Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Sự “bồng bột” của Tướng Chung


Phạm Hồng Sơn

Thực ra cuộc họp báo của công an Hà Nội ngày 10/11/2015 với kết luận kỳ cục “hai luật sư bị đánh do lái xe gây bụi bẩn” chỉ là một hành động “đâm lao phải theo lao”. “Cái lao” phóng ra là của ông Tướng Công an Nguyễn Đức Chung.

Ngày 22/10/2015, Tướng Chung khẳng định quá trình bắt giữ Đỗ Đăng Dư “đúng qui định của pháp luật.”

Lời nói chắc nịch đó cho thấy Tướng Chung đã xác quyết:  Dù thế nào, Công an vẫn đúng. Nghĩa là, ông Tướng Công an, Tiến sỹ luật Nguyễn Đức Chung kết luận: Đỗ Đăng Dư chưa đến tuổi thành niên bị công an bắt giữ với nhiều tình tiết tố tụng còn rất nghi vấn vẫn là “đúng luật” và bị chết là do xô xát với các nghi can khác. Công an sẽ truy tìm nguyên nhân và hung thủ (nếu có), nhưng chắc chắn: Công an hoàn toàn vô can!

Mặc định công an vô can với những cái chết trong đồn công an là một thực tế người dân Việt phải ngậm ngùi chấp nhận từ lâu trong chế độ Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, ít nhất kể từ năm 1975 trên toàn Việt Nam. Do đó những phát ngôn của Tướng Chung và của Công an Hà Nội không phải là điều mới. Nhưng những phát ngôn đó phát ra vào thời điểm không còn được thuận như trước. Bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đã khác, đặc biệt, giới luật sư, dù còn bị kềm kẹp, cũng đã khác sau hơn 20 năm được tiếp xúc với thế giới, được trui luyện trong nền kinh tế nhiều thành phần.

Những phát ngôn “kết luận” kiểu đó của một ông tướng công an hay của một cơ quan công an trung ương cách đây 10 năm chắc chắn phải là một cái phẩy tay làm im bặt mọi bàn tán. Nhưng nay, “kết luận” đó không khác một chế giễu dư luận, một sự sỷ nhục các luật sư nhiều kiến thức và đang đầy khao khát được có nhân phẩm lớn hơn, công lý nhiều hơn.

Sự xông xáo, nhiệt tình của hai Luật sư, Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, và của nhiều luật sư khác, chỉ là một hệ quả tất yếu của bối cảnh đó.

Có lẽ đó chính là điều Tướng Chung, và các phụ tá, đồng sự, không nhìn thấy.

Đáng tiếc hơn, cho tới nay, thái độ, hành vi của Tướng Chung, Công an Hà Nội đối với giới luật sư, cùng đông đảo dư luận ngày càng tiến bộ, vẫn có vẻ cứ tiếp theo chiều “theo lao”: Hai luật sư bị hành hung, bị cướp đồ giữa ban ngày - Công an vội vã kết luận kiểu phủi tay luật sư bị đánh do lái xe gây bụi bẩn – Giới luật sư chia sẻ, hỗ trợ, đoàn kết cùng nhau bảo vệ công lý -  Công an gia tăng sách nhiễu, đe dọa - …

Sự tương tác giữa công an, Tướng Chung với giới luật sư và dư luận tiến bộ sẽ còn diễn tiến. Nhưng, những gì Tướng Chung đã phát ngôn, đã chỉ đạo đều đã làm rất tốt công việc chứng minh cho toàn dân thấy rõ hơn: Công an Việt Nam, và đảng lãnh đạo của nó, coi tính mạng của dân không bằng hạt bụi! Một ông Đại biểu Quốc hội của Đảng cũng đã phải ngán ngẩm: “Nếu chỉ bắn bụi mà hành hung luật sư thì xã hội sẽ loạn.”

Tuy nhiên, sự bồng bột của Tướng Chung không phải hôm nay mới có. Trong vụ bắt cóc con tin năm ngoái, hầu hết toàn hệ thống truyền thông của chính quyền đồng loạt chạy tin ông tân Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, đích thân xông trận giải cứu thành công con tin. Nhưng, chỉ nhìn tấm hình chụp nghi can lững thững đi cạnh Tướng Chung, và những chi tiết nhân thân nghi can tiết lộ ngay sau đó, đủ cho thấy: Đại bác đã dùng để bắn...bụi. Phòng hình sự - số 7 Thiền Quang, Hà Nội - cơ quan cũ của Tướng Chung - thừa sức giải quyết những vụ khủng hoảng hình sự lớn hơn thế, và hơn hết đó trước tiên phải thuộc trách nhiệm, vinh dự đảm bảo an ninh, trật tự của Phòng hình sự Thủ đô - cấp dưới của Tướng, Giám đốc Công an Thủ đô. Nhưng dường như mọi cuộc giải cứu con tin, to, nhỏ - sự kiện luôn hot dư luận, gia tăng hình ảnh cá nhân – đều không thể thiếu sự hiện diện của ông phó Giám đốc hay Giám đốc Công an Thủ đô - Nguyễn Đức Chung. Đành rằng mọi lãnh đạo đều bị thôi thúc bởi nhu cầu muốn thể hiện năng lực với hạ cấp, nhưng sự thể hiện rất không nên cứ diễn ở lĩnh vực lẽ ra phải dành cho thuộc cấp.

Nếu quan lộ của Tướng Chung chỉ dừng ở cấp tỉnh-thành, những bồng bột - hay năng nổ - như thế thực không mấy quan hệ cho cá nhân ông Chung. Nhưng Tướng Chung lại không phải như thế. Ông vừa đắc cử Phó bí thư Đảng Cộng sản tại Hà Nội và có dấu được cơ cấu vào thượng tầng cao hơn của hệ thống chính trị toàn trị đang có vẻ ngả nhiều sang mầu cảnh sát. Chính trị toàn trị hay toàn trị cảnh sát thì cũng đều là chính trị độc tài - cuộc chơi đầy mưu kế phi nhân và hoàn toàn không dành cho sự bồng bột. Cái giá phải trả cho bồng bột, hiếu thắng, năng nổ trong nền chính trị đó không phải chỉ là thất cử. Những cái “gương tày liếp” của Tướng Thanh, Tướng Ngọ hay ông Nguyễn Bá Thanh,... vẫn còn nguyên đó.


* Cập nhật 10/08/2016: Các luật sư đã đề cập trong bài này đã bỏ cuộc (rút đơn kiện việc bị hành hung và chấp nhận lời xin lỗi rất vu vơ của các nghi can) không lâu sau bài viết này. 

