Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Một cuộc nổi loạn được hoan nghênh

 Phạm Hồng Sơn

Nhân vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức đang tỏ ra bế tắc, hãy cùng nhau xem lại một cuộc nổi loạn nghiêm trọng hơn nhiều đã xảy ra ở nước Mỹ để thử xem cách đây 230 năm giới chức “Đế quốc Mỹ” đã cư xử ra sao với người dân của họ.

Tình hình nước Mỹ non trẻ sau cuộc chiến giành độc lập (1775-1783) có nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Tình trạng tại Massachusetts lúc đó có thể gọi là điển hình cho tình hình khó khăn của nước Mỹ nói chung (gồm 13 Bang): Thượng viện được bầu trên cơ sở tài sản, vì vậy hoàn toàn bị thao túng bởi giới thương gia chủ nợ giàu luôn chống lại việc đề ra các biện pháp pháp lý tương trợ các con nợ. Các con nợ, chủ yếu là nông dân và cựu chiến binh, phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt gay gắt như tòa án ra phán quyết xiết nợ bằng việc thu đất canh tác hoặc bị bỏ tù. Trong khi đó các con nợ, một mặt vẫn phải tiếp tục đóng thuế, mặt kia, các khoản cho chính quyền vay trước đó trong chiến tranh lại không được hoàn trả một cách thỏa đáng. 

Những áp lực đó đã đẩy các con nợ tới chỗ cùng hợp sức chống trả cuộc phán xét nợ của tòa án. Tháng Chín 1786 phe chống đối ra tuyên cáo phản kháng, coi các cuộc họp của chính quyền về vấn đề nợ là phi pháp. Bên nổi loạn chủ kiến dùng vũ trang và chiến thuật bao vây, bắt giữ viên chức, chiếm giữ các trụ sở chính quyền để gây áp lực. Đụng độ quân sự bùng nổ giữa hai bên, một bên là những người nổi dậy chống bất công với thủ lĩnh là Daniel Shays, một cựu chiến binh thời cách mạng, bên kia là lực lượng trung thành với chính quyền. Cuộc nổi loạn đã gây lúng túng và hết sức lo lắng cho giới chính trị đầu não của Liên hiệp Mỹ non trẻ. James Madison đã liên tục thông báo và trao đổi thông tin nội tình tại nước nhà cho Thomas Jefferson, người đang giữ trách vụ Đại sứ Mỹ tại Pháp.

Sau đây là bản dịch một phần lá thư hồi âm của Jefferson, liên quan tới cuộc Nổi loạn do Shays lãnh đạo, gửi tới James Madison:

Thomas Jefferson (1743-1826)

                                                  Paris, 30 tháng Một 1787

Kính chào Ông,

Lá thư cuối cùng tôi gửi tới ông là vào ngày 16 tháng Mười hai; từ đó tới nay tôi đã nhận được hai lá của ông, ngày 25 tháng Mười một và 4 tháng Mười hai, hai lá thư này, giống mọi lá ông thường viết, đã cho tôi thêm hiểu biết về các vấn đề công, cá nhân, và kinh tế. Tôi đang nóng lòng muốn biết ý kiến của ông về các rối ren gần đây xảy ra tại các tiểu bang phía Đông. Tới nay, như tôi quan sát được, những rối ren này không có vẻ đe dọa điều gì nghiêm trọng. Các tiểu bang đó đã phải ngừng mọi hoạt động buôn bán mà tới nay chưa tìm ra cách nào khác. Điều này chắc chắn sẽ làm họ kiệt quệ về tài chính và làm cho người ta bất an. Sự bất an này đang sinh ra những hành động hoàn toàn không thể biện hộ được; song, tôi hy vọng các sự việc này sẽ không làm chính quyền phải ra tay cứng rắn. Kiểu suy nghĩ của người cầm quyền cho rằng họ đã luôn đúng trong việc quản trị xã hội rất có thể sẽ chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ mà thôi; và những người suy nghĩ kiểu này, do sợ hãi nhiều hơn hy vọng, có thể còn mường tượng ra quá nhiều điều hãi hùng từ những biến cố bất thường đó. Họ có thể sẽ hấp tấp kết luận rằng thiên tạo đã làm con người dễ khuất phục bạo quyền hơn là tuân thủ chính quyền, một kết luận chẳng có cơ sở gì về thực tế lẫn kinh nghiệm lịch sử.

