Trước phiên phúc thẩm, tôi đã tin tưởng, cầu mong bà Bùi Thị Minh Hằng
và các đồng sự nhất quán về quan điểm và giữ nguyên khí phách. Thực tế đã trả
lời hơn tôi mong đợi. Theo tường
thuật của một Luật sư có mặt trong phiên tòa, bà Hằng đã: “đả đảo phiên tòa
bất công của chính quyền cộng sản.” Tôi không chỉ mừng mà còn thấy bản thân rất
may mắn trong lần này vì có những lần niềm tin lớn của tôi đã bị thực tế bác bỏ
thẳng thừng.
Có thể nói bà Bùi Thị Minh Hằng phần nào có tính đại diện cho sự
phức tạp, đổ nát, trăn trở, lầm lạc, thức tỉnh của một bộ phận dân chúng và là chứng
nhân cho cả những biến chuyển chính trị một thời của xã hội Việt Nam. Bà là một
“sản phẩm” không thể phủ nhận của nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Cộng
Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Là một người gặt hái và cũng là nạn nhân của
“xuất khẩu lao động” trong thiên đường Liên Xô vĩ đại. Là con đẻ và cũng là một
“con bò sữa loại bé nuôi cho béo rồi thịt” của một nền “kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa”. Là một hiện thân cho những bất đồng, xung đột, chia
rẽ, vỡ nát từ trong gia đình lớn tới gia đình nhỏ của một xã hội tao loạn, tha
hóa, mất phương hướng. Là biểu hiện của sự chuyển đổi nhận thức đương đại của một
số nhân dân, dám đưa ẩn ức riêng để hòa vào cái oan chung, dám rời xa cuộc đời
phóng túng, hưởng thụ cá nhân để góp thân vào sự mạo hiểm cho lợi ích cộng
đồng, xã hội…
Một cuộc đời như thế, tất nhiên, sẽ là một bãi rác đẹp cho các
ngòi bút bảo vệ độc tài, là một mỏ vàng cho những cây bút viết vì Con Người.
Chỉ đáng tiếc trong xã hội hiện nay bút độc tài vẫn nhiều hơn bút người. Nhưng
chính đó lại thể hiện cái bản lĩnh của bà Hằng và những người sát cánh cùng bà.
Cố nhiên, viết như thế không có nghĩa bà Hằng, giống như tất cả
chúng ta, là con người hoàn hảo, không cần phải tự vấn, xem xét lại bản thân để
sửa chữa hay hoàn thiện hơn nữa. Nhưng trong một xã hội đầy thờ ơ và hèn mạt, mọi
mầm thiện, mầm dũng nhú lên đều là những bấu víu âm thầm cho lòng người, và đương
nhiên rất cần phải được nâng niu, chắt chiu, bảo vệ.
Trong Đèn cù, Trần Đĩnh đã khái quát cái hèn của người dân Việt
Nam trong thời xã hội chủ nghĩa là: “’nhân dân anh hùng không sợ bom đạn’ lại
thua Thằng Hèn – Hèn vì nhân dân ta khiếp sợ quyền lực, khuất phục từ tổ trưởng
trở đi”. Nhưng có những thực tế còn thảm hại hơn nhiều. Một lần đi ủng hộ bị
cáo trong một phiên tòa, vô tình tôi được gặp một vị Giáo sư danh tiếng cũng đi
ủng hộ, thật là vinh dự và vui mừng vô cùng. Nhưng khi bị công an xua đuổi, cả
nhóm phải tản ra khỏi khu vực “cấm”, vị Giáo sư hốt hoảng nói với mấy người đi
bên cạnh: “Này, đừng đi cùng nhau, không họ lại cho là có tổ chức đấy!” Ngày
hôm sau, bài tường thuật về việc đi dự tòa của vị Giáo sư đó tràn ngập khắp
mạng, tôi đọc và thấy đúng là bài viết thuộc đẳng cấp giáo sư, rất chữ nghĩa và
khí phách.
Dĩ nhiên, làm “công dân” trong các nước xã hội chủ nghĩa, không cứ
gì Việt Nam, không ai có thể độc quyền được cái hèn. Và không bao giờ có con
người chỉ hoàn toàn thuộc về một khái niệm. Nhưng tôi thực sự bất lực trong
việc định thứ hạng cho Trí và Dũng, Dũng và Trí. Vì thiếu một trong hai cái,
hoặc đôi khi chỉ xếp nhầm vị trí thôi, độc tài chắc chắn sẽ mãi mãi còn mỉm
cười.○