Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Xuất bản sách: nhu cầu và trách nhiệm của tác giả



Một nhu cầu chính đáng

Muốn có một Thân phận Xã hội (Social Status) tốt đẹp cho sự hiện diện ngắn ngủi trên trái đất là một nhu cầu tự nhiên của con người. Dù là vô thức hay có ý thức, từ những hình thức sơ khai như vết khắc trên vách đá cho đến việc cầu kỳ như cắm cờ trên mặt trăng, các biểu tượng tạo nên đều thể hiện một nhu cầu khẳng định Social Status của cá nhân, cộng đồng hay quốc gia.

Hàng thế kỷ trở lại đây, chưa thấy có phương tiện nào vượt được qua sức hấp dẫn và tính phổ biến của phương cách in sách để khẳng định Social Status của cá nhân, bên cạnh nhiều ý nghĩa khác của việc xuất bản sách. Không chỉ thường dân mới hân hoan khi thấy tên mình được xuất hiện trang trọng trong các ấn phẩm. Từ trước tới nay, các nhân vật lịch sử (vĩ nhân hay đại ác nhân), gần như tất cả, đều cùng có một điểm đến là viết và xuất bản sách. Có lẽ dù công nghệ xuất bản có thay đổi đến đâu, những ấn phẩm sách bằng chất liệu giấy sẽ vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong việc ghi nhận và khẳng định Social Status của con người.

Do đó việc một tác phẩm viết đã được xuất bản dưới các dạng khác sách giấy (e-book, online, qua báo chí hay photocopy), tác giả vẫn có ước mong xuất bản tác phẩm dưới dạng sách giấy truyền thống là điều đương nhiên. Ngoài mục đích mở rộng “phổ” độc giả, tác giả của công trình viết còn muốn củng cố, tôn tạo thêm Social Status cho tác phẩm và cho bản thân. Đây là một nhu cầu chính đáng.
Một quan niệm sai lầm

Tuy nhiên việc chấp nhận việc “biên tập” đến mức làm thay đổi, làm mất những giá trị về học thuật, tư tưởng (xin gọi kiểu “biên tập” này là “biên tập phá hoại”) để cho tác phẩm được xuất bản là một sai lầm.

Có thể những tác giả đã chấp nhận việc “biên tập phá hoại” chỉ đơn giản nghĩ là chấp nhận để tác phẩm của mình được xuất bản (do sự câu thúc của nhu cầu tự thân củng cố Social Status) hoặc tự an ủi theo kiểu dù sao những nội dung khác (được giữ nguyên) vẫn đến được với nhiều độc giả hơn. Nhưng nếu nhìn kỹ, việc nghĩ đơn giản và kiểu tự an ủi này chỉ mang lại thiệt hại cho Social Status của tác giả. Vì Social Status của một tác giả chỉ phụ thuộc vào nội dung của tác phẩm.

Dĩ nhiên, một nội dung tốt được truyền bá bằng một hình thức (xuất bản) tốt là điều lý tưởng. Nhưng ngay thực tế ngặt nghèo về tự do tư tưởng như tại Việt Nam cũng cho thấy, nhiều tác phẩm không được phép xuất bản (thậm chí bị công an săn đuổi) vẫn đến được với công chúng, với số lượng độc giả chắc chắn lớn hơn rất nhiều con số 1.000 (một nghìn, số bản in trung bình của một tựa sách hiện nay). Và rất nhiều tác giả được dư luận kính trọng nhất hiện nay là những tác giả có những tác phẩm (đã) không được phép xuất bản. Các quốc gia đã qua thời cộng sản hay độc tài cũng cho thấy các tác giả đã bị hệ thống xuất bản cấp phép ghẻ lạnh là những người rất được kính trọng. Điều này cho thấy việc xuất bản bằng con đường có phép ở Việt Nam hiện tại không phải là cách thức quan trọng để phổ biến tác phẩm hay để củng cố cho Social Status của tác giả. Hình như nhiều tác giả Việt Nam đã quên mất, từ khởi nguồn, chính tác giả là người đã “đẻ” ra xuất bản và một nhà xuất bản đáng trân trọng phải là nhà xuất bản biết trân trọng, chắp thêm cánh cho tư tưởng của tác giả.

Nếu nhìn dưới góc độ rộng hơn. Mỗi một tác phẩm viết đều mang ít nhiều chức phận “khai dân trí”, việc chấp nhận lối “biên tập phá hoại” không khác gì chấp nhận mang đến cho dân chúng những sản phẩm què cụt, dị dạng (về tư tưởng, học thuật). Mỗi một tác phẩm chấp nhận việc “biên tập phá hoại” đã tự mang trong nó một ý đồ “ngu dân”, dù điều này có thể nằm ngoài ý thức của tác giả và người biên tập. Một tác phẩm làm “ngu dân” thì Social Status của tác giả không thể tăng thêm giá trị.

Có thể nhiều tác giả, đã chấp nhận việc “biên tập phá hoại”, cũng nhận thấy sự vụt qua rất nhanh của cảm giác lâng lâng khi nắm chặt vào lòng cuốn sách đầy đặn, đẹp đẽ, nhưng bên trong đã không còn lành lặn. Song, với một xã hội vẫn ngập tràn những hoạt động thiên về sự hào nhoáng, gấp gáp thì việc dứt khỏi cám dỗ “ta có (thêm) sách được in” (1) không phải là việc một sớm, một chiều.
Biên tập viên và trách nhiệm của tác giả

Không cần tìm hiểu sâu xa cũng có thể khẳng định, người làm nghề biên tập trong các nhà xuất bản của Việt Nam hiện nay (dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam) thuộc hệ thống phục vụ cho công tác tuyên truyền, bảo vệ tư tưởng chính trị độc quyền cho ĐCS Việt nam. Như vậy, một nhiệm vụ quan trọng được giao cho biên tập viên là phải loại bỏ, phá đi những tư tưởng, những điều bất lợi cho sự độc quyền chính trị của Đảng CS Việt nam. Đương nhiên vẫn có ngoại lệ không thực thi nhiệm vụ đó, có thể do sai sót về kỹ thuật (nghĩ rằng không ảnh hưởng đến độc quyền chính trị) hoặc do sự táo bạo của người biên tập (muốn nâng đỡ tư tưởng cho người viết và công chúng). Nhưng các ngoại lệ đó, từ trước tới nay, đều bị xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, chưa hẳn người biên tập đã cảm thấy thoải mái khi phải thực hiện nhiệm vụ “biên tập phá hoại”. Nhưng nếu tác giả dễ dàng chấp nhận việc “biên tập phá hoại”, khi đó người biên tập sẽ dễ có cảm giác hữu ích khi thực hiện sự “phá hoại”. Và mặc cảm tội lỗi (nếu có) sẽ nhanh chóng được thay thế bằng sự tận hưởng cảm giác “hoàn thành công việc” và “chiến thắng đối thủ”. Đây chính là một trong các nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa. Vô hình chung tác giả (chấp nhận “biên tập phá hoại”) đã tiếp tay cho việc hình thành và duy trì phản xạ “biên tập phá hoại” của giới biên tập.

Dĩ nhiên việc xác định thế nào là “biên tập phá hoại” không phải luôn đơn giản và bất biến. Việc xác định hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, hiểu biết và đạo đức của tác giả và biên tập viên. Và phán xét cuối cùng thuộc về công luận, cùng với thời gian.

Một cách công bằng, không phải mọi sách xuất bản theo con đường có phép hiện nay đều là dở. Nhưng các ấn phẩm “ngu dân” hiện vẫn tràn ngập xã hội và những người dám dấn thân chống lại lối “biên tập phá hoại” vẫn còn quá ít. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều bức xúc, phẫn nộ trước các tác giả chấp nhận lối “biên tập phá hoại” để được xuất bản có phép. Khi tư tưởng vẫn còn là đối tượng quản lý chặt chẽ của người cầm quyền thì việc công luận bày tỏ sự bất bình trước sự lùi bước của các tác giả là một phản ứng tích cực và đáng lắng nghe.

Một cách công bằng nữa, không thể đánh giá công cuộc giành lại quyền xuất bản tự do bằng một lối nhìn cứng ngắc. Nhưng những tác giả đang giữ quan điểm cứng ngắc (2), không chịu chấp nhận mọi cắt xén tác phẩm cũng đang giữ một vai trò như ngọn hải đăng trong đêm cho các con tàu đang lênh đênh trên biển.

Hy vọng những va chạm, tranh luận, phê phán dù gay gắt sẽ hướng đến các cách thức xuất bản tôn trọng tư tưởng của tác giả. Vì, trong sâu thẳm, chắc không có tác giả nào lại muốn đứa con tinh thần của mình bị người khác thô bạo sửa đổi. Và người có trách nhiệm bảo vệ trước tiên, không ai khác, phải là tác giả - cha của đứa con tinh thần.

Phạm Hồng Sơn
15/12/2009

(1) Câu này ở bản đăng trên Talawas viết là " miễn là có sách được in".
(2) Talawas khi đăng đã chuyển 2 chữ "cứng ngắc" thành "cứng nhắc".

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Cách ly xã hội và tường lửa (firewall)

Theo xã hội học, cách ly xã hội (social isolation) là tình trạng một cá thể không được tiếp xúc hay giao tiếp với các cá thể khác của cùng một loài. Cách ly xã hội là một chủ đề nghiên cứu của các nhà xã hội học nhằm chứng minh tầm quan trọng của xã hội hóa (socialization) (1) trong quá trình phát triển của con người (human development). Cách ly xã hội thường được nghiên cứu thông qua những thực nghiệm trên động vật linh trưởng (không thuộc giống người) và các trường hợp con người đã bị cách ly khỏi xã hội. Các sách giáo khoa về xã hội học thường trích dẫn hai điển cứu về cách ly xã hội được tìm thấy như sau :

1. Anna là một cô gái được sinh ra ngoài ý muốn từ một phụ nữ có bệnh lý về tinh thần, vào năm 1932. Cô bị nuôi nhốt trong một buồng kho trên tầng mái của nhà người ông ngoại. Anna chỉ được quan tâm sao cho không bị chết, ngoài ra không được chăm sóc gì khác. Nhà xã hội học Kingsley Davis (1940) đã mô tả tình trạng của Anna khi cô được phát hiện vào năm 1938, khi đã lên 6 tuổi : Anna không hề có dấu hiệu của ngôn ngữ và tuyệt đối không có khả năng đi lại, không có cảm nhận về điệu bộ, không có một chút khả năng tự ăn ngay cả khi thức ăn để ở trước mặt, không hiểu gì về sạch bẩn. Cô ta có vẻ ngoài thờ ơ đến mức là rất khó có thể biết là cô ta có khả năng nghe ta nói hay không. Và đó là tất cả biểu hiện của một người đã được gần 6 tuổi.

Khi Anna được đưa tới chăm sóc ở một trường học đặc biệt, Anna đã dần học được cách đi lại, nói và tự quan tâm đến bản thân. Anna đã học được cách định hướng, nói với những câu ngắn, rửa tay, đánh răng và giúp đỡ bạn, nhưng đã chết vào lúc 10 tuổi, (Davis, 1940)

2. Genie, một cô gái được tìm thấy vào năm 1970 khi đã 13 tuổi. Genie bị khóa chặt ở trong buồng ngủ một mình và cứ định kỳ lại bị buộc chặt vào chiếc ghế bô (để đi đại, tiểu tiện) hoặc buộc vào một túi ngủ. Tình trạng này kéo dài suốt từ khi Genie được 20 tháng tuổi cho đến khi được phát hiện (13 tuổi). Genie chỉ được cho ăn bằng thức ăn của trẻ sơ sinh và luôn bị đánh bằng một mái chèo gỗ khi khóc. Genie không hề được nghe tiếng người vì không ai nói gì với cô và trong phòng cũng không có TV hay radio (Curtis, 1977 ; Pines, 1981). Genie sau đó đã được đưa vào một bệnh viện nhi khoa và được một nhà tâm lý học mô tả lại như sau : Vào lúc nhập viện, Genie gần như không có biểu hiện gì về mặt con người (trừ hình dạng). Cô không thể đứng được thẳng, miệng chảy rãi liên tục, không biết đi vệ sinh (như người bình thường), không có khả năng kiểm soát việc tiểu tiện hay đại tiện. Genie không thể ăn được thức ăn rắn và có chiều cao, cân nặng và hình dạng như một đứa trẻ chỉ bằng nửa tuổi của cô. Nếu đưa một đồ vật cho Genie, cô sẽ giơ tay chạm vào nó, cầm lấy nó và dùng ngón tay sờ soạng như không nhìn thấy đồ vật. Cô ta cọ nó vào má để cảm nhận nó. Khi tôi đến bên giường cô, và giơ tay về phía cô, cô cũng đón lấy và thận trọng sờ từng ngón tay tôi rồi cũng đưa lên cọ vào má cô. Genie có biểu hiện như một trẻ mù (Rymer, 1993 : 45).

Các biện pháp chăm sóc đặc biệt đã được áp dụng cho Genie nhằm xã hội hóa và phát triển khả năng ngôn ngữ cho cô. Tuy nhiên, các kết quả đạt được chỉ ở mức hạn chế và đến những năm 1990, Genie vẫn phải sống trong môi trường chăm sóc đặc biệt.(2) (hết trích)

Mặc dù hai trường hợp cách ly xã hội được ghi nhận trên đây có tính chất điển hình (bị cách ly xã hội gần như tuyệt đối) và có thể nói rằng không thể trở thành phổ biến trong xã hội (con người). Tuy nhiên, hai điển cứu đã cho thấy các mức độ cách ly xã hội tuyệt đối hoặc tương đối đều gây ra những thiếu hụt và cả những tàn phá rất khó hồi phục đối với sự phát triển của con người. Nói theo ngôn ngữ dân dã, hạn chế việc giao tiếp với xã hội có thể biến một con người tài năng thành một con người « ngớ ngẩn », hết sức thương tâm.

