Phạm Hồng
Sơn
Sau năm ngày bắt giữ, nhà cầm quyền Việt Nam vừa cho biết vào ngày
10/12/2014, đúng ngày Quốc tế Nhân Quyền: “Ông
Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin hưởng khoan hồng, sớm
được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung
vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội.” Đây rõ là một thông tin
chưa đủ thông tin để tin.
Song, nếu sự thật được bạch hóa sau này sẽ bẽ bàng đúng như thế,
chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên hay phải sốc khi một nhà văn và là một
nhà văn đang ốm với tuổi đã lên cao, không chịu nổi những áp lực của tù đày
trong một xã hội vốn có các giá trị luân lý, đạo đức, niềm tin đang bị đảo lộn,
tan nát.
Chẳng phải chúng ta đã từng có không phải một mà là hơn hai con
người là đảng viên một chính đảng, lại có những điều kiện về chính trị, xã hội,
tuổi tác, sức vóc khỏe hơn ông Lập nhiều nhưng đã đầu hàng và đầu hàng một cách
hùng biện, thẳng thắn, dứt khoát trước tòa và trên TV đó sao? Dĩ nhiên mọi
thuận lợi cho một mục đích đều trở nên vô nghĩa khi ý chí đã về không hoặc mục
tiêu đã bị chuyển đổi. Nhưng chúng ta cũng phải thấy lịch sử, dù là của nhiều
người, nhiều thế hệ, mỗi bước chân của người đi trước, ít nhiều, đều để lại một
vết hằn nào đó trên con đường và trong tâm trí của những người đi sau. Chưa kể,
mỗi con người, chứ không phải thánh thần, đều là một tập hợp của vô vàn những
yếu tố bất định, vô thường đầy bất trắc.
Do đó, về tình cảm, và cả về lý trí, chúng ta cần và nên thông cảm
cho những con người kiên cường nhiều năm mềm lòng vài phút. Nhưng để công bằng
chúng ta cũng phải biết xót xa cho lý tưởng dân chủ nữa. Nếu không, ai sẽ là
người bảo tồn danh dự cho lý tưởng cao đẹp đó. Những nhà độc tài chăng?
Vì vậy theo tôi, tiết lộ thông tin hững hờ nói trên là một phản
ứng khá thông minh của nhà cầm quyền. Vì dù thế nào không ai có thể loại bỏ
được hoàn toàn mọi khả năng đã nhận tội, chưa nhận tội hay sẽ không nhận tội.
Nói chung là làm dư luận hoang mang. Hoang mang luôn là món thuốc đơn giản mà công
hiệu làm cho ý chí của đối phương, tuy không nói ra hoặc không thừa nhận, rất
dễ bị rã rời. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ không ưng ý với đánh giá rằng nhà cầm
quyền hiện nay (khá) thông minh. Nhưng độc ác/khờ khạo, lương thiện/thông minh
chưa bao giờ là những cặp đôi bắt buộc phải luôn dính liền với nhau. Chưa nói
đến tinh thần dân chủ và nội lực trong đấu tranh là phải biết nhận ra và thừa
nhận những ưu điểm của đối lập.
Con người khó tránh được hết những xúc cảm hoang mang, sợ hãi,
khóc than khi đối diện nghịch cảnh. Nhưng trong những trường hợp rối bời như
thế, nghĩ kỹ, có lẽ không có gì tốt hơn bằng cách: Hãy xếp việc những thông tin
hư thực (hoặc sự bẽ bàng nếu có) ra phía sau, tiếp tục đoàn kết, tập trung làm
những gì thiết thực cho lý tưởng dân chủ cũng như cho quyền sống, quyền tự do
của những con người bị bức hại, tù đày một cách bất công và tiếp tục vững tin
vào lý tưởng dân chủ.
Chỉ khi chứng tỏ chịu đựng được khắc nghiệt và vượt qua được thử thách, lý tưởng đó mới xứng đáng, mới đủ sức thuyết phục để toàn dân ủng hộ và đeo đuổi đến cùng.○
Chỉ khi chứng tỏ chịu đựng được khắc nghiệt và vượt qua được thử thách, lý tưởng đó mới xứng đáng, mới đủ sức thuyết phục để toàn dân ủng hộ và đeo đuổi đến cùng.○
(Năm ngày
sau khi nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt)