Nguyễn Văn Bông
CHÂU MỸ LA TINH VÀ CHẾ
ĐỘ TỔNG THỐNG
Cơ cấu tổ chức chính quyền theo kiểu Hoa Kỳ đã
được áp dụng trong một số quốc gia ở Á Châu, Phi Châu, và nhất là đa số quốc
gia Châu Mỹ La-tinh. Không có một sự khác biệt đáng kể giữa Hiến pháp các quốc
gia này và Hiến pháp Hoa Kỳ. Thật vậy, các Hiến pháp Châu Mỹ La-tinh là:
- Những Hiến pháp theo
chế độ Tổng thống: cũng nguyên tắc phân
quyền, cũng một vị Tổng thống chỉ huy Hành pháp, do nhân dân bầu lên qua một
cuộc phổ thông đầu phiếu.
- Những Hiến pháp dân
chủ: ý chí của nhân dân
là căn nguyên của chính quyền và ý chí này được thể hiện qua những cuộc đầu
phiếu phổ thông.
- Những Hiến pháp Liên
bang: một phần lớn các
nước Châu Mỹ có cơ cấu Liên bang và lẽ tất nhiên Quốc hội là Quốc hội lưỡng
viện.
Đứng trên quan điểm hiến tính, chính thể Hoa
Kỳ và chính thể các nước Châu Mỹ La-tinh là hai giọt nước. Tuy nhiên trong cuộc
sinh hoạt chính trị thực tiễn, trong lúc nền dân chủ Hoa Kỳ được bảo đảm và
tiến triển thì tại Châu Mỹ La-tinh, thế quân bình giữa các quyền được thiết lập
mất hẳn, chế độ chính trị nghiêng về chế độ quyền uy, nếu không hoàn toàn độc
tài, chuyên chế. Tại sao? Hai hiện tượng chính trị có thể được xem là nguyên
nhân của sự áp dụng sai lạc Tổng thống Chế tại Châu Mỹ La-tinh: đó là ưu thế
quá mức của Tổng thống và vai trò chính trị của quân đội.
1. Sự ưu thế của Tổng
thống
Sự ưu thế của Tổng thống là đặc điểm của các
chế độ Châu Mỹ La-tinh. Chúng ta có thể nói rằng – danh từ chế độ Tổng thống,
hiểu một cách nông cạn – được áp dụng tại đây. Thật vậy, nguyên tắc phân quyền
với hai đặc tính của nó là một sự phân chia nhiệm vụ và một sự độc lập của các
cơ quan – nhường bước trước uy quyền của Tổng thống. Mặc dầu trên phương diện
pháp lí, Quốc hội vẫn có trọn quyền Lập pháp, trong thực tế, nếu không trở
thành một Hội đồng chỉ biết ghi nhận, Quốc hội cũng chịu ảnh hưởng khá lớn của
Tổng thống. Hiện tượng này được giải thích như sau:
a. Hầu hết các quốc gia Châu Mỹ La-tinh ở
trong tình trạng kinh tế chậm tiến, đa số cử tri thất học sử dụng bừa bãi lá
phiếu của mình, thường thường chú ý nhiều đến nhân vật hơn là đường lối hay
chính sách.
b. Hệ thống đảng phái không được chặt chẽ:
chính đảng hướng nhiều về uy tín của vị lãnh tụ hơn là chương trình cùng cơ cấu
tổ chức.
c. Các nhà cầm quyền được thay đổi bởi những
cuộc đảo chính, vì thế, khi mà sức mạnh được xem là phương tiện chiếm chính
quyền, thì tất nhiên vai trò của các cơ quan đại diện nhân dân mất hẳn ý nghĩa.
Thêm vào đấy, chúng ta có thể nói rằng phong
tục tại Châu Mỹ La-tinh là nghiêng về chính quyền cá nhân.
Để ngăn chặn một phần
nào uy tín của Tổng thống và đồng thời khuynh hướng độc tài, nhiều Hiến pháp áp
dụng nguyên tắc không cho phép Tổng thống tái ứng cử ngay sau khi mãn nhiệm kì.
Tuy nhiên nhiều nhà độc tài đã vi phạm và bãi bỏ nguyên tắc này, ví dụ: Perón ở
Á Căn Đình, Vargas ở Ba Tây; Diáz ở Mễ Tây Cơ.[1]
2. Vai trò
chính trị của quân đội
Quân đội đóng một vai trò quan trọng trong
cuộc sinh hoạt chính trị tại Châu Mỹ La-tinh. Thường thường chính quân đội nếu
không trực tiếp nắm chính quyền, cũng là hậu thuẫn hoặc là đoàn thể áp lực đối
với Tổng thống. Bởi thế, người ta thường gán cho các xứ này danh từ
pronunciamento (các quốc gia thường hay có đảo chính).
Thật vậy, đặc điểm của cuộc sinh hoạt chính
trị tại Châu Mỹ La-tinh là sự can thiệp của quân đội vào chính quyền. Tại sao?
Tại Châu Mỹ La-tinh, vì nguyên là thuộc địa
của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, quân đội thừa hưởng uy tín đặc biệt sẵn có của
chiến sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để tưởng nhớ những chiến công lịch sử giải
phóng lãnh thổ. Uy tín sẵn có này lại được tăng cường với những cuộc chiến
tranh giành độc lập. Tóm lại, tại Châu Mỹ La-tinh, truyền thống cũng như tập
quán chính trị dành cho quân nhân một địa vị ưu thế trên trường chính trị. Tuy
nhiên, vì can thiệp quá nhiều vào lĩnh vực chính trị và sử dụng quá đáng ưu thế
đó, quân đội đã biến đổi chế độ chính trị. Chế độ độc tài quân phiệt là một
thực tại ở nhiều nước. Cộng hòa Dominique với Trujillo, Cuba với Batista là
những trường hợp điển hình. Các nhà độc tài Nam Mỹ dựa trên quân đội và lực
lượng an ninh, cảnh sát để duy trì một sự khủng bố kinh hồn và hành sử chính
quyền một cách chuyên chế hầu bảo đảm quyền lợi của địa chủ và thực dân. Nói
như thế không có nghĩa là chỉ có chế độ chuyên chế ở Châu Mỹ La-tinh. Tại Á Căn
Đình, Ba Tây cuộc sinh hoạt chính trị còn đượm chút ít mầu sắc dân chủ với sự
hiện diện của chính đảng và tự do công cộng tương đối được bảo đảm.
Nhưng chúng ta có thể nói rằng, sau bức bình
phong Tổng thống Chế, thực sự các chế độ Châu Mỹ La-tinh, một phần lớn đã trở
thành chế độ độc tài hoặc quyền uy: phản ảnh một tình trạng chậm tiến của các
quốc gia ở lục địa này.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học.
In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.
[1] Á Căn Đình tức Argentina; Ba Tây:
Brazil; Mễ Tây Cơ: Mexico (p&c)