Fareed Zakaria, CNN
20/11/2011
Fareed Zakaria |
Đang khi theo dõi hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương
(APEC) tại Hawaii tuần qua[i],
tôi có cảm giác chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của địa chính trị Châu
Á. Suốt mấy thập kỷ qua, những hội nghị thượng đỉnh như thế luôn là những cơ
hội để các quốc gia châu Á lo lắng về mối cam kết của Hoa Kỳ đối với châu Á.
Mối cam kết đó bền chặt đến mức nào? Washington ủng hộ ai? Liệu Hoa Kỳ chúng ta
có tiếp tục can dự vào châu Á?
Chính quyền Obama đã tỏ rõ lập trường rằng Hoa Kỳ đang hiện diện ở châu Á là vì
mục đích tốt đẹp và thực tế có thể đã cho thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ trong
khu vực đang được tăng cường. Nhưng nay những mối quan ngại không còn hướng về
phía Washington nữa mà là về phía Bắc Kinh. Các quốc gia tại châu Á và khắp thế
giới đang lo ngại về Trung Quốc.
Vào năm 2010, khi Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ đối với các vùng biển
và hải đảo đang còn tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đã khuấy động sự tức
giận của các quốc gia lân bang từ Nhật Bản, Nam Hàn, cho đến Việt Nam. Và khi
các quốc gia này theo dõi tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc thì họ
càng lo ngại hơn nhiều.
Hẳn nhiên, vấn đề không chỉ có ở châu Á. Hãy thử nhìn sang châu Phi, nơi những
hoạt động và đầu tư của Trung Quốc nay đang trở thành một phần trong chính trị
nội bộ của những quốc gia đó. Chẳng hạn tại Zambia một ứng cử viên đã hứa hẹn
đứng về phía Trung Quốc đã thắng trong những cuộc bầu cử gần đây. Theo một số
báo cáo thì Trung Quốc hầu như đã đặt được sự kiểm soát lên nền kinh tế của
quốc gia này. Sở dĩ có điều đó là vì Zambia là quốc gia xuất khẩu đồng khổng lồ
và những công ty quốc doanh của Trung Quốc đang thâm nhập rất sâu vào trong
ngành kinh doanh này. Còn đây là một dấu hiệu cho thấy quyền lực của Trung Quốc
đang ảnh hưởng mạnh ở Zambia là ứng cử viên vừa nói tới, nay đang giữ chức vụ
tổng thống, đã buộc phải tỏ ra tử tế với người Trung Quốc và tuần rồi ông ta đã
phải mở một bữa tiệc để khoản đãi các nhà đầu tư Trung Quốc. Đây là điều có thể
giải thích cho hiện tượng đó: Xuất khẩu đồng của Zambia đang mang lại hai phần
ba thu nhập cho chính phủ.
Hoa Kỳ cũng đang chứng kiến những mức độ âu lo mới đối với những hoạt động kinh
doanh của Trung Quốc. Ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa, ông Mitt Romney,
vừa qua đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn về Trung Quốc gây bàng hoàng như sau:
“Trung Quốc gian lận hầu như trên mọi bình diện. Chúng ta phải nhận thấy điều đó. Họ đang lươn lẹo chi phối đồng tiền của họ và bằng cách đó họ đang hạ thấp
giá cả sản phẩm của họ và làm cho sản phẩm của họ được định giá thấp một cách
giả tạo. Đó là sự ăn cướp bằng giá cả. Nó đang tiêu diệt công ăn việc làm tại
Hoa Kỳ.”
Phát biểu đó là điều khác thường vì nó đã tự thoát khỏi 40 năm chính sách ngoại
giao của đảng Cộng Hòa. Kể từ lúc Nixon và Kissinger làm cho Trung Quốc mở ra
với thế giới, chiến lược của đảng Cộng Hòa đối với Trung Quốc vẫn luôn theo
cách tiếp dẫn và tránh việc lên án nó. Sự thay đổi của Mitt Romney cho chúng ta
biết rằng cảm tình của công chúng Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang trở nên rất
thù ghét.
Mọi người hiện nay cứ kháo rằng Hoa Kỳ cần phải có một chiến lược mới đối với
Trung Quốc. Nhưng tôi lại nghĩ là nếu bạn thấy có biết bao quốc gia đang thắc
thỏm lo ngại về Bắc Kinh thì sự thật phải là chính Trung Quốc mới cần một chiến
lược Trung Quốc mới.
Bắc Kinh cần phải nhận thức rằng nó đã trở thành một cường quốc thế giới, rằng
mỗi một động thái của nó đều đang được mọi người phân tích kỹ càng, và rằng mọi
người đang mong đợi nó phải chơi theo luật – đúng hơn là nó đang được mong đợi
phải góp phần vào việc duy trì luật lệ.
Liệu Trung Quốc có nhận thức ra được điều đó? Đó chính là một trong những câu
hỏi lớn của thế kỷ này.○
Người
dịch: Việt Hùng
Nguồn
nguyên Anh ngữ: How
China can be a real superpower.