Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Bỏ điều 04 Hiến Pháp: “Cởi trói” mọi tiềm năng cho dân tộc Việt Nam

Bỏ điều 04 Hiến Pháp: “Cởi trói” mọi tiềm năng cho dân tộc Việt Nam
Thịnh vượng và Dân chủKhẩu hiệu xây dựng một nước Việt Nam: “Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh” ( được ghi trong điều 03 của Hiến pháp hiện hành) đã toát lên mục tiêu cho một Việt Nam thịnh vượng bằng con đường dân chủ. Cho dù có thể còn phải xem xét lại sự súc tích hoặc tầm quan trọng của từng con chữ, khẩu hiệu đó, nói chung, có thể được chấp nhận từ mọi giới, mọi thành phần con dân Việt Nam (trong, ngoài nước, cộng sản, không cộng sản). Tuy nhiên, xác định được cách thức đúng để đạt được mục tiêu đó mới là vấn đề cốt yếu, nếu không Việt Nam sẽ dễ dàng lặp lại những sai lầm thảm họa như đã từng gặp, cách đây chưa xa (ngăn sông, cấm chợ, tiêu diệt sản xuất tư nhân, kinh doanh tư nhân…). Cho tới nay, thế giới đều thấy rõ nền tảng cho sự thịnh vượng bền vững của một quốc gia là một xã hội tạo điều kiện cho trí tuệ cá nhân được phát triển một cách tối đa. Trở lại khẩu hiệu trên đây, Việt Nam có thể thịnh vượng bền vững hay có đạt được mục tiêu “Dân giàu”, “Nước mạnh”, “Xã hội Công bằng, Văn minh” hay không là tùy thuộc ở việc có xây dựng được chính thể “Dân chủ” - tạo môi trường cho trí tuệ cá nhân được phát triển hay không. Chữ “ Dân chủ” cũng được đảng cộng sản Việt Nam đề cập trong điều lệ đảng: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ…” ( người viết nhấn mạnh).Cho dù có nhiều góc độ và cách nhìn khác nhau về chính thể dân chủ, nhưng giới khoa học chính trị thế giới và Việt Nam đều có sự thống nhất rằng một chính thể dân chủ phải có những thiết chế cơ bản: 1. Hệ thống quyền lực Nhà nước phải tôn trọng nguyên tắc Pháp luật là tối thượng (Rule of Law), trong đó những người nắm quyền lực phải là kết quả của sự Cạnh tranh Ôn hòa giữa các đảng phái chính trị thông qua cuộc Bầu cử tự do trong một thời gian (nhiệm kỳ) xác định.2. Xã hội dân sự (Civil Society) được thiết lập để đảm bảo các quyền tự do cơ bản cho người dân được thừa nhận và thực thi đầy đủ (quyền tự do ngôn luận (báo chí tư nhân,..); quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội; quyền tự do tín ngưỡng;…) (1). Có ba triết lý cơ bản có thể rút ra từ quan niệm về chính thể Dân chủ ở trên:- Những kẻ nắm quyền luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực (bất kể đức độ), do đó cần phải chế tài quyền lực của những kẻ nắm quyền (chỉ được làm những gì luật pháp cho phép).- Trí tuệ của con người (một thực thể tự nhiên) có những tiềm năng không giới hạn, do đó phải tạo môi trường tự do tối đa cho hoạt động của người dân (được làm mọi việc mà pháp luật không cấm).- Đa nguyên và cạnh tranh là hai đặc tính cơ bản giúp cho thế giới tự nhiên tồn tại, tự điều chỉnh và phát triển bền vững.Vì vậy, nếu đảng cộng sản Việt Nam thực sự muốn cho đất nước “Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Văn minh”, đảng cộng sản Việt Nam không thể không xem xét (để chấp nhận) quan niệm về chính thể Dân chủ vừa nêu.Chính thể Dân chủ và điều 04 Hiến phápQuan sát sự phát triển của các quốc gia và Việt Nam cho thấy, trong sự tương tác qua lại giữa hai thiết chế dân chủ kể trên, thiết chế 1 có khả năng chi phối lớn hơn thiết chế 2 (sự gia tăng các rào cản đối với báo chí gần đây và việc trì hoãn không