Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Chia sẻ ý nghĩ đầu năm 2008

Đạo diễn Lê Hoàng đang thực hiện bộ phim Thủ tướng để trình chiếu trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tý sắp tới. Theo những thông tin hành lang cho biết, bộ phim sẽ đưa ra một hình mẫu Thủ tướng trẻ tuổi với những trọng trách quốc gia nhưng không thiếu những ham muốn, suy tư “ tầm thường” của con người. Qua những gì mà Lê Hoàng đã trình bày trên sân khấu, trên màn ảnh và những bài phiếm luận…, khán giả hy vọng sẽ được chia sẻ những cách nhìn thực tế, những kỳ vọng hữu ích về một nguyên thủ quốc gia cho Việt Nam, bên cạnh yếu tố thư giãn của nghệ thuật thứ bảy. 

Với bối cảnh thực tế hiện nay của đất nước đang bị lâm nguy trước giặc ngoại xâm và những kìm hãm, mưu tính của giặc nội xâm, khát khao cho đất nước Việt Nam có những nguyên thủ có đủ phẩm chất cần có để đưa đất nước vượt qua sự lâm nguy hẳn không chỉ là đề tài cho những sáng tác nghệ thuật. Cách đây vài năm cũng đã có một cuộc thăm dò không được công bố (?) tại Việt Nam cho thấy thần tượng của giới trẻ đã nghiêng nhiều về mẫu hình của một vị tổng thống Mỹ. Cho dù nước Mỹ không phải là toàn bộ thế giới, nhưng những dấu hiệu trên đây, là một thực tế không thể phủ nhận, cho thấy nhận thức chính trị của thế hệ trẻ Việt Nam đã phần nào vượt qua hệ thống chính trị hiện thời để hướng ra bên ngoài và vấn đề “kinh bang tế thế” quốc gia không thể chỉ là chuyện riêng của các vị “vua” hay bất cứ “đội tiên phong” tự xưng nào. Những cuộc xuống đường của giới trẻ tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung quốc xâm lấn trong tháng cuối năm 2007 vừa qua, cho dù đã bị kìm hãm, ngăn trở, cũng nói lên tư duy chính trị của thế hệ trẻ Việt Nam đã cảm thấy chật chội và bức bối với không gian chính trị hiện tại. 

Việc giải toả những bức bối chính trị luôn là một nhu cầu tự thân của bất kỳ hệ thống nắm quyền nào và giải pháp duy nhất đúng chính là sự sáng suốt giảm áp lực bằng việc mở rộng không gian cho những bức bối đó, thay vì sai lầm hay ấu trĩ dẫn đến việc đè ép những bức bối để phải đối phó với những áp lực tất yếu lớn hơn. Sự gia tăng áp suất với mọi nghĩa đều là nguy hiểm cho tất cả mọi người. Rất mong những vị đang giữ quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam hiểu nhận định này như một qui luật. 

Năm mới 2008 đã bắt đầu bằng những ngày đầu tiên với những tia nắng chan hòa trên khắp đất nước, khác hẳn với những ngày đầu năm đã qua. Theo truyền thống của mọi dân tộc, đón một năm mới không gì tốt lành bằng nhìn vào tương lai với một niềm lạc quan tựa trên một lòng quyết tâm và một tinh thần cầu thị mở rộng, sẵn sàng thu nhận những tinh hoa của loài người, vượt lên trên nỗi mặc cảm, sự đố kỵ, hẹp hòi cá nhân hay dân tộc chủ nghĩa. Với tinh thần đó, xin chân thành gửi tới các vị đang giữ những trọng trách quốc gia của đất nước Việt Nam, và quí bạn đọc, bài biên dịch sau đây:


BẢN LĨNH NGUYÊN THỦ


Nước Mỹ có thể sẽ rất khác nếu không có những tổng thống có bản lĩnh.Không một điều khoản nào trong bản Hiến pháp nước Mỹ qui định dân Mỹ phải chọn một người có bản lĩnh nguyên thủ làm tổng thống. Nhưng mong muốn về bản lĩnh nguyên thủ ở một tổng thống đã được tạo dựng từ thời George Washington. 

