Xem phần 1: Đừng
để người ta cười
Phạm Hồng Sơn
Không phải là Biển Đông (phần 2)
Biển Đông hay Dương Nội?
Suốt những ngày “dàn khoan HD 981”
vừa qua, và sẽ còn nhiều những sự kiện tương tự “dàn khoan” khác trên Biển Đông,
có nhiều người đã khổ rồi lại khổ hơn, có những vấn đề đã xấu rồi lại thành xấu
hơn vì những nỗi khổ, vấn đề đó bị lu mờ đi rất nhiều do “Biển Đông”.
Hãy để cho trí tưởng tượng được
bay bổng. Bỗng một ngày tiềm lực Trung Cộng suy sụp tới mức không còn đủ sức để
duy trì chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa nữa, họ rút đi hết cả quân lẫn dân và vứt
lại đó cả bản gốc Công hàm
Hồ Chí Minh 1958. Nhưng tôi tin những dân oan mất đất ở Dương Nội (hay Tiên
Lãng, Xuân Quang, Vụ Bản, Bình Dương, Đắc Lắc, Cà Mau,…) sẽ không đi lấy đảo,
lấy công hàm về làm gì một khi chế độ chính trị Việt Nam vẫn là độc tài toàn trị.
Không ai lại dại tới mức đi lấy của cải từ một kẻ cướp để đưa vào
tay một kẻ cướp khác.
Giới hàn lâm đã chứng minh một
trong những đóng góp lớn cho tiến bộ của nhân loại trong luật La Mã là khái
niệm dominium (proprietory
power-quyền sở hữu, sức mạnh sở hữu) trong đó có sở hữu đất do mình khai phá, bỏ
tiền ra mua hoặc được thừa kế. Quyền đó hay sức mạnh đó tạo cho con người một
động lực, một nền tảng vững chắc tiềm ẩn trong việc chống lại cường quyền, khiến
xã hội loài người công bằng hơn. Theo họ, khái niệm đó không chỉ giúp con người
giữ được những gì họ có mà còn bảo tồn được nhân phẩm và các phẩm tính người
khác (human faculties).[i]
Nói một cách dung dị, bạn và tôi sẽ yên tâm hơn, tức có nhiều chí khí và sức
lực hơn, nếu mảnh đất mà chúng ta đã bỏ không ít tiền ra mua và lại phải đóng
thuế hàng năm không còn thuộc “sở hữu toàn dân” nữa. Do đó không phải ngẫu
nhiên các chế độ cộng sản hậu kỳ ngoan cố đã chuyển sang tư bản đỏ luôn luôn
không chịu nhả một chút gì về quyền sở hữu đất.
Nhưng nói như thế không có nghĩa
quyền sở hữu đất là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Có những vấn đề khác,
quyền khác cũng quan trọng không kém như tự do báo chí, tự do hội họp, tự do
lập hội, v.v.
Cần phải dành quan tâm và ưu tiên
sức lực cho những vấn đề nào, quyền nào để cứu nước Việt Nam , để Việt Nam được tự do hơn? Không dễ có câu
trả lời ngay, nhưng chắc chắn không phải là Biển Đông.
Thành thật vẫn tốt hơn
Charles Fenn, người đã giới thiệu
Hồ Chí Minh vào làm việc cho OSS (Office of Strategic Services-Cục Công tác
Chiến lược, tiền thân của CIA) trong giai đoạn sắp kết thúc Thế chiến II, một
lần đã nêu băn khoăn với Hồ về việc Việt Minh là tổ chức cộng sản, Hồ trả lời:
“Người Pháp đều gán cho mọi người Việt
Nam muốn giành độc lập là cộng sản.”[ii]
Đó chỉ là một trong nhiều lần Hồ
Chí Minh lẩn tránh thừa nhận gốc gác cộng sản của mình khi làm việc hay tiếp
xúc với những người Mỹ trong giai đoạn hữu nghị ngắn ngủi Việt (cộng sản)-Mỹ
1944-1946.