áp dụng những góp ý khoa học, tiến bộ cho dự thảo Luật về Hội hiện nay là những ví dụ điển hình). Do đó, nếu không thúc đẩy để xây dựng thiết chế 1 thì nền dân chủ sẽ không thể hình thành (hoặc bị trì hoãn) cho dù có cải cách gì đối với thiết chế 2. Như thế, dù muốn hay không, để tiến tới chính thể Dân chủ, xã hội phải thừa nhận và tạo điều kiện cho đa nguyên về chính trị (các đảng phái khác nhau) phát triển (như một điều kiện cần). Lịch sử cho thấy một thể chế chính trị không đáp ứng được các đòi hỏi, nhu cầu phát triển của dân chúng sẽ phải bị thay thế hoặc bằng đấu tranh bạo lực (phổ biến trước những năm 1980) hoặc bằng đấu tranh ôn hòa (xu thế của thế giới từ những năm 1990 trở lại đây). Và dù bằng cách nào, các cuộc thay đổi chính thể tốt đẹp đều dẫn đến sự thay đổi hoặc xây dựng mới Hiến pháp trên cơ sở đồng thuận của mọi nhóm lợi ích. Các lực lượng tiến bộ của Việt Nam chắc đều đồng thuận xây dựng chính thể dân chủ thông qua con đường Hòa bình. Đó chính là con đường thông qua tu chính Hiến pháp cho phù hợp hoặc dần mở đường cho chính thể Dân chủ được tạo lập. Xét trong bản Hiến pháp hiện nay tại Việt Nam, điều 4 Hiến pháp (2) chính là cản trở cơ bản để thiết chế 1 của chính thể dân chủ có thể được tạo lập. Đề nghị (đòi hỏi) bỏ điều 04 Hiến pháp hoặc luật hóa (một bước tiến tới bỏ) điều 04 Hiến pháp đã được nhiều người đề cập từ nhiều năm qua, trong đó có nhiều đảng viên cộng sản cao cấp. Gần đây nhất, ngày 27/08/2007 ông Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã công khai nói đến điều 04 Hiến pháp (3), tuy rằng ngôn từ tiêu cực, nhưng điều đó là gợi ý rõ trong hệ thống cầm quyền đang có thúc đẩy về việc bỏ điều 04 Hiến pháp. Đã có nhiều phân tích về lợi ích khi bỏ điều 04 Hiến pháp (4), ở đây tôi xin khẳng định thêm việc bỏ điều 04 (hoặc luật hóa tiến tới bỏ) sẽ mang lại đầy đủ cơ hội và tiềm năng cho đất nước, sẽ là nền tảng gốc cho sự “cởi trói” hoàn toàn mọi tiềm năng của dân tộc Việt Nam, sau khi đã “cởi trói” quyền làm giàu của người dân (bằng Luật Doanh nghiệp đầu tiên có hiệu lực vào 01/01/2000). Chỉ khi đó Đảng cộng sản Việt Nam mới có động lực thực sự để “chỉnh đốn đảng”. Chỉ khi đó đất nước mới có khả năng tối đa để chọn được người có tài và buộc họ phải có trách nhiệm trong lãnh đạo đất nước. Chỉ khi đó mới có thể có các giải pháp hữu hiệu cho những vấn nạn quốc gia (bỏ phí chất xám (5); tham nhũng; quan liêu hành chính, pháp luật chồng chéo; bế tắc trong giáo dục; suy thoái môi trường; tai nạn giao thông…)Những cản trở và gợi ýViệc “ cởi trói” quyền làm giàu của người dân (mặc dù vẫn còn nhiều cản trở) đã mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước và người dân nói chung mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được. Tuy nhiên để có được sự “ cởi trói” quyền làm giàu, Việt Nam đã phải mất 32 năm (nếu tính từ 1954 đến 1986) hoặc mất 46 năm (nếu tính từ 1954 đến 2000, năm ra đời của Luật Doanh nghiệp). Như vậy chỉ một quyền được kiếm tiền, được làm giàu, mà ngày hôm nay kể các các đảng viên cộng sản cũng phải thừa nhận là một quyền đương nhiên, đã phải đi qua một quãng thời gian gần nửa thế kỷ với biết bao gian nan và sự hy sinh (của cải, tính mạng…) của nhiều người (những người đã dám đề xuất và thực hiện quyền làm giàu), nhiều thế hệ. Do đó việc bỏ điều 04 Hiến pháp– tức thừa nhận quyền làm chính trị, quyền tự do tư tưởng của