Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Cân bằng quyền lực giữa các bang của Mỹ (tiếp theo)


Hội nghị[1] tiếp tục bàn luận về đề xuất do Ủy ban Ưu tú đưa ra về cách thức đại diện của các bang trong cơ quan lập pháp quốc gia (quốc hội). Theo đó quốc hội gồm hai viện. Sự đại diện của các bang trong một viện dựa trên số dân. Theo đó mỗi bang sẽ có 01 đại diện cho mỗi 40.000 dân. Sự đại diện của các bang trong viện kia là như nhau cho tất cả các bang. Tranh cãi giữa các bang lớn và nhỏ về vấn đề này đã diễn ra suốt mấy tuần lễ.

Các bang nhỏ đã thực sự lo rằng họ sẽ mất quyền vào tay các bang lớn trong chính quyền trung ương. Các bang nhỏ nhiều lần đã đe dọa từ bỏ Hội nghị để phản đối đề xuất đó.

William Paterson của New Jersey, một bang nhỏ, đã phát biểu:”Một số quí vị đại biểu đã cho biết là nếu các bang nhỏ không đồng ý với kế hoạch đó thì các bang lớn sẽ tự thành lập một liên hiệp với nhau. Được, hãy để họ tự liên hiệp với nhau nếu họ muôn! Họ không thể cưỡng bức người khác làm việc đó.”
Benjamin Franklin của Pennsylvania, một người có tuổi và ốm yếu, đang ngồi yên lặng ghi chép cuộc tranh luận, bỗng hỏi mọi người có thể để ông phát biểu được không. Sau đó Franklin đã nhờ James Wilson, cũng đến từ Pennsylvania, đọc hộ ý kiến của ông: “Tại sao các bang nhỏ lại nghĩ rằng họ sẽ bị nuốt chửng nếu các bang lớn có nhiều đại diện hơn trong Quốc hội? Chả có lý do nào cho nỗi sợ đó cả. Các bang lớn sẽ chả có lợi gì nếu nuốt chửng các bang nhỏ. Họ biết điều đó. Và tôi cũng thế, tôi tin là họ sẽ không cố làm điều đó đâu.”

Các đại biểu mãi vẫn không thể nhất trí về vấn đề đại diện trong quốc hội. Sau đó họ chuyển qua các phần khác.

Về việc đặt tên cho hai viện của quốc hội. Các đại biểu đưa ra nhiều cái tên khác nhau. Nhưng phần lớn lúc đó chỉ gọi một cách đơn giản là “nghành thứ nhất” và “nghành thứ hai”. Mãi sau này hai viện mới được gọi là the House of Representatives (Hạ Viện) và the Senate (Thượng Viện).

Hai câu hỏi tiếp theo là: ai sẽ được bầu vào Hạ Viện và Thượng Viện? Và ai sẽ bầu ra họ?

Các đại biểu không mất nhiều thời gian để trả lời cho câu hỏi đầu. Tất cả đồng ý là thành viên của Hạ Viện sẽ phải có ít nhất 25 tuổi đời, phải là công dân Mỹ được 07 năm. Và vào lúc bầu cử, họ phải đang sống tại bang ứng cử.

Thành viên của Thượng Viện phải có ít nhất 30 tuổi đời, phải là công dân Mỹ được 09 năm. Và vào lúc bầu cử, họ phải đang sống tại bang ứng cử.

Nhiệm kỳ của những nhà lập pháp quốc gia (đại biểu quốc hội-ND) kéo dài bao lâu? Roger Sherman của Connecticut cho rằng thành viên của Hạ Viện nên bầu lại hàng năm. Elbridge Gerry của Massachusetts đồng ý với ý kiến này. Ông ta nghĩ rằng nhiệm kỳ dài hơn sẽ dẫn đến độc tài.

James Madison của Virginia phản đối: “Chỉ mỗi việc đi lại giữa các bang và chính quyền trung ương các nhà lập pháp sẽ phải mất gần 01 năm rồi!“ . Madison đề nghị nhiệm kỳ 03 năm. Cuối cùng các đại biểu đồng ý nhiệm kỳ là 02 năm.

