Phạm
Đình Trọng
Sáng chủ nhật 5.5.5013,
tôi rất muốn phone rủ vài ông bạn già cùng đến điểm hẹn Quyền Con Người nhưng gọi
nhau trên sóng điện rồi lại lọt vào tai công an thêm rắc rối nên hơn bảy giờ
sáng, tôi lặng lẽ ra khỏi nhà.
Mới đi một đoạn ngắn
tôi thấy một phụ nữ bên chiếc xe máy đứng bên đường ngóng nhìn lại suốt dọc đường.
Đàn ông thấy phụ nữ bao giờ cũng muốn ngắm một gương mặt đẹp. Nhưng mặt người
phụ nữ này che kín trong lớp vải đen và chiếc kính đen to. Chợt nhận ra điều bất
thường ở người đàn bà trong buổi sáng chủ nhật êm ả, tôi ngoái nhìn lại thấy chị
ta đang áp điện thoại vào má.
Xuôi theo đường một chiều
Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vừa lúc đèn đỏ nhưng vì
rẽ phải nên tôi vẫn chạy xe vào đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến trước dinh Độc Lập,
vừa rẽ trái sang đường Lê Duẩn thì hai cảnh sát giao thông trên chiếc mô tô trắng
chạy trước chặn đầu xe tôi, cây gậy trắng trong tay viên cảnh sát chỉ xuống đường
bảo tôi dừng xe. Hai cảnh sát giao thông trên chiếc mô tô chạy sau áp sát đến.
Họ đòi kiểm tra giấy tờ xe của tôi. Tôi hỏi: Tôi có lỗi gì mà các anh dừng xe
và kiểm tra giấy tờ tôi. Sau hai, ba lần họ đòi và hai, ba lần tôi hỏi lại họ mới
bảo rằng rẽ phải mà tôi không bật tín hiệu báo rẽ gây nguy hiểm cho người
sau.Thật vô lí nhưng tôi vẫn đưa giấy tờ cho họ xem. Điều bất thường nữa là họ
còn hỏi tôi định đi đâu! Sao cảnh sát giao thông lại quan tâm đến việc tôi sẽ
đi đâu nhỉ?
Nhận lại giấy tờ, tôi đến
nhà Văn hóa Thanh niên gửi xe máy rồi đi bộ đến điểm hẹn Quyền Con Người, dải
thảm cỏ và rừng cây đại thụ giữa nhà thờ Đức Bà và dinh Độc lập. Đang đi trong
vườn cây, tôi quay lại thay đổi hướng đi thì phát hiện một thanh niên còn trẻ,
dáng to đậm, mặc bộ đồ xám nhạt, áo có mũ trùm đầu thả sau gáy, bám theo tôi. Mấy
lần tôi dừng lại, ngồi xuống ghế bên lối đi, cậu ta đều dừng lại gần tôi, không
cần giấu giếm sự đeo bám của cậu ta.
Thấy một thanh niên mặt
mũi sáng sủa, bên người có chiếc túi nhỏ như túi sách của sinh viên, ngồi một
mình trên chiếc ghế đúc bằng gang tôi hỏi xin ngồi nửa ghế trống và được chấp
nhận. Tôi bắt chuyện: Cháu đi chơi hay đến đây tham gia sinh hoạt Quyền Con Người?
Cháu có quan tâm đến hoạt động đó không? Cậu thanh niên nói rằng có nghe nhắc đến
việc đó nhưng Quyền Con Người vẫn bình thường, đầy đủ, có gì đâu phải quan tâm.
