Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

TỰ DO CHÍNH TRỊ: NỀN TẢNG CHO TRÍ THỨC VÀ NHÂN PHẨM

TỰ DO CHÍNH TRỊ: NỀN TẢNG CHO TRÍ THỨC VÀ NHÂN PHẨM

Trân trọng gửi tặng Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt nam.


I. Ba giai đoạn trong quan niệm về Trí thức.

Về thuật ngữ “Trí thức” của Việt nam hay tương đương của phương Tây (Anh, Pháp) là Intellectual, Intellectuel đều là những thuật ngữ có tuổi trẻ so với lịch sử quốc gia. Ở Việt Nam thuật ngữ Trí thức chắc chắn chỉ có sau khi chữ quốc ngữ ra đời với sự du nhập của văn hóa phương Tây (có thể có mục đích thay cho từ Sĩ Phu thời nho học) và đã thấy xuất hiện một cách tự nhiên trong các tác phẩm giảng dạy của Đông Kinh Nghĩa Thục vào năm 1907. Đối với phương Tây, thuật ngữ Intellectual (Intellectuel) cũng được cho là chỉ trở thành danh từ chỉ người trong tiếng Pháp vào khoảng cuối thế kỷ 19 (sau vụ án oan Dreyfus nổi tiếng). Đối với tiếng Việt trước đây, thuật ngữ Trí thức còn đồng nghĩa với từ Tri thức hiện nay đang dùng.

Việc tranh luận về quan niệm Trí thức vẫn đang là một tranh luận ngỏ, tuy nhiên để có thể dễ dàng hình dung, tôi xin được khái quát hóa sự phát triển ý niệm Trí thức (con người) theo 03 giai đoạn sau:

- GĐ1: khi chữ viết mới phát triển, lao động chủ yếu dựa vào cơ bắp, Trí thức là những người sở hữu một công cụ (chữ viết) để tiếp cận kho tàng tri thức nhân loại. (giai đoạn đó được gọi là Sĩ phu của Việt nam hay Men of letters của phương Tây). Ở Việt nam, giai đoạn này có thể lấy mốc là năm thành lập trường Đại học y Hà nội năm 1902 trở về trước. Còn ở phương tây có thể lấy mốc từ thế kỷ 17 trở về trước (trước thời kỳ Khai sáng).
- GĐ2: Khi chữ viết đã được lan truyền rộng rãi và xã hội đã phát triển nhiều nghề nghiệp liên quan đến sử dụng chữ viết, ít sử dụng cơ bắp thì Trí thức được dành gọi chung cho những người làm những công việc (nghề nghiệp) có vẻ ngoài nhàn hạ, hiếm và thu nhập cao (do hiếm) như Giáo viên, Luật sư, Kỹ sư, Bác sĩ. Sau đó mở rộng thêm sang Nhà báo, Nhà văn, Họa sỹ, Nhạc sĩ,…
Ở Việt nam, giai đoạn này tính từ 1902 đến năm 2001. Ở phương Tây: sau kỳ Khai sáng đến năm 1975.
- GĐ3: Quan niệm Trí thức với sự gắn kết vào bằng cấp, nghề nghiệp, tầng lớp đã bị thách đố. Ở Việt nam, giai đoạn này tính từ năm 2001đến nay. Ở phương Tây từ năm 1975 đến nay.

Mốc năm 1975 hay năm 2001 có tính biểu tượng để có thể thấy rõ không chỉ những người được đào tạo chính thống qua trường lớp hay có học vị mới có thể đóng góp trí tuệ cho tiến bộ của con người. Năm 1975 là năm sinh viên 20 tuổi có tên là Bill Gates tự bỏ học ở trường đại học danh tiếng Harvard để đi làm và sau đó đã trở thành Bill Gates ngày nay. Tương tự, mốc 2001 tại Việt Nam cũng là năm ông “Thần Đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (mới học hết lớp 04) lập công ty chuyên về di dời những công trình xây dựng gây kinh ngạc cho giới kỹ sư xây dựng. Mặc dù trước mốc 1975 hay 2001 cũng đã có nhiều nhân vật kiệt xuất trong sáng tạo mà không qua trường lớp như Thomas Edison, anh em nhà Wrights (đối với phương Tây) hay “Vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn ở Việt nam. Nhưng tôi chọn hai mốc trên bởi chúng có những đặc điểm quan trọng vì năm 1975 thế giới chuẩn bị đi vào thập kỷ bừng tỉnh khỏi ngộ nhận đối với chủ nghĩa cộng sản ở mức độ toàn cầu và phát minh của Bill Gates về công nghệ điện toán đã góp phần làm biến đổi thế giới (được Time chọn là 100 nhân vật ảnh hưởng của thế kỷ 20). Năm 2001, đối với Việt Nam, sau 15 năm mở cửa về kinh tế, đã có một tầng lớp vừa có tài sản lớn, vừa có quyền lớn và học vị lớn (những lãnh đạo các cơ quan chính quyền), nạn bằng giả, bằng thật ( học giả) đã trở thành phổ biến trong xã hội thì chính hiện tượng “Thần đèn” là một cơ hội cho lương tri xã hội phải thức tỉnh và đặt lại câu hỏi về Trí thức hoặc ít nhất cũng thấy sự tương phản giữa bằng cấp, danh vị và những đóng góp thực tế.

Dù ở giai đoạn nào trong 03 giai đoạn trên và dù ở Tây hay Ta, ý niệm Trí thức luôn được ngầm hiểu là những người quan trọng trong việc đóng góp trí tuệ cho xã hội.