Trong quá trình xã hội hóa, con người có thể gặp phải những chuyện không như ý muốn hoặc thậm chí bị lừa gạt hay đầu độc. Nhưng về luật pháp cũng như đạo đức, không ai có quyền « cách ly xã hội » người khác, kể cả là tạm thời.(3) Chưa kể, sự trưởng thành đích thực của con người, ngoài việc được bồi đắp qua những giao tiếp tích cực, cũng cần phải biết cả những trải nghiệm tiêu cực hay kinh nghiệm xấu xa của xã hội. Các thực nghiệm « cách ly xã hội » cũng bị đạo đức nghề nghiệp và luật pháp nghiêm cấm thực hiện trên con người.

Qui mô và chiều sâu tương tác của con người với xã hội trên thế giới luôn được mở rộng và sâu sắc thêm, đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia là hiện tượng có thể nhìn thấy trong thời đại ngày nay. Sự phát triển kinh ngạc của các phương tiện truyền thông qua Internet chính là thể hiện cho khát khao của con người muốn phá bỏ mọi « cách ly xã hội » để có thể phát triển bản thân một cách hoàn thiện hơn và hiệu quả hơn.

Cho dù một xã hội, một dân tộc không thể qui đơn giản như một cá nhân. Nhưng, nếu hình dung một xã hội, một dân tộc như một con người, chúng ta có thể cảm nhận được sự tai hại thương tâm khi cả xã hội đó hay dân tộc đó bị « cách ly xã hội » với xã hội nhân loại rộng lớn.

Trên thực tế, không một nhà độc tài nào có thể « cách ly xã hội » từng người dân vào một căn phòng riêng biệt. Và xã hội hóa không chỉ thực hiện qua những tương tác bằng những phương tiện hiện đại trên Internet. Nhưng, khi một dân tộc bị những bức tường lửa (firewall) ngăn cách với các phương tiện xã hội hóa tiện lợi như facebook, twitter v.v, hoặc ngăn cách với kho tàng trí tuệ nhân loại trên Internet thì có thể nói cả dân tộc đó đang ở trong tình trạng bị « cách ly xã hội ».

Một dân tộc đã bị « cách ly xã hội » thì chắc chắn không thể nào phát triển được bình thường, không thể có khả năng « sống » một cách bình thường với xã hội nhân loại. Một dân tộc đã không thể phát triển được bình thường thì những mục tiêu cao đẹp như « dân giàu, nước mạnh » hay « sánh vai với các cường quốc năm châu » chỉ là sự tự huyễn hoặc hay dối trá, không hơn !

Kết tội không phải là mục đích của các nhà xã hội học, do đó trong hai điển cứu kể trên, thủ phạm hầu như không được nhắc tới. Tuy nhiên, việc « cách ly xã hội » đối với con người, đã được tất cả thừa nhận, là một tội ác.

Phạm Hồng Sơn
27/11/2009


(1) Khái niệm “xã hội hóa” ở đây khác với “xã hội hóa” được định nghĩa trong một số từ điển tiếng Việt xuất bản ở trong nước (Từ điển tiếng Việt 1994 của NXB Khoa học Xã hội và Trung tâm Từ điển học và Từ điển tiếng Việt của NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học 2009 đều ghi là “làm cho trở thành của chung của xã hội”) hoặc theo nghĩa đang được dùng phổ biến trên các phương tiện đại chúng của Việt nam hiện nay (có ý nói đến việc huy động thêm sự đóng góp, tham gia của khu vực tư nhân vào các công việc từ trước chỉ do nhà nước đảm nhiệm, ví dụ: Xã hội hóa trường học, xã hội hóa y tế,…). Trong xã hội học, “Xã hội hóa” (socialization) có nhiều định nghĩa với những khác biệt ít nhiều. Xin giới thiệu hai định nghĩa sau: 1. “Là quá trình tương tác suốt đời của một cá nhân với xã hội, thông qua đó, cá nhân tạo được bản sắc riêng của mình và thu được các kỹ năng về xã hội, về hoạt động thể chất và tinh thần cần cho sự tồn tại trong xã hội.” (Diana Kendall, ”Sociology in our times, The Essentials”, 4th Edition 2004, Baylor University, Thomson-Wadsworth. Trang 77) 2. “Xã hội hóa là quá tình tương tác giữa người này với người khác, kết quả là một sự chấp nhận những khuôn mẫu hành động và sự thích nghi với những khuôn mẫu” (Fitcher, trong Xã hội học đại cương do Vũ Quang Hà, Nguyễn Thị Hồng Xoan biên soạn, NXB Đại học quốc gia Hà nội, 2003, trang 131)
(2) Diana Kendall, ”Sociology in our times, The Essentials”, 4th Edition 2004, Baylor University, Thomson-Wadsworth. Trang 80, 81. (trường hợp cách ly xã hội thứ hai được dẫn ở đây có một sự trùng hợp rất trớ trêu là cô gái Genie có cái tên gợi đến một từ tiếng Pháp “Génie” có nghĩa là tài năng thiên bẩm, người thiên tài. PHS)
(3) Đối với các án phạt tù dành cho tội phạm, luật pháp cũng chỉ cho phép hạn chế các giao tiếp xã hội ở một mức độ nhất định và không áp dụng đối với người chưa thành niên (chưa trải qua quá trình xã hội hóa, được hiểu là đủ để đạt được những hiểu biết, kỹ năng cơ bản của con người xã hội). Đối với án phạt tử hình: xu thế của thế giới hiện nay là tiến tới bãi bỏ loại trừng phạt này.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Ủng hộ bà Ba Sương

Theo tinh thần trọng pháp của Hàn Phi cách đây hơn hai ngàn năm “Pháp luật bất vị thân” (“Pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không thể tránh.) hay theo tinh thần Nhà nước Pháp quyền hiện đại “Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng” thì việc phản đối bản án phúc thẩm 08 năm tù giam và buộc bồi hoàn hơn hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương (cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu) bằng những lý do như có nhân thân tốt (có cha và bản thân đều được phong danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều công lao khác) hoặc có hơn 100 người đã ký đơn “xin ở tù thay” đều không thuyết phục.

Trong một xã hội tôn trọng pháp luật thực sự, thì việc đưa ra những yếu tố tình cảm hay công trạng để biện minh cho sự vô tội không chỉ không cần thiết mà còn có thể làm cho những “thẩm phán” nghiêm minh càng nghiêm khắc hơn.

Nếu bản thân bà Ba Sương và những người ủng hộ bà có niềm xác tín vào những việc mình làm là thuộc về lẽ phải thì bà và những người ủng hộ cần hết sức tự tin, sáng suốt và lạc quan để bảo vệ lẽ phải bằng các công cụ pháp lý với những chứng cứ và lập luận thuyết phục.

Khi lâm vòng lao lý mà vẫn có được sự bảo vệ, chia sẻ công khai từ những người đã từng là cấp dưới, hay nhận được cả sự lên tiếng ủng hộ của cựu Phó Chủ tịch nước như bà Ba Sương thực sự là một hiện tượng hiếm có trong xã hội thời nay và là một lợi thế tinh thần quí giá cho người đang bị cáo buộc. Tuy nhiên, nếu tin rằng một người có danh vị như bà Ba Sương đã bị kết tội bất công, thì lỗi “gốc” không nằm ở các thủ tục tố tụng hay chỉ là vấn đề “quá bất công cho cô ấy”. Nếu không truy được lỗi “gốc” hay chỉ coi đó là trường hợp cá biệt thì xã hội vẫn còn có nhiều bà “Ba Sương” nữa. Hoặc nếu mong cầu sự rủ lòng thương của những kẻ cố tình bách hại thì có thể chỉ nhận được thêm sự khinh thường.

Dĩ nhiên, trong một xã hội mà pháp luật vẫn chỉ là công cụ cho những toan tính của những người có quyền thì việc tranh biện pháp lý cần phải thừa nhận là vô vọng. Nhưng không vô nghĩa. Bởi, bảo vệ lẽ phải luôn cần sự tự tin, đàng hoàng và cả sự chấp nhận thách thức. Trong một xã hội đầy bất công, sự vững vàng, bất khuất của những người đã có danh vị xã hội trong việc bảo vệ lẽ phải lại càng giá trị. Đối với người yêu mến lẽ phải, lao lý không phải là sự thua thiệt.

Phạm Hồng Sơn
22/11/2009

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Hà nội Băm sáu


Tối qua cả nhà lại làm chuyến đi bộ lang thang quanh khu phố cổ. Dọc Hàng Mắm, Hàng Bạc rẽ sang Hàng Đào, vòng lại Hàng Buồm, Hàng Giầy, Mã Mây, Hàng Bạc. Nhiều điều buồn trong “Hà nội Băm sáu phố phường” của Thạch Lam vẫn còn nguyên và có phần thêm cái mà Thạch Lam không nói tới là rác. Không biết rác lúc đó có bị “sỗ sàng” “khinh rẻ”, phải nằm vương vãi dọc vỉa hè hay cạnh các thùng rác đẹp to đùng như hôm nay? Các cửa hàng buôn bán tuy được trang hoàng bằng nhiều thứ ánh sáng điện hay biển hiệu cắt chữ vi tính cầu kỳ, nhưng xem ra không có vẻ lộng lẫy như Thạch Lam mô tả, chưa kể còn thấy xen vào các quán nước nhỏ “xập xệ” với vài món đồ rẻ tiền (nước chè, kẹo cao su, mực nướng) có người chủ ngồi lầm lũi, nép vào bên cạnh ngõ nhỏ sâu tối hay bên bờ tường xam xám.

Dọc một đoạn Hàng Đào, không thấy bất kỳ “con thú hiền lành” nào của Thạch Lam nữa. Trong câu chuyện với anh bán giầy năm xưa, nay đã bán quần áo, có nhắc đến bà Bô, một chứng nhân đặc biệt của Hàng Ngang, Hàng Đào. “Cũng xong rồi”,...”Bị lừa”,…

Quán “Chí Mà Phù” nổi tiếng của nghệ sỹ hài Phạm Bằng trông khiêm tốn lẫn vào con phố nhỏ, tấp nập. Nhưng nhìn kỹ thấy ngay được sự đắt hàng ghê gớm. Dải ghế nhựa nhỏ trải dài từ trong ngõ (và chính là quán) ra suốt vỉa hè bên ngoài với trai thanh nữ tú đang lúi húi, say mê với bát với thìa trên tay. Phạm Bằng trông nhẵn nhụi, gọn gàng đứng ngay ngoài vỉa hè, ra chừng đón khách, nhưng nụ cười, hình như, đã bị bỏ lại trên sàn diễn. Người phụ nữ trạc tuổi trên 30, nhỏ nhắn và trông cũng hơi nền nã đứng thu tiền và cũng là người xếp chỗ cho khách, dường như coi khách đến ăn là chuyện đương nhiên nên không cần phải đon đả hay tỏ ra welcome, nhưng cũng sẵn sàng chỉ dẫn cho khách bằng buông những câu ngắn ngủn, không cần chủ ngữ, “ngồi đây”, “hết trôi rồi”. Đi sâu vào trong quán mới thấy được “mặt sau” (“mặt thật”?) của cuộc sống vẫn còn quá lam lũ, nhếch nhác. Một cái nền ngõ gạch ẩm ướt, có khoảng trời riêng trên một sân chung, nhưng nhìn lên và xung quanh thấy sự tối tăm, cũ nát hiện rõ. Những ống nước bắc thêm, bồn nước nằm bụi bặm, người rửa bát ngồi giữa các chậu bát, xô nước to sụ, đang lần mò trong một chậu nhựa to, nước trong đó có mầu đục rất khó tả nhưng sự nhớt nhát như cảm thấy ngay trên tay mình. Chắc nước ở đây vẫn là thứ hiếm? Một điểm ấn tượng là ở trên mái quán (mái ngõ) có một cây si khá to, chơi vơi, gốc rễ đang cố bám miết vào mặt bức tường ở trên cao, nhưng cành lá vẫn xanh um, tỏa ra xung quanh và các chùm rễ khí vẫn ngạo nghễ thõng xuống.

Trở về gặp cuốn sách của NXB Thông Tấn “Chuyện của thời bao cấp”, với những câu chuyện về thời “ngăn sông cấm chợ”, lật qua thấy những cảnh khổ sở, vô lý được kể với một giọng tưng tửng. Nhìn qua thấy nhiều tác giả là người đã có đóng góp để duy trì thời kỳ khốn khổ đó. Kỳ cục nhất là lời giới thiệu có những câu đại ý như “Mặc dù khó khăn như thế nhưng nhân dân ta vẫn vượt qua được” và “Thế hệ trẻ cần phải biết trân trọng và sống xứng đáng với sự hy sinh của lớp cha anh”.

Nhìn ra ngoài thấy một chiếc BMW 2.0 đỗ xịch trước vỉa hè, thanh niên ngồi sau tay lái mở cửa bước ra chỉ với chiếc quần đùi và áo T-shirt.

Nhiều cái khổ, cái thiếu thốn của xã hội trước đây đã mất. Nhưng những thói thô thiển, xuề xòa, hợm hĩnh, ngông nghênh, cam chịu, ngờ nghệch và lừa mỵ vẫn tỏ ra còn nhiều và nặng lắm.

30/10/2009

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Chúc mừng Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn !

Giữ vững được ý chí và niềm tin cá nhân vào lý tưởng khi ở trong tù luôn là một thách thức hết sức lớn, và đặc biệt khó hơn khi nền tảng đạo đức của xã hội đã bị mục từ lâu và còn đang bị lật xuống. Sự khó khăn còn lớn hơn nữa khi cả một tập thể đấu tranh cùng lúc bị lâm nạn và (chắc) đã phải xem sự chao đảo, ngã lòng của nhiều người cùng chí hướng.

« Cách mạng » là một từ luôn gợi lên sự lớn lao và thiêng liêng, nhưng người dấn thân trên con đường cách mạng không phải là thánh thần.

Các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội cũng chỉ là những con người, và có thể còn có nhiều điểm yếu và khiếm khuyết. Nhưng, sự thể hiện của các anh trong các phiên tòa sơ thẩm vừa qua đã cho thấy một khí phách cần có của người làm cách mạng. Thật trân trọng và xúc động!