mọi người dân, bãi bỏ sự độc quyền về quyền lực của một số người (đụng chạm trực tiếp đến cơ cấu quyền lực hiện nay ) có thể sẽ gặp những trở ngại lớn hơn là điều dễ hiểu. Song, thời gian cần để tiến tới “cởi trói” quyền làm chính trị của dân (bỏ điều 04) không hẳn sẽ phải mất thời gian và hy sinh nhiều như việc đã “cởi trói” quyền làm giàu, nếu như các lực lượng ủng hộ dân chủ (trong và ngoài đảng cộng sản) biết phối hợp để có được sự thúc đẩy hiệu quả nhất. Bất kỳ một cuộc vận động thay đổi chính trị nào cũng đều gây lo lắng (ở các mức độ khác nhau) đối với các nhóm lợi ích khác nhau trong dân chúng. Để giải tỏa được các lo lắng đó cũng chính là góp phần làm cho tiến trình dân chủ hóa diễn ra nhanh hơn, suôn sẻ hơn.Sau đây, tôi xin tạm đưa ra 05 nhóm lợi ích với những lo lắng khác nhau:1. Những đảng viên cộng sản hiện đang hưởng những đặc quyền, đặc lợi do cơ chế độc đảng hiện nay mang lại ( thường là những đảng viên cao cấp đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu).- Lý do chính muốn giữ điều 04: không muốn mất các đặc quyền đặc lợi đang có và/hoặc lo ngại sinh mạng chính trị hoặc sinh mạng sinh học bị đe dọa khi bỏ điều 04 ( vì sợ bị trả thù, sợ bị truy tố ).2. Những đảng viên cộng sản yêu nước, vẫn giữ lý tưởng cộng sản (do nhận thức hoặc thiếu thông tin).- Lý do chính muốn giữ điều 04: Do tâm lý bảo vệ tổ chức của bản thân (sự sở hữu về uy tín, danh dự trong một tổ chức) và/hoặc e ngại những bất ổn về kinh tế, xã hội sẽ xảy ra đối với đất nước.3. Nhóm người đang có lợi trong các công việc làm ăn từ quan hệ chặt chẽ với hệ thống quyền lực hiện tại.- Lý do chính muốn giữ điều 04: Không muốn mất các quan hệ sinh lời.4. Một số trong giới công chức, doanh nhân và những người về hưu.- Lý do chính muốn giữ điều 04: e ngại sự thay đổi chính trị sẽ dẫn đến những thay đổi bất lợi về công việc, lương, phụ cấp.5. Các lực lượng nước ngoài (5.1: Những quốc gia có mối quan hệ gần gũi và có hệ thống chính trị độc đảng, độc tài; 5.2: Một số những tập đoàn kinh doanh nước ngoài đang có những dự án, đầu tư lớn ở Việt Nam)- Lý do chính muốn giữ điều 04: 5.1.Các quốc gia gần gũi và có hệ thống chính trị độc đảng, độc tài luôn muốn có các đồng minh tương đồng về chính trị (không kể những ý đồ sâu xa không có lợi cho dân tộc Việt); 5.2. Một số tập đoàn kinh doanh nước ngoài đã xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài trên những giả định về chính trị, xã hội, kinh tế đang phát triển như hiện nay, do đó họ sẽ e ngại nhưng rủi ro khó lường khi hệ thống chính trị có sự thay đổi.Xét về góc độ lợi ích, sự lo lắng của 05 nhóm lợi ích trên đều có lý. Nhưng các lo lắng xuất phát từ động cơ khác nhau. Nhóm 1, 3 và 5.1 xuất phát từ động cơ duy trì một hệ thống độc đoán (phi dân chủ) để trục lợi hoặc tránh bị trừng phạt. Nhóm 2, 4 và 5.2 xuất phát từ động cơ thận trọng, từ lợi ích chính đáng của bản thân.Từ động cơ đó ta thấy việc hóa giải những lo lắng của nhóm 2, 4 và 5.2 là việc làm không quá khó khăn vì những cá nhân trong nhóm này đều có sự chân thành và thiện ý. Bằng cách trao đổi, thuyết phục một cách trân trọng, đưa ra những luận cứ khoa học, những kế hoạch khả thi bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức trong xã hội, những nhóm lợi ích này sẽ sớm ủng hộ bỏ điều 04 Hiến pháp (để mở đường cho chính thể dân chủ). Đối với nhóm 1, 3 và 5.1: đây là những nhóm lợi ích hiện đang giữ quyền kiểm soát xã hội, kiểm soát các nguồn lực quốc gia. Việc hóa giải những khó khăn từ nhóm này sẽ là vấn đề phức tạp và quan trọng cho tiến trình Dân chủ hóa. Ở đây tôi xin nêu ra một số điểm sau cần lưu ý:Nhóm 1:- Nhóm này hiện đang cố tạo ra các dư luận xã hội không thuận lợi cho tiến trình dân chủ hóa ( dân trí thấp, bất ổn xã hội,...)