Có nhiều ý kiến khác nhau về nhiệm kỳ của thượng nghị sỹ. Một vài đại biểu cho rằng thượng nghị sỹ nên có nhiệm kỳ hết đời. Cuối cùng Hội nghị đồng ý nhiệm kỳ 06 năm cho các thượng nghị sỹ.

Tiếp theo là câu hỏi về lương của các đại biểu quốc hội. Họ nên được nhận lương bao nhiêu? Hoặc họ có nên được trả lương không?

Một số đại biểu cho rằng các bang nên trả lương cho đại diện của họ trong quốc hội. Những người khác lại cho rằng quốc hội nên tự quyết định trả lương từ ngân quĩ quốc gia.

James Madison cho rằng ý kiến đó rất kỳ cục. Ông cho rằng số tiền lương phải do Hiến pháp qui định. Một lần nữa Madison lại thua cuộc. Cuối cùng Hiến pháp qui định rằng các nhà lập pháp sẽ được trả lương cho sự phục vụ của họ và số tiền này được lấy từ ngân quĩ quốc gia.

Vấn đề liên quan đến việc ai sẽ bầu ra các đại biểu quốc hội đã nêu ra một đề tài thú vị, liên quan đến thiết chế dân chủ. Vào năm 1787, từ “Dân chủ” chỉ những điều rất khác với nghĩa của nó của ngày hôm nay. Đối với nhiều đại biểu trong Hội nghị, “Dân chủ” có nghĩa là sự cai trị của đám dân chúng tầm thường, ít hiểu biết. Việc trao quyền lực cho dân chúng như thế sẽ là lời mời gọi cho tình trạng hỗn loạn.
Roger Sherman tuyên bố:”Dân chúng nên liên đới tới chính quyền càng ít càng tốt.” Còn Elbridge Gerry lại nói “Những tồi tệ mà chúng ta đang thấy đều xuất phát từ việc có quá nhiều dân chủ.”

Với những phát biểu như thế, mọi người có thể hiểu được tại sao các tranh luận thường rất gay gắt đối với các đề xuất để cho dân chúng bầu ra các đại biểu quốc hội.

Sherman, Gerry và những người khác muốn để cơ quan lập pháp các bang chọn ra đại biểu quốc hội.
George Mason của Virginia ủng hộ việc dân chúng tham gia bầu cử. “Người dân sẽ có đại diện của họ do đó họ sẽ phải là người chọn ra các đại diện đó.” James cũng đồng ý như thế:”Tôi muốn thấy quyền lực của chính phủ được đến ngay từ nguồn lực hợp pháp của sức mạnh đó, sức mạnh của nhân dân.”
James Madison khẳng định chắc chắn là người dân phải là người bầu ra ít nhất một viện của quốc hội. Theo ông, đó là điều kiện cơ bản để có một chính quyền tự do. Đa số trong Hội nghị đều đồng ý với Mason, WilsonMadison. Cuối cùng các đại biểu đồng ý các thành viên của Hạ Viện sẽ do dân bầu trực tiếp.

Hội nghị tiếp tục xem xét cách thức chọn ra các thượng nghị sỹ. Có 04 ý kiến được nêu ra. Do Hạ Viện, do tổng thống, do cơ quan lập pháp tại các bang hoặc do chính dân bầu. Các tranh luận đồng ý và phản đối đều giống như trong việc định ra cách lựa chọn các hạ nghị sỹ.

Cuối cùng, đa số các đại biểu đã đồng ý để cơ quan lập pháp tại các bang bầu ra các thượng nghị sỹ trong quốc hội. Điều này cũng được ghi vào Hiến pháp và cách thức bầu này đã được duy trì trong hơn 100 năm. Tới năm 1913, các bang đã thông qua Tu chính thứ 17 của Hiến pháp, cho phép dân bầu trực tiếp các thượng nghị sỹ.

Sau cùng là lúc Hội nghị phải đối mặt với vấn đề đại diện trong Hạ Viện và Thượng Viện. Các bang lớn thì muốn đại diện dựa trên số dân còn các bang nhỏ lại muốn đại diện bình đẳng như nhau.

Các đại biểu đã bỏ phiếu rất nhiều lần cho vấn đề này ngay từ khi Hội nghị bắt đầu. Nhưng cả hai quan điểm đều không thay đổi. Đến lúc này họ biết rằng không thể tiếp tục để bỏ phiếu mãi được.