Các phiên tòa sơ thẩm dành cho các anh đã khép lại. Sự bất công của tòa án đã được thể hiện một phần qua chính tiếng kêu ai oán từ một số người vợ lam lũ của các anh là: « tàn bạo », « dã man », « quá đáng ».

Có Tiến bộ nào, có Tự do nào không cần phải gắng sức, hy sinh ?

«Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai ?» (1)

Những người làm việc thiện nguyện cho cộng đồng luôn hiểu điều đó và tin rằng, tự hào rằng họ đang góp một phần (rất) nhỏ bé cho tiến bộ của xã hội mai sau. Trong xã hội tiến bộ đó sẽ có thế hệ con cháu của riêng họ và của cả những người, ngày hôm nay, đang bức hại họ.

Xin nghiêng mình chúc mừng các anh và gia đình các anh. Và mừng thêm cho cả xã hội.

Phạm Hồng Sơn
10/10/2009

(Một ngày sau loạt phiên tòa sơ thẩm tại Hà nội và Hải phòng dành cho Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội và Vũ Hùng)





(1) Lời trong bài hát "Một rừng cây, một đời người" của Trần Long Ẩn

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Hy vọng cho những phiên tòa đau lòng

Không biết trong những phiên tòa tới đây dành cho các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Vũ Hùng và Phạm Văn Trội, các thẩm phán sẽ xử trí ra sao để luận tội những bị cáo này?

Không lẽ các thẩm phán lại chất vấn các bị cáo với các câu hỏi như thế này:

- Đề nghị bị cáo cho biết động cơ nào đã đẩy bị cáo đi đến chỗ đưa ra lời kêu gọi “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam.” trong khi nước bạn Trung quốc đang ráo riết thôn tính, chiếm giữ từng tấc đất, hòn đảo của chúng ta?

- Yêu cầu bị cáo phải thành khẩn cho biết ai đã xúi giục bị cáo trương khẩu hiệu “Kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng!”, trong khi nhân dân đang rất bất bình về cách xử lý các vụ án như PCI hay PMU 18 hay Đề án 112?

- Bị cáo phải khai rõ tại sao lại đi treo khẩu hiệu “Yêu cầu ĐCSVN chấp nhận đa nguyên, đa đảng” giữa chốn đông người, trong tình hình các cụ lão thành cách mạng đang hết sức bức xúc về sự suy đồi của Đảng? (1)

Không phải chỉ có thời nay những người yêu nước Việt Nam mới bị đọa đày, xử phạt. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy mỗi khi chủ quyền đất nước bị khống chế hoặc bị rơi hoàn toàn vào tay lực lượng ngoại bang hoặc những thế lực phản động, những người yêu nước bất khuất thường phải trở thành những tội đồ trước sự phán xét của những người đồng bào phải làm việc với giặc hoặc cố ý làm tay sai cho giặc. Nhưng, không phải bất cứ ai cộng tác với giặc, làm việc với giặc cũng có cùng một dã tâm với giặc. Tạp chí Xưa & Nay cũng vừa có bài nhắc lại lòng yêu nước, thương nòi của một đại thần triều Nguyễn đã khôn khéo và quyết đoán ủng hộ và cứu được mạng sống của một người yêu nước có tên là Phan Châu Trinh, trước sức ép đòi “trảm quyết” (tức “chém ngay”) của tên quan đô hộ Khâm sứ Pháp Lévecque.(2)

Những người sắp ra tòa trong những ngày tới có thể không có sự sang trọng như nhiều người khác hoặc không thể sánh được tầm vóc của chí sỹ yêu nước tiền bối Phan Châu Trinh. Nhưng chắc chắn, những hành động quả cảm vì đất nước của họ là điều không còn nghi ngờ.

Chủ nghĩa dân tộc mù quáng là điều cần phải tránh, ngay cả khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng trong những phiên tòa sắp tới, hy vọng vẫn sẽ có những con người nhớ đến một truyền thống nhân văn của người Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Sức ép của các thế lực đen tối, có thể rất ghê gớm, nhưng hy vọng , sẽ phải lùi lại trước sức mạnh của tình đồng bào và lòng yêu nước.

Phạm Hồng Sơn
05/10/2009

(02 ngày trước các phiên tòa xử các anh Vũ Hùng, Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn.)

(1)Những chữ trong ngoặc “ “ viết nghiêng là trích từ bản kết luận điều tra (BỘ CÔNG AN-CƠ QUAN NĐT Số 17 / KLĐT, ngày 17/05/2009)
(2) Nguyễn Hồng Trân, Ý thức và tinh thần đối nhân xử thế của Thượng thư Lê Trinh, Xưa & Nay, số 339, tháng 09/2009

Bắt chước chưa hẳn đã xấu


(Vài suy nghĩ sau bài viết «Can Chinese Model be replicated ? » của Nhân dân Nhật báo online )(1)

Trong ngôn ngữ Việt Nam, từ « bắt chước » hay « học mót » (sau đây xin gọi chung là « bắt chước ») thường được dùng để chê bai một đối tượng áp dụng những kỹ năng, kiến thức của người khác một cách máy móc hay không có hệ thống. Nhưng, trên thực tế, để xác định rõ việc áp dụng đó có « máy móc » hay « không có hệ thống » và mức độ của nó đến mức nào luôn là việc không hoàn toàn dễ dàng. Vả lại, trong nghĩa nguyên thủy của từ « bắt chước » hay « học mót » đã mang trong nó một ý nghĩa tích cực là học lại từ người khác. Xét từ cuộc sống và các nghiên cứu khoa học hiện tại, khả năng học lại từ môi trường xung quanh hay khả năng bắt chước từ các các đối tượng khách quan khác là một đặc tính cơ bản không chỉ có ý nghĩa sống còn mà còn là nhân tố cho sự phát triển của giới động vật nói chung và loài người nói riêng. Đối với thế giới loài người việc học lại của nhau, bắt chước nhau từ phạm vi giữa các cá nhân cho đến các tổ chức hay các quốc gia, dân tộc là điều đã quá rõ ràng không cần phải chứng minh. Do đó « Bắt chước » không phải là một đặc tính cá biệt của cá nhân nào, dân tộc nào và cũng không thể cấm được tuyệt đối người khác « bắt chước » (ngay như các luật về bản quyền tác giả hay các phát minh khoa học cũng chỉ có thời hạn nhất định).

Do đó một sự chê bai bằng từ « bắt chước » chưa thể nói lên người bị chê bai có thực sự là kém cỏi hay không. Vấn đề quan trọng hơn và là điều chính yếu là sự « bắt chước » đó đã mang lại những lợi ích gì hay hậu quả gì cho cá nhân, tổ chức hay quốc gia, dân tộc. Nếu lợi ích cá nhân, lợi ích dân tộc được củng cố và phát triển thì dù có bị chê là « bắt chước » hay bị dèm pha như thế nào chăng nữa chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn được khen là « sáng tạo », « đổi mới » nhưng kết quả thực tế lại ngược lại. Và điều cần nói hơn nữa là một cá nhân được toàn quyền quyết định « bắt chước » hay không « bắt chước » điều gì trong cuộc sống cá nhân, thì không một cá nhân hay tổ chức đảng phải nào được toàn quyền quyết định « bắt chước » hay không « bắt chước » bất kỳ vấn đề gì cho chính sách quốc gia hay mô hình phát triển cho dân tộc.

Tinh thần dân tộc thường rất dễ bị tổn thương khi bị nhận xét là « bắt chước », « sao chép » hay « phải biết ơn ». Nhưng nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ cảm thấy vui vì một câu chê như thế không thể hạ thấp được danh dự hay thực lực của chúng ta mà đó là cơ hội để hiểu rõ hơn sự tử tế, sự chân thành của « đối tác » (hay « đồng chí ») và là lời nhắc để xem lại những điều học hỏi hay không học hỏi cho chính sách quốc gia trong thời gian đã qua có đúng đắn, có lợi và có được chấp nhận của dân chúng hay không ? Chẳng phải lịch sử Việt Nam cận đại đã cho thấy dân tộc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khi người cầm quyền từ chối « bắt chước » người ngoài hay đã phải chịu nhiều « sai lầm » khi người cầm quyền dứt khoát « học » theo các « nước anh em » ?

Tập trung vào việc xem lại những gì cần học hỏi (kể cả từ người phê phán, xúc phạm mình) hay không cần học có lẽ sẽ có lợi hơn thay vì tự ái hay cố tìm cách để chứng minh chúng ta đã « không bắt chước ». Mang điều tệ hại cho dân tộc rõ ràng là có lỗi lớn. Nhưng, lảng tránh hay cấm « bắt chước » điều có lợi cho dân tộc cũng có lỗi không nhỏ hơn.

Phạm Hồng Sơn
23/09/2009

(1) Bài viết không có tác giả trên cơ quan ngôn luận online của Đảng CS Trung Quốc phiên bản tiếng Anh http://english.peopledaily.com.cn/90001/90780/91342/6761416.html. Bài viết đã được nhiều người Việt Nam dịch ra tiếng Việt: Liệu hình mẫu Trung Quốc có thể được lặp lại hay không? http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4150 Hình mẫu Trung Hoa có thể sao chép được không? http://bauxitevietnam.info/c/9894.html Bắc Kinh khen Hà Nội 'bắt chước giỏi'
Phải 'thực sự nhớ ơn mô hình Trung Quốc'
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101482&z=1

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Như thế là độc ác!

Đối với nhà quản lý việc có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời là vấn đề cốt yếu để có thể ra được quyết định đúng. Ngoài việc tự cập nhật, phân tích và đánh giá, nhiều nhà quản lý (công ty, tổ chức xã hội, chính quyền) đôi khi phải trả chi phí rất lớn để mua sự trợ giúp từ các tổ chức chuyên về tư vấn, thực hiện thăm dò, thu thập, phân tích thông tin. Những cái tên như Gallup, TNS Sofres, AC Nielsel, KPMG hay PricewaterhouseCoopers đều là những tổ chức, công ty đa quốc gia, rất phát đạt bằng việc cung ứng dịch vụ thông tin cho các nhà quản lý. Đối với người quản lý, thông tin có giá trị (valuable) không có nghĩa chỉ là thông tin làm cho ta vui (good news). Việc quản lý thành công luôn đòi hỏi phải dự báo, ngăn chặn và cải thiện kịp thời những diến tiến xấu của hệ thống phải quản lý. Do đó người quản lý giỏi thường rất chú ý và đánh giá cao người mang đến những thông tin không vui (bad news) để tìm cách giảm thiểu các bất trắc, thiệt hại. Danh từ chuyên môn thường gọi là Quản lý Rủi ro (Risk Management). Các công ty lớn, tổ chức lớn thường rất coi trọng Quản lý Rủi ro.

Quản lý một xã hội, một quốc gia cũng không nằm ngoài những nguyên tắc cơ bản của khoa học quản lý nói chung. Quản lý rủi ro tốt cho toàn xã hội và quốc gia cũng đòi hỏi phải có chính xác, đầy đủ và kịp thời những thông tin không vui như các bức xúc, bất ổn trong xã hội hay các lệch lạc, trục trặc của hệ thống chính quyền. Các nhà báo, các blogger trung thực, tận tâm với nghề chính là một trong những kênh thông tin đáp ứng cho đòi hỏi đó (1). Vai trò của những nhà báo, blogger đó càng quan trọng khi các nhà quản lý chưa có thói quen hay khả năng mua các trợ giúp, đánh giá thông tin từ các tổ chức chuyên môn độc lập. Vì vậy, việc các nhà báo, blogger bị đuổi việc hay bị tống giam chỉ vì đã thuật, bình luận về những tin không vui liên quan đến sự thật lịch sử hay những bất ổn, khuyết tật xã hội là một thiệt thòi lớn cho những nhà quản lý quốc gia. Vô hình chung các nhà quản lý quốc gia đã mất đi một nguồn tin và sự tư vấn rất quí giá. Quí giá vì nó trung thực mà lại miễn phí. Miễn phí thì rất dễ hiểu vì họ là những nhà báo không lĩnh lương ngân sách nhà nước hoặc chỉ đơn giản là… blogger. Nhưng trung thực cũng là điều dễ hiểu vì không ai lại tự tạo ra những tin bấy lâu nay thường chỉ đem lại “nguy hiểm” cho người nói.

Làm sai lệch sự thật lịch sử hay cố che giấu các bất ổn, khuyết tật của xã hội hiện thời, bất kể vì lý do nào, cũng đều là phản khoa học và gây nguy hiểm cho nhà quản lý quốc gia. Hệ thống quản lý luôn có nhiều cấp độ, nhưng trách nhiệm hàng đầu vẫn luôn thuộc về những người đứng đầu. Sự thật của lịch sử giúp cho nhà quản lý tránh được những sai lầm, bi kịch mà không phải hao tổn sinh lực. Việc phơi bày bất ổn hay các khuyết tật xã hội là những tín hiệu hữu ích cho nhà quản lý quốc gia kịp thời điều chỉnh chính sách trước khi các nguy biến xã hội bùng nổ. Quản lý rủi ro tốt là một yếu tố không thể thiếu để có những tiến bộ xã hội bền vững.

Mang lại tiến bộ xã hội không chỉ đảm bảo một tương lai tốt hơn cho những nhóm người dễ bị tổn thương (không có quyền, ít học, thu nhập thấp,..) mà còn đảm bảo cho những con cháu của chính những nhà quản lý đương thời tránh được những gánh nặng do những sai lầm quản lý của ngày hôm nay. Do đó việc làm ngưng trệ hay gây tổn hại các phản hồi trung thực từ xã hội tới những nhà lãnh đạo quốc gia, bất kể vì lý do nào, cũng đều là nguy hại cho tiến bộ xã hội và cho chính những nhà lãnh đạo quốc gia.

Những éo le trong đời của cô con gái diệu (2) của Joseph Stalin hay thảm kịch tang thương cuối đời của những anh con trai cưng của Saddam Hussein đều là hệ lụy của việc các ông bố khi còn đầy quyền lực đã coi thường hoặc không được tiếp cận với các phản hồi trung thực từ xã hội.

