Con đường thẳng tiến
Lời giới thiệu:
Hàn quốc và Việt nam có nhiều nét tương đồng: cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần và chiếm đóng ( Mông cổ, Nhật bản nhiều lần xâm lấn Hàn quốc, Nhật bản chiếm đóng từ 1910-1945), đã từng có cùng thứ văn tự là chữ tượng hình rất khó phổ biến và hòa nhập với thế giới, cùng chịu ảnh hưởng của đạo Nho. Hàn quốc là phần phía nam của bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai vào năm 1953 theo mốc giới vĩ tuyến 38, sau một cuộc nội chiến giữa miền Bắc theo cộng sản và miền Nam không theo cộng sản. Về địa lý và địa chính trị, Hàn quốc không lợi thế bằng Việt nam. 70% diện tích đất Hàn quốc là đồi, núi không trồng trọt được. Việt nam có 02 vựa lúa vào loại lớn nhất Đông nam Á và nằm ở vị trí bao quát ra biển đông, con đường biển huyết mạch giao lưu giữa Đông và Tây. Tuy nhiên, Hàn quốc đã là thành viên của Tổ chức phát triển và Hợp tác kinh tế của các nước phát triển ( OECD) từ năm 1996, Hàn quốc là nền kinh tế lớn thứ 12/183 quốc gia trên thế giới (VN:57/183 theo WB 2005), thu nhập bình quân người dân Hàn quốc đạt 15.840 US$/năm ( VN: 620 US$ theo WB 2005), chỉ số phát triển con người (HDI) của Hàn quốc đạt 0,912 đứng thứ 26/192 quốc gia (VN: 0,709; 109/192 theo WB 2005).Việtnam hiện đang cố gắng phấn đấu tới năm 2010 sẽ thoát khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp (dưới 875US$/năm) và theo nguyên lý 7,2%-10 năm (nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục 7,2%/năm thì cứ 10 năm, thu nhập sẽ tăng gấp đôi) thì Việt nam sẽ cần khoảng trên ½ thế kỷ nữa mới có thể bằng Hàn quốc ngày nay về thu nhập, dù đó chỉ là chỉ tiêu số lượng. Chắc chắn sự vượt trội hiện nay của Hàn quốc so với Việt nam chỉ có thể lý giải bởi những nét khác biệt. Tạp chí Newsweek số kép ngày 14 và 21/05/2007 vừa qua có bài viết về Hàn quốc với tiêu đề “ The road of no return” của ba cây viết có tên Christian Caryl, B.J. Lee và Jonathan Adams. Với mong muốn góp phần làm hiểu rõ những nét khác biệt đã dẫn đến sự cách biệt lớn về phát triển giữa hai quốc gia, xin trân trọng gửi tới quí vị bản biên dịch sau đây của bài báo đó:
CON ĐƯỜNG THẲNG TIẾNChristian Caryl, B.J. Lee và Jonathan Adams
Thoạt nhìn, chính trường Hàn quốc có vẻ u tối trong những ngày gần đây. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Roh đã sụt dưới điểm sàn. Đảng Uri cầm quyền của Roh đang bị tan rã khi các đảng viên lũ lượt ra đi và quyết liệt tránh xa Tổng thống, người đang phải vất vả chống trả trên chính trường. Bản thân Tổng thống Roh, mới đây, đã phải tự ra khỏi đảng để hy vọng cho đảng còn có cơ hội thắng cử trong kỳ bầu tổng thống vào tháng 12 tới đây.Mọi thứ đều cảm thấy u ám, trừ một thứ đã rõ ràng không còn: cảm giác khủng hoảng. Đối với nhiều nước châu Á khác, các nhà đầu tư hẳn đã phải đổ xô ra cửa thoát hiểm trước những diễn biến chính trị như thế. Nhưng điều đó không xảy ra ở đây, nơi mà năm ngoái, GDP vẫn tăng 5% và thị trường chứng khoán vẫn tăng 7%. Thời trước, sự bất ổn của chính phủ đã có thể kích ra một cuộc đảo chính, như đã xảy ra năm ngoái ở Thailand và ở chính Hàn quốc vào năm 1961 và 1979. Nhưng ngày nay, viễn cảnh đó xem chừng khó nghĩ tới. Một cách thận trọng thì mọi cái vẫn có thể xảy ra trong những tháng từ nay cho tới bầu cử và chính trường Hàn quốc thường có những kịch tính. Nhưng, bên dưới sự bất ổn đó, các định chế chính trị cơ bản đang trở nên ngày càng vững mạnh hơn. Các bình luận gia cho rằng đất nước Hàn quốc đã đứng chắc chắn trên con đường trở thành một trong những nền dân chủ trưởng thành nhất ở châu Á, là một trong số vài hệ thống chính trị song đảng khá ổn định. Theo Freedom House, Hàn quốc đang được xếp hạng trong số những nước tự do nhất trong vùng. Kết quả này phần lớn có được nhờ vào những cải cách đã được thực hiện bởi một vài vị tổng thống trước đó và đặc biệt cũng bởi cả chính Tổng thống Roh “lắm tật” đương nhiệm.