II. Ba ngộ nhận đề nghị loại bỏ.

1. Ngộ nhận Trí thức là những người có bằng cấp cao.

Ngộ nhận này bắt nguồn từ giai đoạn đầu của việc phổ cập chữ viết. Chữ viết là một công cụ đắc lực cho con người khám phá kho tàng kiến thức, kinh nghiệm khổng lồ của nhân loại. Do đó, ban đầu những ai có được công cụ này cũng đồng nghĩa với việc có sự hiểu biết, khả năng hơn người khác vì họ thường biết thêm được những kinh nghiệm quí giá từ những nơi khác mà con người sở tại chưa biết. Phần lớn việc phổ biến những kinh nghiệm quí giá đó chỉ là sự bắt chước, làm lại những gì người khác đã làm chứ không phải do sự sáng tạo mang lại. Nhưng kho tàng kiến thức cũng như các loại kho tàng khác, nếu không được bổ sung thì nó cũng sẽ bị “cạn kiệt” hoặc không còn giá trị cho những đòi hỏi mới của cuộc sống nữa. Do đó điều quan trọng là phải đóng góp được những giá trị mới cho nghề nghiệp, xã hội hay nhân loại. Ví dụ như Nhật Bản đã học kỹ nghệ chế tạo ô-tô tại châu Âu, châu Mỹ, nhưng Nhật Bản đã đóng góp thêm những giá trị mới cho nghành chế tạo ô-tô như tính tiết kiệm nhiên liệu, tính thân thiện với môi trường.

Việc đi học và có bằng cấp cao (tùy quan niệm theo thời cuộc) cũng chỉ là một hành vi đi học kiến thức của người khác để đáp ứng đòi hỏi của một công việc nào đó. Bằng cấp cũng chỉ là một xác nhận đã trải qua một quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện về mặt tư duy. Vấn đề cơ bản là người có bằng cấp đó có đóng góp được những giá trị mới cho lĩnh vực chuyên môn riêng hay xã hội nói chung hay không. Tùy theo đòi hỏi của công việc mà người làm việc phải đến lĩnh hội kiến thức tại các cơ sở cung cấp kiến thức (cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu,..) và sau khi học được cấp giấy xác nhận ( bằng cấp) hoặc có thể lĩnh hội kiến thức qua những cách thức khác (học trong gia đình, người đã có nghề,…). Ví dụ công việc làm (nghề) bác sỹ hiện nay chưa thể học ở nhà được cho nên phải tới trường để lĩnh hội. Những nghề hiện nay như sửa xe máy hay chăm sóc tóc của Việt Nam cũng có thể sẽ đến lúc phải tới cơ sở đào tạo (công hoặc tư) để lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, cũng phải biết ngoại ngữ và được cấp bằng mới có thể hành nghề được (ví dụ do yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý của xã hội tăng lên). Việc có bằng cấp hay không chính là xuất phát từ yêu cầu của công việc và xã hội.

Ví dụ một người Thợ sửa xe máy cũng đòi hỏi phải có những kiến thức về “giải phẫu học’’, “ triệu chứng học” về “ bệnh học” và cách “ điều trị” cho chiếc xe máy tương tự như công việc của một Bác sỹ y khoa. Điều cơ bản là người thợ sửa xe máy hay người bác sỹ đó có tạo ra được những giá trị mới cho nghề (xã hội) hay không, còn nếu không thì giá trị công việc của hai con người đó là riêng biệt, không thể so sánh hơn kém được vì không thay thế cho nhau được. Một bác sỹ suốt đời chỉ lặp lại những qui trình chữa bệnh như đã được học không thể mang lại giá trị cho xã hội như một người thợ sửa xe máy nghĩ ra bộ số lùi cho xe máy.
Việc loại bỏ bằng cấp, học vị khỏi quan niệm về Trí thức có thể sẽ làm một số người ngỡ ngàng, hoặc bất bình, nhưng nó sẽ đem lại giá trị thật cho Trí thức, loại bỏ được thói hư danh và trên hết là thúc đẩy mọi cá nhân phải nỗ lực trong việc tạo ra những giá trị mới cho nghề nghiệp, cho xã hội, bất kể đang ở thang bậc nào của sự xác nhận về danh tiếng. Đúng như Lewis Feur quan niệm: “Không có học giả hay nhà khoa học nào được gọi là Trí thức trừ khi người đó theo đuổi (hoặc biểu hiện) sự tìm kiếm một tư tưởng (học thuyết) mới” ('No scientist or
scholar is regarded as an intellectual unless he adheres to or seems to be searching for an ideology”).
2. Ngộ nhận xã hội có sự phân chia kiểu cơ học.

Trong xã hội Việt nam hiện nay vẫn tồn tại một nhận thức còn phổ biến về phân chia giai cấp kiểu cơ học như nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân,..Đây chính là hậu quả từ quan niệm sai lầm về phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp của học thuyết Marx.

Theo Marx, lịch sử xã hội loài người là lịch sử của đấu tranh một mất một còn giữa các giai cấp khác nhau (chủ nô và nô lệ, kẻ thống trị và bị trị,…). Theo Marx, trong xã hội tư bản có hai giai cấp chính đối kháng triệt tiêu nhau là giai cấp tư sản (người bóc lột) và giai cấp vô sản (người bị bóc lột) và theo Marx trước sau thì giai cấp vô sản cũng sẽ tiêu diệt giai cấp tư sản. Đối với Marx, Trí thức là một đội ngũ có quan điểm không triệt để (dao động), gần giống kẻ bóc lột ( tư sản) vì có thu nhập cao hơn giai cấp vô sản và cũng gần giống kẻ vô sản vì cũng phải bán sức lao động cho giai cấp tư sản. Từ quan điểm này những người cộng sản (theo Marx) đã có định kiến coi thường người Trí thức và sử dụng họ như một công cụ cho mục đích đánh đổ giai cấp tư sản (bóc lột). Có thể có nhiều nguyên nhân khác, nhưng có lẽ đây là nguyên nhân cơ bản đã gây ra hoặc bị lấy làm cớ trong các vụ đàn áp, trù dập, tiêu diệt giới Trí thức (những người nhận ra sự tai hại của độc quyền về quyền lực/và sai lầm của Marx) ở các nước cộng sản. Có lẽ sinh thời Marx và những người theo Marx (một cách chân thành) đã không biết rằng xã hội là một tổng thể trong quá trình phát triển luôn có sự vận động ( mâu thuẫn, xung đột, nương tựa, hợp tác) và có một cơ chế để mọi cá nhân, tầng lớp, giai cấp có thể dựa vào để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong tinh thần ôn hòa, bảo tồn cho nhau mà vẫn đảm bảo cho xã hội phát triển, đó chính là tư tưởng Nhà nước Pháp quyền hay chính thể Dân chủ.