Mong muốn điều không hay đến với người khác là độc ác. Nhưng để mặc hay đẩy người khác đến chỗ tai họa còn ác độc hơn.



Phạm Hồng Sơn
03/09/2009

(1) Bài đã đăng trên các mạng viết là "... chính là những người đáp ứng cho đòi hỏi đó." Câu này không chính xác, nên đổi thành "...chính là một trong những kênh thông tin đáp ứng cho đòi hỏi đó."
(2) Hình như "con gái "rượu" " thì đúng hơn?

Nghĩ lại về « Độc lập dân tộc »

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đều lấy từ «độc lập» đặt tên cho ngày quốc khánh. Đó thường là ngày đánh dấu người dân sở tại giành lại được chính quyền (quyền quản lý đất nước) từ tay lực lượng ngoại bang. Tại Việt Nam cũng thế, 64 năm qua trên miền Bắc và 35 năm qua trên toàn Việt Nam, ngày 02 tháng Chín luôn được kỷ niệm với những nghi thức trọng thể nhất. Vào ngày 02 tháng Chín năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập đã vang lên trên quảng trường Ba Đình, đánh dấu quyền quản lý đất nước Việt Nam chính thức trở lại với người dân Việt Nam sau hơn 80 năm bị kiểm soát dưới bàn tay của thực dân, đế quốc. Ngày 02 tháng Chín còn được nhiều người gọi là ngày «Tết độc lập».

Tuy nhiên, «độc lập» không chỉ nói đến tình trạng của một dân tộc hay một quốc gia, «độc lập» còn nói đến tình trạng của một con người. Theo từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, « độc lập » có hai nghĩa : « 1. Đứng một mình, không nhờ cậy ai-Không cần ai bảo hộ mình (être indépendent). 2. Nước có năng lực tự trị, nội chính ngoại giao đều không bị nước khác can thiệp ». Và đa số các cuốn từ điển tiếng Việt, Anh, Pháp, mục từ « độc lập » («independence », «indépendence ») cũng đều có hai nghĩa tương tự như Đào Duy Anh.

Như vậy nói đến «độc lập» không thể chỉ nghĩ đến tình trạng của lãnh thổ, quốc gia, dân tộc mà còn phải chú ý đến tình trạng «độc lập» của các cá nhân – các thành viên thuộc quốc gia, lãnh thổ, dân tộc đó. Nền tảng căn bản cho sự «độc lập cá nhân », không gì khác, phải là khả năng của một con người biết «độc lập trong tư duy » (độc lập tư duy) để có thể tự quyết định cho vận mệnh cá nhân mình một cách tích cực. Vì vậy « độc lập dân tộc » hiểu theo nghĩa chỉ là tình trạng của một « nước (một dân tộc) có năng lực tự trị, nội chính ngoại giao đều không bị nước khác can thiệp » hay chỉ là việc chính quyền đã về tay người đồng tộc với mình là hoàn toàn chưa đủ. Vì đại đa số người dân của một dân tộc vẫn có thể không có hoặc không được hưởng quyền độc lập tư duy (và thường kèm theo nhiều quyền khác) dưới một chính quyền hoàn toàn do người của dân tộc đó nắm giữ.

Do đó cái gọi là « độc lập dân tộc » theo nghĩa quốc gia độc lập, dân tộc độc lập phải bao hàm hai yếu tố: có một chính quyền tự chủ (không phụ thuộc thế lực ngoại bang) và sự độc lập cho mọi thành viên của quốc gia đó, dân tộc đó. Một cách nền tảng là phải đảm bảo cho mọi thành viên có khả năng độc lập tư duy - có khả năng phán xét, giải quyết các vấn đề cá nhân và có tinh thần phán xét, tham gia giải quyết các vấn đề cộng đồng và xã hội một cách độc lập, tích cực. Nói một cách khác, cái gọi là « nền độc lập dân tộc » hay « độc lập quốc gia » đó sẽ vô nghĩa nếu các thành viên của dân tộc hay quốc gia đó không được hoặc không có khả năng độc lập tư duy. Vì suy cho cùng, mục tiêu « độc lập dân tộc » là phải đem được sự độc lập đến cho từng cá nhân – thành viên của dân tộc đó. Không phải ngẫu nhiên mà mọi thế lực áp bức (ngoại tộc hay đồng tộc), bên cạnh việc cậy vũ lực, luôn tìm đủ mọi cách (đánh lạc hướng, gây suy yếu, triệt tiêu khả năng độc lập trong tư duy) hòng làm cho tư duy của dân chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ (1) , bị phụ thuộc, bị rập khuôn theo ý muốn, định hướng của chúng. Khi con người đã mất hoặc không thể độc lập tư duy thì việc bị phụ thuộc (hay trở thành nô lệ) chỉ còn là vấn đề thời gian. Và điều tệ hại hơn là khi con người đã mất khả năng độc lập tư duy thì cũng không còn hoặc ít có khả năng nhận biết được tình trạng phụ thuộc hay nô lệ của bản thân.

Do đó, không gì ngoài sự đáng hổ thẹn, khi một quốc gia, một dân tộc được gọi là độc lập, nhưng các thành viên của quốc gia đó, dân tộc đó lại thờ ơ hay thiếu năng lực phán xét, tham gia giải quyết các vấn đề của quốc gia, của dân tộc. Và sẽ là vô lý đến mức mỉa mai nếu những thành viên của một quốc gia, một dân tộc độc lập lại bị cản trở hay bị đe dọa khi họ muốn nâng cao hay thực hiện khả năng độc lập tư duy cá nhân.

Khả năng độc lập tư duy của người dân phải được bảo vệ bằng việc đảm bảo để không cá nhân nào bị áp chế, đe dọa hay bức hại chỉ vì có ý nghĩ khác với người khác (kể cả người có quyền lực hay địa vị cao nhất). Nói một cách khác, độc lập tư duy cá nhân chỉ có thể được phát triển thực sự nếu cá nhân được an toàn khi tự do công bố, tự do trao đổi, tự do truyền bá mọi suy nghĩ hay đức tin của cá nhân mình với mọi cá nhân khác trong xã hội. Những tự do vừa kể chính là thuộc về hai quyền tự do đã trở thành những quyền cơ bản của con người, đã được thừa nhận trên toàn cầu: tự do ngôn luận (gồm cả tự do báo chí) và tự do tư tưởng (gồm cả tự do học thuật và tự do tôn giáo). Như vậy, nếu quyền tự do tư tưởng là cái cần để có độc lập tư duy thì tự do ngôn luận chính là phương tiện (đủ) để độc lập tư duy được thể hiện và phát triển. Mọi suy nghĩ, tư duy sẽ vô nghĩa nếu không được thể hiện và trao đổi tự do. Do đó sẽ là phản lại « độc lập dân tộc » nếu không để người dân được tự làm báo, tự xuất bản hay bắt báo chí phải đi theo một « lề » nào đó. Và bất kỳ luật lệ hay qui định nào làm ảnh hưởng hay hạn chế việc công bố các góp ý, phản biện của dân chúng đều là sự vi phạm quyền độc lập tư duy của người dân, nghĩa là gây tổn hại tới « độc lập dân tộc ».

Việc đảm bảo để dân chúng được độc lập trong tư duy không chỉ làm cho cái gọi là « độc lập dân tộc » trở nên thực sự và có ý nghĩa cho cá nhân và xã hội mà còn giúp cho dân tộc đó duy trì được nền độc lập. Nền độc lập dân tộc chỉ có thể được duy trì khi dân tộc đó có đủ sức mạnh cân bằng với các dân tộc khác. Trong khi sức mạnh bền vững của bất cứ dân tộc hay quốc gia nào trên trái đất hiện nay đã được chứng tỏ luôn là hệ quả của sự giải phóng tư duy cá nhân hay đảm bảo cho mọi cá nhân được độc lập trong tư duy. Lịch sử đã cho thấy ngay cả khi có một tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất, sâu sắc nhất cũng không đảm bảo cho dân tộc hay quốc gia đó độc lập, phát triển thực sự nếu người dân của dân tộc đó, quốc gia đó không được đảm bảo độc lập tư duy(2).

Vì vậy mọi cuộc cách mạng, dù có tiếng vang đến mấy, nhưng nếu không mang lại hay không đảm bảo được sự độc lập tư duy cá nhân, thì cái mà chúng ta vẫn gọi là giành được độc lập đó chỉ đơn giản là một biến cố phân chia lại quyền áp bức hoặc chỉ là sự thay đổi kẻ áp bức ngoại tộc bằng kẻ áp bức đồng tộc. Thực trạng này rất nên được đặt cho cái tên là thực trạng nửa độc lập hay bán-độc lập, để người dân các nước (đã giành được chính quyền từ ngoại bang) phải có ý thức tiếp tục hoàn thiện nền độc lập, tránh sự âm thầm trở lại với thân phận của kẻ bị áp bức bởi chính những người đồng tộc. Bởi những đặc điểm đồng ngôn ngữ, đồng dạng về nhân chủng học, đồng chia sẻ một cội nguồn, một nền văn hóa hay lịch sử không chỉ luôn làm khó cho việc phát hiện, nhận dạng và đấu tranh với kẻ áp bức đồng tộc mà có thể còn làm cho chính những kẻ đang áp bức những người đồng tộc (đồng bào) lầm lẫn giữa tội ác với công trạng. Do đó, nếu chúng ta phải cảnh giác với những thế lực áp bức ngoại tộc ẩn dưới những vỏ bọc như «khai hóa văn minh » hay «tình hữu nghị anh em, đồng chí» thì chúng ta càng phải cảnh giác hơn với những lực lượng áp bức đồng tộc ẩn dưới các khẩu hiệu như «giữ vững độc lập dân tộc» hay «bảo vệ thành quả cách mạng ».

Có thể dân chúng thường hân hoan khi chính quyền đã về tay người đồng bào, đồng tộc với mình. Nhưng chỉ có dựa vào quyền và khả năng độc lập tư duy của người dân mới có thể biết được người dân đã thực thoát khỏi ách áp bức hay chưa. Và nếu có một thế giới đại đồng (xóa nhòa ranh giới vật chất giữa các quốc gia, dân tộc) thì thế giới đó chắc hẳn cũng sẽ phải dựa trên một nền tảng là phải tôn trọng và bảo vệ sự độc lập tư duy cá nhân(3).

Hơn nữa, nếu ý nghĩa thiêng liêng và đầy đủ nhất của độc lập dân tộc chỉ là việc có một chính quyền do người đồng tộc nắm giữ thì không có chuyện Albert Einstein đã bỏ nước Đức ra đi ngay khi tinh thần dân tộc Đức đang bừng bừng khí thế và cũng không có chuyện một số chính quyền lại trải thảm đỏ đón trở lại những kiều bào đã từng bị coi là «phản quốc» chỉ vì không chấp nhận sự thiếu thốn hay trấn áp.

Nhìn lại trường lịch sử Việt Nam, nếu chỉ kể từ năm 938 khi Ngô Quyền giành lại được chủ quyền(4)cho người nước Nam từ đế chế phương Bắc, là một chuỗi các biến cố kháng chiến giữ và giành lại chính quyền, lãnh thổ từ các thế lực ngoại bang. Có thể yếu tố địa chính trị của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng làm nên đặc điểm lịch sử này. Nhưng có một yếu tố luôn song hành với lịch sử đó là sau các chiến thắng giành lại lãnh thổ và chính quyền từ ngoại bang, vấn đề độc lập trong tư duy cho các cá nhân (thần dân hay công dân) chưa bao giờ được trở thành một vấn đề quốc gia cần bảo vệ và tôn vinh(5).

Trong các thời kỳ quân chủ phong kiến, rõ ràng các quan niệm thịnh hành trong xã hội lúc đó như « vô ngã », « vô thường » (Phật giáo), « vô vi » (Lão giáo) hay thuyết « chính danh » (Khổng giáo) không thể đưa được đến cách nhìn coi trọng sự độc lập tư duy của cá nhân. Chưa kể đến những câu răn dạy như «Nhất tự vi sư, bán tự vi sư» hay «Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung » còn thể hiện rõ sự áp đặt ý kiến của người đi trước hay sự đe dọa của kẻ có quyền lực. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa của sự thúc thủ nhanh chóng của quốc gia khi Việt Nam phải tương tác với sức mạnh vượt trội của phương Tây trong trào lưu tìm thuộc địa thế kỷ XIX. Nhưng ngay những năm đầu tiên của thế kỷ XX – khi đất nước đang bị Pháp đô hộ, các sỹ phu trong phong trào Duy Tân đã nhận ra nhược điểm cốt tử của dân tộc Việt Nam: «Nước ta là nước quân chủ, trải qua các đời, dân chỉ chịu sự cai trị của vua quan, không có thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống còn. Trên có vua hiền, tướng giỏi thì tạm thời nước yên ổn, dân yên ổn. Bất hạnh mà không có vua hiền, tướng giỏi thì nước loạn li, nhân dân lầm than. Từ xưa đến nay, sở dĩ ít ngày được bình trị mà có lắm cuộc loạn li, nguyên nhân là ở đó. Muốn nước được bình trị mà mong vua hiền, tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh, và mạnh lâu dài. Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực và nhẫn nại. Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra ba cái tệ. Một là, bảo thủ mà không biết tiến thủ. Hai là, dựa vào người mà không biết tự lập. Ba là, yên thân mình, nhà mình mà không biết ái quần, ái quốc. Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn được? Cho nên, ngày nay chúng ta phải nghĩ đến tự cường thì ngày sau mới tự cường được.»(6) An phận, ỷ lại, bảo thủ, thờ ơ với việc nước đều là những tính cách vắng bóng khả năng độc lập tư duy. Các sỹ phu Duy Tân còn mạnh dạn đến mức phê rằng : «...Còn nước ta thì trong triều, ngoài nội, chính trị, phong tục không thay đổi chút nào. Dụng cụ của ta đều cũ kỹ, lạc hậu, đồng ruộng hoang vu, dân đói rách, chưa bỏ thói ngang ngạnh, tính nô lệ vẫn còn. »(7)(người viết tô đậm các chữ cuối). Các sỹ phu Duy Tân không chỉ « chẩn bệnh » cho Nước mà còn « kê đơn » rất rõ ràng : « Loài người cũng như động vật, thực vật đều có cơ thể. Cơ thể của nước là dân. Dân có trí tuệ thì cơ thể linh hoạt, nước sẽ thịnh cường, mãi mãi sẽ không bị phá hoại. Đó là điều tất yếu. » (8) Để có trí tuệ thì đương nhiên phải khuyến khích và đảm bảo tối thiểu để người dân được độc lập tư duy.

