Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Những bóng ma Xô-Viết tại nước Nga

Những bóng ma Xô-Viết tại nước Nga
Lời giới thiệu:Dù muốn hay không, nước Nga đã gắn với một phần lịch sử của Việt nam. Thời còn thuộc Liên-xô (Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết), nước Nga được coi là hình mẫu của hạnh phúc, ấm no để Việt nam ( miền Bắc thời 1954-1975 và cả nước thời 1975-1986) tiến tới. Thời hậu cộng sản những năm 1990, nước Nga đầy biến động, vừa chuyển sang thể chế dân chủ đa đảng, lại được đưa ra như một con ngoáo ộp để gây e ngại cho dân chúng Việt nam và làm cái cớ cho những quyền lực bảo thủ loại bỏ những tư tưởng tự do trong hệ thống lãnh đạo. Những biến chuyển của nước Nga chắc sẽ còn có những ảnh hưởng nhất định tới quá trình phát triển của Việt Nam. Nước Nga gần đây, dưới thời tổng thống Vladimir Putin, bên cạnh những cải thiện về kinh tế ( chủ yếu dựa trên lợi tức thu từ khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt), đã có những biểu hiện lâm vào tình trạng giống thời Xô-viết cũ. Về đối ngoại, căng thẳng và đối đầu với các nước phương Tây, kể cả những nước thuộc Liên xô cũ. Về đối nội, gia tăng kiểm soát thông tin, ngôn luận, đàn áp, triệt hạ các chỉ trích, phê phán chính phủ, thâu tóm quyền kiểm soát các nguồn lực kinh tế vào Nhà nước hoặc các tập đoàn tư nhân thân chính phủ. Những động thái đó đã đi ngược lại xu thế dân chủ tiến bộ của phần lớn các nước thuộc Liên-xô cũ và các nước đông Âu và là điều không vui đối với những tư tưởng dân chủ cấp tiến, như thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã sinh ra và lớn lên tại miền đông Đức (Cộng hòa dân chủ Đức cũ), đã phát biểu “nước Đức không có nhiều giá trị chung với nước Nga, như với nước Mỹ” (theo Newsweek 14-21/05/2007). Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là một cuộc thăm dò mới đây, đồng tiến hành bởi cơ quan World Public Opinion có trụ sở tại Mỹ và Center Levada có trụ sở tại Mát-cơ-va, đã cho thấy “phần lớn dân chúng Nga vẫn ủng hộ chính sách tập trung quyền lực của Pu-tin” ( theo Wikipedia). Để lý giải một phần thực tế mâu thuẫn đó tại nước Nga, sau đây xin trân trọng giới thiệu tới quí vị bản dịch bài báo có đầu đề “Back to the U.S.S.R” (1) của tác giả Owen Matthew và Anna Nemtsova đăng trên tạp chí
Newsweek số ra ngày 20/08/2007:

Những bóng ma Xô-viết tại nước Nga
Những bóng ma quá khứ tại nước Nga hiện vẫn không chịu nằm im. Ngay trong tháng này, hàng trăm người đã tập trung cầu nguyện tại Bu-tô-vô, vùng ngoại ô Mát-cơ-va, nơi có nấm mồ tập thể của 20.000 (hai mươi ngàn-ND) nạn nhân trong các cuộc thanh trừng của Giô-dép Xít-ta-lin. Trong khi các linh mục xướng lễ cho người quá cố, mọi người đã cùng nhau dựng lên một cây thập giá khổng lồ làm từ gỗ của những cây thông trên các đảo vùng Xô-lô-vét-xơ-ky, nơi có một trại Gu-lắc (2) nổi tiếng. “Nước Nga không bao giờ được quên những điều đã xảy ra nơi đây” – bà cụ 81 tuổi có tên Ôn-ga Va-xi-li-ép-va nói, cha của bà, một kỹ sư đã bị bắn chết năm 1937 vì bị coi là “kẻ thù của nhân dân”. Bà nói tiếp: “Chúng ta không được che đậy những tội ác của Xít-ta-lin, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục phải gặp lại chúng”.Nhưng, điện Cờ-rem-lin (3) tỏ ra không đồng tình với những quan điểm đó. Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, ngay tháng trước, đã phát biểu trước một cuộc gặp với các giáo viên lịch sử rằng cho dù quá khứ nước Nga có nhiều “vấn đề”, nhưng những vấn đề đó là không đáng kể và không khủng khiếp như những vấn đề của một số nước khác. Dù thế nào thì nhiệm vụ của các giáo viên cũng phải làm cho các học trò “tự hào về quê hương của chúng”, tổng thống đã nhấn mạnh như thế. Với mục đích đó, chính phủ Nga đã triển khai một chiến dịch nhằm làm thay đổi cách giảng dạy lịch sử cho các học sinh. Hồi đầu năm nay, Viện giáo dục Nga đã chủ trì một chương trình rà soát lại toàn bộ các giáo trình lịch sử chính. Nhưng các nhà sử học phàn nàn là các hướng dẫn mới của Viện giáo dục đã được thiết kế nhằm phủi sạch các tội ác man rợ của Xít-ta-lin và giảm nhẹ những tổn thất của Liên-xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhà sử học I-sắc Rô-den-tan và là một trong các biên tập viên sách giáo khoa phàn nàn: “Cờ-rem-lin cho rằng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi củng cố xã hội xung quanh các ký ức dễ chịu về lịch sử hơn là các sự thật gây khó chịu”, “Cách tiếp cận của họ không phải là để nghiên cứu lịch sử mà là để sử dụng lịch sử.” Một trong các bộ sách được nhà nước phê duyệt là cuốn “Sách dành cho giáo viên: Lịch sử hiện đại nước Nga 1945-2006” đã mô tả Xít-ta-lin là “lãnh tụ thành công nhất của Liên bang Xô-viết”. Trong số khoảng 25 triệu người bị giết trong các cuộc thanh trừng và công cuộc tập thể hoá, cuốn sách đã chú giải với một sự bình thản đáng sợ là ”các cuộc đàn áp chính trị có mục đích để huy động sức mạnh từ người dân bình thường cho tới các thành phần lãnh đạo”. Những dòng sử mới viết cũng khắc nghiệt hơn rất nhiều với Bô-rít En-xin - người đã đưa tới thời kỳ chuyển đổi hậu cộng sản đầy biến động vào những năm 1990, đã phê phán kịch liệt các chính sách “yếu ớt”, “thân phương Tây” của ông.
Việc cố tạo lại lịch sử nước Nga đang đồng hành cùng với những cố gắng của Cờ-rem-lin muốn khuếch trương một nước Đại Nga đang trỗi dậy trong mọi lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Một hoạt động nghiên cứu khoa học được nhiều người biết trong những năm gần đây là việc sử dụng tàu ngầm để cắm cờ Nga vào đáy biển ở vùng cực Bắc trong tháng vừa qua, chính là một phần trong nỗ lực tuyên bố chủ quyền của Nga đối với khu vực nhiều tiềm năng về tài nguyên này. Một chương trình khoa học nhân văn được Cờ-rem-lin tài trợ nhiều nhất là việc xây dựng một Học viện Nga nhằm khuếch trương tiếng Nga giao tiếp và văn hoá Nga ra khắp thế giới, đặc biệt ở các nước Xô-viết cũ.Liệu phong trào mới về chủ nghĩa yêu nước do nhà nước bảo trợ có dẫn tới việc đóng kín đầu óc của người Nga, với các cuộc tranh luận của giới trí thức đang được diễn ra giống như vấn đề tự do ngôn luận và đối lập chính trị đang diễn tiến? (4) Gờ-lép Páp-lốp-xơ-ki, giám đốc Trung tâm chính trị hiệu quả tại Mát-cơ-va và là một cố vấn hàng đầu về tư tưởng của Cờ-rem-lin tỏ ý không hài lòng với câu hỏi và cho rằng bất kỳ một tranh cãi nào về các cuốn giáo trình lịch sử mới đều cho thấy “đời sống trí tuệ tại Nga vẫn sống và sống tốt”, “không thể tạo ra được một ý thức hệ nhà nước trong một xã hội thông tin” và “ những gì mà chính quyền đang muốn chính là việc xác định thế nào là tranh luận và định rõ cái gì là đúng, cái gì là không đúng về mặt chính trị”.Trên thực tế, các tác giả của cuốn cẩm nang dành cho giáo viên đã tỏ rõ muốn làm ngược lại với cái mà Alếch-xan-đơ Phi-li-pốp, một trong các biên tập viên của cuốn sách đó, gọi là “ cuộc tấn công tuyên truyền” từ ngay bên trong và bên ngoài nước Nga. Những giáo trình cũ thời Bô-rít En-xin đề cập rất nhiều tới những bệnh hoạn ác độc của chính quyền Xô-viết, theo anh ta, điều đó