Báo cáo mật (đã được bạch hóa) của
Bộ quốc phòng Mỹ, the Pentagon Papers,
cho biết từ cuối 1945 tới đầu 1946 Hồ Chí Minh đã gửi ít nhất 8 (tám) lá thư
thỉnh cầu tới Tổng thống Truman và Bộ Ngoại Giao Mỹ để được hỗ trợ trong việc
giành độc lập từ người Pháp và ủng hộ cho chính phủ mới thành lập “Cộng hòa Dân chủ của Việt Minh” (Democratic
Republic of Viet Minh). Tất cả những lá thư đó đều không được hồi âm.[iii]
Nhưng the Pentagon Papers ghi lại một điện tín của Ngoại trưởng George C.
Marshall gửi cho sứ quán Mỹ tại Paris: “…Mặt
khác chúng ta cũng không phải không biết là Hồ Chí Minh có liên hệ trực tiếp
với Cộng sản và rõ ràng là chúng ta không thú vị gì khi thấy một chính quyền
thuộc địa lại được thay thế bằng tư tưởng và bằng các tổ chức chính trị chịu sự
chỉ đạo và kiểm soát bởi Kremlin.”[iv]
Cũng cần nhớ lại trước khi kết
thúc Thế Chiến II, Hồ Chí Minh (và Việt Minh) đã là một đối tác đắc lực của OSS
trong các điệp vụ thông tin chống Nhật và giải cứu các binh sỹ Mỹ bị kẹt ở Đông
Dương. Bản thân Hồ Chí Minh đã từng đích thân lặn lội đường rừng đưa một phi
công Mỹ (bị rơi ở Bắc Việt Nam) trở về căn cứ bên Trung Hoa.[v]
Vấn đề cần đặt ra là tại sao ngay sau đó chính quyền Mỹ lại phớt lờ các thỉnh
cầu của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp rất phù hợp với lý tưởng của nước Mỹ lúc đó:
tự do và giải thuộc địa.[vi]
Tới nay chúng ta đã rõ nguyên nhân chính của sự lạnh nhạt đó là do giới làm
chính sách của chính quyền Mỹ đã biết rõ Hồ Chí Minh và Việt Minh là cộng sản. Tuy
nhiên, nguyên nhân đó đúng (về cơ bản) nhưng chưa đủ. Còn một nguyên nhân nữa,
có thể rất nhỏ nhưng lại không kém quan trọng trong quan hệ con người, đó là Hồ
đã để lại cảm giác là một con người rất khéo léo hơn là chân thực đối với nhiều
người Mỹ.[vii]
Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ xử sự
kiểu đó với người Mỹ. Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) - chấp nhận
cho quân Pháp trở lại Bắc Việt thay thế quân Tưởng - dư luận đã nổi lên một làn
sóng phản đối, nghi ngờ có động cơ mờ ám, Hồ đã thân chinh đứng trước công luận
thề: “Tôi
(Hồ Chí Minh) thà chết chứ không bán nước!”. Đúng, bây giờ chúng ta đã
biết Hồ Chí Minh không bán nước trừ việc Hồ Chí Minh và chính quyền do ông làm
Chủ tịch nước và Chủ tịch đảng, chỉ vì cần có thêm vật chất và tinh thần để Nam
tiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đã công nhận rằng cả hai quần đảo
Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) là thuộc chủ quyền nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa. Hồ Chí Minh cũng từng cam đoan trước quốc dân đồng bào:
“Tôi
chỉ có một Đảng - đảng Việt Nam”, ngầm ý không phải đảng cộng sản. Nhưng sự thật hoàn toàn không như thế. Hồ Chí Minh
còn ước khi qua đời sẽ được gặp ngay “cụ
Các-Mác, cụ Lê-Nin”[viii]
– những ông tổ của chủ nghĩa cộng sản.
Nhìn lại bối cảnh Việt Nam thời kỳ
1945 chúng ta thấy nếu việc Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cộng sản trước đó
là việc đã rồi, và cũng không phải chỉ có một mình Hồ chọn, thì việc “bài vở”
với các đối tác Mỹ hay việc nhất nhất phải tiếp tục theo cộng sản để giành độc
lập lại là những việc không bắt buộc phải xảy ra[ix].
Và nếu như chỉ không xảy ra những kiểu mưu mẹo vặt đó thôi, rất có thể lịch sử
Việt Nam
đã khác rất nhiều.