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Bắt trẻ đồng xanh

VÕ PHIẾN, một trong rất ít những nhà văn Việt Nam bén nhạy về chính trị, vừa qua đời. 
(20/10/1925 – 29/09/2015)

Bắt trẻ đồng xanh, nhận định có tính tiên tri của Võ Phiến xuất bản trên Bách Khoa tại Sài Gòn tháng 10/1968. Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu:


-
Trong những ngày gần đây ai nấy chỉ những xôn xao về chuyện ngưng chiến: Bao lâu nữa nhỉ? Làm gì bây giờ?

Trong bao nhiêu năm trời, chúng ta đã quen với nếp sống chiến tranh đến nỗi hòa bình làm chúng ta bối rối. Nhưng thiết tưởng ngưng chiến không đáng làm chúng ta bận tâm đến thế. Chiến tranh này sắp kết thúc, bằng cách này hay cách khác, hoặc sớm hơn một ít hoặc chậm hơn một ít. Chuyện phải đến rồi sẽ đến, nó xảy đến ra sao dường như cũng đã được trù liệu.

Cái đáng bận tâm là những điều tiếp theo cuộc ngưng chiến ấy.

— Thì các vị lãnh đạo của chúng ta đã tiên liệu rồi: đấu tranh chính trị chứ gì? kinh tế hậu chiến chứ gì?

Đấu tranh chính trị, nó hiển nhiên quá, nó sờ sờ ra đấy, tưởng như rờ mó được. Nói rằng trong giai đoạn tới ta với cộng sản phải đấu tranh chính trị với nhau, nói thế gần như không phải là tiên liệu gì ráo. Đó là đối phó. Chuyện ấy đến ngay trước mắt rồi, ta buộc lòng phải đối phó tức khắc, thế thôi.

Nhưng nói thế còn là khá. Hầu hết mọi người chỉ chăm vào những cái gần hơn nữa: hàng mấy trăm ký giả mỗi tuần bu đến phòng họp báo của các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt để ghi lấy dăm ba câu tuyên bố loanh quanh, các bình luận gia khét tiếng của báo này báo kia, đài này đài nọ bóp trán suy đoán xem lúc nào thì ngưng oanh tạc dưới vĩ tuyến 19 v.v… Thiên hạ theo dõi ý kiến của họ.

Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo liệu công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hòi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.

Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm. Thiết tưởng là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này. Bởi vì nếu ta mù tịt về ý định của đối phương trong tương lai thì trong cuộc đối thoại thương thuyết với họ hiện thời ta làm sao biết đặt ra những điều kiện cần thiết?

Cuộc bắn giết sắp tới giữa Miền Nam và Miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến theo hiệp định Genève.

Thượng tuần tháng 7-68 một nhóm luật gia họp ở Grenoble buộc Hoa Kỳ vào tội gây chiến tại Việt Nam. Sau đó, nhóm luật gia tranh đấu chính trị Việt Nam họp tại Sài Gòn cãi lại: Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã thành lập từ năm 1958 và ra mắt ngày 20-12-1960, còn người lính Mỹ đầu tiên chỉ mới tử trận trên lãnh thổ Miền Nam ngày 22-12-61.

Người của pháp luật, họ cãi lý với nhau, họ bắt bẻ nhau như thế. Không hiểu sao họ chỉ nói tới Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trước họ, nhiều người đã đi ngược lên tới Mặt trận Tổ quốc, và xa hơn Mặt trận Tổ quốc: tới cái nghị quyết của đảng Lao động đã đẻ ra Mặt trận này.

Mặt trận này, mặt trận nọ…, đó là những bằng chứng đã có tên gọi. Chờ cho cộng sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ về họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ càng.

Khi họ nhận thấy không thể thanh toán cả nước Việt Nam một lần, mà phải chấp nhận điều đình với Pháp để giữ lấy nửa nước, thì họ đã đặt ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch “giải quyết”, cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954, chứ không phải năm 1958.

Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết, thì những điều khoản ngưng cuộc chiến tranh bấy giờ được họ thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị cuộc chiến tranh sau. Đồng thời, không muộn hơn một ngày nào.

Lúc ấy chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ: công chức già thì vào theo nhà nước để lãnh hương hưu, các cụ cố thì theo con cháu vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v…

Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:

— Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở Miền Nam;

— Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc sống thường dân chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v…

— Địa chủ, phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm vùng của họ;

— Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng trai trẻ có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở;

— Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.

Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng.

Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vài sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước sẽ xảy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, dù biết họ đang gây loạn. Đã không tố giác được, tất phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ của họ.

Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán binh tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ ngoài Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số thư từ, hình bóng của cán binh tập kết. Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên.

Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt trận Giải phóng ra đời.

Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.

Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.

Dân chúng Miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. 

Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắc đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. 

Chắc chắn. Dù tìm trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính phủ lo vợ cho quan binh túi bụi đến chừng ấy.

Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.

Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, không phải cộng sản họ nhằm làm nhẹ một gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng Kinh tế hoặc Xã hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung Cộng, người ta tiết giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái.

Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, cũng không phải cộng sản họ nhằm giúp ông tổng trưởng Giáo dục của chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.

Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công nghìn việc, nếu chuyện bắt trẻ Miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.

Họ bổ sung quân số đó chăng? — Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. 

Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy.

Đem chút ít kinh nghiệm về lần trước để suy nghiệm về lần này, chúng ta thấy trước dăm ba điều họ sẽ làm sau khi thỏa ước ngưng chiến được ký kết:

— Họ sẽ bỏ lại Miền Nam tất cả những thương phế binh, những cán bộ lâm nạn, tàn tật v.v… Mang mỗi phần tử vô dụng như thế về Bắc chỉ gây thêm xúc động tâm lý trong quần chúng ngoài ấy; để hạng ấy ở lại, họ tạo thêm gánh nặng cho kinh tế Miền Nam;

— Lúc cuộc “chiến tranh chính trị” mà các nhà lãnh đạo Miền Nam vẫn nói được bắt đầu, thì bao nhiêu ức vạn gia đình có con cháu ra Bắc (và những cô gái có chồng lính cưới vội cưới vàng trước khi về Bắc nữa) hóa ra những thành phần mà chánh quyền ta không sao lôi kéo tranh thủ nổi. Lòng họ hướng về những con tin ở ngoài Bắc, phân nửa sinh mạng họ do nhà đương cuộc Miền Bắc định đoạt. Thái độ của họ khiến nhà chức trách địa phương có thể phạm vào vài biện pháp kỳ thị vụng về: thế là phát sinh mâu thuẫn, bất mãn, chống đối v.v…

— Một ngày nào đó, những cán bộ từ Bắc lại lén lút xâm nhập, mang theo thư từ của con, của chồng họ: họ mừng như mở cờ trong bụng. Họ bắt tay cộng tác với những cán bộ nọ, cùng nhau hoạt động để tạo điều kiện cho chồng con họ sớm trở về ồ ạt theo những đơn vị Nam xâm v.v…

Cán binh gốc người Miền Nam đưa ra Bắc, rồi lại phái trở vào có nhiều cái lợi: khi được lệnh vào Nam hoạt động, họ mừng rỡ vì có cơ hội về quê; họ ra đi lặng lẽ, không có bà con thân thuộc ở Bắc nên không gây xao xuyến gì trong dân chúng, vừa giữ được yếu tố bí mật vừa tránh được tác động tâm lý bất lợi; họ lại được mong chờ đón đợi ở Miền Nam; và họ thông thạo am hiểu về dân tình cùng địa thế Miền Nam.

Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về “Vấn đề gửi các cháu ra Miền Bắc” đã được phổ biến trong hàng ngũ cộng sản từ tháng 4-68, và thúc giục thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4-68, tức là liền ngay sau khi tổng thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới điều đình.

Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến thế nầy, theo họ, là một sự dở dang, là chưa hoàn tất công việc. “Thế này rồi thôi luôn hả? Nói thế mà nghe được! Sao có thể quan niệm một cách giải quyết giản đơn, vô duyên đến thế?”

Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v… Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà Miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa. Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi.

Trước một đối thủ như thế, thái độ của những chính khách Việt Mỹ hằng ngày đấm ngực đồm độp, băn khoăn, tự trách mình cái lỗi không kết thúc được chiến cuộc, thái độ ấy ngây ngô đã đành. Thái độ của những người hớn hở với một kế hoạch kinh tế hậu chiến nào đó, nghĩ cho cùng cũng mỉa mai tội nghiệp: liệu rồi hưởng được mấy năm hòa bình trước mắt mà hí hửng tính chuyện xây dựng, mà mơ cảnh thịnh vượng? 

Rồi đến thái độ của những kẻ nhìn xa để báo động về một cuộc chiến tranh chính trị: bảo rằng đối phương rồi đây chỉ có hoạt động chính trị, như vậy không khác gì chỉ vào con cọp mà gọi là con chó. Gần như tự lừa mình, như giúp địch ngụy trang.

Dù cho chỉ có chiến tranh chính trị với nhau, đố ai, đố đảng phái nào, liên minh nào, phong trào nào của chúng ta mà thuyết phục được mấy vạn ông bà cha mẹ có con cháu ở Bắc, mấy vạn góa phụ có chồng ở Bắc, thuyết phục được họ thành thực theo ta? Chỉ nắm lấy chừng ấy vạn người, cộng sản Bắc Việt đã có trong tay một lực lượng to lớn hơn mọi đoàn thể chính trị của chúng ta, lực lượng nằm ngay trong lòng quần chúng ta, hàng ngũ ta, mà hoạt động. Ấy là chỉ so sánh về lượng. Mặt khác, trong số các đoàn viên phong trào quốc gia, đảng viên quốc gia v.v… hạng thực sự nhiệt thành vì lý tưởng được bao nhiêu? Và riêng trong hạng nhiệt thành có được bao nhiêu kẻ mà lòng thiết tha đối với lý tưởng có thể mạnh hơn lòng thiết tha với chồng con của những phần tử bị cộng sản lợi dụng kia?

Dù cho chỉ có đấu tranh chính trị với nhau thôi, chúng ta đã bất lợi như thế. Huống chi đó chỉ là hành vi tốt lành lương thiện mà ta gán cho đối phương. Còn họ…, nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thoát khỏi một trận chiến tranh nữa, thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu.

Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được. Đó là chỗ nhược của ta.

Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt. 

— Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.

Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, kẻ ấy thật mặt dày mày dạn, tán tận lương tâm. — Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến tranh.

Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam! Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ văn minh này là tuyên truyền chính trị, nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Không phải thứ tuyên truyền yếu ớt vận dụng một cách khó khăn trong khung cảnh các nước tự do, mà là thứ tuyên truyền một chiều, qui mô, toàn diện, có thể sử dụng các quyền lợi kinh tế hỗ trợ cho nó như ở tại các quốc gia độc tài: Nga xô, Trung cộng, Bắc Việt, Đức quốc xã v.v…

Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước, trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập toàn vẹn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hóa thành chính trị gia khôn ngoan, thành “cha già dân tộc” dưới mắt nhiều người, trong khi ở các xứ khác cùng lâm vào tình trạng lưỡng phân không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách vô hiệu mà bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến cuộc tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.

Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua ngay đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.

Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mặt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.

Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc? — Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hoàn toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. 

Vả ông ta chừng ấy tuổi tác rồi, tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khoác lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Đông Đức đâu bằng ở Thụy-điển, Hòa-lan, thừa rõ con đường từ Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy-sĩ, Phần-lan.

Mà dù ông ta có không nghĩ như thế, có cho rằng Tiệp-khắc sung sướng và tự do hơn Thụy-điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đày vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.

Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác, vì lẽ người như ông ta không chịu thất bại nửa đường?

 — Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh hơn tranh thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn ông, ông dai dẳng quá.

Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách đáng giận quá.

Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Một biểu thị tình cảm: thật vu vơ, vô hiệu. Ăn thua chỉ có chiến lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Lời nói — dù nhã hay bất nhã — rồi sẽ bay đi theo mây gió. Chỉ có hành động mới sửa đổi được tình thế. Mà hành động thì…

Thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhảy lên mừng hòa bình, rồi tiếp sau đó sẽ bất đồng cãi cọ nhau ỏm tỏi về chuyện xây dựng, sẽ tranh nhau làm ăn tới tấp. Cùng lắm, lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Thế thôi.

Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong nầy âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.

Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bỗng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào chiến cuộc, lấy làm lo ngại, bực mình, quay đầu về cái xứ lắm chuyện này nhìn bằng cái nhìn xoi mói, nghiêm khắc, trách vấn: “Rầy rà thật! Ra cái xứ ấy tệ thật, tự xử không nên thân. Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v.v… khiến dân chúng bất mãn nổi lên chống chế độ. Dung dưỡng những chính quyền, những chế độ như thế chỉ tổ tai hại v.v…”

Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học gọi nhau họp ở Thụy-điển, các luật gia rủ nhau họp ở Grenoble v.v… trịnh trọng suy tư, trịnh trọng bàn cãi, rồi lên án, kết tội v.v… Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội họ chỉ cần khéo che miệng nín cười. Đó là điều quan trọng: họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.

