Quang
Trung
Bất kỳ xã hội nào được
quản trị bằng nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law)[i]
cũng đòi hỏi phải có sự thừa nhận tính chất tối cao của pháp luật và đòi hỏi một
nhận thức rằng tất cả mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Các nhận thức
này không chỉ có nghĩa là bản thân pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc tối cao nhằm
bảo vệ nhân quyền mà còn có nghĩa rằng chính bản thân các cơ quan, tổ chức và
nhân viên của nhà nước, chính phủ cũng phải bị ràng buộc trách nhiệm trước pháp
luật. Chỉ như thế, nhân quyền mới có thể được bảo vệ một cách hợp pháp và các
biện pháp sửa chữa các xâm hại nhân quyền mới có thể tồn tại và công hiệu.
Thiếu vắng thượng
tôn pháp luật, người dân sẽ thường xuyên phải sống trong sự bấp bênh, sợ hãi
do thiếu một an ninh tối thiểu cho cuộc sống bình thường.
Photo: Rex Features/The
Guardian
|
Có thể nói thượng tôn
pháp luật và nhân quyền là hai mặt của một đồng xu. Nếu thượng tôn pháp luật được
bảo đảm thì nhân quyền được bảo vệ. Ngược lại, khi nhân quyền thiếu hụt hay bị
chà đạp thì tức là thượng tôn pháp luật đã bị lơ là hoặc bị gạt bỏ. Nói cách
khác, nếu cổ xúy nhân quyền hay cam kết nhân quyền mà không thực thi tinh thần
thượng tôn pháp luật thì đó chỉ là những cổ xúy suông hoặc chỉ là những cam kết
dối trá, lừa bịp. Vì vậy, cuộc đấu tranh để giành lấy nhân quyền không thể tách
rời cuộc đấu tranh xây dựng một xã hội tôn trọng và thực thi thượng tôn pháp luật.
Tinh thần này cũng được thể hiện qua phát biểu của ông Tổng thư
ký Liên hợp quốc, Kofi Annan, vào ngày 21/09/2004:
“Chúng
ta phải bắt đầu từ một nguyên tắc nền tảng rằng không có ai ở trên pháp luật và
không có ai không được pháp luật bảo vệ. Tất cả mọi quốc gia đã tuyên bố thực
thi thượng tôn pháp luật ở trong nước thì buộc phải tôn trọng nguyên tắc này ở
ngoài nước và mọi quốc gia đã khẳng định thực thi ở ngoài nước thì buộc phải
tuân thủ ở trong nước. Đúng vậy, thượng tôn pháp luật phải bắt đầu ngay từ mỗi
quốc gia.”[iii]
Vai
trò của cảnh sát
Nhân quyền chỉ có thể
được bảo vệ khi thượng tôn pháp luật được thực thi thường trực và phổ biến, do
đó luôn có một liên hệ khăng khít giữa thái độ của lực lượng cảnh sát với tình
trạng vi phạm nhân quyền trong một xã hội. Nếu cảnh sát từ chối ghi nhận, lập hồ
sơ về các khiếu nại, phàn nàn về hối lộ, sách nhiễu, nếu cảnh sát lại tạo ra
các cáo buộc vu khống cho người khác hoặc nếu cảnh sát lại
đe dọa tính mạng, tự do của những người muốn đấu tranh vì công lý thì tức là cảnh
sát không chỉ đang xâm hại các nhân quyền của công dân mà còn đang biến cả hệ
thống bảo vệ công lý thành một hệ thống lừa dối, vi phạm nhân quyền.
Bổn phận hàng đầu của cảnh
sát phải là ngăn chặn, điều tra tội ác và bảo vệ các quyền của công dân trong sự
tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo pháp luật. Việc không thực hiện các bổn phận này
chính là một nguyên nhân lớn của các vi phạm nhân quyền và chính là một tội ác.