Bi kịch của ảo tưởng
Mùa xuân năm 1975, khi Mỹ đã rút
hết quân khỏi Việt Nam Cộng Hòa và trước ngày Sài Gòn sụp đổ, Ngoại trưởng Nhật
hốt hoảng gọi sang Mỹ, trong đó có đoạn: “Thế
còn chúng tôi? Nếu chúng tôi bị tấn công, các ngài có chơi một cú như ở Việt Nam
rồi lại lên tàu về nước không?”. Ở sát bên cạnh, chính quyền Nam Hàn cũng
hỏi: “Nếu Kim Nhật Thành và lính Bắc Hàn
tràn qua biên giới, chúng tôi có thể trông cậy vào các ngài, được hay không?”[x]
Người Nhật và Hàn, dù có mấy chục
ngàn quân Mỹ đang đồn trú, vẫn bất an là rất đúng, không chỉ vì vai trò tối
quan trọng của Mỹ trong đảm bảo an ninh quốc tế mà rất có thể những người Nhật,
Hàn còn là những người thuộc sử Mỹ.
Năm 1778 nước Mỹ non trẻ, vừa
tuyên bố độc lập đã ký một hiệp ước liên minh với Pháp để có thêm hỗ trợ trong
cuộc chiến khó khăn với nước Anh hùng mạnh. Nước Pháp đã giúp không chỉ tiền
bạc, vũ khí, phương tiện, tinh thần mà cả con người để những nhà cách mạng lập
quốc Mỹ như George Washington, Thomas Jefferson, Alexander Hamilton đi tới chiến
thắng cuối cùng với người Anh và giành độc lập. Đầu tháng Hai năm 1793 Pháp tuyên
chiến với Anh. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, cuối tháng Tư năm 1793, đích thân Tổng
thống Mỹ George Washington tuyên bố Tuyên cáo Trung lập (Proclamation of
Neutrality), đơn phương cắt bỏ liên minh với Pháp. Đương nhiên Tổng thống Washington nói riêng và
người Mỹ nói chung phải có những lý do rất chính đáng cho sự bỏ rơi đồng minh ân
nhân của mình như lập luận của Alexander Hamilton: “Hiệp ước Mỹ-Pháp đã chết vì người ký phía Pháp - Vua Louis XVI- không
còn nữa, vừa bị chặt đầu.” Nhưng ai cũng biết đứng sau những chữ “vì” kiểu đó
là suy tính tối cao cho quyền lợi của một nước Mỹ còn rất non yếu. Vì, nếu cần
làm ngược lại, người Mỹ vẫn có nhiều chữ “vì” khác để duy trì hiệp ước bảo vệ
đồng minh như lập luận của Thomas Jefferson: “Hiệp ước Mỹ-Pháp là một khế ước giữa hai quốc gia hơn là giữa hai chính
quyền.”[xi]
Nhưng nhìn ở mặt kia, Pháp liên minh với Mỹ cũng xuất phát từ việc nhìn thấy
những mối lợi mà Cách mạng Mỹ sẽ mang lại cho Pháp: làm suy yếu đối thủ Anh
láng giềng truyền kiếp, mở ra một thị trường lớn cho các nhà công nghiệp
Pháp,…, và cả thỏa mãn sự mến mộ vùng đất lý tưởng cho giới trí thức tinh hoa
Pháp.[xii]
Có thể nói câu chuyện lịch sử ngoại giao vừa kể có thể đính với nhiều nhãn khác
nhau, bất tín, đồng vụ lợi, phản bội, ngờ nghệch hay công bằng, thường tình,
đều được cả.
Thế giới hiện nay và nước Mỹ ngày
nay có thể đã rất khác so với cách đây 200 năm hay 40 năm trước. Nhưng nếu chúng ta chỉ
xem lại vài
lời phàn nàn của Ngoại trưởng Ba Lan mới đây hoặc nhìn vào những chuyển
động ráo riết trong chính sách quốc phòng của Nhật đang diễn ra thì sẽ thấy
có những qui luật muôn đời không đổi: Trời (người) chỉ giúp những kẻ tự biết
giúp mình mà thôi.
