, hiện tượng có thể làm sai lệch sự nhận biết bản chất sự vật, hiện tượng và từ đó con người tìm ra các cách (kỹ thuật) để hạn chế, thoát khỏi sự tác động của các yếu tố đó. Để có thể công bằng, con người cũng phải qua trải nghiệm hoặc lĩnh hội tri thức mới biết được bản thân một sự vật, hiện tượng đã phải chịu tác động của các sự vật, hiện tượng khác và đến lượt chúng cũng tạo ra những hệ quả khác nhau cho các đối tượng khác nhau và từ đó con người tìm ra những cách (kỹ thuật) để hạn chế sự thiếu sót, phiến diện trong việc xem xét, đánh giá mối tương quan, tác động của chúng với các sự vật, hiện tượng khác. Trong khi để Trung thực thì con người chỉ cần nói ra, biểu hiện ra đúng những gì chúng ta nghĩ, chúng ta cảm nhận được, mặc dù những điều nghĩ, điều cảm nhận đó có thể sai. Như vậy, một cá nhân có thể phải trau dồi thêm những hiểu biết hoặc kỹ thuật để có một tư duy khách quan, công bằng hơn, nhưng để trung thực con người lại gần như cần phải vượt qua những kinh nghiệm sống (thận trọng, e ngại, xấu hổ, sợ hãi,…) để giữ cho được sự hồn nhiên vốn có của bản thân (a) và trung thực rõ ràng là không cần kỹ thuật.



Vì vậy có thể nói, Khách quan và Công bằng là hai phẩm chất thuộc lý trí (tài năng) còn Trung thực là phẩm chất thuộc về phạm trù luân lý, nhân cách, đạo đức của con người. Do đó, Trung thực mặc nhiên đã phải được coi là phẩm chất cần có của mọi con người và đối với giới làm khoa học – những người hướng đạo cho xã hội tiến bộ thì Trung thực phải được coi là một phẩm chất tối thiểu. Thực tế cũng chỉ thấy những người làm khoa học đi học thêm, thực tập thêm về kiến thức, về kinh nghiệm khoa học, kỹ thuật, chứ không thấy nhà khoa học nào đi học thêm, thực tập thêm về trung thực. Câu thành ngữ Việt Nam “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” và câu chuyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Andersen là hai đúc kết xúc tích của nhân loại cho thấy phẩm chất Trung thực là một bản tính tự nhiên của con người, nhưng (đáng tiếc) phẩm chất này có thể bị suy yếu, tha hóa bởi môi trường xã hội. Vì vậy, vấn đề là con người có vượt qua được hoàn cảnh để bảo tồn được phẩm chất trung thực hay không và nếu không trung thực thì hai phẩm chất khách quan và công bằng cũng trở thành vô nghĩa.


Do vậy, sự thừa nhận bước đầu của giới sử học chính thống về sự giả dối (thiếu trung thực) đã xảy ra trong các nghiên cứu về nhà Nguyễn có thể là một tín hiệu tốt cho sự bắt đầu của một cuộc xét lại lớn hơn, sâu hơn đối với toàn bộ các giai đoạn khác của lịch sử Việt Nam (đặc biệt là giai đoạn từ 1945 cho đến nay). Vì, một cách khách quan và công bằng, sự giả dối, xuyên tạc không thể chỉ xảy ra đối với riêng thời kỳ nhà Nguyễn (và không chỉ đối với lĩnh vực khoa học lịch sử). Tuy nhiên, để những sự bắt đầu đó mang lại sự trung thực, vấn đề chính là phải làm sao để giới nghiên cứu sử học chính thống (những người nghiên cứu dưới sự bảo trợ của Nhà nước) có một môi trường an toàn thoát được khỏi “thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện qui kết của một số người có quyền, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.”[3] Và để có một môi trường như thế, giới sử học và những người quan tâm không thể bỏ sót việc xét lại hệ thống chính trị đã để cho “thói độc quyền tư tưởng” ngang ngược bóp chết sự trung thực của giới khoa học (nói một cách khác, những người có quyền lực chính trị đã sử dụng giới khoa học cho mục đích duy trì quyền lực của họ). Xã hội nào, thời đại nào cũng đều có thể có những con người tự đại, độc đoán muốn áp đặt suy nghĩ của họ lên thiên hạ, nhưng không phải chế độ chính trị nào cũng dung dưỡng “thói độc quyền tư tưởng”đến mức khống chế cả giới khoa học trong một thời gian đã kéo dài trên nửa thế kỷ.


Chính đó mới là vấn đề mấu chốt để những tư liệu sử học chính thống có tiếp tục là những tài liệu tuyên truyền chính trị của một nhóm người có quyền hay sẽ được trở lại là những tư liệu khoa học (trung thực, khách quan, công bằng) để không chỉ “ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc.”[4]


Chỉ khi đạt được sự đồng thuận như thế, người Việt Nam chúng ta mới hy vọng có thể có một bộ sử chính thống trung thực và thực sự có một “thái độ sòng phẳng”, không chỉ đối với quá khứ.

