Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Công Khai Là Linh Hồn Của Công Lý


Chỉ còn 03 ngày nữa là đến phiên tòa xét xử ba thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do và 05 ngày nữa là tới phiên tòa phúc thẩm dành cho bốn anh em người Công giáo còn rất trẻ. Lẽ thường nói đến “Tòa Án” hay “Phiên Tòa” là người ta phải nghĩ tới Công lý, phải liên tưởng tới những thủ tục nghiêm cẩn, khách quan, phân minh, chính trực nhằm tìm ra Sự thật và lập lại Công Lý. Nhưng liệu những “phiên tòa” sắp diễn ra nói trên có thể mang lại Công lý, Sự thật, dù là chút nhỏ nhoi, không? Hy vọng bài viết sau sẽ giúp chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi khắc khoải này.


Công Khai Là Linh Hồn Của Công Lý

Nam Hải Trường Sơn


Nguyên tắc tòa án mở (open courts) là một nền tảng chủ chốt của hệ thống tư pháp độc lập trong các xã hội dân chủ tự do và việc xét xử công khai (public trial) là hiến quyền tại nhiều nước phương Tây. Vào tòa quan sát việc xét xử cũng dễ dàng và đơn giản như vào thư viện công cộng đọc sách. Kiến nghị hay xin phép tham dự là chuyện thừa thãi không cần thiết, phí phạm thời gian và tài nguyên của tòa án cũng như của chính mình.

Mục Đích Của Nguyên Tắc Tòa Án Mở

Nguyên tắc tòa án mở phát xuất từ mục đích phục vụ năm nhu cầu chủ yếu của một hệ thống tư pháp công chính.

Thứ nhất, tòa án mở có tác dụng duy trì tiến trình duyệt xét chứng cứ hữu hiệu. Về mặt tâm lý chủ quan, sự hiện diện của khán giả sẽ giảm thiểu khả năng khai man và bóp méo sự thật của nhân chứng bằng cách khuyến khích tinh thần trách nhiệm trước dư luận công chúng (qua biểu tượng của khán giả hiện trường đang sẵn sàng khinh miệt kẻ gian dối trước tòa). Đồng thời, sự hiện diện của khán giả sẽ khiến nhân chứng e sợ rằng lời khai man của họ có thể bị những người biết rõ nội tình trong đám khán giả (hoặc những người khác được khán giả hiện trường báo cho biết về lời khai của nhân chứng) vạch trần. Về mặt cơ hội khách quan, tòa án mở tạo điều kiện cho những người biết rõ nội tình tham gia quan sát việc xét xử và qua đó có thể đứng ra làm chứng, cung cấp thêm thông tin (mà trước đây nguyên cáo hoặc bị cáo cũng như quan tòa và bồi thẩm đoàn chưa hề biết) để làm sáng tỏ vấn đề hoặc để đối chất với kẻ khai man trước tòa.

Thứ hai, tòa án mở góp phần đảm bảo rằng quan tòa và bồi thẩm đoàn hành xử đúng đắn, có nhiệm vụ khắc phục thành kiến cá nhân, và phản ánh giá trị của cộng đồng để tạo dựng niềm tin cho người thưa kiện rằng trình tự cũng như kết quả của việc tố tụng là công bằng.

Thứ ba, tòa án mở xúc tiến cảm thức chung của công dân rằng tòa án hoạt động dựa trên cơ sở chính trực và sự hiện diện của khán giả nâng cao chất lượng của quá trình thực thi công lý.

Thứ tư, tòa án mở tạo điều kiện để người dân có cơ hội học hỏi về cơ chế vận hành của hệ thống tư pháp và thấu hiểu việc pháp luật ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ được áp dụng như thế nào tại tòa án.

Ngoài bốn mục đích có giá trị về mặt hệ thống và xã hội nêu trên, tòa án mở còn nhắm vào mục đích phục vụ quyền lợi riêng của nguyên cáo, bị cáo hoặc những cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến nội vụ tố tụng. Tòa án mở là diễn đàn công cộng được pháp luật bảo vệ để họ có thể mạnh dạn thổ lộ trước mặt quần chúng những uất ức hoặc bất công mà họ đã phải âm thầm gánh chịu.

Cơ Sở Pháp Lý Tại Bắc Mỹ

Tại Canada, tòa án là trường sở công cộng và những gì xảy ra tại tòa án là việc công cho dù tòa án chỉ đang xét xử tranh chấp riêng tư giữa hai cá nhân hay cá thể. Bởi thế, tòa án phải được mở rộng để công chúng tự do quan sát, thảo luận, và báo cáo những gì xảy ra tại đó. Tính trọng yếu của nguyên tắc tòa án mở đã có một lịch sử cao quý kéo dài đến cả mấy thế kỷ nay.

Vào năm 1913, thẩm phán Loreburn, trong án lệ nổi tiếng Scott v. Scott, đã xác nhận rằng: "Một luật lệ thâm căn cố đế [trong hệ thống tư pháp của Khối Liên Hiệp Anh] là công lý phải được thực thi giữa tòa án mở." Cũng trong án lệ này, thẩm phán Shaw đã tuyên bố rằng: "Công khai là linh hồn của công lý." Hay nói cụ thể như ý kiến đồng thuận của thẩm phán Halsbury: "[T]ất cả các Tòa Án công lý đều mở rộng để đón tiếp mọi thần dân của Quốc Vương."[1]

Trong án lệ R. v. Josephson, Tối Cao Pháp Viện Canada tái khẳng định rằng: "Đặc tính công cộng và mở rộng của tòa án là một nguyên tắc của luật phổ thông [luật tiền lệ] và nếu những điều kiện đó không được thỏa mãn thì tòa án sẽ không tồn tại và mọi trình tự đều vô hiệu lực."[2]

Khi Bản Hiến Chương Nhân Quyền Và Tự Do được ban hành vào năm 1982 (được gọi tắt là Bản Hiến Chương), nguyên tắc tòa án mở của luật phổ thông được gián tiếp đưa lên địa vị hiến quyền. Trong án lệ Edmonton Journal v. Alberta (A.G.), Tối Cao Pháp Viện Canada xác nhận rằng quyền tự do biểu đạt (bao gồm quyền tự do báo chí) được liệt kê trong điều 2(b) của Bản Hiến Chương có tác dụng bảo vệ quyền tự do tham gia quan sát việc xét xử tại tòa án.[3]

Tương tự, trong án lệ Richmond Newspapers, Inc. v. Virginia, chánh án Burger của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng: "Chúng ta không tìm thấy có chứng cứ gì để gợi ý rằng tính công khai được giả định của quá trình tố tụng, mà các tòa án tại Anh Quốc về sau gọi là 'một phẩm chất cốt lõi của một tòa án công lý' ... cũng không phải là một đặc tính của các hệ thống tư pháp tại thuộc địa Hoa Kỳ .... Từ dòng lịch sử được hậu thuẫn bằng những lý do có giá trị trong hiện tại cũng như trong nhiều thế kỷ đã qua mà chưa hề bị phủ nhận và gián đoạn đó, chúng ta buộc phải kết luận rằng tính công khai là một giả định cố hữu của chính bản chất quá trình tố tụng hình sự trong hệ thống công lý của chúng ta." Để củng cố truyền thống này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng quyền tham quan việc xét xử tại tòa án hình sự của công chúng cũng tiềm tàng trong những bảo đảm của Tu Chính Án Số I (như tự do hội tập, tự do ngôn luận, và tự do báo chí) bởi vì "nếu thiếu quyền tự do tham gia những tiến trình tố tụng mà công chúng đã thực hiện trong nhiều thế kỷ đó, những khía cạnh quan trọng của tự do ngôn luận và 'tự do báo chí có thể bị moi ruột,' [nói theo ngôn từ của thẩm phán White trong án lệ Branzburg v. Hayes]."[4]