Và còn một ảo tưởng nữa cũng có
thể xảy ra: Mỹ đối đầu Trung Cộng.
Lý Quang Diệu, người đã đưa
Singapore từ “thế giới thứ ba” lên “thế giới thứ nhất” chỉ trong vòng 35 năm, là chính
trị gia gốc Hoa thường được giới lãnh đạo Mỹ và phương Tây tham vấn[xiii], từng rất ác cảm với Trung Quốc và cộng sản[xiv],
đã nhận định và dự đoán:
“Hoa Kỳ dù sao cũng không thể kham và cũng sẽ không muốn ghánh hoàn toàn
phí tổn của an ninh toàn cầu nữa…”[xv]
(năm 1991)
“Qui mô dịch chuyển cân bằng toàn cầu của Trung Quốc sẽ buộc thế giới
phải lập ra một cân bằng mới trong 30-40 năm tới. Không thể giả vờ cho rằng
Trung Quốc chỉ là một đấu thủ lớn. Đó sẽ là đấu thủ lớn nhất trong lịch sử thế
giới.”[xvi]
(năm 1993)
“Hoa Kỳ không thể kìm được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chỉ có thể chấp
nhận sống cùng với một Trung Quốc lớn hơn và sẽ hoàn toàn mới đối với Hoa Kỳ.
Trong 20-30 năm tới, Trung Quốc sẽ thành một đối tác mà không đối tác nào đủ
lớn để thách thức… Trung Quốc sẽ không để cho một cơ quan tài phán quốc tế nào
phân định về các tranh chấp ở biển Hoa Nam (Biển Đông), vì vậy sự hiện diện của
quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là cần thiết để Luật của Liên hợp Quốc được
thực thi.”[xvii]
(năm 2011)
Khi được hỏi Hoa Kỳ nên tránh
những chính sách và hành động như thế nào đối với Trung Quốc đang trỗi dậy, Lý
khuyên: “Ngay từ đầu đừng đối xử với
Trung Quốc như kẻ thù. Nếu ngược lại, nó sẽ triển khai một chiến lược phản công
gây tổn hại cho Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương, thực tế là nó đang bàn tính về
một chiến lược đó rồi. Sẽ không tránh được sự tranh giành giữa hai quốc gia về
tầm ảnh hưởng thống soái trong khu vực Tây Thái Bình Dương, nhưng điều đó không
cần thiết phải dẫn đến xung đột (năm 2011). Cần phải thuyết phục để Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ không muốn phá vỡ
Trung Quốc để nó có thiện chí nhiều hơn trong việc bàn thảo, hợp tác trong các
vấn đề an ninh và ổn định thế giới (1996). Gia tăng hiểu biết, trao đổi văn hóa giữa hai bên và giảm sự mẫn cảm về
nhân quyền có thể giúp quan hệ hai nước đỡ căng thẳng, đối đầu hơn (năm
1993).”[xviii]
Hẳn Lý Quang Diệu hiểu rằng tất cả
chúng ta vẫn nhớ Trung Cộng và Hoa Kỳ là hai cường quốc sở hữu bom nguyên tử -
một phương tiện đã chứng tỏ khả năng ngăn chặn hữu hiệu mọi va chạm lớn giữa các
bên sở hữu trừ khi có một bên muốn tự hủy diệt cùng toàn bộ nhân loại.
Trong thế kỷ XX, Việt Nam đã phải
chịu một bi kịch thảm hại có gốc từ niềm tự hào được làm “vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội”[xix]
và từ sự quá trông cậy vào Mỹ tới mức thiếu tự lực, mất nội lực. Có nhiều lý do
đứng sau những nguyên nhân gốc đó nhưng ít nhiều đều có dự phần của sự chủ
quan, tự đại đến mức ảo tưởng. Ngày nay, một thời đại với nỗi lo khủng bố luôn
thường trực trong đầu các lãnh đạo phương Tây cùng “sự thức giấc của con rồng
Trung Hoa”[xx] ở
ngay bên cạnh thì nguy cơ Việt Nam biến thành một con tốt kiểu mới cùng sự ảo
tưởng được che chở kiểu mới cũng là những điều không phải không thể tái diễn.
