Như lần ông Thủ tướng Việt Nam kêu gọi ra luật biểu tình,
nhiều người Việt Nam cũng đang vui mừng và kỳ vọng nhiều vào Luật Biển
và tiến trình sửa đổi hiến pháp đang được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành. Nhưng
các động thái đó, kể cả có thực là tiến bộ, không thể so được với những gì mà chính
quyền ở Miến Điện đã thể hiện trong hơn một năm qua: giải chế thực sự cho bà Aung
San Suu Kyi - nhà bất đồng chính kiến “nguy hiểm” nhất; quyết định dừng một dự
án hợp tác với Trung Quốc (xây dựng thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD); để cho đảng
đối lập Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi được tham gia cuộc
bầu cử nghị viện bổ sung-được đánh giá là tự do, công bằng; tổng thống hứa sẽ
ra luật cho phép giới lao động thành lập công đoàn độc lập; đã thả tù nhân
chính trị hai lần với nhiều tù nhân đối lập quan trọng,…và mới đây, ngày
20/08/2012, chính quyền quân sự Miến Điện đã chính thức công bố bãi bỏ chế độ
kiểm duyệt báo chí.
Giới tiến bộ tại Miến Điện và dư luận quốc tế nhìn
nhận thế nào về những động thái này của chính quyền Miến Điện? Như Cây Tre Việt
Nam xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt của một bài viết liên quan đến câu hỏi
này:
Dân
chủ có tới được Miến Điện?
Walden
Bello
Đa phần người nước ngoài tới Miến Điện trong những
ngày này, khi đất nước đang mở rộng cánh cửa ra bên ngoài, chỉ đi tới Yangon –
với cái tên nổi tiếng hơn là Rangoon. Họ hiếm khi tiêu phí 5 giờ đồng hồ để tới
Naypyitaw nơi thủ đô đã được chính quyền độc tài quân sự chuyển tới đó. Là
thành viên của một phái đoàn nghị viên từ nhiều quốc gia khác nhau của Hiệp hội
các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách tiếp xúc với các nghị viên (nhà lập
pháp) đối lập của Miến Điện, chúng tôi đã đi theo hành trình đường bộ để tới một
phiên bản Brasilia kiểu tướng lĩnh[1] trong khi thực sự không hề biết sẽ thấy được cái gì ở
cuối hành trình dài 230 dặm này.
Tuy nhiên, trước khi rời Yangon chúng tôi đã gặp gỡ,
trao đổi với một số thành viên “Thế hệ 88”, những người hiện đang ở tuổi 40, những
người đã từng là thủ lãnh của phong trào sinh viên nổi dậy năm 1988. Cuộc gặp của
chúng tôi đã diễn ra trong bối cảnh nền chính trị Miến Điện đang có những chuyển
biến khá nhanh: chuyến công du vang dội tới châu Âu của Bà Aung San Suu Kyi, mà
thế giới thường gọi là Daw Suu hoặc “Quí Bà”; chính quyền mới thả thêm vài chục
tù nhân chính trị; và phiên khai mạc nghị viện vào ngày 04 tháng Bảy. Cảm nhận đang
có ở khắp nơi là đất nước này đang trải qua một chuyển đổi hết sức quan trọng.
Phải ở trong tù phần lớn thời gian của 20 năm vừa
qua, các thủ lãnh Thế hệ 88 ngày nay đã trở thành các nhà hoạt động rắn rỏi –
những người hiểu rõ tới tận lõi tâm tư của chế độ độc tài quân sự. Do đó chúng
tôi hơi ngạc nhiên khi một người trong số họ, ông Ko Ko Gyi, nói rằng sự mở cửa
chính trị của Miến Điện là “không thể đảo ngược.” “Dĩ nhiên,” ông nói rõ thêm,
“có thể sẽ có những bước lùi nhưng giới quân sự biết rằng cải cách rất có lợi
cho họ. Họ biết là không thể nào tiếp tục được như kiểu hiện nay.”
Các bạn sẽ làm gì để tham gia vào tiến trình cải
cách hiện nay? “Chúng tôi sẽ huy động nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia với những
yêu sách hợp pháp như lương bổng,” Ko Ko Gyi nói, “nhưng chúng tôi cũng muốn đảm
bảo chắc chắn rằng mọi việc sẽ được giải quyết trong khuôn khổ của tiến trình cải
cách hiện nay.” Đúng, những người đấu tranh đó đang có kế hoạch tự cơ cấu thành
một đảng và sẽ ứng cử trong cuộc bầu cử nghị viện vào năm 2015.
