Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Một số cảm nghĩ và câu hỏi gửi tới Giáo sư Tương Lai

Một số cảm nghĩ và câu hỏi gửi tới Giáo sư Tương LaiMột số cảm nghĩ và câu hỏi gửi tới Giáo sư Tương Lai, tác giả bài viết “Về thời điểm lịch sử của một tư tưởng” đăng trên mục “ Chào buổi sáng” báo Thanh niên ngày 13/10/2007. Kính nhờ Báo Thanh niên (toasoan@thanhnien.com.vn) chuyển tới Giáo sư Tương lai. Xin cảm ơn.
Giáo sư viết: “ Khẩu hiệu của giới doanh nhân hôm nay: “Một đội ngũ, một tầm nhìn” gợi nhớ đến đội ngũ ấy với những bước thăng trầm nghiệt ngã dưới tác động cũng của một tầm nhìn trước Đổi mới, để từ đó ta hiểu rõ một tầm nhìn khác, tầm nhìn ghi dấu ấn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có cách hiểu, cách học tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, sống động.” Thưa giáo sư, chắc chắn những người sống qua thời bao cấp (trước 1990) đều chia sẻ và rất đồng cảm với chữ “thăng trầm nghiệt ngã” mà Giáo sư dùng trong đoạn văn trên. Tuy nhiên người đọc sẽ cảm thấy khó hiểu khi Giáo sư cho rằng từ tầm nhìn trước Đổi mới của sự “nghiệt ngã thăng trầm” đó sẽ nhìn ra “tầm nhìn ghi dấu ấn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thời kỳ trước “Đổi mới” (trước năm 1986) cũng bao hàm cả thời kỳ sinh thời của Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt nam dân chủ cộng hòa (từ 1945 -1969). Vậy, nếu thực sự Chủ tịch Hồ Chí Minh có “tầm nhìn ghi dấu ấn thiên tài”, tại sao tầm nhìn đó không được thực hiện sớm hơn (trước năm 1986)? Liệu có lý do nào biện minh được cho sự chậm trễ “Đổi mới” ở chính người có “tầm nhìn ghi dấu ấn thiên tài” đang giữ cương vị tối cao của Quốc gia? Đất nước Việt nam cũng như thế giới có được những phát triển và tiến bộ như ngày hôm nay là thành quả của nhiều thế hệ đi trước của dân tộc Việt nói riêng và toàn nhân loại nói chung, với những đóng góp đặc biệt của nhiều cá nhân xuất sắc khác nhau. Nếu chỉ kêu gọi học tập tư tưởng, đạo đức của một cá nhân nào đó (như Hồ Chí Minh) liệu có làm cho xã hội có nguy cơ diễn tiến thiên lệch hoặc thoái triển không? Những cá nhân xuất sắc khác như Chu Văn An, Phan Châu Trinh, Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, Albert Einstein, Stephen Hawking…sẽ được nhìn nhận ra sao khi kêu gọi học tập đơn tính đó?Giáo sư đã trích dẫn và kể lại những câu chuyện về Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cùng với những nhận định, đánh giá về tầm nhìn, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó xin được lưu ý ba điểm:1. “ Với Hồ Chí Minh, không một tầng lớp xã hội nào không được quan tâm…Trong đó, phạm vi các giai cấp và tầng lớp không thay đổi, chỉ tăng lên về chất lượng để thành một tập hợp mới mạnh mẽ hơn, bền chắc hơn của khối đại đoàn kết dân tộc.”Thưa Giáo sư, phải chăng Giáo sư đã quên rằng Hồ Chí Minh là một chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế (theo nhận định của Lê Duẩn), một trong những người sáng lập đảng cộng sản Pháp, là thành viên của Quốc tế cộng sản. Trong di chúc để lại, Hồ Chí Minh cũng ghi rõ “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin…”. Vậy, những điều Giáo sư vừa nhận định rõ ràng chỉ là sự suy luận, dẫu tốt đẹp, nhưng hoàn toàn không đúng với Hồ Chí Minh, bởi mục tiêu của Chủ nghĩa cộng sản là loại bỏ (“đào mồ chôn”) chủ nghĩa tư bản (tức tầng lớp doanh nhân tư nhân) để xây dựng một xã hội không có giai cấp. Trên thực tế, trong thời Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước có tồn tại một tầng lớp doanh nhân nào không? Các nhà tư sản giỏi giang, yêu nước trên đất Bắc, có ai tiếp tục phát triển được sản nghiệp không?2. “…Trong đó có thể rơi rụng người này hoặc người khác, chứ không có chuyện loại bỏ tầng lớp này hoặc tầng lớp khác theo kiểu sử dụng “bạn đường” có thời hạn, để khi cần thì vứt bỏ… Trong tư tưởng Hồ Chí Minh không tầng lớp xã hội nào “nửa đường đứt gánh”, càng tuyệt đối không có chuyện “qua sông đắm đò”.”Thưa Giáo sư, dù