Cứ thế cho đến khi hoặc chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những dằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mau; hoặc bên phía chúng ta cùng đồng minh có những kẻ thật chì, cộng sản liệu ăn không nổi, thế là lại điều đình và lại xếp đặt một kế hoạch khác… Như vậy không biết đến bao giờ.

Còn ba mươi hai năm nữa, chúng ta bước sang thế kỷ XXI. Nhiều người xem như bước sang một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới: con người sẽ không chỉ biết có quả đất, nhiều quốc gia sẽ tiến đến nền kinh tế kỹ nghệ hậu. Đó chưa hẳn là cực lạc, nhưng cũng là cái gì vượt xa tình trạng hiện tại. Thiên hạ nô nức đua nhau tiến đến mặt trăng, đến kinh tế kỹ nghệ hậu. Như thể cá vượt Vũ Môn.

Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi hai năm nữa e vẫn còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc, bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI. Riêng chúng ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ, họ chưa có dấu hiệu từ bỏ.

Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, để nghĩ cách cứu các em, thì cũng đã muộn.

Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngày ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.

*Nguồn văn bản: Minh Đức Blog 

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Cái dở của “lực lượng thứ ba”

Phạm Hồng Sơn

Ông Nguyễn Ngọc Giao, một trí thức miền Nam ủng hộ miền Bắc cộng sản, tức thuộc “lực lượng thứ ba” thời Việt Nam Cộng Hòa, vừa kể lại một chi tiết nhỏ liên quan tới chuyện đi "học tập cải tạo" của một viên chức Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4. Ông Giao thuật rằng người tù khi trở về đã trả lời người con về chuyện đối xử trong tù cộng sản thế này: 

Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng, có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn”.

Về mặt sự thật, chúng ta không thể xác định câu trả lời này chính xác đến đâu. Trường hợp đây thực là lời nói của nhân vật chăng nữa, tôi cho rằng khả năng “có lẽ” đó quá nhỏ so với khả năng Việt Nam Cộng Hòa sẽ đối xử nhân bản (hơn) với miền Bắc, nếu Việt Nam Cộng Hòa thắng. Tại sao? Ở đây tôi chỉ dẫn lại hai trong số rất nhiều cứ liệu:

1. Con gái của một bộ trưởng “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” – tổ chức do miền Bắc lập ra để đối kháng bạo lực với Việt Nam Cộng Hòa – vẫn quan hệ thân tình với con Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và vẫn được Tổng thống quí mến, giúp đỡ.

2. Vợ của một thứ trưởng của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” vẫn sinh sống đàng hoàng tại Sài Gòn và còn làm việc trong nghành tòa án của Việt Nam Cộng Hòa.

Cứ liệu 1 có thể kiểm chứng trong hồi ký A Vietcong Memoir của ông Trương Như Tảng. Cứ liệu 2, hồi ký Những chuyến ra đi hoặc liên hệ ngay với tác giả/nhân chứng hiện còn sống: nhà nghiên cứu Lữ Phương.

Người như ông Nguyễn Ngọc Giao chắc chắn phải biết và trực nghiệm nhiều hơn các sự kiện, đặc tính khoan dung, đa nguyên, nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa như vừa kể. Vì vậy, nếu thực sự nhân vật đã có đánh giá như ông Giao viết, thì một người trí thức hiểu biết về Việt Nam Cộng Hòa và lại thường bày tỏ yêu mến tự do, dân chủ như ông Giao lẽ nào có thể thuật lại một cách vô tâm đến vậy? Nhất là trong tình trạng đất nước hiện nay?

Nghiên cứu, phê bình về “lực lượng thứ ba” đã có nhiều bài viết công phu, như của tác giả Nguyễn Văn Lục. Nhưng theo tôi, cái dở của họ không phải họ là người được sống trong thể chế văn minh (hơn) của miền Nam lại đi ủng hộ miền Bắc cộng sản. Bởi, sai lầm này dẫu quá đớn đau cho dân tộc cũng thường thôi nếu nhìn kỹ hơn về bản tính dân tộc và về bản thể con người. Cái dở của họ không phải là các hoạt động xã hội hiện nay của họ quá rụt rè so với thời Sài Gòn dẫu cái Ác hiện nay ác gấp nhiều lần trước. Bởi ai cũng chỉ có một thời sung sức nhất định. Cái dở của họ cũng không phải chuyện chưa xin lỗi dân tộc vì đã (vô tình) tiếp tay phá bỏ một chế độ văn minh hơn. Bởi Elton John đã viết: “Xin lỗi” hình như là từ khó nói nhất

Cái dở, cái tồi của "lực lượng thứ ba" là đến tận hôm nay vẫn có người cố tình biện bạch cho sai lầm của bản thân bằng những cách tinh vi, nhưng thiếu lý tính.


*Cập nhật: Trang Diễn Đàn (www.diendan.org), mà ông Nguyễn Ngọc Giao là một người chủ chốt, đã có phản hồi (trong một phản hồi cho một ý kiến khác) cho bài viết này. Thiển nghĩ, mọi sự liên quan đến vấn đề đã tự thể hiện rõ, nên tôi không bình luận, chỉ xin đăng lại ảnh của phản hồi đó ở đây hầu bớt được phần nào phiền phức cho độc giả muốn theo rõi (19:25 GMT+7 ngày 13/09/2015). (Hình sẽ lớn hơn khi bấm chuột trái vào bức ảnh)



Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Dân luận, cần tránh xa bóng tối


Phạm Hồng Sơn

Trong bộ phận báo chí công dân, báo chí phi nhà nước của Việt Nam hiện nay, vẫn gần tuyệt đối trên không gian ảo, Dân luận đã chứng tỏ là một trong những trang có tính khai phóng nhất với sự cập nhật thông tin khá đa nguyên và nhanh chóng, tức thuộc những trang hữu ích nhất hiện nay cho công cuộc mở rộng quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cùng các tự do liên đới khác cho dân chúng Việt Nam.

Nhưng thông báo mới đây của Dân luận về việc Tìm kiếm cộng tác viên với mức nhuận bút hấp dẫn nhằm “xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn” cho thấy Dân luận đang có một bước đi ngược ánh sáng tự do.

Như tự bày tỏ, có lẽ vì đặt vấn đề an ninh (vật lý) của người viết (cộng tác viên) lên hàng đầu, Dân luận đã thẳng thắn khuyến cáo người cộng tác cần “Chọn một bút danh để tham gia Dân luận. Dân luận khuyến cáo sử dụng bút danh không liên quan đến danh tính của bạn để đảm bảo an toàn cá nhân...”