Bản thân xã hội Hàn quốc cũng đã hoàn thành được bổn phận của nó. Các xung động của cuộc chiến tranh lạnh đã từng tôi luyện lớp sinh viên cánh tả trong các cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân sự bảo thủ cực đoan cũng đã kết thúc. Ngày nay, các sinh viên thường quan tâm tới tìm việc làm hơn là đi tổ chức biểu tình. Các tổ chức công đoàn cấp tiến trước đây cũng đang trở nên ôn hòa hơn. Mạng lưới các tổ chức dân sự hoạt động rất nhiệt thành và trải rộng khắp đất nước đang là yếu tố đảm bảo cho quyền tham gia vào việc lãnh đạo, quản trị đất nước của người dân được thực thi.Hệ thống truyền thông ngày càng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Một làn sóng mới của các tạp chí và blog không hề bị cấm đoán đang nở rộ trên mạng (đây là một nội lực lớn ở đất nước có tới 90% các hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng). Và dân chúng ủng hộ mạnh mẽ đối với thể chế Dân chủ. Theo một cuộc thăm dò gần đây của tổ chức Asian Barometer, 82,7% người Hàn quốc không đồng tình với quan điểm “ Bãi bỏ quốc hội và các cuộc bầu cử để chỉ có một người lãnh đạo mạnh mẽ, quyết định mọi thứ” ( so với 80% ở Nhật bản). Ấn tượng hơn là 88% người Hàn quốc không đồng tình với ý kiến “ Chọn những người lãnh đạo đất nước chỉ trong 01 đảng”, so với 67% ở Nhật bản và 73% ở Đài loan và Thailand. Song, những thay đổi lớn nhất lại thấy rõ ở lĩnh vực chính trị. 20 năm sau khi phong trào Quyền lực Nhân dân (People Power movement) đã buộc được chính phủ quân sự phải thực hiện các cuộc bầu cử phổ thông, các dấu hiệu của sự tiến bộ đang được hiện rõ ở khắp mọi nơi. Hãy xem các đối thủ của Tổng thống Roh, họ đang ăn mừng với các trục trặc chính trị đang diễn ra. Cách đây không lâu, lực lượng cánh hữu của Hàn quốc bị khống chế hoàn toàn bởi giới quân sự và các đồng minh thân cận. Ngày nay, dù là vai trò của cánh hữu đang được thâu tóm bởi đảng Đại Quốc ( GNP, Grand National Party), nhóm đối lập bảo thủ cũng đã chứng tỏ thiện ý vì dân chủ của họ bằng việc tham gia vào cuộc tranh luận, thi tài trong bầu cử một cách lịch thiệp và thất cử liên tiếp trong 02 kỳ bầu cử vừa qua. Lực lượng quân đội đã được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn dân sự (phi chính trị) và rất ít dấu hiệu cho thấy hiện trạng