Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Các kịch bản cho thế giới năm 2030

La Revue (tạp chí Pháp)*
Hà Vi dịch

Thế giới của chúng ta sẽ ra sao vào năm 2030? La Revue đang xem kỹ bản báo cáo mới nhất của giới tình báo Hoa Kỳ về các vấn đề: tăng trưởng, siêu đô thị, khủng bố, năng lượng,…

Các nhân viên tình báo Hoa kỳ là những người có trí tưởng tượng thật phong phú. Trong bản báo cáo định kỳ 4 năm một lần, dày 140 trang vừa công bố, Hội đồng Tình báo Quốc gia tại Washington (NIC) đã phác ra bức chân dung toàn cảnh của hành tinh chúng ta vào năm 2030 theo nhiều kịch bản đầy sáng tạo. Họ dùng lăng kính xã hội học để xem xét các vấn đề như các siêu đô thị, vai trò của các mạng xã hội trong địa chính trị hoặc tác động của công nghệ mới đối với năng suất lao động và khả năng sở hữu các vũ khí ngày càng nguy hiểm của con người cá nhân.

Những vấn đề gây quan ngại cho các nhà chiến lược Hoa Kỳ cũng là những vấn đề không mấy xa lạ: kỷ nguyên của một nước Trung Hoa lớn mạnh sẽ đồng nghĩa với hòa bình hay xung đột? Giới trung lưu toàn cầu sẽ có qui mô lớn như thế nào? Cuộc tranh đoạt các nguồn năng lượng, nước hoặc thực phẩm có dẫn tới các cuộc đối đầu không? Tiến bộ về công nghệ liệu có bù đắp kịp cho sự già đi của dân số, của đô thị hóa với tốc độ phi mã và sự nóng lên của khí hậu? Liệu khí đốt nguồn gốc từ đá phiến dầu (schiste) có giải quyết được triệt để sự nan giải một khi dầu lửa cạn kiệt?

Bản báo cáo không nhằm vào việc đưa ra các giải đáp, vì các «siêu xu hướng» được nhận định rất có thể lại bị xoay chuyển bởi những «kẻ tráo bài» - những tảng băng chìm hãi hùng của tương lai. Đối với 16 cơ quan thành viên của NIC, đứng đầu là CIA, chắc chắn họ đã phải hiểu rõ rằng một khi chấp nhận dấu chấm hết cho sự thống trị đơn cực của Hoa Kỳ, thì vấn đề là trật tự thế giới mới sẽ dịch chuyển như thế nào: Một cường quốc bá chủ mới sẽ nổi lên? Chủ nghĩa đa phương hóa lên ngôi? Hoa Kỳ co mình lại? Hay hỗn loạn? Bản báo cáo đề cập nhiều vấn đề, nhưng những gì nó không đề cập cũng rất đáng quan tâm. Nhưng bản báo cáo cho thấy điều rõ ràng là Hoa Kỳ không mấy lo ngại về châu Âu và cũng không tin rằng châu Phi có thể trở thành một tay chơi đáng gờm trên bàn cờ mới. Stéphane Marchand



(Phần 1)
VIỄN CẢNH

Tương lai dưới con mắt CIA
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang nghiên cứu kỹ diện mạo tương lai của thế giới và cố dự đoán những bất trắc có tính chiến lược. Họ đã tiết lộ bốn kịch bản có tính cực điểm nhất. Stéphane Marchand

Quí vị hãy nhắm mắt lại. Hãy thử hình dung một thế giới trong đó Hoa Kỳ không tìm được các đồng minh có khả năng để lập lại hệ thống quốc tế trong khi sự bá chủ của Hoa Kỳ đã hết. Khi đó Hoa Kỳ sẽ phải thu mình lại. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, tất cả đều trong trạng thái mất cân bằng vì sự bốc hơi của trật tự cũ, sẽ cố  khẳng định ưu thế của mỗi nước trong cuộc tranh giành các nguồn lực. Đặc biệt là Trung Quốc, với tăng trưởng kinh tế không được đúng như lời hứa của giới lãnh đạo, sẽ phải đối diện với cơn thịnh nộ bạo lực của xã hội. Khu vực tiếp giáp giữa ba quốc gia hùng mạnh này sẽ xuất hiện sự đe dọa từ các nhóm vũ trang, tự chủ hay bị giật dây, nhất là khi các nhóm này dễ dàng có được những « khí cụ chiến tranh » như đạn dược thông minh hay vũ khí sinh học. 