Ngày 05 tháng Bảy, Ủy ban Ưu tú đã trình ra một thỏa hiệp gồm hai phần dựa trên ý tưởng của Roger Sherman. Thỏa hiệp mang lại lợi ích cho cả bang lớn và bang nhỏ. Thỏa hiệp đưa ra đề nghị đại diện trong Hạ Viện dựa trên số dân còn đại diện trong Thượng Viện thì bình đẳng như nhau.

Ủy ban đề nghị cả hai phần của thỏa hiệp buộc phải được cùng đồng ý hoặc cùng bị bác bỏ. Ngày 16 tháng Bảy, Hội nghị đã tổ chức bỏ phiếu lần cuối cùng. Và thỏa hiệp đã được thông qua, với tên gọi Đại Thỏa hiệp[2].

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 05/2009
(Nguồn: program #22 of THE MAKING OF A NATION


[1] Hội nghị lập Hiến của Mỹ diễn ra từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787 tại Philadelphia. Hội nghị bàn nhiều vấn đề về xây dựng một mô hình mới cho chính quyền liên bang Mỹ sau 11 năm tuyên bố Độc lập khỏi sự đô hộ của Anh quốc (ND).
[2] Hạ Viện hiện nay gồm 435 thành viên (hạ nghị sỹ) với nhiệm kỳ 02 năm. Thượng Viện hiện có 100 thành viên (Thượng nghị sỹ, chia đều cho 50 bang), nhiệm kỳ 06 năm, nhưng cứ 02 năm có 1/3 số Thượng nghị sỹ được bầu lại.(ND)

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

Bauxite đang thử thách lãnh đạo


Có thể những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có những lý do riêng không dễ thổ lộ với dân chúng khi phải đồng ý cho đối tác Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác Bauxite. Nhưng sự đồng ý đó đang ngày càng chứng tỏ là một sai lầm lớn.

Chưa bao giờ một dự án đã được lãnh đạo chính phủ tuyên bố là một «chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước » như dự án khai thác Bauxite tại Tây nguyên lại vấp phải sự bức xúc và phản đối ngày càng gia tăng từ nhiều tầng lớp dân chúng, đặc biệt là giới trí thức, các cụ lão thành cộng sản và đồng bào Công giáo. Tuyệt đại đa số các trí thức, chuyên gia quân sự, an ninh và giới chuyên môn đã lên tiếng đều chứng minh và ủng hộ cho việc cần phải dừng dự án khai thác Bauxite đang triển khai tại Tây Nguyên.

Lịch sử đất nước rất nhiều lần phải ngậm ngùi nhìn chân lý thuộc về thiểu số cô đơn. Nhưng trong vấn đề Bauxite hiện nay, chân lý đang thuộc về đa số. Chỉ với trí tuệ đại chúng cũng có thể thấy quyết định cho khai thác Bauxite tại Tây nguyên hiện nay là hết sức mạo hiểm. Nếu Tây nguyên đã được ví là «nóc nhà » của Đông Dương (với ý nghĩa che chở và kiểm soát) thì các hồ chứa bùn đỏ độc tính, sẽ có trong nay mai trên Tây nguyên khi công nghệ «ướt» khai thác Bauxite được triển khai, có thể được ví như những quả «bom nguyên tử». Người bình thường không bao giờ làm tổn hại đến nóc nhà của mình và đặt lên đó những quả bom nguyên tử ghê rợn. Người bình thường càng không thể để những kẻ đang lấn chiếm đất đai của mình vào bám trụ trên nóc nhà mình.

Có thể có những người vì lợi ích cá nhân hoặc cục bộ vẫn đang ủng hộ việc triển khai các dự án Bauxite Tây nguyên. Nhưng những người giữ cương vị lãnh đạo quốc gia (Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay), khó có thể không nhận thấy việc khai thác Bauxite Tây nguyên hiện nay sẽ gây hại nhiều hơn lợi cho đất nước, trong đó có cả những đại họa cho sinh mệnh của cả dân tộc. Không có lãnh đạo quốc gia nào có thể yên tâm khi người ngoại bang thiếu thành thực và đầy ác ý đặt được các cơ sở kiên cố tại các địa thế quốc gia chiến lược.