Giới Hạn Của Việc Xét Xử Công Khai

Tuy nguyên tắc tòa án mở là một phẩm chất cốt lõi của hệ thống tư pháp dân chủ tự do, tham dự tiến trình tố tụng không phải là một hiến quyền tuyệt đối. Nói cách khác, tùy theo hoàn cảnh, tòa án có thể hạn chế quyền tham dự của một số hay toàn bộ công chúng nhằm duy trì trật tự và bảo vệ đạo đức công cộng, thực thi công lý một cách đúng đắn, hoặc ngăn ngừa việc gây tổn hại cho quan hệ quốc tế, quốc phòng hay an ninh quốc gia. Sau đây là một số ví dụ cụ thể.

Tòa án là trường sở công cộng thường có diện tích tương đối hạn hẹp và số lượng chỗ ngồi dành cho khán giả tương đối ít. Trong trường hợp phiên tòa thu hút quá nhiều người muốn tham quan, tòa án có thể dùng hệ thống bốc thăm hay xổ số để phân phát chỗ ngồi cho công chúng và giới truyền thông, dựa theo nguyên tắc chọn lựa ngẫu nhiên. Tòa án có quyền từ chối tiếp nhận công chúng nếu sức chứa của tòa đã đạt giới hạn. Tòa án có quyền cấm người quan sát tụ tập giữa lối đi hay hành lang của tòa, để duy trì việc thông hành. Tòa án có quyền đuổi những kẻ phá rối trật tự hoặc tỏ thái độ uy hiếp nhân chứng ra khỏi tòa.

Tại Hoa Kỳ, Tu Chính Án Số I không bắt buộc tòa án phải truyền hình bất cứ trình tự tố tụng nào. Trong thực tế, khẩu biện trước Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chưa bao giờ được truyền hình cho công chúng xem lần nào cả. Tòa án có thể nghiêm cấm vệc sử dụng máy chụp hình hay máy truyền hình trong nội thất tòa án.

Tòa án có quyền ban hành lệnh cấm các cơ quan truyền thông cũng như công chúng loan báo những gì xảy ra tại phiên tòa để bảo vệ thân phận của tất cả các nạn nhân hay nhân chứng vị thành niên (thường là dưới 18 tuổi) trong các vụ án xét xử tội trạng bạo hành tính dục. Tòa án có quyền mời toàn bộ khán giả ra khỏi tòa án trong khoảng thời gian mà lời khai của nhân chứng thổ lộ bí mật quốc gia hay bí mật thương nghiệp, nhưng không thể lâu hơn thế, cũng như có quyền loại trừ sự hiện diện của trẻ thơ dưới hai tuổi mà không cần viện dẫn lý do.

Cơ Sở Pháp Lý Tại Việt Nam

Điều 131 của Hiến Pháp Việt Nam 1992 (được sửa đổi và bổ sung năm 2001, và sau đây tôi sẽ gọi tắt là Hiến Pháp) quy định: "Toà án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định." Điều khoản này có hai ý nghĩa pháp lý chủ yếu. Thứ nhất, tiến hành việc xét xử công khai là một trách nhiệm hiến định mà bất cứ Tòa Án Nhân Dân nào (bao gồm Tòa Án Nhân Dân Tối Cao) cũng phải thực thi nghiêm chỉnh. Thứ hai, điều khoản này gián tiếp thừa nhận rằng công chúng có quyền tự do tham dự việc xét xử tại tất cả mọi Tòa Án Nhân Dân. Bởi lẽ nếu người dân bị khước từ quyền hạn này thì điều 131 sẽ trở nên vô nghĩa vì Tòa Án Nhân Dân không thể thi hành nhiệm vụ xét xử công khai hiến định của mình khi công chúng không có hiến quyền tương xứng để tự do hiện diện tại tòa án. Hai khía cạnh pháp lý hỗ tương ỷ tồn này (trách nhiệm của tòa và quyền của công dân) được điều 18 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự diễn giải và quy định một cách rõ ràng: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do bộ luật này quy định."

Lý Thuyết Và Hiện Thực

So sánh văn bản hiếp pháp của Canada, Hoa Kỳ, và Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ địa vị hiến pháp của nguyên tắc tòa án mở tại Việt Nam được xác lập một cách trực tiếp, mạnh mẽ và hiển nhiên hơn cả. Điều nổi bật đáng nói là trách nhiệm hiến định của Tòa Án Nhân Dân trong việc xét xử công khai. Nhưng vẻ đẹp đối tỉ kết thúc hụt hẫng ở ngay đây vì điều trớ trêu đáng ân hận là tu từ hoa mỹ này chẳng có tí giá trị thực tiễn nào cả.

Lúc còn là sinh viên trường luật tại Canada, một chuyện làm tôi rất hổ thẹn và đau lòng là khi bàn đến Hiến Pháp của Việt Nam các bạn học cùng lớp hội thảo luật hiến pháp của tôi đã từng tuyên bố một cách mỉa mai rằng: "Vietnam's Constitution is a joke!" ("Hiến Pháp Việt Nam là một trò hề!"). 

Tôi cứng họng, bởi vì chỉ nhìn vào điều 4 của Hiến Pháp không thôi là tôi biết mình sẽ đuối lý; nó hiến pháp hóa sự lãnh đạo tuyệt đối và vô kỳ hạn của Đảng và đồng thời là điều khoản duy nhất được thực sự thi hành tại Việt Nam. Đối với những phần còn lại, vị giáo sư phụ trách lớp hội thảo này phê một câu có tính chất ngoại giao cao hơn vì nó mang ý nghĩa nước đôi: "Just words!" Vừa như khen lại vừa như chê. Khen, nếu chữ "just" được dùng dưới dạng tính từ: "Ngôn từ công lý!" Chê, nếu chữ "just" được dùng dưới dạng trạng từ (tương đương với "only"): "Chỉ là ngôn từ thôi!" Nhưng dẫu hiểu theo cách nào đi nữa trọng tâm vẫn là chữ "words" với hàm ý là ngôn từ hay lý thuyết không có giá trị thực tiễn.

Hơn mười mấy năm trôi qua, lời bình của bạn học và thầy cũ của tôi vẫn giữ nguyên vẹn tính chính xác. Nhưng tôi biết chắc họ sẽ hân hoan vô cùng nếu ngược lại ý kiến của họ không còn hợp thời nữa. Tòa án mở cũng như tất cả mọi khía cạnh công lý và bình đẳng khác của xã hội Việt Nam chỉ trở thành hiện thực khi công cuộc cách mạng dân chủ thành công. Đó là một hành trình gian nan nhưng chúng ta phải mạnh dạn dấn bước.○
_____________________________________________________
[1]Scott v. Scott, [1913] A.C. 417.
[2]R. v. Josephson (1949), 7 C.R. 273 (Man. C.A.).
[3]Edmonton Journal v. Alberta (A.G.), [1989] 2 S.C.R. 1326.
[4]Richmond Newspapers, Inc. v. Virginia, 448 U.S. 555 (1980).


