Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Đoàn kết dễ hơn ta tưởng




Xin trân trọng cảm ơn lời mời của Ban tổ chức hội thảo “For Freedom and Solidarity” ( “vì Tự do và Đoàn kết” ) tại Vác-sa-va ngày 10 tháng 12 năm 2007 [*]. Do điều kiện khách quan không thể tham dự, tôi xin gửi tới Ban tổ chức bản tham luận sau đây:




Ai cũng biết, để có đủ sức mạnh đấu tranh hiệu quả với các chính thể độc tài, những cá nhân bất đồng chính kiến đơn lẻ, những tổ chức, đảng phái đối lập riêng biệt cần phải đoàn kết lại. Tuy nhiên từ “đoàn kết” đối với các cá nhân, phong trào, hội đoàn phi cộng sản Việtn Nam hiện nay vẫn thường gợi tới một mục tiêu, một ước muốn hơn là vấn đề củng cố một công việc đã hoàn thành. Nhiều người còn tỏ ra ngao ngán khi thấy đã trên 30 năm kể từ ngày chế độ cộng sản được áp đặt trên toàn cõi Việt Nam, những cá nhân, phong trào phi cộng sản của Việt Nam tại những vùng đất tự do vẫn chưa có được một sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh thống nhất, đôi khi còn thấy những thể hiện kém ôn hòa ở nơi công cộng chỉ do bất đồng quan điểm. 

Ở trong nước tình hình cũng có những thể hiện không kém phần lo ngại. Khoảng 05 năm trở lại đây thỉnh thoảng lại nổi lên những vụ xúc phạm nhau một cách công khai giữa những người cùng quan điểm phản kháng chế độ độc đảng hiện tại. Những sự kiện dẫn đến các nhận xét u ám vừa nêu đã là quá khứ, nhưng liệu có ai dám chắc chúng không thể lặp lại? 

Chúng ta không thể chấp nhận khái niệm Đoàn kết như tình trạng đồng nhất cưỡng bức, triệt tiêu các chính kiến, che giấu lục đục trong chính thể độc đảng. Nhưng vấn đề các cá nhân, các tổ chức đang công khai có một ước nguyện dân chủ đa nguyên chưa hoặc chưa đủ đoàn kết, cần phải được coi là một vấn đề cấp thiết không chỉ cho phong trào dân chủ hiện nay mà còn phải được coi là hệ trọng cho tương lai của đất nước; bởi một quốc gia không thể hưng thịnh khi các cá nhân, các tổ chức của quốc gia đó không thể đoàn kết. Với một tinh thần đa nguyên, Đoàn kết rõ ràng không thể được hiểu theo nghĩa chỉ là sự nhất trí với nhau về một (hay nhiều) quan điểm, Đoàn kết phải được hiểu là khả năng hợp tác, phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức có quan điểm khác nhau vì một mục tiêu chung. Cụ thể hóa, Đoàn kết phải được thể hiện ở tinh thần khẩn cấp Quan tâm, trợ giúp khi đối tác gặp khó khăn, sự  sẵn sàng tiếp xúc để bàn thảo với những cá nhân, tổ chức có quan điểm khác biệt nhằm cùng tìm ra một giải pháp cho một vấn đề liên quan. 

Tất cả sự quan tâm hay sự sẵn sàng đó chỉ có thể có khi mỗi người chúng ta xác định rõ sự bất đồng giữa những con người là phổ biến tự nhiên, việc coi thường hay chối bỏ lắng nghe ý kiến khác biệt là tự làm mất cơ hội tiếp cận những tri thức, sáng kiến tiềm năng. Sự gặp gỡ bàn thảo những quan điểm khác biệt (thậm chí xung đột) là một khả năng duy nhất đến nay được biết chỉ có ở những cộng đồng, xã hội con người muốn phát triển. Nếu coi tương lai của dân tộc là một dự án chung thì dự án đó chỉ là dân chủ khi mọi quan điểm đều được tham vấn, được ghi nhận, cho dù, cuối cùng, nó không được chấp nhận. Có một yếu tố quan trọng, thường bị tránh né hoặc bỏ sót, giúp cho sự quan tâm, sẵn sàng kể trên trở thành khả thi đó chính là khả năng giữ một phản hồi lễ độ giữa các chủ thể khi có những bất đồng. 

