Mạng
Dân Làm Báo vừa cho đăng một bài với nhan đề “Ý kiến của bạn đọc và thành viên Danlambao về xây dựng,
sửa đổi Hiến Pháp của nước Việt Nam”. Ý
kiến này hiện đang tỏ ra là một ý kiến thuộc về thiểu số trong không khí có rất
nhiều trí thức và người dân đang hào
hứng, nhiệt tâm đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp - vẫn hoàn toàn do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì và định đoạt. Nhưng
đúng–sai của một ý kiến không thuộc
phạm trù số lượng. Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu.
Ý kiến của bạn đọc và thành viên Danlambao về
xây dựng, sửa đổi Hiến Pháp của nước Việt Nam
1. Hiến Pháp của nước Việt Nam là
văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của quốc gia và phải là kết quả từ
sự đồng thuận của toàn thể nhân dân Việt Nam qua một tiến trình đóng góp ý
kiến, trao đổi, biểu quyết và giám sát thật sự dân chủ.
Trong
tiến trình thực sự dân chủ để xây dựng Hiến Pháp đó, mọi bộ phận, cơ
chế tham gia để làm nên văn bản sau cùng của Hiến Pháp phải được hình thành
cũng bởi một tiến trình dân chủ. Quốc hội của nhà nước CHXHCNVN ngày hôm
nay là kết quả của một tiến trình phản dân chủ, theo quy trình đảng cử dân bị
ép đi bầu cho một danh sách đã bị kiểm soát và định đoạt ngay từ đầu bởi đảng
CSVN. Kết quả là 91,6% thành viên của Quốc hội là đảng viên đảng cộng sản và
8,4% còn lại đều có quyền lợi gắn bó với đảng cộng sản, hoặc làm việc trong các
cơ quan, tổ chức, bộ phận quốc doanh của đảng cộng sản. Do đó:
1a. "Quốc
hội" cộng sản - không có tư cách đại diện dân tộc Việt Nam để đứng ra đảm
nhiệm việc hình thành một Hiến Pháp thể hiện nguyện vọng của 90 triệu người dân
Việt Nam. Vì thế:
1b. Mọi
góp ý cho "Quốc hội" cộng sản thực tế là góp ý cho 91,6% đảng viên
đảng cộng sản và 8,4% những cá nhân có quyền lợi gắn bó với đảng cộng sản. Nói
một cách khác là giao quyền đại diện / định đoạt / quyết định tiếp thu ý kiến
cho một bộ phận của chính quyền đã bị kiểm soát và thao túng hoàn toàn bởi một
đảng chính trị. Từ đó:
1c. Những
góp ý về Hiến Pháp cho "Quốc hội" cộng sản chỉ được tiếp thu nếu phù
hợp với chủ trương của đảng cầm quyền. Kết quả sau cùng của bản Hiến Pháp, do
đó, chỉ để phục vụ nhu cầu cai trị và tiếp tục nắm giữ quyền lực của đảng cầm
quyền cũng như những bộ phận của chính quyền mà đảng này đã và đang khống
chế.
2. Nhân dân Việt Nam đúng ra phải
là những người làm chủ đất nước. Do đó, đúng ra phải là những người làm
chủ tiến trình tạo dựng nên Hiến Pháp quốc gia. Vì thế:
2a. Nhu
cầu và cũng là mục tiêu tranh đấu ngày hôm nay là Giành lại Quyền làm
chủ Hiến Pháp chứ không phải là sửa đổi một văn bản Hiến Pháp đã được
tùy nghi tạo dựng ra bởi một đảng nắm quyền.
2b. Quyền
làm chủ Hiến Pháp và mục tiêu tranh đấu để giành lại quyền làm chủ này sẽ bị
mất hết ý nghĩa và giảm giá trị nếu những hành động tranh đấu cho Hiến Pháp
quốc gia được thể hiện trong khuôn khổ xin-cho.
2c. Kết
quả văn bản Hiến Pháp quốc gia là quyết định chung của mọi người dân,
đến từ một tiến trình dân chủ làm ra nó mà không phải là kết quả của một cuộc
xin-cho, thương lượng hay thỏa hiệp với đảng nắm quyền.
Nếu
không có sự làm chủ đích thực của nhân dân trong tiến trình xây dựng Hiến Pháp,
số phận của mọi nỗ lực đóng góp cho Hiến Pháp đều có khả năng nằm trong tay,
rơi vào ý đồ, mục tiêu đã được định ra của đảng cầm quyền và các bộ phận do
đảng này thống trị. Trong bối cảnh này, việc góp ý xây dựng Hiến Pháp chỉ là
một kế hoạch mỵ dân, đáp ứng cho mục tiêu tuyên truyền của đảng cai trị và kết
quả sau cùng của bản Hiến Pháp cũng chỉ để củng cố quyền lực và vị trí cai trị
của đảng cầm quyền.
Để
kết luận, một lần nữa:
Nhu
cầu và cũng là mục tiêu tranh đấu ngày hôm nay là Giành lại Quyền làm
chủ Hiến Pháp chứ không phải là góp ý sửa đổi một văn bản Hiến Pháp đã
được tùy nghi tạo dựng ra bởi một đảng nắm quyền.○
Nguồn: Dân
Làm Báo