Thật đáng tiếc là sau Cách mạng tháng Tám, những người «cướp» được chính quyền từ tay ngoại bang đã không lưu tâm đến những ấp ủ, trăn trở, những nhận xét, đề xuất sáng suốt và thức thời của các sỹ phu Duy Tân , đã không trân trọng những cá nhân có độc lập tư duy(9).

Tuy nhiên những hạn chế, trấn áp sự độc lập tư duy bất cứ ở đâu và thời nào cũng luôn nấp dưới những vỏ bọc chính đáng. Không có bạo chúa hay nhà độc tài nào tự nhận mình là người độc đoán hay không lắng nghe, không cầu thị ý kiến của dân chúng. Chế độ quân chủ thường chỉ dựa vào Trời với những luân lý chính thống như «trung quân», «thiên mệnh», « thiên tử », kèm theo tội « khi quân », để những bạo chúa hay gian thần loại bỏ, trấn áp những cá nhân có độc lập tư duy trái với ý kiến hay quyền lợi của chúng. Còn chế độ sau quân chủ lại không cần dựa vào «ý trời» nữa, những người cầm quyền tự tạo ra đủ những lý do có bề ngoài rất to tát, rất đạo đức như « tăng cường đoàn kết nội bộ », « chống chủ nghĩa cá nhân », « phải gần gũi nhân dân lao động », « chống hữu khuynh », « chống tư tưởng tiểu tư sản », « học và làm theo nghị quyết », « hòa nhập chứ không hòa tan », « giữ vững ổn định chính trị », « chống diễn biến hòa bình »,..., và kèm theo là đủ mọi áp lực về vật chất và tinh thần, nhằm trấn áp, gạt bỏ những tư duy độc lập, trái với Đảng (Cộng sản) hoặc trái với một nhóm quyền lợi trong Đảng.

Năm 1952, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những đề xuất độc lập của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì Việt Nam chắc đã có một nhà nước biết tôn trọng pháp luật và chắc chắn đã tạo ra một cú hích lịch sử cho độc lập tư duy của giới trí thức và toàn xã hội.(10)

Năm 1968, nếu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chịu lắng nghe và tiếp thu sáng kiến của thuộc cấp như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc thì chắc chắn nhiều người dân Việt Nam đã không bị chết đói và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được một tiền lệ tốt về dân chủ nội bộ.(11)

Ngay thời kỳ còn chập chững, quyền lực công đã tỏ rõ sự độc đoán, hắt hủi các ý kiến độc lập đến thế, thì đến giai đoạn trưởng thành, nó sẽ còn độc đoán hơn, vùi dập độc lập tư duy cá nhân của toàn xã hội cũng là điều dễ hiểu. Có thể những người có quyền thường ít có khả năng nghe và chấp nhận những suy nghĩ khác biệt, nhưng một chế độ chính trị văn minh luôn có các cơ chế buộc những người có quyền phải lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến, kể cả sự phản đối của dân chúng, không để cho họ được tùy tiện làm tổn thương tới khả năng độc lập tư duy của cá nhân và xã hội.

Điều đau xót là biết bao người đã dành trọn niềm tin và sự hy sinh cho một chế độ chính trị dung dưỡng thói kiêu ngạo, hợm hĩnh, độc đoán, tùy tiện của những người cầm quyền, trong niềm hy vọng chủ quyền đất nước sẽ được bảo toàn, dân tộc sẽ được tự do hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng tiếc thay, như các bậc tiền nhân của người Việt đã nói, khi trí tuệ của dân, sự độc lập tư duy của dân không được nuôi dưỡng, trân trọng thì Nước làm sao tránh được sự phá hoại. Và đương nhiên, sự phá hoại đất nước sẽ phải khủng khiếp hơn, sự tha hóa, trơ lỳ của kẻ áp bức cũng sẽ phải ghê gớm hơn khi độc lập tư duy của mọi cá nhân và xã hội đã bị kìm giữ, trấn áp dưới những vỏ bọc to lớn hơn và đạo đức hơn. Đó chính là thực trạng đau lòng của dân tộc Việt Nam, của lãnh thổ Việt Nam hôm nay.

Để đưa được đất nước, dân tộc thoát khỏi tình trạng lâm nguy hiện nay, chắc chắn người Việt Nam sẽ phải nỗ lực không kém những tiền nhân đã dày công dựng và giữ nước. Nhưng để có một nền độc lập đầy đủ, thực sự và vững bền cho dân tộc, người Việt Nam không thể không gắng tạo lập, rèn rũa, giữ lấy hoặc giành lấy cho được thói quen độc lập tư duy. Và tối hậu cần phải tạo dựng một chế độ chính trị biết trân trọng và bảo vệ độc lập tư duy cá nhân. Độc lập dân tộc phải được tựa trên và gắn liền với độc lập tư duy cá nhân.


Phạm Hồng Sơn
30/08/2009




(1) Đề thi đại học môn văn khối C năm 2009 là một ví dụ. Đề thi này như sau: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. Việc kêu gọi chống giả dối, gian lận trong thi cử hay kêu gọi sống trung thực là một việc không có gì độc đáo. Nhưng một nền giáo dục tử tế phải hướng con người tới khả năng và thói quen độc lập tư duy. Nhưng đề thi nói trên đã bỏ đi một ý rất độc đáo và quan trọng ngay sau đoạn trích trong bức thư đó: “Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…” Nguồn tham khảo http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/07/de-thi-la-hay.html.
(2) Nước Mỹ, sau Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng năm 1776, đã suýt tan rã nếu 13 bang không cùng cam kết phải bảo vệ một số quyền cụ thể của dân chúng (trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do khiếu nại chính quyền, tự do tôn giáo là những quyền cụ thể để đảm bảo cho sự tự do và độc lập trong tư duy). Đó chính là 10 tu chính án đầu tiên (the Bill of Rights) của Hiến pháp Mỹ..
(3) Một trong những nền tảng chính của Liên hiệp châu Âu (EU) hiện nay (gồm 27 quốc gia, và nhiều dân tộc khác nhau), có thể gọi là phác thảo hay là tiền thân cho một “thế giới đại đồng” tương lai, là sự thừa nhận và cam kết bảo vệ các quyền con người (trong đó có quyền độc lập tư duy cho mọi cá nhân – quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng).
(4) Các sách sử hiện nay vẫn gọi là mở ra thời kỳ “Độc lập” hay giành lại được “Độc lập” (theo nghĩa giành lại được chính quyền cho người nước Nam)
(5)Giai đoạn tại miền Nam 1954-1975 là giai đoạn tạm không xem xét ở đây.
(6)Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Prose et Poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hóa 1997.
(7)Theo sách đã dẫn (Sđd).
(8) Sđd.
(9)Căn cứ vào những tài liệu giảng dạy của Đông Kinh Nghĩa Thục còn được lưu cho đến nay, các sỹ phu Duy Tân lúc đó đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực và cơ bản đối với dân chúng và đất nước như vệ sinh thân thể, mở mang trí thức cá nhân, mở mang kinh doanh (áp dụng máy móc, ủng hộ các nhà tư bản nội địa...), trách nhiệm công dân với cộng đồng, đất nước, các kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị (chính phủ, quốc hội, luật pháp, tư pháp...)...Và có cả những ý tưởng tương tự những gì mà chúng ta hiện đang gọi là Xã hội dân sự (civil society). Xin tham khảo Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Prose et Poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hóa 1997.
(10)Tham khảo tạp chí Xưa & Nay số 286 tháng 06/2007.
(11)Tham khảo Đặng Phong, Tư Duy Kinh Tế Việt Nam-Chặng đường gian nan và ngoạn mục, Nxb Trí Thức, 2008.




(Đăng trên talawas.org, doi-thoai.com, dcctvn.net ngày 01/09/2009. Thongluan.org va Toquoc đăng nhầm bản nháp với nhan đề "Ngày Độc lập nghĩ về độc lập tư duy)

Nên để việc đó cho chiếc cân !


Cách đây chưa đến 20 năm những người đi chợ thường khổ sở về chuyện cân đo hàng hóa khi mua bán. Hàng hóa khan hiếm làm tăng thói « buôn gian bán lận », « cửa quyền », « hống hách » của người bán hàng. Những gian thương thường sử dụng những chiếc cân sai lệch (không đúng tiêu chuẩn đo lường và dĩ nhiên phải có lợi cho người bán) hoặc dùng những thủ thuật làm lệch cân khi cân hàng hóa để kiếm lợi bất chính. Gian thương có những cách cân như thế cũng thường là những người giỏi nài gọi, chèo kéo khách và luôn kèm thói dọa nạt, cưỡng ép những khách đã chót sa chân. Gian thương không bao giờ để cho khách kiểm tra cân hay tự cân lấy. Nhiều khách hàng biết là bị lừa nhưng trước sự bặm trợn, ầm ĩ, phiền phức giữa chợ, cũng đành chậc lưỡi mua « cho xong chuyện » với ý nghĩ sẽ « cạch đến già ». Nhưng cũng có những khách hàng không chấp nhận bị lừa và quyết « chống trả ». Gặp phải những người « đáo để » như thế, những gian thương thường cũng biết « tìm đường rút lui », để giành công sức cho những « con gà » khác dễ « xơi » hơn. Nhưng cũng có trường hợp dẫn đến xô xát và nghe nói có cả án mạng chỉ vì chuyện không « thuận mua, vừa bán ». Tuy nhiên, trong bối cảnh « gạo châu củi quế » như thế, vẫn có những người (tất nhiên không thể nhiều) buôn bán lương thiện, quyết lấy chữ tín làm lãi. Những người thiện thương luôn dùng những chiếc cân đúng tiêu chuẩn (quốc gia hoặc quốc tế), sẵn lòng chiều khách trong việc cân đo hàng hóa và luôn vui vẻ để khách tùy ý quyết định. Những cửa hàng như thế thường lặng lẽ nhưng tấp nập, lời mời chào (nếu có) luôn nhã nhặn, ôn tồn và tuyệt không có lời chèo kéo hay to tiếng.

Việc cân đo hàng hóa (những vật có thể sờ mó được) còn tế nhị và nan giải đến thế thì việc cân đo công lý - phán xét đúng-sai, thật-giả, chắc chắn càng không đơn giản hơn. Chưa chắc chiếc cân công lý đã được đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Chưa chắc những người cầm cán cân công lý đã là người tôn trọng sự thật. Nhất là trong hiện trạng công lý đã khan hiếm đến độ có cả dịch vụ « chạy án » thì việc tìm được công lý sẽ phải khó khăn gấp bội. Những nài gọi, chèo kéo, tán tụng, bặm trợn cho thứ « công lý » rởm luôn huyên náo, ồn ào trong xã hội cũng là điều chẳng lạ. Nhưng Công lý đâu cần nhiều đến ngôn từ. Biểu tượng nhân cách hóa của Công lý (theo triết lý phương Tây) là một nữ thần bị bịt mắt, nét mặt bình thản, miệng khép, với một bàn tay giơ lên chiếc cân có hai đĩa ngang bằng và bàn tay kia nắm đốc kiếm. Trong các định chế tư pháp ở Việt Nam như tòa án, bộ tư pháp hay hội luật gia cũng thấy thấp thoáng hình chiếc cân hai đĩa ngang bằng. Nhưng tịnh không thấy bất kỳ dấu hiệu hay biểu tượng nào cho âm thanh phán xét, sự hả hê hay hằn học của Công lý. Khi chiếc cân là chuẩn và người cầm cân là công tâm (bịt mắt) và nghiêm cẩn (tay nắm đốc kiếm) thì chỉ cần giơ chiếc cân cho « bách gia trăm họ » « mục sở thị » là đủ biết bên nào nặng bên nào nhẹ, bên nào đúng bên nào sai, đâu là sự thật đâu là giả dối. Còn khi cân đã không chuẩn và người cầm cân chỉ là đệ tử của phường danh lợi thì mọi lời tán dương kẻ cầm cân hay bài bác nạn nhân, có dụng công đến mấy, cũng chỉ làm cho sự gian trá thêm phần lố bịch. Huống hồ khi chưa ai được quyền phán quyết mà các màn phụ họa tán dương và bài bác đã ầm ĩ thì thật khôi hài.

Một nhà nước biết tôn trọng pháp luật không bao giờ hằn học khi bất lực với nghi can và càng không bao giờ tỏ vẻ hả hê khi có được lời thú tội. Nếu không chứng minh được nghi can có tội có nghĩa là đã có một công dân chắc chắn biết tuân thủ pháp luật. Còn nếu chứng minh được nghi can có tội có nghĩa là hệ thống pháp luật đã bị coi thường. Vậy tại sao phải hằn học khi pháp luật được tuân thủ và hả hê khi pháp luật bị coi thường? Và ngay lời thú tội của nghi can (nếu là sự thật) cũng không có giá trị quyết định cho việc kết tội . Một nhà nước biết yêu quí công lý chỉ nên chú tâm để đảm bảo có một cán cân công lý hợp chuẩn quốc tế (hệ thống pháp luật minh bạch, phù hợp với các công ước, thông lệ có tính phổ quát toàn cầu) và đảm bảo có những người cầm cán cân công lý thật công tâm (không bị ảnh hưởng, chi phối bởi quan điểm chính trị, phe nhóm lợi ích, tôn giáo hay sắc tộc) và nghiêm cẩn (nguyện bảo vệ hiến pháp và pháp luật đến cùng). Một nhà nước quang minh, chính đáng không cần những màn phô diễn, chèo kéo ầm ĩ chỉ để chứng tỏ công lý thuộc về mình. Và cả khi muốn cứu lại sự chính đáng đã mất cũng không nên làm như thế. Nên để việc đó cho chiếc cân công lý. Nhưng xin nhớ Công lý không bao giờ liên quan tới đổi chác hay mua bán.