Nếu quý vị không thích thế giới đó thì hãy nhắm mắt lại và mơ về một thế giới khác. Hoa Kỳ đã quay ngược trở lại trên trường quốc tế, nhất là ở châu Á. Còn Trung Quốc lại biết ơn Hoa Kỳ về điều này, nhất là khi các lãnh đạo tại Bắc Kinh đang phải cố kiểm soát bằng được quá trình chuyển đổi dân chủ không thể đảo ngược, như vẫn thường thấy trong Lịch sử, lúc thu nhập đầu người vượt ngưỡng 15.000 đô la tính theo ngang bằng sức mua. Còn khắp thế giới là sự gia tăng dân số, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa ồ ạt tạo ra một kỷ nguyên tăng trưởng lớn mạnh do những làn sóng đầu tư ào ạt rót vào các công trình công cộng và giao thông.

Nhìn từ Mát-xcơ-va

Mỗi người đều nhìn thế giới theo cách của riêng mình. Bản báo cáo tương tự thực hiện năm 2011 của Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Nga (IMEMO, tương đương với NCI của Hoa Kỳ, nơi đào tạo các nhân viên tình báo Nga FSB) cũng cho thấy những điều thú vị. Nếu như người Mỹ và Nga thống nhất với nhau về sức mạnh mới của Trung Quốc thì những dự đoán của họ rất khác nhau khi liên quan đến bản thân họ. Đối với người Nga, «những nước phát triển nhất về cấu trúc sáng tạo và đầu tư sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Ngược lại, những vấn đề đó lại bị suy thoái ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản ». Người Mỹ thì cho rằng nền kinh tế của họ vẫn sẽ được duy trì mặc cho sức mạnh Trung Quốc gia tăng, và «các nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản và Nga sẽ tiếp tục đà suy thoái từ từ»… J.M.

Đa dạng, chính xác và bao quát

Hai kịch bản địa chính trị-viễn tưởng vừa mô tả ở trên được lấy ra từ bản báo cáo «Xu hướng Toàn cầu 2030» (Global Trends 2030), của một cơ quan tư vấn với những nguồn thông tin có lẽ là thuộc loại phong phú nhất thế giới, đó là Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (NIC) - một cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ, đứng đầu là một Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) phụ trách tất cả các cơ quan tình báo thành viên. NIC có thể lấy mọi tin từ những nguồn tốt nhất của 16 ban thông tin cực kỳ độc lập và đôi khi còn cạnh tranh nhau, trong số đó phải kể đến Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) rất nổi tiếng, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bí mật nhưng cũng rất bề thế, và tất cả các cơ quan phản gián nằm rải rác trong hệ thống hành pháp. Nghiễm nhiên là phần lớn các công việc khổng lồ của Hội đồng Tình báo Quốc gia là bí mật. Nhưng cứ bốn năm một lần Hội đồng Tình báo Quốc gia vẫn cho công bố một bản báo cáo có tên «Xu hướng toàn cầu» (Global Trends) nhằm dự đoán những hướng phát triển trong tương lai của cả hành tinh. Đây là bản báo cáo lần thứ năm, được công bố cuối tháng 12 năm 2012 về giai đoạn từ nay đến 2030. Bản báo cáo không phải luôn luôn thuyết phục được độc giả vì quan điểm của nó quá tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và quá dựa vào tính ưu việt giả định của nền dân chủ phương Tây, tuy nhiên công trình này vẫn xứng đáng được xem xét. Những dữ liệu mà Hội đồng Tình báo Quốc gia có được rất đa dạng, chính xác và sâu rộng, bao quát vào bậc nhất thế giới.