Vào năm 1795, vị anh hùng già cả của nước Mỹ lo ngại về việc người Anh có thể bóp nghẹt quốc gia non trẻ của mình bằng cách gia tăng chiến tranh ở phía bờ biển Đại tây dương và kích động các thổ dân da đỏ chống lại những người lập cư tại Mỹ. Để ngăn chặn nguy cơ đó, G. Washington đã phái John Jay sang London nhằm đàm phán một hiệp ước hòa bình. Rất nhiều người dân Mỹ đã nhìn nhận sự nhượng bộ trong Hiệp ước Jay (Jay’s treaty) là sự nhục nhã. Nhiều hình nộm của Jay đã bị đốt cháy. Một số người dân Mỹ còn kêu gọi luận tội Washington tại Quốc hội và thậm chí còn có cả kêu gọi ám sát Tổng thống. Ngay tại vùng Virginia yêu dấu của G. Washington, nhiều cựu binh của G. Washington còn phẫn nộ: “Tướng Washington, hãy chết đi!”. Sau đó, Washington đã về hưu vào năm 1797 với sự khinh thị chưa từng có của dân chúng. Martha Washington, phu nhân Tổng thống, đã cho rằng sự đau khổ này đã góp phần đưa đến cái chết của G. Washington hai năm sau đó. 

Tháng Tám năm 1864, các cố vấn lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của Abraham Lincoln đã nói với A. Lincoln rằng ông không còn cơ may nào để chiến thắng trong cuộc bầu cử tống thống vào tháng Mười một năm đó, vì nhiều cử tri ở miền Bắc mặc dù vẫn quyết tâm chiến đấu để giữ miền Nam ở lại trong Liên hiệp (Union) nhưng họ lại không muốn trả tự do cho các nô lệ. Nhiều người đã dứt khoát khuyên Lincoln phải từ bỏ bản Tuyên ngôn giải phóng (nô lệ) năm 1863, để lấy lại sự ủng hộ của số cử tri đó. Tuy cũng đã bị nghiêng ngả chút ít bởi ý tưởng đó, nhưng sau khi đã nhìn sâu vào lương tâm mình, Lincoln đã quyết định rằng “Tôi thà làm theo lương tâm còn hơn làm một Tổng thống”. Và đúng như những gì đã xảy ra, với thắng lợi giành lại được vùng Atlanta đúng thời điểm vào tháng Chín do tướng William Tecumseh chỉ huy, Lincoln đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Cuối cùng, Lincoln đã đạt được cả hai: vừa là con người của lương tâm, vừa là Tổng thống. Nhưng Ông lại không thể tránh được âm mưu ám sát của kẻ hận Ông đã giải phóng các nô lệ.

Năm 1940, khi Franklin D. Roosevelt chuẩn bị kêu gọi nhân dân Mỹ cho một cuộc đối đầu lớn với sự nguy hiểm từ Adolf Hitler, các cộng sự của Ông đã nhắc Ông rằng nước Mỹ vẫn ở ngoài cuộc chiến và sự táo bạo như thế có thể sẽ làm hỏng chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ ba của Ông. Nhưng Roosevelt đã vượt qua lời khuyên đó và thực hiện một cuộc tổng động viên quân sự ngay trong thời bình lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đúng một tuần trước cuộc bầu cử năm 1940 diễn ra. Vị Đại sứ Mỹ tại London, Joseph Kennedy, theo trường phái biệt lập (isolationnist), khi đó đã nói thẳng với Rooselvelt: “Ngài hoặc sẽ ra đi như một người vĩ đại nhất trong lịch sử, vĩ đại hơn cả Washington hay Lincoln, hoặc sẽ như một chú lừa vĩ đại”. F.D.Roosevelt đã đáp lại rằng “đã có một lựa chọn thứ ba”: nếu không tăng cường sức mạnh phòng thủ của nước Mỹ, Hitler có thể thống trị cả thế giới và “Tôi có thể phải ra đi như một tổng thống của một quốc gia hèn yếu”.