Theo quan niệm Nhà nước Pháp quyền, mọi người dân sinh ra đều được tôn trọng về nhân phẩm như nhau để trở thành tư cách công dân với những quyền và nghĩa vụ như nhau, cả về ý nghĩa tối cao về tinh thần (cùng do Thượng đế hay Thiên nhiên sinh ra). Nhưng như tính chất đa dạng (đa nguyên) của giới tự nhiên (mà con người là một thành phần), các con người khác nhau sẽ có những khả năng, thiên hướng khác nhau và với điều kiện khác nhau về môi trường sống mà những công dân đó sẽ tìm cho mình các công việc khác nhau trong xã hội như làm trồng trọt hay buôn bán, làm nghề thủ công, chủ nhà máy, người làm thuê, người viết sách, viết báo, luật sư, kỹ sư, nhạc sỹ, ca sỹ, bộ trưởng, thủ tướng, chủ tịch đảng…theo nhu cầu của xã hội. Quá trình phát triển của loài người cho thấy dù chúng ta có phân loại hay không, xã hội loài người cũng tự hình thành nên những nhóm người, những cộng đồng nhỏ khác nhau cùng chia sẻ chung với nhau về một số đặc điểm thuộc về nghề nghiêp hay quan niệm về tinh thần (tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, chính trị…) tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Sự phân chia ra các tầng lớp hay giai cấp hay đội ngũ chỉ có ý nghĩa với những người thích quan sát (xã hội học chẳng hạn), ban đầu chỉ xuất phát từ khát khao hiểu biết về cộng đồng của mình và sau đó là phục vụ cho các mục đích khác (như quản lý cộng đồng, tác động thay đổi hành vi,…). Trong khi các cá nhân khác nhau (dù được phân nhóm, phân giai cấp) đó vẫn là những đồng bào, những đối tác của nhau, thậm chí là những bạn bè, anh em, cha con của nhau trong sự liên đới của xã hội. Hơn nữa, sự phân tách giữa các nhóm (tầng lớp hay giai cấp) đó chỉ có tính tương đối vì luôn có sự hoán chuyển, biến đổi qua lại giữa các nhóm (tầng lớp) với nhau ở nhiều mức độ khác nhau và xã hội càng tiến về hiện đại thì tính hoán chuyển, thay đổi nội tại và giữa các tầng lớp càng lớn (thời xưa, để từ nô lệ trở thành chủ nô là điều gần như không thể, nhưng ngày nay một người nông dân dễ dàng trở thành một công nhân trong các nhà máy công nghiệp hay một công nhân có thể trở thành ông chủ của một doanh nghiệp, một nông dân có thể trở thành một người làm việc văn phòng hay ngược lại, một nông dân hay công nhân cũng có thể trở thành một ông chủ quản lý công ty lớn hay một nhà khoa học, một doanh nhân có thể làm tổng thống). Những người không thích (hoặc chưa có khả năng) vận não nhiều thì thực hiện những việc (vận hành máy dệt, lắp ráp linh kiện, công việc văn phòng,…) cho những người chỉ thích vận não (nhà thiết kế, nhà quản lý, lãnh đạo,…). Sự thay đổi nghề nghiệp, vị trí lao động của mỗi cá nhân hoàn toàn là có thể. Sự phân công, điều chỉnh lao động bình đẳng như thế đã được thể hiện ở mức độ toàn cầu như các công ty nội địa thuê nhân viên hay người quản lý ngoại quốc hay các quốc gia phát triển thuê người từ các nước kém phát triển sang làm những việc mà người lao động nước đó không muốn làm nữa hoặc chuyển việc ra nước ngoài (out-sourcing), một số quốc gia chỉ sản xuất những sản phẩm có lợi thế. Việc phân chia lao động đó hoàn toàn do sự vận động, phát triển của xã hội (và giữa các xã hội) quyết định trên cơ sở qui luật tương hỗ (cạnh tranh và hợp tác). Các quan hệ được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận về lợi ích được chia sẻ trước sự bảo vệ của luật pháp. Người làm công (công nhân, công chức,..) có quyền bình đẳng trong việc làm hay không làm cho người thuê lao động (ông chủ, cơ quan công,…). Đối với những người có các chức vị như Thủ tướng, Tổng thống hay Bộ trưởng (trong chính thể dân chủ) cũng chỉ là những người làm thuê cho cộng đồng có thời hạn và có trách nhiệm đối với người thuê lao động (các cử tri), như mọi công việc khác. Các vị trí Chủ tịch đảng hay Tổng bí thư là vấn đề nội bộ của các đảng chính trị, họ không có quyền quyết định các vấn đề chung của xã hội hay sử dụng tiền thuế của dân chúng. Trên tinh thần đó không thể có khái niệm bóc lột hay giai cấp thống trị hay bị trị như Marx nêu ra.

Sự bất công (mất cân bằng) trong quan hệ là vấn đề luôn nảy sinh trong mọi quá trình phát triển sẽ được điều chỉnh giữa các phía xung đột qua việc tự thỏa thuận lại (làm lại khế ước) với nhau bằng những phương tiện có sức mạnh ngang nhau trong việc tranh luận, mặc cả (người làm thuê ( công nhân, thủ tướng) sẽ là quyền được khước từ làm việc (bãi công, từ chức); người thuê lao động (ông chủ, nhân dân) sẽ là quyền khước từ trả lương hay thải hồi) với sự giám sát của pháp luật để đảm bảo sự công bằng cho các bên. Như vậy điểm mấu chốt để đảm bảo cho sự công bằng của sự phân công lao động hay sự bình đẳng giữa các nhóm, cộng đồng khác nhau trong xã hội chính là hệ thống pháp luật không thiên vị. Các cá nhân trong xã hội, suy cho cùng, thì dù được gọi là công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân hay lãnh đạo thì cũng đều là con người lao động tạo ra sản phẩm để nuôi sống mình và đóng góp vào chu trình sản suất, phân phối của xã hội. Sự bất công (hay mất cân bằng) của xã hội là vấn đề không bao giờ có thể hết (vì tính đa nguyên, khác biệt của giới tự nhiên), nhưng có thể giải quyết thông qua tranh luận và thỏa thuận các biện pháp được các bên chấp nhận và luôn bỏ ngỏ cho mọi sự thay đổi có thể. Hệ thống an sinh xã hội và các tổ chức từ thiện, phi chính phủ (NGO) của các nước theo quá trình phát triển tư bản là một ví dụ điển hình trong việc tạo ra cơ chế để lập lại một số cân bằng cho xã hội (làm giảm chênh lệch thu nhập, chia sẻ với những người kém may mắn, khó khăn). Do đó việc tiêu diệt, triệt hạ một giai cấp, một thành phần nào của con người (như Marx chủ trương) là sai lầm về học thuật và nguy hại cho nhân loại.