Phạm Hồng Sơn

23/11/2008

[1] “…Thời kỳ nhà Nguyễn bị kết án là thời kỳ chuyên chế, phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông.” Phan Huy Lê, “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tạp chí Xưa&Nay số 317.
[2] Phan Huy Lê, “Tổng kết hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tạp chí Xưa&Nay số 318.

[3] “Cùng với vấn đề phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu, cần phải nói thêm là thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện qui kết của một số người có quyền, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đã là nguyên nhân trực tiếp và kéo dài khiến cho nhiều sự thật lịch sử đã không được trình bày một cách khách quan, trung thực.” Tương Lai, Tính trung thực lịch sử, tạp chí Xưa&Nay số 318.

[4] Trần Trọng Kim, Tựa, “Việt Nam sử lược”, Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971.

(a) Câu này đã được chỉnh lại vào ngày 16/10/2010

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Lụt có đẩy cải cách?


Bộ máy vô hiệu

Theo ý của một bài viết trên mạng thì những vị lãnh đạo của Hà Nội đã không “nhạy cảm” trước một thảm họa thiên nhiên (mưa to kéo dài) đe dọa tới cuộc sống của nhiều người dân Thủ đô. Nhìn lại hệ thống tổ chức chính trị và đoàn thể ở cấp cơ sở mới thấy các nhà lãnh đạo có thừa tổ chức và lực lượng để không bị sót hay chậm trễ về thông tin phản hồi từ xã hội. Trong các đơn vị quản lý dân cư nhỏ nhất như cụm, tổ dân phố đều có các nhân tố nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền (ủy ban nhân dân) như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Dân phòng, Cảnh sát, Quân đội, Mặt trận tổ quốc, Bí thư chi bộ, Đảng viên xuất sắc,…tất cả đều có thể được nối kết với nhau ngay tức khắc bằng hệ thống thông tin hiện đại hoặc thô sơ. Nhưng cả hệ thống đồ sộ và phân tầng chặt chẽ đó đã hầu như không thấy hiện diện trước nhu cầu cấp thiết của dân chúng trong các vùng ngập nước.

Đến hôm nay (04 tháng 11 năm 2008), với những gì mà chính quyền đã thể hiện, không ai có thể hài lòng với bộ máy đã được dựng lên với khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân”.

Thảm họa luôn rình rập

Theo thông tin mới nhất, Hà Nội thiệt hại hơn 3000 tỷ Đồng và hơn 20 sinh mạng đã chết do đợt mưa to vừa qua tại Hà Nội, trong đó có những trẻ em đang đến trường. Nhiều gia đình chắc chắn sẽ rất đau lòng khi nhớ đến trận lũ năm nay. Nhưng, những cái chết oan nghiệt như thế đã xảy ra nhiều lần cả khi thiên nhiên vẫn rất hiền hòa. Rất nhiều trẻ nhỏ đã chết đuối hoặc bị thương tật do những lỗ cống trên đường không có nắp. Có nhiều mạng người đang đi trên đường đã bị dây điện thoại thít cổ lôi đi. Và bao nhiêu năm nay, cứ đều đặn mỗi ngày Hà Nội có nhiều người phải bỏ mạng vì xe cộ. Và còn biết bao những rủi ro, thảm họa khác khó nhìn thấy hơn nhưng hệ lụy lại to lớn hơn đang ngày càng hiện rõ trong giáo dục, môi trường, xã hội.

Rủi ro, đe dọa đối với cuộc sống con người luôn là yếu tố thường trực từ khi con người xuất hiện. Là một thực thể tự nhiên, cuộc sống con người đã phải đối mặt với nhiều đe dọa tự nhiên. Con người phải chống đỡ với các nguy cơ không nhìn thấy như vi khuẩn, vi-rút đến những đe dọa rõ ràng hơn như lụt lội, sấm sét, gió bão, động đất, sóng thần… Là một thành tố trong xã hội, con người còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro như tai nạn trong lao động, sinh hoạt, những rối loạn về kinh tế, tệ nạn xã hội, bất ổn về chính trị, xâm lấn từ ngoại bang, đầu độc về tư duy…Như thế, cuộc sống của bản thân con người trong xã hội đã luôn bị rình rập bởi những rủi ro cá nhân hoặc những thảm họa tập thể. Với những rủi ro đơn lẻ đến sự an toàn của con người, những con người cá nhân có thể đủ khả năng để xử lý, chống đỡ, nhưng đối với những rủi ro lớn, trên diện rộng thì một cá nhân hay nhiều cá nhân đơn lẻ đều không thể giải quyết được. Đó chính là lý do mọi người dân cần phải đóng thuế để nuôi một bộ máy công quyền – đảm bảo an toàn cho các thành viên trong xã hội qua công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống, huy động nguồn lực, điều phối hoạt động cứu trợ, phục hồi.

