Phạm Hồng
Sơn
Đời tù có những mặt riêng mà đời thường không thể, không bao
giờ có, cả tốt lẫn xấu. Đây là một chuyện như thế:
“Ông Huỳnh năm ấy (1965) bị giam cầm một thời
gian. Tù được người nhà thăm nuôi mỗi tháng hai lần. Nhiều tù nhân giữ quần áo
dơ lại, chờ hai tuần một lần gửi người nhà đem về giặt, kỳ thăm sau đem lại.
Anh bạn tù nằm cạnh ông Huỳnh, trước khi vợ vào thăm lại tự mình giặt đồ cho
sạch, chờ trao vợ mang về, mặc qua để lấy hơi trước khi đem vào trả cho chồng.
Anh ta giải thích: ―Không có hơi hám của vợ, tôi không làm sao ngủ được.”
Tù ở đâu mà oách thế? Cộng sản hay Cộng hòa? Chắc chắn không thể là Cộng sản rồi, vì có vụ khi
ra tòa bị cáo muốn mặc cái áo trắng, muốn đeo cái cà-vạt mà cũng không được hay
muốn đọc Thánh Kinh thì phải tuyệt thực lên xuống nhiều lần chưa chắc đã được, thì nói
gì đến những chuyện “ấm ớ” đó.
Câu
chuyện trên nằm trong cuốn Hồi ký của ông Huỳnh Văn Lang xuất bản năm 1999 ở
Hoa Kỳ do nhà văn Võ Phiến ghi lại trong bộ Văn
Học Miền Nam: Tổng Quan, tái bản năm 1999 tại Hoa Kỳ. Tuy câu chuyện trên
chưa thể phản ánh đủ một chế độ tù đày cũng như chế độ chính trị (đã đẻ ra nó)
nhưng nó cho thấy rõ chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhân bản, tự do hơn nhiều cái chế
độ hiện nay, dù sự tự do đó có cái vẻ thật hơi “hớ hênh”. Nhưng có tự do đích
thực nào tuyệt không có hớ hênh?
Nhưng vấn đề không phải ở cái hớ hênh đó.
Lạ là trong hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam
Cộng Hòa, đã từng tiếp tay (nhầm) để giật đổ cái chế độ tự do đó, hiện vẫn đang
còn sống mà tôi mới chỉ thấy có mỗi hai anh em ông Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật
Hải ở mãi trên Cao nguyên xa lắc ngỏ lời xin lỗi dân tộc một cách công khai vì
đã chót lầm lạc.
Cách đây không lâu tôi chứng kiến có mấy đứa trẻ
chơi Lego, một đứa lỡ làm đổ một mô hình vừa xếp xong của một đứa trẻ khác, đứa
trẻ làm đổ vội xin lỗi rối rít.
Thế mà cả một mô hình chính trị ưu việt hơn hẳn
bị giật đổ, thì người ta lại lặng thinh.
Nhưng vấn đề không hẳn cứ phải là “xin lỗi”. Vấn đề là
nếu như hiện nay tất cả những người còn sống nói ở trên cùng nhau làm được cái
gì, không cần to tát, một cách thực chân thành, ôn hòa nhưng triệt để và công khai tương tự như hai
anh em họ Huỳnh, tôi tin những người như Bọ Lập, Anh Ba Sàm, Người Lót Gạch,
v.v chắc chắn sẽ có khả năng ít bị tù hơn hoặc nếu tù thì tù cũng sẽ tử tế hơn,
không cần phải kiến nghị, cầu xin trong vô vọng như hiện nay – đặt một bước
chắc chắn cho mục tiêu: không ai phải chịu khổ nạn (sách nhiễu, đánh đập, giam cầm) chỉ vì khát khao tự do một cách ôn hòa.
Nhưng tôi nói như thế cũng là hớ hênh mất rồi. Vì
người Việt mình ít khi chịu làm theo những gì người khác nói, nhất là từ một kẻ
thường dân, dù là đúng. Thật hớ hênh quá.○
(Ba ngày sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ
blog Quê Choa bị bắt)