(Như Cây Tre Việt Nam trân trọng cảm ơn tác giả đã cho phép sử dụng bài và biên tập lại cho phù hợp với bối cảnh hiện thời. Bài gốc có thể xem tại: Blog Nam Hải Trường Sơn)

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Two important trials to be held. Hai phiên tòa quan trọng sắp diễn ra.


(Song ngữ)

September 24, 2012 in Saigon: First hearing for the Club of Free Journalists’s members Nguyen Van Hai (Dieu Cay), Ta Phong Tan, Phan Thanh Hai (AnhBaSaigon).

September 26, 2012 in Cua Lo, Nghe An: Hearing on appeal for 04 Catholic young people who just exercised their constitutional rights in protesting “General Elections in 2011”. Outcomes of the first hearing: Anton Dau Van Duong sentenced to 42 months in prison and 18 months of house arrest; Anton Chu Manh Son, 36 months in prison and 12 months of house arrest; Phero Tran Huu Duc, 39 months in prison and 12 months of house arrest; JB Hoang Phong, suspended term of 24 months in prison and 36 months of probation.

(Updated on September 20, 2012: the place of trial of the second case is moved to the downtown of Vinh City: People's Court of Province Nghe An, 105 A Nguyen Thi Minh Khai Street, Vinh City)

HAI PHIÊN TÒA quan trọng rất SÁT NHAU

Ngày 24/09 tại Sài Gòn: Phiên sơ thẩm dành cho Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải (AnhBaSaigon)

Ngày 26/09 tại Cửa Lò, Nghệ An: Phiên phúc thẩm xét xử 4 thanh niên công giáo trong vụ rải truyền đơn "Tẩy chay bầu cử 2011". Phiên tòa sẽ diễn ra tại "Tòa án nhân dân Thị xã Cửa Lò, Phường Nghi Hương - Cửa Lò - Nghệ An"

Trong phiên sơ thẩm, bản án dành cho các thanh niên này: "Anton Đậu Văn Dương 42 tháng tù giam, 18 tháng quản chế; Phero Trần Hữu Đức 39 tháng tù giam, quản chế 12 tháng; Anton Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù giam, quản chế 1 năm sau khi mãn hạn tù; JB. Hoàng Phong 24 tháng tù treo, thử thách 36 tháng. "

(Tin cập nhật ngày 20/09/2012: địa điểm xét xử phiên tòa thứ hai đã được quyết định rời về thành phố Vinh: Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, 105A Nguyễn Thị Minh Khai - thành phố Vinh)

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Thăm gia đình tù nhân Phạm Thanh Nghiên trước ngày mãn án


Mùa phượng vĩ đã chia tay từ lâu nhưng các con phố tấp nập của thành phố cảng dường như vẫn có sắc đỏ hồng trong cái nắng thu vàng rực rỡ quyện trong những cơn gió, chốc chốc lại ùa vào từ biển. Có lẽ quê hương của nữ tướng Lê Chân đang chộn rộn hồi hộp khi sắp được đón trở lại người con gái bé nhỏ mà kiên cường của mình.

Phạm Thanh Nghiên trước khi bị bắt
Chỉ còn đúng một tuần nữa[1] là Phạm Thanh Nghiên sẽ mãn hạn tù. Thấm thoắt 4 năm đã trôi qua kể từ ngày cô gái bé nhỏ của đất cảng Hải Phòng bị bắt, đúng ra là lôi đi, ngay trong lúc đang tọa kháng tại nhà với tấm biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam” quấn xung quanh người.

Trên bánh của những chiếc xe ôm đi đến nhà Phạm Thanh Nghiên chúng tôi vẫn cảm thấy băn khoăn vì trước đây có nghe phong thanh rằng những việc làm của Phạm Thanh Nghiên không được gia đình ủng hộ lắm. Liệu sự viếng thăm của chúng tôi có được gia đình hoan nghênh? Nhưng với ý nghĩ mạnh dạn “nếu gia đình, người dân chưa ủng hộ mà chúng ta lại xuôi tay thì làm sao người dân, xã hội hiểu ra được sự thật, làm sao người dân có thể ủng hộ, tham gia những việc làm tốt đẹp?” nên chúng tôi tự tin “quất” thêm hai bác xe ôm: “Bác đi nhanh nhanh cho chúng em tý!”. Sau những con phố lớn với những cái tên loáng qua như Lê Lợi, Cầu Đất, Cầu Tre,…sau những cú lượn, vòng ngoằn nghoèo điệu nghệ của hai bác xế ôm trong những khu dân cư chật hẹp của đất cảng, cuối cùng chúng tôi cũng đến và yên vị trong ngôi nhà xinh xắn của gia đình Phạm Thanh Nghiên: Nhà số 17, Liên khu Phương Lưu, Đông Hải 1, Quận Hải An.

Nhưng khác với “phong thanh” và “băn khoăn” trước đó, chúng tôi đã được đón tiếp rất thân tình ngay sau khi chúng tôi giới thiệu là những người yêu mến và ủng hộ những việc làm của Phạm Thanh Nghiên và muốn thăm gia đình, muốn biết về tình hình của Phạm Thanh Nghiên khi chỉ còn vài ngày nữa là “chị Nghiên mãn hạn tù”.

Rất may mắn, chúng tôi được gặp cả bác Nguyễn Thị Lợi, mẹ của Phạm Thanh Nghiên, năm nay 77 tuổi và hai người chị của Phạm Thanh Nghiên cùng một vài người bạn của gia đình lúc đó cũng đang có mặt. Như vậy là "nguồn tin" không quá đơn điệu và sự có mặt trông rất thân tình của người ngoài gia đình làm chúng tôi vui và yên tâm hẳn lên. Có nghĩa là, dù ở nơi tỉnh lẻ và ở khu bình dân, không phải người dân nào cũng e ngại cũng “tránh xa gia đình kẻ phản động” như nhà cầm quyền vẫn tuyên truyền.

Qua vài câu thăm hỏi gia đình chúng tôi sốt ruột đi ngay vào điều chúng tôi đang nóng lòng: “Thưa bác và hai chị, tình hình sức khỏe của chị Nghiên hiện nay ra sao? Gia đình mình vẫn đi thăm chị Nghiên thường xuyên chứ ạ?” Thế rồi chúng tôi được bác Lợi và hai người chị cho biết gia đình vẫn đi thăm nuôi Nghiên thường xuyên ở Trại giam số 05 Thanh Hóa thường thường hai tháng hoặc một tháng một lần. Mỗi chuyến đi là một hành trình bắt đầu từ 03h sáng bằng xe khách và về lại nhà vào đêm muộn hoặc sang ngày hôm sau. Chuyến thăm nuôi Phạm Thanh Nghiên gần đây nhất là vào ngày 26/07/2012, tinh thần của Nghiên “vẫn thế”, “sức khỏe tạm được”, “nó bảo là cách đấy ít thời gian đã có công an an ninh của Bộ và Thành phố vào gặp và hỏi nó là ”Chị Nghiên sắp được về rồi đấy. Vậy khi về chị Nghiên có suy nghĩ gì về việc làm tiếp theo không?”, nó bảo nó nói là: “Tôi vẫn phải yêu Tổ quốc tôi và tôi vẫn sẽ tiếp tục làm những việc như đã làm.” Thế là mấy anh an ninh nói:”Vậy thì chúng ta sẽ còn phải gặp nhau nhiều đấy.”, nghe xong câu đó nó bảo nó không nói gì cả.”