Về mặt kỹ thuật, khuyến cáo giấu danh tính vừa kể là một biện pháp an ninh không hữu hiệu, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô nghĩa và đồng thời tạo ra một sự ngộ nhận nguy hiểm cho công chúng, một khi tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Interner (ISP) và các cổng ra-vào của Internet tại Việt Nam vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát 24/24h, 7/7 ngày của lực lượng an ninh chuyên chế.

Và, quan trọng hơn, biện pháp mà Dân luận đề xuất, như có tính nguyên tắc, vô hình chung đã hướng người viết về phía thiếu đàng hoàng trong tư cách của một người cầm bút phản biện xã hội và mặc định khuyến khích tính thiếu trách nhiệm công dân với những điều người viết bày tỏ trước công luận.

Điều không thể phủ nhận Internet đã mang cho con người, cả kẻ cai trị lẫn người bị trị, rất nhiều tiện ích. Nhưng Internet cũng làm cho các trao đổi, quan hệ, giá trị của con người trở nên ảo hơn, giả hơn, hời hợt hơn. Theo tôi, đó là một trong những lý do căn bản khiến tuyệt đại đa số các “mùa xuân Ả Rập” rất rầm rộ nhưng không thể xua đi được các bóng đêm độc tài.

Giới đạo đức học hiện đại cũng đã đề xuất nhiều phép thử giúp con người kiểm soát, duy trì, gia tăng tính chính trực, trách nhiệm trong suy nghĩ, hành động của bản thân, trong đó có một phép thử phổ biến gọi là Test bộc lộ công khai (test of public exposure) với câu tự vấn: Ta sẽ cảm giác ra sao nếu những hành động (chia sẻ, bày tỏ, suy nghĩ, việc làm...) của ta được thể hiện đàng hoàng trước công luận?

Đề xuất phép thử này của các nhà đạo đức học cho thấy vai trò tối quan trọng của tính minh bạch, công khai (danh tính) trong việc gìn giữ, tôn tạo phẩm tính chính trực, trách nhiệm cho con người cá nhân và xã hội.

Dù đạo đức học (ethics) có nhiều quan điểm, nhiều trường phái khác nhau nhưng con người vẫn có những giá trị cùng chia sẻ không thay đổi theo thời gian, không gian. Không phải ngẫu nhiên, hai nhà tư tưởng thuộc hạng có thẩm quyền lớn nhất tại phương Đông và phương Tây, sống cách nhau hơn 2000 năm, Khổng Tử (551-479 tr. CN) và Immanuel Kant (1724-1804), đã cùng chia sẻ một quan điểm: Nếu chúng ta muốn xã hội trở nên chính trực, minh bạch trước tiên chúng ta cần phải hành động chính trực, minh bạch.[i]

Sự phát triển của loài người từ xưa tới nay cũng cho thấy không một hệ thống nào của con người có thể cho ra được những sản phẩm khả tín, chính trực với nguyên liệu đầu vào là sự thiếu đàng hoàng, ít tự tin, thiếu trách nhiệm.* Cũng chưa bao giờ thấy một giáo lý hay một giáo chủ nào khuyên răn người ta hãy nâng tâm hồn lên bằng sự ngập ngừng, kém minh bạch.

Khi Wikipedia đã được so sánh với Britannica và Internet đã tràn cả vào túi áo quần thì vấn đề quan yếu hàng đầu cho việc xác quyết và đòi hỏi quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam không còn là việc “biết-không biết”, “viết-không viết” như cách đây 20 năm nữa mà phải là cách bày tỏ như thế nào: minh danh hay ẩn danh, lý tính hay cảm tính, triệt để hay cải lương, dân chủ hay độc tài, nghiêm túc hay chơi bời,...

Chọn cho bản thân lối bày tỏ nào trong một hoàn cảnh nào về một vấn đề nào là quyền tự do của mỗi cá nhân. Nhưng sự lựa chọn đó sẽ đặt chúng ta chắc chắn vào một trong hai vị trí, có hoặc thiếu/vô trách nhiệm đạo đức xã hội: Kéo xã hội về phía chính trực, minh bạch hay đẩy xã hội về phía mập mờ, sợ hãi.

Đương nhiên, lựa chọn đạo đức luôn kèm theo thách thức và rủi ro. Nhưng chính vì thế đạo đức mới có giá và là cái chỉ Con Người mới có.

Song, dù minh bạch, công khai luôn được gần hết mọi lý thuyết, giáo lý cao siêu ủng hộ, ẩn danh, thậm chí mạo danh, vẫn là một hiện thực muôn thuở của con người kể cả trong một xã hội tự do tuyệt đối  - vì đó là quyền riêng tư (privacy) và bản thể con người không bao giờ toàn hảo. Nhưng lợi ích công sẽ bị thương tổn trầm trọng, tương lai xã hội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu ẩn danh trở thành một tập quán phổ biến, một qui chuẩn thông thường của báo chí. Đặc biệt, khi xã hội vẫn hoàn toàn bị trói buộc vào dối trá, không thể nào lại khuyến dụ con người cứ ôm lấy bóng tối để đòi ánh sáng sự thật. Bởi bóng tối, dù là bóng tối của cái Thiện, không bao giờ có thể làm cho một bóng tối khác sáng lên được.

*Cập nhật: Trong bài có một nhận định thiếu chặt chẽ: “Sự phát triển của loài người từ xưa tới nay cũng cho thấy không một hệ thống nào của con người có thể cho ra được những sản phẩm khả tín, chính trực với nguyên liệu đầu vào là sự thiếu đàng hoàng, ít tự tin, thiếu trách nhiệm.Thực tế vẫn có hệ thống làm được như thế, như cơ sở giáo dưỡng hoặc các nơi tu hành. Thành thật xin lỗi quí vị. (18:40PM GMT+7 ngày 10/06/2015)


[i]       Câu của Khổng tử (trong Luận ngữ, thiên XV.23) đã trở thành thành ngữ: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (việc gì mình không muốn chớ làm cho người). Kant cho rằng: “Mỗi người nên sống theo cách sao cho bản thân sẵn sàng khuyến khích mọi người khác sống theo cách sống đó.” (We should act in ways that we would be prepared to recommend to everyone else; we should only make moral decisions we could conceivably encourage everyone else to make in the same circumstances.), dẫn theo Hugh Mackay, Right and Wrong - how to decide for yourself, Hodder, 2004, trang 15.

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Gã say và đối thoại nhân quyền - A drunken and a HR dialogue

(Bilingual)

Phạm Hồng Sơn

Khoảng 1:30 sáng nay, giờ Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra một thông cáo chính thức cho biết cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 19 giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7 tháng Năm này.

Nhưng chỉ khoảng 4 giờ sau, nhà cầm quyền Việt Nam đã cho người tới đóng chốt tại khu nhà tôi với hai biển cấm đặt giữa ngõ lối vào nhà: “Cấm quay phim chụp ảnh”, “Khu vực cấm vào” (bằng tiếng Anh).

