Ngày 01 tháng Sáu, Hội nghị tiếp tục tranh luận về vị trí điều hành cơ quan hành pháp[1].
Bản kế hoạch của Virginia đã gợi ra rất nhiều điểm gây tranh cãi. Bản kế hoạch cho rằng vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp phải do cơ quan lập pháp (quốc hội) lựa chọn. Trách nhiệm của vị trí này sẽ là thực thi các luật đã được quốc hội phê duyệt. Vị trí này sẽ đảm nhiệm trong một số năm xác định. Vị trí này sẽ chỉ được trả một khoản thù lao nhỏ.
Đó là những điểm làm cơ sở cho cuộc tranh luận. Phải mất vài tuần các đại biểu mới thảo ra được các chi tiết cho nhiệm vụ và quyền lực của vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp.
Dường như mọi đại biểu trong Hội nghị Philadelphia đều có ý kiến đối với chức vụ đứng đầu cơ quan hành pháp. Tất cả họ đều đã ít nhiều suy nghĩ về vấn đề này từ trước.
Gần như tất cả các đại biểu đều e sợ vị trí này sẽ được trao quá nhiều quyền lực. Hầu như không có ai muốn vị trí đứng đầu cơ quan điều hành nước Mỹ có quyền lực lớn như của một ông vua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra tin vào ý tưởng vị trí đứng đầu cơ quan điều hành quốc gia được giao cho một người. Trong khi một số khác yêu cầu vị trí đó phải do ba người đảm nhiệm.
James Willson của Pennsylvania lập luận ủng hộ ý tưởng một người. Ông cho rằng vị trí này cần sức mạnh và khả năng để có thể đưa ra những quyết định nhanh. Những yêu cầu này chỉ được thực hiện tốt nhất khi để một người thực hiện.
Edmund Randolph của Virginia lại phản đối quyết liệt. Ông này cho rằng để một người điều hành sẽ là mầm mống cho chế độ độc đoán quân chủ.
John Dickinson của Delaware nói rằng ông ta không phản đối ý tưởng về chế độ quân chủ, về một chính quyền do một ông vua đứng đầu. Ông cho rằng đó chính là một trong các chính quyền tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước Mỹ, ông ta nói, vua đã bị loại ra khỏi cuộc bàn luận rồi.
Cuộc tranh luận về qui mô của vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp đã tốn nhiều thời gian. Cuối cùng, các đại biểu đã bỏ phiếu để quyết định. Đại biểu đến từ bảy bang bỏ phiếu thuận cho ý tưởng một người điều hành. Ba bang bỏ phiếu chống.
Cuộc tranh luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi khác cho vấn đề này. Một trong số đó là về thời gian cho nhiệm kỳ. Người ở vị trí này nên giữ một nhiệm kỳ hay có thể được bầu lại.
Alexander Hamilton cho rằng cần có nhiệm kỳ dài. Ông lập luận rằng một tổng thống nếu chỉ giữ quyền trong một hoặc hai năm, nước Mỹ sẽ có rất nhiều cựu tổng thống và những người này, ông nói tiếp, sẽ đánh nhau vì quyền lực. Như thế sẽ tai hại cho hòa bình của đất nước.
Benjamin Franklin lại ủng hộ cho việc được bầu lại. Ông cho rằng nhân dân chính là người cầm quyền của một nước cộng hòa. Và tổng thống chỉ là người phục vụ nhân dân. Do đó, nếu người dân muốn bầu lại một tổng thống bao nhiều lần thì đó là quyền của người dân.
Các đại biểu cũng tranh luận về hai đề nghị. Một là cho một nhiệm kỳ 03 năm với khả năng được bầu lại. Đề nghị kia là chỉ một nhiệm kỳ kéo dài 07 năm. Kết quả bỏ phiếu rất sít sao. Đại biểu của năm bang ủng hộ nhiệm kỳ 07 năm. Bốn bang kia chống lại. Vấn đề này sau đó vẫn tiếp tục được bàn thảo suốt Hội nghị. Cuối cùng, trong văn kiện tổng kết, Hội nghị đã thống nhất cho nhiệm kỳ tổng thống là 04 năm và có khả năng được bầu lại.
Câu hỏi tiếp theo là làm cách nào để chọn được người đứng đầu cơ quan hành pháp. Đây là một vấn đề rất khó khăn. Hội nghị phải trải qua nhiều cuộc tranh luận, bỏ phiếu, rồi lại tranh luận, lại bỏ phiếu, lại tranh luận. James Willson đề nghị tổng thống sẽ do các đại diện đặc biệt của dân bầu ra gọi là các đại cử tri. Đại cử tri lại được chọn ra từ các quận, vùng đã được thiết kế cho phù hợp với mục đích này.
Nhiều đại biểu không đồng ý với ý kiến này, họ cho rằng hiểu biết của người dân chưa đủ để có lựa chọn tốt những đại cử tri. Những đại biểu này nói rằng kế hoạch đó rất khó thực hiện và rất tốn kém.