Về chuyện cương cường bộc trực như thế của Phạm Thanh Nghiên thì chúng tôi không lạ vì đã nghe thấy từ lâu rồi. Khoảng năm 2007 khi Nghiên đã gặp gỡ nhiều người hoạt động cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền ở cả Hải Phòng và Hà Nội, một lần khi phải làm việc với công an, bị công an vặn vẹo, đe nẹt trong việc gặp gỡ, Phạm Thanh Nghiên đã nói luôn:”Nếu các anh gọi những người đó là phản động thì tôi tuyên bố tôi phải ủng hộ và chơi với phản động. Tôi đã gặp họ nhiều rồi, “phản động” mà lại như thế à?!”

Trong câu chuyện tiếp theo, chúng tôi thấy rất ngạc nhiên vì những gì Nghiên đã thể hiện trong tù, theo như lời hai chị gái và bác Lợi thuật lại, như một người đã trải qua tù nhiều lần chứ không phải là cô gái chân yếu tay mềm mới lần đầu vào chốn lao tù. Không biết cô gái Phạm Thanh Nghiên, khi đi tù nặng chỉ có 36kg, đã học được từ ai hay tự quyết đoán hành động, nhưng những ứng xử như thế này thì chúng tôi thường chỉ nghe được từ những người tù nam giới can trường và lại phải có kinh nghiệm nữa: Thông thường tù thường ở Trại giam số 05 vẫn gọi các nhân viên trại giam (quản giáo) là “ông” hoặc “bà” xưng là “con” hoặc “cháu” bất kể tuổi tác, nhưng Nghiên bé nhỏ  nhà ta, sinh năm 1977, chỉ gọi, từ quản giáo thường cho tới giám thị trại giam, là “cán bộ” xưng “tôi” thôi. Hai là, quần áo của nhà gửi vào thường phải đóng dấu bằng sơn đen nhòa nhọet hai chữ “PHẠM NHÂN” to tướng ở trước và sau thì mới được dùng, nhưng Nghiên bảo nhà mang hết quần áo về và chỉ mặc quần áo tù vì Nghiên nói: ”Tôi là Tù Nhân chứ không phải Phạm Nhân”.

Cảm thấy cuộc chuyện trò đang ở vào lúc “ấm nồng” nhất, chúng tôi vội hỏi nhỏ gia đình: “Thưa bác và hai chị, hình như ban đầu gia đình mình cũng phiền lòng với những việc của Nghiên làm lắm phải không?” Bác Lợi tỏ vẻ trầm ngâm, còn hai chị gái thì gần như cùng lên tiếng một lúc, sau đó người chị lớn như nói thay cho cả ba người: “Nói thật với các bác, ban đầu nhà em mệt mỏi lắm vì như các bác biết đấy, nhà em chỉ là dân lao động vôi vữa, chân tay thôi, trong khi đó thì bố lại đang ốm nằm đấy mà nó thì chưa đâu vào đâu cả. Thế mà suốt ngày cứ đi đâu suốt rồi lúc về lại ôm lấy cái máy tính, máy tiếc mà toàn chuyện đâu đâu thôi. Có lần em tức quá em đã tát Nghiên một cái khi thấy nó cứ ngồi dán mắt vào cái máy tính. Nhưng sau khi nó bị bắt, phần vì thương em mình, phần vì hiểu ra những việc làm của em mình là tốt và đúng nên thôi không giận nó nữa. Nó là đứa út ít nhất nhà, người lại gầy yếu nhất nên thương lắm các bác ạ.” Đến đây tất cả chúng tôi cùng lặng đi.

Hai chị gái Nghiên:
"Vì hiểu ra những việc làm của em mình
là tốt và đúng nên thôi không giận nó nữa."

Để phá vỡ cái không khí nặng nề đó, chúng tôi vội chuyển chủ đề và cũng là điều chúng tôi muốn xác minh: “Hình như chị Nghiên nhà mình mới chỉ tốt nghiệp phổ thông?” Lần này thì bác Lợi phân trần: “Phải nói rõ thế này, hồi nó học xong lớp 11 thì nó nghỉ học và có đi vào miền Nam một thời gian. Sau đó mấy năm, mới quay ra và học tiếp lớp 12 bổ túc văn hóa. Học có thế thôi.” Vậy là đúng như chúng tôi đã nghe, Phạm Thanh Nghiên chỉ có bằng chính thức cao nhất, mà các giấy tờ của nhà nước vẫn thường gọi là “trình độ văn hóa”, là lớp 12 bổ túc thôi. Thế mà chúng tôi có những người “giắt lưng” mấy bằng đại học khi đọc “Tâm thư” hay  “Uất ức biển ta ơi!” cũng phải thừa nhận chưa chắc mình đã viết được những câu văn như thế.

Hai chị gái còn kể cho chúng tôi nghe đã mấy lần Phạm Thanh Nghiên tuyệt thực để đấu tranh không phải cho bản thân mà đòi hỏi một số quyền lợi cho tù nhân như đòi phải cải thiện nước sạch cho tù nhân nữ hoặc yêu cầu phải trả lại đệm nằm cho tù trong mùa đông. Chúng tôi hỏi những lần đấu tranh đó có thành công thì các chị nói: ”Hình như có lần thành công.”

Đến đây, bỗng dưng chúng tôi cảm thấy lo lắng thực sự, không hiểu sự cương cường như thế ở nơi thân cô thế cô thì Nghiên có bị nhân viên trại giam “trả đũa” không, hai chị gái cho biết: “Chúng em thì không biết rõ nhưng khi tiếp xúc thì thấy mọi nhân viên mà chúng em gặp đều tỏ ra thân tình và đều gọi Nghiên nhà em là “chị” với thái độ tôn trọng và lần vừa rồi có người còn nói với chúng em với vẻ rất vui: “Người nổi tiếng của gia đình mình sắp về rồi đấy!” Nghe thế chúng tôi thở phào và nghĩ bụng: hình như có một qui luật muôn thuở, cai tù có thể rất hách dịch, có thể rất ác nhưng không thể coi thường những người tù trung tín, can trường.

Đến lúc câu chuyện lại đề cập đến vấn đề Biển Đông và biểu tình chống Trung Quốc thì chúng tôi mới sực nhớ ra chính Phạm Thanh Nghiên đã tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 09/12/2007 ở trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Phạm Thanh Nghiên là người đã đứng đơn, vào ngày 17/06/2008, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấp phép để tổ chức một cuộc biểu tình chống lạm phát. Dĩ nhiên lá đơn đó đã bị bác. Và cho dù hai người ký tên trong đơn đã phải vào tù sau đó ít lâu[2], nhưng thời gian qua đã chứng tỏ quyền tự do biểu tình của người dân về mọi vấn đề bức xúc là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Bác Lợi, mẹ Nghiên:
"Tôi chỉ dạy con tôi phải là
người thật, làm thật, nói thật."

Vào cuối câu chuyện, chúng tôi hỏi riêng bác Lợi: “Thưa bác, lúc chị Nghiên bị bắt chắc bác khổ tâm lắm?”, nhìn thẳng chúng tôi bác Lợi nói: ”Tôi cũng đã dự liệu từ trước rồi, với việc làm của nó như thế trong một thời buổi như thế thì việc đó khó mà tránh được. Nhưng từ trước đến giờ tôi chỉ dạy con tôi là phải là người thật, làm thật, nói thật.”