3. Ngộ nhận Trí thức như một giai cấp (đội ngũ) riêng biệt.

Theo lập luận ở phần trên đây, Trí thức không phụ thuộc vào bằng cấp, hay nghề nghiệp mà vấn đề chính là sự đóng góp những giá trị mới cho nghề nghiệp ( ở góc nhìn hẹp) và cho xã hội ( ở góc nhìn rộng). Như vậy nếu quan niệm điều cốt lõi của một người được gọi là Trí thức là những đóng góp của người đó về mặt trí tuệ (sáng tạo, sáng kiến, phát minh) cho cộng đồng thì chúng ta có thể thấy con người Trí thức luôn tiềm ẩn trong mọi cá nhân (thấp hèn hay sang giàu, quyền lực hay dân đen, có bằng cấp hay thất học). Do đó việc nhìn nhận Trí thức như một bộ phận riêng tách biệt với các thành phần khác của xã hội như nông dân, công nhân, doanh nhân,… là không thích hợp, sẽ dẫn đến những phân biệt đối xử, thói hư danh, sự sai lệch trong đánh giá sức mạnh đóng góp của cá nhân và các cộng đồng trong quá trình phát triển của xã hội. Cần phải nhìn nhận các cộng đồng, các thành phần khác nhau đang tồn tại trong xã hội chỉ là sự phân công lao động theo những đòi hỏi của xã hội và những thành phần đó luôn có sự vận động, thay đổi, nương tựa vào nhau và tất cả đều có những khả năng và cần (phải) đóng góp về tri thức, trí tuệ cho xã hội theo cách của riêng họ. Mọi cá nhân dù làm ở những công việc khác nhau, vị trí khác nhau đều ít hay nhiều đều phải dùng đến trí tuệ, khả năng tư duy, sáng tạo trong công việc. Peter Drucker (được coi là “cha đẻ” của nghành quản trị hiện đại) còn đề cao vai trò đóng góp trí tuệ của những người làm thuê ở cấp thấp trong một tổ chức, khi ông cho rằng “Không chỉ giới lãnh đạo cấp cao mà các nhân lực ở mọi cấp cần tham gia vào quá trình ra quyết định” (Workers at all levels should take part in decision-making process not just top managers) và ông còn đưa ra khái niệm Công nhân Trí tuệ ( knowledge worker), có ý nhấn mạnh khả năng sáng tạo, cải tiến luôn có ở mỗi cá nhân.

Như vậy vấn đề không phải là cần phải có một giai cấp hay một đội ngũ trí thức mà chính là làm sao để trí tuệ của mỗi cá nhân được tự do phát triển, nảy nở theo thiên hướng và mong muốn của cá nhân đó. Khi đó xã hội sẽ có được không phải một đội ngũ trí thức (nếu muốn phân loại) mà là có được cả một xã hội có xung lực trí thức vì tất cả mọi cá nhân đều hào hứng đưa ra mọi ý tưởng, tư tưởng mà không phải e ngại bất điều gì. Chính những quốc gia, vùng đất thịnh vượng, văn minh nhất hiện nay trên trái đất cũng đồng nghĩa với những nơi tư duy của con người có sự tự do nhất. Ở những nơi đó không thấy có những đề án hay dự án xây dựng đội ngũ trí thức hay giai cấp trí thức ngoài việc đảm bảo cho tư duy, suy nghĩ của người dân được tự do và tự do hơn nữa bằng cách duy trì và bảo vệ quyền nói, quyền viết, quyền trao đổi mọi suy nghĩ của mọi người dân trong sự cảnh giác với những yếu tố có thể xâm phạm đến các quyền đó. Và mọi quốc gia cũng chỉ bắt đầu có sự phát triển, tiến bộ khi tư duy của con người ở đó bắt đầu được tự do hay tự do hơn. Còn nếu muốn có một định nghĩa (khái niệm) riêng về con người Trí thức thì định nghĩa đó phải có khả năng áp dụng cho tất cả mọi người, không phụ thuộc vào các đặc điểm như nghề nghiệp, địa vị, chính kiến hay tín ngưỡng.

III. Tính phức hợp của tri thức.

Để có sáng tạo, con người cần phải có tri thức. Và sáng tạo của người này sẽ trở thành tri thức của người kia trong chu trình trao đổi, hấp thụ, sáng tạo tri thức.

