Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

Vượt trên lòng căm thù



Hiện tượng ngày càng có nhiều người dân Việt nam thuộc nhiều nghề nghiệp, thành phần khác nhau, bất chấp những đe dọa, đã tự nguyện thể hiện phản kháng thể chế chính trị độc đảng hiện tại cho thấy rõ công cuộc dân chủ hóa nền chính trị Việt Nam là một nhu cầu tất yếu của phát triển. Hiện tượng này cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định của nghiên cứu xã hội học: “xã hội sẽ không thể tồn tại lâu dài nếu quyền lực xã hội chỉ dựa trên sự ép buộc về tinh thần hay thể xác” (1). 

Sự phản kháng có thể bắt nguồn từ những bức xúc riêng tư hoặc có cội rễ từ những ưu tư sâu lắng cho danh dự, quyền lợi của cộng đồng. Bất luận thế nào, tinh thần phản kháng luôn là một yếu tố cần thiết để có thể chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ. Tuy nhiên, những bức xúc cá nhân hay lòng căm thù chế độ do đã phải chịu đựng những hệ lụy cay nghiệt là điều cần cảnh giác trong quá trình vận động dân chủ, bởi những quyết định, đánh giá trên một nền xúc cảm mạnh đều dễ đưa đến sai lầm hoặc thái quá. Lòng căm thù thiếu tỉnh táo đối với chế độ còn dễ tạo ra tấm khiên che chắn cho giới lãnh đạo độc tài san bớt căm thù cho những người thừa hành, là cái cớ để những cái đầu cực đoan “diều hâu” lấn lướt những bộ óc “bồ câu” vẫn có thể có ngay trong nội bộ quyền lực độc tài. 

Trong khi mọi chính thể độc tài đều cần một “kẻ thù”, dù là vô hình, để duy trì quyền lực. Từ chính quyền của Ahmadinejad ở Iran, của Chavez ở Venezuela, của Fidel và Raul ở Cuba, của đảng cộng sản ở Trung quốc, của Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) ở Bắc Triều Tiên cho tới chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đều thấy kèm theo sự kêu gọi cảnh giác, chống lại lực lượng “thù địch” hay “kẻ thù”, đôi khi rất mơ hồ. Do đó việc vạch trần, lên án những hành vi tội ác của chế độ cần phải kèm theo lòng khoan dung. Lòng khoan dung không chỉ làm cho sách lược tạo “thù địch” hay “kẻ thù” của kẻ độc tài trở nên lạc lõng, vô hiệu mà còn mang lại sức lôi cuốn, sự thức tỉnh đối với chính hệ thống thừa hành của chế độ độc tài. Kiên quyết giải thể độc tài với một tấm lòng khoan dung chính là giá trị nhân văn nền tảng trong vận động dân chủ, vì nền dân chủ đúng nghĩa đã bao hàm sự khoan dung của tinh thần đa nguyên với những cách thức giải quyết hoàn toàn bằng đối thoại. Cho dù những tội ác của chính thể độc tài không thể bỏ qua, nhưng nó phải được xem xét trên tinh thần pháp luật thận trọng của nền dân chủ, đã xét đến lợi ích của toàn xã hội.

Nếu như rất dễ lý giải rằng hệ thống thông tin của Nhà nước độc đảng hiện nay thường đưa tin một chiều, tạo tác thông tin để ca tụng chế độ cộng sản và bôi xấu lực lượng dân chủ, thì cần phải nghiêm túc suy nghĩ đối với hiện tượng trong hệ thống thông tin phản kháng chế độ độc đảng hiện nay cũng đang tồn tại một xu hướng lên án, bác bỏ hoàn toàn mọi công việc mà chế độ cộng sản đã thực hiện tại Việt Nam, thường bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất của sự thóa mạ. Để biện hộ, sẽ có rất nhiều lý do từ việc đảng cộng sản thanh trừng các đảng phái phi cộng sản sau 1945 đến những tang thương, oan nghiệt trong “cải cách ruộng đất”, trong “Nhân văn-Giai phẩm”, sự ấu trĩ trong “cải tạo công thương”, sự đày đọa những viên chức Việt Nam Cộng Hoà sau 1975, sự tủi nhục và đau thương của những “thuyền nhân” trong thập niên 1980 và sự bạc nhược của đảng cộng sản Việt nam trước Trung quốc, v.v. Nhưng sẽ thật sự khó có thể có cơ hội cho những gặp gỡ nếu những ngôn từ chỉ trích của cả hai phía đều bị bọc kín bởi sự miệt thị, thù hằn không khoan nhượng. Các cuộc xung đột nội bộ dân tộc của Triều Tiên, Miến Điện, Sri Lanka, Kenya, Sudan…đều cho thấy từ gặp gỡ đến đối thoại vẫn là một khoảng cách vô cùng lớn.Với tinh thần khách quan, hơn 60 năm tồn tại trên đất nước Việt Nam, chế độ chính trị do những người theo chủ nghĩa cộng sản dựng lên đã để lại nhiều ân oán trong lòng dân tộc. Nhưng để lượng định một cách công bằng ân huệ (công lao) và oán cừu (tội lỗi) của chế độ này đối với dân tộc là công việc gần như chưa thể khi hệ thống quyền lực của đất nước vẫn hoàn toàn nằm trong tay những người ủng hộ chế độ đó. Do đó việc chỉ ra những khuyết tật, những sai lầm, những tội ác của chế độ này là công việc cần thiết của lực lượng vận động dân chủ để nhân dân có được bức tranh trung thực về chế độ hiện tại, nhưng cần phải được thực hiện trên tinh thần phân tích khoa học thận trọng để tránh những ngộ nhận hoặc sai lầm bỏ qua những yếu tố tích cực, thuận lợi. Trên phương diện thống kê học, bất cứ một tổng hợp dữ liệu nào cho ra kết luận đơn cực cũng gợi ý ít nhất phải xem lại tính cân đối và công bằng trong thu thập dữ liệu. Trong khoa học xã hội, quan điểm phủ nhận sạch trơn đã được chứng tỏ tính phi khoa học. Hơn nữa, dù một chế độ đã suy đồi cần phải khẩn cấp thay đổi cũng có những yếu tố xứng đáng cần sử dụng, kế thừa cho sự phát triển của chế độ mới. Một trong những khuyết tật cơ bản của chính thể cộng sản đang cần thay đổi cũng nằm ở việc không tôn trọng nguyên tắc này.Qua nghiên cứu và sự vận hành tại nhiều quốc gia, chính thể dân chủ đã chứng tỏ là phương thức quản trị xã hội được tích hợp từ nhiều thành quả khoa học mà loài người đã kỳ công đạt được qua nhiều thế kỷ (nguyên tắc đối trọng của vật lý học; nguyên tắc độc lập để chế ước, thúc đẩy lẫn nhau của luật cân bằng sinh học; nguyên tắc tranh biện của triết học; nguyên tắc tôn trọng đa dạng của giới tự nhiên;…). Chính đặc tính khoa học (chứ không phải ý thức hệ) của chính thể dân chủ nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận khoa học đối với mọi vấn đề gặp phải trong quá trình xây dựng và tôn tạo chính thể dân chủ. 