Shangri-la
quân sự[2]
Cuộc gặp với Thế hệ 88 đã cho chúng tôi nhiều thông
tin để suy nghĩ trong suốt hành trình đi tới Naypyitaw. Một số người đã dự kiến
là sẽ nhìn thấy một kiến trúc và qui hoạch kiểu phát-xít, nhưng cái mà chúng
tôi thấy lại là kiểu siêu thực: Chủ nghĩa phát-xít siêu thực. Đó là một thành
phố với những con đường rộng tới 18 làn xe. Ví dụ con đường dẫn tới khu nhà nghị
viện rộng tới mức đủ để một chiếc phi cơ jet jumbo khổng lồ hạ cánh.
Một khoảng không gian trống trơn và bao la nằm giữa
các tòa nhà đồ sộ của chính quyền, các siêu thị khổng lồ dành cho giới thượng
lưu và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đắt tiền – được cho là do các thân hữu của
các tướng lĩnh điều hành. Những cấu trúc hạng nhất thế giới đó lại cùng hiện diện
song hành với những khu dân cư trông thảm hại của người nghèo ở ngay gần các
công trường xây dựng -nơi họ có thể bán sức lao động cho các dự án đang dang dở
ở đó.
Nhưng có thể cái cấu trúc gây một cảm giác đồ sộ và nặng
nề nhất lại là ngôi chùa Uppatasanti, nó thuộc hạng những ngôi chùa cao nhất và
lớn nhất trên thế giới. Tháp chùa được dát áo ngoài bằng 32 tấn vàng. Nội thất
của chùa được mô phỏng theo ngôi đền Hồi giáo nổi tiếng ở Istanbul với những
cây cột phô trương được làm bằng bích ngọc. Một người trong đoàn đã chán nản thốt
ra:“Naypyitaw đúng là sự khoe khoang kỳ cục của những cái đầu võ biền.”
Nhưng cái làm cho chúng tôi phải sực tỉnh là đất nước
này còn xa mới tới được dân chủ là lúc những người lính đứng cản, không cho
chúng tôi vào thăm tòa nhà nghị viện. Kể cả việc trình bày là chúng tôi thuộc
phái đoàn nghị viên anh em cùng tổ chức ASEAN cũng không làm cho họ để chúng
tôi đi vào. Nhưng chúng tôi không bị ngăn cản khi thăm quan khu ở dành cho các
nghị viên đối lập, nơi đây dành cho các nghị viên đối lập với chính quyền ăn ở
trong bảy tháng hoạt động của nghị viện. Đó là khu ở với những chỗ ở nhỏ hẹp chỉ
có một phòng và toilet dùng chung. Bên ngoài thì thấy những hàng rào thép gai mới
được dăng cao trên các bức tường bao quanh toàn khu gây một cảm giác như đang
thăm quan một “trại tập trung thời phát-xít.” Một người trong đoàn chúng tôi nói
rằng: “Có thể họ muốn làm thế để làm cho những người đối lập nản lòng rồi từ bỏ
việc ứng cử vào các chức vụ chính quyền.”
Người
thiểu số
Do không vào được tòa nhà nghị viện nên các nghị
viên thuộc các đảng đại diện cho người thiểu số và đại diện cho đảng Liên đoàn
Quốc gia Dân chủ (NLD) đã tới gặp chúng tôi ở một quán ăn tại một trong hai khu
mua bán lớn nhất của thủ đô. Cuộc gặp với các nghị viên của người thiểu số đã
cho chúng tôi cảm giác rất khả quan từ phát biểu của một nghị viên đại diện cho
bang Rakhain: “Trước khi lấy được nước giếng sạch thì bạn phải mất một khoảng
thời gian nào đó.” Các nghị viên đó đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ thuộc phía
đối lập, mặc dù một người trong họ cho biết chỉ 70% trong số họ mới có thể được
coi là đối lập, còn phần còn lại bị ảnh hưởng, khống chế bởi giới quân sự.