Trong khoảng 50 năm qua, quan niệm về tri thức (những hiểu biết) của con người đã có sự thay đổi lớn. Trước đây, chúng ta thường liên tưởng tri thức là những gì có thể lượng hóa, có thể diễn đạt bằng những con số, công thức, những biểu hiện qua chữ viết, qua các biểu hiện vật chất một cách hữu hình. Ngày nay, quan niệm về tri thức con người đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực không thể biểu hiện bằng cách hữu hình. Edgar Morin nhấn mạnh tri thức có tính chất phức hợp (epistemologie complex) và đưa ra một định nghĩa tri thức: “tri thức là một hiện tượng nhiều chiều, theo nghĩa cùng một lúc nó là vật lý, sinh học, não, tinh thần, tâm lý, văn hóa, xã hội, không tách rời nhau” ( Edgar Morin, Phương pháp 3 – Tri thức về Tri thức, Nxb. Đại học quốc gia Hà nội, 2006). Ngay như khái niệm về sự thông minh của con người thông thường được lượng hóa qua cách thăm dò hệ số IQ (Intelligence Quotient) đã từng tồn tại khá lâu, đến nay cũng đã được bổ sung thêm một chỉ số khác là EQ (Emotion Quotient – hệ số xúc cảm) để lượng hóa rõ hơn về khả năng của con người. Quan niệm mới (rộng mở) về tri thức cho thấy sẽ không thể có một tiêu chuẩn, một qui phạm nào có thể diễn đạt một cách đầy đủ và chính xác về tri thức của con người. Hay nói ngược lại, bất kỳ một ý muốn tạo ra những qui chuẩn, những khuôn mẫu để xác định tri thức đều dẫn đến làm hạn chế tri thức. Thực tế đã có những ý tưởng (tri thức) mới, hấp dẫn nhưng mang lại nhiều tai hại cho con người và có những ý tưởng bị cấm (do bị coi là có hại) nhưng thực tế lại có hệ quả tốt, đây là những khả năng đều có thể xảy ra ở mọi xã hội con người. Để tránh những sai lầm ngộ nhận (ở cả hai chiều đó) chỉ có cách duy nhất là để cho mọi ý tưởng, ý kiến được phát biểu, bàn luận một cách tự do trong xã hội và quyết định cuối cùng có thực hiện ý tưởng đó hay không phải là kết quả của sự bàn luận tự do đó. Dẫu có là ý tưởng có hại thì cũng chưa thể gây hại nếu nó dừng lại ở việc bàn luận, hơn nữa việc bàn luận sẽ mang đến cho trí óc nói chung sự phong phú hơn về hiểu biết và sáng suốt hơn về nhìn nhận.