Kỷ luật hay là chết?
Cecil B. Currey khi viết về kỷ
luật của Việt Minh trước khi giành chính quyền đã thuật lại lời Tướng Giáp cho
biết Việt Minh khi hoạt động ở miền sơn cước đã tuân thủ nguyên tắc nghiêm cẩn
tới mức tất cả đàn bà, con gái ở đó đều tin rằng cánh đàn ông Việt Minh là
những người “được sinh ra không có chim”
(made without cocks).[xxi]
Trong hồi ký, Từ nhân dân mà ra, Tướng Giáp cũng kể lại chuyện sau lễ thành lập
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Nhân
dân và các đoàn thể mang tới rất nhiều quà ủy lạo. Nhưng bữa chiều hôm đó, theo
yêu cầu của số đông anh em, chúng tôi đã ăn một bữa cơm nhạt, không rau không
muối, để nêu cao tinh thần của những chiến sỹ cách mạng.”[xxii]
Còn đây là chuyện của lão thành
cộng sản cao cấp Đoàn Duy Thành khi từ nhà tù Côn Đảo trở về với Đảng:
“Sau khoảng một tuần nghỉ
ngơi cho lại sức, tôi bước vào giai đoạn thẩm tra việc bị bắt, bị tù... Thành
ủy lập riêng một tổ thẩm tra do đồng chí Hoàng Mậu, Khu ủy viên Khu ủy Tả Ngạn,
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng làm tổ trưởng (cựu tù chính trị Côn Đảo thời kỳ
1930-1936); đồng chí Lê Thành Dương, Phó ban Tổ chức Thành uỷ và đồng chí Đào
Luyện, Trưởng phòng chính trị Ty Công an làm uỷ viên. Trong hơn hai tháng thẩm
tra, tôi chỉ ở nhà chú Siêu thôn Đồn Xá, trừ 3 ngày phải di chuyển sang Hải
Dương vì có tin địch tấn công vào Thái Bình phải tạm lánh sang huyện Ninh
Giang, Hải Dương.
Việc phải trả lời gần 100 câu hỏi của
Tổ thẩm tra tôi chẳng thấy có gì khó chịu cả, viết hết hàng mấy tập giấy cũng
không biết mệt, chỉ mong sao được tiếp tục công tác.
Tôi phải viết rất nhiều báo cáo, riêng báo cáo về nhà tù Côn Đảo tôi viết xong ngày 9-12-1953 đã hàng mấy chục trang, nay còn lưu trữ ở Cục Lưu trữ Trung ương Đảng. Đến gần Tết âm lịch 1953-1954, việc thẩm tra việc tôi bị bắt và bị tù đã xong.”[xxiii]
Dù ba ghi chép trên có bao nhiêu
phần trăm sự thật, điều đó cũng cho thấy việc giành được quyền lãnh đạo (độc
đoán) của Đảng Cộng sản Việt Nam
không phải là một ngẫu nhiên hay một chuyện chơi như đi phượt.
Trong cạnh tranh chính trị có hai
yếu tố chính để tạo/giành niềm tin nơi công chúng, đó là sức mạnh và kỷ luật.
Đương nhiên, kỷ luật phải là cái có trước.
Và dù kỷ luật của ngày hôm qua
không còn phù hợp với ngày hôm nay những
người Việt Nam
muốn xã hội tiến bộ không thể từ chối kỷ
luật. Khi phân tích một cách hệ thống và sâu sắc
về hệ thống xã hội chủ nghĩa, Kornai János cũng đi đến một kết luận có thể làm
châm ngôn chung cho tất cả những người đấu tranh trong những xã hội mà chế độ
trấn áp đã nắm quyền: “Phong trào sẽ không tồn tại được nếu không có kỷ luật.” [xxiv]
Nhưng sẽ xây dựng kỷ luật bằng
cách nào trong một môi trường của truyền thống trễ hẹn, quên lời hứa, huyênh
hoang, cẩu thả, kèn cựa được pha trộn với hiện đại McDonald’s, porno, Viagra, sex toy, selfie?