Trên đường về trong sự miên man của cảm xúc vừa thương, vừa mừng, vừa lo và tự hào về Phạm Thanh Nghiên chúng tôi lại nhớ đến một suy nghĩ như đã nghe, đã đọc thấy ở đâu rằng công cuộc cứu nước, dân chủ hóa hiện nay cần phải có một tư duy khác trước, không thể cứ lấy sức mạnh võ biền, lấy tinh thần dân tộc cực đoan làm điểm tựa nếu không muốn vòng quay độc tài vẫn tiếp tục. Nhưng có một thứ chắc chắn vẫn phải luôn luôn cần, đó là: lòng dũng cảm.

Đi trong những cơn gió thổi từ Biển Đông vào thành phố cảng trên đường về chúng tôi như nghe thấy những âm vang thét gào vẫn vọng về từ Hoàng Sa, Trường Sa. Dẫu rằng biển của ta vẫn còn uất ức lắm nhưng chắc chắn vài hôm nữa Phạm Thanh Nghiên sẽ rất vui khi biết rằng bốn năm qua đã có thêm nhiều người trẻ hơn Nghiên, có học vấn hơn Nghiên, có gia đình bề thế hơn Nghiên cũng đã lên tiếng, đã dấn thân vì xã hội, vì sự an nguy của Tổ quốc.○

Nguyễn Phan Chung
11/09/2012



[1] Khi bài viết này lên khuôn thì chỉ còn 05 ngày nữa (ngày 18/09/2012) án tù 04 năm của Phạm Thanh Nghiên kết thúc. Khi về Phạm Thanh Nghiên còn phải bị 03 năm quản chế. Điện thoại liên lạc của gia đình (bác Nguyễn Thị Lợi): 0128 828 0694; 0313 741 629

[2] Lá đơn xin phép biểu tình (ghi ngày 17/06/2008) do Phạm Thanh Nghiên ký tên (người đứng đơn) và hai người tiếp ký: nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu chiến binh Vũ Cao Quận đều người Hải Phòng. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt ngày 10/09/2008 (sau đó bị kết án 06 năm tù giam, 3 năm quản chế); Phạm Thanh Nghiên bị bắt ngày 18/09/2008

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Hai tù nhân kiên định sắp về. Two invincible prisoners to be released


(Bilingual)

Ông Nguyễn Văn Túc, sinh năm 1964, và ông Phạm Văn Trội, sinh năm 1972, dự kiến sẽ mãn hạn tù lần lượt vào ngày 10/09  và 11/09 tới đây. Cả hai ông đều chấp nhận ở tù hết án giống nhau 04 năm tù giam và sẽ tiếp tục ra tù lần lượt chịu 03 năm và 04 năm quản chế tại gia kể từ ngày mãn án.

Biểu ngữ do nhóm ông Túc treo tại Hải Phòng năm 2008. Photo: on the Net

Ông Nguyễn Văn Túc: xuất thân nông dân tại Thái Bình bị bắt vào ngày 10/09/2008 sau đó bị cáo buộc vào Điều 88 Luật Hình Sự “Tội tuyên truyền chống Nhà nước…” do đã tham gia vào những hoạt động cổ xúy dân chủ, nêu cao tinh thần yêu nước. Hoạt động nổi nhất là tham gia vào nhóm treo biểu ngữ ở Hải Phòng với dòng chữ “Bảo Vệ Toàn Vẹn Lãnh Thổ, Lãnh Hải, Hải Đảo VN…”. Qua hai phiên xét xử, mức án của ông Nguyễn Văn Túc vẫn không thay đổi: 04 năm tù giam và 03 năm quản chế. Trong suốt quá trình tù đày cho đến nay ông Nguyễn Văn Túc luôn kiên định quan điểm và thường nhắn nhủ ra ngoài: ”Gia đình và mọi người phải tin rằng tôi không làm gì sai.”

Ông Nguyễn Văn Túc hiện đang bị bệnh mạch vành, thoái hóa đốt sống cổ và trĩ. Vợ ông Nguyễn Văn Túc là bà Bùi Thị Rề làm nghề nông (sinh năm 1968).  Hai ông bà có hai con, con gái lớn 24 tuổi và con trai 18 tuổi. Trong chuyến thăm nuôi cách đây hơn một tháng, bà Rề cho biết ông Túc tinh thần vẫn vững vàng và nói: “Gia đình không phải đi đón anh vì họ đã bắt đưa anh đi thì họ phải đưa anh về.”

Địa chỉ gia đình: Thôn Cổ Dũng 1, Xã Đông La, Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình. Điện thoại (Bùi Thị Rề): 097 275 3049.
Địa chỉ trại giam: Đội 16, Phân trại 3, Trại giam Nam Hà, Xã Ba Sao, Huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Ông Phạm Văn Trội, cử nhân Khoa học Xã hội Nhân văn chuyên ngành Quản lý Xã hội, bị bắt rạng sáng ngày 11/09/2008, bị cáo buộc vào Điều 88 Luật Hình Sự “Tội tuyên truyền chống nhà nước…” do những hoạt động cổ xúy dân chủ, nhân quyền. Sau hai phiên xét xử mức án của ông Phạm Văn Trội giữ nguyên: 04 năm tù giam và 04 năm quản chế. Mặc dù hai con còn rất nhỏ (hiện nay cháu trai đầu 10 tuổi, cháu gái út 06 tuổi) cùng với mẹ già (80 tuổi), ông Phạm Văn Trội luôn khước từ mọi gợi ý nhận tội để được giảm án. Cách đây khoảng 06 tháng ông Phạm Văn Trội đã bị chuyển trại đi xa nhà hơn, từ Nam Hà vào Nghệ An, nhưng quan điểm của ông vẫn không thay đổi. Ông Phạm Văn Trội thường động viên vợ bằng câu nói: “Đừng quá lo cho anh. Cứ coi như anh lại đi bộ đội một lần nữa đi.”

Vợ ông Phạm Văn Trội là bà Nguyễn Thị Huyền Trang sinh năm 1980 là thợ thêu thủ công. Từ nhiều tuần nay công an huyện đã đến nhà ông Phạm Văn Trội gặp mẹ và vợ để trấn an tinh thần và cho biết “Ông Trội sẽ được cơ quan chức năng đưa về tận nhà”.

Địa chỉ gia đình: Thôn Kỳ Dương, Xã Chương Dương, Huyện Thường Tín, Hà Nội. Tel. của bà Nguyễn Thị Huyền Trang: 0123 9542 730
Địa chỉ trại giam: Trại giam số 06, Xã Hạ Lâm, Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An.

Two invincible prisoners to be released

Mr. Nguyen Van Tuc, a peasant, 48, and Mr. Pham Van Troi, BA, 40, are going to finish their 04-year-prison-terms on 10 September and 11 September 2012 respectively. Both these prisoners have refused any suggestions of commutations upon a parole or confession. They will also have to serve 03 and 04 years of house arrest after release respectively. Both were accused of “Producing propaganda against the state”, the notorious Article 88 of Vietnam’s Penal Code, in two separate cases in 2008.
A banner Tuc and others hung at a side of a bridge in Haiphong in 2008. “Integral Sovereignty, Land, Sea and Islands. Democracy, Human Rights for the Vietnamese People. Pluralism, Multi-Party System for Vietnam”


Mr. Nguyen Van Tuc, originated in Thai Binh province, well known for tradition of uprisings, was participating in democratic activism and patriotic promotion against the Chinese invasion and threat of Vietnam sovereignty. The most famous of his activities was joining a group to hang patriotic and democratic banners in Hai Phong in 2008 shortly before his arrest. Mr. Nguyen Van Tuc has suffered from several diseases such as coronary trouble, degenerative cervical spine, haemorrhoids but he always tries to convey a message through his family visit: "People must believe that I am right, doing nothing wrong." Mr. Nguyen Van Tuc has two children (a daughter, 24, and a boy, 18), his wife, a peasant, Bui Thi Re, 44.