Tôi nói Quyền Con Người là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo
chí, dân mình đâu có. Cậu thanh niên bảo: Bác nói chuyện với cháu, thế là tự do
tư tưởng rồi còn gì nữa – Nói chuyện riêng thì có thể nói được mọi điều nhưng
nói trên điễn đàn, trên truyền thông thì đâu có được. Người dân biểu tình hợp
pháp chống Trung Quốc xâm lược thì bị bắt bớ, đánh đập, tù đày. Người dân đâu
có được bộc lộ chính kiến – Cháu chỉ quan tâm đến học hành, tương lai thôi –
Quan tâm đến học thì cháu phải học để biết Quyền Con Người của cháu. Cháu chỉ
quan tâm đến tương lai thôi à? Quyền Con Người của cháu không có thì tương lai
làm gì có – Cháu thấy mọi cái đều tốt cả mà. Đất nước đã thay đổi, tốt lên rất
nhiều – Có thay đổi nhưng quá chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng đất nước
và mồ hôi, xương máu của dân đã đổ ra. Cháu có thấy Nhật Bản, Hàn Quốc điều kiện
tự nhiên đâu bằng mình mà chỉ hai mươi năm sau chiến tranh họ đã trở thành con
rồng, con phượng kinh tế thế giới. Còn ta, chiến tranh kết thúc gần bốn mươi năm
rồi, gấp đôi thời gian của họ mà dân vẫn đói khổ, có người mẹ trẻ phải tự tử vì
nghèo đói không nuôi nổi con. Trẻ con miền núi nhịn đói, mùa đông chỉ có manh
áo mỏng đi học trong những lớp học rách nát như cái lều vịt, cháu có biết
không? Có thể cháu có hai, ba bằng đại học, cháu đi làm lương tháng vài chục
triệu đồng nhưng lớp trẻ như cháu cả thì đất nước nguy khốn quá cháu ạ. Tôi nói
thế và chờ nghe cậu thanh niên phản ứng, nhưng im lặng giây lát rồi cậu ta bỏ
đi.
Thấy anh Phan Đắc Lữ đi
một mình, tôi liền vẫy anh lại. Tôi và anh Phan Đắc Lữ đã ngồi ở chiếc ghế gang
trong vườn cây phía trái trước dinh Độc Lập hơn nửa tiếng. Đến tám giờ rưỡi, giờ
hẹn của buổi sinh hoạt Quyền Con Người, chúng tôi đi sang vườn cây bên kia đường,
nơi tập trung đông bạn trẻ. Nhưng đông hơn cả là những sắc áo công cụ nhà nước:
Cảnh sát cơ động. Cảnh sát giao thông. Thanh niên xung phong. Dân phòng. Thanh
tra xây dựng...
Ngày chủ nhật mà nhân
viên vườn cây xả nước lênh láng những lối đi, phun ướt hết ghế ngồi nhưng các bạn
trẻ vẫn rải báo ngồi kín gờ xi măng hai bên lối đi trong vườn cây. Nhân viên vườn
cây lại giở trò đốn hạ cành cây, lấy cớ xua đuổi các bạn trẻ khỏi khu vực cành
cây sẽ rơi xuống. Tôi liền nói to: Này các anh. Ngày thường sao các anh không
làm? Chủ nhật, người dân đến vườn hoa nghỉ ngơi, các anh lại giở trò phun nước,
chặt cây để xua duổi dân là sao? Nhà nước khốn quẫn quá rồi nên phải giở trò
thô thiển, lộ liễu, hèn hạ đối phó với dân. Các nhân viên vườn cây biết rằng việc
họ làm là bất thường nhưng làm theo lệnh nên họ cứ im lặng làm.
Chợt tôi chú ý đến người
đàn ông ngoài năm mươi tuổi, da đen xạm, mặc đồ dân sự đứng cạnh tôi. Tay cầm bộ
đàm, ông đưa lên miệng, nói: Cơ động di chuyển sang bên kia đường! Cơ động di
chuyển sang bên kia đường! Tôi nhìn sang bên kia đường, nơi quần tụ khá đông
người nhưng vẫn yên tĩnh. Cảnh sát 113 di chuyển đến khá đông dưới lòng đường.
Bỗng trên hè đường, ngay cạnh chỗ cảnh sát 113 tập trung, lộn xộn xảy ra. Thanh
niên xung phong, dân phòng, thanh tra xây dựng xô vào một điểm, nhấp nhô, xô đẩy. Những
nắm đấm vung lên. Những dùi cui phóng xuống.
Khi tôi và anh Phan Đắc
Lữ đến chỗ xảy ra lộn xộn, mọi việc đã yên. Mấy chậu hoa đặt mép vỉa hè đổ
nghiêng xuống lòng đường. Bên mép đường, một thanh niên xung phong mở chiếc túi
ni lông đen, lôi những tập giấy trong túi ra, xé vụn. Mọi người cho tôi biết
Nguyễn Hoàng Vi và hai bạn trẻ đi với Vi vừa bị bắt ở đây và chiếc túi ni lông
đen đựng những tập giấy viết về Quyền Con Người là của nhóm Nguyễn Hoàng Vi.