này sẽ bị thay đổi.Trong khi đó, lần đầu tiên, nền dân chủ của đất nước đang trở nên đúng với nghĩa tự do. Ngay sau khi Hàn quốc bắt đầu thực hiện các cuộc bầu cử vào cuối những năm 1980, chính phủ vẫn do những nhân vật giảo ngôn chi phối, nắm quyền lãnh đạo qua sức hút cá nhân. Những nhà lãnh đạo dân chủ đầu tiên của Hàn quốc được biết đến là ba Ông Kim- các tổng thống Kim Young Sam, Kim Dea Jung và thủ tướng Kim Jong Pil, sự lãnh đạo của họ được thực hiện qua năng lực cá nhân, các mối quan hệ chặt chẽ với giới doanh nhân và các tầng lớp ưu tú địa phương. Các đảng chính trị lúc đó chỉ có vai trò rất nhỏ. Các Ông Kim đã tạo ra và vứt bỏ các tổ chức đại loại như thế một cách tùy ý. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi người Hàn quốc hiện đại hôm nay thường ám chỉ các cựu lãnh đạo đất nước trước đây là những “ Tổng thống bá quyền” (Imperial presidents). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu chính trị Hahm Sung Deuk ở trường đại học Korea và là thầy dạy cũ của gia đình Roh, “ các định chế chính trị tại Hàn quốc hiện đang đạt được thẩm quyền ở mức rất cao. Sẽ không còn những tổng thống bá quyền nữa”. Kết quả đó có được phần lớn đến từ những cải cách của chính ba Ông Kim. Ví dụ, Kim Young Sam đã thực hiện việc phi chính trị hóa quân đội, cảnh sát, cơ quan tình báo và cả các cơ quan quyền lực khác như cơ quan thuế vụ, đó là các cơ quan thường bị các tổng thống trước đây sử dụng để chống lại các đối thủ. Kết quả là các “cơ quan quyền lực” như thế, đến nay đã bị trung tính hóa về chính trị” – một thành viên lãnh đạo của đảng GNP có trong quốc hội cho biết. Ông Kim Young Sung cũng đánh phá vào vấn nạn rửa tiền và làm giảm bớt mạng lưới kinh tế ngầm khổng lồ. Kim Dea Jung thì tiến xa hơn trong việc chống tham nhũng và làm giảm vai trò đồng tiền trong chính trị- đây là điều đã góp phần mang lại cho Hàn quốc một trong những hệ thống luật kiểm soát chặt chẽ nhất về tài chính trong vận động bầu cử trên thế giới. Và có thể điều quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của Kim Dea Jung là việc ông đã hết sức nỗ lực cho việc hàn gắn những chia rẽ địa phương về chính trị bằng cách đưa thêm những đầu óc duy phương tây vào chính phủ, từ lâu đã bị khống chế bởi những đầu óc duy phương đông.