Như mọi hoạt động khoa học khác, việc xây dựng chính thể dân chủ, như thế, cũng phải cần sự đam mê, đức hy sinh nhưng buộc phải thoát khỏi ảnh hưởng của tình cảm yêu, ghét, tôn thờ hay thành kiến để có một thái độ khách quan của khoa học. Các cuộc cách mạng đều có một điểm chung là cần huy động tinh thần phản kháng hay lòng căm thù của dân chúng đối với chế độ đương thời. Nhưng để xây dựng được một thể chế chính trị dân chủ, sự chán ghét hay căm thù chế độ hiện thời không đủ và đôi khi còn là điều kiện để một chế độ phi dân chủ khác hình thành. 

Lịch sử đã để lại nhiều minh họa cho nỗi thất vọng này. Cho dù ngục Bastille đã bị phá, đầu vua Louis XVI đã bị chặt, những lý tưởng tốt đẹp về nền cộng hoà của cuộc Cách mạng Pháp 1789 đã sớm bị thay thế bằng một chính thể độc tài khét tiếng của Napoleon. Ở các nước theo chế độ cộng sản, người dân đã bị khích động lòng căm thù tới mức sẵn sàng phá hết những gì thuộc chế độ cũ để lại, nhưng cuối cùng họ có được chế độ như thế nào, là điều ai cũng đã rõ! 

Nhưng lịch sử cũng cho ta những kinh nghiệm để hy vọng lớn. Quá trình tranh biện cam go với những đối nghịch về quyền lợi và quan điểm giữa những người lập quốc của Hoa Kỳ, trong quá trình thiết lập một nhà nước Cộng hoà liên bang đã cho thấy tầm quan trọng của lòng khoan dung, tính khoa học của sự cân nhắc khi trở thành nền tảng cho những trái tim yêu nước. Quá trình chuyển đổi thể chế từ chế độ tàn bạo Apartheid sang thể chế dân chủ tại Nam Phi cũng là một minh họa còn tươi mới về lòng khoan dung, tính khoa học cần phải thắng thế trong xây dựng một chính thể dân chủ (đảng ANC của Nelson Mandela khi lên cầm quyền đã thuyết phục dân chúng từ bỏ ý nghĩ “đổ bọn da trắng xuống biển” và nhất quyết duy trì hệ thống trị đa đảng đã có từ thời Apartheid).

Một số phản ứng tập thể (của dân oan, tu sĩ, giới trẻ, văn nghệ sĩ, trí thức) dám đối mặt với chính quyền trong thời gian gần đây cho thấy sự căm hờn của dân chúng là điều khó tránh khỏi nếu những lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kìm giữ quyền làm chính trị của người dân để dễ bề khai thác, trục lợi sức dân và tài nguyên đất nước. Nếu sự bất bình, uất hận của dân chúng có thể làm cho những người đang nắm quyền hiện nay phải nghĩ đến những hệ lụy cho bản thân và gia đình họ, thì những người vận động dân chủ phải nghĩ đến những khả năng lòng căm thù của dân chúng có thể bùng nổ tới mức gây khó khăn cho kiến tạo dân chủ trong thời kỳ hậu độc đảng. 

Vấn đề này được đặt ra trong thời điểm hiện nay của Việt Nam có thể hơi sớm. Nhưng những kinh nghiệm của các dân tộc đi trước trên con đường dân chủ hóa đã chỉ rõ tâm lý uất hận trả thù chế độ độc tài chuyên chế có thể gây ra những ngáng trở khó lường. Như vậy, lòng quả cảm giúp chúng ta dám đứng lên phản kháng thể chế chính trị độc tài, độc đảng, nhưng rất cần nhấn mạnh rằng chính tấm lòng khoan dung và tinh thần khoa học mới có thể làm cho những khát vọng dân chủ trở thành hiện thực.


Phạm Hồng Sơn
(1) Theo Nhà xã hội học John J.Macionis trong tác phẩm Sociology (Prentice Hall, Toronto, Canada, 1987); bản tiếng Việt với tựa đề Xã hội học. Nhà xuất bản Thống kê, 2004.