Có thể có lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã quên mất những cảnh báo của lớp cha anh về nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc[1]. Nhưng các sự kiện ngư dân Việt Nam bị xua đuổi và bị bắn chết ngay tại biển nhà, nhiều hợp tác dầu khí tại biển Đông bị tan vỡ, lãnh thổ, hải đảo của Tổ Quốc vẫn đang bị người Trung Quốc chiếm giữ và xâm lấn thì không ai là người Việt Nam còn sống có thể quên được. Dưới góc độ lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân có thể hiểu được lý do trong việc chính quyền hạn chế sự hiện diện của người Mỹ trên Tây Nguyên. Nhưng dưới góc độ lợi ích dân tộc, không ai có thể tìm được lý do chính đáng để biện minh cho việc chính quyền buông lỏng để người Trung Quốc tràn vào Tây Nguyên. Như thế, rất có thể những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải chịu một áp lực không nhỏ từ bên ngoài khi thông báo dự án khai thác Bauxite Tây nguyên (có sự tham gia của Trung Quốc) đã là một « chủ trương lớn » « nhất quán » ngay từ Đại hội IX. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ để cho dân biết «chủ trương lớn» đó sau khi đã được triển khai và sau gần 2 nhiệm kỳ của Đảng cũng thể hiện phần nào sự đắn đo, lo ngại dư luận của những người ra quyết định.

Người dân thường khó có thể hiểu hết những rắc rối, áp lực đang đè lên những người đang nắm giữ quyền lực quốc gia. Nhưng người dân, với hướng đạo của giới trí thức, có thể làm điểm tựa chắc chắn cho lãnh đạo quốc gia giữ vững được ý chí độc lập, tinh thần ái quốc trước mọi áp lực đến từ bên ngoài. Việc Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng Tư mới đây ra kết luận theo xu hướng gần lại với lợi ích dân tộc sau khi một loạt các trí thức danh tiếng đồng ký tên vào một Kiến nghị Bauxite là một ví dụ minh họa tích cực. Chắc chắn áp lực từ bên ngoài sẽ gia tăng lên các lãnh đạo quốc gia Việt Nam và những nhân tố đối kháng tại bên trong cũng sẽ trỗi dậy để thúc dự án Bauxite phải tiếp tục đi theo «chủ trương lớn». Nhưng điều rõ ràng là ngay phía sau Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện một sức mạnh tổng hợp sẵn sàng hậu thuẫn cho người lãnh đạo có quyết định sáng suốt. Truyền thống nhân văn lâu đời «người trong một nước phải thương nhau cùng » của người Việt chắc sẽ càng làm cho mọi người dân thấu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mệnh những lãnh đạo quốc gia ái quốc vào lúc nguy cấp của dân tộc.

Vì vậy Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước một thử thách lịch sử. Thời gian tới, dù Bộ Chính trị sẽ đi đến quyết định như thế nào về dự án Bauxite Tây nguyên, cho dừng hay cho tiếp tục, và bằng cách nào, tự ra quyết định hay thông qua Quốc hội, dự án Bauxite Tây nguyên cũng sẽ là một phép thử cho thấy lãnh đạo nào của Đảng Cộng sản Việt Nam còn đứng với Tổ Quốc và đại biểu nào trong Quốc hội Việt Nam còn đứng về nhân dân. Ủng hộ chân lý, bảo vệ Tổ Quốc không bao giờ là việc quá muộn.

Phạm Hồng Sơn
30/04/2009


[1] - “…Nhưng trong thực tế, thái độ của phía Trung Quốc lại trái ngược hẳn. Thi hành chính sách bành trướng đại dân tộc và học đòi thái độ hống hách đè nén các dân tộc, các nước láng giềng của các triều đại phong kiến trước đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh trong nhiều năm nay đã gây ra bao nhiêu vụ khiêu khích biên giới, lấn chiếm đất đai của Việt Nam, phá hoại các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1974 và năm 1977-1978…”, Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, tr.03, Nxb Sự Thật, Hà nội, 1979.
- «...Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc. », Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, tr.03, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979.