Vô thường
Thoắt ngày nào tiếng voi rống rền còn
nghe thảm gần sông Hát. Mới ngày nào biên thổ nước Việt phía Nam chỉ ngấp nghé
Thanh Nghệ. Vệt người gồng ghánh theo chúa Nguyễn vượt đèo Ngang vẫn lượn vòng
ngay trước mắt. Tiếng gươm khua, ngựa hý, đắp đường, mở kênh, xây thành phương Nam
vẫn dồn dập, vang vọng quanh đây. Những thành quách, đền đài Angkor, Indus,
Maya vẫn sừng sững trầm mặc, im lìm. Người ở đâu, hồn quốc ở đâu?
“Ba xứ non sông một giải liền,
Máu đào, xương trắng, điểm tô nên.
Cơ trời dù đổi trò tang hải,
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên.
Có nước, có dân, đừng rẻ rúng,
Muốn còn, muốn sống phải đua chen.
Giật mình nhớ chuyện nghìn năm cũ,
Chiêm-Lạp xưa kia vốn chẳng hèn.”[xxv]○
(Hết)
* Cập nhật ngày 03/11/2016: Ghi chú số
iii dưới đây đã được bổ khuyết dựa trên một
bài viết của nhà báo Đinh Từ Thức.
[i] Richard
Tuck, Natural Rights Theories: Their
origins and development, Cambridge University Press, 1979, chương I.
[ii]
Dixee R.Bartholomew-Feis, The OSS and Ho
Chi Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University Press of
Kansas, 2006, trang 154.
[iii] The Pentagon Papers – the secret history of
the Vietnam war, the complete and unabridged series as published by The New
York Times, Bantam Book, July 1971, trang 3-5, 26. Lưu ý: The Pentagon Papers là một nghiên cứu bí
mật do Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, trước khi rời nhiệm sở do bất đồng, chỉ
thị thực hiện nhằm tìm hiểu quá trình Mỹ can dự chiến tranh Việt Nam 1945-1968.
Nghiên cứu có độ khả tín lớn bởi hai yếu tố: những người tham gia đều có tính
tự nguyện và được giữ bí mật về danh tính; nền tảng của nghiên cứu là các thông
tin đã cố định (các tài liệu, văn bản, chứ không phải hồi ký, hồi ức hay phỏng
vấn, liên quan của Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, CIA, Văn phòng Tổng thống,…).
Nghiên cứu này đã được các tờ báo như The New York Times, Washington Post tiết lộ lên mặt báo vào tháng 06/1971 qua các bài tường thuật, nhận định của các nhà báo của từng bản báo. Sau đó xảy ra vụ kiện rất lớn nhằm cấm đăng tải, đưa tin về "báo cáo mật" với lý
do “phương hại ngay lập tức và không sửa chữa được đối với lợi ích của Hoa Kỳ
và an ninh quốc gia”. Nhưng chỉ 15 ngày sau, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết
các tờ báo được tiếp tục đăng tải dựa trên Tu chính án thứ nhất của
Hiến pháp Mỹ: Quyền tự do báo chí. Tuy nhiên khi đọc các tài liệu (bài viết) được các báo đăng tải hay in thành sách, chúng ta cần thận trọng về tính khách quan và sự đúng đắn trong các nhận định, bởi, như trong lời giới thiệu của cuốn sách đã nhắc, chúng không thể tránh được sự phản ánh quan niệm, suy nghĩ hay thiên kiến riêng của người viết ra nó. Ngoài ra ngay tính "vô danh" của những người thực hiện nghiên cứu mật của Bộ quốc phòng Mỹ cũng có thể đưa đến tính "vô trách nhiệm" với nhiều mức khác nhau.
[iv]
Sách đã dẫn, trang 7-8.
[v]
Người Mỹ còn từng có kế hoạch đưa Hồ sang San
Francisco để thực hiện các bản tin chiến tranh bằng
tiếng Việt qua radio phát về Đông Dương. Dixee R.Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh-Unexpected Allies in
the War Against Japan, University Press of Kansas, 2006, trang 153.