Tổng thống John F. Kennedy là người đã từng ủng hộ phong trào đòi Quyền dân sự và Hội nhập các chủng tộc vào nước Mỹ vào những năm 1950 và chính ông là người đã can thiệp để thủ lĩnh phong trào đòi Quyền dân sự - Mục sư da đen Martin Luther King được ra khỏi tù sớm. Nhưng trong suốt hai năm rưỡi đầu tiên nhậm chức tại Phòng Bầu dục (Oval Office), John F. Kennedy không dám chuyển dự luật quan trọng về các Quyền Dân sự (civil-rights bill) cho Quốc hội phê duyệt. Cho tới khoảng tháng Năm năm 1963, khi các cuộc xung đột đã trở nên trầm trọng ở thành phố Birmingham tiểu bang Alabama, Tổng chưởng lý (Bộ trưởng tư pháp) Robert Kennedy đã cảnh báo thẳng thừng với Tổng thống - anh trai mình - là các thành phố khác, đặc biệt là ở miền Bắc cũng sẽ bị rối loạn nếu không hành động sớm. John F. Kennedy đã phản ứng ngay bằng việc trình dự luật giá trị nhất trong suốt một thế kỷ về Quyền dân sự cho Quốc hội. Hành động đó của John F. Kennedy ngay lập tức đã bị trả giá bằng việc mất sự ủng hộ của các cử tri da trắng tại miền Nam, những người đã rất đắn đo khi bầu cho John F. Kennedy trong cuộc bầu cử năm 1960. Cuối cùng JFK (John F. Kennedy) đã nói với người em trai rằng Ông “có thể bị thua trong lần bầu cử tới vì vấn đề này,” nhưng Ông vẫn cương quyết “ Nếu chúng ta cần phải ra đi, chúng ta sẽ ra đi cùng với nguyên tắc của đạo lý.

“Tổng thống Ronald Reagan là người từng được mệnh danh là “kẻ chống cộng” quyết liệt, là người khởi xướng ý tưởng phòng thủ trong không gian để đối trọng lại với nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ khối Xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên-Xô. Nhưng khi phát hiện ra Gorbachev là người thực sự muốn tìm kiếm hòa bình cho thế giới, Ronald Reagan đã không ngần ngại thúc đẩy việc trao đổi với Liên-xô, chấp nhận sự nổi giận của các nhân vật ủng hộ cứng rắn của mình, những người đã gọi Ronald Reagan khi đó là “ kẻ đần độn yếu đuối”.Không một ai trong số các Tổng thống kể trên là vị thánh, tất cả họ là những chính trị gia đều có những mối lo lắng, ưu tư về bản thân, đều cố tránh phải xuyên qua những “đám lửa”. Nhưng nếu không có sự bản lĩnh nguyên thủ có tên là Lincoln, chắc rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị tan rã. 

Nếu không có sự bản lĩnh có tên FDR, đất nước Hoa Kỳ đã không thể vượt qua nổi những đổ nát, tàn phá do Hitler và đế chế Nhật Bản gây ra, và sự thiếu đi bản lĩnh của Kennedy cùng với cuộc cách mạng đòi Quyền dân sự có thể đã xé nát cả đất nước Hoa Kỳ. Nếu không có sự quyết đoán của Ronald Reagan khi quan hệ với Gorbachev, bức tường chia cắt Berlin chắc đã không thể sụp đổ vào ngày 09 tháng 11 năm 1989 và hàng trăm triệu người dân tại đông Âu vẫn chưa thể biết đến những tự do và phúc lợi như những gì mà Liên minh châu Âu (EU) hay hiệp ước Schengen đang mang lại. 

Trên hết, nếu không có George Washington phải chịu đau khổ cho tới lúc chết, nước Mỹ chưa chắc đã có một truyền thống bản lĩnh nguyên thủ của tổng thống. Nhưng Washington đã hiểu rằng tất cả những gì mà Ông làm trên cương vị là một tổng thống sẽ tạo ra một truyền thống cho những tổng thống kế tiếp. Ông hy vọng rằng sự ủng hộ can đảm của Ông đối với Hiệp ước Jay sẽ chuyển thông điệp cho những người kế vị Ông rằng không việc gì phải sợ hãi khi ta hành động vì lợi ích quốc gia.

Phạm Hồng SơnNguồn: Michael Beschloss “A president’s ultimate test”, Newsweek 14/05/2007 & tư liệu ngoài nước.