Một nhân viên an ninh đã nói thẳng với tôi “Anh không được ra ngoài trong những ngày này vì sắp có đối thoại nhân quyền”. Tôi chỉ đơn giản phản đối đáp lại: “Những việc các bạn đang phải làm hôm nay là phi pháp và phi đạo lý.”

Kiểu giam tù tại nhà công dân bất chấp pháp luật như thế này không phải là chuyện bất thường đối với riêng tôi cũng như đối với những người đang cổ xúy cho nhân quyền tại Việt Nam. Lần này là lần thứ hai trong năm đối với riêng tôi sau lần trước bị giam trong nhà suốt 3 ngày đêm liên tục nhân dịp Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) mở cuộc họp long trọng tại Hà Nội vào những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư vừa qua. Nhiều công dân khác cũng phải chịu đựng tình cảnh tương tự.

Nhưng lần này có thêm một hiện tượng hơi lạ. Khoảng 10:30 sáng nay, một người đàn ông mặt đỏ dáng say rượu, không quen biết, vào gõ cửa nhà tôi và hét to mời tôi đi ra ngoài uống bia. Dĩ nhiên tôi đã từ chối lời mời kỳ cục đó và người đàn ông vùng vằng bỏ đi. Hiện tượng này ngụ ý điều gì, một đe dọa hay một điều gì khác? Tôi cũng như quí vị chắc chắn chưa thể biết.

Từ trước tới nay tôi luôn có quan điểm rõ ràng rằng việc xây dựng dân chủ và giành lại nhân quyền cho toàn thể nhân dân Việt Nam là một con đường chông gai và không thể hoàn thành ngay lập tức. Tôi cũng luôn hoan nghênh, ủng hộ mọi tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền độc tài Việt Nam hiện nay với cộng đồng dân chủ thế giới.

Nhưng tôi luôn tin rằng chừng nào nhà cầm quyền Việt Nam còn giữ lối ứng xử man khai, vô pháp luật đối với những nhà hoạt động ôn hòa, chừng đó mọi đối thoại nhân quyền đều không thể có kết quả tốt đẹp.

A drunken and a HR dialogue

Pham Hong Son 

By 01:30 AM May 6, 2015 in Hanoi (around 01:30 PM May 5, 2015 in Washington, D.C.) the State Department posted a note media making the public aware that the 19th session of Human Rights Dialogue between the United States of America and Viet Nam will be held on May 7 in Hanoi.  

Only about 4 hours later the authorities of Vietnam sent a squad to my neighborhood to snoop my own house and mainly to control my own movement, preventing myself from having any contacts the authorities deem “unfavorable”. Two sign boards, warning 'no picture”, 'restricted area' in red and bold letters, have been erected right at the beginning of the only path leading to my house.

One of the security policemen in duty said to me “You are not allowed to leave these days because the human rights dialogue is imminent.” I replied in protest simply that “What you have been assigned to do is illegal and immoral.”

This in-house-imprisoning is neither legal nor unusual for myself and for any Vietnamese who are promoting human rights in Vietnam. And this is the second illegal prevention this year against me. The first one was in last late March-April, lasting for 3 days and 3 nights whilst the IPU was holding its solemnly 132nd meeting in Hanoi. Several other activists were treated alike.

But this time an uncanny sign has just happened. By 10:30 AM (GMT+7) today a drunken man, unknown to me, came to my home, shouting to invite me to go out drinking beer. Of course I did decline the awkward invitation. The drunken man left in unfriendly manner. Does the coming of an unknown drunken mean a threat or anything else? No one confirms anything so far.

I always maintain that the road to democracy and human rights is arduous and multi-staged and any contacts or dialogues between the Vietnamese authoritarian government and the democratic community should be lauded. However I do believe as long as the Vietnamese authorities retain uncivilized and unlawful conduct towards peaceful activists any Human Rights dialogues remain hardly productive.



Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Nhà báo Đoan Trang và “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (3)

Xem phần: (1), (2)

Phạm Hồng Sơn

Rắc rối đa nguyên

Chúng ta đã quá thấu vì những thảm cảnh do độc tài gây ra. Nhưng dân chủ không phải không có những phiền toái.

Vì dân chủ tôn trọng ý kiến khác biệt nên mọi cá nhân, hội nhóm, đảng phái luôn phải vất vả, xoay trở để cạnh tranh, đối phó với các cá nhân, hội nhóm, đảng phái khác đang tồn tại hoặc liên tục được sinh ra. Chính vì thế mọi xã hội dân chủ đều không có tính “bình yên”, “ổn định” như trong chính thể độc tài. Mỗi cá nhân, hội nhóm, đảng phái dù là (đang) xuất sắc nhất cũng tự biết rằng vị thế của mình chỉ là tạm thời và phút chốc có thể trở thành tầm thường - một điều không dễ chịu đối với mọi con người. Nhưng đổi lại con người trong chính thể dân chủ giữ được tư duy độc lập đồng thời không ngừng được hoàn thiện, bồi đắp thêm những giá trị, hiểu biết, do chính bản thân ngộ qua, hay học được, kết hợp được từ những cá nhân, hội đoàn khác. Và, quan trọng hơn, cùng một vấn đề luôn luôn có hơn một giải pháp, ý tưởng để lựa chọn hay dự phòng, đưa đến hệ quả tránh cho toàn xã hội, cộng đồng không bị “Xuống HCNút”. Kẻ cầm quyền cũng được hưởng lợi: được sống một cuộc đời thật và cầm quyền với sự an tâm do chính đáng. Vì vậy, những lãnh đạo dân chủ dù cũng không thích phải cạnh tranh, họ luôn bảo vệ tính đa nguyên, chống sự độc tôn của cá nhân, hội đoàn, đảng phái.

Trong bản Luận về chính quyền (federalist) số 10 rất nổi tiếng của James Madison viết năm 1787, ông kết luận: “Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng những NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ của nạn bè đảng, hội nhóm là không thể loại bỏ, và cách chữa duy nhất chỉ nằm trong việc kiểm soát các TÁC ĐỘNG của chúng mà thôi.[i] Trước đó Madison đã chứng minh muốn dẹp được sự khác biệt, bất trắc, lộn xộn nhiều khi biến thành cãi vả, ẩu đả, bạo lực của các hội nhóm, ý kiến khác biệt thì chỉ bằng cách triệt hạ hết tự do của xã hội - điều Madison không bao giờ chấp nhận.