nhằm ám chỉ “ nước Nga không có chỗ đồng hành cùng với các dân tộc được gọi là văn minh.” và “ nước Nga vì bị coi là một quốc gia kế thừa lại chế độ chuyên chế, toàn trị sẽ tất phải mãi sám hối về những tội ác có thật của chế độ hoặc đã được bịa ra”.Người Nga thường coi việc tranh luận lịch sử một cách tự do là biểu tượng cho quyền tự do nói chung. Khi Ni-kít-ta Khơ-rút-sốp (5) lên án các tội ác (bí mật) của Xít-ta-lin trong Đại hội đảng năm 1956, ông ta đã khởi xướng ra một giai đoạn ngắn ngủi cho phép người Nga phát biểu, đi lại và làm việc tự do hơn. Nhưng giai đoạn đó đã kết thúc ngay khi những người khác lên nắm quyền và cho mãi tới khi chính sách Glát-xơ-nốt (6) của Goóc-ba chốp được thực hiện vào những năm 1980, những sử gia mới lại được phép tìm hiểu đầy đủ các mặt kinh hoàng của các lãnh tụ Xô-viết trước đó. Ngày nay các hiệu sách của Nga tràn ngập các sách đề cập tới mọi thứ, từ đời tư của Nữ hoàng Ca-tê-rin vĩ đại tới hồi ký của phiên dịch viên cho Lê-ô-nít Brê-giơ-nhép. “Xã hội Nga ngày nay thèm khát lịch sử một cách kinh ngạc” nhận xét của Ét-uốt Rát-din-ky, sử gia nổi tiếng nhất của Nga. Ông nói thêm, hiện nay trưởng cố vấn của Pu-tin về tư tưởng và là phó chánh nhân sự của Cờ-rem-lin là Vla-đi-xơ-láp Xu-cốp “đang yêu cầu các nhà sử học phải tạo ra một ý thức hệ mới cho họ, phù hợp với chế độ.” Trong khi một số trí thức có tuổi của Nga phản đối những yêu cầu đó thì giới trẻ lại đang bị hấp thụ cảm giác luyến tiếc thời Xô-viết và bị làm cho tin rằng những nỗ lực thúc đẩy cho một nền dân chủ kiểu phương Tây là những ý đồ gây suy yếu đất nước.Một cách ngắn gọn, chiến dịch của Cờ-rem-lin đang có tác dụng. Theo một cuộc điều tra tháng qua do Trung tâm Lê-va-đa, trụ sở tại Mát-cơ-va tiến hành, cho thấy 54% người Nga trong độ tuổi 16-19 tin rằng Xít-ta-lin là một nhà lãnh đạo “khôn ngoan” và một số tương đương cho rằng sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết là một “ nỗi buồn lớn” (2/3 số người được hỏi cho rằng Mỹ là “ kẻ thù và là đối thủ”, 62% cho rằng chính phủ cần “đuổi hết những người nhập cư đi” ). “ Nhiều bạn học của tôi tin rằng đã có một thời kỳ vàng son Xô-viết tồn tại trước khi người phương Tây đến đây và phá hủy nó đi”- sinh viên Phi-líp Ku-dơ-nhét-sốp khoa quan hệ quốc tế tại đại học tổng hợp Mát-cơ-va cho biết, và “ họ cũng tin rằng nhà nước có lý khi làm bất cứ cái gì mà nó muốn với danh nghĩa vì một mục tiêu cao cả nào đó”Chính bản thân Pu-tin cũng đã bắt đầu làm phục lại lịch sử thời Xô-viết. Ông ta phát biểu trong một cuộc hội thảo của các giáo viên sử học hồi đầu năm rằng nước Nga “không có điều gì phải hổ thẹn cả” và đã đến lúc “ phải chấm dứt việc xin lỗi”. Ông ta còn nói thêm rằng chính Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống Hi-rô-si-ma và rải bom Na-pan xuống Việt nam. Lút-mi-la Alếch-xây-e-va thuộc Trung tâm Hen-xinh-ky Mát-cơ-va đã nhìn nhận sự ca tụng lại quá khứ Xô-viết vừa là một điều nguy hiểm, vừa là một dấu hiệu lệch lạc. Bà nói: “Cờ-rem-lin có một tấm gương hoàn hảo ở nước Đức về cách một quốc gia đã thực sự trở thành hùng mạnh bằng lối tư duy thừa nhận và vượt qua các sai lầm”, “nhưng thay vì thế, Cờ-rem-lin lại đang cố nhồi nhét những điều dối trá vào các đầu óc non trẻ thêm một lần nữa”. Nếu những điều đó nhằm làm cho giới trẻ đắm chìm vào các huyền thoại siêu cường thời Xô-viết khi những ý kiến khác biệt bị đánh đồng với “ phản bội” và những trấn áp chính trị được gọi là “sức mạnh” thì những bóng ma của nước Nga sẽ còn chưa được yên nghỉ.