Đòi hỏi con người không có xúc cảm cáu giận, bực tức là điều phản tự nhiên, nhưng kiểm soát xúc cảm là một khả năng con người có thể rèn luyện. Câu tục ngữ của phương Đông: “Quá giận mất khôn” hay của phương Tây: “Anger is momentary madness” không chỉ cảnh báo sự rủi ro trong lời nói, hành động khi có xúc cảm không vừa ý mà còn gợi ý sự độ lượng với những lời nói, hành động trong xúc cảm đó. 

Các gia đình, các tổ chức, các dân tộc đang hưng thịnh đều từng hoặc đang có những bất đồng, xung đột khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một cách ứng xử lễ độ, cầu thị trong bất đồng. Đoàn kết hay đoàn kết hơn nữa là mong muốn của các cá nhân, tổ chức đang vận động cho một thể chế dân chủ cho Việt Nam, nhưng đoàn kết sẽ là xa vời nếu như chúng ta chưa thể vượt qua mọi sự suy diễn, sĩ diện, thành kiến, mặc cảm để đến với nhau trong sự sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến “nghịch nhĩ”, mọi ý tưởng “lập dị” với một tinh thần cầu thị và một dự kiến phải kiểm soát phản hồi ở mức lễ độ. Những vấn đề này không cần đến những nguồn tài chính khổng lồ, những kế hoạch vĩ đại hay đòi hỏi dân tộc phải có một phẩm cách đặc biệt, chúng có thể được áp dụng tức thì ở mỗi cá nhân trong mọi tập thể đoàn kết tiềm năng. 

Sự chân thành cùng những ngôn từ bình dị như “ tôi xin phép”, “ tôi không nghĩ thế”, “mong ông thông cảm”, “ mong ông nhận lấy”, “ mong ông kiên nhẫn hơn” có thể cứu cho một nguy cơ chia rẽ hoặc để lại những cơ hội bắt tay trong tương lai. Đoàn kết là một danh từ lớn và hệ trọng nhưng nó chỉ có thể thành hiện thực nếu những điều bình dị như thế được quan tâm.




Phạm Hồng Sơn
Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2007

[*] Hội nghị “Vì Tự do và Đoàn kết” đã khai mạc tại trụ sở Quốc hội Ba Lan hôm 10 tháng 12 năm 2007 tại Warsaw, Ba Lan. Nhiều đại diện của các nước còn bị độc tài cai trị, tiêu biểu có Việt Nam, Belarus, Chechnya, Trung Quốc, Miến Điện, Tây Tạng đã về dự hội. Đây là hội nghị do Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan tổ chức với sự yễm trợ từ Bộ Ngoại Giao Ba Lan. Hiện diện trong hai ngày Hội Nghị, bên cạnh các viên chức thuộc Thượng Viện Ba Lan, có nhiều tham dự viên đã từng giữ vai trò lãnh đạo trong Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan. Hội nghị đã diễn ra trong hai ngày tại Văn Phòng Quốc Hội và Dinh Thủ Tướng Ba Lan. Mục tiêu nhằm tìm hiểu về tình hình vi phạm nhân quyền và phong trào dân chủ tại các quốc gia đang bị cai trị bởi những thể chế độc tài để từ đó hình thành một mặt trận mang tầm vóc quốc tế nhằm yễm trợ ôn hoà các nổ lực đấu tranh chống lại chế độ độc tài, toàn trị.Tham dự trong phái đoàn Việt Nam gồm nhiều người đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Ba Lan và Đông Nam Á.