Phạm Hồng Sơn
23/08/2009

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Một năm rối bời của nước Mỹ

Đối với nước Mỹ, năm 1860 là một năm rối bời giữa lo lắng và hy vọng. Người Mỹ đang đặt hy vọng vào vị tổng thống mới sắp được bầu. Nhưng họ cũng lo sợ ngay cả một tổng thống mới cũng khó có thể giữ được sự toàn vẹn cho đất nước. Các bang ở miền Nam đang tiến rất gần đến việc ly khai khỏi Hợp chúng vì vấn đề nô lệ.

Sau bốn năm ở vị trí tổng thống, James Buchanan quyết định sẽ không ra tranh cử tổng thống lần nữa. Buchanan là người thuộc Đảng Dân chủ. Đảng của ông, cũng như tình trạng nước Mỹ lúc đó, đang bị chia rẽ thành hai phe vì vấn đề nô lệ. Những người Dân chủ miền Nam muốn đảng của họ ủng hộ chính sách duy trì chế độ nô lệ. Những người Dân chủ miền Bắc lại không muốn thế.

Phe đối lập là Đảng Cộng hòa đang kỳ vọng sẽ thu được phiếu ủng hộ từ những người Dân chủ bất mãn. Phe Cộng hòa đã trở nên mạnh hơn từ cuộc bầu cử trước đó vào năm 1856. Họ tin rằng ứng cử viên Cộng hòa sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm 1860.
Đại hội Đảng Dân chủ đề cử ứng viên tổng thống khai mạc vào tháng Tư tại Charleston, bang Nam Carolina. Thượng nghị sỹ Douglas của Illinois là ứng viên hàng đầu. Ông có sự ủng hộ của đa số các đại biểu tham dự đại hội. Nhưng ông vẫn chưa đạt đủ 2/3 số phiếu cần thiết để được đề cử làm ứng cử viên tổng thống.

Nhiều đại biểu đến từ miền Nam không thích Stephen Douglas. Nhiều người còn không tin ông. Một số khác lại không đồng ý với quan điểm về nô lệ của ông. Douglas không phản đối chế độ nô lệ và cũng không ủng hộ việc phát triển chế độ nô lệ. Tuy nhiên, ông cho rằng luật liên bang không thể áp đặt chế độ nô lệ ở những nơi người dân không muốn. Đó chính là chính sách “chủ quyền phổ thông” của ông.
William Yancey của bang Alabama là người đứng đầu nhóm đảng viên Dân chủ miền Nam chống lại Stephen Douglas. Yancey muốn việc ủng hộ chế độ nô lệ phải được đưa vào cương lĩnh của đảng. Ông ta tin chắc rằng Douglas sẽ không chấp nhận làm ứng cử viên tổng thống với một cương lĩnh như thế.

Trong trường hợp Yancey không làm được như thế với cương lĩnh của đảng, ông ta sẽ đưa các đảng viên Dân chủ miền Nam tẩy chay đại hội và ra khỏi đảng.

Ủy ban quyết nghị của đảng đã xem xét các đề xuất về cương lĩnh của đảng. Một đề xuất cho rằng người dân sở tại có quyền quyết định chế độ nô lệ là hợp pháp hay không. Đề xuất thứ hai để dành quyền đó cho Tòa án Tối cao. Và đề xuất thứ ba cho rằng không ai có quyền phán xét điều đó, chế độ nô lệ là hợp pháp ở mọi nơi.

William Yancey phát biểu trước đại hội rằng ông ủng hộ cương lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ. Ông ta nói rằng những đảng viên Dân chủ không muốn phá hủy sự đoàn kết của Hợp chúng. Nhưng ông ta cũng nói rằng có người đã cho biết rõ Hợp chúng sẽ bị tan rã nếu các quyền hiến định của chủ nô lệ không được tôn trọng.

Yancey cũng nói đến mối nguy của một cuộc đại nổi dậy của nô lệ. Ông ta mô tả tình trạng đó như một ngọn núi lửa còn im lặng, đang đe dọa sinh mạng, của cải và danh dự của người dân miền Nam. Ông ta cho rằng các hành động của người miền Bắc có thể làm cho ngọn núi lửa đó trào ra.

Một đại biểu khác đáp lại diễn giải của Yancey. Người này nói rằng các đảng viên Dân chủ ở miền Bắc đã quá mệt để bảo vệ lợi ích của người miền Nam. “Bây giờ,” ông ta nói, “Yancey nói với chúng ta phải đồng ý chế độ nô lệ là đúng đắn. Ông ta lệnh cho chúng ta phải che mắt đi và ăn đồ bẩn. Thưa các quí ông miền Nam. Các vị đang lừa chúng tôi đấy. Chúng tôi không ngây thơ đến thế đâu!”

Không khí đại hội trở nên rất căng thẳng và rõ ràng là cương lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ sẽ không được thông qua. Vì vậy, đoàn đại biểu của bang Alabama đã tuyên bố rút khỏi hội nghị. Và tiếp sau đó là 06 đoàn khác từ các bang ở phía cực Nam - Arkansas, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, and Texas, cũng lần lượt bỏ đại hội.

50 đại biểu bỏ về đã tự tổ chức riêng một đại hội và thông qua một cương lĩnh ủng hộ chế độ nô lệ, nhưng không đề cử ai làm ứng cử viên tống thống. Các đại biểu này cũng nhất trí sẽ họp lại sau mấy tuần tại Richmond, Virginia.

Các đại biểu đảng Dân chủ ở miền Bắc cũng hoãn việc đề cử ứng cử viên và nhất trí sẽ họp lại tại Baltimore, Maryland.

Trong khi đó Đảng Cộng hòa tổ chức đại hội đề cử ứng viên tổng thống tại Chicago, Illinois. Ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này rất dễ nhận ra. Đó là đảng viên Cộng hòa nổi tiếng nhất lúc đó: Thượng nghị sỹ William Seward của New York.

Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa thể hiện được mong muốn của mọi đảng viên.

Đối với những người phản đối chế độ nô lệ, cương lĩnh bác bỏ ý tưởng cho rằng chủ nô có quyền hiến định đưa nô lệ sang các vùng đất mới. Đối với vấn đề người Mỹ sinh ở nước ngoài, cương lĩnh ủng hộ quyền được hưởng đầy đủ tư cách công dân. Đối với các nhà sản xuất, cương lĩnh đề xuất một loại thuế nhập khẩu mới để bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ. Đối với những người ở vùng tây bắc, cương lĩnh kêu gọi ủng hộ quyền sở hữu đất cho người định cư và trợ giúp của chính quyền liên bang trong việc xây dựng đường xá và kênh rạch.

Các đại biểu đã hết sức vui mừng thông qua cương lĩnh của đảng. Ngày hôm sau, đại hội sẽ tiến hành bầu ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống.

William Seward đã tin chắc ông sẽ được đảng đề cử. Nếu không phải ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên, ông nghĩ vậy, thì cũng sẽ là lần hai. Nhưng đã có một số người chống đối Seward. Và chiến dịch vận động của Seward đã không thành công như dự kiến.
Ứng cử viên đối lập của Seward là Abraham Lincoln.

Đại hội Đảng Cộng hòa đã phải bỏ phiếu 03 (ba) lần để xác định ứng cử viên tổng thống. Lincoln đều giành được ủng hộ ở các cuộc bỏ phiếu nhưng cả 03 lần cả hai ứng cử viên đều không thu được đủ số phiếu để chiến thắng. Sau đó, ngay trước khi cuộc bỏ phiếu lần thứ tư được thực hiện, một đại biểu từ Ohio đã đề nghị được phát biểu. Cả phòng bỗng lặng ngắt. “ Thưa ngài chủ tọa,” ông ta nói, “ Tôi đứng lên để thông báo sự thay đổi của Ohio, 04 phiếu xin được dành cả cho quí ngài Lincoln.”

Thế là đủ để Lincoln trở thành ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Một tháng sau, các đảng viên Dân chủ mở lại đại hội đề cử ứng cử viên tổng thống. Phần lớn các đại biểu miền Nam đã tẩy chay đại hội lần trước cũng đã quay trở lại. Nhưng nhiều ghế trong đại hội đã được trao cho những đại biểu mới. Vì vậy lại xảy ra cãi vã về việc đại biểu nào có quyền tham dự đại hội.

Một đề xuất thỏa hiệp dự định phân chia các ghế cho các đại biểu cũ và mới. Nhưng đa phần đại biểu miền Nam bác bỏ. Và lần lượt, phần lớn các đại biểu miền Nam lại bỏ về. Cuối cùng, các đại biểu Đảng Dân chủ còn lại đã bầu Stephen Douglas làm ứng cử viên tổng thống.

Các đảng viên Dân chủ miền Nam cũng bầu ra ứng cử viên tổng thống cho riêng họ, đó là Breckinrindge của bang Kentucky. Còn một nhóm khác có tên là Đảng Liên hợp Hiến định cũng đề cử ứng cử viên tổng thống là John Bell.

Chiến dịch tranh cử bắt đầu vào mùa hè năm 1860. Lincoln khi đó vẫn còn được ít người biết đến, vì vậy Đảng Cộng hòa đã phải ấn hành rất nhiều sách và tờ rơi để giới thiệu về ông. Đó là câu chuyện về một cậu bé quê mùa, nghèo túng, chỉ do tự học, chăm chỉ làm việc cùng với đức tính trung thực, đã trở thành ứng cử viên tổng thống.

Những người ủng hộ Lincoln đã tổ chức một chiến dịch vận động rầm rộ, vui nhộn, với những cuộc tuần hành sôi động có âm nhạc, ca hát và biểu ngữ cổ động náo nhiệt. Trong khi đó Lincoln lại hoàn toàn im lặng. Ông nói rằng “Từ khi trở thành ứng cử viên tổng thống, tôi không muốn phát biểu thêm điều gì nữa. Tôi ở đây chỉ để được ngắm nhìn quí vị và để quí vị thấy tôi thôi.”

Thực tế thì chính những trợ lý của Lincoln đã tư vấn ông không nên nói gì thì hơn. Họ cho rằng Lincoln đã nói đủ để làm rõ quan điểm của ông cho các vấn đề quan trọng rồi.

Ngược lại, Stephen Douglas lại vận động rất mạnh mẽ. Trong khi đó sức khỏe của ông không được tốt và lại gặp khó khăn về tài chính. Nhưng Douglas vẫn tiếp tục đi diễn thuyết tại hầu hết các bang.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, Douglas đã nhận ra ông không có hy vọng để chiến thắng. Quan điểm về chế độ nô lệ của ông đã làm ông mất hết ủng hộ tại miền Nam.
Douglas tin rằng trong số các ứng cử viên, Abraham Lincoln là người có cơ may chiến thắng nhất.

Ông cũng cho rằng những người cực đoan ủng hộ chế độ nô lệ sẽ sử dụng chiến thắng của Lincoln làm cái cớ để chia tách các bang miền Nam khỏi Hợp chúng quốc. Vì vậy Douglas quyết định chuyển mọi nỗ lực sang việc vận động cho sự toàn vẹn của Hợp chúng.

Ông nói:” Việc một người trở thành tổng thống do nhân dân Mỹ bầu ra, theo qui định của Hiến pháp, không được là lý do cho bất cứ âm mưu nào định làm tan rã quốc gia kiêu hãnh này.”

Bầu cử diễn ra vào ngày mồng 06 tháng 11 năm 1860. Các phiếu phổ thông ủng hộ Lincoln và Douglas rất sít sao. Nhưng các phiếu cử tri đoàn lại có khác biệt lớn. Lincoln thu được 180 phiếu. Breckinridge được 72 phiếu. Bell được 39 phiếu. Còn Douglas chỉ được có 20 phiếu.

Cuối cùng, Abraham Lincoln đắc cử tổng thống nước Mỹ vào năm 1860. Nhiệm kỳ của Abraham Lincoln được bắt đầu với việc đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vì ngay trước ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống, các bang miền Nam đã bắt đầu những hành động đe dọa, đòi li khai khỏi Hợp chúng quốc.


Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.

Tháng 07/2009
(Nguồn: program #92 of THE MAKING OF A NATION
http://www.voanews.com/specialenglish/2009-07-08-voa1.cfm

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Xét xử tội phản quốc cựu phó tổng thống Aaron Burr

Aaron Burr là cựu phó tổng thống Mỹ với nhiệm kỳ chấm dứt vào năm 1805. Lúc đó Burr đang ở trong tình trạng nợ nần chồng chất với một tương lai chính trị xám xịt.

Nhưng không phải Burr không còn tham vọng. Ông đã từng có ý tưởng đoạt lấy Mexico từ tay người Tây Ban Nha. Burr đã thiết lập được nhiều quan hệ bí mật và ông cố thuyết phục họ bằng mọi cách để được ủng hộ và giúp đỡ về tài chính cho kế hoạch của mình.

Mục đích thật sự của Aaron Burr là gì ? Có phải để chiếm lấy Mexico ? Hay để lập ra một quốc gia riêng với một số vùng phía tây nước Mỹ ? Cho đến nay, tất cả những nghi vấn này vẫn chưa được rõ.

Vào mùa xuân năm 1805 Burr du hành về phía tây. Chuyến đi đưa ông xuôi theo các sông Ohio và Missisipi tới tận thành phố cảng New Orleans, tại đây, Burr đã có những trao đổi với nhiều người giàu có và quyền thế. Ông đã trình bày kế hoạch của mình cho họ và được họ ủng hộ trong việc chấm dứt sự kiểm soát của Tây Ban Nha đối với Mexico.

Sau đó Burr chuẩn bị quay lại ngay phía đông để bắt tay thực hiện kế hoạch.