Home Address: Thôn Cổ Dũng 1, Xã Đông La, Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình. Tel. (Ms Bui Thi Re): 097 275 3049.
Prison Address: Đội 16, Phân trại 3, Trại giam Nam Hà, Xã Ba Sao, Huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Mr Pham Van Troi, graduated from the University of Social and Human Sciences, majored in Social Management in 2000, was doing democratic activism by assisting other activists, writing articles or spreading democratic information among people. Before his arrest at night on September 10, 2008 Mr Pham Van Troi had been harassed, threatened several times. Though his family conditions were not favorable for activism, at the time of his arrest in 2008, his two children quite small (a 06-year-boy and a 2-year-daughter), his mother rather old, his wife, a craft worker, so young, 28, Mr Pham Van Troi’s commitment to the democratic activism has been so high that he always affirmed that what he has been doing is right. About 06 months ago he was moved farther from Hanoi to a prison in Nghe An province (about 300 Km south of Hanoi) but his stance remains unchanged. And he often said to his wife: “Please do not worry much about me. Keep thinking as if I was serving once more in the military to save our country.”

Home Address: Thôn Kỳ Dương, Xã Chương Dương, Huyện Thường Tín, Hà Nội. Tel. (Nguyễn Thị Huyền Trang, Pham Van Troi’s wife): 0123 9542 730.
Prison Address: Trại giam số 06, Xã Hạ Lâm, Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An.

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Những hối tiếc lịch sử của Goóc-Ba-Chốp


Chủ nghĩa Cộng sản đã đi từ khát khao tốt đẹp cho nhân loại nhưng ảo tưởng, chân thành nhưng nguy hiểm của Marx-Engels sang tư lợi quyền lực, thủ đoạn và quyết liệt sắt máu của Lenin, Stalin, Mao, Hồ…Có thể nói, với Nghị quyết 1481 của Hội đồng châu Âu, nhân loại đã đóng dấu “tội ác” vào Chủ nghĩa Cộng sản và đưa nó vào một góc trong viện bảo tàng lịch sử. Chủ nghĩa Cộng sản như đã thấy là hết sức tai hại và không thể cải tạo. Sự tồn tại của các chế độ toàn trị cộng sản luôn đồng nghĩa với dối trá, bạo lực và tha hóa con người. Nhưng những người cộng sản (là đảng viên cộng sản) không phải là Chủ nghĩa Cộng sản và cũng không hoàn toàn đồng nhất với chế độ toàn trị cộng sản dù họ có thể ở những vị trí lãnh đạo cao nhất. Các đảng viên cộng sản-những con người-luôn có khả năng thay đổi và nhiều người trong số họ, một khi tỉnh thức thực sự, vẫn có thể đóng góp tích cực cho tiến bộ của quốc gia và nhân loại. Goóc-Ba-Chốp (Gorbachev – phiên âm theo tiếng Anh) là một trong những người như thế. Dư luận tiến bộ thế giới đều thống nhất: Gorbachev là người đã có công to lớn với nhân loại - khởi sự cho việc giải thể hệ thống Xã hội chủ nghĩa, kết thúc sự ngự trị của Chủ nghĩa Cộng sản ở mức độ thế giới. Nhưng Gorbachev vẫn không hài lòng với bản thân khi nhìn lại mình.

Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu bản dịch tiếng Việt bài viết về cuộc phỏng vấn Gorbachev cách đây hơn một năm: 

Mikhail Gorbachev: Lẽ ra tôi đã phải bỏ đảng Cộng sản sớm hơn

Jonathan Steele (guardian.co.uk)

Vị cựu Tổng thống nhìn lại vai trò của mình trong tiến trình sụp đổ của Liên Xô cách đây 20 năm trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho The Guardian.

Gorbachev. Photo: Adrian Dennis/AFP/Getty Images

Các chính khách hiếm khi thừa nhận lỗi lầm của mình, nhưng Mikhail Sergeyevich Gorbachev thì luôn thuộc một đẳng cấp khác. Cho nên không có gì ngạc nhiên, khi ông nhìn lại quãng thời gian sáu năm đầy biến động của mình khi nắm quyền lực tối cao của Liên Xô, ông sẵn sàng nói đến những sai lầm ông đã phạm.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho 
The Guardian, ông đã nêu đích danh ít nhất năm sai lầm. Những sai lầm đó không chỉ dẫn đến sự suy sụp của bản thân ông cách đây 20 năm mà chúng còn mang lại sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và tạo nên một nền kinh tế tự do nhưng bất kiểm soát đã giúp một vài người Nga trở thành tỷ phú trong khi lại nhấn chìm hàng triệu người khác xuống hố nghèo khổ.

Ngày hôm nay Gorbachev đã thể hiện với một hình ảnh khoan thai, thậm chí tươi vui, nhưng vẫn thấy thấp thoáng những cơn quặn đau đắng cay, đặc biệt khi bàn đến Boris Yeltsin, đối thủ chính của ông, hoặc khi ông nói về những kẻ đã âm mưu đẩy ông vào tình trạng quản thúc tại gia ở Crimea trong cú đảo chính hụt 20 năm trước.

“Họ muốn khích bác để đẩy tôi vào cuộc đánh nhau và thậm chí vào cả cuộc đấu súng để có thể tiêu diệt tôi.” ông nói.

Khi được hỏi về những điều mà ông cảm thấy hối tiếc nhất, ông trả lời ngay không do dự: “Đó là việc tôi nấn ná quá lâu với nỗ lực cải tổ đảng Cộng sản.” Lẽ ra ông đã phải từ chức vào tháng Tư năm 1991, ông nói, và đứng ra thành lập một đảng dân chủ cải cách vì những người Cộng sản đã tạo ra những ngáng trở cho mọi thay đổi cần thiết.

Nhận định này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà sử học vì đây là lần đầu tiên Gorbachev thừa nhận công khai rằng ông cần phải từ bỏ đảng Cộng sản vài tháng trước cú đảo chính tháng Tám năm 1991. Trong hồi ký xuất bản năm 1995 Gorbachev chưa nói tới điều này.

Vào mùa xuân năm 1991, Gorbachev đã bị mắc kẹt giữa hai khuynh hướng quyền lực khiến ông rất khó xoay trở. Một bên là phe bảo thủ và những kẻ phản động trong đảng cứ cố lật ngược mọi chính sách của ông. Còn bên kia là những người tiến bộ muốn ông thiết lập một hệ thống chính trị đa đảng và đưa đất nước đi theo xu hướng cải cách thị trường.

Tình trạng trở nên cực điểm khi diễn ra một phiên họp của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản vào tháng Tư năm 1991. Trong phiên họp đó, một số người đã đòi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt trở lại chế độ kiểm duyệt. Theo hồi ký của ông thì Gorbachev đã phản ứng lại rất gay gắt: “Tôi đã mỵ dân quá đủ rồi. Tôi sẽ từ chức.”

Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian, ông giải thích tường tận thêm những gì đã xảy ra: “Bộ chính trị (cơ quan quyết định cao nhất trong ủy ban trung ương) đã triệu tập một phiên họp trong 3 giờ đồng hồ mà không có tôi. Sau đó tôi biết được là họ đã phê phán tôi nhưng cuộc thảo luận chẳng đi đến đâu. Ba giờ đồng hồ sau họ đến mời tôi trở lại và yêu cầu tôi rút lại quyết định từ chức. Trong suốt thời gian đó thì những người ủng hộ tôi trong ủy ban trung ương đã lập ra một danh sách và có hơn một trăm người ký tên đồng ý với việc thành lập một đảng mới.”

Khi ủy ban trung ương nhóm họp trở lại, những bức xúc đã lắng xuống và Gorbachev đã rút lại quyết định từ chức và cũng không có ai muốn đưa vấn đề này ra biểu quyết. Nhưng ngay cả khi Gorbachev từ chức khỏi đảng thì ông vẫn còn là tổng thống của Liên bang Xô Viết. Trong hồi kí ông viết: “Đến hôm nay tôi vẫn thường băn khoăn là phải chăng tôi cứ khăng khăng phải từ chức tổng bí thư cho bằng được. Một quyết định như thế rất có thể sẽ phù hợp hơn cho bản thân tôi. Nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy mình không có quyền “từ bỏ đảng”, ”Đảng đã cai trị nước Nga suốt từ năm 1917 và thật khó cho bất kỳ người dân nào sống ở Nga, đặc biệt là các quan chức đã có cả sự nghiệp như là một viên chức của Đảng, lại hình dung được cảnh Đảng từ bỏ quyền lực.”

Nhưng hôm nay, những hoài nghi, lo lắng này của Gorbachev không còn nữa. “Bây giờ thì tôi nghĩ là đáng ra tôi phải lợi dụng ngay cơ hội đó để thành lập một đảng mới và phải kiên quyết từ bỏ đảng Cộng sản bằng được. Đảng lúc đó đã trở thành sự kìm hãm tiến trình cải cách cho dù chính Đảng đã khởi xướng cải cách. Nhưng tất cả bọn họ đều nghĩ là cải cách chỉ cần ở bề ngoài thôi. Họ cho rằng cứ sơn phết cho đẹp ở phía ngoài là được, còn bên trong thì vẫn y nguyên sự hỗn độn, rối ren cũ kỹ.”

Điều hối tiếc thứ hai, ông nói, là ông đã không bắt tay cải tổ Liên Xô và trao thêm quyền lực cho 15 nước cộng hòa sớm hơn nữa. Vào lúc ông bắt đầu nghĩ đến việc hình thành một liên bang lỏng lẻo hơn khoảng đầu năm 1991, thì ba nước vùng Baltic đã tuyên bố độc lập rồi. Và máu đã đổ ở Lithuania và Azerbaijan trong vùng Caucasus. Dưới sự lãnh đạo đầy tham vọng của Boris Yeltsin, nước Nga – nước cộng hòa lớn nhất trong liên bang- cũng đã trở nên ghê gớm, đòi hỏi phải được kiểm soát nhiều hơn ngân sách của cả Liên bang Xô Viết. Một số phân tích gia hiện nay cho rằng toàn bộ hệ thống Xô Viết lúc đó là không thể cải tổ được và bất kỳ một sự thay đổi nào cũng đều sẽ dẫn đến một tiến trình chuyển đổi ngày càng sâu sắc hơn không thể ngăn cản được. Theo những phân tích như thế thì việc Gorbachev mất quyền lực là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng Gorbachev vẫn là người vui vẻ, phần vì do bản tính của Gorbachev là người rộng lượng, có nhân cách cao thượng và ông lại có một cuộc sống gia đình hạnh phúc (cho đến tận khi người vợ Raisa Maximovna của ông qua đời vì bệnh máu trắng năm 1999). Sự thua cuộc vẫn không khiến ông trở nên cay cú hay nghi kỵ. Ông cho rằng mọi vấn nạn chính của Liên bang Xô Viết vẫn còn trong khả năng giải quyết cho tới khi xảy ra cuộc đảo chính tháng Tám năm 1991 – biến cố đã xô đẩy các lực lượng đang cạnh tranh với nhau vào một động lực mới.

Thời điểm đó cũng là lúc đảng Cộng sản phải chuẩn bị đưa ra dự thảo một chương trình mới vào tháng 11 năm 1991. Quốc hội trước đó cũng đã thông qua một “kế hoạch chống khủng hoảng” để thúc đẩy các cải cách kinh tế. 12 nước cộng hòa Xô Viết còn lại sau khi ba nước Baltic tách khỏi cũng đã chấp nhận các điều khoản của một thỏa ước trao thêm quyền tự quyết về kinh tế và chính trị cho họ trong khi vẫn chấp nhận phó thác vấn đề quốc phòng và ngoại giao cho chính quyền liên bang.  Bản thỏa ước đó đã được dự trù sẽ ký kết vào ngày 20 tháng Tám.

“Tôi đã phạm sai lầm ở đây. Tôi đã đi nghỉ phép. Nếu không đi nghỉ 10 ngày có lẽ tôi đã hoàn tất…Tôi đã chuẩn bị bay đến Moscow để ký bản thỏa ước đó,” ông nói. Nhưng ngày 18 tháng Tám một nhóm người không mời đã đến. Tôi nhấc điện thoại để hỏi họ là ai và ai đã phái họ đến, nhưng không có tín hiệu gì. Điện thoại đã bị cắt.”

Lúc đó Gorbachev đang cùng với vợ và gia đình của cô con gái Irina nghỉ tại một biệt thự của chính phủ ở Foros bên bờ Biển Đen. Toàn khu nghỉ dưỡng đã bị bao vây canh gác suốt ba ngày cho tới khi cú đảo chính bị dập tắt bởi sự kháng cự của Yeltsin, sự chia rẽ trong quân đội và do những bất hòa nội bộ của nhóm âm mưu đảo chính gồm hơn chục người, đều là các bộ trưởng hoặc cán bộ cao cấp của Đảng.

Gorbachev mạnh mẽ bác bỏ các giả thuyết cho rằng ông đã bật đèn xanh cho đảo chính. “Người ta vẫn nói một cách sai lạc rằng Gorbachev vẫn giữ được liên lạc và tôi đã tổ chức tất cả những thứ đó. Họ bảo Gorbachev đã nghĩ rằng cuối cùng ông ta vẫn thắng bất chấp mọi chuyện xảy ra. Thật là kỳ cục, hoàn hoàn kỳ cục,” ông nói. “Những người (đảo chính) đó muốn soán vị lãnh đạo và muốn duy trì hệ thống cũ. Đó là cái họ muốn. Họ đòi tôi viết một bản thông báo từ nhiệm chức vụ tổng thống vì lý do sức khỏe.”

Raisa Maximovna đã ghi nhật ký suốt những ngày họ bị quản thúc. Trong nhật ký bà viết rằng Gorbachev cảnh cáo những cảnh vệ là ông sẽ sử dụng “những giải pháp cực đoan” nếu đường dây liên lạc với thế giới bên ngoài không được nối lại.