Bắt giữ, giam cầm trái
phép và tra tấn người dân là những biểu hiện thường thấy của vi phạm nhân
quyền trong giới cảnh sát. Ngoài ra, giới cảnh sát còn vi phạm nhân quyền bằng
cách không tuân thủ qui trình pháp lý, cố ý làm sai lệch hồ sơ để che giấu tội
phạm của chính bản thân hoặc của các thân hữu, kẻ mua chuộc. Biết và hiểu được
các vi phạm nhân quyền thường có của giới cảnh sát cũng tức là để người dân hoặc
chính giới cảnh sát có thể phòng ngừa, đấu tranh hữu hiệu chống lại các vi phạm
nhân quyền của giới cảnh sát.
Một trong những bước đầu
tiên và dễ dàng nhất để dân chúng đấu tranh với các vi phạm nhân quyền của giới
cảnh sát là thu thập dữ liệu, lập hồ sơ một cách đầy đủ và hệ thống về các vụ
việc lạm dụng, xâm phạm quyền công dân của giới cảnh sát và công khai các dữ liệu
đó cho công luận biết. Cho dù việc lập dữ liệu, hồ sơ hệ thống, công khai không
thể có hiệu quả ngay trong việc ngăn chặn, trừng phạt các xâm phạm nhân quyền của
giới cảnh sát nhưng nó có tác dụng rất tốt trong việc cảnh báo các nhân viên cảnh
sát và người thân của họ về những hành vi gây tội ác đối với con người đồng thời
sẽ có tác dụng lâu dài trong việc huy động sự đoàn kết, ủng hộ của xã hội trong
cuộc đấu tranh chung chống lại các vi phạm nhân quyền.
Vai
trò của kiểm sát
Cơ quan kiểm sát là cơ
quan có trách nhiệm đảm bảo mọi pháp luật phải được thực thi một cách đúng đắn
và đầy đủ. Khi có bất cứ điều luật nào bị xâm phạm hoặc có bất kỳ tội ác nào xảy
ra, kiểm sát phải đảm bảo qui trình điều tra, tìm hiểu được diễn ra theo đúng
các trình tự do pháp luật qui định và đảm bảo cuối cùng công lý phải được thực
hiện. Vai trò của cơ quan kiểm sát đặc biệt quan trọng khi pháp luật bị xâm hại
bởi chính các nhân viên thực thi pháp luật, các viên chức chính phủ - những người
được giao nhiệm vụ bảo vệ các quyền công dân.
Do đó, để cơ quan kiểm
sát có thể đảm bảo cho pháp luật luôn được tuân thủ, cơ quan này buộc phải là một
thiết chế độc lập, đặc biệt không được liên đới, chịu điều khiển hay bị ràng buộc
với các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước hay các cơ quan tố tụng khác.
Các kiểm sát viên (công
tố viên) bắt buộc phải độc lập - không chịu sự điều khiển hay ảnh hưởng của bất
kỳ một đảng phái hay tổ chức xã hội nào - và phải không thiên vị (trung lập) –
không được là thành viên của bất kỳ đảng phái hay nhóm, tổ chức xã hội nào và
chỉ phán xét dựa theo pháp luật và lương tâm. Tính chất độc lập và không thiên
vị (trung lập) của họ đặc biệt quan trọng và cần thiết trong những vụ việc xâm
phạm pháp luật do lực lượng thực thi pháp luật hay các viên chức chính phủ gây
ra. Khi kiểm sát viên (công tố viên) không còn giữ được tính chất độc lập và
không thiên vị (trung lập), điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là những người có
khả năng rất lớn trong việc lạm dụng, phá hoại pháp luật.
Điều tra tội phạm và
thu thập chứng cứ là những chức năng tối quan trọng để có thể truy tố được thủ
phạm. Vì vậy, cơ quan kiểm sát không chỉ phải độc lập mà còn phải có trách nhiệm
và đủ khả năng giám sát nghiêm ngặt quá trình điều tra một vụ việc – thường,
trước tiên, do cảnh sát tiến hành.
Vì cảnh sát thường là lực
lượng điều tra trước tiên, một chức năng quan trọng khác của kiểm sát là phải đảm
bảo nếu có sự đe dọa chống lại nạn nhân và người làm chứng thì những kẻ đe dọa
phải bị trừng phạt.
Chỉ cần nhìn vào mức độ
độc lập và khả năng, trách nhiệm của một cơ quan kiểm sát có thể khẳng định được
mức độ tôn trọng, tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật của một thể chế
chính trị.