Xã hội con người thường tồn tại dưới ba dạng, khác biệt rõ ràng: (1) tự sống không có chính quyền, giống như trong các xã hội người Indian của chúng ta; (2) sống dưới các chính quyền trong đó ý chí của mọi người dân đều có ảnh hưởng thích đáng, ở mức độ thấp như trường hợp Anh quốc, và ở mức độ cao như trong các tiểu bang của chúng ta; (3) sống dưới các chính quyền dùng vũ lực, như trong tất cả các chế độ quân chủ, và trong nhiều dạng chính thể cộng hòa* khác.

Cần phải trải nghiệm mới có thể tỏ được nỗi bất hạnh thê thảm của người phải sống trong các xã hội cuối cùng vừa nói. Đó là chính quyền của lang sói ngự trên đàn cừu. Vấn đề là tôi không chắc những xã hội loại đầu không phải là loại tốt nhất. Nhưng tôi tin loại này không phù hợp với một lượng dân số lớn. Loại thứ hai có rất nhiều thiện tính nằm trong đó. Dân chúng sống trong xã hội loại này sẽ được hưởng một mức độ quí giá về tự do và vui sống. Loại này cũng có các ác tính, đương nhiên, mà điều cơ bản là các xã hội này sẽ luôn phải đối mặt với tính hiếu loạn. Nhưng so với những sự áp bức của quân chủ trị, thì sẽ chẳng là vấn đề. Thà tự do trong nguy hiểm hơn vạn lần yên bình trong nô lệ (Malo periculosam libertatem quam quietam servitutem). Ác tính này thậm chí lại còn sinh ra phước hạnh nữa kia. Nó phòng ngừa sự suy đồi của chính quyền và nuôi dưỡng ý thức quan tâm của đại chúng tới các việc công ích.

Ý tôi là một cuộc nổi loạn nho nhỏ, lúc này lúc khác, là một điều tốt, và hết sức cần thiết cho môi trường chính trị giống như các cơn bão tố cần cho thế giới vật chất. Quả thật, các cuộc nổi loạn thất bại vẫn thường lập ra các khuôn khổ hạn chế các quyền của chính những người đã gây ra nổi loạn. Nhận ra sự thật này sẽ giúp những nhà trị quốc kiểu cộng hòa chân thật biết nương tay trước các cuộc nổi loạn để chúng không bị biến mất. Đây là liều thuốc tối cần cho sự lành mạnh của chính quyền.
Kính thư,





Th. Jefferson

Phạm Hồng Sơn dịch

*Ý niệm “cộng hòa” (republic) ở đây nhằm nói đến loại chính quyền về cơ bản được điều hành bởi những người đại diện do dân bầu ra, nhằm phân biệt với hình thức dân chủ cổ điển (trực tiếp) của Hy Lạp cổ đại (tất cả mọi công dân đều tham gia trực tiếp vào chính quyền). Có thể xem thêm hai ý niệm này ở đây: Federalist 10

(Ghi chú * và sự tô đậm là của người dịch. Bản gốc lá thư có thể xem tại đây.)

-
(Tiếp phần dẫn ở trên của người dịch):

Sau hơn 5 tháng đấu tranh giằng co, tháng Hai 1787 phe nổi loạn thất bại, thủ lĩnh Shays phải trốn sang Vermont, nhiều thủ lĩnh khác bị bắt. Nhưng chính cuộc nổi dậy này (thường mang tên Shays – Shays’ Rebellion) đã làm nhiều chính trị gia trong chính quyền Massachusetts thức tỉnh và nhận ra sự cần thiết phải cải tổ hơn là trấn áp. Do vậy 14 thủ lĩnh bị bắt và đã bị kết án treo cổ được ân giảm chỉ bị tù một thời gian ngắn; các chính sách thu nợ, thuế khóa được cải tổ thuận lợi hơn cho con nợ và người nghèo. Sự ổn định và thịnh vượng được phục hồi nhanh chóng. Theo giới sử học, chính cuộc nổi loạn có tính chất nội chiến tại Massachusetts là một trong những yếu tố quan trọng khiến chính giới Mỹ lúc đó phải xem xét lại cách thức điều hành và tìm kiếm một cấu trúc chính trị quốc gia tiến bộ hơn. Tháng Năm 1787, một Hội nghị toàn quốc được triệu tập tại Philadelphia, sau 4 tháng, đã cho ra kết quả: Hiến pháp Mỹ.