Nhìn trên những căn bản như thế chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của “Quân lực VNCH”, hoặc các nhóm hội đặc biệt khác, là điều tất yếu và là một vốn quí cho xã hội. Và sự bất đồng giữa “ban tổ chức” cuộc tuần hành vì cây xanh (là một hội nhóm) với nhóm “Quân lực VNCH” cũng là điều thường tình.

Vậy vấn đề quan trọng cần xét là mục đích của hai bên và ứng xử của hai bên trong sự bất đồng đó. Về mục đích, như đã phân tích, qua thể hiện, cả hai bên đều có những mục đích (chung, riêng) đều theo hướng mang lại tiến bộ cho xã hội. Nhưng, như đã thấy, mục đích xiển dương “Việt Nam Cộng Hòa” của nhóm “Quân lực VNCH”, dù tốt cho xã hội, chưa (hoặc không) tương thích với “ban tổ chức” và hệ quả là “ban tổ chức” đã lên tiếng phản đối, bác bỏ và khẳng định độc quyền về tuần hành. Theo tôi cách ứng xử này của “ban tổ chức” không phải là lựa chọn tối ưu. Nếu chỉ nhằm đáp ứng một nhu cầu cần phải chứng tỏ “ban tổ chức” không hề liên quan với “Quân lực VNCH”, có rất nhiều cách khác đẹp hơn cách đã làm để đạt được mục đích này.

Nhưng chúng ta cũng có thể lý giải thái độ đó của “ban tổ chức” theo tâm lý học hình sự (criminal psychology). Theo thuyết này, trong hoàn cảnh bị đe dọa, người thiếu kinh nghiệm thường có phản ứng tức khắc bằng thái độ (hành động) thể hiện sự lìa xa với những đối tượng (vấn đề) mà người đó nghĩ có thể làm cho tình trạng nguy hiểm hơn. Sự “lìa xa” đó có nhiều mức độ từ thờ ơ, từ chối, bác bỏ đến ruồng rẫy, đả phá. Tuy nhiên phản ứng “lìa xa” đó không thể qua mắt được các điều tra viên hạng trung bình, đó là dấu hiệu khả tín của “cái tôi đang hoảng”, theo kiến thức thuộc loại cơ sở vừa nêu của hình sự học.

Sau khi đăng hai phần của bài viết này, tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi trong đó có một luận điểm cho rằng “ban tổ chức” phải có thái độ như thế là  “nhằm mục đích tập dượt cho những người chưa quen, những người vẫn còn sợ việc xuống đường. Làm cho họ quen đã, xuống đường nhiều đã, rồi...

Theo tôi, và phải nói thẳng, luận điểm này hoặc là ngụy biện để che chắn cho một kế hoạch nào đó hoặc là ngộ nhận, sai hoàn toàn về quan điểm vận động tiến bộ. 

Thứ nhất, vì chúng ta không thể cải thiện một xã hội độc tài bằng cách tập cho người dân xuống đường với tinh thần độc quyền, độc tài. Điều đó chỉ có thể làm thay đổi hình thức độc tài và gây rạn nứt thêm cho xã hội, không thể giúp xã hội nghiêng được sang dân chủ tự do. Chúng ta nên nhớ lại, trong các xã hội độc tài toàn trị, không phải không có các thiết chế có những cái tên như “quốc hội” (nghị viện), “tòa án”, “thẩm phán”, “mít-tinh”, “biểu tình”, “công đoàn”, “bỏ phiếu”, “báo chí” v.v. và cả “đa đảng chính trị” nữa. Tất cả những thứ đó hầu hết đều có, nhưng chỉ có điều: do một nhóm người điều khiển hoặc chỉ một số người được thực hiện mà thôi! 

Thứ hai, lập luận đó rất dễ rơi vào bẫy của nhà độc tài khi họ muốn loại sự tham gia của những cá nhân, hội đoàn không có lợi cho quyền lực độc tài của họ trong khi cho phép nhiều cá nhân, hội đoàn tham gia nhưng vô hại đối với họ. Thủ pháp này có thể gọi là đa nguyên nửa vời. Tựu chung luận điểm đó và giải pháp đó chỉ có lợi cho độc tài.


Rõ ràng, xã hội dân sự Việt Nam trong những năm qua đang sôi động, phát triển. Ý thức tự lập của người dân đã có nhiều dấu hiện cải thiện. Trong môi trường đó, tinh thần đó, dù còn nhiều khiếm khuyết và đầy thách thức, nhiều nhà hoạt động nhiệt thành, với những lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất thân khác hẳn nhau, đã xuất hiện và đóng góp rất nhiều, bằng những cách thức mới khác hẳn, cho tiến bộ xã hội. Nhiều người có kiến thức và tài năng thật xuất sắc, cá nhân tôi hết sức khâm phục, ngưỡng mộ. Trên bước đường hoạt động còn đầy chông gai đó chắc chắn họ không thể tránh được những sai sót, thậm chí lỗi lầm, như mọi con người khác. Tôi tin, với một lý tưởng dân chủ vững vàng, họ sẽ ngày càng xuất sắc hơn qua những sai sót có thể đó. Nhưng tôi cũng tin rằng trong xã hội vẫn còn nhiều trí tuệ và tài năng xuất sắc nữa và có thể xuất sắc hơn hết thảy mọi nhà hoạt động xuất sắc đã từng xuất hiện. Nhưng vì một lý do nào đó những người đó vẫn chưa xuất hiện. Chúng ta hãy cùng lưu tâm bảo vệ, tạo cơ hội cho những con người như thế được lên tiếng và thể hiện.



[i]     “The inference to which we are brought is, that the CAUSES of faction cannot be removed, and that relief is only to be sought in the means of controlling its EFFECTS.”

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Nhà báo Đoan Trang và “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (2)

Xem phần (1)


Phạm Hồng Sơn

“Quân lực Việt Nam Cộng Hòa”

Qua những gì đã trình bày, mấu chốt của sự cố đã xảy ra nằm ở chỗ những thanh niên ôn hòa, nghiêm nghị trong cuộc tuần hành vì cây xanh đó đã dám thể hiện những biểu tượng, yếu tố liên quan tới “Việt Nam Cộng Hòa” một cách ôn hòa.

“Việt Nam Cộng Hòa” là gì? Đứng về mặt cảm nhận xã hội nói chung, chúng ta phải thừa nhận đây là một cụm từ còn có tính “húy kỵ” vì “Việt Nam Cộng Hòa” đã là một chính thể đối lập, đối kháng với chính thể hiện nay và vẫn bị chính thể hiện nay kỳ thị, coi là “ngụy”, “tay sai”, “bán nước”.