Trên đường về, Burr có dừng lại ở Saint Louis để thăm Tướng James Wilkinson, thống đốc Lãnh thổ Louisiana . Wilkinson đã cùng với Burr bàn tính kế hoạch.

Nhưng cùng lúc đó Wilkinson đang làm gián điệp cho Tây Ban Nha và Wilkinson lại không muốn mất khoản tiền được Tây Ban Nha trả cho những thông tin do ông cung cấp. Wilkinson bắt đầu nghĩ đến cách rút khỏi kế hoạch của Burr.

Wilkinson khuyên Burr tốt nhất là nên quên Mexico đi với lý do là thời điểm thực hiện không thuận lợi. Ông đề nghị được giúp Burr trở lại chính trường bằng cách trở thành dân biểu bang Indiana. Nhưng Burr đã bác bỏ đề nghị của Wilkinson và vẫn không chịu từ bỏ giấc mơ về Mexico. Burr đã từng hy vọng kế hoạch Mexico sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 1806. Tuy nhiên, vì thiếu tài chính nên không có việc gì được thực hiện.

Ông đã cố gắng để được giúp đỡ vật chất từ những người hy vọng được chia nguồn tài nguyên giàu có tại Mexico. Nhưng ông đã thất bại. Kết quả cũng tương tự khi ông nhờ cậy người Anh trợ giúp về tài chính và tàu thuyền.

Tạo ra chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha là một phần quan trọng trong kế hoạch của Burr. Ông cho rằng cần phải có cuộc chiến như thế để những người ở miền tây sẽ cùng với Burr chống lại người Tây Ban Nha tại Mexico. Không có chiến tranh, kế hoạch sẽ thất bại.

Sau khi trở lại Washinton, Burr đã nhận được những tin tức xấu cho kế hoạch. Burr đã gặp Tổng thống Thomas Jefferson và Tổng thống đã thể hiện rõ là sẽ không có chiến tranh với Tây Ban Nha.

Sau lần gặp Tổng thống, Burr bắt đầu nghĩ ra các kế hoạch mới. Ông có thể đã tạm quên kế hoạch xâm chiếm Mexico. Thay vào đó, Burr nói là sẽ xây dựng một khu định cư tại Louisiana và đang chờ một thời điểm thuận lợi hơn.

Trong khi Aaron Burr còn đang đi về phía tây, các tin tức đã lan truyền khắp nơi về các hoạt động của Burr. Các báo đã đi đến mức gần như kết tội ông có âm mưu chia rẽ Hợp chủng. Mọi người dường như sẵn sàng tin vào các báo. Và đó chính là cơ hội để Tướng Wilkinson thoát khỏi kế hoạch của Burr.

Wilkinson viết một lá thư cho Tổng thống Jefferson, nói rằng có một đội quân gồm một vạn người đang tiến về New Orleans. Ông ta nói rằng đó là một phần trong một chiến dịch nhằm chống lại Mexico. Ông ta đưa ra các chi tiết của chiến dịch đó nhưng nói rằng không biết ai là người cầm đầu. Ông còn cảnh báo tổng thống rằng lực lượng đó có thể sẽ chiếm cả Louisiana cũng như Mexico.

Đó không phải là bức thư đầu tiên báo về kế hoạch Mexico của Burr gửi tới Jefferson. Đó cũng không phải lần đầu tiên Jefferson nghe nói rằng Burr đang có kế hoạch tách các bang miền tây khỏi Hợp chủng. Tuy nhiên, không như các thư khác, lần này Jefferson xem bức thư của Wilkinson như một chứng cớ chắc chắn cho tội của Burr.

Tổng thống triệu tập ngay nội các để bàn cách đối phó. Cuộc họp đi đến quyết định: Tất cả các tư lệnh quân đội được lệnh bắt ngay Burr.

Tổng thống Jefferson đã tuyên bố công khai ngay sau đó là đang có một kế hoạch vũ trang bí mật chống lại người Tây Ban Nha và bất cứ ai dính líu đến kế hoạch này nên từ bỏ ngay lập tức. Lời tuyên bố không nói gì đến tên Aaron Burr.

Jefferson cũng đề cập đến một kế hoạch vũ trang bí mật trong Thông điệp Liên bang hàng năm của tổng thống trước Quốc hội. Sau đó Quốc hội đề nghị cung cấp thêm thông tin. Trong một phát biểu đặc biệt khác, tổng thống còn nói rằng Burr có nhiều kế hoạch khác nhau, trong đó có việc tách các bang miền tây khỏi Hợp chủng và một kế hoạch khác là chiếm Mexico. Tổng thống nói Burr đang cố làm mọi người tin rằng ông ta đang xây dựng một khu định cư ở Louisiana, nhưng theo tổng thống, đó chỉ là một mưu mẹo.

Tổng thống nói rằng Burr đã phát hiện ra người dân ở các bang miền tây không ủng hộ việc tách họ khỏi Hợp chủng nên Burr đã quyết định sẽ chiếm lấy New Orleans. Jefferson cho rằng không còn điều gì nghi ngờ việc Burr đã phạm tội.

Tòa án sau này đã không chứng minh được tội của Burr. Nhưng, đối với nhiều người Mỹ, những nhận định của Jefferson được coi như sự thật. Một số người còn yêu cầu kết Burr vào hình phạt tử hình do đã phản bội tổ quốc.

Tội phản bội tổ quốc, như được giải thích trong Hiến pháp Mỹ, là một hành động của một công dân gây ra chiến tranh chống lại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Burr bị bắt vào tháng Hai năm 1807 và bị giải về Richmon, bang Virginia để chờ một đại bồi thẩm đoàn liên bang (federal grand jury) xem xét có đủ chứng cứ để đưa Burr ra xét xử không. Vào tháng Sáu năm đó, bồi thẩm đoàn liên bang đã chính thức cáo buộc Burr vào tội phản quốc. Burr sẽ phải ra trước tòa do John Marshall, Chánh án Tòa án Tối cao của Hợp chủng Quốc Hoa kỳ làm chủ tọa.

Tại tòa có lần Burr đã tự bào chữa cho mình. Burr nói rằng « Phản bội tổ quốc không thể thực hiện được khi không có hành động. Trong khi vào lúc này đây, tôi bị cáo buộc không phải vì những hành động của tôi mà chỉ vì những tin tức sai lệch về những điều tôi có thể sẽ làm. Rõ ràng là cả nước đang chống lại một mình tôi. Đó có phải là công lý không ? Ông Wilkinson đã làm tổng thống lo sợ về tôi. Sau đó, đến lượt tổng thống lại làm cho tất cả mọi người lo sợ.”

Đúng là Tổng thống Jefferson đã muốn chứng minh Burr có tội. Ông đã lệnh cho các nhân viên chính quyền ở khắp nơi phải tìm ra nhân chứng để đưa ra chứng cớ chống lại Burr.

Một số đối thủ của Jefferson nói rằng Jefferson làm điều đó để biến phiên tòa thành một cuộc đấu về chính trị. Họ cho rằng Jefferson muốn sử dụng hồ sơ của tòa án để tấn công Chánh án Tối cao (Chief Justice) Marshall – một thành viên của đảng đối lập Federalist. Jefferson đã từng phản đối cách Marshall kiểm soát Tòa án Tối cao. Jefferson cho rằng Marshall đã sử dụng vị thế của mình để đe dọa quyền lực của tổng thống và Quốc hội.

Chánh án Tối cao Marshall đã biết trong việc cáo buộc Burr có một phần ý muốn của Jefferson. Vì vậy ông đã hết sức thận trọng và công bằng trong việc đưa ra ý kiến và quyết định.

Vào cuối tháng Tám, Chánh án Tối cao Marshall quyết định chấm dứt việc thu thập chứng cớ. Ông nói với tòa rằng, theo qui định của Hiến pháp, một cáo buộc phản quốc bắt buộc phải được chứng minh bằng hai nhân chứng, nhưng cáo buộc của chính phủ trong trường hợp này thậm chí còn không có lấy một nhân chứng. Sau đó ông ra lệnh cho bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết vụ án.

Ngày 01 tháng Chín, bồi thẩm đoàn công bố phán quyết. Phán quyết viết rằng: “ Chúng tôi, thuộc bồi thẩm đoàn, tuyên bố rằng các chứng cớ đưa ra đã không chứng minh được Aaron Burr có tội. Vì vậy, chúng tôi thấy ông ta không có tội.” Burr và các luật sư của ông hết sức tức giận và phản đối quyết liệt cách viết trong phán quyết. Burr và các luật sư nói rằng bồi thẩm đoàn không có quyền nói nhiều hơn chữ “có tội” hoặc “không có tội.” Marshall đồng ý và lệnh cho viết lại phán quyết chỉ đơn giản là “không có tội.” Phiên tòa kết thúc.

Aaron Burr còn sống thêm 29 năm nữa. Có thời gian ông sang châu Âu và sau đó trở về thành phố New York. Chỉ vài giờ trước khi qua đời, một người bạn của ông đã hỏi có bao giờ ông âm mưu chiếm Mexico với mục đích làm tan rã Hợp chúng chưa. Burr trả lời: ” Chưa! Nếu có thể tôi đã phải nghĩ ngay đến việc chiếm lấy mặt trăng và báo cho các bạn biết là tôi sẽ chia cho các bạn.”

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.

Tháng 06/2009
(Nguồn: Program #40 of THE MAKING OF A NATION
http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-07/2008-07-01-voa2.cfm)
Note: Công bố tháng 07/2009.

Đấu tranh bất bạo động: tại sao không ?

Không hoàn thiện là một đặc tính tự thân của thế giới tự nhiên. Nhưng đối với xã hội loài người, sự không hoàn hảo ngoài lý do tự nhiên, còn có thêm những lý do do chính con người gây ra, một cách vô tình hay cố ý. Hoàn thiện bản thân, hoàn thiện xã hội luôn là ước mơ, khao khát chính đáng của loài người từ hàng ngàn năm nay.

Để ước mơ và khao khát chính đáng đó trở thành hiện thực, không có cách nào khác hơn là phải tích cực và chủ động đấu tranh với các nhân tố, thế lực đang gây ra hay giấu đi những yếu kém, khuyết tật, suy đồi của bản thân cũng như của xã hội. Vì vậy đấu tranh đã nghiễm nhiên là một đặc tính và là một bổn phận của mọi công dân trong các xã hội, kể các xã hội văn minh nhất. Tuyên ngôn Nhân quyền hay các Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hợp Quốc không chỉ là việc minh xác những quyền tối thiểu của con người trong một xã hội văn minh mà chính là sự cổ vũ, thúc đẩy cho mọi đấu tranh để các quyền đó đến được với tất cả mọi người. Đối với các xã hội mà nhà nước không phải do dân bầu lên, cuộc đấu tranh đó đương nhiên phải bức thiết và cam go hơn rất nhiều. Bởi quyền con người, dù có được thừa nhận tại những nơi đó, không chỉ thiếu hụt hay thực thi hời hợt mà nó còn bị các thế lực quyền thế kìm giữ cho riêng chúng một cách hung hãn.

Dùng sức mạnh cơ bắp hay vũ khí để bảo vệ bản thân chống lại cái ác đến từ đồng loại hay thiên nhiên là dạng đấu tranh có tính chất sơ khai, bản năng nhất của con người. Do đó một xã hội muốn thoát khỏi sự man rợ phải là một xã hội biết thừa nhận và cổ vũ các phương pháp đấu tranh bất bạo động - chỉ dùng lý lẽ và các cách thức ôn hòa để tạo áp lực nhằm cải biến, sửa chữa các khuyết tật của cá nhân, tổ chức hay toàn xã hội. Một nhà nước muốn xã hội văn minh hơn thì phải biết cổ vũ, khuyến khích các phương pháp đấu tranh bất bạo động. Một nhà nước muốn người dân thực sự là Con Người thì không bao giờ ngăn cản hay đe dọa các sáng kiến đấu tranh bất bạo động.

Các xô xát hay bạo lực có thể xảy ra trong các cuộc đấu tranh bất bạo động, trước tiên phải thuộc trách nhiệm nhà nước. Với một hệ thống pháp luật minh bạch và được thực thi đúng đắn, cùng với các phương tiện và nguồn lực khác, một nhà nước có thiện ý hoàn toàn có khả năng kiểm soát và ngăn chặn được mọi nguy cơ bạo lực có thể xảy ra trong các phương thức đấu tranh bất bạo động của dân chúng. Nếu một nhà nước thoái thác việc đảm bảo an ninh cho một cuộc tuần hành để phản đối sự nhũng lạm trắng trợn tiền thuế của dân hay một cuộc biểu tình ngồi trên quảng trường nhằm xiển dương lòng yêu nước trước sự ngang ngược của quốc gia láng giềng, nhà nước đó có còn đủ tư cách là một nhà nước của dân? Gánh thêm một nhiệm vụ có thể sẽ làm cho trách nhiệm của một nhà nước thêm phức tạp. Nhưng đổi lại, và chỉ có thế, nhà nước đó mới chứng tỏ được tính chất của dân, do dân và vì dân và, quan trọng hơn, nhà nước đó có thêm một sức mạnh để ngăn chặn hay loại bỏ các hư hỏng, khuyết tật lỳ lợm nhất của chính bản thân nó một cách hữu hiệu.

Đấu tranh bất bạo động đã chứng tỏ không chỉ đem lại được độc lập cho nhiều quốc gia bị thực dân đô hộ hàng trăm năm mà nó còn là phương thức để chuyển hóa nhiều chính quyền độc đoán, ác nghiệt, thiếu tự chủ sang chính quyền đa nguyên, nhân ái và tự chủ.

Đương nhiên vẫn có những cá nhân, thế lực, nhà nước không muốn dân chúng đấu tranh thực sự với các bất công, các khuyết tật của xã hội hay chế độ chính trị, dù là đấu tranh bất bạo động. Nhưng đối với người dân, không thể không tự tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp đấu tranh bất bạo động nếu không muốn bản thân và con cháu mãi vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn của áp bức, chiến tranh và lại áp bức.

Phạm Hồng Sơn
29/06/2009

Hãy bắt tôi đi !