Có một đại biểu đưa ra ý tưởng tổng thống sẽ được thống đốc các bang bầu ra. Các thống đốc của bang lớn sẽ có nhiều phiếu bầu hơn các bang nhỏ. Không có ai ủng hộ ý tưởng này, nhất là các đại biểu đến từ các bang nhỏ. Ý tưởng này bị bác bỏ ngay.
Lại có một đề xuất là tổng thống do người dân trực tiếp bầu ra. Elbridge Gerry của Massachusetts bị sốc ngay vì ý tưởng này.
“Người dân không hiểu được những vấn đề như thế này,” Elbridge Gerry nói. “Một vài kẻ gian xảo sẽ dễ dàng đánh lừa người dân ngay. Cách tai hại nhất để chọn ra tổng thống là để người dân bỏ phiếu bầu.”
Thế là các đại biểu đồng ý để cơ quan lập pháp bổ nhiệm tổng thống. Nhưng sau đó họ lại bỏ phiếu chống lại phương pháp này và nói rằng để cho quốc hội các bang chọn ra các đại cử tri để bầu tổng thống. Nhưng sau đó, cách này cũng không được chấp nhận khi đưa ra bỏ phiếu. Cuộc tranh luận lại tiếp tục chuyển sang cách bầu trực tiếp thông qua người dân.
Hội nghị đã phải làm sáu mươi cuộc bỏ phiếu về vấn đề này. Và cuối cùng toàn Hội nghị đã đồng ý để vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp (tổng thống) được bầu thông qua các đại cử tri do quốc hội của các bang chọn ra.
Vậy là, có người lên tiếng, chúng ta đã định xong cách chọn ra tổng thống. Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu tổng thống làm những điều có hại sau khi được nắm quyền? Chúng ta cần có cách để phế truất tổng thống.
Đúng thế, cả Hội nghị cùng tán thưởng. Cần phải có cách để đưa ra luận tội tổng thống, xét xử tổng thống và nếu ông ta được chứng minh là có tội, sẽ phế truất ông ta. Thống đốc Morris của Pennsylvania lên tiếng ủng hộ việc luận tội. Ông nói rằng một tổng thống có thể phản bội niềm tin của dân chúng khi bị một thế lực lớn nào đó tác động.
Các đại biểu đã phê chuẩn đề xuất phế truất tổng thống khi bị chứng minh đã phạm vào tội hối lộ, phản bội hoặc các tội nguy hiểm khác.
Vấn đề quan trọng cuối cùng liên quan tới vị trí tổng thống là quyền phủ quyết các quyết định của quốc hội.
Trước đó, không đại biểu nào muốn trao cho tổng thống toàn quyền bác bỏ các luật. Nhưng đến lúc này các đại biểu đã cảm thấy tổng thống nên có tiếng nói trong quá trình làm luật. Nếu không có tiếng nói đó, họ nói, vị thế của tổng thống sẽ rất ít ý nghĩa. Và quốc hội sẽ có quyền lực như một kẻ độc tài.
James Madison đề nghị một giải pháp: Tổng thống nên có quyền phủ quyết luật, nhưng quyền đó sẽ bị bác lại nếu đa phần thành viên quốc hội bỏ phiếu ủng hộ thêm một lần nữa.
Văn kiện tổng kết của Hội nghị đã liệt kê thêm các chi tiết cho vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp (tổng thống). Ví dụ, tổng thống phải là người được sinh ra tại Mỹ hoặc là công dân Mỹ vào lúc Hiến pháp được công nhận. Người làm tổng thống phải sinh sống tại Mỹ được ít nhất 14 năm. Tuổi của tổng thống phải ít nhất là 35.
Tổng thống được trả lương. Nhưng mức lương không được tăng hoặc giảm trong thời gian đương chức. Tổng thống sẽ là tổng chỉ huy quân đội. Và thường kỳ, tổng thống phải báo cáo cho quốc hội về tình trạng của toàn liên bang.
Văn kiện tổng kết Hội nghị cũng định ra những diễn từ cho lời tuyên thệ nhậm chức của tổng thống. Cứ bốn năm một lần, từ hơn hai trăm năm nay, mỗi tổng thống đều cất lên lời thề sau:
“Tôi xin long trọng tuyên thệ, tôi sẽ thực thi trách nhiệm của Tổng thống Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ một cách trung thực và tôi sẽ, bằng mọi khả năng của mình, gìn giữ, bảo vệ và che chở Hiến pháp của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 01/2009
(Nguồn: http://voanews.com/specialenglish/archive/2008-02/2008-02-06-voa1.cfm. program #19 of THE MAKING OF A NATION)
[1] Hội nghị lập Hiến của Mỹ diễn ra từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787 tại Philadelphia. Hội nghị bàn nhiều vấn đề về xây dựng một cấu trúc mới cho chính quyền liên bang Mỹ sau 11 năm tuyên bố Độc lập khỏi sự đô hộ của Anh quốc. Bản dịch (chương trình này của VOA) chỉ đề cập một trong các vấn đề quan trọng. (ND)