Myanmar: bạn và tôi
Sau hơn một tháng xử sự khá ôn hòa đáng khen ngợi, ngày 26 tháng 09 vừa qua chính quyền độc tài Myanmar đã hành xử bạo lực với người dân tham gia cuộc tuần hành dân chủ ôn hòa trên các đường phố tại Rangoon (thủ đô cũ). Cuộc tuần hành đã được bắt đầu nhen nhóm từ ngày 19 tháng 08. Theo thông tin cho tới lúc này, đã có nhiều lãnh đạo các tổ chức dân chủ đối lập và hơn 700 nhà sư bị bắt, hơn 100 người bị thương và có khoảng trên 10 người tuần hành đã bị tử thương, trong đó có một phóng viên mang quốc tịch Nhật bản. Lực lượng cảnh sát đã dùng dùi cui, báng súng đánh đập người tuần hành và nhiều nhân chứng đã nghe thấy tiếng súng nổ. Tuy thế, cho tới thời điểm này, sự đàn áp của chính quyền đã tỏ ra có “nhân tính” hơn rất nhiều so với cuộc đàn áp năm 1988, đã làm chết khoảng 3.000 ( ba nghìn) người. Trước khi bạo lực đàn áp xảy ra, hình ảnh những vị sư – tầng lớp đáng kính nhất tại Myanmar, mặc áo choàng nâu chậm rãi, nghiêm nghị, tay lần tràng hạt lặng lẽ nối nhau trong những đoàn người trật tự, dài như bất tận trên đường phố, đôi khi ngay dưới những cơn mưa tầm tã, nhưng lúc nào cũng kèm theo rất nhiều dân thường trẻ tuổi đi cùng, tay không hoặc cầm những lá cờ mỏng manh, luôn nổi bật trong các bản tin về Myanmar. Số lượng đoàn người tuần hành trong những ngày sắp xảy ra đàn áp đã lên tới trên 130.000 nghìn (một trăm ba mươi nghìn) người, dân thường và các vị sư chiếm số lượng gần bằng nhau. Cuộc tuần hành ban đầu được cho là khởi phát do chính phủ đột ngột tăng giá xăng dầu lên gấp hai lần. Dĩ nhiên, giá xăng dầu lên cao sẽ gây khó khăn cho mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt những người nghèo hiện đang chiếm phần lớn dân số Myanmar. Nhưng những khẩu hiệu mà đoàn người tuần hành hô vang dần lên theo thời gian lại không liên quan gì tới xăng dầu hay giá cả mà chính là những từ như “Đối thoại”, “Dân chủ” ( những từ gợi ra phương cách và mục tiêu để giải quyết tận gốc rễ những vấn nạn xã hội) và những từ này đương nhiên chả liên quan gì tới Bạo lực, Súng đạn hay Chết chóc. Tiếc thay, những người tuần hành không hề liên quan tới Bạo lực lại là nạn nhân của chính Bạo lực. Vậy Bạo lực đến từ đâu?
Lực lượng cảnh sát với những trang phục bảo vệ đặc biệt từ đầu đến chân, kèm theo những vũ khí như dùi cui, hơi cay, súng ngắn, súng dài, liệu có phải là nguồn gốc của Bạo lực? Chắc chắn là không, bởi dù được trang bị vũ khí, nhưng không có lệnh cho phép sử dụng vũ lực, mọi cảnh sát và vũ khí chỉ như những chú lính chì đáng yêu trong tủ kính.Chính phủ ( giới nắm quyền) có thể bao biện rằng biện pháp dùng bạo lực đó là để ngăn chặn những hành vi gây rối, hoặc thậm chí là sự tự vệ chính đáng của cảnh sát trước những tấn công của người tuần hành (mặc dù cho tới nay chưa thấy chính quyền Myanmar giải thích lý do cho những án mạng dân thường đã xảy ra). Tuy nhiên với một chính quyền đang nắm giữ mọi nguồn lực, mọi phương tiện truyền thông của xã hội, việc đảm bảo cho những cuộc tuần hành diễn tiến trong trật tự và an toàn là điều hoàn toàn trong khả năng. Điều này đã được thực hiện hàng ngày ở những quốc gia thừa nhận quyền biểu tình, tuần hành của người dân. Hơn nữa, những người tuần hành đã xác định và thể hiện rõ phương pháp giải quyết bức xúc của người dân hiện nay là bằng phương pháp “Đối thoại” để thiết lập một thể chế “Dân chủ”. Cho dù chưa nhất trí về chữ “Dân chủ”, thì việc “Đối thoại” luôn là điều vô hại khả thi đối với tất cả mọi người, nhất là khi đối tác đã xác định “Đối thoại” là nguyên tắc căn bản.Do đó, một điều rõ ràng rằng Bạo lực, Đổ máu hay Chết chóc chỉ có thể đến từ một số kẻ nắm quyền lực độc tài, những kẻ đang thâu tóm quyền kiểm soát hệ thống cảnh sát, quân đội. Nhưng để dọa dẫm hoặc làm dân chúng hiểu nhầm đấu tranh bất bạo động hay “diễn biến hòa bình” sẽ gây rối loạn, đổ máu, những kẻ độc tài thường ngụ ý hoặc vẽ ra những hậu quả Bạo lực, Đổ máu mà chính chúng mới có thể tạo ra được.
Những diễn biến về cuộc tuần hành, biểu tình ôn hòa của người dân Myanmar còn diễn tiến với nhiều điều bất ngờ, có thể thêm nhiều thương vong đối với người dân. Nhưng những gì mà người dân Myanmar đã và đang thể hiện cho thấy rõ niềm tin vào thành công của cuộc đấu tranh bất bạo động (diễn biến hòa bình) để có một hệ thống lãnh đạo dân chủ đang ngày càng được lan tỏa trong dân chúng, với một quyết tâm rất cao. Nếu cuộc đấu tranh của nhân dân Myanmar thành công trong một ngày gần đây, đó cũng không phải chuyện lạ, vì phương pháp đấu tranh đó đã được chứng minh là phương pháp đúng đắn phù hợp với sự phát triển của loài người hiện nay và được thực hiện bằng sự kiên trì, đoàn kết, sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy. Tinh thần của người dân Myanmar đã lay động con tim toàn thế giới. Người dân và chính quyền của những quốc gia dân chủ đang theo dõi sát sao và lên tiếng ủng hộ trợ giúp người dân, lên án, trừng phạt chính quyền độc tài. Người dân ở những nước thiếu dân chủ đang vui mừng, âm thầm hoặc lên tiếng ủng hộ, chia sẻ và cầu chúc sớm thành công cho nhân dân Myanmar (1). Tôi là một người dân Việt nam, lại càng mong ước điều đó, bởi tôi và nhiều người bạn của tôi đang rất thấu hiểu những thiệt thòi, đau khổ của một người dân mất tự do.
Phạm Hồng SơnHà nội, ngày 28/08/2007
(1) Cuộc đàn áp hiện nay của chính quyền độc tài Myanmar đã bị lên án từ khắp nơi trên thế giới và đang được theo rõi rất sát sao. Từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Kimoon, Tổng thống Mỹ G.W .Bush, Thủ tướng Anh Gordon Brown,…Từ Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Ân xá quốc tế ( AI), Tổ chức theo rõi Nhân quyền ( HRW) cho tới Tổ chức nhà báo không biên giới ( RSF),…Ngay Hiệp hội các quốc gia Đông nam Ấ ( ASEAN) thường rất “kín tiếng” về vấn đề nhân quyền cũng đã có những động thái tỏ rõ không “bằng lòng” với chính quyền Myanmar. Tại Thái lan, Nhật bản, Úc châu đã có những cuộc biểu tình của người dân nhằm ủng hộ những người đấu tranh dân chủ và lên án hành vi bạo lực của chính quyền độc tài Myanmar. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã có kế hoạch gửi phái viên sang Myanmar để thị sát trực tiếp. Tổng thống Mỹ G.W Bush đã ra tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt thêm đối với chính quyền Myanmar. Ông Ngoại trưởng Anh đã nhấn mạnh “những kẻ vi phạm nhân quyền không thể tránh được trừng phạt” ( there would not be “ impunity” for human rights violators). Tuy nhiên, một nỗ lực ( triệu tập họp khẩn cấp) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm đưa ra một nghị quyết trừng phạt chính quyền Myanmar đã không thực hiện được do Nga và Trung quốc từ chối ủng hộ với lý do “ đó là chuyện nội bộ”. Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu Edward McMillan Scott đã đưa ra đề xuất xem xét việc tẩy chay Olimpic 2008 tại Bắc Kinh nếu Trung quốc không có những hành động để ngăn chặn bạo lực từ chính quyền Myanmar.
Nguồn: CNN, BBC, VOA.