Sự tước đoạt tự do của một cá nhân thường là không thể thấm với sự tước đoạt lãnh thổ của một quốc gia hay sự nhục mạ danh dự của một dân tộc. Song, việc bắt Luật sư Lê Công Định đã không còn là chuyện trấn áp một cá nhân.

Giữa lúc biên thùy đang rên xiết, quốc thổ nơi xung yếu bị thao túng. Sao dám đang tâm tống ngục người đòi «Trả lại hào khí Diên Hồng » ?

Ngay khi nguyên khí quốc gia đang gắng gượng trở dậy. Sao có thể lưu đày nhân sỹ đang nỗ lực «Khai dân trí » ?

Trong lúc dân đen đang khốn đốn vì bị chặn đường ra biển. Sao lại triệt đi một tinh thần dám «Vươn ra biển lớn» ?

Thường nghe, kẻ làm vua túng quẫn xưa kia khi chạy sang phương Bắc cũng chưa bao giờ dám thất thố với kẻ sỹ, chả dám lên giọng mắng mỏ thần dân, cũng không xuẩn đến mức hả hê, tự đắc với thân phận tôi đòi.

Sự thách thức tinh thần dân tộc là điều đã rõ. Trò nhạo báng danh dự quốc gia là điều đang hiển hiện. Âm mưu dọa nạt lương tri đang thức tỉnh là điều không còn bàn cãi.

Sự tồn vong của dân tộc, nền độc lập của giang sơn đang ngóng chờ một thái độ dứt khoát của mỗi con dân nước Việt trước các thách thức, nhạo báng, dọa nạt lịch sử. Bóng của những âm mưu trấn áp vẫn đang rình rập ngày đêm khắp không gian nước Việt. Nhưng, chúng sẽ phải hoảng hồn tan biến khi tiếng hô đồng thanh cất lên: Hãy bắt tôi đi !

Phạm Hồng Sơn
16/06/2009

(Tất cả các từ đặt trong « « là nhan đề bài viết hoặc diễn đàn đã tham gia của Luật sư Lê Công Định)

Note: 1. Chữ "...đang tâm..." do Thongluan.org sửa giúp từ chữ "...đang tay..."
2. Có lẽ "Hãy bắt ta đi!" hay hơn.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Sao lại cúi đầu trước Trung Quốc ?


Christian Caryl và Mary Hennock

« Nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra sẵn sàng nhường vị thế thống trị châu Á cho Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc chưa thể đủ khả năng cho vai trò này. »

Ngày càng có nhiều học giả châu Á và phương Tây tuyên bố rằng thời điểm của Trung Quốc cuối cùng cũng đã tới. Ai có thể phản bác được họ? Khi Hoa Kỳ đang phải gắng vật lộn với sự suy giảm nghiêm trọng về kinh tế và phải khôi phục lại hình ảnh đã bị hoen ố do hai cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục như vô tận, Trung Quốc đang lớn lên và khuếch trương ảnh hưởng ra thế giới. Sự tự tin có thể sờ được ở mọi chỗ trên khắp «Vương quốc Trung nguyên » (Middle Kingdom). Tháng trước, tại Diễn đàn Bác-Ngao (câu trả lời của Bắc Kinh đối với Diễn đàn Davos), một loạt các diễn giả Trung Quốc đã không còn lên tiếng với vẻ khiêm nhường thường có nữa và còn chế nhạo Washington về chuyện yếu kém trong quản lý tài chính. Những diễn giả này kêu gọi thiết lập một loại tiền dự trữ mới thay cho Đô-La và đòi hỏi có nhiều ảnh hưởng hơn trong hệ thống kinh tế thế giới. Vài ngày sau đó, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh, lần đầu tiên, đã phô cho thế giới thấy hai tầu ngầm hạt nhân và tuyên bố lực lượng hải quân của họ sẽ sớm phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Nhưng điều gây ngạc nhiên đặc biệt về sự trỗi dậy của Trung Quốc là việc mọi người rất ít xem lại thực lực của nó có phù hợp với vị thế quốc gia đứng đầu châu Á không. Thực trạng này cũng diễn ra ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế gấp 10 lần Trung Quốc. Hoạt cảnh Bắc Kinh đang giữ một vai trò đứng đầu tại các cuộc gặp thượng đỉnh, nơi mà Tokyo nhìn chung không nổi bật, cũng dường như đang được chào đón ở khắp nơi như một sự tưởng thưởng gấp gáp. Ngày càng có thêm các lãnh đạo ở khắp thế giới âm thầm cúi đầu trước Trung Quốc như một siêu cường với hết thảy động lực cho kinh tế. Đó cũng là thông điệp không nói ra khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngay tháng trước, đã xin lỗi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc đã tiếp kiến Đức Dalai Lama, hoặc khi Hoa Kỳ lặng lẽ dừng việc lên án Trung Quốc thao túng đồng tiền nội địa. Các báo phát hành từ London cho tới Seoul đều đang chạy các tin về sự nổi lên của Trung Quốc như một quốc gia điều khiển thế giới, và nhà báo Martin Jacques gần đây còn dự báo trong tờ The Guardian là Thượng Hải sẽ sớm thay New York làm «trung tâm tài chính thế giới ». Ông ta còn không nhắc đến những đối thủ khác trong vùng như Tokyo, Singapore hay Seoul.

Các học giả như David Kang của UCLA (Đại học California, Los Angeles) thậm chí còn cho rằng sự nổi dậy của một trật tự thế giới xoay quanh Trung Quốc có thể là một tiến triển tích cực và mang lại sự ổn định. Trong phần lớn của hai nghìn năm qua, ông ta ghi nhận, rằng người châu Á đã coi sự thống trị của Trung Quốc như một phần của cuộc sống. Và sự thống trị đó thường là hiền lành: trong khi đế chế Trung Quốc muốn các nước láng giềng thừa nhận sự thống lĩnh của nó và phục dịch nó thì ngược lại nó cũng thường để cho các nước đó được yên thân. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã chứng tỏ rõ ràng tính ổn định và mềm dẻo. Kang còn nói « Nếu nhìn vào lịch sử, bạn sẽ không thể kết luận ngay được là Trung Quốc càng lớn thì càng nguy hiểm. »

Có thể thực tế đã đúng như những nhận định vừa nêu. Nhưng sẽ đích đáng để xem xem Trung Quốc đã thực sự sẵn sàng làm thủ lĩnh, ngay ở mức độ trong khu vực, hay chưa. Trong khi châu Á hiện tại vẫn còn hỗn độn, đa cực về sức mạnh, nó chưa thể tự gò mình vào một thứ tôn ti nào. Trung Quốc đúng là lớn hơn rất nhiều các nước láng giềng về qui mô kinh tế, nhưng với các thước đo khác như công nghệ, GDP/đầu người hoặc sức mạnh của các định chế trong xã hội, Trung Quốc còn xa mới tới được vị trí số 1. Nhà quan sát châu Á Bill Emmott đã viết trong cuốn « Rivals » (các đối thủ) mới ra gần đây, rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc đang bị mắc kẹt vào các loại đầu tư hoang phí, các xuất khẩu vốn qui mô lớn (massive capital export), dự trữ ngoại hối kiểu phô trương và nạn ô nhiễm trầm trọng. Chính thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, gần đây đã nói rằng các sai lầm về cấu trúc đang gây ra tình trạng « phát triển bất ổn định, bất cân bằng, bất đồng điệu và bất bền vững. »

Mô hình Trung Quốc hiện tại khó có thể giúp Trung Quốc vượt qua được các đối thủ để lãnh đạo châu Á. Nhật Bản hiện tại kém xa Trung Quốc về tham nhũng và được quản lý tốt hơn, và vẫn đang giữ một vị trí vững chắc đứng đầu về công nghệ. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản hướng về xuất khẩu đang phải chịu một suy giảm lớn từ suy sụp tài chính toàn cầu, các công ty giàu vốn của Nhật vẫn đang tiếp tục dồn tiền vào Nghiên cứu-Phát triển (R&D) cho đủ loại sản phẩm, từ điện tử cho tới sắt thép. Chính vì thế mà Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi «xanh », và Trung Quốc không thể theo kịp. Charles Gassenheimer, Tổng giám đốc của hãng xe hơi-« xanh » Ener1 của Hoa Kỳ, cho rằng tổng đầu tư của Nhật Bản vào việc phát triển loại ắc-qui tối tân nhất đã luôn gấp 10 lần Hoa Kỳ suốt một thập niên qua (từ năm 1998). Trong khi Trung Quốc chỉ mới bước vào cuộc chơi (dù với một tốc độ cao).

Ngay cả Nam Hàn – một nước khó chịu với thân phận bị gọi là «hạng tôm tép giữa đám cá voi » - cũng đã và đang nổi lên như một sức mạnh, đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất, có tính sáng tạo nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Theo Chỉ số Đổi mới Quốc tế (International Innovation Index) gần nhất, Nam Hàn đứng thứ nhì thế giới, còn Trung Quốc thứ 27. Nam Hàn là một ví dụ cho thấy châu Á ngày nay có rất nhiều thủ lĩnh tùy theo lĩnh vực : Trung Quốc xuất chúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá thấp, nhưng Nhật Bản và Nam Hàn lại đứng đầu về đổi mới và sản phẩm công nghệ cao.

Do vậy, dưới nhiều phương diện, ý nghĩa trọn vẹn của Số 1 đã trở nên lỗi thời. Một số chuyên gia cho rằng người châu Á vẫn bị đóng chặt vào ý nghĩa đó của Số 1 là do ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử-nhấn mạnh phải tôn trọng hệ thống thứ bậc có tôn ti, trật tự. Nhưng, hãy nhìn cách Singapore đang khai thác giá trị gia tăng của công nghệ thông tin để chiếm một vị thế trên thế giới khác với mức nhỏ bé về lãnh thổ. Hoặc hãy xem cách tác động của hoạt động thương mại thế giới và mạng Internet làm cho Bắc Kinh ngày càng thấy gay go trong việc duy trì trật tự ở trong nước. Rõ ràng thời đại toàn cầu hóa không chấp nhận quan điểm thứ bậc tôn ty của Khổng Tử.

Những chiến lược gia về ngoại giao theo quan điểm duy thực vẫn thích chỉ ra thực tế của khu vực chưa bao giờ thấy cả hai (Trung Quốc và Nhật Bản) cùng mạnh một lúc. Những chuyên gia này lo ngại sự tiến triển đó có thể dẫn đến xung đột và sợ rằng sức mạnh hải quân Trung Quốc, có thể bị các đảo của Nhật Bản vây hãm khi có xung đột, đã được điều đi thăm dò hệ thống phòng vệ của Nhật Bản rồi. Trong khi đó Tokyo đang tăng cường Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quanh các đảo có tranh chấp và đưa máy bay tới kiểm soát các dàn khoan dầu của Trung Quốc. Aaron Friedberg, nhà nghiên cứu chính trị tại Princeton, đã so sánh châu Á hiện đại với châu Âu trong thế kỷ 19 khi các nước lớn vẫn còn dùng mánh «diễu võ giương oai» để giành quyền kiểm soát.

Điều này nhấn mạnh vào việc phải xem còn bao xa Trung Quốc mới đạt được vị thế thống trị trong khu vực. Vào thế kỷ 19, không có một dân tộc đơn lẻ nào tại châu Âu có khả năng khống chế cả châu Âu. Tương tự, không có gì chắc chắn cho thấy Trung Quốc có thể thắng Nhật ngay cả trong một cuộc xung đột nhỏ, và khả năng càng ít hơn đối với một xung đột lớn-sẽ làm người đồng minh lớn nhất của Nhật phải tham dự. Hơn nữa: dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng liên tục trên 10% hàng năm thì cũng cần phải ít nhất một thập niên nữa Trung Quốc mới có thể hạ thủy được tàu sân bay đầu tiên – dấu chỉ của hải quân đủ khả năng áp đặt được sức mạnh (trong khi Hoa Kỳ hiện đã có 11 chiếc).

Dĩ nhiên Trung Quốc không tuyên bố bất kỳ khát vọng nào về thống trị quân sự hay bá chủ kinh tế, và cũng có thể Trung Quốc đang cần giữ gìn về lời ăn tiếng nói. Vấn đề quan trọng hiện nay là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một ràng buộc lớn theo kiểu chủ nợ-con nợ và kẻ mua-người bán. Điều tương tự cũng đang xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để trở thành bạn hàng số 1 của Nhật Bản vào năm 2007. Một nước Nhật già cỗi đang tận dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc, trong khi các nhà máy tại Đồng bằng Sông Ngọc (đông nam Trung Quốc-ND) thường dùng các máy móc và công nghệ made in Japan. Hợp tác cấp thế giới và vùng đang có ý nghĩa rất lớn cho lợi ích của cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có lý do để các nước láng giềng phải chuẩn bị cho một Trung Quốc hung hãn hơn. Vẫn có các nỗ lực nhằm xây dựng một tổ chức tự vệ khu vực chung, nhưng đang gặp trở ngại do những khác biệt về nguồn lực và ý thức hệ và do cả nỗi e ngại có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng vẫn có nhiều cách khác để thúc đẩy một châu Á tiến theo chiều đa cực. Chính quyền Obama dường như đang đi theo hướng này : khi tới thăm châu Á tháng Hai vừa qua, Hillary Clinton đã tới Nhật Bản trước tiên, sau đó là Seoul, nhằm thúc giục hai bên hợp tác với nhau. Sau đó Hillary Clinton tới Indonesia, một chế độ dân chủ lớn và mới hình thành. Chỉ sau đó, Hillary Clinton mới dừng ở Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản hợp tác với nhau trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chính là một dạng vấn đề liên quốc gia cần đến sự hợp tác, chứ không cần kiểu « giễu võ, dương oai » - một mánh lới đang trở nên phổ biến, nhưng chỉ là kiểu «múa rìu qua mắt thợ».

Phạm Hồng Sơn dịch
27/05/2009

(Nguồn: Why Bow to China? Newsweek No21, May 25, 2009
http://www.newsweek.com/id/197899)