Làm việc với các đảng và các tổ chức của người thiểu
số cũng sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với NLD. Miến Điện có khoảng
135 các dân tộc thiểu số khác nhau nằm rải rác ở 7 bang và bảy vùng, trong đó
có một số nhóm có vũ trang đã chống lại chế độ độc tài quân sự từ vài chục năm
qua. Liệu Aung San Suu Kyi và NLD có thành công trong việc thúc đẩy có được một
cam kết tổng thể theo phương pháp ôn hòa mà lại không bao gồm giới quân sự
không? Những người dân tộc Kachin vừa rồi đã không hài lòng khi Aung San không
lên án sự trấn áp gần đây của chính quyền nhằm vào họ. Thậm chí đã có nhiều chỉ
trích đối với phát biểu của Aung San trong chuyến công du châu Âu khi Aung San
nói rằng bà không chắc chắn về việc những người Rohingyas Hồi giáo, nạn nhân
trong những va chạm, xung đột mới xảy ra ở bang Rakhine, có thực là người Miến
Điện hay không.
Điều rõ ràng là Daw Suu sẽ phải rất cẩn thận trong
những bước đi sắp tới để có thể làm cho các nhóm dân tộc thiểu số yên tâm rằng
bà đứng cùng với họ nhưng lại không được tạo cớ cho chính quyền quân sự coi bà
như một tác nhân gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.
NLD
và tiến trình cải cách
Khi gặp gỡ, thảo luận với một số thành viên của một
phái đoàn nghị viên của NLD vào tối hôm sau, họ đã cảm ơn chúng tôi về sự giúp
đỡ từ Tiểu ban Liên nghị viện ASEAN về Miến Điện (AIPMC) trong suốt những năm họ
bị chính quyền trấn áp. Ngược lại, chúng tôi cũng thể hiện sự khâm phục đối với
sự kiên trì trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng của những thành viên NLD
trong suốt hơn 20 năm qua – kể từ khi NLD không được chính quyền quân sự chấp
nhận nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 1990 với 80% số
ghế của nghị viện đã thuộc về họ. Tám nghị viên của NLD mà chúng tôi gặp đã phải
chia nhau một án tù tổng cộng trên 70 năm, đây là ghi chú của Kraisak, cựu thượng
nghị sỹ Thái Lan và là một trong các trưởng đoàn của chúng tôi.
Nhưng khác với cuộc gặp với các nghị viên của các
nhóm dân tộc thiểu số vào đêm hôm trước (những người đã thể hiện sự lạc quan)
các nghị viên của NLD tỏ ra thận trọng, đúng ra là rất thận trọng. Họ nói với
chúng tôi là cần phải nhìn mọi việc xa hơn, tổng quát hơn rằng NLD hiện chỉ có
43 ghế trong nghị viện và phe đối lập cũng chỉ được tối đa là 168 ghế trong nghị
viện 600 ghế. U Win Htein cho biết thêm là chính quyền đang bắt đầu “xiết chặt
chúng tôi”. Ông dẫn ra những đòi hỏi mới đây của chính quyền về việc NLD phải
báo cho chính quyền biết trước về việc thiết lập bất cứ văn phòng địa phương
nào và một nghị định mới đây yêu cầu các đảng phải liệt kê các chi phí trong cuộc
bầu cử tháng Tư vừa qua và một tòa án cấp thấp hơn ở địa phương đã phán quyết một
nửa tài sản trong gia đình của Suu Kyi thuộc về người em trai bất hòa Aung San
Oo – người đã có quốc tịch Mỹ và người em này, do được coi là người nước ngoài, lại bị cấm không được
sở hữu số tài sản đó. Các thành viên NLD cho biết thêm là chính quyền cũng đã rất
khó chịu với việc Suu Kyi ban đầu từ chối tuyên thệ “tôn trọng” hiến pháp 2008
và việc bà thường xuyên gọi tên nước là Burma thay cho Myanmar[3].
Thận trọng cũng là sự thể hiện chúng tôi gặp ở buổi
nói chuyện với chính trị gia lão luyện U Tjn Oo, Chủ tịch Ủy ban Hội nghị Trung
ương đảng NLD khi chúng tôi trở về Rangoon sau đó. Ông nói với chúng tôi: “Các
bạn hãy cẩn thận chú ý là Daw Suu đã nói là bà có thể cộng tác với Tổng thống U
Thein Sein nhưng bà không chắc là có thể làm việc được với chính phủ.” Ông đánh
giá tương lai của NLD trên việc NLD sẽ tổ chức, tiếp cận và thu hút như thế nào
đối với thế hệ trẻ của đất nước. U Tjn Oo cũng cho biết NLD hoan nghênh các nhà
đầu tư nước ngoài nhưng các dự án “cần phải được minh bạch và cần phải chắc chắn
mang lại lợi ích cho dân chúng chứ không phải chỉ cho các doanh nhân.”