Theo những gì đang diễn ra, một hệ thống luật pháp vững chắc dựa trên nguyên tắc Kiểm soát và Cân bằng – điều không hề có trong thời kỳ các tổng thống bá quyền, đang được phát triển. Tổng thống Roh đã giúp tạo dựng thẩm quyền tối cao của luật pháp chân chính bằng cách cấm và trừng phạt chính phủ khi lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia trong các hành xử. Quả thực, Roh xứng đáng được nhiều người tin cậy mang lại một nhà nước Hàn quốc mới và lành mạnh, điều mà các đối thủ của ông cũng phải miễn cưỡng thừa nhận. Đó cũng là điều khá kỳ lạ bởi Roh đã tiến đến quyền lực như một người có sức cuốn hút và thu phục dân chúng. Ngay từ trước đó, Roh đã hứa sẽ tấn công không khoan nhượng vào giới trí thức ưu tú bảo thủ, thường kiêu ngạo chế giễu học vấn của ông ( Roh chỉ có bằng phổ thông trung học). Nhưng Roh chưa bao giờ thể hiện tham vọng bá quyền và phong cách sẵn sàng va chạm của ông chỉ làm tăng thêm sự kiểm soát đối với quyền lực của tổng thống. Ví dụ, Quốc hội đã thể hiện được sức mạnh bằng việc luận tội ông vào năm 2004. Và cuối cùng Tòa án Hiến pháp đã phải can thiệp, bất chấp quyết định của Quốc hội, sau khi đã cân nhắc một cách độc lập và thận trọng, điều đó đã khẳng định được sức mạnh của nhánh quyền lực thứ ba trong hệ thống quyền lực nhà nước [*]. Cả giai đoạn bất ổn về chính trị đó đã cho thấy sự ổn định vững chắc của đất nước Hàn quốc đã được tạo dựng: dù không có tổng thống tới 63 ngày, nền kinh tế vẫn giữ được sự phát triển bình tĩnh, không có bất kỳ trục trặc gì về an ninh hay tội phạm. Các bộ trong chính phủ vẫn thực hiện đầy đủ chức phận của mình và nhân dân đã kiên nhẫn chờ đợi phán quyết cuối cùng.Một số người cho rằng đóng góp lớn nhất của Roh là đã nỗ lực đưa vị thế của tổng thống đến gần với dân chúng bình dân. Dù được lòng dân, Roh lại luôn xử sự rất bình dị. Ví dụ, ngay sau đắc cử, Roh đã tham gia vào một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với hơn một chục công tố viên trẻ, những người đang phản đối Roh sẽ cắt giảm quyền lực của họ, với những đối đáp, cởi mở, bộc trực đến mức Roh đã nói là có cảm giác bị xúc phạm. Đó là một cảnh tượng tuyệt vời mà đất nước Hàn quốc chưa bao giờ được chứng kiến.Nhưng không phải Roh đang thu được nhiều uy tín. Các cử tri đang ý thức hơn khi tập trung xem xét sự điều hành có sai lầm của ông về kinh tế và đôi lúc đối với cả phong cách dễ gây rắc rối của ông. Các chỉ trích cho rằng thái độ thất thường của ông ( biểu lộ không hài lòng với công việc, dọa từ chức ) và những phát ngôn đối kháng giới trí thức ưu tú đã làm giảm vị thế của chức danh Tổng thống và làm tổn hại đến uy tín của Hàn quốc. Phe bảo thủ mắng nhiếc ông đã “đổ cả đứa bé đi cùng với nước bẩn”, “trong quá trình phá bỏ sự chuyên chế, độc quyền, ông ta đã làm tổn hại đến quyền lực của chính văn phòng tổng thống” Yang Sung Chul cựu đại sứ Hàn quốc tại Hoa kỳ đã phát biểu như thế.Nhưng chính phong cách thô mộc của Roh đã mang lại lợi ích cho đất nước bằng việc tăng cường hệ thống chính trị song đảng. Theo các chuyên gia, những ngôn từ hùng biện gây phân hóa của ông đã giúp cho sự hình thành hai trường phái chính trị vượt trội có xu hướng bảo thủ và cởi mở, tự do bằng cách làm những người có đầu óc trung gian đứng ra một bên. Các đảng chính trị hiện nay đang ủng hộ, bảo vệ nhiều vấn đề khác, hơn chỉ là uy tín cá nhân của lãnh đạo đảng. Các cuộc thăm dò cho thấy vẫn có nhiều người ủng hộ liên minh trung tả đối lập với GNP. Điều đó cho thấy ngay cả khi đảng Uri có bị sụp đổ thì sẽ sớm có một tổ chức tương tự thay thế vị trí của nó. Điều rõ ràng cho thấy những vấn đề mà một đảng mới sắp hình thành cần phải ủng hộ là: Một hệ thống phúc lợi mở rộng hơn, những điều luật nghiêm ngặt hơn với các tổ hợp kinh doanh, thái độ hòa giải nhiều hơn với Pyongyang ( Bắc Triều tiên) và độc lập nhiều hơn với Washington.