Những ván bài của tương lai

Bản báo cáo này tránh được những khuyết điểm mang tính truyền thống trong sự đoán định. Ở đây, không có hàng loạt những dự báo, cũng không có cả mớ hổ lốn kiểu tương lai học. Bản báo cáo không phải là một tài liệu bày sẵn mọi thứ, mà đơn thuần là cuốn cẩm nang cho cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới. Sẽ vô ích nếu ta kỳ vọng thấy một danh sách các kết luận trong bản báo cáo này. Hội đồng Tình báo Quốc gia chỉ gợi ý một danh mục các thay đổi có tính chiến lược và những cách đánh giá để hướng sự phân tích thăm dò của bạn tới tầm nhìn toàn cầu. Tóm lại, « GT 2030 » là một loạt các « ván bài của tương lai » trong đó những người có trách nhiệm đưa ra quyết định phải xây dựng quan điểm của mình dựa trên 4 công cụ : «các siêu xu hướng», «những đảo lộn về kiến tạo địa chất», «những kẻ tráo bài» và «các thiên nga đen»!

Theo Hội đồng Tình báo Quốc gia, chỉ riêng các siêu xu hướng cũng đủ làm thế giới biến đổi một cách sâu sắc, nhưng khi vận hành, nó sẽ gặp các trở ngại, là «những kẻ tráo bài », làm lệch hướng: rủi ro của một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể xảy ra; sự điều hành thế giới mong manh có thể bị nhấn chìm bởi những biến đổi trong các tương quan sức mạnh của thế giới và các cuộc xung đột có thể xảy ra từ đó. Một số tình huống «những kẻ tráo bài» khó nhận ra hơn và mang tính bạo lực hơn. Đó là những sự kiện hiếm, gọi là «thiên nga đen», mà Hội đồng Tình báo Quốc gia khuyến nghị nên đưa vào bàn cờ chiến lược: những nguy cơ xấu nhất (một bệnh dịch nghiêm trọng hoặc một sụp đổ của khu vực đồng tiền Euro), các nguy cơ khó đoán định nhất (tấn công mạng hoặc các cơn bão địa từ đến từ mặt trời). Nhưng cũng có một số hiện tượng hiếm «thiên nga đen» có thể mang lại những điều tốt lành: một Trung Quốc dân chủ hóa vượt lên hoặc một Iran tiến hành cải cách. Tất cả những yếu tố đó có thể ghép lại tạo thành nhiều tổ hợp khác nhau tương ứng với những kịch bản thay thế khác nhau cho thế giới – theo cách thức «trò chơi chiến tranh» rất được ưa chuộng với những người ra quyết định ở Hoa Kỳ.

Những siêu xu hướng đã khởi động

Trách nhiệm hóa mang tính chất cá nhân: sự giảm nghèo đói và sự gia tăng tầng lớp trung lưu đang đi cùng với sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ các khu vực truyền thông và công nghiệp.

Sự hùng mạnh đã lan tỏa: từ nay đến 2030, châu Á sẽ vượt cả châu Âu và Hoa Kỳ gộp lại trên mọi lĩnh vực của sức mạnh như PIB, dân số, chi tiêu cho quân sự và đầu tư cho công nghệ. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đầu toàn thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều hơn, so với ngày nay, vào những nhân tố mới như Colombie, Indonesie, Nigeria, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự lan truyền sức mạnh này còn được gia tăng bởi sự nổi lên của các mạng lưới vô định hình giữa các Nhà nước và các Tổ chức phi chính phủ với sự hướng tâm vào quyền lực mềm.

Dân số già đi và vấn đề đô thị hóa: các nước đang già đi phải chống chọi để duy trì mức sống hiện nay và những nước có tỷ lệ cao về dân số trẻ dưới 25 tuổi sẽ ít hơn, chủ yếu nằm trong vùng hoang mạc châu Phi Sahara.

Mối liên quan ngày càng chặt giữa thực phẩm, nước và năng lượng: nhu cầu về năng lượng có lẽ sẽ tăng 50% từ nay tới 2030, chủ yếu phụ thuộc vào khí đốt và dầu đốt sản xuất từ đá phiến. Hạn hán sẽ trầm trọng hơn ở châu Phi và nhiều nơi khác, những nơi có năng suất nông nghiệp đang bị đình đốn và, dù cho có tăng trưởng, nền kinh tế cũng đang rất khốn khó. S.M.