Kết
luận sơ bộ
Sẽ là hấp tấp nếu đưa ra ngay đánh giá chỉ sau một
chuyến thăm kéo dài trong 3 ngày nhưng hãy cho phép tôi được mạo hiểm đưa ra một
số nhận định sơ bộ sau đây về tiến trình chính trị quan trọng đang diễn ra ở Miến
Điện.
Một, đất nước này đã có những bước đi rõ ràng về
phía dân chủ, nhưng đó mới chỉ là những bước chập chững, non yếu và thuật ngữ
“dân chủ hóa” chưa thể là từ đúng đắn để mô tả tiến trình đang diễn ra.
Hai, quyền lực vẫn tiếp tục được tập trung chặt chẽ
trong tay giới tướng lĩnh với đại diện chính thức là Hội đồng Quốc phòng và An
ninh Quốc gia gồm 11 thành viên[4].
Ba, mặc dù Tổng thống U Thein Sein và những người có
đầu óc cải cách trong giới quân đội đã có được lợi thế đối với phe bảo thủ, cứng
rắn nhưng vị thế của họ vẫn bị phụ thuộc vào một người đàn ông đang ở sau “hậu
trường”, đó là nhà độc tài già nua Than Shwe.
Bốn, rõ ràng là tiến trình cải cách đã có được đà nhưng
cái đà này không phải là không thể bị đảo ngược.
Năm, chính lúc này là thời điểm chính quyền đang phải
tỏ ra tử tế, nó không muốn làm điều gì có thể phương hại tới việc sẽ được nắm cái
ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014 – đây là điều sẽ giúp cho chính
quyền quân sự hoàn tất được sự chính danh cho sự cầm quyền của nó.[5]
Sáu, phép thử thực sự cho ý định dân chủ của chính
quyền sẽ là cuộc bầu cử nghị viện năm 2015 – thời điểm NLD đang được nhìn nhận là
sẽ chiến thắng nếu cuộc bầu cử là thực sự tự do và công bằng. Liệu chính quyền
sẽ để cho NLD và những đồng minh của họ lên nắm quyền hay sẽ lại tiếp tục trấn
áp và cướp quyền như năm 1990?
Cuối cùng, Aung San Suu Kyi và các lực lượng dân chủ
cũng sẽ cần phải có được mọi sự ủng hộ cần thiết từ bên ngoài khi họ tiến hành
các cuộc thương lượng chính trị quan trọng trong những năm tới với trọng trách
đầy thách thức: Lái Miến Điện đi tới một nền dân chủ thông qua bầu cử thực sự.○
(Walden Bello là dân biểu hạ viện Phi-Líp-Pin
thuộc đảng chính trị Akbayan, là người vừa thăm Miến Điện trong phái đoàn của Tiểu
Ban Liên nghị viện ASEAN về Miến Điện (AIPMC))
Người dịch:
Quang Trung.
(các chú thích của người dịch)
[1] Brasilia là tên thủ đô mới của
B-ra-xin từ năm 1960, thành phố này chỉ mới được thành lập vào đầu thế kỷ 20 và
là thành phố rộng nhất trên thế giới hiện nay.
[2] Shangri-La là tên một địa
điểm trong tiểu thuyết Lost Horizon của nhà văn Anh James Hilton, đã trở thành cái
tên nhằm nói đến những nơi được coi như thiên đàng hay những nơi có cuộc sống rất
hạnh phúc.
[3] Chính quyền độc tài quân sự sau
khi lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính vào năm 1962 đã đổi tên nước bằng tiếng
Anh, thường được viết là Burma từ thời thuộc địa Anh, thành Myanmar vào năm
1989 sau khi xảy ra các cuộc nổi dậy của sinh viên đòi dân chủ bắt đầu vào năm
1988.
[4] Hội đồng này do Hiến pháp năm
2008 lập ra gồm 11 thành viên đều là các tướng lãnh, quân nhân hoặc cựu quân
nhân. Vai trò của Hội đồng này được Hiến pháp 2008 qui định rất mập mờ nhưng nó
được giao vai trò lãnh đạo đất nước trong tình trạng khẩn cấp và kiêm luôn quyền
lực của cả ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp trong những lúc nghị viện chưa
được lập.
[5] Sự cầm quyền hiện nay của giới
quân sự là bất chính (illegitimate) do cướp quyền trong cuộc bầu cử đa đảng năm
1990.