IV. Về Tư tưởng và Ý tưởng.
Ở đây xin giới thiệu 03 định nghĩa về Trí thức có nhấn mạnh tới Tư tưởng và Ý tưởng:
1/ “ Trí thức là người gắng dùng trí tuệ(tư duy) của mình để làm việc, nghiên cứu, phản ánh, suy luận hoặc đặt nghi vấn và giải đáp các nghi vấn về các vấn đề rộng lớn khác nhau của tư tưởng ( ý tưởng) “ (An intellectual is one who tries to use his or her
intellect to work, study, reflect, speculate, or ask and answer questions about a wide variety of different ideas.). Wikipedia, Intellectual ngày 02/06/2008
2/ “Không có học giả hay nhà khoa học nào được gọi là Trí thức trừ khi người đó theo đuổi (hoặc biểu hiện) sự kiếm tìm một tư tưởng (học thuyết) mới” ('No scientist or
scholar is regarded as an intellectual unless he adheres to or seems to be searching for an ideology”). Lewis Feur (1913-2002).
3/ “ Trí thức là người truyền bá tư tưởng, ý tưởng” . Nguyễn Quang A
Ở đây xin nhấn mạnh từ “Tư tưởng” và “ Ý tưởng” (tạm coi như tương đương lần lượt với Ideology và Idea của tiếng Anh). Trong tiếng Việt “Tư tưởng” thường nhằm nói đến những suy nghĩ có tính hệ thống và khá trừu tượng về những vấn đề lớn của con người (như về quan hệ xã hội, về phát triển nền văn hóa,…). “ Ý tưởng” hay “ ý nghĩ”, “ ý kiến” thường nói đến những suy nghĩ đơn giản hơn, có tính cụ thể, dễ hiểu (như ý tưởng làm thêm vành vải chống nắng cho mũ bảo hiểm, ý tưởng đào thêm một con kênh…). Tuy nhiên, về mặt đóng góp cho tiến bộ của xã hội, khó có thể nói “tư tưởng” có giá trị hơn “ý tưởng”. Ví dụ phát minh ra động cơ hơi nước của James Watt vào thế kỷ 19 là một “ý tưởng” so với những “tư tưởng” của các nhà Khai sáng như J.J.Rousseau hay Montesquieu, nhưng chúng ta khó có thể nói “ý tưởng” của James Watt kém hơn những “tư tưởng” của các nhà Khai sáng trong việc tạo ra động lực phát triển cho loài người. Biết bao nhiêu những cộng đồng người, nhờ có sức mạnh của những động cơ do J.Watt nghĩ ra, đã cắt ngắn được những đêm dài u tối vì những tập quán còn man khai. Cũng tương tự như thế, “ý tưởng” tạo ra chiếc bánh xe (tròn) cách đây khoảng 6.000 năm không thể nói là kém những tư tưởng của Socrates, Plato hay Aristotle thời Hy lạp cổ đại. Những phát minh nhỏ như chiếc gim dập giấy (staple) hay cái giấy dính nhắc việc bé xíu (post-it) cũng đã chứng tỏ là một trong những đồ dùng khó có thể thiếu được trong các văn phòng hiện đại cùng chiếc máy tính tinh xảo. Những ý tưởng cải tiến về tiện nghi cho con người đã thúc đẩy những cải tiến về tư tưởng triết học cho con người và ngược lại. Và có cải tiến nào không phải là sản phẩm của tư duy? Như thế, những ý tưởng, ý kiến hay tư tưởng lớn, nhỏ đều có thể tạo ra những giá trị riêng biệt không thể thay thế và cùng nhau thúc đẩy cho tiến bộ xã hội. Do đó, để xã hội, cộng đồng có thể huy động được sức mạnh tư duy, trí tuệ của mọi thành viên thì cần phải khuyến khích, trân trọng mọi ý kiến, ý tưởng, tư tưởng, không phụ thuộc vào quan niệm lớn hay nhỏ, vào nguồn gốc, thành phần, tín ngưỡng, chính kiến, giai cấp (nếu có) của người sỡ hữu, trình bày ý kiến, ý tưởng, tư tưởng đó.
V. Tự do chính trị mới có Tự do tư duy.
Đến đây chúng ta có thể đồng ý với nhau, để có con người Trí thức hay để có một xã hội Trí thức thì điều kiện cần là phải đảm bảo cho tư duy của con người được tự do thể hiện hay nói một cách khác con người có thể nói, viết, truyền bá, trao đổi công khai tất cả những gì con người nghĩ mà không phải sợ hãi.
Vì con người cũng là một loại sinh vật (động vật cao cấp) nên con người cũng có bản năng sinh tồn. Bản năng sinh tồn làm con người biết (phải) lựa chọn khả năng giúp mình sống sót hoặc tránh những nguy hiểm hơn cho tính mạng của mình. Do đó, khi bị đe dọa hoặc cảm thấy không an toàn, con người nói chung sẽ hướng về những lựa chọn ít đe dọa hơn hoặc ít không an toàn hơn.
Khi không có tự do chính trị hay khi quyền lực quản lý xã hội ( quyền định ra pháp luật, bảo vệ pháp luật, phán xét về công lý,…) nằm trong tay một lực lượng riêng biệt của xã hội thì tư duy của con người sẽ luôn phải đối diện với sự đe dọa từ phía quyền lực (độc quyền) quản lý xã hội bởi: 1. chính những người cầm quyền cũng là những con người có tư duy riêng biệt nên sẽ không thể tránh có những khác biệt với những tư duy của người khác, nhưng vì là những người có quyền lực trong tay (cảnh sát, quân đội,…) nên sự đối chọi về sức mạnh tinh thần ( lý lẽ) sẽ dễ (thường) trở thành đối chọi về sức mạnh vật lý, khi đó những người có lý lẽ nhưng không có quyền lực sẽ trở nên yếu thế, bị rơi vào tình trạng bị đe dọa về vật lý (lợi ích vật chất, tính mạng) 2. Tư duy của con người là đa dạng nên sẽ có cả những ý tưởng mới về xã hội, về chính trị tác động vào hệ thống quyền lực làm ảnh hưởng tới quyền lợi của những người đang nắm quyền lực, khi đó những người sở hữu những ý tưởng đó sẽ không có bất kỳ phương tiện gì để đảm bảo cho mình được bảo vệ trước sự phản đối có tính áp đặt hoặc trấn áp của những người có quyền lực.
Như thế, cho dù có những ngoại lệ, con người nói chung sống trong một xã hội mà quyền lực quản lý xã hội bị độc quyền thì tư duy của họ luôn ở trong tâm trạng bất an, tự vệ. Mọi ý kiến phát ra, trao đổi, thậm chí cả những suy nghĩ luôn phải cân nhắc xem có bị đối nghịch hay gây phật ý giới cầm quyền hay không. Nói một cách khác, con người sống trong một thể chế chính trị độc quyền (độc đảng) sẽ không thể có tự do cho tư duy. Không có tự do cho tư duy thì không thể phát triển đầy đủ được Trí thức. Không có tự do cho tư duy thì mọi tự do khác như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo,… cũng chỉ là hình thức, vì mọi biểu hiện của tự do vừa kể cũng đều là kết quả của tự do tư duy (được thể hiện bằng bài viết, phát biểu, trao đổi, gặp gỡ, hội họp, liên kết, thờ phụng,…). Sự tù túng tư duy làm suy yếu trí lực đối với toàn xã hội, trong đó có cả những người đang nắm quyền lực độc quyền.
Như vậy, muốn thúc đẩy con người Trí thức phát triển, cần phải thúc đẩy để có Tự do chính trị.
VI. Tự do tư duy là nền tảng cho Nhân phẩm.