- Cần phải khẳng định việc bỏ điều 04 ( tiến trình dân chủ hóa) không có nghĩa lật đổ hay trả thù, mà cùng nhau xây dựng một chính thể mới mang lại lợi ích cho toàn xã hội.(6)- Cần phải suy tính đặt thành vấn đề công khai đối với việc xử lý các hành vi phạm luật ( tội ác) của những cá nhân trên cơ sở pháp luật và sự hòa giải, ổn định đất nước ( tham khảo kinh nghiệm của Nam Phi khi đảng ANC lên nắm quyền thay thế chính thể độc tài Apartheid).- Suy tính, ủng hộ các giải pháp rút khỏi chính trường trong danh dự cho các nhân vật không thuận lợi cho tiến trình dân chủ. - Mối quan hệ, tác động của các nhân tố quốc tế dân chủ đôi khi có vai trò quan trọng để thúc đẩy nhóm lợi ích này sao cho có lợi cho tiến trình dân chủ.Nhóm 3:Nhóm này phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm 1.Nhóm 5.1:- Để thoát khỏi hoặc giảm thiểu sự tác động của nhóm lợi ích độc tài ( ngoại bang) này cần phải thúc đẩy tiến trình hội nhập Việt Nam với thế giới dân chủ về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Tuy nhiên vẫn phải cảnh báo, ngăn chặn sự lợi dụng các lợi thế hội nhập để đàn áp phong trào dân chủ.- Tăng cường thông tin cho dân chúng thấy rõ những bất lợi, nguy cơ từ những chính thể độc tài, độc đảng ngoại bang.Một điều cần phải được khẳng định nhất quán là việc bỏ điều 04 chỉ là một bước trong tiến trình dân chủ, nhằm tạo môi trường cho các tổ chức chính trị khác đảng cộng sản có cơ hội thành lập, phát triển dần dần để tạo thành những tổ chức đủ khả năng phản biện, đối trọng hiệu quả đối với các chính sách lãnh đạo của đảng cộng sản. Bỏ điều 04 Hiến pháp không có nghĩa mọi cái sẽ thay đổi ngay tức khắc. Trong giai đoạn đầu, mọi hoạt động của xã hội vẫn có thể được duy trì theo nhịp độ hiện hành vì hệ thống quản lý xã hội (chính phủ, ủy ban…) vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản, xã hội chỉ có thêm động lực từ việc mọi công dân được thừa nhận có quyền bàn luận, phản biện công khai, thẳng thắn các chính sách lãnh đạo của chính phủ, của đảng cộng sản và tham gia vào việc hoạch định các ý tưởng, chương trình phát triển, lãnh đạo đất nước trong các tổ chức khác đảng cộng sản. Tiến trình sau khi bỏ điều 04 sẽ được thực hiện như thế nào để tạo ra sự cạnh tranh chính trị ôn hòa giữa các đảng phái khác nhau trong việc lãnh đạo đất nước sẽ là một vấn đề cần được bàn thảo kỹ lưỡng, để tránh và giải quyết những khó khăn nảy sinh có thể. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm của các quốc gia đã chuyển đổi trước, cùng với tri thức của Việt Nam (trong và ngoài nước) đã được khẳng định trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,...ở tầm quốc tế, chúng ta có thể tin tưởng sẽ tìm ra giải pháp hiệu quả, nếu qui tụ được sự tham gia của trí tuệ quảng đại quần chúng - trong đó tầng lớp trí thức tinh hoa đóng một vai trò quan trọng. (7)Để kết thúc bài viết, tôi xin ghi lại một nhận định của Bác sĩ, Nhà nghiên cứu xã hội Nguyễn Khắc Viện: “Dù rằng dân chủ không phải là “ phương thuốc vạn năng” để chữa chạy tất cả các căn bệnh xã hội, nhưng không có nó thì không một “phương thuốc” nào có hiệu lực.” (8)