Vai
trò của tư pháp[iv]
Hệ thống tư pháp là nơi
cuối cùng công dân có thể tìm đến để kêu cứu công lý, đặc biệt trong trường hợp
các cơ quan hay nhân viên nhà nước vi phạm quyền của họ. Vì vậy, nếu một hệ thống
tư pháp không quan tâm tới nhân quyền và/hoặc tham gia vào việc lạm dụng quyền
lực thì đó là một trở ngại hết sức nghiêm trọng đối với việc thực thi nhân quyền
trong một xã hội.
Do đó, hệ thống tư pháp
cũng cần phải độc lập. Tính chất độc lập của hệ thống tư pháp bắt nguồn từ triết
lý phân chia quyền lực (separation of powers): tam quyền phân lập giữa ba nhánh
quyền lực cơ bản của một nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp). Ba quyền lực
đó phải được tách rời theo nghĩa không được để cho một lực lượng duy nhất nào
khống chế, chỉ đạo hay ảnh hưởng trong quá trình thiết lập quyền lực và thực
thi quyền lực, cũng như không được để ba quyền lực đó câu kết với nhau trong việc
ra quyết định. Nguyên tắc này cho phép tạo ra một hệ thống (cơ chế) có tính chất
“kiểm soát và cân bằng” (checks and balances) thường trực và tự động để ngăn chặn,
giảm thiểu mọi lạm dụng quyền lực rất có thể và rất thường xảy ra đối với các
cá nhân và các cơ quan nắm quyền lực công.
Sự phân quyền và tính
chất độc lập đó là nền tảng cơ bản tối thiểu để có một hệ thống tư pháp hữu hiệu
trong việc duy trì và bảo vệ thượng tôn pháp luật và nhân quyền. Không có thượng
tôn pháp luật sẽ không có thực thi nhân quyền.
Trong bất cứ xã hội hiện
đại nào, vai trò của hệ thống tư pháp cũng là việc bảo vệ nhân quyền bằng cách
đảm bảo cho mọi vụ việc tố tụng được diễn ra đúng qui trình pháp luật (due
process) và đạt được các giải pháp sửa chữa các vi phạm pháp luật, các vi phạm
nhân quyền một cách kịp thời và hiệu quả. Vai trò này chỉ có thể được thực hiện
bằng sự vận hành hoàn toàn độc lập của hệ thống tư pháp, với các quyết định chỉ
dựa trên hai trụ cột: các nguyên tắc pháp luật và sự phán xét duy lý không
thiên vị.
Tính chất độc lập hệ trọng
của tư pháp đòi hỏi hệ thống này phải có khả năng hoạt động thoát khỏi mọi ảnh
hưởng của chính phủ hoặc các cơ quan khác thuộc hệ thống quyền lực công. Đòi hỏi này
thường cần phải được minh định rõ ràng trong hiến pháp hoặc trong các văn bản
pháp luật khác.
Đồng thời với tính chất
độc lập của toàn hệ thống, các thẩm phán cũng phải được đảm bảo khả năng độc lập
trong khi thực thi trách vụ. Hai tính chất độc lập này có mối quan hệ gắn chặt gần
như đồng thuận với nhau. Nếu hệ thống tư pháp không độc lập thì rất ít cơ may để
có các thẩm phán hoạt động độc lập.
Cả hai tính chất độc lập
vừa kể nhằm tạo cho và đòi hỏi các thẩm phán một khả năng đảm bảo các thủ tục
tư pháp luôn được thực thi một cách công bằng và quyền lợi của tất cả các bên
liên quan luôn được xem xét và tôn trọng như nhau.
Cả hai tính chất độc lập
nói trên cũng nhằm bảo đảm để hệ thống tư pháp luôn bị buộc trách nhiệm trước
dân chúng. Điều này hết sức hệ trọng đối với các thành viên cao cấp của hệ thống
tư pháp như chánh án tối cao hoặc những chánh án của các tòa án cao nhất của một
vùng.