Khả năng tư duy và thể hiện tư duy bằng lời nói, chữ viết của con người là một đặc điểm quan trọng để con người tự cho thấy đã tiến hóa cao hơn và là đặc điểm duy nhất để con người có thể hãnh diện và thể hiện được sự hãnh diện hơn các loài vật khác. Đó chính là nền tảng của Nhân phẩm – Phẩm chất đặc thù, có tính phân biệt giữa con người và các loài vật khác. Vậy, nếu như con người không thể thực hiện được phẩm chất đó bất kỳ vì lý do gì, ý nghĩa “con người” của cái vật thể sống đó chắc chắn không còn.
Chúng ta hãy thử hình dung, ngay ngày mai loài người chúng ta trở nên không thể phát ra âm thanh (mà chúng ta vẫn gọi là lời nói) để diễn tả những điều đầu óc ta đang muốn diễn đạt (một nhu cầu về vật chất cho bản thân, một nhu cầu nói lên sự đồng ý, sự không đồng ý, một sự chia sẻ về ý tưởng,…), đồng thời chúng ta lại cũng không thể thể hiện những suy nghĩ đó qua những hình tượng (chữ viết), và những cử chỉ hành động của chúng ta cũng chỉ bị giới hạn trong khuôn khổ rất nhỏ hẹp ( như đi, đứng, ngồi, nằm), thử hỏi lúc đó một người ngoài hành tinh sẽ có gì để nhận thấy tư duy của chúng ta (con người) đã phát triển hơn tư duy của một chú ngựa. Lấy cái gì để người ngoài hành tinh đó nhận ra sự cao cấp hơn của cái con vật ( đã tự gọi là “ con người”) đó so với các loài vật khác. Những giả định suy thoái nói trên của con người có khác gì quyền nói, quyền viết, quyền thể hiện của con người đang bị hạn chế, đe dọa? Nếu giả định trên đây mang lại một cảm giác bị xúc phạm cho một cá nhân con người nào đó, thì cũng là thêm một bằng chứng cho thấy Nhân phẩm của con người không thể tách rời khỏi sự tự do trong tư duy (được nói, được viết, được trao đổi mọi điều mình nghĩ).
Nhu cầu và là khả năng đặc thù có thể chia sẻ tư duy của con người chính là nguyên nhân sâu sa của những tiến bộ liên tục trong việc tạo ra các phương tiện, kỹ thuật chia sẻ thông tin (tư duy) ( chữ viết, giấy, kỹ thuật in, bưu điện, điện thoại có dây, radio, ti vi, máy xerox, thông tin di động, vệ tinh, internet, sách điện tử, TV di động,…) và sẽ còn tiếp tục phát triển, không chỉ để mang lại sự thuận tiện hơn nữa trong việc thể hiện, chia sẻ tư duy, tri thức của con người, mà điều đó cũng đồng nghĩa với việc giúp cho con người dễ dàng hơn trong việc bảo vệ nhân phẩm, chống lại các thế lực muốn kìm hãm tự do tư duy của con người.
VII. Tôn vinh, bảo vệ Nhân phẩm có tính toàn cầu.
Con người ngày càng thấy rõ sự liên đới lẫn nhau trên phương diện toàn cầu, dễ thấy nhất là những vấn đề kinh tế, thương mại và gần đây là những tác động có hại cho môi trường. Và vấn đề Nhân phẩm đang ngày càng trở thành những vấn đề phổ quát và cụ thể hóa hơn (từ việc thành lập Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc năm 1946 đến Tuyên ngôn về Nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tề về quyền Dân sự, Chính trị năm 1982; Hội đồng nhân quyền LHQ năm 2006; Một trong những tiêu chuẩn bắt buộc của các quốc gia được xem xét, kết nạp vào Liên minh châu Âu là phải tôn trọng Nhân quyền; các báo cáo tường trình hàng năm về Nhân quyền toàn cầu; các Đối thoại Nhân quyền,…)
Với cái nhìn tổng thể, các quốc gia, dân tộc khác nhau đang cùng sống trên trái đất cũng chỉ như những gia đình khác nhau trong một cộng đồng con người có cùng những giá trị phổ quát như nhau gọi là Nhân phẩm. Mỗi gia đình đó đều phải có trách nhiệm đối với bản thân trong việc phát triển gia đình riêng của mình và cũng không thể tách rời sự liên đới, tương tác, trách nhiệm với các gia đình khác. Sự lên tiếng, đề nghị, thậm chí can thiệp vào vấn đề Nhân quyền của quốc gia này với quốc gia kia cũng chính là thể hiện sự liên đới, tương tác, trách nhiệm đó.
Về mặt Nhân phẩm, bất cứ gia đình tử tế nào cũng không thể không phẫn nộ, bức xúc trước đối xử thiếu lễ độ, tệ bạc, thô bạo của người hàng xóm bên cạnh (hay của gia đình khác) đối với bố mẹ, anh chị em của người hàng xóm đó (hay gia đình khác đó). Về mặt con người, không ai lại chấp nhận đạo đức của một người lấy lý do là chuyện riêng của gia đình để phản đối những phê phán của người ngoài đối với sự tệ bạc, thô bạo đối với chính bố mẹ, anh chị em của người đó. Là con người tử tế, ai cũng muốn Nhân phẩm của đối tác, bạn bè của mình được tôn trọng bởi con cái, anh chị em của họ. Đó chính là những lý do sâu thẳm khi ngày càng có nhiều quốc gia cùng chia sẻ quan niệm việc vi phạm Nhân quyền ở một quốc gia khác không thể là vấn đề chỉ của riêng quốc gia có vi phạm đó. Vấn đề Nhân quyền chính là một trong những chỉ dấu trung thực cho thấy mức độ tử tế, văn minh (sự coi trọng Nhân phẩm) của đối tác trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Chỉ có những quan tâm và thúc đẩy về Nhân quyền mới có thể làm cho các mối quan tâm khác (xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư,…) vượt qua được cấp độ vật chất, vốn cũng có ở các loài vật khác. Sự can thiệp nhân văn này cũng được ông cha ta chia sẻ bằng câu tục ngữ phê phán thái độ thờ ơ, quay lưng trước nỗi đau khổ của người khác: “Cháy nhà hàng xóm mà cứ bình chân như vại!”. Dĩ nhiên, mỗi thành viên trong một gia đình, hay mỗi người dân trong một quốc gia phải ý thức được hoặc tiến đến ý thức được trách nhiệm tôn vinh và giữ gìn phẩm giá làm người, trước tiên, phải thuộc về mình. Nhưng ở trên tất cả, Nhân phẩm (Nhân quyền) phải được nhấn mạnh có tính phổ quát và cần được tôn vinh, bảo vệ ở mức độ toàn cộng đồng nhân loại.
VI. Sự chà đạp Nhân phẩm là phổ quát trong chế độ chính trị phi dân chủ (độc đảng, độc tài).