Tuy nhiên, về mặt bản chất, “Việt Nam Cộng Hòa” có thực là một chính thể “tay sai”, “bán nước”, “ngụy”? Căn cứ vào các cứ liệu lịch sử, chúng ta có thể khẳng định tất cả các từ chỉ thị trong dấu “ ” này đều là bóp méo sự thật. Nhìn vào những gì đã thể hiện trên thực tế chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây trong quan hệ giữa chính thể “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (tiếp nối của “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”) với Trung Hoa Cộng Sản, chúng ta có thể tự tin khẳng định “Việt Nam Cộng Hòa” là một chính thể đã không làm phương hại tới chủ quyền lãnh thổ, quốc gia trong quan hệ với nước ngoài như hai chính thể Việt Nam vừa nói. “Việt Nam Cộng Hòa” cũng là chính thể được thiết lập thông qua các thiết chế dân chủ, mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng tính chất dân chủ cao hơn hẳn hai chính thể vừa đối chiếu. Đặc biệt “Việt Nam Cộng Hòa” đã tôn trọng nhiều quyền tự do chính trị, tự do dân sự của người dân. Ở “Việt Nam Cộng Hòa” cách đây hơn 40 năm, người dân đã có quyền ra báo tư nhân, quyền thành lập đảng chính trị đối lập, quyền xuống đường biểu tình, v.v. - tất cả những quyền này đều thiếu vắng ngay trong chính thể hiện nay: “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy “Việt Nam Cộng Hòa” so với chính thể Việt Nam hiện tại rõ ràng là một biểu tượng của văn minh, dân chủ, nhân bản.

Nhìn như thế ắt hẳn chúng ta phải cảm thấy chia sẻ, thương cảm và ngậm ngùi cho “Việt Nam Cộng Hòa”, cũng như cho tất cả mọi người Việt Nam, kể cả các đảng viên Cộng sản, bởi một chính thể nhân bản hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn đối với lãnh thổ quốc gia đã không thể tồn tại. Nhìn như thế, dù chúng ta có thể sợ vì vẫn coi là một “húy kỵ”, chúng ta không thể nào hắt hủi, ghẻ lạnh với “Việt Nam Cộng Hòa”.

Nhưng không chỉ không ghẻ lạnh và không hắt hủi, nhóm thanh niên “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” trong cuộc tuần hành hôm 12/4 vừa qua còn biểu tỏ sự liên đới một cách công khai nhưng điềm đạm và rất chừng mực. Đặc biệt, các thanh niên đó còn ở độ tuổi trên dưới 30, tức được sinh ra cách khá xa “Việt Nam Cộng Hòa” và hình như tất cả đều sinh trưởng tại miền Bắc.

Tôi cho rằng đó là một hiện tượng rất đáng chú ý trong giới trẻ, những người thường bị coi là thiếu ý thức xã hội hay ít quan tâm tới chính trị. Theo tôi, rất có thể những thanh niên đó đã thấu hiểu sự thật lịch sử và có ý thức rõ trong việc mạo hiểm tôn vinh những giá trị cao đẹp đã mất đang bị coi là “húy kỵ”. Những khuôn mặt nghiêm nghị, trầm tư, tự tin khi tuần hành của các bạn đó có thể là biểu hiện của tự nhận thức rõ sự nghiêm trọng trong những việc họ đang làm. Hoặc họ là những người trẻ sáng tạo và táo bạo trong việc thức tỉnh dân chúng về một vấn đề quan trọng của lịch sử đang bị che giấu và rất liên quan tới nền tảng tiến bộ của xã hội: Thể chế chính trị.

Nhưng dù sự thật thế nào, việc dám xiển dương “Việt Nam Cộng Hòa” ngay giữa thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng Tư này bằng một thái độ công khai, ôn hòa, chững chạc như thế cũng là một sáng tạo dũng cảm đàng hoàng của tuổi trẻ rất cần được ghi nhận.

Tôi tin những thanh niên đó chắc cũng đã phải dự tính nhiều người hiện nay sẽ không đồng tình với họ. Nhưng chắc họ cũng sẽ thông cảm với những người đó vì đa phần là do thói quen cố hữu cứ ôm lấy những “húy kỵ” lẽ ra đã phải bỏ hoặc chưa tự tìm hiểu thêm lịch sử mà thôi. Chắc họ cũng phải nghĩ và tự động viên bản thân rằng: Có cái tiến bộ hay thúc đẩy tiến bộ nào không có tính “khác” và “trước” so với số đông?

Nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy vấn đề lại có tính trớ trêu nực cười cho xã hội ta, khi một Ủy viên Bộ Chính trị, một ông Thủ tướng cộng sản gộc (có thể sẽ thành Tổng bí thư) đã công khai làm thông gia với “Việt Nam Cộng Hòa” từ lâu rồi mà người dân lại vẫn e sợ, húy kỵ “Việt Nam Cộng Hòa”. Khi cả hệ thống chính trị “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” đang vận động để được mua các loại vũ khí tối tân của Hoa Kỳ - đồng minh cũ của “Việt Nam Cộng Hòa” - mà người dân lại vẫn phát hoảng khi nghe tới “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa”. Có lẽ, một trong những hệ lụy nặng nhất từ một chế độ toàn trị không phải là sợ hãi hay độc đoán mà chính là sự chai lỳ về tư duy. Và chẳng phải xã hội ta đã tiến lên được nhiều bước là do đã nỗ lực phá đi được những húy kỵ như “khoán ruộng”, “sản xuất tư nhân”, “buôn bán tư nhân”, “nghe đài địch”, “chơi với tư bản”, v.v.?

Nhưng lại vẫn còn một giả thuyết khác, trong giới trẻ và xã hội hiện nay đã có nhiều người nhận thức đúng về “Việt Nam Cộng Hòa” nhưng vẫn ngại chưa dám bày tỏ như nhóm “Quân lực VNCH”.

Nhìn cả hai mặt như thế chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn ý nghĩa xã hội của nhóm “Quân lực VNCH”.

Nếu tôi không nhầm, hầu hết tất cả những người đã dấn thân vào các hoạt động cho cộng đồng nhưng ngược với ý muốn của chính quyền đều đã ít nhất một lần phải nghe người khác “khuyên răn” với những lý luận tương tự, “quá nhanh”, “quá xa”, “quá mạnh”, “gây mất an ninh”, “mất ổn định”, “phá hoại hạnh phúc, tương lai” của người này, người kia.

Do đó nhà báo Đoan Trang cáo buộc nhóm “Quân lực VNCH” “đã đi quá xa” là không thỏa đáng. Và cho rằng họ có nguy cơ làm “vùi dập” [sic] những mầm xanh tuổi trẻ khác là một suy nghĩ không đúng và quá nặng.

(còn một phần)