Phạm Hồng Sơn10/10/2007
(1): Điều chắc chắn quan niệm ngắn gọn này về chính thể Dân chủ sẽ được quảng đại người dân Việt Nam đồng ý nếu các tranh luận, phản biện được đưa ra công khai ( đăng tải trên các báo, đài, TV của hệ thống truyền thông nhà nước hiện nay). Xin tham khảo: - Phan Đình Diệu, “Một lộ trình cho dân chủ hóa-yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay” (Tranh luận để đồng thuận. Nhà xuất bản Trí thức 2006); - Nguyễn Quang A, “Đôi lời cùng Giáo sư Nguyễn Đức Bình và góp ý với Đảng cộng sản Việt Nam”, “ Dân chủ chứ đâu chỉ là đa nguyên” (Tranh luận để đồng thuận Nhà xuất bản Trí thức 2006);
- Alxis de Tocqueville, Nền Dân trị Mỹ (De la Démocratie en Amerique). Bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn, nhà xuất bản Tri thức 2007);
-
Thế nào là Dân chủ? (What’s Democracy?) Bản dịch tiếng Việt của Phạm Hồng Sơn và Thư Lê
(2) Điều 04 HP hiện nay qui định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của gia cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thàh quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao đọng và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
(3) Ngày 27/08/2007 ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trước Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam: “[Tôi] Khẳng định trước sau như một là chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng đảng của chúng ta. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát, cho nên phải củng cố công tác chính trị tư tưởng, củng cố vai trò của đảng…”
(4) Xin tham khảo thêm các phân tích, luận cứ cho việc cần thiết bãi bỏ (hoặc luật hóa) điều 04 Hiến pháp của một số tác giả sau:
- Lê Quang Đạo:
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đề nghị luật hoá Điều 4 Hiến Pháp- Trần Độ: Một cái nhìn trở lại
- Lê Hồng Hà: Những biến chuyển của đảng CSVN trong năm 2006 (phần 1)Những biến chuyển của đảng CSVN trong năm 2006 (phần 2)- Nguyễn Thanh Giang-Lê Minh Nguyên:
Hội luận trong-ngoài về tuyên bố ‘bỏ điều 4 là tự sát’ của ông Nguyễn Minh Triết (phần 1)- Trần Bình Nam:
Nhận định về tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết liên quan đến Điều 4 Hiến pháp “Nếu tôi là một người Cộng Sản” “Bỏ điều 4 Hiến pháp là sự tái sinh giá trị lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam”- Bùi Minh Quốc: “Chống nội xâm, cứu nước!”

(5): Ví dụ: Những cảnh báo, kiến nghị xác đáng của các nhà khoa học với lãnh đạo đất nước bị bỏ mặc. Xin tham khảo: Kiến nghị của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường với Hồ Chủ Tịch (Tạp chí Xưa và Nay số 286 tháng 06/2007); Cảnh báo của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với lãnh đạo cao cấp về qui hoạch nông thôn (Báo Thể thao & Văn hóa ngày 07/10/2007 trang 16); Cảnh báo của Giáo sư Phan Đình Diệu về đề án 112 gửi cựu Thủ tướng Phan Văn Khải ( Báo Thanh niên ngày 17/09/2007).(6) Xin tham khảo:
- Nguyễn Gia Thưởng,
“Hòa giải có phải một nghịch lý chính trị?”
- Tập hợp Dân chủ Đa nguyên,
“Tóm lược Thành công thế kỷ 21”
(7) Xin tham khảo: Hiến pháp Mỹ được làm như thế nào?. Bản dịch của Nguyễn Cảnh Bình ( Nhà xuất bản Tri thức 2006).
(8) Trích trong mục “Dân chủ” của Từ điển Xã hội học (Nguyễn Khắc Viện chủ biên, nhà xuất bản Thế giới 1994).