[vi] Tháng
08/1941, Tổng thống Roosevelt cùng Thủ tướng Anh Churchill đã ra một tuyên bố
sau này mang tên Hiến chương Đại Tây Dương (the Atlantic Charter) khẳng định
Hoa Kỳ và Anh sẽ không có ý định tìm kiếm thôn tính lãnh thổ của các nước khác,
nêu quan điểm ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc, giải thể chế độ thực dân,
kiến tạo hòa bình và gia tăng phúc lợi cho thế giới. Đầu năm 1945 Tổng thống Roosevelt còn chỉ thị cho nhân viên Mỹ không được giúp
hay cộng tác với người Pháp ở Đông Dương. (The
OSS and Ho Chi Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University
Press of Kansas, 2006, trang 116). Khi Truman lên nắm quyền, sau khi Roosevelt qua đời 12/04/1945, cũng từ chối đề nghị của
Pháp giúp đỡ vũ khí hay phương tiện chuyển quân vào Đông Dương để đánh Việt
Minh (The Pentagon Papers, trang 8).
[vii]
Trong bối cảnh sắp kết thúc Thế Chiến II, Hồ Chí Minh đã có tiếp xúc trực tiếp với
nhiều người Mỹ - những người thực hiện sứ vụ chống Nhật tại Đông Dương. Những
người Mỹ đó gần như chia ra hai phía, một thiện cảm và một thiếu thiện cảm, có
những người rất khen tới mức ngưỡng mộ (Charles Fenn) và có những người rất chê
đến mức ghét bỏ (René Défourneaux). Nhưng có hai điểm nổi rõ trong các ghi
chép, hồi tưởng về các cuộc tiếp xúc đó: Hồ không thành thật về nguồn gốc cộng
sản của bản thân và Hồ mập mờ về chính sách (theo cộng sản hay tư bản) của
chính quyền (sắp hoặc mới lập). Archimedes L.A. Patti (trưởng nhóm OSS tại Đông
Dương), người làm việc với Hồ nhiều lần, rất có thiện cảm với Hồ và Việt Minh
tới mức đã bị cấp trên khiển trách nhiều lần về biểu tỏ quá thiên Việt Minh,
cũng nhận xét Hồ là “ông già cáo” (sly ‘old man’), “ông trùm mưu mẹo lợi dụng”
(a master of conspiratorial maneuvers). Patti cũng có nhận xét khá thất vọng
nhưng rất phù hợp với những gì thực tế đã diễn ra sau đó rằng Hồ chỉ muốn làm
mọi thứ để “bỏ đi cái mác cộng sản”, vì bị nhiều người nhất là giới trung lưu
Việt Nam e sợ, “hơn là xa rời tư tưởng cộng sản”. Archemedes Patti, Why Vietnam ? – Prelude to America’s Albatross,
University of California Press, 1980, trang 87, 235, 333; Tham khảo thêm: Dixee
R.Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi
Minh-Unexpected Allies in the War Against Japan, University Press of
Kansas, 2006.
[viii] Hồ
Chí Minh để lại di chúc trong đó có câu: “Vì
vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi
gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác,…”. Hồi ký của Vũ
Kỳ (Thế Kỷ ghi), Bác Hồ viết di chúc,
Nxb Văn hóa Thông tin, 2008, trang 8.
[ix]
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1945 đến đầu 1950
không được quốc gia nào công nhận, kể cả Liên Xô và Trung Hoa cộng sản. Nhưng
từ 06/1948 Pháp đã công nhận độc lập và chủ quyền ba miền Việt Nam cho Nhà
nước Quốc gia (đứng đầu là cựu hoàng Bảo Đại) nằm trong Liên hiệp Pháp. Mỹ cũng
công nhận và công khai trợ giúp cho Nhà nước Quốc gia ngay khi Liên Xô và Trung
Cộng (mới thắng quân Tưởng) công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào đầu năm
1950. Cho dù việc Pháp công nhận độc lập và chủ quyền ba miền Việt Nam cho Nhà
nước Quốc gia của Bảo Đại chỉ là một biện pháp tình thế và nhiều phần còn là
hình thức nhưng là một thừa nhận quan trọng về chính trị và điều này cũng cho
thấy việc giành độc lập từ tay người Pháp cho Việt Nam không bắt buộc phải
thông qua con đường cộng sản và chiến tranh của Hồ Chí Minh.
[x]
François Missoffe, Duel Rouge,
Éditions Ramsay, 1977, trang 92.
