Phạm Hồng
Sơn
Nếu phải tìm hiểu thêm về các thiết chế quan trọng cho một nền dân
chủ hay phải tham vấn thêm về một đề tài hàn lâm nào đó, thành thật tôi sẽ
không dám nhờ cậy những người như bà Bùi Thị Minh Hằng. Nhưng khi cần một chia
sẻ chân thành, bộc trực, tình cảm và đặc biệt khi có cướp hay có hổ tấn
công, tôi sẽ yên tâm, vững dạ hơn rất nhiều nếu được có những người như bà Bùi
Thị Minh Hằng ở bên.
Điều rõ ràng, dân chủ rất cần Montesquieu, Locke, Madison, Tocqueville,… và lá phiếu. Nhưng những thứ đó chưa thể đủ, dân chủ còn cần cả
những bàn chân, bàn tay, những khối óc không nề hà việc “nhỏ mọn”, “tầm
thường”, “nhếch nhác”. Vì thiếu những thứ sau, rất có thể những thứ đầu vẫn mãi
mãi chỉ nằm trên văn bản, giấy tờ, ước vọng mà thôi. Giả dụ, khi có kẻ đến cướp
lá phiếu, uy hiếp người bỏ phiếu, chắc chắn những người có khả năng nhất, bản lĩnh nhất chống lại những kẻ đó không thể là “Locke” hay “Montesquieu”.
Ở trên có nói đến “hổ” là vì ngày xưa có câu chuyện như thế này:
một thức giả gặp một người đàn bà đang khóc than đau khổ hỏi ra mới biết rằng
cả chồng và đứa con duy nhất của người đàn bà vừa lần lượt bị hổ ở trên núi
xuống ăn thịt mất. Thức giả liền nói, hình như là giọng hơi gắt: “Sao không đi
ngay sang vùng bên mà ở? Bên đó vừa phồn thịnh vừa đông người, hổ làm sao dám
tới.” Người đàn bà đau khổ dáng vẻ thất học chỉ nhẹ nhàng đáp: “Nhưng bên đó
‘hà chính’.” Vị thức giả lẳng lặng bỏ đi, người đàn bà tiếp tục ở lại. Người
đời sau mới đúc kết:
“HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ” nghĩa là: “CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐOÁN, CHUYÊN CHẾ NGUY
HIỂM, ÁC ĐỘC HƠN HỔ”
Ít phút nữa bà Bùi Thị Minh Hằng và những đồng sự sẽ lại ra “tòa”
lần thứ hai trong vụ án có tình tiết buộc tội “hai xe máy đi hàng ba”. Chúng ta
có thể đang lo lắng, thương cảm, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy ấm lòng và tự hào
khi nhìn lại chúng ta còn những con người như BÙI THỊ MINH HẰNG.○
(còn tiếp)