Do đó các cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ không chỉ đối mặt với sự lựa chọn giữa các nhân cách, uy tín cá nhân mà còn là sự lựa chọn giữa các cương lĩnh, chương trình hành động của các đảng. Dường như đó chính là điều mà người dân đang mong muốn. Khi được hỏi về sự lựa chọn trong cuộc thi đấu trực tiếp giữa các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Yum JongSuk, 42 tuổi, hiệu trưởng một trường học ở Busan đã nói “ Tôi sẽ để ý tới phẩm cách cá nhân của họ nhưng cũng sẽ quan tâm cả những cộng sự của họ nữa. Đó chính là lý do vì sao mà vai trò của đảng là quan trọng, bởi một cá nhân không thể làm được hết mọi thứ.”Chiến thắng của GNP có thể sẽ là sự kết thúc một thập kỷ Seoul trong sự kiểm soát bởi trường phái tự do và rất vị kinh doanh. GNP có thể cũng sẽ phải cố gắng để thắt chặt lại quan hệ với Washington. Nhưng dù đảng nào chiến thắng thì kết quả cũng sẽ là sự ổn định ngày càng tăng được tăng cường. Hahm, nhà nghiên cứu chính trị cho biết: “ Trong các cuộc bầu cử trước đây của chúng tôi, kẻ chiến thắng là người được tất, điều đó dẫn tới một văn hóa chính trị thăng hoa và nguy hại. Trước đây, những cuộc trả thù chính trị lan tràn và quá khích. Không chỉ người thất cử mà cả những người tiền nhiệm đều là mục tiêu công kích của kẻ chiến thắng. Bây giờ, cả người thua lẫn kẻ thắng đều cùng có phần, chia nhau quyền lãnh đạo.”Kết quả này cũng đến từ những cải cách về đảng của Roh. Để hạn chế sức mạnh và buộc phải chia sẻ quyền lực, các tổng thống hiện nay bị cấm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các đảng ( như các Ông Kim bá quyền thường làm ). Thậm chí, đảng GNP hiện nay còn hứa là sẽ buộc các lãnh đạo của họ phải chia sẻ quyền sau các cuộc bầu lựa chọn ứng cử viên tổng thống ở đảng- đây là một cải cách mới cũng sẽ thực hiện vào cuối năm nay. Nhằm ổn định hệ thống chính trị song đảng, các ứng cử viên tổng thống cũng bị cấm giành quyền ứng cử ở các đảng khác nếu như người đó đã ra ứng cử nhưng không được đảng đề cử. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc bầu cử năm nay sẽ là phép thử cho thấy nền chính trị Hàn quốc đã trưởng thành ở mức độ nào. Hơn hết, không có tiêu chuẩn đánh giá nào tốt hơn đối với một nền dân chủ bằng sự chuyển giao quyền lực trơn tru từ một hệ tư tưởng này sang hệ tư tưởng khác, điều mà ngay cả Nhật bản đã cố gắng nhưng mới chỉ đạt được một lần trong nửa thế kỷ qua. Điều thụt lùi duy nhất trong nền chính trị mới của Hàn quốc có thể là việc không còn được phản ánh trên sân khấu nhiều như trước đây. Năm nay, dù nhiều thứ vẫn có thể xấu hơn, theo Hahm, thì những người bị thua trong những cuộc bầu tổng thống có thể sẽ sớm không còn phải đối mặt với những cáo buộc tội phạm hoặc bị bêu xấu trước công chúng nữa. “ Bầu tổng thống ở Hàn quốc vẫn thường náo nhiệt mà!” Hahm nói và cười to. Tin vui đối với Hàn quốc chính là người dân bây giờ tỏ ra không dễ hài lòng với mọi thứ.
Christian Caryl, B.J. Lee và Jonathan AdamsNguồn: Newsweek, May 14,2007/May 21/2007Phạm Hồng Sơn biên dịch12/06/2007
[*] tam quyền phân lập: Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. ND