Cách thức bổ nhiệm hay
kỷ luật các nhân viên của hệ thống tư pháp cũng có ảnh hưởng hết sức hệ trọng tới
phẩm chất của hệ thống tư pháp. Việc bổ nhiệm, đề bạt, bãi nhiệm hay kỷ luật
các thẩm phán chỉ được dựa trên ba (03) yếu tố: phẩm chất nghề nghiệp, uy tín
và liêm chính cá nhân. Ngoài ra không được dựa vào bất cứ yếu tố, ảnh hưởng nào
khác để đánh giá phẩm chất các thẩm phán, các nhân viên tư pháp. Những cơ sở đó
cũng phải được áp dụng y hệt trong việc cung cấp phương tiện, điều kiện làm việc
(vật chất, tài chính, tinh thần) và đảm bảo ổn định chức vụ cho các nhân viên
tư pháp. Chỉ khi đó các nhân viên tư pháp, các thẩm phán mới có thể yên tâm thực
thi trách vụ, phán xét công lý chỉ dựa vào pháp luật và lý trí cùng lương tâm
không thiên vị.
Một khác biệt cơ bản trong các thể chế chính trị trên thế giới hiện nay không phải ở vấn đề có hay không có sự hiện diện của hệ thống tư pháp mà là ở mức độ và việc có hay không có tính chất độc lập của hệ thống hết sức hệ trọng này.
Một khác biệt cơ bản trong các thể chế chính trị trên thế giới hiện nay không phải ở vấn đề có hay không có sự hiện diện của hệ thống tư pháp mà là ở mức độ và việc có hay không có tính chất độc lập của hệ thống hết sức hệ trọng này.
Cam kết
Một biểu ngữ do chính quyền treo tại Hà Nội
ngày 09/12/2012 |
Ngày hôm nay, gần như tất
cả các chính quyền trên thế giới đều đã phải tự cam kết chấp thuận và thực thi
Tuyên ngôn toàn Thế giới về Nhân quyền. Không có một
chính quyền nào phản đối việc thực thi nhân quyền.
Nhưng muốn có nhân quyền
và muốn nhân quyền được thực thi, bảo vệ thì không thể từ chối xây dựng một nhà
nước có nền tảng thượng tôn pháp luật. Muốn có thượng tôn pháp luật không thể từ
chối việc chấp nhận một hệ thống tư pháp, kiểm sát và cảnh sát phải độc lập tối
thiểu với tất cả các đảng chính trị, đặc biệt là đảng đang cầm quyền. Nếu
những qui luật tất yếu này không được chấp nhận thì tất cả mọi cam kết rõ ràng nhất, hùng hồn nhất trong việc thực thi nhân quyền đều
chỉ là những ngôn từ mỵ dân, lừa dối.○
[i]
Rule of law: đây là một thuật ngữ trong lĩnh vực pháp lý và quản lý nhà nước
theo cách dân chủ, có nguồn gốc từ phương Tây, đặc biệt trong các nước sử dụng
Anh ngữ. Thuật ngữ này nhằm nói đến một hệ thống nhiều ý niệm với tinh thần cốt
lõi là coi pháp luật là tối cao. Có nhiều cách dịch rule of law ra tiếng Việt.
Trong bài viết này chúng tôi chọn cách dịch là “thượng tôn pháp luật”.
[ii]
Thực ra trong đa phần các cấu
trúc tư pháp (judiciary) của hệ thống nhà nước dân chủ đã bao gồm cả chức năng “công
tố” (kiểm sát). Ở đây chúng tôi muốn
tách rõ hai bộ phận “công tố” (kiểm sát) và “tư pháp” ra một
cách riêng rẽ để cho dễ hiểu hơn đối với những độc giả chưa quen với các vấn đề
tổ chức nhà nước hiện đại, nhất là cách phân chia này lại dễ so sánh với hệ thống hiện tồn ở Việt Nam.
[iii] “We must start
from the principle that no one is above the law, and no one should be denied
its protection. Every nation that proclaims the rule of law at home must
respect it abroad; and every nation that insists on it abroad must enforce it
at home. Yes, the rule of law starts at home.” - New
York, 21 September 2004 - Secretary-General's address to the
General Assembly.
[iv]
Tư pháp: ở đây chủ yếu nói đến các tòa án và các thẩm phán cùng các nhân viên
có chức năng tương đương.