không muốn làm Giáo sư phật lòng nhưng tôi phải thẳng thắn nói rằng đoạn văn này là sự xúc phạm lịch sử, xúc phạm vong linh của những người đã chịu oan nghiệt. Chắc chắn Giáo sư phải nghiên cứu nhiều những bi kịch của đồng sự, đồng chí của Hồ Chí Minh, nên Giáo sư mới có thể viết được những ngôn từ che chắn khéo léo như thế. Nhưng lịch sử vẫn có những chứng tích không thể tẩy xóa. Xin nhắc lại cùng Giáo sư hai trường hợp: 1/.Cụ Vũ Đình Huỳnh (1906 – 1990): thư ký riêng của Hồ Chủ tịch, cựu vụ trưởng vụ lễ tân Bộ ngoại giao, người đã đóng góp nhiều tài sản cho Cách mạng, người đã tham gia tư vấn, soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập của Việt nam. Nhưng chính cụ đã phải chịu tù đày, quản thúc nhiều năm, không hề xét xử, ngay khi Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước. 2/. Ông Hoàng Minh Chính (sinh năm 1920, hiện ở tại 26 Lý Thường Kiệt-Hànội): Viện trưởng Viện triết học đầu tiên, người đã tham gia Cách mạng từ rất sớm, chịu nhiều lao tù, thương tật của thực dân Pháp. Ông bị tù đày không xét xử nhiều năm ngay khi Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước. Đây chỉ là hai nhân vật đầu tiên trong số nhiều người bị bắt của cái gọi là “ xét lại chống đảng”, mà đến bây giờ, tôi tin rằng bất kỳ ai có đủ thông tin và có lương tri đều không thể không phẫn nộ trước cách hành xử độc ác của chính quyền thời đó (1). Vậy mà Giáo sư dùng từ “ rơi rụng”! Không hiểu Giáo sư ám chỉ ai? Chỉ cần là một kiếp người bình thường, có ai muốn thân phận mình bị ví như một quả sung, quả ổi? Việc Giáo sư dùng từ “tuyệt đối”: “…tuyệt đối không có chuyện “qua sông đắm đò”, tôi e rằng không có tính khoa học, bởi đó là nhận xét về một chính trị gia trong một đất nước đến ngay cả di chúc của người đó cũng từng bị cắt xén. Hơn nữa trong nghiên cứu xã hội học, không thể có kết luận nào có chữ tuyệt đối đúng ngoài sự tuyệt đối đúng là: “mọi chuyện đều có thể”.3. “Ngẫm nghĩ kỹ những bước thăng trầm với những sai lầm trong cải cách ruộng đất rồi phải sửa sai, trong cải tạo công thương nghiệp làm triệt tiêu nguồn lực kinh tế khiến cho đất nước lâm vào khủng hoảng, buộc phải có Đổi mới, càng thấy rõ nét thiên tài của sức nghĩ, của tầm nhìn Hồ Chí Minh”Đã rõ, Giáo sư nhận định Đổi mới là do “buộc phải có Đổi mới” sau khi “đất nước lâm vào khủng hoảng”. Nhưng tôi thật sự không hiểu từ đó Giáo sư nhận định “càng thấy rõ nét thiên tài của sức nghĩ, của tầm nhìn Hồ Chí Minh”. Trong sai lầm của cách ruộng đất (đã gây chết oan nhiều người), vai trò, trách nhiệm của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch đảng cộng sản (đều là Hồ Chí Minh) đến đâu? Vấn đề này chắc còn cần nhiều thời gian để phân tích mổ xẻ, nhưng theo tôi, Hồ Chí Minh không thể không chia sẻ trách nhiệm, vai trò trong sai lầm đó (dĩ nhiên phải nhìn dưới góc độ pháp lý). Vậy trong “nét thiên tài” mà Giáo sư đề cập liệu đã xem xét khía cạnh trách nhiệm đó chưa?Lời kết: Tôi đã đọc và tâm đắc với nhiều bài viết của Giáo sư, trong đó tôi nhớ Giáo sư đã cổ vũ cho nền kinh tế tri thức. Tôi mạn nghĩ, để có nền kinh tế tri thức, giới trí thức không thể không hướng quần chúng đến cách tư duy có cơ sở (dựa trên chứng cứ, dữ liệu, có so sánh, phân tích,…) với một ý thức khách quan vượt lên trên tình cảm yêu, ghét, ngưỡng mộ, hận thù, sợ hãi, nể nang và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trên mọi đảng phái. Những câu hỏi đặt ra trên đây, tôi không mong Giáo sư phải mất thời gian để hồi đáp, bởi những câu trả lời cho chúng, tôi chắc Giáo sư cũng đồng ý, không phải là mục đích chính của bài viết này. Chỉ mong được đọc những bài viết khoa học và trăn trở cùng đất nước của Giáo sư. Kính chúc Giáo sư sức khỏe.
Ngày 13/10/2007Phạm Hồng Sơn72 B Thụy Khuê – Hà nội
(1) Kính mời giáo sư tham khảo thông tin trên một số trang web: thongluan.org, danchimviet.com, ykien.net, doi-thoai.com như một số phương tiện truyền thông của Nhà nước hiện nay đã nhiều lần đề cập.