[xi]
Joseph J. Ellis, American Creation –
triumphs and tragedies at the founding of the republic, Alfred A. Knopf of
Random House, 2007, trang 187.
[xii] Samuel
Eliot Morison, The Oxford history of the American people, New York-Oxford
University Press, 1965, trang 251-256.
[xiii]
Henry Kissinger coi Lý là lãnh đạo thế giới từng gặp mang lại cho Kissinger
nhiều hiểu biết nhất, Lý là “con người có trí tuệ và sức phán đoán hơn người”.
Fareed Zakaria kinh ngạc về “sự hiểu biết sâu sắc về thế giới – Trung Quốc, Nga
và Hoa Kỳ - của một người đã 85 tuổi.”; Tổng thống Nixon từng tham vấn Lý trước
khi tiếp xúc để nối quan hệ với Trung Cộng năm 1972; các đời tổng thống Mỹ
khác, nhiều thủ tướng Anh, thủ tướng Đức, tổng thống Pháp, lãnh đạo Trung Cộng,
nhiều lãnh đạo quốc tế khác từng làm việc với Lý đều đánh giá cao Lý. Margaret
Thatcher cho biết khi còn làm việc bà luôn “đọc và phân tích mọi phát biểu của
Lý”. Tony Blair đánh giá Lý là “lãnh đạo thông minh nhất mà tôi từng gặp.”
Barack.Obama: “Lý là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế
kỷ 20, 21.” Thủ tướng Đức Helmut Schmidt: “Kể từ khi gặp Lý Quang Diệu, tôi bị
ấn tượng mạnh bởi trí lực xuất sắc và sự đánh giá thẳng thắn của ông.” Nguồn:
Alex Josey, Lee Kuan Yew-The crucial
years, Times Books International, 1995 (xuất bản lần 10, lần đầu năm 1968);
Graham Allison, Robert D. Blackwill, Ali Wyne, Lee Kuan Yew- The grand master’s insights on China, the United States,
and the World, Belfer Center for Science and International Affairs, 2013.
[xiv]
Năm 1973 Lý từng thổ lộ “sẽ là người cuối cùng tới Trung Quốc”; Khi Mao chết,
mặc dù vẫn bày tỏ chia buồn với lãnh đạo Trung Cộng nhưng Lý ra lệnh ngay cho
lực lượng an ninh: “Phải kiểm soát chặt hơn tất cả các nhóm cộng sản.” François
Missoffe, Duel Rouge, Éditions
Ramsay, 1977, trang 171.
[xv]
Graham Allison, Robert D. Blackwill, Ali Wyne, Lee Kuan Yew- The grand master’s insights on China, the United States,
and the World, Belfer Center for Science and International Affairs, 2013,
trang 40.
[xvi]
Sách đã dẫn, trang 42.
[xvii]
Sách đã dẫn, trang 42, 39.
[xviii]
Sách đã dẫn, trang 43-45.
[xix]
Hồ Chí Minh phát biểu trong Diễn văn khai
mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III ngày 5/9/1960:"Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình dân chủ, xã hội chủ nghĩa trên thế giới... Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á, ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới." Trích từ Văn kiện Đảng về chống Mỹ cứu nước, Tập
1, NXb Chính trị Quốc gia, 2011, trang 447.
[xx]
Napoléon Bonaparte 1 đã nói: “Khi Trung Quốc thức giấc, thế giới sẽ phải run
rẩy” (Quand la Chine s’éveillera… le monde tremblera.), trích theo Alain
Peyrefitte, Quand la Chine s’éveillera…
le monde tremblera, Fayard, 1973.
[xxi]
Cecil B. Currey, Victory at any cost,
The Warriors edition, 2005, trang 65.
[xxii]
Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra,
Nxb Công an Nhân dân, 2011 (Tổng tập Hồi ký Võ Nguyên Giáp), trang 91.
[xxiii]
Đoàn Duy Thành, Làm người là khó, xuất bản trên
Internet.
[xxiv]
Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa –
chính trị kinh tế học phê phán, tổng quan kinh tế xã hội chủ nghĩa, người
dịch Nguyễn Quang A, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, trang 55.