Đây chỉ là đòn gió, Gorbachev bảo tôi thế. “Đó là một phần trong kế sách của tôi…Tôi chỉ muốn gây áp lực với họ đồng thời cũng muốn tránh việc khiêu khích họ…Những giải pháp cực đoan của tôi chỉ là về ngoại giao và chính trị thôi. Lúc đó tôi có đủ khả năng qua mặt họ. Nhưng nếu không có những hành động của nhân dân trên Moscow thì chắc vị thế của tôi đã bị treo lơ lửng trên không rồi. Nhân dân ở Moscow lúc đó đã phản đối đảo chính. Họ đã được Yeltsin dẫn dắt và đó là lý do vì sao chúng ta phải công nhận và trao lại công lao xứng đáng cho Yeltsin. Ông ta đã hành động đúng.”

Là một trong những nhà báo của The Guardian có mặt tại Moscow suốt thời gian diễn ra đảo chính, tôi nhắc lại cho Gorbachev rằng lời kêu gọi tổng đình công của Yeltsin đã không được hưởng ứng và nhiều người Nga đã thất vọng và có cảm giác là cuộc đảo chính sẽ thành công. Thế hệ già hơn vẫn nhớ rõ những đồng chí cứng rắn đã dễ dàng truất ngôi Khrushchev như thế nào và sau đó đã đưa đến một thời kỳ giải trừ Stalin hóa cho đến khi kết thúc vào năm 1964. Tôi có hỏi Gorbachev điều gì có thể xảy ra nếu những người âm mưu đảo chính cho bắt giam cả Yeltsin lẫn Gorbachev ngay từ đầu. Liệu họ có thành công không?

Vị cựu lãnh đạo Xô Viết bảo rằng những câu hỏi giả định thì không có mấy giá trị. Tương quan lực lượng lúc đó đã ở tình trạng là cuộc đảo chính sẽ bị dập tắt bất kể những kẻ âm mưu đảo chính hành động như thế nào. Những người âm mưu đảo chính đã bị lúng túng khi gặp sự kháng cự và từ chối đề nghị từ nhiệm tổng thống của Gorbachev. Ông còn chỉ ra rằng các lực lượng đặc biệt đã trở nên bất tuân thượng cấp và nổi loạn khi bị ra lệnh tấn công Nhà Trắng (tòa nhà Xô Viết Tối cao - quốc hội của Nga. ND)-nơi Yeltsin đang được hàng ngàn người ủng hộ bao bọc.

Khi Gorbachev liệt kê những thành quả đạt được mà ông rất đỗi tự hào, ông bắt đầu bằng một từ: “Perestroika.”

Có nghĩa là tái cấu trúc, perestroika là một chương trình cải cách toàn bộ hệ thống kinh tế và chính trị mà Gorbachev đã cho khởi động không lâu sau khi ông lên nắm quyền vào tháng Ba năm 1985. Nhưng perestroika cũng liên quan đến tái cấu trúc quan hệ quốc tế dựa trên việc giải trừ vũ khí nguyên tử, từ bỏ chính sách can thiệp bằng vũ lực ở nước ngoài và sự thừa nhận các siêu cường cùng tồn tại trong một thế giới tương thuộc lẫn nhau. Không một quốc gia nào là ốc đảo hoặc có thể đơn phương hành động.
Chính chính sách không can thiệp mới của Xô Viết đã tạo điều kiện để các quốc gia Đông Âu có các thay đổi chế độ bằng các cách ôn hòa. “Những gì chúng tôi đã làm ở khuôn khổ trong nước và trên đấu trường quốc tế là vô cùng quan trọng. Nó đã đặt ra một lộ trình để kết thúc chiến tranh lạnh, đưa đến một trật tự mới cho thế giới và, dù còn nhiều điều chưa tốt, đã tạo ra một phong trào tiệm tiến thoát khỏi nhà nước toàn trị để hướng đến thể chế dân chủ.”

Nhưng Gorbachev vẫn chưa bao giờ thấy dễ chịu với chín năm cầm quyền của Yeltsin mà ông cho là thời kỳ hỗn loạn. Ông cũng không đồng ý với hiệp ước của Yeltsin với các lãnh đạo của Ukraine và Belarus nhằm tuyên bố khai tử Liên Xô vào tháng 12 năm 1991. Đáng ra ông đã phải loại Yeltsin ra khỏi cuộc chơi nhiều năm trước khi Yeltsin trở thành một đối thủ trực tiếp. “Có lẽ tôi đã đối xử với Yeltsin quá dân chủ và tự do. Lẽ ra tôi nên phái Yeltsin đi làm đại sứ ở Anh hoặc ở một cựu thuộc địa của Anh nào đó,” ông nói.

Ông khen ngợi Putin cho giai đoạn từ lúc bắt đầu vãn hồi ổn định cho đến khoảng năm 2006. Mặc dù Putin sử dụng một số biện pháp độc đoán, nhưng theo Gorbachev điều đó có thể chấp nhận được. “Nhưng rồi tới lúc tôi thấy ông ta thay đổi hệ thống bầu cử, hủy bỏ những cuộc bầu cử thống đốc các vùng thuộc Nga và bãi bỏ các khu vực bầu cử có một thành viên. Tôi đếm được 20 thay đổi mà tôi không ủng hộ,” ông nói.

Khi cuộc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ gần kết thúc, tôi hỏi ông cựu tổng thống Xô Viết về sự thay đổi ở Trung Quốc, quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới hiện nay. 

Gorbachev đã đánh giá bằng cách nhìn sâu vào lịch sử, ông chắc chắn rằng cải cách ở Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ông cho rằng mọi gợi ý cho rằng ông nên theo mô hình Trung Quốc, bắt đầu bằng cải cách kinh tế hơn là chính trị, đều là sai lầm.

“Tại Liên Xô sẽ chẳng có điều gì thay đổi nếu chúng tôi làm như thế. Nhân dân đã bị gạt ra một bên, họ bị cách li hoàn toàn khỏi bộ máy làm chính sách, ra quyết định cho đất nước. Đất nước chúng tôi đã ở một giai đoạn phát triển khác với Trung Quốc và đối với chúng tôi, để giải quyết các vấn nạn chúng tôi cần phải để nhân dân can dự, tham dự vào.”

“Bạn nghĩ là người Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với những lựa chọn hóc búa như thế sao? Sẽ đến lúc họ phải quyết định thay đổi chính trị và hiện nay họ đã tiến gần tới điểm đó rồi.” Gorbachev nói.

Tháng Ba vừa rồi, Gorbachev đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình tại London ở một dạ hội tại Sảnh đường Royal Albertky do Kevin Spacey và Sharon Stone đồng chủ trì. Một loạt các ca sỹ lừng danh đã đến trình diễn chúc mừng sinh nhật ông, trong đó có cả Shirley Bassey, Paul Anka, Melanie C cùng ban nhạc Rock Scorpion của Đức, là ban nhạc phương Tây thứ hai đã từng đến trình diễn ở Liên Xô trước đây.

Nhưng điểm nổi bật của lễ sinh nhật đó lại là màn trình diễn được chiếu trên màn ảnh rộng: Gorbachev đang hát một bản tình ca Nga. Khán giả ai nấy đều sững sờ trước chất giọng trong trẻo cũng như niềm đam mê trong tiếng hát của ông. Tôi nói với ông là tôi không biết ông hát hay đến như thế và có một cái tài ẩn như vậy.

Ông cười lớn và nói: “Nếu cần tôi sẽ trở thành một ca sỹ nhạc Pop,” “Raisa thích như vậy mỗi khi tôi cất tiếng hát.”○

Người dịch: Việt Hùng