Với vị trí nằm tại vùng khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới và những cảnh báo biến đổi khí hậu khắc nghiệt đã róng lên từ hơn một thập kỷ trở lại đây, công tác phòng chống lụt lội ở Việt Nam không còn là một nhu cầu mới.

Như vậy, thiệt hại do trận lũ vừa qua là điều đã phải nằm trong nghị sự của các nhà lãnh đạo mọi cấp. Vấn đề là sau trận lũ này, Hà Nội nói riêng và xã hội chúng ta nói chung có ý thức tốt hơn để có những hành động đúng, kịp thời trước những bất ổn, thảm họa trong tương lai (không chỉ do thiên nhiên) không?

Thêm một bài học cho tất cả

Chắc chắn sau những bức xúc kín đáo hay công khai của dân chúng, những vị đang hoặc sẽ nắm vị trí lãnh đạo có thể sẽ rút ra được nhiều bài học cho cách ứng xử để đỡ mất lòng dân hơn hoặc những hành động ứng phó bớt vô cảm hơn trong tương lai. Nhưng vấn đề là vị trí lãnh đạo nếu không xuất phát từ nguyện vọng và đòi hỏi của người dân thì tư duy lãnh đạo sẽ không bao giờ có được sự nhạy cảm tinh tế cần có để xử lý tốt những rủi ro, nhu cầu đa dạng, luôn biến đổi của cuộc sống. Chỉ có những người trong cuộc mới có thể có được sự nhạy cảm đó. Những thể hiện nhẫn nại và thực dụng của người dân Hà Nội trong đợt lũ đã cho thấy khả năng ứng phó của người trong cuộc bao giờ cũng rất khẩn trương, thực tế và vô cùng linh hoạt.

Những lời chê trách dân chúng của người lãnh đạo cao nhất của Hà Nội chắc khó được người dân nào hoan nghênh nhưng nó cũng có tác dụng làm rõ hơn một sự thật là đừng bao giờ hy vọng được người cầm quyền coi trọng nếu chúng ta vẫn im lặng trước các phi lý hay vào hùa cùng các hoạt động mỵ dân của kẻ có quyền.

Con nước trên các phố Hà Nội vừa qua không kiêng nể ai trên đường đi của nó cũng có thể làm nhiều người chợt nhận ra rằng lấy sự toàn tâm vào gia đình, tổ ấm của riêng mình (dù là một nhu cầu chính đáng) để quên đi những bất công, phi lý của xã hội cũng không thể tránh được một ngày nào đó (có thể không xa) phải hứng chịu ngay những hệ lụy cay nghiệt của chính cái xã hội đó.

Những bản tin nhanh, chi tiết và những bài bình luận sâu sắc của cư dân mạng ngay sau đêm 30 tháng 10 đã cho thấy tư duy lãnh đạo, nếu biết cầu thị, có thể được “bồi thêm” bằng những giải pháp, phát kiến, gợi ý từ chính những cây viết tự do, vô danh, hoặc bất đồng chính kiến.

Nếu nâng cấp hệ thống thoát nước, chống lũ cho Hà Nội đã cho thấy là một yêu cầu cấp bách thì việc cải tiến hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là một yêu cầu quan trọng hơn vì chỉ có một hệ thống chính trị có những cơ chế độc lập để giám sát và ràng buộc trách nhiệm người lãnh đạo trước dân chúng mới có thể giải quyết được những nan đề như hệ thống thoát nước, chống lũ cho Hà Nội. Những yêu cầu này đều khó khăn và cần thời gian để có những nghiên cứu, thiết kế thấu đáo cho những cải tạo chính xác, hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa những đảo lộn có thể cho cuộc sống của người dân, và đều cần một tư duy cải tạo hệ thống, triệt để. Mọi cải tiến, thay đổi có tính bộ phận hoặc đối phó chỉ mang lại những rủi ro, thiệt hại lớn hơn. Các sự cố liên tiếp gần đây như sập cầu Cần Thơ, Hyundai-Vinashin, “sập” thị trường chứng khoán, hụt tăng trưởng kinh tế, PMU18, PCI, VeDan, …đều là hệ quả của lối tư duy cải cách nửa vời và hình thức trong thời gian vừa qua.

Thực trạng môi trường và xã hội của Việt Nam hiện nay cho thấy sẽ còn có thể xảy ra nhiều rủi ro, thảm họa khó lường. Các thảm họa đều có thể giáng xuống bất cứ ai. Nhưng trong bất kỳ thảm họa nào, dân chúng cũng luôn là tầng lớp dễ bị tổn thương và hứng chịu nhiều hậu quả nhất. Vậy nếu cải cách bị ngăn chặn hay trì hoãn, ai sẽ cứu giúp dân chúng?


Phạm Hồng Sơn
04/11/2008