Như trên đã đề cập, điều đương nhiên là nhân phẩm của người dân trong chính thể phi dân chủ (quyền lực quản lý xã hội bị độc quyền trong tay một nhóm người) bị coi thường, chà đạp, vì quyền nói, quyền viết, quyền trao đổi những tư duy, suy nghĩ của người dân luôn bị dè chừng, sách nhiễu bởi giới cầm quyền. Nhưng sự chà đạp nhân phẩm trong chính thể dân chủ không chỉ dành riêng cho người dân. Mọi con người trong chính thể phi dân chủ, kể cả những người đang hoăc đã nắm quyền lực của hệ thống phi dân chủ , bất kỳ đẳng cấp, đều bị chà đạp về nhân phẩm. Vì một lẽ đơn giản, cơ chế vận hành của hệ thống quyền lực phi dân chủ được xây dựng không phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm (tôn trọng ý kiến khác biệt, tôn trọng tự do của tư duy). Do đó, không sớm thì muộn những người vì hoàn cảnh hay vụ lợi đã tham gia để dựng nên chế độ chính trị phi dân chủ cũng sẽ cảm nhận được là nạn nhân của chế độ phi dân chủ. Bởi bất kỳ ai là con người biết tư duy cũng sẽ có lúc muốn nói lên tiếng nói lương tâm của mình. Nhưng cơ chế quyền lực phi dân chủ (độc đảng, độc tài), về bản chất, vì đã lấy lợi ích của cá nhân, phe nhóm làm mục đích tồn tại, nên cái cơ chế quyền lực phi dân chủ, bản thân nó, đã không tương thích với tiếng nói lương tâm, không tương thích với lý lẽ của tư duy. Hiện tượng gần đây tại Việt nam có vài góp ý chân thành của một số cựu lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt nam (có vị còn được coi là “đại công thần”) đối với một số vấn đề như xây dựng nhà Quốc hội, qui hoạch thủ đô cũng đều bị bác bỏ một cách thiếu tôn trọng (ngăn cản việc phổ biến, không có phản hồi) là những ví dụ minh họa còn nguyên tính thời sự cho sự chà đạp nhân phẩm có tính phổ quát trong chế độ phi dân chủ. Đó là trường hợp đối với những người dám nói lên tiếng nói lương tâm. Còn đối với những con người trong hệ thống quyền lực mà lấy sự im lặng hay sự ủng hộ cho chế độ phi dân chủ làm lẽ sống thì dĩ nhiên đã tự làm mất đi Nhân phẩm của bản thân vì Nhân phẩm không bao giờ cho phép con người sống dựa vào sự chà đạp Nhân phẩm người khác.
Chính đặc tính chà đạp Nhân phẩm có tính phổ quát của chế độ chính trị phi dân chủ ( độc đảng, độc tài) là nguyên nhân sâu sa của sự phá sản trong chương trình “Xây dựng và Chỉnh đốn Đảng”, để chống lại sự suy thoái của Đảng Cộng sản Việt nam hiện nay. Bất kỳ một đảng chính trị nào hoạt động trong cơ chế chính trị độc quyền như hiện nay tại Việt Nam cũng không tránh được sự suy đồi như Đảng cộng sản Việt nam hiện nay, chỉ bởi cơ chế chính trị đó không khuyến khích và bảo vệ Nhân phẩm.
Nhân phẩm là giá trị không thể đánh đổi hoặc thay thế được bằng bất kỳ giá trị nào khác dù là những danh hiệu, tước hiệu được coi là cao quí nhất hay kể cả những vật thể vĩ đại như hầm mộ, lăng mộ, đền đài, tượng đài, tường thành cũng không thể làm tăng giá trị cho Nhân phẩm(1). Con người không thể có nhân phẩm khi khuất phục lương tâm người khác bằng sự hăm dọa, bạo lực. Con người cũng không thể giữ được nhân phẩm khi lương tâm mình chịu khuất phục không phải bởi những lý lẽ đúng đắn hơn, bởi tinh thần cao thượng hơn mà chỉ bởi sự e ngại cho sự bảo toàn những nhu cầu vật chất của thân xác con người, mà một ngày nào đó cũng sẽ trở thành cát bụi như mọi sinh vật khác.
Những công trình vật chất gây kinh ngạc con người như Kim tự tháp Ai cập, Hầm mộ Tần Thủy Hoàng hay Vạn Lý Trường Thành cũng không thể làm cho quốc gia, đất nước đó trở nên văn minh, hay làm cho những con người sở hữu, xây dựng những công trình đó trở nên bất tử hay được kính trọng. Trong khi chỉ bằng cách áp dụng những tư duy tôn vinh Nhân phẩm con người của Jean Jacques Rousseau, của Montesquieu, của Thomas Jefferson, của James Madison, của John Stuart Mill, của Albert Einstein, của Đức Phật, của Đức Chúa,…đã đưa nhiều dân tộc, quốc gia bé nhỏ và không ít trong số họ cách đây không lâu vẫn còn u tối, trở thành những dân tộc, quốc gia giàu có về vật chất, hùng mạnh về tinh thần và tràn đầy tình yêu thương, tôn trọng phẩm giá con người. Và chỉ bằng cách nỗ lực góp phần vào việc tôn vinh, bảo vệ và đấu tranh để Nhân phẩm của cộng đồng con người được tôn trọng, những con người vừa kể đã trở thành bất tử.
VII. Lời bạt cho bài viết.
Bài viết này xuất phát từ cảm hứng khi biết tin sắp tới Hội nghị trung ương lần 7 khóa X của Đảng cộng sản Việt nam tới đây sẽ bàn luận và ra nghị quyết về vấn đề Trí thức. Ngày 16 tháng 04 vừa qua ông Tô Huy Rứa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương có phát biểu: “Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề trí thức phải được đặt ra và giải quyết một cách có hiệu quả với tầm tư duy mới, đáp ứng những yêu cầu mới. Đảng phải thể hiện tầm trí tuệ lãnh đạo đối với trí thức. Đảng và Nhà nước phải có sự quan tâm đầy đủ hơn đối với trí thức. Để làm tốt điều này, chúng ta phải đánh giá đúng đội ngũ trí thức, nhằm thu hút, tập hợp, đoàn kết, phát huy toàn diện năng lực, tài năng của trí thức, nhất là đối với hiền tài, nhân tài của đất nước.” Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ với câu nói “chúng ta phải đánh giá đúng đội ngũ trí thức, nhằm thu hút, tập hợp, đoàn kết, phát huy toàn diện năng lực, tài năng của trí thức, nhất là đối với hiền tài, nhân tài của đất nước.”
Một điều rõ ràng (nếu bàn luận công khai) hệ thống chính trị hiện nay của Việt Nam không phải là hệ thống chính trị dân chủ. Đây là hệ thống chính trị độc đảng, độc tài, Đảng Cộng sản Việt nam độc quyền về tất cả quyền quản lý xã hội, quyền điều hành đất nước. Nếu quan niệm một hệ thống chính trị như một hệ thống máy móc cơ học, thì việc gửi góp ý hay đưa ra những đề nghị là một hành động thiếu lý trí. Tuy nhiên, ngay cả một hệ thống quyền lực độc tài, thì những con người đang duy trì hệ thống quyền lực độc tài đó cũng là con người với những tri thức khác nhau, mà tri thức, như đã nói ở trên, là một hệ thống phức hợp. Hơn nữa, nhìn tận cùng của vấn đề, dân chủ hóa hệ thống chính trị độc tài là phải thay đổi cho được cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống quyền lực công, chứ không phải cứu cánh của nó là thay đổi những con người của hệ thống đó. Do đó những chia sẻ trên đây về Trí thức, Tự do tư duy, Tự do chính trị, Nhân phẩm, mặc dù có thể hoàn toàn xa lạ với hệ giá trị của hệ thống chính trị độc đảng, độc tài, vẫn có thể có được những chia sẻ từ những người đang nằm trong hệ thống quyền lực đó. Đó chính là lý do người viết trân trọng viết lời tặng tới Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt nam.
Phạm Hồng Sơn
Nhà 21 ngõ 72B – Thụy Khuê- Hà nội
09/06/2008

(1) Nhà văn Nguyễn Khải trước khi qua đời có viết “Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia (giải thưởng Hồ Chí Minh-người trích ghi chú), nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân.” (Nguyễn Khải – Đi tìm cái tôi đã mất, 2006, http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2786)