Bốn kịch bản mang tính cực điểm:

1.     «Động cơ bị chết»: đây hẳn là một trong những kịch bản tồi tệ nhất. Hoa Kỳ sẽ kết giao với chủ nghĩa tự cô lập. Còn Liên minh châu Âu sẽ sa lầy trong khủng hoảng và suy thoái sau khi đồng Euro sụp đổ. Châu Á  phân ly, chia rẽ và tiếp đến là toàn cầu hóa bị khựng lại.

2.     «Sát nhập»: Để giúp cho các xung đột ở vùng Nam Á không tệ hại hơn, Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc phải can thiệp. Điều đó dẫn đến sự thành lập nhóm G3, và còn được thuận lợi hơn nhờ những bước tiến về dân chủ ở Trung Quốc. Kinh tế thế giới lại tìm ra con đường tăng trưởng.

3.     «Ông thần màu nhiệm bước ra từ miệng bình»: những bất bình đẳng làm hủy hoại trật tự thế giới. Khu vực đồng Euro phải chia tay với các nước thành viên yếu kém. Hoa Kỳ an tâm trở lại vì tìm được sự độc lập về năng lượng dẫn đến việc Hoa Kỳ tách rời khỏi các nước sản xuất năng lượng và đẩy các nước đó vào tình trạng bất an. Thế giới trở nên giàu có hơn nhưng cũng kém liên kết và kém an toàn hơn.

4.     «Một thế giới vắng bóng Nhà nước»: Các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, các viện-hàn lâm, những cá nhân giầu có, ngay cả những cấu trúc vượt trên quốc gia, được hỗ trợ bởi công nghệ cao, sẽ chủ động đối mặt với các thách thức toàn cầu. Sự linh hoạt bền vững của thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh tư nhân, vốn tư nhân và sự từ tâm của con người hơn là các hỗ trợ phát triển từ nhà nước.
… và bây giờ, đến lượt dự đoán của quí vị!

Thế giới đơn cực sẽ chấm dứt!

Sẽ có một cú nhảy vọt cuối cùng về ngôi vị bá chủ hay sẽ hướng đến một thế giới hợp tác đa cực? Sẽ xuất hiện chủ nghĩa tân tự cô lập hay là một sự sụp đổ? Đó chính Vấn Đề. Vai trò của Hoa Kỳ sẽ biến đổi ra sao trong một thế giới không còn siêu sức mạnh? Đối với Hội đồng Tình Báo quốc gia, «khả năng có thể nhất là Hoa Kỳ vẫn sẽ dẫn đầu các cường quốc vào năm 2030».

Trên trường quốc tế, lợi thế chủ chốt của các cường quốc không chỉ nằm ở sức mạnh kinh tế mà còn ở «ưu thế nổi trội trong tất cả các lĩnh vực của quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm». Điều đó nói lên một điều chắc chắn rằng với sự nổi lên của các siêu cường mới, thời kỳ thế giới đơn cực sẽ chạm tới điểm tận cùng.», và rằng nền « hòa bình kiểu Mỹ » thời hậu 1945 đang tan rã. Đồng thời các đối tác truyền thống của Washington, chủ yếu là thành viên nhóm G7, cũng phải chứng kiến «sự suy thoái tương đối về ảnh hưởng chính trị và kinh  tế của họ». Trong 20 năm tới, Hoa Kỳ sẽ phải kết giao liên minh tạm thời với nhiều quốc gia vì tính cấp bách. Việc có một cường quốc nào đó thay thế Hoa Kỳ vào khoảng năm 2030 là ít có khả năng xảy ra. «Các cường quốc mới nổi đều nóng lòng muốn có chỗ trong các thể chế đa phương lớn như Liên hiệp quốc, Quĩ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, nhưng họ không tự đẩy tới chỗ va chạm đối đầu». Các quốc gia này muốn theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế và củng cố vị thế chính trị cho chính họ hơn là phản đối sự dẫn dắt của Hoa Kỳ đang trên đà suy thoái. Bởi vì, Hội đồng Tình báo Quốc gia kết luận gần như thẳng thắn rằng «tất cả đều hiểu rõ rằng một sự sụp đổ bất thần của Hoa Kỳ sẽ mở ra một giai đoạn hỗn loạn kéo dài trên toàn hành tinh ». S.M.

(còn tiếp)
*Nguồn: La Revue (bản giấy, tạp chí quan hệ quốc tế ra hàng tháng của Pháp) No 29, Tháng Hai, 2013.