Owen Matthew và Anna NemtsovaPhạm Hồng Sơn dịch
20/08/2007

Lạm bàn:Việc dân chúng có thể nhận biết được sự thật lịch sử và nhận thức được những thủ thuật chính trị lừa mỵ của giới cầm quyền là điều hoàn toàn không tự nhiên và đòi hỏi phải có những nỗ lực chủ động và liên tục của giới trí thức. Một xã hội có thể đã hình thành được đầy đủ các định chế cơ bản cho một nền dân chủ như Tự do báo chí, Tự do chính trị, Tự do bầu cử, Hội đoàn dân sự,…vẫn có thể bị các thế lực độc đoán khống chế, kìm hãm, thậm chí thủ tiêu các định chế đó, và thật đau xót, đôi khi với sự ủng hộ của một số đông dân chúng (kể cả những thế hệ trẻ). Điều đau xót đó không chỉ một lần nữa cho thấy “Chân lý không phải luôn thuộc về số đông” mà còn khẳng định thêm tầm hiểu biết của đại chúng là nền tảng cơ bản cho một xã hội. Để chuyển hoá một xã hội độc đoán sang một xã hội dân chủ sẽ cần phải thực hiện rất nhiều các công việc khác nhau với những mức độ ưu tiên khác nhau trong từng giai đoạn, nhưng thiết nghĩ, việc nâng cao dân trí về những vấn đề chính trị, xã hội luôn là một công việc hàng đầu và không có giai đoạn kết thúc. Đó cũng chính là tinh thần “Khai dân trí” đã được kêu gọi và xúc tiến cách đây một thế kỷ từ những chí sĩ như Lương Văn Can (7), Nguyễn Thượng Hiền (8), Phan Châu Trinh (9)…với trường Đông Kinh Nghĩa Thục (10) và phong trào Duy tân nặng lòng yêu nước , nhưng đầy sóng gió. Với những tiến bộ về khoa học truyền thông hiện nay, việc khai thông dân trí tưởng chừng sẽ dễ dàng, nhưng thực tế cho thấy vẫn là một công cuộc đầy khó khăn khi các thế lực độc đoán chiếm được quyền lãnh đạo, và đặc biệt khó khăn trong các xã hội có chính thể chuyên chế độc đảng. Công việc “ Khai dân trí” có thành công hay không chính là nằm ở sự kiên trì, đồng tâm, sáng suốt và lòng dũng cảm của tầng lớp trí thức đương thời.
Chú thích của người dịch:
(1) Tham chiếu:
Newsweek số ra ngày 20/08/2007
(2) Trại giam giữ người không xét xử thời kỳ Xô-viết, với điều kiện sống và lao động cưỡng bức hết sức khắc nghiệt.
(3) Cung vua thời Sa hoàng Nga, hiện là nơi làm việc của Tổng thống Cộng hòa liên bang Nga
(4) Tác giả ý muốn nói tình trạng bóp nghẹt ngôn luận và tạo ra phe đối lập thân chính phủ trung ương của Nga
(5)1894-1971, Bí thư thứ nhất đảng cộng sản Liên-xô 1953-1964,Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên-xô 1958-1964, khi nắm quyền lãnh đạo đã đưa ra những quan điểm cởi mở, tiến bộ như đả phái việc tôn sùng cá nhân, cùng sống chung hòa bình và cạnh tranh kinh tế với các nước tư bản, mở rộng tự do cho các tranh luận chính trị,v.v. Ở Việt nam thường gọi là” chủ nghĩa xét lại”.
(6) Chính sách thúc đẩy việc tự do hoá thông tin đối với dân chúng, kể cả những thông tin của chính quyền.
(7) 1854-1927: chí sĩ yêu nước, đỗ Cử nhân, thành viên sáng lập Đông kinh Nghĩa thục. Bị lưu đày hơn 07 năm.
(8) 1868-1925: chí sĩ yêu nước, đỗ Hoàng giáp, thành viên sáng lập Đông kinh Nghĩa thục.
(9) 1872-1926: chí sĩ yêu nước, đỗ Phó bảng, một trong những yếu nhân của phong trào Duy tân chủ trương nâng cao nhận thức của dân chúng về các vấn đề chính trị, xã hội, khoa học,.. là một vấn đề cơ bản trên con đường giành lại độc lập, tự do cho đất nước.(10) Trường tư thục mở tại phố Hàng Đào-Hà nội từ 03/1907-12/1907 với mục đích truyền bá những tư tưởng văn minh cho dân chúng về công nghiệp, kinh doanh, thương mại, ngân hàng; vai trò của hệ thống chính trị như nghị viện, cảnh sát, quân đội…; lòng yêu nước; các nguyên tắc sinh hoạt đời sống sao cho khoa học, vệ sinh… Bị đóng cửa do đàn áp của chính quyền thực dân Pháp.